Nguyễn Văn Phú, nhập ngũ từ Quân khu VII, tôi nhập ngũ từ Quân khu V, năm 1977. Ngày ra quân, sau hơn năm năm ở Campuchia, chúng tôi quy cố hương. Gặp nhau lại tại Đà Nẵng (1983). Và chụp chung tấm ảnh này mà Phú vừa mail cho tôi qua Facebook.
Lê Minh Quốc và đồng đội Nguyễn Văn Phú (ảnh chụp năm 1983 tại Đà Nẵng), lúc vừa ra quân
Nhìn lại ảnh, thương quá là thương tuổi trẻ của mình. Và tôi biết bài thơ này. Như nhớ về một kỷ niệm không quên với đồng đội của HT. 5A20106 Pleiky (Đoàn 330 chuyển) của những năm 1977 và cả sau này…
L.M.Q
(21.II.2013)
có phải là tôi hỡi gương mặt như cánh buồm say gió
áo trắng thư sinh chưa hằn dấu bụi đời
từng đêm mơ tiếng cười
gió lùa qua tuổi trẻ
nhớ thương em trong bàng hoàng lặng lẽ
mìn KP 2 đã nổ dưới chân đi
thân xác nát tả tơi
hóa thành ngọn sao trời
DKZ vụt tím chiều Chùa Tháp
lửa cháy rực ngang đầu
căn hầm dã chiến chữ A
đường chiến dịch zích zắc
chiến hào sâu lòng đất
đồng đội ngày ngày đối mặt
cõng đạn tải thương trúng đạn vấp mìn
gánh trọn một trái mìn
người chết hai lần
cối 60 ly bắn dập dồn
đạn AK rào rào như vãi trấu
vầng trăng non méo xệch
đường quốc lộ 14 B ngã lệch
ai vuốt mặt người đã chết
ai gọi “Mẹ ơi” lúc mới vừa khép mắt
giọt lệ ứa ra nghèn nghẹn tiếng kinh cầu
Prech Vihear ngoãnh lại phía sau
vẫn là Đất Mẹ
đất mẹ gần như thể
bán đảo Đông Dương nghe chung một tiếng gà
một ngụm nước thốt nốt
cơn sốt rét vàng da
mùa mưa lấm lem chiếc võng bạt cuộn tròn giấc ngủ
đường hành quân mùa khô nghẹt thở
cổ họng khô rang như đang ngậm lửa
rừng khộp khẳng khiu lá rụng phủ quanh người
khẩu súng thép ngậm ngùi
phiên gác đêm ngồi yên như tượng đá
nàng vũ nữ Apsara hớ hênh
bầu vú tròn căng
giấu đức tin giữa hai chân
những tháng ngày trống rỗng
từng tảng đá Angkor nặng nề ác mộng
chiếc linh hồn lẻ loi
chỉ còn bóng trăng soi
đã trúng đạn
đã tím bầm lênh loang như vệt máu
máu đã chảy qua niềm tin ngây thơ
của tháng ngày khờ khạo
tuổi trẻ cô đơn
tuổi trẻ oán hờn
tuổi trẻ lúa non
tuổi trẻ không hoài nghi không đa nghi và cũng không tham vọng
tuổi trẻ đẹp như mơ
chưa kịp lớn đã vội vàng chín héo
sao lúc ấy gương mặt em trong trẻo
như cậu học trò lần đầu tiên nắn nót viết thư tình?
trái tim run như sóng vỗ bờ
một tà áo cũng đủ tương tư bối rối
môi thơm tho chưa buông lời gian dối
gương mặt em thắp sáng một bình minh
dẫu trái tim tinh khôi đã ghim đầy vết đạn
huỳnh lộc: 16.6.1980
đỗ nhờ: 16.7.1980
nguyễn tiếp: 21.7.1980
nguyễn luôn: 13.8.1980
lý văn nga:18.8.1980
lê văn lâm: 21.6.1980
phạm hữu phúc: 17.6.1980
trần thanh biện: 25.11.1980
lưu thanh sơn: 25.11.1980
hoàng an: 28.12.1980
huỳnh văn hoan: 12.12.1980
trần lợi: 13.12.1980
nghĩa trang u ám Anglungveng
tiếng quạ kêu rã rời thảng thốt
trang nhật ký những câu thơ muộn phiền ủ dột
ám ảnh em ngày tháng tươi xanh
bước chân hành quân
mơ con đường không mìn vướng dưới chân
đạn bắn lén không xuyên qua giấc ngủ
mơ bầu vú đá rỉ ra từng giọt sữa
nuôi sống rông rênh mười tám mới dậy thì
đời lính mục
ăn cơm cục
uống nước đục
ngày đi phục
tối ngủ gục
đôi giày bục
lúc chán đời chưởi tục
chỉ mơ ngày về
mắt mũi chân tay mặt mày nguyên vẹn
ừ, vẫn còn nguyên vẹn
còn cất tiếng oa oa của giây phút làm người
nhưng tôi ơi, tiếng cười
đã mất
tuổi trẻ đã mất
xòe tay vuốt mặt
tôi yêu em là yêu lấy chính mình
yêu lấy thịt xương đồng đội của mình
đã vùi sâu trong đất
những nghĩa trang lãng quên trên quê hương Chùa Tháp
đã nghìn trùng xa lắc...
(24.II.2013)
Bạn tôi Huỳnh Văn Hoan - quê Tam Kỳ (Quảng Nam), mất ngày 12.12.1980 ở Anlungveng, lúc khâm liệm, trong túi áo của Hoan là bức điện tín này, còn loang vết máu, tôi giữ lại đến nay...
Trang nhật ký của Lê Minh Quốc thời ở chiến trường K có ghi lại ngày bạn bè đã hy sinh ở Anlungveng
Cựu chiến binh F 307: Hồ Văn Sáng (phường Mân Thái - Sơn Trà-TP Đà Nẵng); Nguyễn Văn Đồng (Phan Thiết -Thuận Hải); Nguyễn Văn Được (Nại Hiên Đông - Sơn Trà -TP Đà Nẵng); Nguyễn Bá Tựu (Trần Cao Vân -TP Tam Kỳ); Võ Đình Cường (Phú Yên - Tuy Hòa)
(Ảnh: Hồ Lê Duy Khanh cung cấp)
Chiến hữu D2, E95, F307 tại đền Prech Vihear thập niên 1980. (Ảnh: Anh Thức ở TP.HCM - đồng đội F307 cung cấp)
Chiến hữu Đại đội 22 và 21 thuộc K22, E 174, F 5, Mặt trận 479 chụp ở phum Ma-cạ, huyện Thơmaphuoc, tỉnh batambang, năm 1981 (Ảnh: Nguyễn Văn Phú - người đứng góc phải, cung cấp)
Trần Tuấn Bảo - D8, E 29, F 307 (ảnh chụp lúc về phép năm 1982)
Lộc y tá, Thanh mập sửa xe, Hùng nổ K19 Công binh, Thanh bon xa K22, Phú de K22 -lính F5 (Sư đoàn 5) Trung đoàn 174 chiến trường Tây Nam (Ảnh do Nguyễn Văn Phú cung cấp)
Chiến hữu K22, E 174, F 5, Mặt trận 479 Quân khu 7 (Phú de thứ 4, từ trái sang cung cấp hình ảnh)
Đám cưới Phú De năm 1985 cùng đồng đội chiến trường K
Lính E 29, F 307: Nguyễn Thủy (Quế Sơn), Trần Văn Bàng (Thăng Bình), Nguyễn Bảy (Quế Xuân) và Lê Minh Học (Bình Định) chụp năm 1983 tại nhà cô Cạc ở phum Giềng thuộc Choăm K'San - Prech vihia (Ảnh: Nguyễn Thủy cung cấp)
Nguyễn Thủy lính F 307 hiện nay là giáo viên dạy Mỹ thuật tại Quế Sơn (Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Thủy cung cấp
Chiến hữu của D bộ 8, E29 F307 chụp tại hội trường của tiểu đoàn 8 đóng quân tại phum Ziềng (huyện ChoămK'San, tỉnh Prech ViHear) vào tháng 2.1983. Do hình quá mờ chỉ rõ nhất là Lê Minh Học thông tin D8 đứng trước cạnh bàn, và Dũng Thống kê quân lực D8 ngồi phía sau bàn... nhưng đấy cũng là một kỷ niệm không bao giờ quên. (Ảnh: Nguyễn Thủy cung cấp)
Nguyễn Bảy và Nguyễn Xinh chụp năm 1983 tại phum Ziềng Choăm K'San (Prechvihia - KPC). Nguyễn Xinh là lính văn nghệ của trung đoàn 29, nay đã qua đời do bệnh nặng. Nguyễn Bảy là lính tài vụ D8 - vẫn còn tại ngũ, quân hàm đại tá.
Nguyễn Hữu Châu (quê Bồng Sơn - Quảng Ngãi) nhập ngũ năm 1979 đơn vị C6 , D8, E29, F307 đồng đội cùng chiến hào.
Nguyễn Văn Sanh đơn vị C6, D8, E29 nhập ngũ năm 1977, Quê Hòa Vang (Đà Nẵng), xuất ngũ năm 1984. Nay thợ hồ.
Nguyễn Quang Minh (thứ hai từ trái sang), quê ở Thôn 4 Quế Lộc (Quế Sơn Quảng Nam)nhập ngũ ngày 10/8/1980.
(NGUYỄN THỦY cung cấp hình ảnh)
Lính F 307: Lê Minh Quốc và Phan Tấn Pháp - hiện nay Pháp công tác tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Giang (Quảng Nam) ngày mồng 3 tết 2013 ở Thăng Bình
Lính E 29, F 307: Võ Đình Chiến - hiện nay Chiến công tác tại phòng quản ký đô thị tại Đà Nẵng - và Lê Minh Quốc tại nhà Phan Tấn Pháp mồng 3 Tết 2013 tại Thăng Bình (Quảng Nam)
GHI CHÚ:
CÁC CHIẾN HỮU TỪNG LÀ CÔNG TÁC, CHIẾN ĐẦU Ở CHIẾN TRƯỜNG KAMPUCHIA, NẾU CÒN LƯU GIỮ HÌNH ẢNH CỦA MÌNH THỜI ẤY, VUI LÒNG MAIL VỀ
Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
ĐỂ CỘNG TÁC VỚI CHUYÊN MỤC NÀY. CÁM ƠN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|