LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.6.2014

 

hinh--nhom-tai-san-bay-Noi-Bai---Ha-Noi-ngay-7.6.2009-rr

Đoàn nhà báo viếng danh thắng Tràng An (Ninh Bình) - ảnh chụp ngày 7.6.2009 tại sân bay Nội Bài

 

Sáng nay, vẫn phở. Đọc báo như mọi ngày. Thông tin này đáng lưu ý nhất: “Chiều 23.6, tại Doha (Qatar) với 100% số phiếu tán thành, 21 thành viên của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình - Viet Nam) là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm ba khu vực liền kề nhau gồm di tích cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Quần thể danh thắng Tràng An đã nâng tổng số các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của VN lên 8 khu di sản. Đặc biệt, đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của VN được công nhận cả tiêu chí văn hóa và thiên nhiên”. Trước Tràng An, Việt Nam đã có 7 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên nhận danh hiệu của UNESCO, bao gồm cố đô Huế,  Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng Thành Thăng Long, Phong Nha Kẻ Bàng và thành Nhà Hồ.

Cách đây vài năm, tháng 6.2009, y đã đến nơi này. Chuyến đi do Trung tâm Kỷ lục Việt Nam mời nhà báo tháp tùng theo các nhà sư đưa xá lợi Phật về chùa Bái Đính (Ninh Bình). Chuyến đi đó, còn nhớ có nhà báo Giao Hưởng, Nhật Lệ, Nguyễn Thanh Phong, Hữu Thân, Ngô Kinh Luân… Từ sân bay, khi đoàn về chùa Quán Sứ, cả hàng ngàn người dân tập hợp chỉnh tề chứng kiến. Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa, trước lúc lên xe về Ninh Bình, y có vào tòa soạn báo PN thủ đô thăm bạn thơ Giáng Vân và người bạn nữa, tạm gọi cô X.

Có lần Đoàn Tuấn bảo, thời trẻ X đẹp lắm, biết bao chàng trai mê đắm nhưng rồi vẫn phòng không chiếc bóng. Trước đó nữa, lúc ra HN theo học lớp biên tập đã quen X. Đã cùng Mai Sơn, Nguyễn Trọng Tạo về căn hộ nhỏ xíu của X ở chung cư lai rai rượu chè cả đêm. Quý mến cô ở tính cách mộ đạo, làm thơ và hiếu khách. Có nhiều người đeo đuổi X, thậm chí một doanh nhân người Nhật ngỏ lời nhưng rồi chẳng đâu vào đâu. Câu chuyện này lạ lùng, khó có thể tin được do X kể. Trong nhà X chỉ có hai chị em. Khi cô chị là X tỏ ý đi cưới chồng, lập tức cô em khóc lóc, căm giận, gào thét: “Lúc bố mẹ chết, chị bảo chị ở suốt đời với em. Sao nay, chị lại bỏ em?’. Mỗi sáng thức dậy đã thấy cô em chuẩn bị từ bàn chải đánh răng đến khăn mặt. Cơm nước hàng ngày lo toan chu đáo. Chăm sóc chi li từng chút như mẹ lo cho con. Có những lúc cô đi công tác, tìm cách xa HN một thời gian, thời đó làm gì có di động, vậy mà vài ngày sau cô em vẫn tìm số điện thoại của khách sạn, gọi vào tận phòng than thở, khóc lóc. Chịu hết xiết, cô lại về.

Lúc ấy, chiêm bái chùa Bái Đính, ngạc nhiên biết hầu hết các vị lãnh đạo cao nhất nước đều có trồng cây lưu niệm tại đây. Ngày đó, chỉ mới có ngôi chùa lớn, cảnh quang chung quanh vẫn đang xây dựng dần. Phía tầng dưới cùng là nhà hàng cơm chay, đủ sức chứa cả ngàn người. Sạch sẽ. Thoáng mát. Nghĩ cũng lạ, đi chùa là lòng hướng về nẻo thiện, ấy mà khoái khẩu, hấp dẫn anh em nhà báo nhất vẫn là món dê núi Ninh Bình. Nghĩ lại còn thèm. Ngoài trời đang mưa rào rào. Lại chiều nay có hẹn với nhà văn Lê văn Nghĩa nữa. Sắp đến giờ rồi. Chẳng lẽ ngồi đây miêu tả món ngon đó hay sao? Chỉ nhớ, ở đó phổ biến câu vần vè, đại khái:

Rượu ngon cơm cháy thịt dê

Ninh Bình chào đón khách về thăm quan

Dạo chơi non nước Tràng An

Hạ Long trên cạn, đại ngàn Cúc Phương

Ninh Bình, trong lý lịch ghi rành rành “nguyên quán” nhưng hầu như ký ức của y không có một dấu vết gì. Từ đó suy luận ra, dù “quê cha đất tổ” nhưng không chôn nhau cắt rốn tại đó, không thường về thăm, không có mối ràng buộc thân thiết với các thành viên trong dòng tộc, không kỷ niệm tuổi thơ… thì trở về thăm quê cũng chẳng khác gì khách lạ chăng?

Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn rồi

Bạn chơi ngày nhỏ chả còn ai

Nền nhà nay dựng cơ quan mới

Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người!

Chế Lan Viên có thời gian sống tại Bình Định, vài chục năm sau quay về còn ngỡ ngàng đến thế. Huống gì, trong đời y chỉ về quê cha một hai lần, lúc ông chú còn sống. À, mấy đứa cháu, con của em ruột y sinh ra tại Úc, nói tiếng Anh như gió, chỉ bập bẹ vài ba tiếng Việt liệu chừng sau này nhớ về Đà Nẵng có cảm giác ngỡ ngàng ấy không? Trong khi đó, chắc chắn một điều anh em ruột y rất yêu Đà Nẵng. Yêu đến tận cùng máu thịt. Nhớ từng ngóc ngách, từng đường phố, từng kỷ niệm tuổi thơ, từng ngày níu vạt áo dài của mẹ đòi ẳm bồng ra chợ... Bao nhiêu là nhớ. Xiết bao là thương. Không thương không nhớ, làm sao mỗi lần “Về Đà Nẵng” có thể cảm nhận:

đi trên đường phố

mỗi viên gạch xanh rêu như gọi tên tôi

dưới gót giày

sao linh hồn tôi không nhập vào cây

kiên nhẫn đứng chào hai mùa mưa nắng?

sao tôi còn tồn tại nơi đây

không tan ra giữa muôn trùng im lặng?

sao tôi không hóa thành mây

bay phiêu lãng dưới vòm trời Đà Nẵng?

sao tôi không hóa thân làm cơn sóng

tan trong hư vô réo gọi bến sông Hàn?

tôi thầm mong từng đêm rét cóng

được hóa thành cây bạch đàn

run lên tiếng hát

những con phố ngày xưa đã khác

chẳng ai nhận ra tôi

sao em không còn đặt trên môi

những âm thanh Quốc ơi

tôi già nua mà phố xá bình minh như trẻ nhỏ

mơ hồ nghe trong gió

ai đó

gọi tên tôi

dưới gót giày

(1999)

Ngoài trời vẫn đang mưa. Vòm trời xám xịt. Sực nhớ ngày còn đi học, những lúc mưa đạp xe dọc theo sông Hàn. Hàng cây bạch đàn ngã nghiêng trong gió, từng vạt mưa che tầm nhìn, cay mắt, nghe tiếng sóng vỗ ì ầm vào ghềnh đá...  Những vết hắn năm tháng vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Thoáng gần thoáng xa. Y yêu Đà Nẵng - Quảng Nam đến độ báo Quảng Nam (số 17.6.2014) nhận xét: "Lê Minh Quốc được nhiều người gọi đùa là người Quảng Nam “chính hiệu”. Không biết có phải do anh là người con đất Quảng hay không, chỉ biết qua các trang viết về quê nhà, dễ nhận thấy một Lê Minh Quốc am hiểu sâu sắc về lịch sử vùng đất, văn hóa, ẩm thực xứ Quảng. Bản tính “Quảng Nam hay cãi” nhiều phen vận vào Lê Minh Quốc và chính anh cũng tự thú nhận: “Bản chất người Quảng vốn “ăn cục nói hòn”, “nghĩ sao nói vậy”, không giỏi mồm mép, không “mồm mép đỡ chân tay”; họ ghét những kẻ “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”! (http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/201406/chuyen-nha-bao-viet-van-497308/).

Mấy hôm nay, sách vở bê bối quá, muốn sắp xếp nhưng lười quá. Đưa tay lấy cuốn sách này đặt lại cho đúng vị trí, chỉ vừa nhìn cái tựa, à cũng hay, thế là đem luôn vào phòng ngủ. Đêm qua đọc Tùy tưởng lục (NXB Văn Nghệ TP.HCM -1992) của nhà văn Ba Kim. Ông này có thời gian lên voi xuống chó bởi “đại cách mạng văn hóa” suốt mười năm. Bước qua tuổi 80, ông muốn viết lại những gì mình đã suy nghĩ. Lúc cuối đời, một nhà văn lớn của Trung Quốc đã “chân thoại” (lời nói thật) thế nào? Há chẳng phải là điều hấp dẫn đó sao? Đọc tập này, thấy có mấy ý xuyên suốt:

- Con người ta chỉ nói thật, mới có thể sống được tử tế (tr.258).

- Lâu đài xây dựng trên cát thì không bền vững, quyền thế xây dựng trên những lời nói dối, nói khoác cũng không lâu dài được. Những người thích nghe và thích nói dối bị trừng phạt (tr.270).

- Lúc đầu tôi nghe người khác nói dối, tôi còn thấy không hài lòng, không chịu tỏ thái độ. Thế nhưng hết cuộc họp này đến các cuộc họp khác, họp mãi, họp mãi, cuối cùng tôi cảm thấy cần phải vứt bỏ cái gánh nặng “suy nghĩ độc lập” đi mới có thể “nhẹ bớt hành trang” mà tiến lên. Tôi cũng vô hình chung bị cải tạo mất rồi” (tr.254).

- Dùng hình thức họp hội nghị để mở rộng việc nói dối, không thể làm ai xấu thêm, mà chỉ mở rộng phạm vi nói suông, nói dối, khích lệ mọi người lừa bịp lẫn nhau” (tr.257).

Bàng bạc qua trang viết, nhà văn Ba Kim luôn tự nhủ: “tôi coi việc nói thật cũng là mục tiêu phấn đấu những năm cuối đời mình” (tr.267). Theo quan điểm của ông: “Cái gọi là nói thật, ở đây không phải là chân lý, cũng không phải là những lời nói chính xác. Tự mình nghĩ thế nào thì nói thế ấy, tức là nói thật” (tr.266). Quá hay, đáng để ngẫm nghĩ thêm.

Thử hỏi, nhà văn Việt Nam vào cuối đời có suy nghĩ gì khác?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment