LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.6.2014


Lịch sử một dân tộc là sự tiếp nối từng con người, từng thế hệ, từng triều đại, từng thời đại…Tuy nhiên, có những con người, những sự kiện quan trọng của lịch sử nhưng người cầm quyền đương thời bằng cách nọ bằng cách kia, bằng mọi cách giấu giếm, xuyên tạc, thủ tiêu vì không muốn thế hệ này, thế hệ sau biết đến.

Mấy hôm nay, đọc báo mới biết nhân tuần lễ "Biển đảo Việt Nam" (1.6 đến 8.6), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố 10 kỷ lục về biển đảo trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý và văn hóa - nghệ thuật:

1. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được đặt nhiều tên nhất (Hoàng Sa, Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa, Cát (Kát) Vàng, Cồn Vàng; người Bồ Đào Nha, Hà Lan đặt tên Hoàng Sa là Parcel, Pracel (có nghĩa là ám tiêu); người Anh đặt tên Trường Sa là Pratlys, người Pháp đặt tên Trường Sa là Spratleys... Và đặc biệt ghi chú rõ ràng Paracel là Cát Vàng (bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ, 1838 của Taberd; hoặc Kát Vàng, Cồn Vàng) v.v…

2. Hoàng Sa - Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam có không gian lớn nhất, dài nhất, rộng nhất, sâu nhất, xa nhất, có nhiều đảo đá nhất.

3. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được vẽ nhiều nhất trên tất cả các bản đồ cổ và hiện đại của Việt Nam và Quốc tế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã sưu tầm và đang lưu giữ hàng trăm bản đồ cổ ở các nước Phương Tây cũng như Việt Nam, Trung Hoa vẽ về Parcel, Pracel hay Paracel, Spratleys, Spartlys tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Với 50 bản đồ mô tả nước Việt Nam với thềm lục địa và Biển Đông ấn hành suốt từ 1525 đến 1886, chúng ta thấy dần dần sự hiểu biết của thế giới về đất nước Việt Nam ngày một chính xác, cả về hình thể, lẫn địa danh (trong đó, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa).

4. Lễ hội dân gian duy nhất có từ xa xưa mô tả những khó khăn, gian khổ nhưng rất oai hùng của những người lính Việt Nam canh giữ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Lễ hội Hoàng Sa được tổ chức tại Miếu Hoàng Sa ở làng An Vĩnh, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20.2 âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội nhằm ghi nhớ công lao của những người lính Việt Nam đã hy sinh thân mình để canh giữ biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đã được xác định cách đây hơn 500 năm (thời Hồng Đức - 1490).

Ngoài ra còn là các kỷ lục khác như cuốn sách Việt Nam quốc hiệu & cương vực - Hoàng Sa - Trường Sa (NXB Trẻ) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất của Tiến sĩ Nguyễn Nhã; đạo diễn Nguyễn Văn Lượng thực hiện nhiều phim tư liệu và phim truyện có nội dung về biển đảo Việt Nam nhất; bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến được cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn để các nhà thư pháp kỷ lục gia viết thành Bức lụa thư pháp có độ dài kỷ lục đang được trưng bày tại Nhà Truyền thống huyện đảo Trường Sa; thuyền trưởng - Nhạc sĩ Tôn Huy viết nhiều ca khúc về biển đảo nhất; ca khúc Tổ quốc gọi tên mình của Đinh Trung Cẩn (phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai) viết về biển đảo cùng một lúc được hai giải thưởng âm nhạc cao nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh.

10 kỷ lục này, có kỷ lục thuộc giá trị vĩnh cữu nhưng có cái chỉ nhất thời.

Nếu có một cái nhìn xuyên suốt, công tâm và tư duy khoa học lịch sử không thể bỏ sót tập sách Hoàng Sa - lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa do Việt Nam Cộng hòa - Bộ Dân vận và Chiêu hồi ấn hành ngày 20.3.1974. Sách dày 100 trang, khổ lớn, nhiều hình ảnh. Đây là tập sách đầu tiên của Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa ngay sau khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép với nhiều tài liệu, chứng cứ pháp lý; nhiều hình ảnh đồng bào mọi giới, kể cả người Việt gốc Hoa tại miền Nam, kiều bào hải ngoại đã tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc; miêu tả chi tiết trận hải chiến anh hùng bảo vệ Hoàng Sa của chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa… Sở dĩ, y có được tập sách này là do em Nghĩa Phạm (báo Duyên dáng Việt Nam) tặng cách đây khá lâu. Nhân đây, xin cám ơn. Những ngày này đọc lại và nhận thấy:

 

hoang-savNC-hoa--R

 

Cuộc hải chiến bắt đầu nổ ra từ "Ngày 15.1.1974, một chiếc ghe đánh cá Trung Cộng bất thần chở người đến đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, cắm cờ và dưng lều trên đảo" (tr.17); “Qua ngày 20.1.1974, các phi cơ Mig Trung Cộng xuất hiện và oanh tạc 3 đảo còn quân ta đóng giữ, các chiến hạm của ta phải phân tán về hướng Tây Nam. Một số chiến hạm Trung Cộng đến hải kích vào các đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền, Vĩnh Lạc. Sau đó, bộ binh Trung Cộng đổ bộ. Ta mất liên lạc với các toán quân trú phòng vào hồi 10g45” (tr.23).

“Tổn thất đôi bên được ghi nhận như sau:

* Việt Nam Cộng hòa:

Chiến hạm

1 chiến hạm bị hư hại toàn diện (Hộ tống hạm HQ -10).

1 hư hại nặng (Tuần dương hạm HQ -16).

2 chiếc khác bị hư hại nhẹ như (Khu trục hạm HQ-4 và Tuần dương hạm HQ-5).

Nhân mạng

18 tử thương, 43 bị thương, 116 mất tích trên các đảo Cam Tuyền,Vĩnh Lạc, Hoàng Sa và 59 người trên Hộ tống hạm HQ-10.

* Trung cộng:

Chiến hạm

1 chiến hạm loại Kronstadt bị cháy và chìm.

1 chiếc bị hủy hoại, ủi vào bờ sau đó.

2 tàu loại T43 hư lại nặng khó phục hồi được

Nhân mạng

Không được ghi nhận nhưng chắc chắn là rất nặng nề” (tr.24).

Trong tập sách này cho biết ca khúc trước nhất viết về Hoàng Sa là Bình minh trên đảo Hoàng Sa của nhạc sĩ Hoàng Bích. Ca khúc này được ấn hành theo giấy phép số 906 do Hội đồng Kiểm duyệt của Nha Thông tin Nam phần cấp ngày 17.6.1957. Căn cứ vào bút tích xin phép xuất bản, ta biết nhạc sĩ Hoàng Bích sáng tác vào ngày 7.5.1957 tại Hội An (Faifo).

Những ngày này, mẹ đã khỏe. Hy vọng trong tuần này có thể xuất viện. Mấy hôm nay, chỉ rượu đỏ. Chuẩn bị chia tay. Chuyến bay tối nay. Ngày cuối tuần trước, anh bạn đồng nghiệp đùa: “Có lẽ, anh là người “nhẫn” nhất trong cơ quan”. Câu nói như mỉa mai nửa đùa nửa thật, giật mình, chẳng hiểu ra làm sao. “Thì trên bàn làm việc của anh đó, tui chỉ thấy la liệt các tập thơ!”. Hehe, đúng quá, cứ dăm ngày nửa tháng y lại nhận được vài tập thơ gửi tặng, vừa vô danh lẫn hữu danh. "Thời buổi này, anh còn đọc thơ được thì không “nhẫn” là gì?”.

Chà, chuyện vặt. "Nhẫn" phải là "gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân Nam vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói"  vậy mà... Vậy mà thế nào? Là có võ tướng vẫn du dương diễn văn êm đềm hoa mộng, êm ái xuân tình, êm dịu hữu hảo còn hơn cả đang đọc thơ tình!


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment