Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện
Thứ sáu, 18.7.2014.
Trưa, về nhà trong lúc mưa tầm tã. Mưa như thác nước trút từ trời cao. Phải về nhà. Cơm mẹ đã nấu. Không thể không ăn. Cơ quan có liên hoan tiễn nữ đồng nghiệp về hưu. Không khí vui nhộn. Người đi kẻ ở. Tiễn biệt. Chan chứa tình cảm. Cười nói hân hoan. Trẻ trung. Đôi lúc nghĩ rằng, sẽ là điều may mắn nếu lúc vào đời được làm việc trong một cơ quan có mối quan hệ đồng nghiệp thân tình như anh em. Ở báo PN, trước đây và bây giờ, y đã sống những ngày tháng êm đềm.
Sáng nay, còn tranh thủ thời gian cùng anh Biền đi thắp nén nhang cho anh Nguyễn Thế Truật. Thì ra, Truật cũng sinh năm 1959. Kỷ Hợi. Ngang tuổi y. Phần số mỗi người. Biết thế nào. Lúc đến nơi đã thấy đông anh em NXB Trẻ và nhiều người thân quen khác. Tất cả gợi lên không khí ấm cúng. Lúc về, anh Biền tặng hai tập sách cũ: Văn thơ Phan Bội Châu (Đặng Thai Mai), Phê bình văn học (Kiều Thanh Quế). Lại thêm vui. Nhận quà tặng gì cũng nhẹ tay cầm, chỉ có sách là niềm sung sướng lâu bền hơn cả.
Một buổi sáng, đến hai nơi. Nơi nào cũng chan chứa tình bầu bạn. Chỉ nghĩ thế, đã vui.
Chiều, tìm trong tủ sách một ít sách tặng lại Vũ - bác sĩ ở Quế Sơn (Quảng Nam). Chia sớt niềm vui cho người khác. Đôi khi nghĩ rằng, sách như người bạn. Đã đọc đâu đó rồi, có lúc tình cờ tìm thấy quyển sách đó lại có cảm giác như gặp người bạn ngày cũ. Mỗi thời gian, tùy tuổi tác, con người ta cảm nhận khác nhau về một quyển sách. Ông Lâm Ngữ Đường bảo: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít”. Đúng quá chừng. Thời hoa niên, y đã đọc Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện. Lúc đó, chỉ thích những câu văn xuôi viết như thơ:
Một con ong chết.
Nắng xế qua triền cửa sổ.
Mùa hè đổi hướng.
Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm”.
Lúc đó, đọc những triết lý uyên thâm mà không hiểu gì. Rồi bẵng đi hơn mười năm sau, lúc vào Sài Gòn, la cà tiệm sách cũ tình cờ lại tìm mua được quyển sách mà mình đã ngấu nghiến từ bé. Mừng rơn. Vội vàng ghi lại ngay trang đầu: “Sài Gòn 15.2.1985 - ngày anh Quý vào đây”. Quý là anh rể - chồng chị Ái. Thời đó, hễ mua sách mới là ghi ngay đôi dòng chữ vu vơ. Với quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học cũng vậy. Lật vào trang trong, còn thấy nét chữ mực tím, có đoạn:
“Nguyễn Thị Ngọc Hà
như một dấu chấm phai nhạt cuối trời
như con chim én
mang mùa xuân đi vội vã
em một lần cho tôi mượn
Ý thức mới trong văn nghệ và triết học
trong đêm rét cóng
ở Đà Nẵng
những lá thư tình
ngu ngốc
xin lãng quên
như ý thức tháng ngày vừa lớn”
(10.5.1985)
Chắc chắn những dòng chữ này, viết khi ở ký túc xá trên Thủ Đức. Đêm qua, rất ngạc nhiên khi lật trang sách lại thấy nét chữ thời trai trẻ. Lập tức bao nhiêu kỷ niệm của ngày tháng sinh viên ùa về như thác lũ. Rồi lặng lẽ đọc tiếp. Đọc và ghi nhớ lấy một đoạn mà trước đây chẳng hề quan tâm đến. Chỉ cần mấy câu này thôi mới thấy hết tình yêu của Phạm Công Thiện dành cho tiếng Việt. Mấy câu này mới ghê gớm, còn lại những trang khác, y chẳng còn tha thiết, đau đáu, suy tư, ngẫm nghĩ như lúc trẻ. Rõ ràng, ông Lâm Ngữ Đường nói đúng. Mỗi thời, người ta lại tiếp cận khác nhau về một quyển sách. Đoạn văn của Phạm Công Thiện như sau:
“Trong ngôn ngữ nhân loại, không có dân tộc nào có được tiếng nói có âm hưởng kỳ lạ như mấy tiếng Việt sau đây:
1. CHAY (có nghĩa: trong sạch. Theo Việt Nam Tự Điển Hội Khai Trái Tiến Đức)
2. CHÁY (có nghĩa: bén hay bốc lửa lên. Theo VNTĐHKTTĐ)
3. CHÀY (có nghĩa: bóng: liều lĩnh không có lý sự. Theo VNTĐHKTTĐ)
4. CHẢY (có nghĩa: trôi đi, tuôn ra. Theo VNTĐHKTTĐ)
5. CHẠY (có nghĩa: đi nhanh, gót chân không bén xuống đất… nói về cái gì thoát, không vấp, không tắc. Theo VNTĐHKTTĐ)
Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần túy, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đâù đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY) vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY)” (tr.XI - XII).
Thú vị chưa? Quá xuất sắc. Gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú về tiếng Việt. Tìm hiểu ngữ nghĩa tiếng Việt là công việc phong ba bão táp, không dễ dàng. Là người Việt da vàng mũi tẹt, ngón chân Giao Chỉ nhưng đố ai dám ưỡn ngực vênh mặt đã hiểu hết mọi tiếng nói của dân tộc mình. Lâu nay vẫn nghĩ “rách như tổ đỉa” là con đỉa. Nhưng chẳng phải đâu, có người giải thích ấy là chỉ sự xơ xác của lá cây tổ đĩa khiến người ta liên tưởng đến sự rách nát! Có trên đời cái cây mà tên gọi chẳng hay ho gì là cây tổ đỉa? Lạ quá.
Thứ bảy, 19.7.2014.
Chiều qua, viết đến đó, Vũ ghé nhà chơi. Tắt máy. Ra quán. Hàn huyên tâm sự. Vũ đọc sách nhiều. Đêm qua kể lại vanh vách nhiều chi tiết trong Sông Đông êm đềm, thậm chí nhớ đến từng câu văn. Sáng nay, viết nối tiếp suy nghi ngày hôm qua.
Vừa đọc quyển sách nọ, thấy viết “bà Triệu Ẩu” (!?). Viết như thế đúng hay sai? Sai đứt đuôi con nòng nọc. Chỉ có sử Trung Quốc khi viết lại cuộc khởi nghĩa của Bà mới lếu láo đến thế. Ẩu: mụ già. Bà Triệu - Triệu Thị Trinh khởi binh “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta" lúc mới hai mươi xuân xanh, cớ gì gọi “mụ già”? Đã thế, lại còn cho rằng Bà “vú dài ba thước”? Vô lý hết sức. Sử sách nước nhà qua bao đời, giặc phương Bắc đốt hết sạch, về sau các nhà sử học khi viết sử nước nhà căn cứ vào sách của chúng; hoặc do thiếu thốn tài liệu mà ít chịu suy xét thêm nên mới ra nông nổi ấy. Thật ra, từ thập niên 1930, các nhà sử học đã phản bác những bôi nhọ về Bà Triệu. Ấy mà, sách mới in gần đây cũng ghi rành rành “Bà Triệu Ẩu”. Chán thật! À, hồi nhỏ đọc Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, còn nhớ có bài viết nói về thất bại của Hai Bà Trưng. Chẳng nhớ tác giả là ai. Chỉ nhớ đại khái rằng, bọn Mã Viện không làm sao đánh thắng được quân Hai Bà, chúng bèn láu cá nghĩ ra cách cởi truồng khi xông trận. Nữ nhi nước Việt nhìn thấy hình ảnh quái đãn ấy nên đã buông gươm giáo! Chi tiết này chắc bịa.
Trước năm 1975, Giáo sư Nguyễn Phương giảng dạy tại Viện Đại học Huế, viết tập sách Phương pháp sử học. Trong đó, có đoạn quan trọng ông chứng minh chồng của Bà Trưng tên “Thi”, chứ không phải “Thi Sách”. Ông tìm lại nguyên văn trong Thủy kinh chí, và nhận xét: “Vì thói đời xưa khi chép chữ Hán, ít khi người ta ghi rõ chấm phẩy, lại chữ Hán không có lối chữ hoa và chữ thường để phân biệt tên riêng và tên chung như cách viết của tiếng Việt chúng ta ngày nay, chẳng hạn, nên rất khó phân biệt”. Ai muốn tìm hiểu kỹ nên đọc quyển sách đó. Sau này, trên Kiến thức ngày nay cũng có bài nghiên cứu tán thành quan điểm của ông Nguyễn Phương.
Người Việt ít có tư duy phản biện chăng? Những gì đời trước đã chép, đã ghi thì đời sau cứ thế tin theo, chẳng suy xét gì thêm.
Về nhân vật Chu Văn An, các sách đều chép chi tiết quan trọng: Năm 1325 vua Trần Minh Tông đã vời Chu Văn An ra kinh đô giữ chức Tư nghiệp. Chức Tư nghiệp có thể hiểu: Đời Trần là quan đứng đầu Quốc Tử giám; đời Lê - Nguyễn là chức quan đứng đầu hàng thứ hai, sau chức Tế tửu ở trường Quốc Tử giám, là người đứng đầu ban giáo huấn, mang hàm tòng tứ phẩm, có thể xem như Phó hiệu trưởng chuyên môn; hoặc trưởng phòng Giáo vụ (Đào tạo) ở trường đại học ngày nay. Lúc đó, Trần Nguyên Đán - ông ngoại Nguyễn Trãi có bài thơ mừng Chu Văn An. Lâu nay, ai ai cũng tin thế, chép thế, chẳng nghi ngờ gì: Trần Nguyên Đán sinh năm 1325 (có tài liệu ghi 1326) thì làm sao có thơ mừng Chu Văn An? Khi viết kịch bản truyện tranh cho Đông A, phát hiện ra chi tiết này bèn truy lại Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng thấy ghi: “Lúc ông làm chức Tư nghiệp, Băng Hồ Trần (Nguyên Đán) có bài thơ mừng”. Rõ ràng sự việc đó có thật, bài thơ hàm xúc, rất hay nhưng chắc chắn không phải viết trong thời điểm đó.
Chà, đã cuối tuần rồi. Thời gian trôi qua chỉ như một chớp mắt.
L.M.Q
Thư trao đổi với anh Nguyễn Thế Truật về kế hoạch viết sách (7.1998)
Đã lâu lắm không gặp Nguyễn Thế Truật. Đọc trên facebook của bạn bè mới biết anh vừa qua đời. Thêm một người tử tế ra đi. Nếu không có sự quyết đoán, tầm nhìn của anh, chắc chắn thời đó y đã không thực hiện bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Đã thế, không thể có tập Người Quảng Nam. Rồi các tập “hỏi - đáp” về Giáo dục, Báo chí, Doanh nhân, Sài Gòn 300 năm… y thực hiện cũng từ các cuộc trao đổi, gợi ý do chính anh "đặt hàng".
Bấy giờ, Tổng Biên tập Thế Thanh đã nhận lệnh của cấp trên chuyển qua đơn vị mới. Người khác về ngồi vị trí đó. Lập tức một số cán bộ chủ chốt Phòng, Ban cũng thay đổi. Đang phụ trách ban VHVN, y được chuyển xuống làm phóng viên. Một số anh em cũ ngao ngán rời nhiệm sở. Mạnh ai nấy đi. Y không đi đâu cả. Đi đâu cũng thế. Chỗ nào đi nữa, kiếm sống cũng bằng ngòi bút. Việc gì phải cầu cạnh tìm chỗ làm mới. Còn nhớ như in vào một chiều đẹp trời. Chim hót. Hoa cười. Mây xanh. Nắng mới. Đột ngột sếp mới đã gọi y, Lý Tiến Dũng, Mai Bá Kiếm vào phòng làm việc. Khi cả ba vừa ngồi xuống ghế, bà đứng dậy mở tủ, rút ra một sấp tiền rồi ném lên bàn, hằn học:
- Từ lúc về đến đây, dù đã nhận lương rồi nhưng tôi vẫn chưa xài một đồng nào. Nếu không làm được việc, tôi trả lại lương cho cơ quan. Tôi không ham hố gì vị trí này. Tôi nói thật lòng đó. Trước hết, tôi xin các anh đừng viết gì sai phạm, đừng chống đối để tôi yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Ai muốn đi đâu, tôi ký giấy ngay cho.
Ơ hay! Chuyện gì vậy? Cuộc nói chuyện căng thẳng, lằng nhằng lắm. Sau đó, Lý Tiến Dũng xin về làm báo Đại đoàn kết. Hữu Bảo về Sài Gòn tiếp thị. Hương Ly về Thanh Niên v.v... Y vẫn không đi. Thực hiện tờ báo là công sức của tập thể, y đã làm ở báo PN được mươi năm rồi, tự dưng lại bỏ đi? Vô lý quá. Mà chẳng phải do kỷ luật gì. Nhiều người có suy nghĩ kỳ quặc, khi lên một vị trí mới là gạt hết “tay chân” người cũ càng nhiều càng hay. Càng nhanh càng tốt. Rồi lập một “ê-kíp” mới. Thật ra, y chẳng người của sếp nào. Thời nào, y cũng chỉ làm tốt nhiệm vụ với tâm thế kiếm sống lương thiện cùng các đồng nghiệp. Vì thế dù đã có sự "gợi ý" nhưng chẳng việc gì phải đi đâu. Không đi à? Người ta không cho giữ nhiệm vụ gì, chỉ làm phóng viên. Càng tốt. Đang ở vị trí bề bộn công việc, tự dưng nay lại có thời gian rảnh rỗi quá.
Phải làm gì?
Viết sách.
Thế là y trao đổi kế hoạch viết dài hơi với Nguyễn Thế Truật. Thời đó, anh mới chân ướt chân ráo từ báo TT về NXB Trẻ. Mỗi người có một khả năng, anh không có tư duy làm báo nhưng làm xuất bản lại đúng sở trường. Tìm lại tài liệu cũ mới nhớ thời điểm y thực hiện bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam vào những ngày giữa tháng 7.1998.
Ôi, thời đó còn trẻ, khỏe. Mỗi ngày chăm chỉ viết. Cần cù bù thông minh. Viết mỗi ngày. Đưa bản thảo đi biên tập, lại bắt tay viết tập mới. Lúc ấy, chị Cúc Hương, con gái nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi biên tập trực tiếp. Mỗi lần cần chỉnh sửa gì trên bản thảo, chị chỉ khiếm tốn viết bằng bút chì. Làm việc với người biên tập chỉnh chu, có trách nhiệm là sự may mắn. Nhờ có chuyên môn, có kiến thức và nhất là “có lòng” nên họ đã có nhiều góp ý cần thiết cho tác giả. Chị Cúc Hương - em ruột nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi là người có đức tính quý báu ấy. Nhờ có bản thảo gối đầu nên cứ mỗi tuần, sách mới lại phát hành. Mỗi tập chừng từ 150 trang đến 180 trang, có hình ảnh kèm theo. Viết khiếp quá đến nổi nhà văn Trần Quốc Toản phải phong y danh hiệu “Tác giả có sách xuất bản hàng tuần”. Sau này, gom in lại thành 10 tập, dày chừng 3 ngàn trang là viết trong khoảng thời gian “thất sủng” ấy.
Ngẫm lại, thế lại hay. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác lại mở ra. Không gì phải bi quan. Đúng quá đi chứ?
Tư duy làm xuất bản của Nguyễn Thế Truật sở dĩ thành công vì anh đọc nhiều, biết khả năng thị trường đang cần loại sách gì. Hơn nữa, anh biết sở trường cộng tác viên nên giao việc đúng người và tin cậy họ. Trước đây và hiện nay, có nhiều người làm xuất bản cứ nghĩ rằng, in bản thảo cho ai là “làm phúc” cho người đó. Nói có sách mách có chứng. Chỉ kể lại một chuyện: Ngày 1.3.1994, báo Thanh Niên có bài giới thiệu tập sách Tự vị tiếng Việt miền Nam của học giả Vương Hồng Sển. Ngay sau đó, cụ Sển gửi báo TN lá thư cho biết không thừa nhận “đứa con tinh thần” của mình vì in sai quá nhiều lỗi, “biên tập”câu cú linh tinh, thậm chí nhan đề “Tiếng nói miền Nam” bị sửa thành “Tự vị tiếng Việt miền Nam”. Báo TN số ra ngày 8.3.1994 đã in nguyên văn lá thư này, ngay dưới lá thư nhà thơ Lê Nhược Thủy “đề nghị NXB Văn Hóa trả lời vấn đề này trước dư luận”. Qua số báo 29.3.1994, báo TN có đăng “Thư ngỏ gửi cụ Vương Hồng Sển” ký tên NXB Văn Hóa (43 Lò Đúc - Hà Nội) phân trần lại. Cuối thư ấy có đoạn: “Bây giờ, Tự vị ra đời xong, cái kết quả vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy là cụ chẳng bằng lòng. Thảo nào tục ngữ ta đã có câu “làm phúc phải tội” là vậy”! Cách trả lời này gây phản ứng trong dư luận, ngày 14.4.1994, báo TN đăng bài In sách không phải là “làm phúc” với một loạt ý kiến của độc giả phản ứng, phê phán cái suy nghĩ nông cạn, khệnh khạng ấy.
Nguyễn Thế Truật không có thói suy nghĩ in sách là “làm phúc”. Anh luôn chủ động niềm nở “đặt hàng” và trực tiếp trao đổi đề tài, đề cương với tác giả. Lúc làm việc anh chỉ mời trà hoặc cà phê nên những trao đổi, bàn luận của đôi bên đều tỉnh táo, chín chắn. Nếu diễn ra trong quán nhậu chắc có lẽ sau đó đã quên tuốt luốt rồi thì kể như công cốc. Truật không có khả năng bia bọt, không thích xuất hiện trong đám đông. Không có khả năng khoác lác và ồn ào. Khi bàn công việc bao giờ cũng chu đáo, thân tình, nghiêm túc chứ không hề ba hoa chích chòe "ba voi không được bát nước xáo". Do đó, lúc bàn chuyện với anh là tự dưng thấy tin cậy, chứ trong lòng không có sự hồ nghi gì. Ngày nọ, HTV làm bộ phim về bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, y có mời anh, Trần Phá Nhạc ghé nhà riêng cùng tham gia phát biểu. Sau đó, anh em lai rai một chút, anh Truật bảo: “Đi dạy rồi công việc xuất bản nhiều quá. Tôi ước gì có lúc thu xếp thời gian để viết”.
Rồi báo PN chuyển về Đ.B.P. Từ đó, anh em ít gặp nhau. Ngày tháng cứ thế trôi đi. Chỉ thỉnh thoảng vài cuộc điện thoại thông báo cho nhau về những quyển sách quý mới ấn hành để cùng tìm mua. Chiều nay, nghe tin anh mất. Điện thoại hỏi Trần Hoàng Nhân mới hay anh bị ung thư. Đời người? Vậy là xong một đời người. Hư không và cát bụi. Ai rồi không tìm về nơi chốn ấy? Ngoài trời đang mưa. Vĩnh biệt một người bạn quý. Dù không nhiều lần bia bọt, bù khú hứa hẹn dời non lấp bể nhưng ấy chính là người bạn tốt. Những ngày qua trống rỗng. Chẳng gì vui buồn. Thời gian cứ gõ nhịp trôi đi. “Tự mình biết riêng mình / và ta biết riêng ta/ Hòn đá lăn trên đồi / hòn đá rớt xuống cành mai / rụng cánh hoa mai vàng / chim chóc hót tiếng qua đời” (T.C.S). Một người vừa qua đời. Chiều qua mưa. Chiều nay cũng mưa. Vĩnh biệt bạn mình:
Tiễn biệt người đi đến cõi người
Lật trang sách cũ nét còn tươi
Những ngày nhàu rủn trong tiềm thức
Vọng đến niềm vui... lạnh buốt môi
L.M.Q
Hàng đầu: Các vị khách mời bình luận chương trình Giai điệu tự hào lúc 24 g ngày 15.7.2014 tại trường quay Hãng phim Việt (từ phải: nhà thơ Lê Minh Quốc, Thanh Tùng, Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Vũ Hạnh, ca sĩ Thanh Hoa, nhà thơ Hữu Việt, Lê Tú Lệ, đạo diễn Lê Văn Duy)
Đêm qua, 2 giờ sáng mới ngủ. Đã tự hứa. Đã tự nhủ, sống bằng nghề viết không nên lên truyền hình nhiều quá. Dù được phát ngôn, được xuất hiện trước mắt hàng triệu người, được nhận tiền. Đồng tiền nhận được dễ dàng hơn ngồi gõ từng con chữ. Mỗi ngày mỗi viết. Thói quen. Có như thế, khi ngồi vào bàn làm việc chẳng thấy mệt nhọc gì. Ngồi trước ống kính trong trường quay nhàn hơn. Chỉ cần phải diễn một chút. Phải uốn lưỡi, hoạt ngôn một chút. Phải chỉnh tề một chút. Ngày nay, cả hàng trăm kênh truyền hình, chẳng mấy ai có thể xem hết. “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Cũng vậy thôi. Thôi thì, cứ vui với sở trường đang có.
Sáng qua, nhận lời mời của bạn thơ từ Hà Nội vào. Anh mời tham gia hội đồng bình luận chương trình Giai điệu tự hào (VTV 1). Phim trường ở tít bên Q.9. Xa quá. Cùng nhà báo Trần Hoàng Nhân đi taxi. Đến nơi, rủ Ngô Nguyệt Hữu đi ăn chiều. Nhìn qua bên kia đường, thấy một tòa nhà rộng: “Học viện phụ nữ Việt Nam”. Đã làm báo nữ giới gần 30 trời nhưng lần đầu tiên mới biết đến, chẳng rõ người ta dạy những gì?
Bước vào phim trường, tình cờ gặp nhiều gương mặt quen. Giới văn nghệ vốn thế, quen đấy, biết đấy, cười đấy, chào hỏi rôm rả đấy nhưng không hẳn là thân. Lần này, với chủ đề Xa khơi, những ca khúc được chọn là Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Bến cảng quê hương tôi (Hồ Bắc), Tình em biển cả (Nguyễn Đức Toàn), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Chút thơ tình người lính biển (Hoàng Hiệp phổ thơ Trần Đăng Khoa) và Biển hát chiều nay (Hồng Đăng). 6 ca khúc này được các ca sĩ Anh Thơ, Mỹ Tâm, Quang Dũng… thể hiện. Sau đó, là phần phát biểu, tranh luận của các vị khách mời già và trẻ trong hội đồng bình luận. Cuối cùng, mọi người chấm điểm bằng cách nhấn remote, 2 ca khúc có tỷ lệ bình chọn cao nhất sẽ được đưa vào chương trình chung kết.
Nhìn chung, chương trình này thú vị bởi cùng một ca khúc nhưng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Người bạn thơ của y dẫn chương trình “có nghề”, có kiến thức, tuy nhiên anh nói hơi vội nên có đôi lúc “chữ nuốt chữ”. Không sao. Bù lại ấy là cách dẫn chuyện của anh tự nhiên, học thức, lịch lãm nên vẫn "ăn đứt" nhiều MC chuyên nghiệp khác chỉ có mỗi nhan sắc. Hôm qua, y phát biểu gì? Đại khái, không nên khoanh vùng “âm nhạc cách mạng”, “âm nhạc truyền thống”, chỉ gọi chung "âm nhạc Việt Nam". Một ca khúc vượt thời gian thì tự nó quyết định số phận của nó. Khuya trên đường về nhà, phố xá vắng hoe, tự nghĩ vẩn vơ thêm, nếu căn cứ vào tên gọi “âm nhạc cách mạng”, “âm nhạc truyền thống”, có lẽ còn lâu mới có những ca khúc trữ tình, tình tự dân tộc sáng tác tại miền Nam của nhạc sĩ miền Nam có thể xuất hiện trong chương trình tầm cỡ mà trang web giaidieutuhao cho biết: “Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét. Trong những năm tháng xưa cũ ấy, từ chủ thể nhỏ bé đến những chứng tích lớn lao đều được đặt ngang hàng nhau, được ngợi ca, vinh danh như những điều đã làm nên sức mạnh, điểm tựa tinh thần cho cả một dân tộc”. Lại nghĩ, chẳng rõ từ bao giờ lại có sự phân biệt “nhạc đỏ”, “nhạc vàng”? Âm nhạc là âm nhạc, chứ “đỏ” với “vàng” gì nữa, hòa bình thống nhất mấy chục năm rồi, miễn nó hay, đủ sức đồng hành năm tháng, đi vào lòng người thì tự khắc trồi lên trên cơn sóng thời gian. Bằng không, có tung hô vạn lần nhưng nếu công chúng không nhớ đến cũng chẳng có ý nghĩa gì. Khi buồn bã tuyệt vọng, lúc hân hoan như Tết thử hỏi con người ta đặt trên môi và ca từ nào và hát? Trả lời câu hỏi này, có thể tìm thấy số phận của ca khúc, nói rộng ra là sáng tạo nghệ thuật nói chung.
Nghệ thuật phục vụ đám đông? Đúng quá. Nghệ thuật phục vụ cá thể? Đúng quá. Có người viết ca khúc cho hàng triệu người hát, hàng triệu người nghe; ngược lại cũng người viết có ca khúc cho một người. Một người lúc lẻ loi, đơn độc nhất trong đời họ chỉ cần ca khúc ấy vọng đến như một lời sẽ chia, an ủi. Vậy cái nào cần thiết hơn cái nào? Cái nào cũng cần thiết. Suy nghĩ lan man về chuyện này thì vô cùng. Dù suy nghĩ thế nào, chắc chắn một điều nghệ thuật đích thực dù chạm đến tận cùng tử cung của đời sống với mọi sắc màu hỉ, nộ, ái, ố thì chính nó phải gieo trong tâm hồn con người một niềm vui sống, một sự hy vọng, dù chỉ là ánh sáng leo lét cuối đường hầm xa tít. Từ một tác phẩm nghệ thuật, con người ta có thể vui sống, có thêm một nguồn sinh lực sống, dù nhỏ nhoi đặng vững tin đối mặt với phía trước lục tặc tam bành, bóng tối của cái ác vẫn hiện diện ngay từ trong ý thức của con người.
Đêm qua, đã lâu lắm mới về nhà trễ đến thế. Mãi đến 1 giờ sáng mới xong chương trình. Mấy ngày hôm nay có vui không? Mưa nắng thất thường nên cảm cúm. Vào hiệu thuốc Tây mua thuốc. Sau khi nghe khi bệnh, tay bán thuốc hỏi ngay: “Vậy anh cần mấy ngày thuốc?”. Câu hỏi vô trách nhiệm đến thế là cùng. Làm sao người bệnh có thể tự quyết định liều thuốc? Có người vào bệnh viện, sau khi khám xong, bác sĩ hỏi: “Vậy anh muốn gì?”. Muốn gì là muốn gì? Ngơ ngác hỏi lại. “Muốn chữa theo chế độ nào? Bảo hiểm y tế hay trả tiền trực tiếp?”. Lại cũng câu hỏi đó, lại hàm nghĩa khác: “Bệnh này uống thuốc hoặc mổ cũng được. Vậy anh muốn cái nào? Nếu chọn mổ thì vui lòng ghi giấy không khiếu nại về sau”.
Những câu ấm ớ hội tề này, y đã từng nghe.
Sốc quá.
Sáng nay, vào cơ quan họp. Vẫn lướt báo như mọi ngày. Chẳng một cảm xúc gì. Thời buổi này quá nhiều kênh thông tin. Ngộ độc như chơi. Có điều lòng y đã chai sạn. Vô cảm. Dửng dưng. Tại sao thế? Điều khủng khiếp nhất của con người là gì? Họ chẳng còn bấu víu vào đâu được nữa để nuôi dưỡng niềm tin đang thui chột mỗi ngày. Chiều nay, đọc lại Đào kép mới của Nguyễn Công Hoan. Câu chuyện về bọn kép hát của tuồng hát An Lạc. Trước kia, họ diễn đông khách lắm, người xem hát cười rầm rầm, tiếng vỗ tay vang trời. Rồi chẳng ai thèm xem nữa, bởi thiên hạ đã chán tuồng cổ. Không lẽ bó tay, vặt râu ngáp vặt qua ngày. Phải thay đổi. Phải diễn trò mới, họ căng ra bảng quảng cáo: “ Đại diễn tích hát mới! Lưu Lễ bình Phiên - Bản rạp mới chấn chỉnh! Đào kép mới!”. Quả nhiên: “Người ta thử xem rạp An Lạc chấn chỉnh. Người ta thử xem tài đào kép mới. Người ta thử xem tích hát mới”. Nhà văn diễn tả:
“Vua hét:
- Quâng Phiêng đã Lâm Truy kéo tới, làm giua tôi lại gặp buổi giang nang, trẫm truyền cho giăng giõ bá quang, xem ai có tài có gang ra giúp nước, hà!
Hai anh kép ngồi ngoài, một anh mặt đen, râu đỏ, phun phè phè từ thái dương đến môi, một anh mặt trắng, râu vẽ bằng mực, lanh lẹ xắn áo, xốc mũ, múa may, uốn éo, làm bộ giương súng, cưỡi ngựa, vặn ôtô, nhảy xe đạp. Tiếng cười lại vang lừng.
Anh bên phải lắc đầu lắc cổ, nói:
- Đã có tôi phò tá!
Anh bên trái vươn cổ, phụng phạo tiếp:
- Lại có mỗ tá phò!
Rồi cả hai anh cùng giơ tay và cùng hát:
- Xin Thánh thượng đừng lo.
Đoạn lại cùng vênh váo trỏ vào ngực mình:
- Đã có tôi... phò tá!".
Trước đây, cách diễn ấy, lớp lang ấy thiên hạ khoái chí, vỗ tay rầm trời. Nay xem, biết vẫn tuồng cũ rích, cho nên: " Trên hàng ghế đầu, người ta nhăn mặt, bàn tán:
- Nhảm quá. Ta phải lừa rồi.
- Phải, họ nói láo, chứ chấn chỉnh cái cóc khô gì. Vẫn đồ bài trí ấy, có đào kép mới mà vẫn hát tích cũ, thì có khác trước tý nào?
Một người tinh mắt, mỉm cười, trỏ lên sân khấu nói:
- Các ngài thử nhìn kỹ xem bọn kép này là mới hay cũ. Cái anh lần trước ngồi kia, thì bây giờ bỏ bộ râu ra và ngồi đây. Cái anh ngồi bên này bây giờ vận mũ khác áo khác và vẽ mặt khác. Vả được độ một vài thằng kép khổ hoặc con đào ươn, mà đã nhặng lên là mới, là chấn chỉnh, thì chúng mình chỉ mắc một lần là cùng!
Rồi cùng thất vọng, rủ nhau ra.
Từ hôm sau trở đi, chiều nào cũng vậy, cỡ độ năm giờ, bọn đào kép ban An Lạc lại mũ mãng, phấn sáp, râu ria, ngồi trơ tráo trên xe cao su, đi diễu qua các phố để phơi nắng cái đời hát tuồng còn ngắc ngoải.
Nhưng những người đã xem diễn qua một tối, họ đều chán ngán. Nghe tiếng trống kèn cổ động ầm ĩ, họ cũng biết rằng gánh hát còn sống đó, song, chẳng ai muốn để ý xem tối nay, trong rạp, bọn vua quan trò hề ấy họ ậm oẹ với nhau những trò gì!”.
Đã chiều rồi. Tiếng cầu kinh từ ngôi chùa trước nhà vừa vọng lại những âm thanh sầu não, câu kinh kệ u buồn. Kép hát vẫn giung giăng trên sàn diễn mỗi ngày. Y vẫn từng ngày tẻ nhạt của mỗi ngày. Chẳng gì mới.
L.M.Q
Có những lúc, chẳng rõ cảm giác đang thế nào. Buồn? Vui? Hưng phấn? Ngao ngán? Chẳng gì cả. Chỉ biết, không thể làm một chuyện gì cho ra hồn. Nửa muốn có tin nhắn rủ ra quán. Nửa lại không. Nửa muốn viết gì đó. Lại ngại. Nhìn quanh quẩn vẫn bốn bức tường. Những kệ sách chạm đến trần nhà. Những quyển sách. Trang giấy cũ. Úa vàng. Vậy nhưng khi gặp một quyển sách, tự dưng trong lòng lại xao xuyến, hồi họp lật từng trang dù đã biết rõ nội dung. Quyển sách đó nhưng bản in khác là đã thích, đã mê tơi. Cái mùi sách cũ gợi lên điều gì trong tâm tưởng? Chẳng rõ. Chỉ biết rằng nhìn trang giấy in, co chữ, tranh vẽ minh họa, tên tác giả là gợi lại nhiều xao xuyến đã xa lắc. Nghiện sách đấy chăng? Ngoài trời đang nắng hanh vàng, nhưng lại mưa. Âm thanh mưa trượt dài trên mái lá. Những âm thanh quen thuộc. Những góc nhìn đã cũ. Ngày tẻ nhạt lắm. Đôi khi muốn tìm vui một chút, chẳng hạn, phóng xe xuống phố. Nhưng rồi cũng ngần ngừ.
Đôi khi, mở mắt dậy, tự hỏi, làm gì cho hết một ngày?
Một ngày ngắn ngủi. Một ngày dài thăm thẳm. Cũng là ngày. Cũng hình bóng của chính y hiện diện trong đời sống này. Một hình bóng nhạt nhẽo quá. Một cá tính không rõ nét. Không chính kiến. Giữa muôn trùng đời sống, y chỉ lướt qua như ảo ảnh. Trong khi đó, chung quanh y có quá nhiều con người vĩ đại, lớn lao khi dẫm chân trên trái đất.
Ai vậy?
Với y, là những con người đã có vợ/ chồng rồi sinh con đẻ cái. Một hành trình nặng nề ghê gớm. Y nghĩ đến hình ảnh đứa trẻ nằm nôi. Bao nhiêu đêm người mẹ thức ròng? Bú mớm, dỗ dành đến lúc bập bẹ tiếng nói đầu đời gọi cha, gọi mẹ rồi chập chững bước đi, đố ai có thể tính hết công sức bao la trời biển ấy? Nhiều người tặc lưỡi, cố gắng nuôi đến lúc nó vào đại học là khỏe thân. Có thật vậy không? Rồi nó ra trường, lại lo nó có công ăn việc làm ổn định hay không. Rồi gì nữa? Còn phải lo dựng vợ gả chồng cho nó. Đã có thể thở phào nhẹ nhỏm? Chưa chắc. Vợ chồng nó cơm không lành canh không ngọt? Lại lo. Tệ hơn, có lúc nó bồng con về giao cho ông bà nội/ ngoại nuôi giúp. Cả đời vẫn chưa hết nỗi lo lắng dành cho con, cho cháu. Những năm tháng cuối đời, khó có thể yên tâm vui thú tuổi già. Nỗi lo triền miên. Tưởng chừng vô tận. Những con người bình dị ấy, trong mắt y là hiện thân của sự vĩ đại trong đời sống này.
Trong mọi cái lo ấy, nỗi lo nào lớn nhất?
Các bậc phụ huynh, dù không nói ra nhưng cũng nghĩ trong đầu: “Ối dào, đời mình danh phận chẳng ra đếch gì, thôi thì, cố gắng nuôi con ăn học nên người”. Nghèo cũng lo. Giàu cũng lo. Một xã hội tiến bộ, muốn sánh vai cùng các nước khác, phải lấy giáo dục làm yếu tố căn bản. Chuyện này, thời gian qua đã có quá nhiều ý kiến rồi. Thế mà, chiều hôm nọ, đọc thông tin này trên VnEpres, giật mình: “Tại buổi thảo luận trong kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM sáng 9/7/2014, khi được đề nghị báo cáo về công tác chuẩn bị cho năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết, trong nội dung đổi mới, Sở định hướng xin phép lãnh đạo thành phố có cơ chế riêng khi triển khai chương trình theo ngành dọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện đánh giá đầu ra ở cấp học phổ thông. Đồng thời, Sở đề nghị xây dựng một bộ sách giáo khoa riêng "mang tính đặc thù của thành phố".Theo ông Sơn, một bộ sách giáo khoa riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương là để chương trình đào tạo phù hợp với định hướng học tự chọn, thi tự chọn ở cấp phổ thông. "Trên cả nước có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng riêng TP HCM phải có một bộ sách giáo khoa đặc thù của thành phố đáp ứng đủ các nội dung, khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đạo tạo. Điều này cũng phù hợp với việc triển khai định hướng học tự chọn, thi tự chọn ở cấp phổ thông", ông Sơn nói”.
Nói như thế nghe lọt lỗ tai không?
Đọc báo Ngày Nay thời Tự lực văn đoàn có hình châm biếm hài hước, người đàn bà nọ bụng chửa dạ mang, muốn đẻ ở Bắc kỳ, người ta hỏi giấy tờ lằng nhằng, nhưng bà vượt vào Trung kỳ thì chẳng ai thèm hỏi một câu. Tha hồ đẻ. Thời Pháp thuộc, có những quyển sách có thể in ấn ở trong Nam nhưng không thể phát hành ra Bắc. Lại có những thời sự mà báo chí ngoài Bắc không thể đưa tin nhưng trong Nam lại “xả láng”! Cụ thể, vụ khởi nghĩa Việt Nam Quốc dân đảng cả nước biết đến phần lớn do báo chí trong Nam. Quy chế xuất bản báo chí ở Nam kỳ “thoáng” hơn ở Bắc và Trung kỳ. Không phải ngẫu nhiên, thời trước các đảng phái chính trị tranh thủ ra báo tiếng Pháp, bởi được hưởng quy chế thuận lợi hơn là ra báo tiếng Việt. Cùng một nước nhưng chính sách cai trị khác nhau, nói lên điều gì?
Mấy hôm nay, có thông tin mà với y là lý thú: Chuyên gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Gabriel Demombynes cho biết cả nước có khoảng 110 người siêu giàu với tài sản trên 300 triệu USD/ người. 300 triệu USD tương đương khoảng 630 tỷ đồng! Theo báo PL TP.HCM sáng nay: "Với mức thu nhập trung bình gần 2.000 USD/năm của người dân hiện nay thì so với khối tài sản của người siêu giàu 35 triệu USD thì một người dân thường muốn trở thành siêu giàu phải mất 17.500 năm thu nhập". Nhờ đâu lại có người giàu kinh khiếp đến thế? Chìa khóa thành công ở đâu? Do “có phước làm quan, có gan làm giàu” chăng? Do chất xám hay do mối quan hệ, do cơ chế? Cái sự giàu này có đáng vui không? Đôi khi hỏi cũng là một cách trả lời.
Lật qua tờ báo nọ, lại chú ý đến thông tin về chiều cao của người Việt Nam: chiều cao trung bình của nam thanh niên là 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn; nữ thanh niên cao trung bình 153cm, thấp hơn 10,1cm so với chuẩn. Sực nhớ,câu slogan, đại khái, “dù tớ không cao nhưng ai cũng ngước nhìn”. Ơ hay! Không cao, tự nó đã là lùn. Mà đã lùn, cớ gì người khác phải “ngước nhìn”? Cứ theo Từ điển tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, “Ngước: Đưa mắt nhìn lên cao”. Khi người Việt Nam sánh vai cùng người châu Âu, điều rõ ràng nhất, lúc ấy hầu như ai cũng ngầm so sánh chiều cao với họ. Lúc ấy, ai ngước nhìn ai?
Từ chiều cao, ta lại nhận ra rằng mình kém họ nhiều thứ, ít ra về thể lực, sức khỏe, sự bền bĩ… Dù một dân tộc có trí tuệ thông minh siêu việt đến cỡ nào, cũng không thể thiếu đi yếu tố sức khỏe. Chiều cao là một trong những biểu hiện đó. Có chuyện rằng: Anh chàng nọ dẫn vợ đi ký giấy kết hôn, cô nhân viên hành chánh ở xã hỏi anh chi tiết về cân nặng, chiều cao, trọng lượng… rồi cộng trừ nhân chia chi chít các dãy số. Lát sau, cô ta bảo: “Rất tiếc, tôi không thể chứng nhận kết hôn vì vợ chồng anh chưa đủ điều kiện có con!”. Tại sao? Cô ta đáp tỉnh rụi: “Ai cũng có chiều cao như với chồng anh, thử hỏi khi đẻ con thì bao giờ lũ nhóc nước ta mới có thể tham gia… Worl Cup?”.
Tưởng chuyện đùa nhưng nghe ra chí lý đấy chứ?
Tìm biện pháp nâng chiều cao thanh niên Việt Nam, các nhà khoa học mấy năm nay đã tính toán nát óc. Điều này rất cần được sự hưởng ứng, ủng hộ của mọi nhà. Có điều, trước mắt cần nhận ra rằng, dù không cao nhưng người Việt lại có “chiều cao” trong nhiều lãnh vực khác. Ấy là tư duy “chiều cao” theo kiểu Chí Phèo - một kiểu tự hào, tự mãn cho rằng cái gì nước mình, dân tộc mình cũng nhất, số một!
Khắc phục được suy nghĩ “tự sướng” này cũng quan trọng, bức thiết không kém gì nâng chiều cao hiện tại của người Việt.
Có đúng không?
Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc (2009)
L.M.Q
Tối qua ngủ sớm. Đọc sách. Vẫn như mọi đêm. Vớ tay lấy hú họa tờ bào nào đó đọc chơi. Đêm qua, đọc tạp chí Phổ thông số 78. Mất bìa, chuyên mục “Đố bạn” có câu đố như sau: “Đây 3 con số: 628. Xin bạn lưu ý: Số 2 ở giữa chính là do hai số kế cận, số 8 trừ số 6. Bây giờ bạn thay đổi thế nào 3 con số ấy, lộn qua lộn lại, đảo lên đảo xuống, trừ, cộng v.v… thế nào cho ra còn số 1.089?”. Nhìn các con số đã hoa mắt rồi.Là ngủ ngon. Nhưng, trước đó nữa, làm gì?
Thưa rằng, đồng tiền bé tẹo tèo teo. Tối qua, đi ăn xôi gà trên đường Phạm Văn Hai. Một dĩa xôi gà nhỏ tựa nắm xôi thằng Bờm, một đùi gà chỉ dài nhỉnh hơn lóng tay (thường gọi là cái "tỏi" gà), do chưa no nên phải thêm một bánh chưng bằng bàn tay nữa. Tròm trèm 100 ngàn đồng. Sáng dậy, phở. Phở bà Dậu, 1 tô thêm nước tiết hột gà đã 99 ngàn đồng. Rồi cùng người bạn ngồi vỉa hè, có ghế tựa lưng, 2 ly cà phê đá, đã 65 ngàn đồng. Trưa trên đường về nhà. Vẫn con đường qua lại mỗi ngày, tự nhiên lại thấy một nhà sách mới. Tạt vào một chút. “Cửa hàng mới mở à?”. “Không, một năm rồi, hiệu sách cũ từ đường Trần Nhân Tôn dời về. Thấy anh quen quen”. Quen là đúng rồi. Nơi đó, đã có thời gian dài y hay lui tới tìm mua sách cũ. Cửa hàng sách dời về đây cả năm trời, nay mới biết. Rõ ràng, con đường vẫn qua lại mỗi ngày nhưng người ta chỉ cắm cúi đi theo thói quen, chẳng chăm chú nhìn gì cả.
Trưa nay, mừng quá khi nhìn thấy một mớ tạp chí Bách khoa, Phổ thông, Thời nay, Thiếu nhi… “Bao nhiêu tiền một cuốn”. “Anh hay mua sách cũ chắc anh biết giá rồi. Em chỉ lấy giá “hữu nghị” thôi”. Nghe thế, càng mừng: “Bao nhiêu?”. “Dạ, người khác dứt giá là 120 ngàn/ cuốn, còn anh chỉ lấy đúng 100 ngàn”. Nghe xong, xay xẩm mặt mày. Nhà y có cả hàng trăm cuốn, bèn ướm hỏi đùa: “Nếu anh bán, em thu vào bao nhiêu tiền 1 cuốn?”. “Nếu anh có số lượng ít, em thu vào 60 ngàn đồng; số lượng nhiều, em mua 80 ngàn đồng!”. Ôi! Đồng tiền rẻ rúng tựa lá mít. Trò chuyện một lúc mới biết rằng, những ấn phẩm in trước năm 1975 hiện nay giá cao ngất trời. Ngay cả những quyển sách giáo khoa Giảng văn cũng không dưới vài trăm ngàn đồng. Nhìn thấy giá ghi rành rành mà choáng.
Trưa nay, tình cờ mua được quyển Atlas vũ khí tự do (lưu hành nội bộ - 1995) của Câu lạc bộ Quân giới Nam bộ, chỉ in 200 bản, dày 240 trang khổ 20x30 cm, có hình minh họa. Lần đầu tiên mới biết tài trí của người Việt ghê gớm thật. Có thể sản xuất hàng trăm vũ khí, đạn dược trong thời chiến tranh. Hầu như toàn bộ vũ khí thời đó, cả hàng trăm loại đều được miêu tả chi tiết, đầy đủ. Kỹ sư chế tạo tên gì, đơn vị nào sản xuất đầu tiên, tại đâu, hiệu quả thế nào? v.v.. Đọc, biết nhiều thông tin thú vị. Chẳng hạn, hiện nay tại Đồng Tháp mười có xã Trường Xuân (thuộc huyện Tháp Mười). Tại sao có tên này? “Năm 1946, ở Binh công xưởng Khu 8 đóng ở Đồng Tháp Mười, hai anh Trường Xuân và Sơn hy sinh khi nhồi thuốc lựu đạn. Anh em nơi đóng quân đã đặt tên xã Trường Xuân để nhớ hai anh” (tr.6); lời ca khúc Tiểu đoàn 307 có câu: “Lưỡi gươm vung với cánh tay sắt đầu giặc rụng…”. “Thật ra là mã tấu chứ không phải gươm” (tr.179) v.v… Những tư liệu này, sách chính thống, phát hành công khai chưa đề cập đến, há chằng phải sách quý đó sao? Cứ nghĩ mua giữ lại. Sau này, có ai nghiên cứu về vũ khí tự tạo trong chiến tranh Việt Nam, sẽ tặng.
Lâu nay, nói về chuyện sách, hầu như ai cũng nhắc đến ông Khai trí. Chiều nay rảnh rỗi, ghi lại bí quyết thành công của ông. May ra, ai yêu sách nếu đọc Nhật ký này có thể rút cho mình kinh nghiệm gì chăng? Cuộc đời cần có nhiều ông Khai Trí mà hiện nay, theo y vẫn chưa có. Làm nên tên tuổi của ông Khái Trí là gì? Với câu hỏi này, ông bạn thơ Phạm Chu Sa trả lời rằng: "Ông Nguyễn Hùng Trương thường được gọi là ông Khai Trí, là người cực kỳ yêu quý sách, phải nói là mê sách và có một trái tim rộng mở với những văn nghệ sĩ khó khăn. Ông sẵn sàng đưa tay hỗ trợ những nhà văn nghèo gặp khó khăn, các cây bút trẻ chưa tên tuổi. Nhà sách Khai Trí là đơn vị bảo trợ xuất bản tập san Sử Địa và đồng hành với tập san suốt gần 10 năm (1966-1975). Sử Địa do một nhóm giáo sư và sinh viên ĐH Sư phạm Sài Gòn chủ trương biên tập, Nguyễn Nhã - nay là tiến sĩ sử học - là người phụ trách chung. Dĩ nhiên, tập san nghiên cứu là loại ấn phẩm rất kén người đọc, cực kỳ khó bán, đơn vị bảo trợ phải thường xuyên bù lỗ. Tuy chỉ do một nhóm giáo sư và sinh viên chủ trương nhưng Sử Địa là một tập san nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu rất uy tín với nhiều số chuyên đề, đặc khảo còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Ngoài tập san Sử Địa, ông Khai Trí còn là người bảo trợ cho tuần báo Thiếu Nhi, một tuần báo giáo dục, in đẹp bán giá rẻ cho thiếu niên nhi đồng nên ông Khai Trí lại phải thường xuyên mở hầu bao bù lỗ". Thiên hạ bây giờ nhiều người làm sách, quốc doanh, tư nhân đều có cả nhưng mấy ai dám thực hiện mục tiêu văn hóa lâu dài bằng túi tiền chính mình như ông Khai Trí?
Về bước đầu lập nghiệp, ông Khai Trí cho biết: “Tôi mê sách từ nhỏ, khi trưởng thành niềm đam mê cũng lớn theo, trong nhà chung quanh chỗ nào cũng sách là sách. Tôi nhớ một lần có mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi kiếm mua hộ các anh 5 cuốn sách Pháp về văn học. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, vì cuốn đó rất hiếm, xuất bản tại Pháp, nên các nhà sách ở trong nước không có. Tôi bèn gửi thư cho nhà xuất bản xin mua 6 cuốn, sau đó tôi được ông giám đốc nhà xuất bản gửi thư cho biết, nếu tôi mua từ 10 cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa” (Tạp chí Thế giới mới 23.2.1998). Từ thông tin này, ông Khai Trí bắt đầu trở thành nhà phát hành nghiệp dư, nghĩa là tìm mua sách giá trị, quý hiếm rồi đem ký gửi, hưởng chệnh lệch. Muốn như thế, ông Khai trí phải có trình độ đánh giá chất lượng sách, phải cái mũi ngửi ra nhu cầu của thị trường đang cần loại sách gì. Trong vòng 4 năm với cách làm này, cộng với tiền dành dụm làm thuê, dạy học, ông đủ vốn để mở Nhà sách Khai Trí vào năm 1952.
Các nhà xuất bản hiện nay không có thói quen in thư mục sách đã xuất bản trong năm. Nếu có, cũng chỉ đơn thuần in các tựa sách, ghi giá bán như một loại catologue quảng cáo. Đã quảng cáo thì không ai giữ lại lâu dài. Ông Khai Trí lại khác. Lật lại Thư mục 1973 của Khai Trí mới thấy thời đó, người Sài Gòn đã có tư duy “kinh tế thị trường” lắm rồi. Xin liệt kê chi tiết, có nhà xuất bản nào bắt chước làm theo, thật đáng khen: Trang bìa 2, “Danh ngôn về sách”; kế đến các bài như “Đọc sách” của Nguyễn Duy Cần; “Tủ sách gia đình”, “Tại sao phải lập một tủ sách riêng cho gia đình” của Phạm Cao Tùng; “Cái khoái đọc sách” của Chu Tử, “Tán dương quyển sách” do Hồng Nhân dịch nguyên văn của Stéfan Zweiig, bài này đã in tạp chí Nam Phong số 183 - 4.1933. Sau gần chục trang, mới vào phần Thư mục, phân chia sách theo các thể loại mà Khai Trí đã in. Hết phần Thư mục là “Thư gửi Phụ huynh học sinh”; giới thiệu tờ báo Thiếu Nhi do ông Khai Trí và nhà văn Nhật Tiền chủ biên; “Nghệ thuật đọc sách” của Adré Maurois - Hàn Lâm viện Pháp; “Cách giữ gìn cuốn sách”; “Nên ngồi đọc sách như thế nào?”, “Tủ sách của ta và bạn bè ta”, “Cuốn sách mắc nhất thế giới”; “Sách bán 9 triệu rưởi cuốn”; ngoài ra còn có các box nhỏ như “Đọc sách một quyền lợi ít ai biết”; “Thư viện lớn nhất thế giới” v.v… Bài vở chỉnh chu, cần thiết thế lại biếu không cho những ai vào mua sách tại Khai Trí.
Thử hỏi, tập Thư mục này có xứng đáng giữ lại trong tủ sách không?
Sáng nay, trời mưa. Mát mẻ. Cà phê xong, vào cơ quan. Trong lúc ngồi vỉa hè cà phê, cuộc trò chuyện đã gợi mở có được nhiều đề tài để viết. Vào cơ quan, đọc báo. Đọc bao nhiêu thông tin trong ngày, bỗng cụt hứng. Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, có đoạn: “Hồi trẻ tôi quan niệm về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc mà mình yêu thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần phải thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng”. Hiện tại, y đang sống một xã hội mà nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê đang ước mơ đấy chăng?
Hôm nọ, đọc lại Áo mơ phai của Nguyễn Đình Toàn, cảm giác như nhà văn đã kể lại câu chuyện cổ tích. Vang bóng một thời. Quá khứ xa xăm. Bối cảnh câu chuyện diễn ra chỉ trong năm 1954. Kết thúc khi Hiệp định Genève ký kết. Không gian Hà Nội. Nhân vật Hà Nội. Trong đó, Lan và Quang yêu nhau, mối tình học trò, trong sáng. Qua hẹn hò của họ, tác giả miêu tả đường phố, sinh hoạt, nề nếp của Hà Nội. Ngày nọ, Lan theo bố mẹ viếng cảnh chùa ở Sơn Tây. Lúc mọi người an tọa trò chuyện, nhà sư có mời Lan một chén trà ngon bởi nấu bằng nước tinh khiết lấy từ trên núi. Lan không dám nhận, sợ thất lễ. Nhà sư bảo bố mẹ Lan hãy cho cháu nhận. Được sự đồng ý của song thân, Lan mới dám. Nhà sư bảo, nếu không, mọi người bảo nhà chùa không hiếu khách.
Đọc chi tiết ấy, băng khoăn mãi. Tình người, mối quan hệ giữa người và người sao lại đẹp đến thế. Cứ tưởng ở một thế giới nào, cõi nào đó. Hà Nội ngày ấy đấy ư?
L.M.Q
"Mỗi người phải có cơ hội đọc sách" (ảnh: Tủ sách Giải trí - giáo dục)
Đã đời chưa?
Bẽ mặt chưa?
Mấy hôm nay, hầu như trên mạng xã hội ngày nào cũng có những status, comment mắng nhiếc hai người của công chúng ngang nhiên ngồi trên hai cái ghế, tám chân ghế ấy kê cao bằng những cuốn sách. Lời mắng nhiếc, xỉ vả, xỉa xói, nguyền rủa, phỉ báng đủ mọi gam màu, mọi cấp độ khác nhau nhưng tựu trung là không thể chấp nhận hành động vô văn hóa ấy. Sự “ném đá” quyết liệt này cũng không kém gì lúc chàng nghệ sĩ nọ đặt cược cuộc đời trong “ván bài lật ngửa”, tự lật mặt mình trước hàng triệu người đã từng ái mộ.
Ai ai cũng thừa biết vai trò của sách trong sự phát triển của nhân loại. Chỉ lược ghi lại vài câu nhớ nằm lòng, thời đi học thầy cô đã dạy: Để cho con một rương vàng không bằng để cho con một quyển sách (Ngạn ngữ Trung Hoa), Đọc sách hay tìm nguồn vui ở trong sách vở bao giờ cũng được coi là một lạc thú ở đời (Lâm Ngữ Đường), Một gian nhà không vở chẳng khác gì một ngày không có nắng (Tục ngữ Pháp), Sĩ phu mà ba ngày không xem sách thì mặt mũi đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe (Hoàng Đình Kiên), Đọc sách là nói chuyện với những người thành thật nhất của các thế kỷ đã qua (Descarte), Nếu tôi có uy quyền, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong các luống cày vậy (Horace Mann), Tiền vốn đặt vào bất cứ công việc nào cũng không lợi bằng đặt vào việc mua những sách hữu ích (H.N Casson), Để trau giồi trí óc, một phương tiện khẩn thiết nhất và kiến hiệu nhất nếu chúng ta biết dùng, đó là đọc sách (Désiré Roustan) v.v…
Vậy mà, nay có người cả gan lấy sách kê ghế ngồi.Hành động ấy khác nào một cú tát vào mặt những người tử tế.
Nói đi cũng phải nói lại. Nghĩ rằng, những người thực hiện hành động thấp kém như thất học ấy thừa biết mọi chuyện sẽ xẩy ra. Tuy nhiên họ vẫn cố tình làm. Tại sao? Tiền cả đấy. Một chương trình chưa phát sóng mà cả xã hội la ó, xỉa xói ầm ĩ thế này là nhà tổ chức "thành công" quá mức rồi. Tính ra vẫn còn rẻ chán. Theo thông tin từ báo TT, bà Nguyễn Ngọc Trang - biên tập chính chương trình talk show Giấu mặt (công ty truyền thông Đại sứ trẻ) giải thích rằng hôm quay chương trình, hai chiếc ghế khách mời bị thấp hơn so với máy quay, nhưng ngoài trời đổ mưa nên bộ phận thiết kế không ra ngoài kiếm đồ kê được: "Họ đành sử dụng những quyển sách đạo cụ cho một cảnh quay khác để kê ghế cho Lê Hoàng và Triệu Thị Hà ngồi".
Công chúng không là trẻ con, dù có trẻ con thì cũng không thể tin vào những lời biện minh ấy. Thực chất nó chỉ là chiêu thức P.R đốn mạt của nhà tổ chức. Cần phê phán là chỗ đó. Sự phê phán này, chỉ thành công một khi não trạng xã hội thay đổi biết tẩy chay (không xem, không nhìn...) các chương trình loại đó, nhân vật tư cách đó. Sự giận dữ, phê phán càng nhiều thì biết đâu đàng sau cánh gà vẫn là những tiếng cười hả hê sung sướng? Công chúng càng lớn tiếng, chương trình của họ lại càng được xã hội biết đến nhiều hơn. Thế là đủ. “Thơm danh”, “xú danh” cũng là “danh”! Sự phân bua của người trong cuộc có đáng tin hay không? Chỉ biết rằng, y rất ái mộ đạo diễn Lê Hoàng nên xin mượn đôi dòng trong tiểu phẩm “Lời cuối cùng” của anh đã in báo ngay sau sự cố vừa mới xẩy ra. Anh quá sức thông minh khi đặt bút, dù hai sự việc chẳng liên quan gì nhau nhưng ai cấm thiên hạ không có quyền liên tưởng? Anh viết:
“Trước tòa, chồng Pháp nói:
- Tôi mong rằng sự mất mát của tôi sẽ là bài học sâu sắc cho tất cả những người đàn ông trên thế giới.
Vợ Pháp nói:
- Tôi mong rằng ai nghe lời anh ấy cũng không tin”.
Ít ai biết, từ 15 năm nay đã có một tổ chức phi lợi nhuận thực hiện chương trình “1000 Đại sứ góp sách cho trẻ em nông”. Họ đã âm thầm làm công việc đáng kính trọng đó. Thông tin chương trình này vừa gửi đến cho y: “Nếu 15 năm trước hình ảnh quen thuộc của lớp học tình thương, lớp học ghép, các em mù chữ, bỏ học thường xuyên, cái đói cái nghèo vẫn bám lấy cuộc sống chạy ăn từng bữa... Thì 15 năm sau, Việt Nam chúng ta đã cơ bản có trường lớp tương đối cho các em học hành, còn rất ít những gia đình thiếu gạo, còn rất ít trường hợp không biết đọc biết viết như trước.
Nhưng thế giới đã phát triển vượt bậc, trong khi trẻ em ở các nước, hay trẻ em thành thị biết đến các phương tiện: Điện thoại, Máy tính, Ipad, Sách báo ... Chỉ cần "với tay" là kết nối được với thế giới rộng lớn ngoài kia, thì hầu hết trẻ em làng quê Việt Nam chỉ mới biết đọc biết viết & gói gọn kiến thức trong sách giáo khoa, các em ít có cơ hội vươn xa hơn góc làng để có cái nhìn rộng, thấy được những phát triển kỳ diệu bên ngoài để phấn đấu & mơ ước.
Đây là một điều kiện tốt cho trẻ em thành thị và cũng là một thiệt thòi rất lớn cho trẻ em nông thôn! Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục công việc này, vì nghĩ rằng sách sẽ mở cánh cửa làm bệ phóng cho cuộc đời của các em, xóa đi khoảng cách về điều kiện, địa lý mà các em đang có.
Nếu mỗi người góp một cuốn sách, chúng ta sẽ có hàng triệu cuốn sách cho những đứa trẻ chân đất, đầu trần khắp đất nước Việt Nam. Điều này là sự thật, và chúng tôi bền bỉ vì lẽ ấy. Hãy chung tay cùng chúng tôi, để xây dựng các Tủ sách miễn phí tại làng quê Việt Nam!”.
Thế nhưng, giữa thiên thanh bạch nhật vẫn có có kẻ lấy sách kê ghế ngồi. Chẳng cái dại nào giống cái nào. Cái mất lớn nhất không phải ở cô hoa hậu ấm ớ kia, không phải ở nhà tổ chức láu cá nọ mà chính ở tay đạo diễn đã ít nhiều được công chúng ái mộ, yêu mến. Từ sự cố này, buộc lòng người ta phải xem lại những “tuyên ngôn” về cái Đẹp, Chân, Mỹ (nếu có) mà anh đã từng gửi gắm qua các thước phim, tham luận, bài báo v.v…
Làm sao có thể tin chàng thi sĩ kia viết thật lòng những câu thơ tình bay bướm, lãng mạn nếu biết trong đời thường thật anh ta là tay Gestapo; không ai có thể tin những lời của Javert rao giảng về đạo đức, tình người; ngược lại cũng không thể tin những kẻ lừa đảo là Fantine - vì nghèo, nàng đã bán bộ tóc vàng rất đẹp, nhổ răng bán cho thợ trồng răng dạo để đủ tiền trong tình thế bị buộc phải đưa tiền cho kẻ xấu; không ai có thể tin cô bé bán diêm có thể là kẻ giết người… Trước đây, khi muốn hạ uy tín, làm nhục Walt Disney - một doanh nhân nghệ sĩ, một bộ óc tưởng tượng thiên tài, một tâm hồn vĩ đại trong thế giới tuổi thơ của nhân loại, kẻ xấu nghĩ chỉ có cách vu cáo ông từng có thời làm mật thám! Thế nhưng âm mưu này thất bại. Công việc đó không thể phù hợp với một con người như Walt Disney.
Chiều hôm qua, mưa tầm tã. Trên đường về, bạn thơ Cao Xuân Sơn báo tin nhà văn Tô Hoài qua đời. Phải gác mọi việc, viết ngay bài cho kịp thời sự. Do khuôn khổ bài báo nên chưa nêu rõ cái ý này, tấm gương lớn nhất của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký chính là lòng yêu tiếng Việt vô bờ bến. Đọc kỹ hồi ký, ghi chép nào cũng thấy ông luôn thành tâm đau đáu với tiếng Việt. Ông tẩn mẩn góp nhặt, ghi lại từng từ, từng từ một lời ăn tiếng nói trong dân gian. Hơn ai hết, chính các nhà văn đã góp phần quyết định sự trong sáng của Tiếng Việt. Họ khẳng định, tiếng Việt đủ sức diễn đạt mọi tâm tư, tình cảm ngóc ngách của con người mà không cần phải vây mượn tiếng nước ngoài. (Mà, thật ra trong tiếng Việt đã có sự vây mượn. Sự vây mượn, giao thoa trong mọi ngôn ngữ là điều tất yếu, tiếng nói của dân tộc nào cũng vậy. Nhưng sự vây mượn ấy, trải qua năm tháng đã trở thành như những từ thuần Việt).
Sáng nay, không phở. Mà mì. Đổi món. Bước vào quán. Đối diện bàn y ngồi là một cô nàng xinh đẹp, quý phái. Cũng như mọi đàn ông đàng hoàng, thủy chung, thanh lịch khác y bèn lấm lấm la lấm lét ngước nhìn đắm đuối. Chỉ còn thiếu điều muốn “đá lông nheo”. Phụ nữ thông minh lắm, họ có giác quan thứ sáu, luôn thừa biết có kẻ đang nhìn trộm mình. Quả nhiên. Giây lát sau, từ bàn bên kia có tiếng nói vọng sang, giọng mừng rỡ: “Anh có phải là anh Q? Em ái mộ anh!”. Chà, y phổng mũi. Những muốn làm quen, chưa biết ngỏ lời thế nào, nghe thế, còn gì sung sướng hơn? Bèn gật đầu cái rụp. Tim rộn ràng reo ca. Ngay lúc đó có cú điện thoại gọi đến, cô ta nghe máy và oang oang. Nhờ thế, y biết được nội dung, đại khái, mùa worl cup này có ai đến cửa hàng cầm, bán xe hơi không? Cô muốn mua một chiếc. Những tay cá độ đang kẹt tiền thì có thể ép giá, mua được giá rẻ. Hơn nữa, xe ấy họ đang đi nên mua về chắc không sửa chữa gì nhiều. Mà họ đang kẹt tiền đó. Cứ ép giá sát đáy, đã rơi vào tình thế thua độ thì cỡ nào họ cũng bán! Loáng thoáng nghe, bỗng giật thót người. Bao nhiêu từ ngữ, cảm nghĩ hoa mộng bay biến hết. Bèn gọi tính tiền, bước ra khỏi quán. Chẳng việc gì phải làm quen với người đẹp ấy nữa.
Này cưng, lần sau, nhớ bỏ cái tính thấy gái cứ tươm tướp như mèo thấy mỡ đi nha.
Vâng, ạ.
Chiều nay, ngày 7.7.2014 rồi đó.
Thì đã sao?
Thì vui chứ sao.
Vui gì?
Xem hồi sau sẽ rõ.
L.M.Q
Hình ảnh đẹp nhất trong những ngày này, y chọn gì?
Vẫn là lúc ngắm nhìn gương mặt thiện nhân, trong sáng, vô tư của các em sinh viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Đã có những bàn tay, những tấm lòng hướng dẫn các thi sinh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đi thi. Lại bắt đầu một thế hệ trí thức mới.
Năm 1976, lần đầu tiên vào Sài Gòn. Đi theo bà suôi gia của gia đình y. Bà đi buôn Sài Gòn - Đà Nẵng. Ngày đó, y ăn ngủ tại căn nhà trọ trong hẻm đường Lê Hồng Phong. Đêm thứ nhất ngủ tại Sài Gòn, nửa khuya giật mình bởi tiếng khóc thét của bà chủ nhà. Chồng đánh. Một hành động đáng ghét mà trong đời chưa bao giờ chứng kiến, thế là y vùng dậy can ngăn. Hành động “nghĩa hiệp” của chú nhóc 18 tuổi đã để lại nhiều ấn tượng cho gia chủ. Khi bà suôi gia đóng xong hàng, bắt xe về Đà Nẵng thì y vẫn ở lại, đợi chuyến sau bà quay vào dẫn về. Ngày đó, sáng đi xe buýt về trung tâm Sài Gòn mua sách. Sách bán đại hạ giá, bày la liệt các ngã đường, ngoài vỉa hè. Nhiều nhất vẫn lề đường Lê Lợi. Với y, ấy là chốn thần tiên. Tha hồ lựa sách. Trưa, quay về rạp chiếu phim (nay trụ sở Hãng phim Trẻ) xem phim, ăn uống linh tinh. Tối về nhà trọ ngủ. Ngày từng ngày như thế. Kỷ niệm khó quên. Dăm năm trước y nhận viết lời dẫn kịch bản Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hãng phim Trẻ (1.3.1991 - 1.3.2011) do Trần Văn Hưng đạo diễn là vậy. Ngày ấy, y ở Sài Gòn chừng nửa tháng, về lại Đà Nẵng cũng là ngày đi bộ đội. Ngày nhập ngũ 23.7.1977. Hơn 5 năm sau, y lại vào Sài Gòn lần thứ 2. Đi thi đại học. Trường thi ở đường Phạm Viết Chánh, góc Cống Quỳnh. Thi đậu. Ngày nhập học, cô em gái Hoài Trinh cùng mẹ cô đã đón xe buýt đưa y lên làng đại học ở Thủ Đức. Đó cũng là lần đầu tiên gặp Hoài Trinh. Nhưng lại thân thiết như gia đình, bởi lẽ tình đồng hương. Sau này, căn nhà trọ 27 Đinh Bộ Lĩnh của gia đình Trinh là nơi những Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt... thường tìm về mỗi ngày chủ nhật. Về lấy cớ thăm hỏi, thật ra xem trong nhà có gì ăn không. Thời sinh viên khốn khó quá. Còn đói hơn cả thời gian ở bộ đội.
Nhớ lại những hướng dẫn tận tình, giúp đỡ thân thiện ấy làm sao quên?
Những ngày này, xuống phố, nhìn hình ảnh các tình nguyện viên lại xúc động. Bồi hồi nhớ lại năm tháng chưa xa. Tâm hồn trong veo như lá mới. Nỗi niềm bồi ấy chưa kịp lắng đọng, bỗng bùng lên cơn giận dữ khi lướt web, đọc thông tin trên báo TN: “Xử lý xe ôm dùng dao tấn công tình nguyện viên tiếp sức mùa thi”. Khốn nạn thật: “Cho rằng việc làm của sinh viên tình nguyện là tranh giành khách của mình” nên tay xe ôm đã “rút dao xông vào tấn công” các em. Sự nghèo đói, thất học đã lưu manh hóa con người ta? Hay vì gì khác? Các vụ ẩu đả nào thời buổi này luôn có kèm theo dao, đao, mã tấu... Kinh khiếp quá.
Mấy hôm nay cũng trên báo TN có loạt bài hay. Một đề tài cực kỳ cần thiết, tuy nhiên lướt trên facebook chẳng thấy ai có ý kiến gì. Đó là vấn đề “Chuẩn hóa cách xưng hô nơi công sở”. Chuyện sờ sờ ra trước mắt, khó có thể chấp nhận nhưng rồi ai ai cũng cảm thấy bình thường. Đến khi bài báo này đặt vấn đề, mới giật mình. Trong công sở, mọi người cứ tự nhiên với “bác, chú, cháu, cô, dì…” như trong gia đình. Lối xưng hô này dẫn đến hệ hụy gì? Ai cũng thừa sức biết.
Sực nhớ lại vài chuyện cũ. Ở thành phố biển nọ, nơi ấy cam đoan những ai làm công tác tuyên giáo, tuyên huấn, báo chí đều là dân xứ Nghệ. Họ có lối xưng hô kỳ quặc, thủ trưởng đơn vị tự cho mình cái quyền tự xưng “bác”, gọi thuộc cấp “chú, các chú”. Ngược lại, nhân viên gọi sếp là “bác” và xưng “em” hoặc “con”. Có lần ra đó công tác, ban đầu, y ngạc nhiên quá nhưng rồi cũng “nhập gia tùy tục”! Khi đi nói chuyện, giao lưu ở các trường đại học, chán nhất vẫn là lúc sinh viên xưng “em”, sao không chững chạc xưng “tôi”? Ngày còn học ở Đại học Tổng hợp, các thầy Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Mai Cao Chương… tự xưng “tôi” và gọi sinh viên là “anh/ chị”. Cách xưng hô này hợp lý quá đi chứ? Đừng quên, ngày trước các cụ nhà nho gọi thế hệ sau rất trân trọng, thân mật là “cô/ cậu/ anh/ chị”. Bằng chứng khi Chúc tết thanh niên, cụ Phan Bội Châu viết:
Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi lẻ đã từng bao chua với xót
Trời đất may còn thân sống sót
Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh
Thưa các cô, các cậu lại các anh
Trời đã mới, người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé tay vào xốc vác cựu giang san
Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Dây đoàn thể quyết phen thành nghiệp lại
Ái hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Gởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Ðúc gan sắt để dời non lấp bể
Xôi máu nóng để rửa vết dơ nô lệ
Mới thế này mới là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân.
À, chị Thế Thanh rời khỏi chức Tổng Biên tập vào năm nào? Hôm nào gặp sẽ hỏi kỹ lại, hoặc lật Kỷ yếu báo PN sẽ tìm ra ngay. Còn nhớ một cuộc họp quan trọng, quyết định chuyện “đi, ở” của sếp diễn ra tại tòa soạn 188 Lý Chính Thắng, Q.3 lúc khoảng 15 giờ chiều. Đầy đủ cán bộ, công nhân viên trong giờ phút hệ trọng ấy. Chú Sáu và chú Hai xuống dự. Họ là ai? Tạm thời không nêu tên. Trước đó, không rõ từ đâu đã có cuộc vận động ngầm là cả cơ quan đồng lòng ký tên xin giữ chị Thế Thanh ở lại. Không khí cuộc họp căng thẳng như ngòi nổ đã sẵn sàng. Sẵn sàng điểm hỏa.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phản biện dữ dội của anh em nhà báo, chú Sáu mới đứng dậy ôn tồn nhằm làm dịu không khí: “Hôm nay, chú Sáu, chú Hai đến nói chuyện thân mật với các cháu. Vậy các cháu phải…”. Chưa nói hết câu, lập tức nhà báo Lưu Hồng Cúc đứng phắt dậy: “Tôi đề nghị đồng chí thay đổi cách xưng hô. Chúng ta đang bàn chuyện cơ quan, chứ không phải chuyện gia đình”. Cha chả, lúc ấy, chú Sáu sượng trân, không thể thốt lên lời nào nữa, ngồi phịch xuống ghế, giận đến độ mặt mày tím ngắt. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục gây cấn, căng thẳng, không biết bao giờ sẽ kết thúc. Còn nhớ, câu phát biểu cuối cùng là của chú Hai. Chú đứng dậy, rành rọt từng chữ: “Nếu các anh chị cứ làm căng thế này, tôi tuyên bố ngày mai đóng của báo PN”. Nói xong, hai chú đứng dậy, bước ra về, không chào hỏi bất cứ ai thêm một lời nào nữa. Cuộc họp tự giải tán.
À, “chuẩn hóa cách xưng hô nơi công sở” có thực hiện được không? Chỉ nghĩ rằng, cách xưng hô lâu nay đã phản ánh tâm lý, tính cách của một dân tộc, - dân tộc Việt luôn quan niệm trong phép ứng xử ở đời, đừng bao giờ quên: “Một bó lý không bằng một tí tình”. Tình nặng hơn lý. Do đó, cách xưng hô đáng phàn nàn ấy tồn tại một thời gian dài đã phản ánh điều đó. Khi bước lên diễn đàn, người ta có thói quen phải thưa, phải kính các nhân vật “tai to mặt lớn”. Hôm ấy, về dự họp tổng kết nghị quyết có quá nhiều quan chức, chẳng lẽ phải trưng ra tên người, chức vụ cụ thể? Do nó anh chàng nọ mới linh hoạt thông minh vẫn "kính thưa" ngắn gọn mà không mất lòng ai: “Dạ, kính thưa 2 anh Hai ở Ủy ban; 3 chị Tư ở Mặt trận; 4 anh Sáu ở huyện ủy; 4 anh Ba cấp trên…; còn lại, kính thưa toàn thể các cô chú bác lớn tuổi và thân ái chào quyết thắng với các anh chị em thanh niên của huyện nhà”. Chuyện thật mà cứ tưởng bịa. Lối xưng hô này, cho thấy ở đây là gia đình, thân mật, nếu ban tổ chức có gì sai sót thì cũng dễ dàng được quý khách “niệm tình tha thứ”!
Chiều qua, mưa tầm tả. Những cơn mưa dữ dội.Trút từng hồi. Phố phường lênh láng nước. Con người ta thường ích kỷ, ti tiện, hèn kém lắm. Chẳng hạn, lúc ngồi trong quán, nhẩn nha nhâm nhi chuyện đời, hào hứng giọt vàng ngây ngất, chìm đắm men ngon tê mê rồi ngước cổ nhìn ra đường phố. Lúc ấy, thấy thiên hạ đang nhố nháo tránh mưa, lạng lách xe vọt lên, tắt máy xe dắt bộ, người ngợm ướt như chuột lội lẽ ra phải thương cảm chứ? Không, tự họ đã thấy hả hê vì ít ra lúc này cũng còn sung sướng hơn người khác gấp bội phần. Y có thế không? Anh Lưu Đình Triều đã đi Hàn Quốc về, quà tặng là những gương mặt những kép hát, làm bằng gỗ. Trưa qua, nhắn tin cám ơn:
Đã nhận quà tự xứ Hàn
Treo lên ngắm ngược, nhẹ nhàng nhìn xuôi
Mỗi gương mặt, mỗi buồn vui
Cõi nhân sinh ấy ngược xuôi như mình
Hỉ, nộ, ái ố lặng thinh
Cám ơn quà tặng nặng tình ẩn sâu…
L.M.Q
Một ngày sắp cạn. Tiếng chuông từ ngôi chùa đối diện nhà đang tan dần. Từng tiếng cầu kinh. Chậm rãi. Buồn buồn. Ngày không gì mới. Ngày vẫn ngày. Những ngày lễ, trước sân nhà y thường có nhiều chú chim non sập sè, sắp chết. Ấy là chim phóng sinh. Vừa thả ra. Chim bay không nổi. Chập chững hụt hơi. Tội nghiệp. Ngay lập tức có người ùa vào bắt lại ngay. Nhốt vào lồng. Và lại bán cho những người đến sau. Tội nghiệp chim hay chán ngán cho sự mê muội của chúng sinh?
Sáng hôm qua, An May đến sứ quán Mỹ làm thủ tục du lịch Mỹ. Mọi việc đã xong. Người ta hỏi: “Con có thích du học ở Mỹ không?”. “Dạ, con đi thăm hai anh con đang học ở Mỹ”. Câu hỏi và câu trả lời tưởng không ăn nhập gì, nhưng trẻ con không bao giờ nói dối. Điều này khiến người ta hài lòng. Gật đầu cái rụp. Vậy là vui.
Trước kia, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng cũng làm thủ tục đi Mỹ. Thời đó, đi Mỹ là chuyện cực kỳ khó khăn, chứ không như bây giờ. Người ta hỏi, khi được sang Mỹ anh nhớ ai nhất? Câu hỏi hoàn toàn không nằm trong dự kiến, anh trả lời thật: “Tôi nhớ nhất con tôi”. “Vậy lấy gì chứng minh?”. Ngay lập tức anh lấy ví ra, chìa cho thấy tấm ảnh đứa nhóc. Vậy là xong. Mọi việc dễ dàng. Một nhạc sĩ khác, là câu hỏi này: “Anh yêu nước Mỹ không”. “Tất nhiên là có. Không những thế, tôi còn nghiên cứu kỹ về lịch sử âm nhạc nước Mỹ. Là một nhạc sĩ, sang đó, tôi sẽ sáng tác một ca khúc về nước Mỹ, bởi tôi rất yêu Hợp chủng quốc Huê Kỳ”. Trả lời rành mạch là do câu hỏi này “trúng tủ”, anh đã chuẩn bị trước. Nói trơn tru như cháo chảy, anh tin họ sẽ gật đầu OK, nào ngờ câu hỏi tiếp: “Anh nói có nghiên cứu về lịch sử âm nhạc nước Mỹ, vậy anh biết gì về quốc ca Mỹ?”. Ngay lập tức, anh lắp ba lắp bắp không thốt nên lời. Vậy là toi công. Công cốc.
Đêm qua, nửa khuya giật mình bởi tin nhắn của Đoàn Tuấn: “Chào Q ngủ chưa? Mình đi Paris đây. Đi liên hoan phim. Sẽ liên lạc sau”. Đọc tin này vui. Chúc mừng bạn mình. Mấy hôm nay, anh Lưu Đình Triều đã đi Hàn Quốc. Bạn bè đi Đông đi Tây. Y chỉ ru rú xó nhà. Chán thế. Không phải chán bởi ở nhà mà chán vì phải tiếp cận mỗi ngày với quá nhiều thông tin. Đôi khi ngao ngán muốn buông tiếng chưởi thề. Nhưng rồi chẳng dám. Chỉ bẩn thêm miệng. Bình tâm một chút, nghĩ đến tận cùng nhưng rồi cũng chẳng giải quyết được gì. Dòng đời cứ thế trôi đi. Chẳng gì có thể thay đổi. Nghĩ làm gì nữa. Mệt đầu. Biết thế, nhưng rồi chẳng lẽ mỗi ngày lại không đọc báo? Mỗi ngày không xuống phố? Chẳng lẽ nhắm mắt mà đi? Bịt tai mà nghe? Cứ thế, từng ngày người ta sống. Rồi chẳng mấy chốc, già đi. Chỉ tội nghiệp lũ trẻ con sau này.
Sáng nay đi ăn phở, X bảo: “Chắc chắn em sẽ đưa Rơm về Nga, cho nó sống với ông bà nội nó. Sau này nó thích, nó về chứ em không ép nó ở lại đây như trước nữa. Trước cứ nghĩ có mẹ có con bảo bọc nhau, nhưng nghĩ cho cùng tương lai của nó vẫn quan trọng hơn. Đời mình đã về phía bên này dốc rồi. Tương lai nó còn dài…”. Trước đây, X lấy chồng người Nga, sau đó ly dị, cô đem con về Việt Nam nuôi nấng, dạy dỗ. “Ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Bây giờ, cô đã nghĩ khác.
Trưa nay, nằm đọc quyền Tuyết hoang của Trần Quốc Quân - cây bút Việt kiều đang sống ở Ba Lan. Cuốn tiểu thuyết nhiều thông tin cay đắng về vật lộn mưu sinh của người Việt ở Ba Lan, thỉnh thoảng có những trang hồi tưởng về thời “ngăn sông cấm chợ”. Có điều, văn chương là câu chuyện lạ lùng. Những nhân vật Nguyên, Châu, An v.v… sống động; nhiều chi tiết đắc giá, phải người trong cuộc mới có thể viết nổi. Vậy mà khi đọc, trong lòng cứ nhẹ tênh. Dững dưng. Câu chuyện mới xẩy ra đây thôi, khoảng thập niên 1980 của thế kỷ trước nhưng nay lại thấy xa lạ. Thế thì, tại sao có những tác phẩm viết hàng trăm năm trước, dù tác phẩm dịch đi nữa như vẫn thấy lôi cuốn từng trang? Nhà văn vẫn như đang đồng hành cùng bạn đọc. Họ viết tác phẩm đó như dành cho mình, dù rằng, đề tài ấy, lãnh vực ấy mình xa lạ. Ấy chính là ma lực của văn chương. Nhiều nhà văn có được ma lực này. Ma lực ấy nằm ở câu chữ hay tình tiết? Chẳng rõ. Chỉ biết đã đọc. Đọc lại vẫn thấy lôi cuốn như thường. Mỗi thời điểm lại có cách nhận thức khác nhau. Trong khi đó,Tuyết hoang không phải là cuốn sách tồi, nhưng tại sao lòng vẫn nguội, lạnh tanh? Đọc tiếp cũng được. Mai đọc cũng xong. Một quyển sách hay bao giờ cũng buộc người ta đọc ngấu nghiến từng chữ. không thể bỏ dở nửa chừng. Càng đọc, càng sợ phải chạm tay đến trang cuối cùng.
Y đã có cảm giác ấy bao giờ chưa? Tất nhiên là có. Khoảng thập niên, 1980 lúc ở K, ngày đó đón cánh tân binh ở Hà Nội vào, trong đó có Đoàn Tuấn. Khi Tuấn trình diện y ở ngã ba biên giới, y đã "tịch thu" của hắn quyển Truyện Kiều. Cuốn sách đi theo y suốt năm tháng chiến trường. Không nhớ đã thất lạc lúc nào. Có lẽ, đồng đội đã lén xé từng trang để vấn thuốc rê thay cho lá khô. Tập sách thứ hai cũng tạo ra cảm giác ấy là quyển Thi nhân Việt Nam tiền chiến của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, lúc ở Anlungveng. Bom đạn ì ầm nhưng đêm đêm vẫn chong đèn dầu khộp đọc say mê...
Mấy hôm nay, cộng đồng mạng ồn ào với sự ra đời của “ca sĩ” Lệ Rơi. Thậm chí, chiều nay, có tờ báo ngoài Hà Nội còn tổ chức giao lưu trực tuyến, chủ đề oách ghê: “Lệ Rơi - Từ sau lũy tre làng bước lên thế giới phẳng”. Tòa soạn tờ báo này cho biết lý do tổ chức: “Trong những ngày này, “Lệ Rơi” đã trở thành một trong những từ khóa cũng như gương mặt hot nhất đối với cư dân mạng. Những clip trên youtube của một chàng nông dân trồng ổi với giọng hát được gọi là “thảm họa” nhưng lại có sức hút kì lạ”.
Trước đó, thiên hạ tha hồ “ném đá”, tha hồ tung hô. Cũng nhộn. Đời sống bức bách, ngột ngạt, túa mồ hôi trán, rướm máu bàn chân kiếm cơm mỗi ngày, có thêm giọng ca lảm nhảm, nhăng nhố, hát ngọng, hát dở của Lệ Rơi cũng chả hại gì. Biết đâu, cũng là một cách để thiên hạ thư giản, cười hả hê trong chốc lát. Khó tính làm gì. Hôm kia, anh bạn gửi tặng tấm ảnh chụp quán ăn ở Quảng Nam, bảng hiệu có dòng chữ rành rành: “Đẹt soản các món nướng”. Thiệt hết biết. Mà cũng cười. Đời sống, có thêm một chút gì nhộn nhạo cho vui cũng đã là quý. Mỗi người, nghĩ cho cùng chỉ là một kép hát nhố nhăng trên sân khấu thôi. Chỉ khác ở chỗ, có người ý thức, tự xấu hổ vai diễn và sẽ có lúc phản tỉnh; có người cứ tưởng mình đang đóng một vai trò ghê gớm. Nhảm lắm.
Chiều tối rồi. Đã một ngày. Ngày không gì mới. Ngày vẫn ngày.
L.M.Q
Rồi đôi lúc, cái gì cũng là nỗi ám ảnh của sợ hãi. Nhiều lúc, đọc thông tin này, biết thông tin kia, dù đắng lòng nhưng rồi cũng ngậm tăm. Cũng chẳng dám đưa vào Nhật ký. Cùng lắm, một cái tặc lưỡi. Thế là xong. Nghĩ ngợi nhiều, cũng chẳng đến đâu. Thôi kệ. Từng ngày, cứ thế lại trôi đi.
Mấy hôm nay, trời mưa như trút.
Đêm qua, nói năng linh tinh, lúc nghĩ lại tự nhiên áy náy trong lòng. Lúc ấy, ngồi sân thượng gió mát, cùng anh em. Câu chuyện quay ngược về dòng tộc, họ hàng ngày xưa cũ. Nhắc lại, rồi đời sống của mỗi người, ngày mai lại trôi theo công việc tẻ nhạt, quen thuộc mỗi ngày, đã lập trình
Trước kia viết đâu đó trong Nhật ký, đời sống hiện nay có nhiều chất liệu để dựng lên những tiểu thuyết không thua kém gì Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn… nhưng rồi chờ hoài chẳng thấy, lúc ấy nghĩ rằng, do tài năng của nhà văn. Đêm qua, nghĩ khác, ấy là do nhà văn không đủ ác, vâng, họ không đủ ác để viết lại những gì đã cảm nhận, đã mắt thấy tai nghe. Sự tưởng tượng của nhà văn tụt hậu, đi sau hiện thực khủng khiếp của đời sống. Khi viết, họ không đủ ác, không vượt qua nỗi sợ hãi chính mình. Trang viết nhẹ tênh. Chưa đọc đã chán. Điều nguy hiểm nhất, khi viết tự nhà văn đã “biên tập”, đã thiến câu văn ngay trong đầu.
Có ai dám thừa nhận điều đó không? Dù không nói ra nhưng, tự mỗi người đã biết tỏng chính mình.
Không rõ, hiện nay, người ta đang quan tâm đến cái gì? Y là nhà báo “chính hiệu con nai vàng”, sao lại hỏi thế? Nhà báo luôn xông xáo, tiếp cận với cõi nhân sinh bụi bặm, những thân phận bột bèo, những cùng đinh, những ngóc ngách của đời sống kia mà? Y hỏi, bởi thật ra y chẳng hiểu gì cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày. Bất quá, chỉ biết một vài thông tin tên mặt báo, trên mạng xã hội một cách dưng dưng như một người ngoại cuộc. Khi không đau cái đau của những con người lương thiện, thấp cổ bé họng thì viết cái gì? Có đôi lúc, đọc lại những câu thơ, những trang viết tươi sáng tự nhiên lại thương, lại tin những tâm hồn trong sáng quá, thánh thiện quá. Mà, trong đời sống u ám, nhiễu nhương, bất trắc chính điều ấy giúp cho con người ta niềm tin yêu để sống.
Khi ngoài 50 tuổi, mới sực ý thức rằng, mình đã già. Già nghĩa là khó có thể thay đổi những thói quen, nếp nghĩ đã hình thành. Từ lúc xuân xanh đến nay chỉ sống trong bao cấp nhà nước, có nhiều người sợ hãi lúc về hưu. Ngày nọ, anh đạo diễn kia rời khỏi Đài T.H về hưu, anh thú nhận cay đắng, bây giờ mới chính thức “vào đời”. Nghĩa là, từ giây phút này, anh ta mới chính thức kiếm sống bằng khả năng của mình. Còn trước đó, sống được là do thu nhập bằng những nguồn khác chẳng phải từ nghề nghiệp mà do vị trí được cơ cấu hoặc uy tín của đơn vị đang công tác.
Có những ai dám dũng cảm thừa nhận điều đó không, kể cả y?
Y chẳng biết nói thế nào, nhưng chắc chắn rằng, từ năm 18 xuân xanh đến nay, y chỉ mỗi thu nhập từ nghề viết. Đừng ảo tưởng. Những gì đã viết có thể giúp cho xã hội tốt đẹp hơn không? hay chỉ là tiếng kèn đồng reo lên và hòa nhịp trong một dàn đồng ca ầm ĩ theo năm tháng?
“Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau/ còn đây em ngọt ngào”. Đời sống và những hệ lụy của đời sống ám ảnh lâu dài nhất vẫn là tình yêu. Đôi khi ngồi nhớ lại, bao nhiêu tình bao nhiêu thương bao nhiêu nhớ bao nhiêu đắng cay bao nhiêu hoan lạc tuyệt vời đã đi qua thân xác này? Chẳng có thể nhớ. Mà nhớ để làm gì? Nếp hương hằn vết trong trí nhớ cứ thế, tự nó vẫn còn lại trong sâu thẳm ký ức. Tự nó, đã là một phần máu thịt của ngày tháng lớn khôn rồi già nua và chìm vào một cõi xa khuất không bến bờ. Sự hiện hữu của con người chỉ khoảnh khắc rồi tan biến vào trong vô tận trùng trùng lớp sóng thời gian. Mất hút. Không còn một dấu vết gì. Có những dấu vết lưu lại nhưng chắc gì thiên hạ đã nghĩ đúng? Nếu có thể đem lại lợi lộc gì, những dấu vết ấy mới được đời sau tung hô lên chính tầng mây xanh, bằng không, đừng hòng.
Đêm qua, trong cơn say chếnh choáng, nằm một mình, một căn nhà còn lễnh loãng hương thơm mộng mị xa vời, đọc mấy câu thơ của Du Tử Lê lại thấy hay. Thì ra cũng tùy tâm trạng, sự cảm nhận về thơ có lúc sẽ khác:
chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì hiếp khác với đời sau
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về
Lê Minh Quốc cùng các đồng nghiệp trong cơ quan (ngày 21.6.2014)
L.M.Q
Sơn dầu của Lê Minh Quốc (2009)
May quá, khách đã về.
Ngày thứ bảy, ở nhà, chẳng biết làm gì cho hết buổi chiều. Đang loay hoay lướt web, nghe tiếng chó sủa. Giật mình. Có người đến tìm. Khách không xa lạ, cũng không thân thiết. Tự nhiên, lại tìm đến nhà. Thế có bực không? Không tiếp, sợ bị cho là “chảnh”. Giải thích từ “chảnh” thế nào là đúng nhất? Đã nghe “chảnh”, “chảnh chọe”, “chảnh chó”, thậm chí “chảnh như con cá cảnh” nữa. Đành phải ngồi tiếp chuyện. Mất thời gian quá. Dù lúc ấy chẳng bận việc gì. Câu chuyện xã giao nhắc về người này người kia, y chẳng quan tâm gì. Nhạt nhẽo. “À, có nhớ Y, X, Z không, bây giờ đã là…”. Là cái gì đi nữa, y cũng chẳng cần phải biết. Biết để làm gì? Mà những X,Y, Z - kể cả khách, lâu rồi chẳng gặp. Đời sống ai nấy lo. Biết thêm cũng chẳng ích gì. Đã thế, lại hỏi, “dạo này công việc thế nào?”. Thế nào thì thế nào? Nghe hỏi, chỉ cười. “Vợ con thế nào?”. Có những người luôn hỏi người khác bằng những câu hỏi như tỏ ra quan tâm nhưng thật ra rất ấm ớ. Đã thế, lại còn khuyên rằng… Nghe phát mệt. Có sống giúp được người khác đâu mà cứ khuyên thế này thế nọ? Cho dù chân tình nhưng ích gì cho đời sống người khác? Lúc ấy, chẳng lẽ, không bày tỏ thái độ gì, bèn tỏ ra chăm chú lắng nghe. Nghe tai này lọt qua tai kia. Dông dài vô tích sự. Tự nhiên mất thời gian với những câu chuyện vô thưởng vô phạt ấy.
Bực, nói thế thôi.
Nếu không quý mình, người ta đến làm gì? Có cầu cạnh gì đâu mà khó tính trái nết? Biết thế nhưng vẫn không thích. Đến tận nhà thăm hỏi làm gì, chỉ cần một câu tin nhắn là xong. Việc gì phải gặp nhau mất thời gian cả đôi bên. Một câu hỏi han, có là gì? Mà một tin nhắn cũng chẳng là gì. Chán nhất là những câu chẳng có nội dung. Hôm nay, nhận tin nhắn thế này: “Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, trân trọng gửi tới quý ông bà, cô bác anh chị bạn bè, các em và toàn gia lời chúc mừng sức khỏe và lời chào thân ái, mong các thể hệ trong gia đình luôn đoàn kết, đầm ấm và chung tay nhau xây dựng bảo vệ tổ ấm của mình, Tổ quốc mình khỏi họa xâm lăng và giữ vững truyền thống văn hóa có từ lâu đời để cùng sống hạnh phúc, hòa bình, phát triển bền vững lâu dài”. Tin nhắn cá nhân gửi cá nhân với nội dung này chỉ có thể hoặc điên rồ; hoặc trêu ghẹo châm biếm, hài hước. Y có làm gì mà châm biếm y? Nhận các lời chúc nội dung vớ vẩn này chẳng khác gì khách không mời mà đến.
Sau công việc mỗi ngày, quay về nhà là lúc con người ta chẳng khác gì con thú trở về hang. Tìm nơi an toàn. Trú ẩn. Không muốn ai quấy rày, dù thăm hỏi thân tình. Bạn bè làm việc chung cơ quan từ thuở tóc xanh, đến lúc về hưu nhưng chắc gì đã ai ghé nhà ai. Mà có đến, vừa câu một câu hai đã kéo nhau ra quán. Vì thân thiết. Thân tình. Còn người không thân, chỉ dăm câu ậm ờ cho xong nhưng ngoài mặt cứ vồn vã, làm như hiếu khách lắm. Trong bụng chỉ thầm mong, về đi cho. Nào dám nói ra. Bấm bụng mà chịu đựng. Ấy mới oải.
Nói là nói thế, tâm lý con người ta cũng lạ.
Nếu bè bạn cũ chí cốt khi vào Sài Gòn nếu không ghé thăm nhà, y lại giận. Đôi khi bận rộn công việc nhưng ít ra cũng có cú điện thoại hẹn hò lai rai một chút. Câu chuyện lúc ấy tha hồ rôm rã mới vui. Tẹo vừa từ Đà Nẳng vào Sài Gòn thăm mẹ. Mang vào nhiều thực phẩm quê nhà, bà cụ thích lắm. Y cũng khoái nữa.
Sáng nay, lại phở. Vài ba anh em ngồi với nhau. Câu chuyện thân mật, lý thú. Sực nhớ tối hôm qua, đi dự tiệc của doanh nghiệp nọ mời nhà báo nhân ngày 21.6. Được quà cáp, ăn uống no say tại khách sạn Majestic. Từ phòng ăn bước ra ngoài sân thượng, gió lồng lộng. Loáng thoáng có chút mưa. Lúc ăn, anh em ảo thuật lên sân khấu trình diễn góp vui. Tiếng vỗ tay vang trời. Gần sắp chia tay, có nhà báo xin con chim bồ câu - vốn là “đạo cụ” của nhà ảo thuật. Người ta kiếm cơm bằng mấy con bồ câu đó, đã huấn luyện nhọc công biết bao nhiêu lẽ nào lại xin xỏ? Mà vẫn cứ nằng nặc xin cho bằng được. Lý do đưa ra, “vợ tôi rất thích bồ câu trắng”.
Nghe sướng chưa?
Cuối cùng, cười như mếu là tay ảo thuật; cười hả hê là tay nhà báo!
Còn y?
Nhìn gương mặt có tiếng cười hả hê ấy, muốn ói.
L.M.Q
Trang 37 trong tổng số 58