Trong một trang tùy bút tài hoa, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một câu mà tôi còn nhớ, đại khái, ông không thể tưởng tượng được, nếu một sớm mai thức dậy ở Huế, lại thấy dòng sông Hương biến mất. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi cũng có thể nói rằng, tôi không thể tượng tượng nổi, nếu ngày kia lật lại trang viết của nhà văn Đoàn Thạch Biền mà nhân vật không còn xưng hô “ông” và “em” nữa.
Đó “đặc sản” của văn xuôi Đoàn Thạch Biền.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền qua nét vẽ họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Còn thơ?
Nhà văn Đoàn Thạch Biền làm nhiều thể loại thơ. Đủ sức in một tập ra tấm ra miếng. Nhưng đến nay vẫn chưa. Là người em thua anh đúng một con giáp, là người bạn cùng khề khà đối ẩm chừng ba mươi năm nên tôi được đọc khá nhiều thơ anh. Hay nhất vẫn là thơ năm chữ. Loại ngũ ngôn, thoạt đầu tưởng dễ, nhưng tìm chỉ năm chữ đắc địa đứng chung một câu là điều không dễ. Mỗi bài thơ năm chữ của anh đều gọn gàng một tứ thơ. Chỉnh chu. Và Đẹp. Đẹp bởi chi tiết thô ráp của đời sống. Thêm một giọt nữa là thừa. Thiếu một giọt nữa là thiếu. Rót rượu như thế, nhà văn Nguyễn Tuân dùng cụm từ bay bướm “bồng mắt thỏ”, phải là những tay danh tửu hảo hán. Đọc chùm thơ này của nhà văn Đoàn Thạch Biền, tôi liên tưởng đến điều đó dẫu vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khễnh.
Chẳng hề gì.
L.M.Q
XI.2012
GỬI CÁC CHÚ DÔNG Ở PHAN RÍ
(Tặng Sơn, Thạch, Nghĩa, Võ)
Năm năm ở Phan Rí
Ta là kẻ không nhà
Cám ơn các chú dông
Giúp ta quên đường xa.
Bạn bè quanh bữa nhậu
Rượu uống chay nhạt phèo
Nếu vắng mặt các chú
Lòng ta cũng buồn theo.
Xưa ở nơi động cát
Các chú giỡn mặt trời
Còn ta nơi quán trọ
Cũng giỡn bóng mình chơi.
Nay chiến tranh đã dứt
Bị đuổi ra khỏi hang
Các chú chạy quanh quẩn
Còn ta đi lang bang.
Gặp nhau ngày mưa lạnh
Tình thân vẫn đậm đà
Các chú tuy không nói
Nhưng chắc hiểu bụng ta.
Cùng một thân ốm nhách
Giữa đời to lớn này
Ta cũng như các chú
Chỉ là chút mồi cay.
Năm năm ở Phan Rí
Tưởng như đây là nhà
Giờ đành phải ly biệt
Lòng ta cũng xót xa.
Hẹn mai sau gặp lại
Động cát phơi xương tàn
Ta ở cùng các chú
Hớp những giọt sương tan.
1976
NGỒI QUÁN
(Tặng Vũ Hữu Định)
Đã bao lần ngồi quán
Đâu phải riêng chiều nay
Vậy mà bạn cụng nhẹ
Một ly ta đã say.
Hả hê bạn cười lớn
Chê ta chỉ phá mồi
Đời đâu nhiều đồ nhắm
Nên tập nhậu chay thôi.
- Còn rượu không chủ quán
- Dạ thưa còn hũ đầy
Nhẩm tính tiền túi hết
Bạn giả đò nói say.
Nghĩ mình đang lúc rách
Đành chịu thua người xưa
Không có áo cừu bán
Đãi bạn uống cho bưa.
Rượu nhiều khi cũng lạ
Đổi thay theo lòng người
Không hứng làm mười xị
Mặt vẫn như đười ươi.
Mấy khi cơn vui bốc
Một ly cho tình nồng
Mai sau gặp uống đã
Nhưng biết cười nổi không?
Chiều trên mái tôn thấp
Lả lả bóng tối về
Ta theo bạn rời quán
Nghe trong lòng tê tê…
Đà Nẵng 1976.
MƯA TRÊN BẮC CẦN THƠ
Nép mình vào góc bắc
Tránh cơn mưa vỡ oà
Mưa trắng bờ. Sông rộng
Như lòng người chia xa.
Vuốt mặt dính đầy gió
Phủi cho chút lạnh bay
Sông không dâng đầy mắt
Sao ướt mèm đôi tay?
Mưa như em tàn bạo
Quất trí nhớ một người
Sông Hậu ngầu mắt đỏ
Ngóng bờ xanh xa xôi.
Mưa nhoè chiều chủ nhật
Qua sông. Thứ hai rồi
Ở vòm trời sáng đó
Mưa cũng vừa quên tôi.
1995
THÁNG 7, VỀ ĐÀ NẴNG
Tôi về không kịp nữa
Mùa hạ vừa qua rồi
Sân trường xanh lá phượng
Không hoa. Chỉ gió thôi.
Tôi về không kịp nữa
Tuổi trẻ bỏ đi rồi
Phiến đá hiên nhà cũ
Cũng lạ lẫm chân tôi.
Tôi về không kịp nữa
Chuyến phà đã giữa dòng
Tôi làm sao níu được
Tìm chỗ nào qua sông ?
Tôi về… hình như sớm
Mùa thu đâm hững hờ
Và mắt ai cũng vậy
Cố cười lên, tôi ơi!
1996
HUẾ CỦA MỘT NGƯỜI
Đã nhiều lần đến Huế
Vẫn lạ như lần đầu
Sông Hương lơ đãng chảy
Nắng tím vướng chân cầu.
Đi dưới tàng cây muối
Không thấy hoa trên cành
Mai này trong trang viết
Muối xanh màu lá xanh.
Ngồi đò nghe ca Huế
Cứ tưởng như nghe đài
Lim dim mơ o nớ
Mưa tóc dài qua vai.
Ăn vài ly chè hẻm
Ngọt lịm quên đường về
Cũng may quán bún Mệ
Ớt cay như câu thề.
Tịnh Tâm sen tàn hết
Lẩn khuất hương cỏ bay
Vẫn chưa hiểu Huế được
Sao lựa lời chia tay?
2000
D.T.B
< Lùi | Tiếp theo > |
---|