LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.5.2014

song-cung-lich-su-R

 

Y tệ quá. Đã có một thời gian dài, từ lúc bắt đầu viết kịch bản Sống cùng lịch sử đến khi lên Điện Biên chọn cảnh quay v.v.. Đoàn Tuấn đều báo tin, chia sẻ cảm hứng. Lúc ấy, y  ngoác mồm “hồ hởi phấn khởi” động viên bạn mình. Hứa chắc như đinh đóng cột, như rựa chém tre, như dao chém chuối là sẽ đi xem ngay xuất chiếu đầu tiên. Nói ngon lành quá. Đến lúc Sống cùng lịch sử chiếu tại fafilm, y lần chần, lần hồi, lần lữa mãi. Một phần do lười, do ngại vào rạp chiếu phim; một phần do xuất chiếu chỉ diễn ra vào lúc 20g mỗi ngày. Giờ đó, nếu đi nhậu, đã say. Nếu về nhà, lại ngại xuống phố.

Đêm qua hạ quyết tâm làm người bạn tốt, từ chối lời rủ rê ăn nhậu của nhà văn Lê Văn Nghĩa, hiên ngang bỏ ra 50 ngàn đồng mua vé, đi đúng giờ, ăn mặc chỉnh chu, sạch sẽ. Đến fafilm. Vâng, phải đến fafilm xem phim của bạn mình. Không nói ngoa. Có nàng làm chứng. Lần này, Tuấn đừng hòng có cơ hội nhắc nhở y phải đi xem phim nữa nhá. Nghĩ thế, lòng vui.

Sau khi mua vé, đẩy cánh cửa rạp, kéo các màn nhung ra, đưa cái mặt nhìn vào trong rạp. Y đã thấy gì? Hoàn toàn không một mống người. Chỉ có ghế và ghế. Không gian im ắng đến lạnh người. Thời gian tích tắc trôi qua. Bốn bề im lặng. Tự nhiên lại thấy sờ sợ. Vẫn ngồi xuống ghế. Không gian lặng thinh. Bỗng thót người nghe tiếng động. Giật mình ngoảnh lại đằng sau. Thấy một thiếu nữ đột ngột xuất hiện. Cô ta đứng yên. Nhìn y chăm chăm. Không nói, không cười. Y hơi run. Ai vậy ta? Người thật hay ảo ảnh? Tim đập thình thịch. Chẳng lẽ đứng dậy rồi co chân chạy tuốt ra ngoài? Không, y tự nhủ cố gắng hít thở thật sâu. Đừng sợ. Mở to mắt nhìn cô ta. Cả hai nhìn vào mắt nhau, chẳng ai nói một câu gì. Rạp chiếu phim im ắng vô cùng. Cảm thấy sợ muốn đứng tim. Tim lại đập thình thịch. Cô ta vẫn đứng yên, Không nói không rằng. Giây lát sau, chịu không xiết sự im lặng này, y đứng vụt dậy. Bước nhanh ra cửa. Bỗng nghe tiếng gọi lại. Một âm thành êm ái lạ thường vang lên: “Anh à, chỉ có một mình anh xem nên phim không chiếu”. Thì ra thế. Cô ta im lặng nẫy giờ vì có lẽ quá... kinh ngạc tại sao vẫn có người vào xem phim chủ đề về lịch sử chăng?Tongue out

Vậy Tuấn nhé,Money mouth đã cố gắng làm việc tốt. Nhưng rồi, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Biết thế nào? Cứ theo lời giới thiệu tại fafilm, phim này kịch bản: Đoàn Tuấn; đạo diễn: NSND Phạm Thanh Vân; diễn viên Nguyễn Thu Quỳnh, Đào Chí Nhân, Hoàng Tuấn Kiên, Hoàng Mai Anh… Kịch bản tóm tắt như sau: “Trong một chuyến du lịch vê Điện Biên, nhóm ba bạn trẻ lâm-Nga-Tùng tình cờ được sống lại những giây phút hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Được chứng kiến và hòa mình vào sức trẻ yêu nước của thế hệ đi trước, những tấm gương biết hy sinh vì lý tưởng cao đẹp,  bà bạn trẻ đã rút ra được những bài học sâu sắc cho riêng mình. Với đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, kịch bản Sống cùng lịch sử có ý tưởng mới mẻ, sâu sắc, nội dung xúc động. Tác giả có cách nhìn khá mới lạ, độc đáo về một đề tài tưởng chừng quen thuộc. Vấn đề kịch bản đặt ra gắn với thế hệ trẻ hôm nay, đó là niềm tin và sự trăn trở của họ về lẽ sống và truyền thông hào hùng của dân tộc. Đây là một cách tiếp cận lịch sử thú vị; lịch sử được đánh thức qua cảm nhận của thế hệ trẻ hôm nay”.

Bao nhiêu bạn trẻ đã xem phim này?

Y tự hỏi và chẳng có câu trả lời. Chỉ biết nhà nước bỏ tiền làm phim nhưng khâu quảng cáo quá kém, chẳng ai biết đến phim đang chiếu. Rồi… Mà thôi, chỉ cần thêm “v.v…” và “v.v…” là đủ. Tối qua trên đường quay về, đi đến đoạn Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng thì không thể đi thẳng được nữa. Con đường Hai Bà Trưng đã bị ngăn lại. Phải xuôi theo đường Nguyễn Đình Chiểu rồi quẹo vào Phạm Ngọc Thạch mà về. Nghe đâu, vì lý do biểu tình gì đó. Vốn là nhà báo nên khi đi qua đường Phạm Ngọc Thạch, y lại quay ngược lên Điện Biên Phủ xem sao. Đi đến Nguyễn Văn Thủ thì bị ngăn lại. Như vậy, chỉ một đoạn đường ngắn là không thể đi ngang qua. Rõ ràng chuyện chống Trung Quốc đang rầm rộ khắp nơi. Đã nghe ồn ào với cuộc biểu tình của công nhân Bình Dương; nhiều tour hủy bỏ những chuyến du lịch sang Trung Quốc; có nhà hàng tại Nha Trang tuyên bố không phục vụ du khách Trung Quốc v.v…

Rồi cả tuần lễ nay, trên facebook hừng hực khí thế sẵn sàng chiến đấu. Tất cả hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến khác nhau về thái độ, cách thức biểu tình. Y không bàn chuyện này. Việc cần nhất lúc này là tập trung, đoàn kết một lòng vì biển Đông chứ không phải cằn nhằn, rị mọ so sánh, phê phán cách thức biểu tình. Thế nhưng dù cách thức nào cũng không thể chấp nhận cách gây rối, quá khích, phá hoại nhà máy như ở khu chế xuất Bình Dương... Nghĩ lại đi, nghĩ cho cùng dù biết rằng biểu tình là một cách tích cực đánh thức, khơi dậy lòng yêu nước ở mỗi người nhưng chúng ta vẫn đang trong thế đứng an toàn ở hậu phương. Người lính, ngư dân đang đứng đầu sóng, nơi tuyến trước, họ rất cần sự đoàn kết một lòng ở hậu phương và có phương thức đấu tranh phù hợp tùy theo tình hình mỗi lúc. Đi biểu tình, hay ngồi ở nhà cũng chẳng sao. Mỗi người một sự lựa chọn, đừng buộc ai khác phải có sự lựa chọn như mình. Cùng yêu nước, nhưng mỗi người, tùy tâm thế, họ sẽ chọn thái độ phù hợp và nếu cùng một tấm lòng, cùng một mục đích ắt sẽ gặp nhau.

Nhắc đến vinh quang cuộc kháng chiến đời nhà Trần, không ai nhớ nhiều đến Trần Quốc Khang. Số phận của ông nhiều nỗi niềm éo le. Ông là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, mẹ là công chúa Thuận Thiên. Khi bà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang được ba tháng. Thế nhưng Trần Thủ Độ vẫn buộc bà phải làm vợ của em ruột Trần Liễu là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi là vua Trần Thái Tông. Sự hoán đổi này vì mục đích chính trị nhằm giữ vững cơ ngơi nhà Trần v.v... Sử sách đã chép. Không nhắc lại. Vì việc làm trên, Quốc Khang có sự lựa chọn khác khi cả nước xông vào hòn tên mũi đạn lúc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống Nguyên - Mông.

Đầu năm 1283, trong buổi thiết triều có cả Thượng hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông ngự ngai vàng. Về quan hệ hoàng tộc, thượng hoàng Thánh Tông là em của Quốc Khang, nhưng khổ nỗi ông lại là giọt máu của ông bác là Trẩn Liễu nên không thể nối ngôi vua cha Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Lúc ấy, Quốc Khang dâng lên nhà Thượng hoàng và nhà vua con rùa và tâu triều đình hãy xem ở ngực và bụng rùa có chữ gì? Bảng nhãn Lê Văn Hưu vâng mệnh: “Muôn tâu Thánh thượng, ngực rùa có chữ “Vương”, còn ở bụng thì hơi khó đọc”. Quốc Khang bảo: “Cứ xem kỹ đi, vì đây là Kim Quy, hiển linh sứ giả của thần linh như thời An Dương Vương”. Lê Văn Hưu, đọc lần nữa và cho biết đó là chữ “Nhũng” và reo lên: “Vương là vua, là triều đình ta; “Nhũng” là “vô sự”. Rùa thần báo trước là trận ra quân này, Đại Việt ta chắc chắn thành công”. Điềm báo trước này đã tăng sức mạnh cho toàn dân và kết quả ta đã biết. Cách thức thể hiện lòng yêu nước của Quốc Khang là vậy. Nhà sử học Lê Văn Lan gọi là hành dộng của Quốc Khang "văn hóa quân sự" và đến nay ông vẫn được xếp vào trang sử vẻ vang đáng giặc giúp nước đời nhà Trần.

Thế đấy, mỗi người có một cách biểu lộ lòng yêu nước khác nhau. Năm 1946, hàng loạt trí thức từ châu Âu về nước tham gia kháng chiến, trong khi đó, có những người đi ra nước ngoài như Hoàng Xuân Hãn chẳng hạn, nhưng đố ai dám nói nhà bác học này không yêu nước, không là niềm tự hào của lịch sử nước nhà? Trong Nhật ký 11.5.2014, có nhắc đến lời trêu của người bạn dành cho y. Nay nhắc lại “chuyện xưa tích cũ” như một cách trả lời vậy. Vui thôi mà.

Mấy ngày hôm nay cũng công việc nhì nhằng. Đã chuyển ban tổ chức kết quả chấm giải thi thơ mừng 10 năm Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Đã nhận thư mời của báo TT mời viết bài cho tập sách Chuyện đời - chuyện nghề ấn hành kỷ niệm nhân dịp báo TT tròn 40 tuổi (2.9.2014). Đã nhận lời làm giám khảo cuộc bình thơ của Quận ủy Q.1 trong tuần này. Đã chúc mừng Đoàn Tuấn vừa viết xong kịch bản phim về văn hóa Chăm. Đã gửi sách cho Tẹo, giữa tháng này Tẹo đi Mỹ. Đại khái thế.

Mọi việc sáng nay đã xong.

Phở thôi.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment