Trưa qua, Lãnh sự quán Úc mời ăn trưa nhân 21.6 nhưng từ chối. Chỉ nghĩ đến lúc tan tiệc, về giữa trưa nắng, cảm thấy oải quá. Buổi chiều, có người mời đi ăn buffet cũng né luôn. Không thân thiết lắm, ngồi ăn phải trò chuyện xã giao, vui sướng gì? Sáng nay đến cơ quan làm việc. Trên đường đi, nghĩ ngợi linh tinh như thói quen mọi ngày.
Sáng nay, nghĩ gì?
Nghĩ rằng, “y giỏi thật”.
Không giỏi sao được, suốt hai năm qua đã viết đến hàng trăm tình huống trong chuyện hôn nhân tình yêu. Một phần đã gom thành tập Khi tổ ấm nhảy Lambada. Có lẽ lời khen của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Thanh Bình khiến y vui nhất: “Sao chú cứ như "ma xó" vào nhà người ta thế?”. Thật ra, y chỉ tưởng tượng, chứ làm gì có kinh nghiệm. Thế bây giờ đã cạn đề tài chưa? Chưa. Tuy nhiên có ai gợi ý, vẫn tốt hơn. Hôm nọ, ngồi ở Đo Đo, anh Lưu Đình Triều gợi ý vài đề tài, trong đó có chuyện… “cắt của quý”. Chỉ thoạt nghe đã xay xẩm mặt. Y quan niệm, đời sống vợ chồng bao giờ cũng có những sự cố này nọ, tuy nhiên vấn đề đặt ra vẫn là chọn cách giải quyết. Y hoàn toàn không muốn đề cập đến chuyện máu me, gay cấn, khốc liệt, thù hận đó. Chỉ tưởng tượng đã chết khiếp rồi. Né tránh cho xa, dù đề tài này cực hấp dẫn, thời sự nữa. Nhưng, đành chịu.
Ủa? Trong thơ Việt Nam có bao giờ chạm đến chuyện bi hài đó chưa? Tình cờ đọc tập Chiến ca mùa hè của Phạm Lê Phan lại thấy có. Ông là tác giả bài thơ Xin tha thứ, Phạm Duy đã phổ nhạc vào tháng 5.1972. Trong bài Nghiêu ngao trên đỉnh kiên trì, ông viết khổ thơ:
Vài đứa bị thương - thời tiết xấu
Ngón-ân-tình-lớn đạn cưa ngang
Một tuần rên “đã”, bèn ca hát:
“Tội tình em lắm, hỡi em lan…
Nghe hài hước mà cũng nào nùng ghê. Tập thơ Chiến ca mùa hè, nhà thơ Tường Linh viết Bạt. Thời sinh viên, y ở trọ trên đường Đinh Bộ Lĩnh, cách nhà của nhà thơ Tường Linh, nhà văn Bà Tùng Long chỉ vài căn. Thỉnh thoảng, ghé có qua nhà ông Tường Linh uống trà, đàm đạo thơ văn. Sau khi ra trường, về báo PN mới biết vợ của ông là cán bộ Hội Phụ nữ phường. Vợ chồng ông cũng là cộng tác viên của báo PN từ những số báo đầu tiên. Lúc y ở trọ, sát vách là nhà cầm đồ. Thời đó, đôi lúc túng quá cũng cầm vài bộ quần áo, rồi chuộc lại, có khi bỏ luôn. Lúc mình ngặt nghèo, họ tha hồ chê ỏng chê eo, chỉ cho vay không bằng 1 một 10 giá trị đồ của mình. Biết thế, nhưng có nhiều người nghèo cũng phải đâm đầu vào.
Thời còn sống, có lúc chị Ái muốn kiếm sống bằng nghề quái quỷ này, y cương quyết không cho. Ăn đồng tiền đó sướng ích gì. Cuối cùng, chị cũng phải nghe theo, kinh doanh quần áo cũ. Thời đó gọi “đồ Sida”, “đồ bành”. Mua từng kiện hàng quần áo từ ngước ngoài gửi về, rồi phân loại tùy đẹp, xấu, cũ, mới mà bán ra với giá khác nhau. Loại quần áo này, thiên hạ đã sử dụng rồi nhưng với người khác vẫn hàng mới. Thời đó thịnh hành lắm. Dọc đường Triệu Nữ Vương, Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng) lúc ấy buôn bán nhiều. Gần đây khi đi chơi trên miệt Tân Bình, Tân Phú còn thấy quần áo mới toanh đổ ra bán đầy lề đường, gọi “hàng tồn kho”, “hàng xổ”… Chẳng mấy ai ghé mắt đến, cũng chỉ dành cho người nghèo. Bây giờ phải “hàng hiệu” mối sành điệu. Đời sống đã khác trước. Xem lại Từ điển từ mới tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB TP.HCM - 2002) vẫn chưa thấy cập nật những từ trên.
Lẽ ra ngay cả ký hiệu “&” sử dụng đã lâu cũng phải đưa vào từ điển. Vẫn hiểu nôm na “&” là “với”, “và” nhưng cụ thể ra làm sao? Có ai giải thích giúp không? May quá, ông bạn An Chi giải thích: “Ký hiệu “&” là “chữ cái” thứ 27 trong bản chữ cái của tiếng Anh, ngoài 26 chữ cái đã biết từ lâu, nghĩa là sau Z là &. Hai chữ cuối cùng (Z, &) được đọc là “Zed and per se and” nghĩa là "zed và (cái chữ) tự nó (có nghĩa là) và". Với thời gian người ta không còn nhận thức được rằng “and per se and” có nghĩa là “và (cái chữ) tự nó (có nghĩa là) và” nữa mà chỉ đơn giản ngỡ rằng, “and per se and” là tên của ký hiệu “&”. Lại với thời gian, bốn âm tiết “and, per, se, and” dính vào nhau rồi -nd của and bị p- của per đồng hóa thành (âm môi) m nên ngày nay mới có danh từ ampersand để gọi ký hiệu “&”.
Trước kia, khi ông An Chi xuất bản bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây, y có viết bài giới thiệu in PN, chủ yếu viết về “lý lịch” của ông. Viết lâu quá rồi, chỉ còn nhớ đôi nét rằng, ông sinh ra tại Sài Gòn năm 1935, năm 1954 ông tự ý “tập kết” ra Bắc chứ không theo đường dây của tổ chức nào. Thế mới rắc rối. Chẳng ai hiểu rõ Võ Thiện Hoa (tên thật, ngoài ra còn có tên Pháp Emile Pierre Lucatos) ra Bắc với mục đích gì? Cuộc đời của ông lắm nỗi éo le, có thời gian ông đi TNXP theo lời kêu gọi của Phòng miền Nam Bộ Giáo dục, rồi đi dạy. Chính trong khoảng thời gian này ông tự học. Chẳng rõ vì sao trước kia tạp chí KTNN ngưng chuyên mục Chuyện Đông chuyên Tây do ông phụ trách? Lần nọ, TSKS - L.K.C bảo: “Làm báo còn là duy trì các mối quan hệ nữa. Ông An Chi không hiểu rõ điều đó”. Đúng quá, trong nghiên cứu, nếu thấy sai, dù báo bạn, đồng nghiệp cũng phải góp ý trên tinh thần học thuật. Ông An Chi là thế. Đó là lý do chăng? Không dám kết luận. Chỉ biết rằng, ông An Chi luôn là người bạn tốt, kiến thức đáng tin cậy, chưa bao giờ ông từ chối trả lời, giải thích thắc mắc của y.
Trở lại với chuyện cầm đồ. Có lẽ, nhân vật người cầm đồ nổi tiếng nhất là Alyona Ivanovna trong tác phẩm Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky. Do căm ghét “mụ đàn bà tồi tệ, bệnh hoạn, tham lam, ăn lời cắt cổ, hút máu đồng bào, chấy rận của xã hội” nên Raskolnikov - một sinh viên trường luật ở Petecbua lạnh lùng lấy búa bổ vỡ đầu mụ và cướp tiền bạc, châu báu. Sau vụ giết người khủng khiếp đó, dù chưa bị phát hiện, lương tâm của Raskolnikov vẫn bị dày vò. Điều cốt lõi là gì? Dù các nhà làm luật có đưa ra hàng loạt biện pháp trừng trị kẻ sát nhân, nhưng không sự trừng phạt nào dữ dội, mãnh liệt bằng hình phạt trong lương tâm của chính hắn.
Đọc hồi ký của cụ Vương Hồng Sển, thỉnh thoảng cụ nhắc lại rằng, dân biết chơi đồ cổ thứ thiệt không bao giờ ép giá của người khác. Có những gia đình danh gia vọng tộc, sắm được nhiều đồ quý, “hàng độc” nhưng đến đời con cháu sa cơ thất thế nên phải bán dần, chẳng nắm rõ giá trị thật của nó. Biết thế, nhiều tay chơi đồ cổ ranh ma bèn cò kè, ép giá, mua với giá rẻ mạt. Cụ Sển bảo, mua bán như thế là “thất đức”. À! Ông bà mình nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Chắc gì ông bà mình nói? Biết đâu bọn ăn trên ngồi trốc, đè đầu cởi cỗ dân đen đã bịa ra câu đó nhằm tự bào chữa cho việc làm thất đức? Y có đức không? Chắc có nhưng ít. Nhiều người phụ nữ long lanh lệ thầm vì y, vậy y thất đức quá đi chứ? Ngược lại cũng do ít đức nên y cứ la oai oái: “mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều”?
Ôi đời, chả biết thế nào mà lần.
Sáng nay, đọc báo thú vị với thông tin này, trên báo Tiền Phong: Ba nhà khoa học Việt vào danh sách “ảnh hưởng lớn nhất” thế giới: “Thomson Reuters, tổ chức hàng đầu thế giới về việc theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu, vừa báo cáo danh sách hơn 3.000 nhà khoa học “có ảnh hưởng lớn nhất” trong năm 2014.
Lần đầu tiên ba nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách này.Ba nhà khoa học gồm GS Đàm Thanh Sơn đang giảng dạy ngành vật lý tại Đại học Chicago (Mỹ); GS.TS Nguyễn Sơn Bình nghiên cứu giảng dạy ngành hóa học, Đại học Northwestern (Mỹ); PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Danh sách 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất của Thomson Reuters được giới khoa học quốc tế coi như bản đánh giá thành tích khoa học khách quan nhất. Việc đánh giá dựa trên các bài báo, công trình khoa học của các nhà khoa học được xuất bản trong năm 2013, ảnh hưởng của các công trình này, số lần được các tác giả khác trích dẫn”.
Tìm trên google lúc 16g 45 phút về cụm từ “GS Đàm Thanh Sơn”: Khoảng 219.000 kết quả (0,37 giây); "GS.TS Nguyễn Sơn Bình": Khoảng 240.000 kết quả (0,33 giây); "PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng": Khoảng 314.000 kết quả (0,26 giây). Trong khi đó, chọn lấy Đàm Vĩnh Hưng - ca sĩ vinh dự số một được báo TT Cười trao vĩnh viễn giải thưởng Trái Cóc Xanh: Khoảng 3.860.000 kết quả (0,49 giây).
Nghĩ gì với số liệu thống kê này? Chẳng nghĩ gì, chỉ gợi ý cho đồng nghiệp một đề tài thú vị.
Chiều rồi.
Làm gì cho hết buổi chiều?
L.M.Q
Đoàn nhà báo viếng danh thắng Tràng An (Ninh Bình) - ảnh chụp ngày 7.6.2009 tại sân bay Nội Bài
Sáng nay, vẫn phở. Đọc báo như mọi ngày. Thông tin này đáng lưu ý nhất: “Chiều 23.6, tại Doha (Qatar) với 100% số phiếu tán thành, 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình - Viet Nam) là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau gồm di tích cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An đã nâng tổng số các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của VN lên 8 khu di sản. Đặc biệt, đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của VN được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên”. Trước Tràng An, Việt Nam đã có 7 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nhận danh hiệu của UNESCO, bao gồm cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long, Phong Nha Kẻ Bàng và thành Nhà Hồ.
Cách đây vài năm, tháng 6.2009, y đã đến nơi này. Chuyến đi do Trung tâm Kỷ lục Việt Nam mời nhà báo tháp tùng theo các nhà sư đưa xá lợi Phật về chùa Bái Đính (Ninh Bình). Chuyến đi đó, còn nhớ có nhà báo Giao Hưởng, Nhật Lệ, Nguyễn Thanh Phong, Hữu Thân, Ngô Kinh Luân… Từ sân bay, khi đoàn về chùa Quán Sứ, cả hàng ngàn người dân tập hợp chỉnh tề chứng kiến. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa, trước lúc lên xe về Ninh Bình, y có vào tòa soạn báo PN thủ đô thăm bạn thơ Giáng Vân và người bạn nữa, tạm gọi cô X.
Có lần Đoàn Tuấn bảo, thời trẻ X đẹp lắm, biết bao chàng trai mê đắm nhưng rồi vẫn phòng không chiếc bóng. Trước đó nữa, lúc ra HN theo học lớp biên tập đã quen X. Đã cùng Mai Sơn, Nguyễn Trọng Tạo về căn hộ nhỏ xíu của X ở chung cư lai rai rượu chè cả đêm. Quý mến cô ở tính cách mộ đạo, làm thơ và hiếu khách. Có nhiều người đeo đuổi X, thậm chí một doanh nhân người Nhật ngỏ lời nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Câu chuyện này lạ lùng, khó có thể tin được do X kể. Trong nhà X chỉ có hai chị em. Khi cô chị là X tỏ ý đi cưới chồng, lập tức cô em khóc lóc, căm giận, gào thét: “Lúc bố mẹ chết, chị bảo chị ở suốt đời với em. Sao nay, chị lại bỏ em?’. Mỗi sáng thức dậy đã thấy cô em chuẩn bị từ bàn chải đánh răng đến khăn mặt. Cơm nước hàng ngày lo toan chu đáo. Chăm sóc chi li từng chút như mẹ lo cho con. Có những lúc cô đi công tác, tìm cách xa HN một thời gian, thời đó làm gì có di động, vậy mà vài ngày sau cô em vẫn tìm số điện thoại của khách sạn, gọi vào tận phòng than thở, khóc lóc. Chịu hết xiết, cô lại về.
Lúc ấy, chiêm bái chùa Bái Đính, ngạc nhiên biết hầu hết các vị lãnh đạo cao nhất nước đều có trồng cây lưu niệm tại đây. Ngày đó, chỉ mới có ngôi chùa lớn, cảnh quang chung quanh vẫn đang xây dựng dần. Phía tầng dưới cùng là nhà hàng cơm chay, đủ sức chứa cả ngàn người. Sạch sẽ. Thoáng mát. Nghĩ cũng lạ, đi chùa là lòng hướng về nẻo thiện, ấy mà khoái khẩu, hấp dẫn anh em nhà báo nhất vẫn là món dê núi Ninh Bình. Nghĩ lại còn thèm. Ngoài trời đang mưa rào rào. Lại chiều nay có hẹn với nhà văn Lê văn Nghĩa nữa. Sắp đến giờ rồi. Chẳng lẽ ngồi đây miêu tả món ngon đó hay sao? Chỉ nhớ, ở đó phổ biến câu vần vè, đại khái:
Rượu ngon cơm cháy thịt dê
Ninh Bình chào đón khách về thăm quan
Dạo chơi non nước Tràng An
Hạ Long trên cạn, đại ngàn Cúc Phương
Ninh Bình, trong lý lịch ghi rành rành “nguyên quán” nhưng hầu như ký ức của y không có một dấu vết gì. Từ đó suy luận ra, dù “quê cha đất tổ” nhưng không chôn nhau cắt rốn tại đó, không thường về thăm, không có mối ràng buộc thân thiết với các thành viên trong dòng tộc, không kỷ niệm tuổi thơ… thì trở về thăm quê cũng chẳng khác gì khách lạ chăng?
Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn rồi
Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai
Nền nhà nay dựng cơ quan mới
Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!
Chế Lan Viên có thời gian sống tại Bình Định, vài chục năm sau quay về còn ngỡ ngàng đến thế. Huống gì, trong đời y chỉ về quê cha một hai lần, lúc ông chú còn sống. À, mấy đứa cháu, con của em ruột y sinh ra tại Úc, nói tiếng Anh như gió, chỉ bập bẹ vài ba tiếng Việt liệu chừng sau này nhớ về Đà Nẵng có cảm giác ngỡ ngàng ấy không? Trong khi đó, chắc chắn một điều anh em ruột y rất yêu Đà Nẵng. Yêu đến tận cùng máu thịt. Nhớ từng ngóc ngách, từng đường phố, từng kỷ niệm tuổi thơ, từng ngày níu vạt áo dài của mẹ đòi ẳm bồng ra chợ... Bao nhiêu là nhớ. Xiết bao là thương. Không thương không nhớ, làm sao mỗi lần “Về Đà Nẵng” có thể cảm nhận:
đi trên đường phố
mỗi viên gạch xanh rêu như gọi tên tôi
dưới gót giày
sao linh hồn tôi không nhập vào cây
kiên nhẫn đứng chào hai mùa mưa nắng?
sao tôi còn tồn tại nơi đây
không tan ra giữa muôn trùng im lặng?
sao tôi không hóa thành mây
bay phiêu lãng dưới vòm trời Đà Nẵng?
sao tôi không hóa thân làm cơn sóng
tan trong hư vô réo gọi bến sông Hàn?
tôi thầm mong từng đêm rét cóng
được hóa thành cây bạch đàn
run lên tiếng hát
những con phố ngày xưa đã khác
chẳng ai nhận ra tôi
sao em không còn đặt trên môi
những âm thanh Quốc ơi
tôi già nua mà phố xá bình minh như trẻ nhỏ
mơ hồ nghe trong gió
ai đó
gọi tên tôi
dưới gót giày
(1999)
Ngoài trời vẫn đang mưa. Vòm trời xám xịt. Sực nhớ ngày còn đi học, những lúc mưa đạp xe dọc theo sông Hàn. Hàng cây bạch đàn ngã nghiêng trong gió, từng vạt mưa che tầm nhìn, cay mắt, nghe tiếng sóng vỗ ì ầm vào ghềnh đá... Những vết hắn năm tháng vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Thoáng gần thoáng xa. Y yêu Đà Nẵng - Quảng Nam đến độ báo Quảng Nam (số 17.6.2014) nhận xét: "Lê Minh Quốc được nhiều người gọi đùa là người Quảng Nam “chính hiệu”. Không biết có phải do anh là người con đất Quảng hay không, chỉ biết qua các trang viết về quê nhà, dễ nhận thấy một Lê Minh Quốc am hiểu sâu sắc về lịch sử vùng đất, văn hóa, ẩm thực xứ Quảng. Bản tính “Quảng Nam hay cãi” nhiều phen vận vào Lê Minh Quốc và chính anh cũng tự thú nhận: “Bản chất người Quảng vốn “ăn cục nói hòn”, “nghĩ sao nói vậy”, không giỏi mồm mép, không “mồm mép đỡ chân tay”; họ ghét những kẻ “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”! (http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/201406/chuyen-nha-bao-viet-van-497308/).
Mấy hôm nay, sách vở bê bối quá, muốn sắp xếp nhưng lười quá. Đưa tay lấy cuốn sách này đặt lại cho đúng vị trí, chỉ vừa nhìn cái tựa, à cũng hay, thế là đem luôn vào phòng ngủ. Đêm qua đọc Tùy tưởng lục (NXB Văn Nghệ TP.HCM -1992) của nhà văn Ba Kim. Ông này có thời gian lên voi xuống chó bởi “đại cách mạng văn hóa” suốt mười năm. Bước qua tuổi 80, ông muốn viết lại những gì mình đã suy nghĩ. Lúc cuối đời, một nhà văn lớn của Trung Quốc đã “chân thoại” (lời nói thật) thế nào? Há chẳng phải là điều hấp dẫn đó sao? Đọc tập này, thấy có mấy ý xuyên suốt:
- Con người ta chỉ nói thật, mới có thể sống được tử tế (tr.258).
- Lâu đài xây dựng trên cát thì không bền vững, quyền thế xây dựng trên những lời nói dối, nói khoác cũng không lâu dài được. Những người thích nghe và thích nói dối bị trừng phạt (tr.270).
- Lúc đầu tôi nghe người khác nói dối, tôi còn thấy không hài lòng, không chịu tỏ thái độ. Thế nhưng hết cuộc họp này đến các cuộc họp khác, họp mãi, họp mãi, cuối cùng tôi cảm thấy cần phải vứt bỏ cái gánh nặng “suy nghĩ độc lập” đi mới có thể “nhẹ bớt hành trang” mà tiến lên. Tôi cũng vô hình chung bị cải tạo mất rồi” (tr.254).
- Dùng hình thức họp hội nghị để mở rộng việc nói dối, không thể làm ai xấu thêm, mà chỉ mở rộng phạm vi nói suông, nói dối, khích lệ mọi người lừa bịp lẫn nhau” (tr.257).
…
Bàng bạc qua trang viết, nhà văn Ba Kim luôn tự nhủ: “tôi coi việc nói thật cũng là mục tiêu phấn đấu những năm cuối đời mình” (tr.267). Theo quan điểm của ông: “Cái gọi là nói thật, ở đây không phải là chân lý, cũng không phải là những lời nói chính xác. Tự mình nghĩ thế nào thì nói thế ấy, tức là nói thật” (tr.266). Quá hay, đáng để ngẫm nghĩ thêm.
Thử hỏi, nhà văn Việt Nam vào cuối đời có suy nghĩ gì khác?
L.M.Q
Số báo Thằng Bờm tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ (số 86 phát hành 19.1.1972). Tư liệu: L.M.Q
Tối qua, đọc sách linh tinh. Ngủ sớm. Mới 20g đã ngáy rền vang. Sáng nay, dậy sớm. Ngày đầu tuần. Chúc một ngày tốt lành. Sực nhớ câu thơ của Vũ Hoàng Chương tặng Vũ Bằng:
Có bằng nói láo bốn mươi năm
Vũ ấy sao mà giọng vẫn văn
Hay tại đa ngôn đa báo hại
Giường tiên trời phạt chẳng cho nằm
Đâu riêng gì Vũ Bằng. Văn nghệ sĩ, người sáng tạo là vậy. Đến một lúc nào đó, viết thêm một quyển sách, in thêm một tập thơ… cũng thế thôi. Chẳng hơn gì thêm. Đã có thể rửa tay gác bút. Nghỉ ngơi. Nhưng họ vẫn hì hục trên trang viết. Từng ngày. Từng ngày. Cái nghiệp đó chăng? Sáng nay, đọc báo TN thấy tội nghiệp cho ông cụ Trần Văn Tiệp, rất tội nghiệp bởi đã gần đất xa trời nhưng cụ vẫn cứ phải lặn lội, đau đáu với kho báu “kho vàng 4.000 tấn” trên núi Tàu (xã Phước Thể, H.Tuy Phong, Bình Thuận). Tội nghiệp cho cụ thì ít, tội nghiệp cho môi trường, cảnh quan, thiên nhiên nơi ấy thì nhiều. Có những việc là những tưởng vì “lợi ích quốc gia” nhưng lại có tội với thế hệ sau. Sau nhiều năm mải mê tìm kiếm đến trợn tròn con mắt chẳng thấy vàng đâu, nay “cụ Tiệp và các cộng sự muốn dùng thuốc nổ để bóc tách lớp đá ngay vị trí thăm dò”.
Ô hô!
Thử hỏi, điều gì làm thay đổi cá tính của một dân tộc? Dù chưa suy nghĩ sâu nhưng dám quả quyết rằng, chính thể chế, cơ chế chính trị của mỗi thời chăng? Có những vùng đất, dù chưa đến nhưng qua thơ văn, tùy bút, âm nhạc, tiểu thuyết, hội họa… tự nhiên có cảm tình vô cùng. Đến Huế, lần đầu tiên đến bằng máy bay, lúc là đà trên bầu trời xứ Huế tự nhiên trong đầu vụt lên tiếng hát: “Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau…”. Chỉ cần nghe thế, đã yêu Huế. Thời thơ ấu, ngày hè thường vào Quảng Ngãi, ở ngay trong nhà máy điện, nơi gia đình ông cậu ruột sinh sống. Kỷ niệm tuổi nhỏ êm đềm. Vì thế, y có cảm tình với con người sinh ra nơi ấy.
Lớn lên một chút, nhớ về Quảng Ngãi lập tức nhớ đến Nguyễn Vỹ và Bích Khê. Nhớ, bởi đã đọc thơ văn của họ nên đâm ra càng yêu mến vùng đất ấy hơn nữa. Ba của y là độc giả thường xuyên, bạn đọc dài hạn của tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ làm giám đốc, chủ bút. Khi đọc bài viết Nguyễn Vỹ: Một kỷ niệm với nhà báo Hồng Tiêu, có comment của bạn đọc trên facebook:: “Nguyễn Vỹ - một cuộc đời lận đận, đa truân, ông viết nhiều thể loại... Ngoài "Tuấn, chàng trai nước Việt", thơ ông cũng có nhiều nét lạ, độc đáo qua cách sử dụng loại thơ hai chữ, ba chữ... đến nhiều chữ như "Sương rơi" (hai chữ) rất ấn tượng! Nhưng người đời "nhận xét" về ông, thường không khách quan, hơi thiên lệch... Rất trân trọng một tấm lòng vì Văn học như ông!”.
Còn nhớ, cách đây vài năm tạp chí Xưa & nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có in bài của nhà nghiên cứu Sử học người Pháp, theo ông, tìm hiểu chứng tích Việt Nam từ năm 1900 tại Việt Nam không thể bỏ sót Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ. Đó là tập sách ông rất tin cậy về mặt sử liệu và cách viết hấp dẫn. Đến nay vẫn chưa có cuộc hội thảo khoa học nào đánh giá đúng mức về tài năng Nguyễn Vỹ. Ông viết ghê gớm quá, sức viết không thua gì Phan Khôi, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn vể mặt thể loại, ký nhiều bút hiệu như Nguyễn Vỹ, Diệu Hiền, Tân Phong, Ba Tèo… Không rõ có ai còn nhớ đến bài thơ Vũ Hoàng Chương khóc Nguyễn Vỹ lúc hay tin bạn mình tử nạn xe hơi ngày 14.2.1971 trên chuyến xe Mỹ Tho - Sài Gòn? Nguyên văn như sau:
Chuyến xe định mệnh
Hàng cây xõa tóc chạy đâm nhào
Ngược với chiều xe chúi mũi lao...
Trước mặt có gì nguy? hẳn thế!
Không dừng lại được biết làm sao!
Vũ Hoàng Chương
Lúc này, y chịu khó đánh máy lại một bài thơ của Nguyễn Vỹ, âu cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn một nhà văn sáng lập tờ báo đã trở thành “món ăn tinh thần” của ba y trong nhiều năm tháng. Bước qua kệ sách, chọn hú họa một quyển Phổ Thông, lật trang 226-227, chuyên mục Thơ lên ruột có in bai thơ châm biếm - nguyên văn như sau:
Đại hội chuột
Trong hang cùng tuốt luốt
Đêm giao thừa Năm Chuột
Mở Đại hội Hoa đăng
Tưng bừng đèn với đuốc
*
Đủ bà con thân thuộc
Cả họ hàng làng Chuột
Từ các cống, các hang
Đều bò về dự cuộc
*
Rồi chàng Chủ tịch Chuột
Mõm dài, lông đen mướt
Mở đại hội liên hoan
Với những lời chải chuốt
-Thưa các đồng chí chuột
Năm Tý nay nhập cuộc
Xin hân hạnh chào mừng
Anh chị em cật ruột
Năm Heo rồi toàn quốc
Ngự trị một năm suốt
Ụt ịt ăn đã đời
No nê rồi đi tuốt
Năm nay là năm Chuột
Ta cũng phải sáng suốt
Biết len lỏi cao sang
Biết lâu dài chui tuốt
Biết gặm thóc, nhai khoai
Cắn cả giày, cả guốc
Bất cứ gặp món gì
Đều cũng được gặm tuốt
Kìa loài Hạm, loài Heo
Trời cho nanh cho vuốt
Ta có hai hàm răng
Nhọn thua gì lưỡi cuốc?
Phải đào hố đào hang
Đường Đông - Tây thông suốt
Phải nhanh cẳng nhanh chưn
Phải chịu mình lem luốc
Miễn được ăn no nê
Bất cứ đồ nhơ nhuốc
Hễ kiếm được là ăn
Nuốt không trôi cũng nuốt
Lo xây ổ xây hang
Cho vợ con béo nuột
Cho tốt mã, tốt lông
Cho đầy gan, đầy ruột
Còn “nhiệm vụ thiêng liêng”
Là vấn đề phụ thuộc
*
Thưa các đồng chí Chuột
Nếu ta không lo nuốt
Không lo gặm, lo ăn
Lỡ rồi đây thế cuộc
Sẽ biến đổi mần răng?
Vì thời gian ngắn nguốc
Dẫu ta có ve vuốt
Nhưng nhiệm vụ không lâu
Rồi thời cơ đi tuột
Hết nhiệm kỳ của Chuột
Ta nhường chỗ ra đi
Thế là xong tuốt luột
Cho nên ta sáng suốt
Cố ăn, ăn, ăn, ăn!
Cố nuốt, nuốt, nuốt, nuốt!
Hoan hô năm Tí ta
Hoan hô năm Con Chuột
*
Thế là cả bầy Chuột
Đồng thanh hô một nuột:
Hoan hô Đại hội ăn
Hoan hô Hội đồng Chuột
Diệu Hiền
(nguồn: tạp chí Phổ Thông số 27 - 15.1.1960)
Còn nhớ lần đâu tiên đăt chân đến Nghệ Tĩnh, y săm soi quan sát từ con người đến nhìn ngắm đường phố, vòm cây… với tất cả sự tò mò và kính trọng. Sở dĩ có thái độ ấy bởi vùng đất này, nhiều thế kỷ trước đã sinh ra những nhân vật kỳ tài. Đáng nể nhất vẫn là những tấm gương hiếu học. Đi về miền Nam cũng không khác gì, vẫn là sự tò mò, tìm hiểu. Tất nhiên, nơi nào cũng có những nét riêng biệt hấp dẫn, khó có thể so sánh. Con người vùng miền nào cũng đáng yêu.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Đà Nẵng, Ninh Bình, Hà Nội, Đà Lạt, Cần Thơ, Quảng Trị… đâu cũng quê mình. Yêu từng vùng đất ấy. Thế rồi, dần dà sự yêu mến ấy vơi đi nhiều lắm. Quan sát con người vùng miền qua từng sự việc cụ thể lại thấy họ đã mất dần các tính cách đáng yêu. Đôi khi, y hỏi chính y, có tủi nhục không khi đọc báo biết rằng những công ty liên doanh không nhận công nhân vùng này, vùng nọ? Có đau đớn không khi trộm chó, chẳng may bị phát hiện có thể bị giết chết? Có thể cười nôn ruột được không khi báo LĐ sáng nay đưa tin “Vietnam Airlines hoãn chuyến, hơn 200 người chờ... 1 khách VIP”? Có thể tưởng tượng nổi không khi máy bay VietJetAir (VJA) đi Đà Lạt nhưng… hạ cánh xuống Cam Ranh? v.v… Nói rộng hơn, tính cách của một dân tộc cũng đang nhạt dần. Do tác động nào? Từ đâu? Chưa dám quả quyết nhưng đôi lúc tự hỏi có phải do chính thể chế,cơ chế chính trị của mỗi thời không?
Chưa ai để tâm suy nghĩ vấn đề này một cách thấu đáo.
Nghĩ thì nghĩ thế. Biết quá mà, con người y hời hợt lắm, có thể nghĩ sâu xa được cái quái gì đâu.
Chiều nay, qua chung cư một chút.
L.M.Q
Ban Giám khảo, từ phải: Nhà thơ Lê Minh Quốc, nghệ sĩ Xuân Hương, chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi, bác sĩ Mỹ Liên - chuyên gia dinh dưỡng Nestlé & ca sĩ Cam Ly
Trời mưa. Những cơn mưa buổi chiều thường u ám, khiến người ta chỉ muốn bó gối ngồi nhà. Ngước nhìn từng sợi mưa. Nhìn từ cửa sổ, rồi buông một tiếng thở dài, đôi khi chẳng rõ vì lý do gì. Mưa buổi chiều. Nằm nhà đọc sách vẫn lý thú nhất. Mắt nhìn dòng chữ trong sách. Tai nghe mưa. Và trong óc hiện lên bao hình ảnh mờ nhạt xa gần….
Thời tiết mùa này nắng mưa thất thường.
Vào khoảnh khắc nào mà con người ta thèm sống, tự nhiên rạo rực, thèm yêu cuộc sống quyết liệt? Chỉ muốn đặt trên môi tình ca. Và hát. Chỉ muốn thả hết công việc sau lưng. Và chơi. Chỉ thèm xuống phố. Chỉ muốn nhìn lấy thế giới gần gũi quanh mình. Yêu đời bội phần. Ấy là lúc nắng chiều chưa úa. Đêm chưa về. Làn ranh giữa ngày và đêm mong manh. Lúc ấy, nắng đẹp lạ lùng. Nắng gợi lại một niềm yêu sống như cảm giác Phạm Duy đã viết trong một ca khúc: “Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa”. Xao xuyến không cùng.
Chiều nay, không nắng. Ngoài trời đang mưa, thế nhưng không thể ngồi nhà. Phải làm một cốc bia chăng? Tất nhiên. Ngày của các nhà báo. Ngày kỷ niệm công ăn việc làm của y từ lúc vào đời đến nay. Thế thì, tội quái gì không cho phép mình được tận hưởng một chút trong ngày?
Sáng nay, dậy sớm. Đến Hội Nhà báo tham gia cùng các đồng nghiệp trong Cuộc thi nấu ăn “Nhà báo với nghệ thuật ẩm thực”. Ban Tổ chức mời y cùng chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi, nghệ sĩ Xuân Hương, ca sĩ Cẩm Ly, bác sĩ Mỹ Liên - chuyên gia dinh dưỡng Nestlé vào Ban Giám khảo. Cuộc thi hào hứng vui nhộn. Một phần còn do người dẫn chương trình. Có lẽ phải còn lâu, rất lâu nữa thế giới showbiz Việt mới có được một tài năng như nghệ sĩ Thanh Bạch. Anh dẫn chương trình hấp dẫn với cách phát ngôn khi chừng mực lúc ngẫu hứng, thừa sức làm nhộn sân khấu trong bất kỳ tình huống nào.
Nhà báo dự thi, MC Thanh Bạch & Ban Giám khảo
Cuộc thi nấu ăn chủ đề “Món ngon ngày hè”, các đội dự thi phải trổ tài nấu những món ăn cân bằng dinh dưỡng phù hợp trong tiết hè oi bức. Các món ăn, thức uống đáp ứng tiêu chí có tác dụng làm mát cơ thể, bổ sung dinh dưỡng cần thiết trong điều kiện thời tiết và áp lực công việc hằng ngày. Sau phần tranh tài gay cấn, Ban Giám khảo đã công bố giải Nhất Ẩm Thực Vàng thuộc về đội nhà báo Thu Ba (Báo Phụ Nữ TPHCM) - nhà báo Trọng Vũ (Báo điện tử Dân Trí) với món “Bánh đa cua tình yêu mùa hè”; giải Nhì thuộc về đội của nhà báo Sơn Nhung (Báo Người Lao Động) - nhà báo Trọng Tri (Báo Giáo dục TPHCM ) với món “Cơm nhà mình” gồm các món canh thiên lý nấu bò, tép riu ram khế, rau chọi luộc, cá bớp hấp hành. Ngoài ra còn có giải Ba và các giải Khuyến khích. Đây là Cuộc thi hằng năm do hội Nhà báo TPHCM phối hợp với công ty TNHH Nestlé Việt Nam tổ chức. Năm nào, y cũng là thành viên Ban Giám khảo, đơn giản y cũng là người thích đùa, thích oang oang trong không khí nào nhiệt ồn ào. Đôi khi cũng cần phải thế. Ai biết được lúc y lẻ loi một mình? Thèm lấy cảm giác nghe một tiếng điện thoại, một dòng tin nhắn. Lúc ấy, chia sẻ với ai?
Rời khỏi Hội Nhà báo, Công ty Nestlé Việt Nam mời anh em trong Ban Giám khảo ăn trưa tại nhà hàng Con gà trống. Ngay cửa vào có ghi mấy câu thơ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con gà trống sống đời tự do
Sáng ra thì gáy ó o
Cả ngày đạp mái không lo trả tiền
Chết rồi vẫn sướng như tiên
Người ta kính cẩn dâng lên bàn thờ
Đọc cũng vui vui. Tiếc mấy chữ “không lo trả tiền” thô tục, phá hỏng hết sự vui nhộn, nghịch ngợm. Đọc tiếp:
Những con gà trống hoa mơ
Mải mê đạp mái bạc phơ cả đầu
Bạc đầu có sá gì đâu
Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?
Cũng là đùa thôi. Đùa vớ vẩn. Đùa nhảm nhí. Rất nhảm nhí.
Lúc ngồi ăn, trời mưa như trút. Như thác lũ. Mở cửa bước ra ngoài hiên. Đường phố vắng. Tự hỏi, trong ngày nhà báo, y nghĩ gì?
Thôi, lại “bệnh nghề nghiệp” nữa rồi. Lúc nào cũng ở đâu? Chuyện gì? Việc gì? Lúc nào? v.v... Lại một loạt câu hỏi trực diện, thường trực luôn luôn ở trong đầu. Tắt máy vi tính đi thôi. Chơi. Hơn nữa, sáng sớm nay, check email có dòng chữ của nàng: “Nhân ngày này, em chúc anh nhậu thiệt nhiều mà không xỉn bao nhiêu”. Sực nhớ Truyện Kiều có câu: "Được lời như cởi tấm lòng". Y nhớ nhưng vừa thốt ra, biết đâu nàng sẽ nói:
- Thôi đi anh, lúc này, ngoài trời đang mưa!
- Kệ. “Dân chơi sợ gì mưa rơi”.
- Ủa? Nói nghe hay nhỉ? Lớn lối quá. Khoác lác quá. "Nổ" quá! Nói thật đi! Vậy, anh là gì? Nếu nói: "Anh là "dân chơi". Ai tin?..
Nghe thế, bèn thưa:
- Y là dân thường".
Lại hỏi:
- Vừa nói "dân chơi" lại nói "dân thường". vậy "dân thường" là gì?
Y bèn ưỡn ngực mà rằng:
- Dân thường.... chơi đẹp đè bẹp dân chơi".
Lại hỏi:
- Khiếp quá! Anh vừa "dân thường" lại vừa "dân chơi". Xạo ơi là xạo!
Nghe thế, chả giận vì... y đẹp trai, y đáng yêu quá nên khiêm tốn mà rằng:
- Xin thưa, y là.... nhà báo!
Hé hé hé...
L.M.Q
Trưa nay, không ăn trưa ở nhà. Đến nhà hàng Maxim ở Đồng khởi. Tiệc tùng nhân Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam do Bến Thành Group mời. Khác mọi năm, lần này không còn gặp những nhà báo lão làng; hoặc đồng nghiệp cùng thế hệ, hầu hết những gương mặt trẻ. Trên đường đi ngẫm nghĩ về câu cửa miệng “được ăn, được nói, được gói đem về”. Rõ ràng, “nói” chỉ đứng sau “ăn”. Vậy hóa ra “được nói” cũng là một lạc thú. Vừa nghe thế, ông bà ta liền gọi giật lại, dạy thêm: “Ngậm miệng ăn tiền”. Ấy mới là sự khôn ngoan ở đời chăng?
Ảnh chụp tai Nhà hàng Maxim nhân kỷ niệm Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam
Hôm kia, mới là dễ sợ. Y nhận được thư mời của doanh nghiệp nọ, đại khái, chào mừng ngày 21.6 kính mời anh/ chị tham gia hội thảo “Sứ mệnh và trách nhiệm của nhà báo trong tình hình mới”. Chuyện này nhà báo phải làm mỗi ngày, nhưng nay lấy cớ tụ tập các nhà báo trong ngày cả xã hội "để ý" đến họ là một chiêu P.R chăng? Nghe phát khiếp. Quá mệt. Nhận thư mời có tính toán kiểu này, cũng tựa như đọc các tin nhắn hằng năm, hễ Ngày Nhà báo lại rổn rảng những câu sáo rỗng, vô hồn được gửi đi hàng loạt. Đọc loại tin nhắn ấm ớ; nhận thiệp chúc mừng vô bổ đó rất bực mình, vì nhà báo nào cũng nhận chung một nội dung, chứ chẳng phải do tình cảm, quý mến thật lòng. Thay vì chúc mừng, nếu là bạn bè quý mến nhau, gửi tặng chai rượu hoặc rủ nhậu, có phải “tốt đạo, đẹp đời” hơn không?
Trưa nay, trong lúc lai rai “bốc thăm trúng thưởng”, có lẽ do mặc áo mới, đọc thơ hay và nhất là đẹp trai nên y đã trúng được phiếu nghỉ mát miễn phí của Muine Bay Resort. Trị giá vài triệu đồng. Hay không bằng hên là vậy. Những cuộc vui náo nhiệt, đông đúc mọi người, không khí chung ban đầu chỉ xã giao. Phải phút cuối, lúc còn vài ba anh em ngồi lại thì câu chuyện mới mở lòng. Lúc mọi người đã ra về hết, anh Ba Tổng giám đốc Tổng Công ty có chia sẻ đôi chút tâm tình về khái niệm doanh nhân. Y rất khoái. Khoái, vì đây lãnh vực y hoàn toàn mô tê, chẳng hiểu ất giáp gì ráo. Trò chuyện với người khác ngành nghề, nếu họ giỏi cũng là lúc được học nhiều điều. Sinh thời, ông nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường bảo: “Tao khoái nhậu với những người không phải là dân viết văn, làm thơ” là cũng trong suy nghĩ đó.
Ngồi trò chuyện với anh Ba, hỏi, “Anh từng được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2006, Bằng khen UBND Thành phố các năm 2006, 2008, 2010. Trên bước đường thành công đó, anh tâm đắc lời khuyên của ai nhất?”. Anh bảo, hơn 20 năm trước, khi bước chân vào lãnh vực kinh doanh, lúc sang Lào, một doanh nhân ở đó có trao đổi với anh 5 yếu tố thành công công. Anh kể vanh vách: "1. Doanh nhân đó phải có bằng Đại học, nếu không có bằng đại học nhưng vẫn thành công, đó là người xuất chúng; 2. Phải biết ít nhất một ngoại ngữ. 3. Biết ăn chơi. Ăn thì dễ, ai ăn cũng được. Chơi mới khó. Chơi không phải khoe khoan “giàu có” mà biểu lộ tính cách “giàu sang”, có như thế mới tạo được nhiều mối quan hệ khác. 4. Biết ghẹo gái. Ông bà ta nói trên đời có hai việc khó “nhất chặt tre, nhì ve gái”. Muốn ve gái được, phải biết ăn nói, tán tỉnh. Doanh nhân cũng vậy, nếu không biết cách thuyết phục người khác là một điểm yếu. 5. Phải liều lĩnh. Có như thế mới dám chấp nhận rủi ro. Điều quan trọng là biết quản trị rủi ro".
“Vậy quan điểm của anh?”. Trả lời: “Doanh nhân có bình yên nhưng đó là “sự bình yên trên đầu ngọn sóng”. Có thể hiểu, họ luôn có sự va đập liên tục trên thương trường. Biết như thế để không ỷ lại, dẫm chân tại chỗ. Đó cũng là người xòe bàn tay đưa lên trời, nhìn qua kẽ hở ấy để có hành động quyết định. Kẽ hở ấy có thể hiểu là ngành nghề ấy chưa ai làm, hoặc đã có người làm nhưng mình lại không làm giống thiên hạ mà phải sáng tạo cách khác, thoát khỏi đường mòn; kẻ hở đó cũng có thể hiểu từ góc độ quy định pháp luật, biết cách vận dụng để phát triển, tồn tại”. Nghe thấy lý thú quá, bèn hỏi khó: “Không một thể chế nào chấp nhận buôn lậu. Nhưng theo anh, nạn buôn lậu có gợi lại suy nghĩ tích cực gì cho người đang chống buôn lậu không?”. Anh trả lời ngay: “Có chứ. Trước hết, các sản phẩm trong nước phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hình thức” v.v… Nghe lý thú nên đưa luôn vào Nhật ký là vậy.
Gần 14 giờ chiều mới rời khỏi nhà hàng Maxim, quay về nhà. Trời mưa lâm râm ướt dầm lá bí. Đi và nghĩ bâng quơ.
Chiều hôm qua, trời mưa. Khuya, thèm ăn một cái gì, ngại đường xa nên tạt vào quán bình dân gần nhà. Thử tưởng tượng: bước vào quán nhìn chung sạch sẽ, tường còn trắng màu vôi chưa hoen ố, bàn ghế còn mới nên đoán quán chỉ mới khai trương thời gian gần đây thôi. Vắng khách. Cô chủ quán trông cũng dễ coi, xinh xắn đang chăm chú nấu bếp; anh chồng lăng xăng lấy rau, khăn mặt, ân cần hỏi khách uống gì; đứa con lễ phép đứng phía ngoài trông xe. Nhìn chung quán ăn này tạo nên cảm giác đôi vợ chồng trẻ chí thú làm ăn. Do đó, có tình cảm với quán, dù chỉ mới vào lần đầu.
Giây lát sau, món ăn bưng ra bàn. Ngay đũa đầu tiên, do không hợp khẩu vị, hơn nữa giá cả bình dân nên chất lượng chỉ có thế. Y nhăn mặt. Chỉ muốn đứng phắt dậy, trả tiền, đi quán khác. Làm thế có được không? Chắc chắn chủ quán sẽ buồn ghê gớm trước hành động tàn nhẫn ấy. Không bước vào quán thì thôi, đã bước vào mà có thái độ khiến chủ quán buồn lòng thì có nên không? Tất nhiên không. Vậy phải làm thế nào? Khuya qua, phải ngồi cố gắng ăn cho xong món ăn dù không hài lòng. Thôi thì, cố gắng mà nuốt trôi qua cuống họng. Cứ nghĩ thiện ý của mình có thể đem lại niềm vui cho người khác. Ấy cũng là một cách tự an ủi mình trong nhiều trường hợp oái oăm.
Mà sự oái oăm này đôi khi cũng lắm chuyện.
Có lẽ quán ăn kỳ cục nhất trên đời là quán hủ tíu cá Nam Lợi ở Q.1. Ai đời, từ người nấu bếp đến nhân viên phục vụ luôn xem khách không là “cái đinh” gì. Khách gọi, cũng không thèm trả lời, không thèm ư hử cho một câu. Cái mặt cứ khinh khỉnh. Vênh váo nhìn lên trời. Nhiều lần muốn đứng dậy bỏ đi quách, nhưng nào dám. Oái oăm ở chỗ cô người yêu khó tính đi cùng nên đành ngậm tăm dằn lại sự bực bội, phải đóng vai người đàn ông thanh lịch. Oái ăm quá đi chứ?
Trong tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn,Chị Đẹp có miêu tả chính xác về quán này: “Họ buôn bán theo kiểu gia đình, khuôn mặt người nào cũng giống y như người nấy, dáng người nào cũng y như người nấy từ lớn đến nhỏ. Không bao giờ cười. Khách gọi món, họ ghi vào mảnh giấy, không bao giờ có cái vẻ là đang xác nhận yêu cầu của khách hàng. Khách gọi nước, họ cũng không thèm nhìn hay gật hay ừ hử, chỉ đi tiếp tục một lèo vào nhà trong, vài phút sau đi ra mang nước đặt xuống bàn, cũng không nhìn khách. Họ có một vẻ vô cùng “diva”. Luôn có vẻ khó chịu, chảnh choẹ và cáu kỉnh, thể như là họ đang phải gánh vác một công việc của tổ tiên để lại chứ họ chả ưa thích tí nào. Thể như khách hàng là những sự phức tạp rắc rối của đời sống họ. Thể như là họ chỉ muốn đóng cửa tiệm và ngồi trên chiếc ghế đẩu gãi bụng nhìn mênh mông bâng quơ ra đường phố, vậy mà cứ đợt khách này đến tốp khách khác cứ lượn lờ vào nhắc họ rằng cuộc sống này, của họ, chính là bán hủ tíu. Dù rằng là một món hủ tíu rất ngon rất nổi tiếng và rất đặc biệt. Vậy đó, mà khách dù bị ấm ức về cách đối xử " khách hàng nhất định không phải là thượng đế " của tiệm này, vẫn lui tới như ong tìm bướm như hoa tìm mật” (tr.102-103).
Lần nọ lên Đà Lạt, nghe anh em văn nghệ kháo nhau có quán cà phê nọ, cô chủ quán hát nhạc Trịnh Công Sơn có cá tính. Tò mò quá, cũng đến đó xem sao, quán nằm trên một ngọn đồi. Sau khi tìm chỗ ngồi ưng ý, do đèn lờ mờ nên không thể đọc thực đơn, bèn hỏi: “Quán có thức uống gì?”. Câu trả lời của một cô bé nét mặt lạnh tanh, không gợn lên biểu cảm gì: “Bia, cà phê, trà đá”. Hỏi: “Ở đây có rượu vang đỏ không?”. Câu trả lời: “Bia, cà phê, trà đá”. “Thế có trà gừng nóng không?”. “Bia, cà phê, trà đá”! Thiệt hết biết luôn!
Sáng nay, vào cơ quan, tranh thủ đọc mấy tờ báo mới. Thông tin này cần ghi lại: “Sáng 17.6, ông Trương Đăng Tuyến (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa) cho biết vừa nhận được Quyết định số 1825 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận cụm bia chủ quyền quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là hai bia chủ quyền Việt Nam do Việt Nam Cộng hòa xây dựng tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết năm 1956 (nay thuộc hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn, huyện Trường Sa). Trên hai bia chủ quyền này được Việt Nam Cộng hòa in rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam” (TT - 18.6.2014).
Thông tin quan trọng này nói lên điều gì?
Do không có ai giải thích nên y vào facebook, nơi ấy có nhiều anh tài sẽ giải đáp giúp thắc mắc này chăng? Những tưởng là thế. Lướt qua, chỉ thấy vắng tanh như chùa Bà Đanh, chẳng đọc được ý kiến nào. Định thoát ra ngoài, tình cờ đọc được trên fb của bạn Trần Thị Nhung: “Vừa quan sát thấy một em gái trở nên nổi tiếng sau 1 status chửi thói đạo đức giả của đàn ông sau khi chia tay đàn bà. Em gái viết rất tục tĩu về chuyện nam nữ ngủ với nhau, có con xong chia tay cùng lý do " không hiểu nhau". Em ấy khuyên đàn ông không nên (…). Sau Status ấy, em nhận được hơn 13k lượt Like và share. Tốc độ nổi tiếng chóng mặt, vì mỗi status sau đó có hơn 1k like và tương tác”. Xin nói rõ, đoạn (…) là y đã tự ý biên tập.
Đôi khi y tự hỏi, những người trẻ trong thế giới mạng đang nghĩ gì? Hỏi, bởi y đã già rồi mà thật ra cũng không có nhiều thời gian có thể đọc hết, đọc kỹ những gì đã viết trên đó.
Mà hỏi, cũng là lúc người ta tìm được câu trả lời.
L.M.Q
Những buổi chiều u ám, mây xám tự nhiên lại thèm cảm giác đi đâu đó. Chiều thứ Bảy, lên Tân Bình thăm bạn Suối Hoa. Ngoảnh lại, đã hơn mười năm quen nhau. Có những nơi chốn đã lâu không ghé lại, đến lúc sực nhớ lại cảm thấy xa lăn lắc. Những ngày ấy, thường đi chung với nhà văn Nhật Tuấn và vài người bạn. Ngôi nhà đó, vẫn còn trong trí nhớ. Vườn cây râm mát. Chừng dăm năm trước, đã là nơi y trú ẩn lúc tuyệt vọng với nhan sắc người tình gai nhọn. Mệt mỏi. Não nề. Chán ngán. Những ngày ấy, đã xa.
Lên nhà S.H, ai làm gì thì làm, y lặng lẽ ra ngoài vườn nằm dài trên võng treo tòng teng. Đọc sách. Nhìn mây trắng bay. Nghe tiếng chim ríu rít lướt qua nhánh xoài rợp mát. Mệt, thì ngủ. Có lúc đắm đuối với hàng loạt tranh treo trên tường. Nhìn no nê con mắt và thèm được vẽ. Cảm hứng chợt đến, thì vẽ. Thấy bạn bè vẽ, thì vẽ. Những bức tranh đầu tiên vẽ tại nơi này. Đã tìm thấy một Ánh sáng mới trên con đường lầm lũi đi qua ngày tháng.
Lên nhà S.H, tìm sự yên tĩnh bởi những va đập tình ái đã có lúc làm y ngất ngư như sắp chìm đáy biển. Lúc ấy, cần những cuộc gặp gỡ với bạn bè. Thế rồi, khi bình phục, đã nguôi ngoai những thương nhớ ơ hờ ảo não lại quên béng nơi chốn đã từng trú thân. Y tệ thật. Hôm chiều thứ Bảy, có nhắc ý định làm tuyển thơ cho nhà thơ Huyền Kiêu - bố của S.H. Nhưng “gút lại” là thôi. Cũng chẳng cần thiết nữa. Chỉ cần 2 bài thơ Tình sầu, Tương biệt dạ đủ cho một sự nghiệp cầm bút.
Tranh Khái Hưng minh họa bài thơ Tương biệt dạ của Huyền Kiêu in báo Ngày Nay - 1941
Ngồi suốt đêm trường chẳng nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vần trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Một cơ chế chính trị có thể giết chết tài năng hoặc thay đổi quan điểm sáng tạo của người nghệ sĩ không? Chắc chắn là có. Chiều qua, chủ nhật. Phóng xe qua chung cư. Bước vào căn hộ, không một tiếng động. Chỉ phảng phất hương. Ngày cũ chưa xa. Vẫn hiện diện trong y. Trầm trọng nỗi nhớ. Nhìn những bức tranh nàng đã vẽ, tự nhiên lại thấy mê hoặc đến chạnh lòng. Nằm dài đọc sách. Mấy câu thơ của Huyền Kiêu vọng đến ngẫu nhiên:
Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vụt đến sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Vương vấn người đi với kẻ về
Một mình trong căn hộ. Những ngày cuối tuần không còn giây phút ngồi đâu đó. Một chai rượu đỏ. Rồi mê man mộng mị. Còn nhớ không? Chiều qua, nhìn vệt ánh sáng còn sót lại ngoài thềm. Sực nhớ câu thơ sao mà hợp cảnh hợp tình đến thế:
Đạp cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
Thơ của ai? Nào biết của ai. Khuya về nhà, viết bài thơ tặng cháu An May. Trưa nay, có cơn mưa lớn. Trời đất mát mẻ. Muốn soi rọi vào tâm hồn để viết gì đó nhưng than ôi, ngày tháng đều đặn và tẻ nhạt trôi qua, chẳng có một cảm hứng gì.
L.M.Q
Trên đời có những chuyện khó có thể phân biệt đúng, sai, chỉ tùy vào quan niệm sống, tùy góc nhìn của từng người. Từ lúc chập chững vào nghề báo đến nay, y luôn tâm niệm rằng, viết phê phán cái xấu đừng nêu tên tuổi của bất kỳ cá nhân nào, nếu được. Vòng đời quẩn quanh, chẳng biết thế nào mà lần. Cẩn trọng vẫn hơn. Nhà báo tài ba? Đúng rồi, nhưng hầu hết các tài liệu phê phán, chỉ trích, châm biếm, “bụp” ai đó, “đánh” cơ quan nào đó, đa phần cũng do nội bộ của họ tuồn ra. Nếu không, đừng hòng nhà báo có thể “điều tra” biết được mọi ngóc ngách nội tình của họ.
Ngày trước, anh kia làm trưởng cơ quan điều tra vụ án cấp thành phố luôn được nhà báo săn đón, bởi qua đó, có thể “moi’ được nhiều thông tin nóng, sốt dẻo phục vụ bạn đọc. Thế nhưng, anh ta đưa và không đưa tài liệu nào là cả một tính toán chu đáo nhằm phục vụ cho ý đồ riêng. Do đó, không ít nhà báo tưởng người ta hàm ơn, cám ơn rối rít nhưng thật ra lại trở thành công cụ. Sự việc này không đi sâu vào. Ai cũng rõ rồi. Mà những bài báo “đánh đấm” ấy có nên chọn in thành sách không? Trước kia, nhà báo H.L khét tiếng với những bài điều tra thế giới xã hội đen, lưu manh, cờ bạc, trộm cướp, mại dâm… nhiều người làm sách đặt vấn đề in lại ắt hốt bạc, anh từ chối: “Đọc bài báo, họ đã đau, đã nhục. Nếu in thành sách, nỗi đau, nỗi nhục ấy còn đeo đuổi họ suốt cả đời, có khi đến đời con cháu. Thế là ác”. Sau vụ H.L xộ khám vì dính dáng với băng đảng giang hồ nọ, lúc tự do, y vẫn bắt tay bởi nhớ lại câu nói có tư cách, ít ra câu nói của thời anh đang “lên voi”.
Đôi khi chỉ nghe một câu nói, cũng đủ thấu hiểu một con người.
Những ngày này, một nhân vật “hot” và bị “ném đá” nhiều nhất vẫn là ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ông nổi tiếng vì đã nói được một câu “để đời”: “bán vé số có thu nhập cao”. Đọc câu này trên facebook, cứ ngỡ kẻ xấu đặt điều, hạ uy tín quan chức nhà ta, chứ làm gì có ai lại phát ngôn điên rồ đến thế, kiểm tra lại các nguồn thông tin chính thống mới biết là thật. Một đất nước có nhiều người bán vé số, ăn xin, bia ôm, xe thồ, trẻ em thất học... phải là nổi xấu hổ của quan chức chứ? Mà thu nhập cao do bán vé số có thể sắm được biệt thự triệu đô như báo chí đang đặt nghi vấn về nhà quan chức ở Đà Lạt, Bến Tre? Thời buổi này khó có thể lý giải nổi là do từ đâu, do cái gì mà chuyện oái oăm gì cũng có thể xẩy ra? Có những chuyện xẩy ra ngoài sức tưởng tượng, dẫu đầu óc các văn nghệ sĩ, vốn là người có trí tưởng tượng phong phú hơn kẻ khác cũng không thể nghĩ ra. Riết rồi đã đến lúc có nghe nói, có biết chuyện này chuyện nọ lẫn cách giải quyết nọ kia, tuyên bố ầm ĩ nhưng chả ai dám tin nữa.
Nói thế, không phải vu vơ mà nhằm suy nghĩ đến một vấn đề khác, tại sao sáng tác văn học không có “đỉnh cao” như mong muốn? Có nhiều cách lý giải. Thiên hạ đã lý giải bằng hàng chục cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học rất tốn kèm nhưng rồi vẫn bí rị. Y chỉ đơn giản nghĩ rằng, một phần còn do nhà văn không đuổi kịp hiện thực đời sống. Hiện thực đang diễn ra dữ dội, kinh khiếp, tàn bạo đến độ nhà văn mới lăm le đặt bút viết đến, chỉ trong nháy mắt đã thấy lạc hậu so với những gì mình vừa nắm bắt. Những ngày này, nếu quan sát, thu nhặt sẽ thấy ngày càng nhiều có cụm từ thật mới, chẳng hạn “đường cong mềm mại”, “anh em bị khớp”, “nhà hát ngàn tỷ”, “làm được nhiều cũng chẳng ai khen”, “bán vé số có thu nhập cao” v.v… Nếu giỏi, bằng tác phẩm văn học, nhà văn có thể xây dựng được tính cách nhân vật gắn liền với những phát ngôn “bất hủ” trên.
So với Trung Quốc, văn học Việt Nam chưa xây dựng được những nhân vật điển hình; chưa tạo ra được nhiều điển cố, điển tích. Lâu nay, chỉ vay mượn chứ chưa xây dựng được điển cố, điển tích cho chính dân tộc mình. Ngày kia, ngồi nghĩ lan man, nhớ lại lúc nhỏ y thường nghe các cụ già Quảng Nam nhắc về thời còn trai trẻ bằng cụm từ: “Thời Bảo Đại cởi truồng tắm mưa”; nói về người hay tranh biện, cãi cọ bằng thành ngữ: “Lý sự quá Phan Khôi”; hoặc chê ai đó bo bo giữ của từng xu, từng cắc cũng không nhả ra: “Keo kiệt như trùm Sò” v.v… Cách nói ấy, không thèm mượn điển cố quái quỷ gì của Trung Quốc. Riêng gì Quảng Nam, bà con nông dân ta ở vùng miền nào cũng có cách nói dân dã ấy. Thế thì, tại sao không ai viết tập sách xây dựng các điển cố, điển tích của người Việt nhằm thay thế sự vay mượn của Trung Quốc? Không ảo tưởng tập sách này ra đời sẽ được bạn đọc tán thành, hoan nghênh ngay mà thậm chí còn bị “ném đá” nữa; chẳng sao, cứ suy nghĩ và viết. Sau khi sách in ra, thiên hạ đóng góp ý kiến, thấy đúng thì chỉnh sửa, bởi tập sách có tính đặt nền móng nên đừng ngần ngại gì. Miễn viết vì tình yêu tiếng Việt, vì văn hóa Việt, chứ không một vụ lợi nào khác.
Đêm qua, đọc tập Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (NXB KHXH - 1993) do GS Lê Huy Tiêu - chủ nhiệm môn Văn học phương Đông Đại học Tổng hợp Hà Nội biên dịch, nhận ra rằng các điển cố ấy hầu hết từ kinh thi, thơ phú, tác phẩm văn học, nhân vật lịch sử… mà ra. Đơn cử vài trong hàng trăm thí dụ. Chẳng hạn, “Hải giác thiên nhai”: Chân trời góc bể. Bài thơ Xuân sinh của Bạch Cư Dị đời Đường có câu “Xuân Sinh hà xứ ám chu du/ Hải giác thiên nhai biến thủy hưu” (Xuân Sinh chu du nơi nào nhỉ? / Góc bể chân trời mãi không thôi). Đời sau dùng “hải giác thiên nhai” để biểu thị việc đi về nơi xa vắng cách xa khu trung tâm” (tr.228). “Tạc bích thâu quang”: Dùi mài kinh sử, học tập cần cù. Khuôn Hoành, người đời Hán, thuở nhỏ nhà rất nghèo, tối không có đèn để thắp, sau nhìn thấy nhà láng giềng có thắp đèn liền nghĩ cách “đục tường lấy ánh sáng”. Đời sau khái quát cách làm của Khuông Hoành thành “tạc bích thâu quang” (đục tường trộm ánh sáng) để chỉ tinh thần học tập cần cù của con người” (tr.259) v.v...
Vậy có thể xây dựng điển cố, điển tích từ các lượng thông tin văn hóa Việt? Dứt khoát là được.
Cần gì phải vây mượn “Đa nghi như Tào Táo”, “Bá Nha - Tử Kỳ” v.v… Những nhân vật, sự việc như “Quả cam Trần Quốc Toản”, “Tình bạn Lưu Bình - Dương Lễ”, “Oan Thị Kính” v.v… tại sao không xây dựng thành điển tích, điển cố của người Việt? Văn hào Lỗ Tấn bảo: “Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi”. Với tập sách trên, người này viết, người sau bổ sung, chỉnh sửa, dần dần mới trở thành quen thuộc trong tâm thức nhiều thế hệ. Theo y, nếu muốn xây dựng điển tích, điển cố của người Việt thì trước hết cần đọc kỹ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, lấy đó làm căn bản thì có thể thu thập được nhiều sử liệu rất quan trọng.
Những điều này suy nghĩ thoáng qua đã lâu, nhưng rồi không làm. Ngày nọ, ngày khai mạc Hội sách năm 2014, đi ăn với anh em nhà NXB Kim Đồng, y có nói ra điều này. Nói trong lúc trà dư tửu hậu, những tưởng chẳng ai nhớ, nào ngờ, sau đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhắc lại và anh khuyến khích nên làm. Y cũng gật gù tự nhủ thế. Vậy mà có chịu làm đâu. Thôi thì, xin nêu ra như một gợi ý cho anh em khác trẻ khỏe, giỏi hơn…
Mấy hôm nay, báo chí vẫn đề cập vấn đề biển Đông. Nhờ lướt Facebook, y mới biết Công văn đang gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14.9.1958 lại là ngày chủ nhật! Tưởng thiên hạ nói đùa, tra lại lịch mới biết; “Ngày 2.8 Âm lịch năm Mậu Tuất; Hành: Bình Địa Mộc (Gỗ đồng bằng); Cung Sanh: Tốn Cung; Cung Phi Nam/ Nữ: Càn/ Ly; Tháng Tân Dậu; Ngày Giáp Ngọ”. Ngày chủ nhật hẳn hòi. Chẳng lẽ, thời trước các cơ quan Nhà nước ta cũng làm việc trong ngày chủ nhật; hay khi ký Thủ tướng có ngụ ý gì khác?
Trưa nay, đọc tờ Hồn Việt (6.2014) mới hay vẫn còn tranh cãi về bốn chữ Cao sơn cảnh hành trên cổng Đền Hùng - Phú Thọ. Được biết, cổng đền được xây dựng vào năm 1917, do bà Phan Thị Thịnh (Hà Nội) cúng tiền công quả là 200 đồng, có khắc bức đại tự “Cao sơn cảnh hành”. Bốn chữ này, trước đây đã có cuộc tranh luận trên tờ Thể thao & văn hóa (các số 27.1.2017, 24.2.2007) rồi bỏ lửng. Chiều nay, mưa trói chân ngồi nhà, đọc lại báo cũ và tóm tắt như sau:
Theo ông Lê Trung Việt thì Viện Hán Nôm dịch “Núi cao đường lớn” là chưa đúng, phải dịch là “Núi cao cảnh đẹp”. Không đồng ý, theo ông Nguyễn Lưu, hai chữ “Cảnh hành” theo một từ điển là “Đức hạnh cao minh” - vì thế phải hiểu theo nghĩa “Đức cao như núi”. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Ông Quách Hải Lượng tìm trong quyển Từ Hải (NXB Từ Thư Thượng Hải, 1/1980, trang 2.264) thì 4 chữ này được giải thích rằng, “Cao sơn” chỉ cái “đạo cao đức cả”; “Cảnh hành” nói đến "hành vi quang minh chính đại". Do đó, đời sau dùng “Cao sơn cảnh hành” để chỉ “Đức hạnh cao cả”. Cụ thể trong trường hợp này dùng để ca ngợi đức cao cả của Tổ tiên, chứ không phải nhằm tả cảnh đẹp đền Hùng. Nay, trên báo Hồn Việt, ông Lê Xuân Vũ, có bài phân tích khá dài, theo ông có thể đọc Cao sơn cảnh hành, Cao sơn cảnh hạnh, Cao sơn cảnh hàng, tóm lại là “Núi cao đường lớn”.
Không rõ các Viện nghiên cứu văn hóa nước nhà, các tiến sĩ uyên bác của ta đang làm gì, sao không giải quyết “dứt điểm” vụ việc này? Nói thế, bởi bốn chữ này đề nơi thờ Thủy tổ nước Việt Nam ta mà mỗi người hiểu mỗi phách thì gay go quá. Còn gì đau buồn cho bằng nơi thờ Tổ tiên, cội nguồn của một dân tộc, đã trở thành Quốc lễ thiêng liêng, có vỏn vẹn 4 chữ Hán ngay cổng đền nhưng cách hiểu đến nay vẫn khác nhau. Các bậc trí thức còn thế, huống gì những con dân chân lấm tay bùn không nhiều chữ nghĩa...
Mấy hôm nay, đã nhận được Thư mời gửi tham luận Hội thảo khoa học Phan Khôi - Cuộc đời và sự nghiệp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 10.2014. Đã nhận được Thư mời viết bài nhân Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập NXB Đà Nẵng. Nơi này, lần đầu tiên (2007) in Người Quảng Nam , có cần nhắc lại chi tiết cô biên tập N quỵt luôn 2 triệu đồng nhuận bút còn lại của tác giả? Cách đây vài năm, đọc báo PL mới biết cô đã bị truy nã vì dính vào vụ lừa đảo đất đai ở Đà Nẵng. Vòng đời quẩn quanh, chẳng biết thế nào mà lần.
Chiều rồi. Không một tin nhắn, một điện thoại nào rủ rê lai rai ba sợi.
May quá là may.
Từ trái: Nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, Hà Đình Nguyên, Lê Minh Quốc, Phạm Hồng Danh - lai rai kỷ niệm 2 năm ngày anh Biền & Thức đi mô tô trao học bổng trẻ em nghèo hiếu học. (Ảnh: Trần Hoàng Nhân chụp ngày 11.6.2014)
L.M.Q
Sáng hôm qua, tự nhiên có một quyết định táo bạo. Táo bạo? Tất nhiên. Hồi nhỏ đi học, cuối tuần được nghỉ không sung sướng bằng đến lớp mới hay được nghỉ vì cô giáo ốm. Thế thì, ngày làm việc, bỏ việc đi chơi vẫn sướng hơn đi chơi trong ngày nghỉ. Y quyết định không đến cơ quan, không công việc hằng ngày là viết lách và đọc sách. Tắt vi tính. Diện quần áo đẹp. Xuống phố. Để tận hưởng cảm giác sung sướng. Có thể đàn đúm cà phê “buôn dưa lê”. Phóng xe đâu đó giết sạch thời gian buổi sáng. Tạt vào hiệu sách cũ. Vậy là sướng. Vừa chuẩn bị ra khỏi nhà, bỗng điện thoại cơ quan réo: “Anh ơi, tạp bút kỳ này, anh viết…”.
Vậy là xong.
Lại viết. Nghĩ cho cùng, viết riết rồi quen. Ngồi với bàn phím, nghĩ đến đâu viết đến đó. Đừng bao giờ dại dột chờ cảm hứng. Hôm qua đã trả lời phỏng vấn cho báo Quảng Nam nhân 21.6 sắp đến: “Tôi nghĩ rằng, trên đời này bất kỳ ai cũng có thể thành công, nếu họ bền bỉ, thủy chung giữ được hai yếu tố: Đam mê công việc và sử dụng thời gian hợp lý. Do đam mê nên họ không bỏ cuộc nửa chừng, không có tâm lý “đẽo cày giữa đường”. Hơn nữa do chính đam mê nên khi thực hiện công việc dù có gian nan, vất vả, thậm chí thất bại thì họ vẫn không nản chí. Và với họ, khi lao động mỗi ngày chính là lúc tận hưởng niềm vui. Về thời gian thì chắc ai cũng có như nhau. Có điều, sử dụng thời gian thế nào lại là chuyện khác. Học tập tấm gương của nhiều người đi trước thành đạt, tôi rút ra bí quyết là lao động mỗi ngày mà không chờ cảm hứng. Đến giờ là làm việc, bất kể thời tiết nắng mưa thế nào. Chờ cảm hứng thì than ôi, có khi chưa viết nổi một chữ, chưa vẽ một nhát màu thì đã hết một đời. Cứ làm việc bằng sự đam mê thì cảm hứng sẽ đến…”.
Nói thì nói thế, chứ cũng có nhiều lúc ngồi thừ người ra, bởi chán, chẳng thiết phải viết gì nữa. Đôi khi nghĩ một đàng lại viết một nẻo. Mà không viết thì lấy gì sống? Thế rồi, từng ngày lại viết. Hôm chủ nhật, ra mắt sách của Lưu Thành Tựu, một vài anh em trẻ hỏi: “Ủa? Tại sao ngày nào anh cũng viết được, hay dở chưa nói nhưng cứ lật báo ra là thấy bài anh. Vậy anh viết lúc nào?”. Chiều thứ bảy vừa rồi ngồi với anh Nguyễn Đông Thức có nhắc lại vài kỷ niệm với họa sĩ Ớt. Ngày đó, anh Ớt “khoe” với y: “Trong cuộc đời làm báo của tao, chưa có lời khen nào khiến tao sung sướng, hãnh diện bằng lời khen của ba tao”. Hỏi, “Ổng khen anh thế nào”. “À, mỗi dịp từ Sài Gòn về quê ăn Tết, ông thường hỏi, chữ nghĩa ở đâu trong đầu mà ngày nào con cũng viết được?”. Kể xong, anh Ớt bật cười khanh khách. Anh quê ở quận Ngũ Hành Sơn, nơi đó người dân xứ Quảng sống bằng nghề lấy đá tạc thành tượng nghệ thuật. Vào những năm cuối đời, anh Ớt có ý định tạc đá như một cách thư giản, tiếc là anh mất sớm.
Chiều qua, vào cơ quan họp. Sau đó, qua Phương Nam sách nhận sách biếu Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp. Sách in bề thế. Đẹp. Dày 240 trang, khổ 14x20 cm, giá bán 75.000 đồng. In 5 ngàn bản. NXB Hội Nhà Văn. Công ty Phương Nam phát hành. Trên đường về, trời mưa. Một cơn mưa làm héo hắt nắng chiều. Nền trời sẫm lại. Chẳng biết phải làm gì. Chiều trống rỗng một mình. Ngựa xe thiên hạ vẫn ồn ào, phóng chạy như điên như giành giật từng khoảnh khắc. Y chẳng bận việc gì. Cầm tập sách trên tay. Thấy vui. Thế là bèn rủ T, P. Đ - những cộng sự đã cùng chăm sóc bản thảo ra quán uống vài chai bia như bày tỏ lời cám ơn. Chọn quán có tên bình dân “Của tui” trên đường Hùng Vương, Q5. Cụng ly đầu tiên, câu nói thật lòng: “Cám ơn các bạn đã chung tay với Sài Gòn mùa trứng rụng”.
Trong lúc lai rai, P nói, sắp tới đây, anh có cuốn sách này để in vào dịp 30.4 không? À, thời buổi này còn nhắc lại chuyện chiến tranh chắc chẳng ai buồn đọc nữa. Điều mà người đọc quan tâm có lẽ phải là cái nhìn Sài Gòn từ góc độ văn hóa, nếp sống, đại loại như tập Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc thì đời nào cũng cần. Quyển tạp bút này, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết năm 1966, nay đọc vẫn còn hay. Hôm nọ, qua điện thoại, nàng bảo: “Mấy bữa nay ngày nào cũng nói chuyện Saigon ngày xưa với ba mẹ em. Lúc nào ông bà cũng bắt đầu bằng 2 chữ “hồi đó” nên em sẽ viết cuốn "Hồi đó Saigon....”. Nghe vậy, thấy vui. Cũng như mọi lần, khuyến khích nàng hãy viết. Thế nào là văn hóa của một vùng đất? Chưa nghĩ ngợi sâu, thoáng nghĩ rằng, ít ra nơi đó phải có nhiều người viết về nó. So với Hà Nội, sách các thể loại viết về Sài Gòn vẫn còn ít lắm. Viết thêm một cuốn về Hà Nội, đã là nhiều. Viết thêm thêm trăm cuốn về Sài Gòn, vẫn là ít. Ngoài trời vẫn mưa lai rai. Trên đường về, tạt ngang qua trụ sở Motthegioi.vn thăm Thịnh. Anh em ngồi nhắc lại kỷ niệm lúc đi chung Hà Lan. Chuyến đi ấy gần chục người, cuối cùng, giờ chỉ còn chơi thân với Thịnh. Cái duyên chính là đó. Lúc đó, viết tập bút ký Du lịch của người câm (NXB Trẻ); viết bài thơ in báo Mực Tím:
NẮNG KHUYA
(Tặng bạn Lê Ngọc Thịnh)
Mùa thu ở Amsterdam
Nắng khuya lững thững bóng vàng nhẹ tênh
Vuốt ve từng ngọn cỏ mềm
Chạm giọt sương đã ngủ quên ban chiều
Đường về chân bước liêu xiêu
Sông xanh soi bóng dập dìu gió thơm
Sắc màu Van Gogh chập chờn
Bông hoa tulips cô đơn đứng chờ
Từng đêm tôi ngủ và mơ
Phố phường thân mật ngẩn ngơ đường về
(Amsterdam 17.7.2005)
Ấy cũng là lần đầu tiên trong đời, cảm nhận được “nắng khuya”. Trịnh Công Sơn có ca từ thật gợi và cảm: “Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”. Rời khỏi cơ quan Thịnh, quay về nhà. Trời lấm tấm mưa. Phóng xe chậm, thấy có người ăn mặc chỉnh chu, thắt cà vạt đàng hoàng lại dừng xe trên lề đường Trần Hưng Đạo, rồi hiên ngang tè tè vào ngay hộp điện to đùng trước mặt. Hộp điện đó có vẽ cái sọ người, ghi đậm dòng chữ “Nguy hiểm chết người”. Thế mà vẫn có kẻ dại dột. Khiếp thật. Đôi khi cái sự khiếp này cũng đến bất ngờ lắm. Lần nọ, đi xe ôm nghe tiếng ve kêu rền rĩ cả đoạn đường Tôn Đức Thắng, anh chàng xe ôm sau khi bàn đủ mọi chuyện về tình hình thế giới, quốc tế, nhân sinh lại phán một câu xanh rờn: “Này anh, tiếng ve kêu nghe vui tai quá. Ai mà nuôi ve bán cho thiên hạ ắt giàu to, vì mùa nào cũng được nghe tiếng ve kêu ai lại không thích? Tha hồ mà bán!”. Nghe thế. Biết thế. Ậm ự thế nào? Im thin thít như thịt nấu đông. Chỉ mong mau đến nơi đặng xuống xe cho nhẹ cái đầu! Khiếp thật. Lại nhớ đến câu chuyện do ông Cao Xuân Hạo kể đã lâu. Ngày nọ, người bạn làm bác sĩ tâm thần, lấy quyển sách dạy tiếng Nga và chỉ cho ông thấy dòng chữ in rành rành: “Trong hiệu sách có bán sách, báo, tạp chí và các tiểu thuyết khác”. Kể xong, ông thở dài: “Khiếp thật!”.
Đi xe một mình trong mưa cũng là cái thú. Tạt qua đường Nguyễn Thiện Thuật ăn cháo Tiều. Lúc ngồi ăn, lại nghĩ, người đàn bà tầm thường là người chỉ mong muốn ông chồng quanh quẩn trong vòng tròn do chính họ vạch ra, chẳng hạn, đi làm về đúng giờ, cấm bồ bịch lăng nhăng, phải gương mẫu chỉnh chu, không rượu chè nhăng nhố v.v… Còn người đàn bà “vĩ đại” là người không thèm ban hành các quy định ràng buộc, chồng làm gì thì mặc không thèm đếm xỉa tới nhưng họ lại rất quan tâm và tự ý thức làm mọi cách để con mình trở thành người xuất chúng! Với người đàn bà, con mới là nhân tố quan trọng nhất, chồng chỉ đứng sau. Nghĩ ra câu “triết lý” ấy, trên cả sự thông minh vốn có, khoái quá, y bèn tự thưởng một tô cháo Tiều nữa.
Sáng nay, vẫn công việc mỗi ngày. Đọc báo TT sáng nay mới hay rằng, “Hội Nghề cá Việt Nam đề xuất lấy ngày 1/4 hằng năm là ngày vinh danh người hy sinh giữ gìn biển đảo, mở rộng bờ cõi Hoàng Sa, Trường Sa”. Ơ hay, ngày này đã là Ngày cá tháng Tư, nói nôm na “Ngày nói láo” quá đỗi quen thuộc với mọi người, tại sao lại chọn ngày này? Nên chăng, chọn ngày 20.1 của năm 1974 - ngày tháng lịch sử máu lệ, đau đớn mà cũng oai hùng của dân tộc Việt Nam đã chống lại Trung Quốc khi chúng điên cuồng đánh chiếm Hoàng Sa?
Tại sao không?
L.M.Q
Sáng nay, các chiến hữu họp ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Anh em thế hệ nhập ngũ 1977, 1978 điện thoại liên tục. Họp mặt đồng đội D8, E29, F307 nhưng y không về được. Mẹ y vừa xuất viện hôm chiều thứ Tư, còn yếu, y không thể làm một chuyến đi xa. Mới ngày nào đó thôi, những gương mặt búng ra sữa, đi “một, hai” trật nhịp, siết cò súng AK còn ghê tay mà nay đã bước sang “ngũ thập”. Vết hằn năm tháng vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ. Những phiên gác đêm thèm ngủ võ vàng mắt đói. Những cuộc hành quân đói lả. Những lúc tòng teng ngủ võng mưa trút như thác lũ. Những hầm thông hào ngập nước nhầy nhụa. Những căn nhà thùng bì bỏm bùn non. Những tượng vũ nữ Apsara căng tròn bầu vú. Những cú vấp mìn tả tơi thân xác...
Đồng đội nhập ngũ 1977, 1978 tại chiến trường K
Ngày đó? Chưa xa. Đêm nọ, khoảng cuối tháng 12 của năm 1980, cùng Trần Đào Hiền Nhân… lội rừng đi thăm Nguyễn Đình Chiến, Trần Tuấn Bảo, Nguyễn Đăng Lâm… Anh em gặp nhau, lại rượu. Say bí tỉ. Trên đường về, gặp ngay lúc địch tập kích vào doanh trại. Suýt chết. Ngày đó, thường hút thuốc rê Tam Đảo, quấn bằng giấy báo hoặc lá khô. Cũng có khi hút thuốc lào, tùy vào nhu yếu phẩm do đơn vị cung cấp hàng quý. Lúc hết, phân công nhau đi tìm rẫy trồng thuốc, nếu gặp bất kỳ cây non, cây già nào cũng chặt sạch, đem về bằm vụn cả gốc lẫn ngọn rồi bỏ vào song quân dụng rang khô. Chia nhau hút dần. Thỉnh thoảng, đi hành quân gặp rẫy thuốc cần sa. Cũng hút. Thuốc đem lại cảm giác lơ tơ mơ, cổ khát nước, tai thính, nhớ lẫn lộn mọi thứ, hình ảnh liên tục nhảy múa trong đầu. Ngày nọ, đang say thuốc, địch tập kích vào doanh trại, anh em chạy ùa ra chiến hào, than ôi, có người quên mang theo súng. Từ đó, trở về sau ai nấy tởn tới già. Bỏ hút cần sa, nếu còn muốn về cố quốc.
Những ngày mưa ở Anlungveng nhiều kỷ niệm nhất.
Khi làm tập thơ in chung Đất bên ngoài Tổ quốc, trong phần giới thiệu thơ Đoàn Tuấn, y nhắc lại: “Những kỷ niệm còn tươi rói trong trí nhớ. Nhớ những ngày đem quân phục vào phum đổi chó? Chúng mình leo lên nhà sàn, ngồi uống rượu. Ném những cục cơm xuống dưới đất để nhử chó, những con chó háu ăn vừa lao tới thì lập tức một loạt đạn vang lên... Bởi khi ấy nòng súng A.K đã chỉa xuống. Bắn chính xác. Cột bốn chân của xác con chó lại. Xuyên qua một thanh tre. Chúng ta đã hào hứng khiêng chó về hậu cứ. Đó là những ngày hội tươi đẹp của một thời tuổi trẻ. Lại nhớ một kỷ niệm cùng Dũng B.40. Đêm. Trăng sáng. Trên đường từ phum Choangs’re, có một chiếc xe bò chở theo một con bò đã chết lọc cọc đi vào rừng. Quốc và Dũng bí mật bám theo. Trong rừng, những nông dân Campuchia đã đào một cái hố lớn để chôn con vật xấu số. Sau khi họ bỏ đi, hai đứa vội vã đào lên, rồi dùng liềm cắt những miếng thịt tươi roi rói đem về, trong bụng khấp khởi mừng vì đêm nay sẽ có một bữa liên hoan ra trò. Khi về hậu cứ không dám đi vào đường chính, vì sợ đại đội phát hiện, hai đứa phải cắt rừng, không ngờ lại lọt vào ngay hướng phục kích của đơn vị! Tưởng bọn mình là địch mò vào căn cứ, thế là một loạt đạn đinh tai nhức óc, cả hai thằng kêu toáng lên. May mà không “tiêu” đời một cách lãng xẹt như thế”.
Đoàn Tuấn cũng đã kể lại những ngày: “Đến đầu mùa mưa năm 1981, khoảng tháng 6, cả Tiểu đoàn tôi được lệnh chuyển lên khu vực Anlungvieng để chặn đường vận chuyển lương thực, đạn dược từ Thái Lan về của địch. Thời gian này Quốc thôi chức quản lý, phải làm lính trơn. Vì nghe đâu, được giao chức tiểu đội trưởng, Quốc không nhận. Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xuống xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được. Chính dạo ác liệt đó, tôi được chuyển từ thông tin lên thay anh Nguyễn Văn Cúc, người Nghĩa Bình, làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn. Anh Cúc về làm phó Đại đội trưởng C6. Quân số hy sinh quá nhiều. Lúc đầu còn có máy bay lên thẳng HU-IA đến chở đi hoặc chuyển lên Sư đoàn bằng cách khiêng bộ. Sau máy bay không có nữa. Khiêng bộ thì tốn kém. Hai trung đội dải đường dài 16 kilômét từ đơn vị đến phum Camtuất, cộng một tiểu đội dẫn đường, lại thêm mấy người thay nhau khiêng một ca. Mà vẫn bị phục, vẫn bị mìn clâymo quạt. Thêm bao nhiêu người hy sinh. Người chết rồi bị chết thêm lần nữa.
Chiến hữu Đại đội 22 và 21 thuộc K22, E 174, F 5, Mặt trận 479 chụp ở phum Ma-cạ, huyện Thơmaphuoc, tỉnh batambang, năm 1981 (Ảnh: Nguyễn Văn Phú - người đứng góc phải, cung cấp)
Cuối cùng Sư đoàn quyết định làm một nghĩa trang ở ngay giữa Tiểu đoàn tôi. Cử thêm một trung đội vận tải xuống chuyên cưa cây, xẻ gỗ, đóng quan tài. Nghĩa trang được làm nằm giữa Tiểu đoàn bộ và đơn vị Quốc. Tôi biết Quốc phải đi tuần, đi phục liên tục. Rất dễ hy sinh. Mà tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giữ di vật tử sĩ và tổ chức chôn liệt sĩ cho chu đáo. Chính trị viên Nguyên Văn Vẳng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: “Chôn vì người sống chứ không chỉ vì người chết. Làm sao để anh em đang sống, nhìn vào, biết được rằng, khi họ hy sinh, cũng được đối đãi tử tế như thế!”. Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức “oách” theo kiểu nhà binh’.
Những ngày tháng đó, đúng như Đoàn Tuấn đã kể, một lán trại dã chiến ngoài bìa rừng, nơi tẩm liệm các liệt sĩ được dựng lên. Chờ đưa về tuyến sau chôn cất tử tế. Có lúc, chôn tại chỗ, bao giờ cũng bỏ xuống đó một bình pelicine có nắp cẩn thận, trong đó có mảnh giấy nhỏ ghi vài thông tin về người đã khuất. Vẫn còn nhớ như in ngày rời khỏi Anlungveng lui về tuyến sau. Sáng hôm đó, trời mưa tầm tả. Doanh trại vẫn giữ nguyên nhưng công binh đi sau cùng, gài mìn chằng chịt. Ấy là ngụy trang bộ đội vẫn còn đang sinh hoạt bình thường. Thoáng đó đã xa. Ngồi đây, sáng nay, nhớ anh em ghê gớm. Rồi, cũng như mọi ngày, vẫn công việc viết vặt vãnh gì đó. Viết như một thói quen. Không chờ cảm hứng. Dù chẳng biết viết để làm gì.
Chiều qua, cùng anh Nguyễn Đông Thức và vài người bạn vào bệnh viện Thống Nhất thăm mẹ anh Biền. Bà cụ sinh năm 1928, nhỏ hơn mẹ y 1 tuổi. Tuổi già đến, khó có thể nói trước điều gì. Lúc ấy, mẹ anh B đang tắm, bỗng bà cụ xay xẩm, choáng váng mặt mày, té bất tỉnh trong buồng tắm. May lúc ấy anh có nhà, kịp thời đưa đi cấp cứu. Anh Thức bảo: “Ngày ba tôi còn sống, tôi thường tự tay tắm cho ổng cũng vì sợ xẩy ra trường hợp như mẹ anh Biền”. Nghe rưng rưng. Đi trong bệnh viện này, từ không gian đến phòng ốc đâu ra đó. Mà mừng. Đôi khi con người ta ồn ào quá, cứ tuyên ngôn, tuyên bố lớn lối những là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc...”. Cần gì phải đại ngôn đến thế, chỉ cần bệnh viện nào cũng xây dựng như Thống Nhất thì tốt quá. Bệnh viện Thống Nhất (tên ban đầu Vì Dân) khánh thành năm 1973. Phải thừa nhận tay kiến trúc sư giỏi và nhà thầu xây dựng có lương tâm nên đến nay vẫn vẫn hiện đại, chưa xuống cấp. Chẳng bù bệnh viện nơi mẹ y đã ở tạm mấy ngày qua. Chật chội. Nhếch nhác. Chiều qua, trong đầu y hoàn toàn không có suy nghĩ của những ngày mẹ y nằm bệnh, đại khái, khi vào bệnh viện dễ gặp nhất vẫn là hình ảnh la liệt các kiểu ngủ, từ người bệnh đến người nuôi bệnh đều có thể ngủ mọi tư thế, mọi vị trí mà vẫn dễ dàng ngáy khò khò. Nhìn hình ảnh đó chán đời ghê gớm.
May quá, chiều qua không gặp.
Cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa kết thúc. Một lần nữa, thầy giáo Đỗ Việt Khoa lại cung cấp cho cơ quan chức năng những hình ảnh tiêu cực trong thi cử. Đọc trên báo mạng mới hay việc làm này “bị phản đối, thậm chí có nữ sinh chửi mắng và đòi đánh thầy”. Có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau trên mạng, từ trang tin VN Epress, link sang mạng vitalk.vn, y chú ý đến ý kiến bênh vực cho nữ sinh đòi đánh thầy như Mua Dong: "Chắc e nữ sinh ấy "trâu trẻ", ăn chưa no lo chưa tới. K nghĩ được cái hiện trạng rõ trắng trợn ở nước ta như bác sĩ mổ thì bỏ quên dụng cụ y tế trong bụng bệnh nhân, y tá chích nhầm thuốc gây chết người; xây cầu+đường thì sập và hư sau khi khánh thành trong nháy mắt, thuỷ điện sông Gianh nứt thì lấy ximăng vá lại, học sinh lớp 6 thì đọc k thông viết k thạo, tiến sĩ thì nói k thông 1 ngoại ngữ (trừ tiếng mẹ đẻ), quan chức vi phạm kỉ luật thì ,.. chuyển lên ngồi ghế cao hơn!! .... Vậy mà cứ đòi hội nhập và ngang bằng.... nhiều, nhiều, nhiều, nhiều nữa. Tất cả do đâu??? Cốt yếu từ nền giáo dục nặng thành tích và đầy quan liêu ấy, k dám mổ xẻ đến cái nhọt ấy nữa, bị di căn rồi. "Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng cũng đành bó tay" vì ngay cả 1 BỘ GIÁO DỤC MÀ CŨNG NHẦM -NHẦM-NHẦM- NHẦM KHI TRÌNH BÀY ĐỀ ÁN TRƯỚC QUỐC HỘI VÀ CẢ NƯỚC VỀ 34 nghìn tỉ, cáo lỗi nhầm sau khi bị "mưa đá".
Ý kiến của Phu Long Đinh: “Đỗ Việt Khoa lại lên cơn. Tôi chẳng hoan nghênh gì các cháu lười học và không chịu học hành nhưng cứ thử hỏi với cái bằng phổ thông cũng có làm nên cơm cháo gì đâu. Xã hội càng ngày càng khó sống, bao nhiêu thứ tạm gọi là thối nát nhất trên đời này đang dồn lên đầu con trẻ. Đến các Tiến sỹ còn dính nghi án đạo văn, Anh hùng lực lượng vũ trang làm giả hồ sơ thì các em học sinh mang phao quay cóp có gì là ghê gớm đâu . Hãy để cho chúng một con đường sống không có việc gì làm hay sao mà cái tay này cứ suốt ngày soi mói chọc ngoáy vào một vấn đề mà cuối cùng cũng chẳng để làm gì. Điên nặng hâm nặng và độc ác nữa chứ - Hành động không sai nhưng mục đích có lẽ là điên hèn”.
Không rõ các nhà quản lý, nghiên cứu xã học học nghĩ gì với các comment này?
L.M.Q
Hồn Trương Ba, da hàng thịt - tuyển kịch của Lưu Quang Vũ
Đêm qua, đã sân bay. Đã đèn khuya một bóng. Quay về nhà. Đã khuya. Một cảm giác trống rỗng. Buồn vui không rõ rệt. Sáng nay, qua tòa soạn báo TT cà phê lai rai nhân có cuộc hẹn với các anh Nguyễn Đông Thức, Lưu Đình Triều, Dương Thành Truyền, Nguyễn Hữu Vang, Lê Văn Nghĩa. Ngồi trò chuyện linh tinh lang tang, sực nhớ lại mấy thông tin thú vị. Sẽ viết cái gì đó nhân TT tròn 40 năm. Nhanh ơi là nhanh.
Chiều nay, qua nhà in Lê Quang Lộc - trụ sở của báo TT ngày trước, mấy chục năm trước y chân ướt chân ráo bước đến và bắt đầu đi vào nghề làm báo. Vẫn không gian ngày nọ nhưng đã khác nhiều. Máy in chạy ầm ầm. Không gặp ai quen. Đến xem trước bản in thử bìa Sài Gòn mùa trứng rụng. Nhìn qua, xem lại nhiều lần bản in thử, rồi chỉnh sửa màu và cuối cùng gật đầu đồng ý. Chiều nay, có một trận mưa thật lớn. Đất trời mát mẻ. Dễ chịu. Cứ mưa đi.
Lúc sáng rời khỏi TT, vào cơ quan. Tranh thủ lướt qua những tờ báo mới. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2014 đã bắt đầu. Đề thi Sử năm nay, thoạt đọc qua đã thấy quá mệt. Ấy là nêu nội dung cơ bản trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng vào năm 1930; phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); trình bày những nguyên tắc hoạt động của Liên hiệp quốc… Với đề thi này, cỡ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân muốn viết “ra môn ra khoai”, nếu không tham khảo tài liệu, đố mà viết nổi. Đi thi, gặp phải đề thi này, chắc chắn y rớt ạch đụi ngay từ lúc chép đề.
Tại sao môn Sử ngày càng ít thí sinh chọn? Thiên hạ phân tích nát nước rồi, chẳng nhắc lại làm gì. Chỉ biết tại Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) em Phạm Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn Sử; hội đồng thi Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), chỉ có một thí sinh dự thi môn Sử, đó là Đoàn Thị Nga; hội đồng thi Nha Trang đặt ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Khánh Hòa, thi môn Sử cũng chỉ có một thí sinh Lê Đình Đức v.v… Đọc thông tin của TT, nghe cứ như đùa, các thí sinh duy nhất ấy như Phạm Khánh Linh “được 18 người phục vụ trong quá trình làm bài thi lịch sử, gồm 1 chủ tịch hội đồng, 2 phó chủ tịch hội đồng, 2 thư ký, 3 giám thị và 10 người phục vụ, công an lẫn bảo vệ”!
Lẩn thẩn nghĩ rằng, đoạn văn Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước của tác giả Nguyễn Thế Hanh (in báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 15/5/2014) thay vì làm đề thi môn Văn, chuyển qua môn Sử thì hợp lý hơn. Đoạn văn này đề cập đến thời sự biển Đông khi vào những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chọn làm đề thi môn Sử, không dừng ở "nêu ý chính", "xác định phong cách ngôn ngữ", "viết đoạn ngắn bày tỏ thái độ" mà yêu cầu các em liên tưởng thời sự, trình bày truyền thống yêu nước của dân tộc Việt thì rõ ràng đề thi có sức gợi mở, khái quát hơn. Do nó được chọn làm đề thi Văn nên không phải ngẫu nhiên, báo TN cho rằng: “Sự thay đổi trong cách ra đề thi môn ngữ văn như thế này - bám quá sát vào thời sự xã hội - có khiến môn văn giảm dần ý nghĩa của “cái đẹp” đặc thù của văn chương? Môn văn có vô tình trở thành sự “tích hợp” của nhiều môn khác như lịch sử, địa lý, chính trị, giáo dục công dân cộng lại?”. Hôm nào nhàn rỗi, đọc lại tập Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội (NXB Hà Nội - 2010) bao gồm các đề thi và bài làm của các Tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1892 để xem ông cha mình ra đề thi thế nào? Đề thi sớm nhất còn lưu giữ được toàn văn như sau:
"Trẫm nghĩ:
Trị nước ắt lấy người tài giỏi làm gốc. Vào đời Đường, Ngu nhân tài thịnh vượng, nhưng bề tôi được ban mệnh, ngoài Tứ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục, không nghe thấy ai khác, sao nhân tài khó được vậy? Với sự sáng suốt biết người của Đế Nghiêu mà trong triều còn có Tứ hung, sao tiểu nhân khó biết vậy? Cái hại của hồng thủy, nước dâng ôm núi tràn gò, dân thời bấy giờ chịu hại không ít. Việc trị thủy của Cổn kéo dài đến 9 năm thì làm dân lại biết là bao, sao không sớm trừ bỏ tiểu nhân vậy?
Đến nhà Chu, Kinh thi khen là "Cát sĩ đông đúc, Văn vương nhờ thế được yên". Cho nên thời Vũ vương chỉ khen mười bề tôi dẹp loạn. Nói rằng: "Nhân tài khó được" há chẳng như vậy sao? Bọn Quản, Sái phao tin, Chu công phải "lang bạt", vương thất tưởng chừng nguy ngập, sao bọn tiểu nhân gian hiểm không đời nào không có?"
Đức Thái Tổ Cao hoàng đế ta được thiên hạ nhiều lần ban chiếu cầu hiến, rút cục không một người ứng tuyển. Bọn Hản, Xảo ngầm chứa lòng gian. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, gắng gỏi một lòng cầu trị nhưng hiệu quả được ngươi mịt mờ như nhìn ra bể. Bọn Ngân, Sát ôm gian trích ác. Sao quân tử khó được, tiểu nhân khó biết thế?
Các sĩ tử hãy hết lòng đối đáp, trẫm sẽ đích thân xem xét".
Nhân đây giải thích, Đức Thái Tổ Cao hoàng đế: Lê Lợi; Hản, Xảo: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo; Ngân, Sát: Lê Ngân, Lê Sát. Người ra đề thi là vua Lê Thái Tông vào năm 1442, người đậu Tiến sĩ là Nguyễn Trực (1417-1474). Kỳ thi Phổ thông trung học năm nay, có lẽ, đáng khen đề thi môn Văn, phần Làm văn “Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình”. Đoạn trích đó như sau:
“Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.
Có một điều lạ, có những vở kịch khi đọc trên văn bản cảm thấy gượng gạo, rất chán, khó có thể đọc hết nổi. Thế nhưng kịch Lưu Quang Vũ lại khác, có thể đọc say mê đến trang chót vẫn còn thèm thuồng. Sau Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ nhân 25 năm ngày mất của anh, cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có liên hoan kịch dành riêng cho một tác giả - gia đình anh, cụ thể Lưu Khánh Thơ đã in tuyển kịch của anh mình gồm các vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân Công chúa, Tôi và chúng ta, Điều không thể mất. Tuyển này lấy Hồn Trương Ba, da hàng thịt (NXB Hội Nhà văn - 2013) làm tựa chung, bìa 4 có trích phát biểu của Lưu Quang Vũ: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất. Đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên”.
Sáng nay, đọc đề thi môn Văn. Đọc xong, tự nhiên nhớ đến L.K.T. Lần đầu tiên gặp là tháng 4.1994, lúc đó T có đang có bầu bé Tún, vậy mà nay cháu đã lập gia đình. Trò chuyện lúc ấy, tất nhiên, gọi “chị” xưng “em” ngọt xớt. Qua câu chuyện mới biết, thời mới giải phóng khi vào Sài Gòn, Lưu Quang Vũ thân với nhà văn Đoàn Thạch Biền lắm.
Trời đã tạnh mưa. Vào thăm mẹ một chút. Lại những bữa ăn chiều một mình.
L.M.Q
Trang 38 trong tổng số 58