LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.5.2014

 

Trong mớ bùng nhùng, hỗn độn, trì trệ, bức bối của đời sống, cảm tưởng hết thẩy chúng ta đang múa may quay cuồng trên một sân khấu lớn. Có điều những vai diễn ấy đã cũ rích, chẳng có thể ma mị, dụ khị được ai nữa, kể cả chính mình. Cứ thế, người ta lại sống trong mớ bùi nhùi, lùng nhùng ấy và cố gắng nhón chân lên tìm một chút khí trời để thở. Tự đánh lừa mãi lấy chính mình, biết thế, vẫn cứ thế. Biết làm sao?

Đọc trên báo mấy hôm nay quanh đi quẩn lại có gì mới? Cũng những câu chuyện cũ rích từ đời tám hoánh, cứ lặp di lặp lại hoài. Cũng câu trả lời đó, cách giải quyết đó. Có thấy thay đổi gì đâu? Chán. Còn chán hơn cả thông tin cỡ như “đến năm 2020 xây mới 51 nhà hát và nâng cấp 20 nhà hát. Sáu năm cho tổng cộng 71 nhà hát”. Để làm gì? Trong khi đó, trường học vùng sâu, vùng xa cần thiết hơn nhiều. Chán. Không chán sao được khi đọc thông tin như cô hoa hậu nọ trả lại vương miện vì cái lý do gì gì đó, báo TT hôm nay có bình một câu chí lý: “Có một người nước ngoài nhận xét thế này: chuyện hoa hậu ở các nước phát triển chỉ là giải trí và đại bộ phận công chúng khá thờ ơ thì ở VN đôi khi lại là chuyện... thời sự và xã hội”. Mà, đâu chỉ có mỗi chuyện này? Chẳng hạn chuyện Trung Quốc trúng thầu, chuyện lao động nhập cư v.v... Còn biết bao chuyện đại sự khác nữa. Bàn đến làm gì. Vô ích.

Nhạc sĩ Thanh Bình vừa qua đời chiều nay. “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha… Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi...”. Theo nhà báo Hà Đình Nguyên (TN) khi hỏi về bóng hồng nào đã khiến nhạc sĩ Thanh Bình phải đau khổ để viết nên tác phẩm Tình lỡ, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào. Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”.

Lúc trai trẻ, tìm kiếm niềm vui dễ lắm, miễn thỏa mãn ý thích là happy. Đến một tuổi nào đó, cảm thấy khó khăn hơn nhiều bởi niềm vui ấy không thể tách rời đời sống xã hội, không thể đứng ngoài buồn vui của thế giới chung quanh. Lên facebook, mới biết 5g30 sáng nay có người tự thiêu trước Dinh Độc lập. Trang cá nhân của nhà báo Lam Điền (TT) có tường thuật mà anh cũng chẳng biết lý do. Đã thấy clip vụ này trên Youtube. Không có lời bình.

 

dannhac-Pham-Duy-R

 

Chiều nay, dành thời gian tìm lại tập sách cũ. Sách nhiều, mỗi lần tìm kiếm cũng mệt. May quá, vừa tìm ra quyển sách của Phạm Duy mà Đoàn Tuấn cần đến. Cần đọc tìm hiểu âm nhạc Chăm ảnh hưởng đến nhạc Việt thế nào. Sẽ photo tặng một bản. Phạm Duy làm công tác tư liệu cực tốt. Đáng nể quá. Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy (Hiện Đại XB 1972), dày trên 200 trang. Lật ngay trang đầu tiên, có dòng chữ  - ấy là thói quen y hay ghi gì đó ngay lúc mới mua sách đem về nhà: “Sức sống của nghệ thuật ở chỗ nó gắn liền với kỷ niệm trong cuộc đời mỗi người. Nghe lại một ca khúc, không chỉ là nghe - mà người ta có dịp để sống, sống lại với kỷ niệm với dĩ vãng đã xa. Những quên lãng ấy lại được âm nhạc đánh thức. Vì thế nghe một ca khúc của dĩ vãng bao giờ trong lòng ta cũng bùi ngùi… (5.1.2006). Lật vào bên trong lại thấy Thiệp mời tham dự đêm nhạc Phạm Duy ngày trở về diễn ra lúc 19g ngày 5.1.2006 tại sảnh đường Diamond (KS Sofitel Plaza Sài Gòn, 17 Lê Duẩn, Q.!, TP.HCM). Chương trình này do của Công ty Phương Nam tổ chức, và cũng là lần đầu tiên ca khúc của Phạm Duy được hát công khai trở lại, kể từ sau năm 1975 tại Việt Nam. Nếu chỉ chọn vài gương mặt tiêu biểu nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, có thể quên người này người kia nhưng không thể thiếu Phạm Duy. Nếu thiếu, chắc chắn diện mạo âm nhạc nước nhà khuyết một mảng lớn. Theo anh bạn Lưu Trọng Văn công bố trên trang mạng Motthegioi.vn, trước khi chết vài ngày, Phạm Duy nói: "Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa,nếu người vẫn hát Tình ca với câu: "Tôi yêu tiếng nước tôi", 999 bài còn lại, người ta quên cũng được". Khi thời sự chính trị đi qua, tác phẩm nghệ thuật mới trở lại đúng vị trí vốn có. Vị trí ấy sẽ xác lập tác phẩm nghệ thuật có tồn tại với thời gian hay không.

Sáng nay, Tuấn comement trong Nhật ký 20.5.2014: “Mình vẫn ở Phan Rang, Mách Q nghe, Năm ngoái, mẹ mình nằm cấp cứu tại Bệnh viện Bách Mai, ngỡ không qua khỏi, Sau nhờ nhà thơ Đỗ Trọng Khơi bấm một quẻ Kinh Dịch, Mọi chuyện qua mau. Q thử hỏi anh Khơi xem. Chúc bạn may mắn. Kính chúc Mẹ bạn chóng bình phục”. Ngay lập tức, điện thoại ngay cho anh bạn thơ Đỗ Trọng Khơi. Anh là người khuyết tật nhưng người bình thường phải khâm phục ý chí, nghị lực của anh. Một cô gái ở Cà Mau vì quá khâm phục nên yêu anh và ra đến Thái Bình… chọn anh làm chồng! Nghe điện thoại, anh sốt sắng lắm, hỏi vài thông tin như lúc này mấy giờ, ngày âm là ngày mấy, bà cụ sinh năm nào? Khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ sau, anh điện thoại lại.

Những tình cảm này khiến y vui và cảm động.

Và chiều qua, cũng cảm động khi gặp hai lão đồng nghiệp báo TT là nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Lưu Đình Triều đã vào bệnh viện thăm mẹ y. Trước đó vợ, chồng em Chương - Bé (con cậu Bảo), em Nguyễn Văn Phú (con dì Bốn Chua) cũng vào thăm... Xúc động ghê. Dù vậy, buổi chiều qua, lúc chia tay nhau y vẫn không nhận lời ngồi đâu đó lai rai một chút với hai anh. Khi phóng xe vào bệnh viện, quái, thay vì phải xuống hầm gửi xe, tác giả Thằng láu cá cứ tênh hênh đậu xe ngay sân bệnh. Chỉ khóa cổ. Rất chủ quan. Biết đâu trong lúc lên lầu 2 bệnh viện thăm bà cụ, kẻ gian chôm mất xe thì sao? Anh Nghĩa chỉ cười cười bảo, yên tâm đi. Nghe thế, biết thế nhưng vẫn lo. Nào ngờ nửa tiếng đồng hồ sau quay lại, chiếc xe cà tàng của anh vẫn còn y nguyên. Anh giải thích, thứ nhất, do không ai biết xe của ai, người này cứ tưởng của người kia nên dù có lòng tham cũng không ai dám đụng tới. Hơn nữa, bọn xấu nhìn thấy xe "ngon ăn" quá nhưng lại nghĩ, biết đâu là xe của công an đang “câu nhử” tội phạm thì sao? Chớ dại mà va vào. Nghe anh lý giải cũng có lý. Tuy nhiên, bắt chước kiểu này phập phồng quá. Chẳng dại.

Tùy bút Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp đang sửa “bon” 2. Tính từng ngày. Gấp rút.

Thứ Sáu, cuối tuần rồi.

Thao-Cover3finalRRRR

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment