LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.5.2014

 

anh-Hadinh-nguyen

Nhà báo Hà Đình Nguyên chụp tại Bảo tàng Quang Trung ở Quy Nhơn (16.5.2014)

 

Cuộc chiến chống Trung Quốc đang đến hồi quyết liệt. Trên các trang mạng xã hội đã có nhiều hình ảnh, ý kiến phát biểu sôi nổi. Điều âu lo nhất vẫn là các cuộc biểu tình có tính chất bạo động, hôi của của công nhân tại khu chế xuất các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… Theo tường thuật từ TNO sáng nay: “Kẻ xấu dụ dỗ, trả tiền cho công nhân đi tuần hành gây rối…”; “Đáng chú ý, chúng còn thuê cả đối tượng đầu gấu xăm trổ đầy mình đi biểu tình với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có tổ chức. Hầu hết được xác định không phải là công nhân ở các nhà máy. Ngoài photo bản đồ các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, các đối tượng này còn sử dụng xe máy và bộ đàm liên lạc. Đồ nghề mang theo còn có dao, kiếm và bom xăng để đốt công ty.Ở Bình Dương hiện đã bắt trên 800 người và phân loại trên 300 người có thể bị khởi tố. Tại KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) có 2 nhóm công nhân xô xát, có 1 người chết và 149 người bị thương. Ngày 15.5, Cơ quan cảnh sát điều tra Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án và tạm giam 76 người. Trong sáng nay, tuần hành đã lan ra các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang”.

Ai đứng sau giật dây, kích động? Vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Nhà nước. Dù là ai, tổ chức nào đi nữa, người lương thiện vẫn không thể chấp nhận. Đánh nhau với Trung Quốc, người Việt chân chính không thể hiện thói lưu manh, hạ sách ấy. Lòng nhân của người Việt lớn lắm. Đừng quên, sau mười năm năm gai nếm mật đánh bọn nhà Minh, khi chúng thua trận, bị đánh tan tác không còn manh giáp phải cút về nước: “Bấy giờ có người xui vương (Lê Lợi) rằng: lúc trước người Minh tàn ác lắm, nên đem giết cả đi. Vương nói rằng: “Phục thù báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng cái bản tâm người có nhân không muốn giết người bao giờ. Vả người ta đã hàng mà lại còn giết thì không hay. Nếu mình muốn thỏa cơn giận một lúc, mà chịu cái tiếng muôn đời giết kẻ hàng, thì sao bằng để cho muôn vạn con người sống mà khỏi được cái mối tranh chiến về đời sau, lại để tiếng thơm lưu truyền thiên cổ trong sử xanh”. Vương không giết người Minh lại cấp cho thủy quân 500 chiếc thuyền giao cho Phương Chính và Mã Kỳ quản-lĩnh; cấp lương-thảo cho lục-quân giao cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc quản lĩnh; còn 2 vạn người đã ra hàng và đã bị bắt thì giao cho Mã Anh quản-lĩnh đem về Tàu. Vương Thông thì lĩnh bộ binh đi sau. Bình định vương tiễn biệt rất hậu ( Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược). Khi Toa Đô bị chém đầu, vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự bào đắp vào đầu Toa Đô, sai quan dùng lễ mai táng cho tử tế v.v…

Chống bành trướng Trung Quốc hàng ngàn năm nay dân tộc Đại Việt đã chống và đã chiến thắng. Thắng bởi có chính nghĩa. Ngay cả thi hào Đỗ Phủ cũng phê phán nhà cầm quyền Trung Quốc:

Vua đã nhiều đất đai

Mở cõi chi lắm thế?

Biên đình máu chảy thành biển đỏ

Mở cõi nhà vua chưa ý bỏ

Mấy hôm nay suy nghĩ với một câu hỏi, đã trao đổi với vài tiến sĩ sử học, nhà nghiên cứu biển Đông nhưng vẫn chưa hài lòng, đại khái: Tạo nên sức mạnh của một dân tộc, không thể tách rời nội lực văn hoá của dân tộc đó. Trung Quốc là một nước đã xây dựng được nền văn hoá - một trong những nền văn hóa lớn của nhân loại, thế nhưng tại sao từ ngàn năm qua họ luôn có âm mưu bành trướng, thôn tính các nước khác? Lúc sang Kampuchia, đã nghĩ: Tại sao đất nước Chùa Tháp rất mộ đạo,đi đến đâu cũng thấy chùa chiền, sư sãi nhưng tại sao lại sinh ra những tên đồ tể khát máu như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary? Trái khoáy quá. Giải thích ra làm sao?

Cuộc chiến với Trung Quốc còn dài. Đời con cháu chúng ta lại tiếp tục. Dã tâm của Minh Thành Tổ vẫn như mới hôm qua: “Một khi vào nước Nam, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại sách ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ…, một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp nơi trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng lên từ xưa thì phải giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ cũng chớ để lại”. Âm mưu đồng hóa về văn hóa của Trung Quốc đã thất bại. Chắc chắn còn thất bại.

Ngàn đời nay, tính cách của dân tộc Việt cũng kỳ lạ: Khi hòa bình, đất nước sạch bóng quân thù thì nội bộ lại cấu xé nhau, hãm hại nhau, chia rẽ nhau, nghi kỵ nhau... Thế nhưng khi đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi một người lại tự giác tạm gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung. Giai đoạn khốc liệt nhất của sự nghi kỵ, ly tán nhân tâm, chia rẽ nội bộ của dân tộc Việt là thời kỳ nào? Cuối đời nhà Hồ chăng? Mùa hạ năm 1399, sau vụ Trần Khát Chân thất bại trong âm mưu giết Hồ Quý Ly, theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu, không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ, thì phải báo nhà láng giềng, cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lý, lý do đi qua để làm chứng cứ bảo lĩnh. Các xã đều đặt điểm tuần, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa”.

Thế nhưng sau khi đất nước mất vào tay nhà Minh, lòng dân thế nào? Tất cả lại trở thành một khối. Đồng lòng dứng dưới ngọn cờ Bình Định vương Lê Lợi. Nhưng sau khi đánh đuổi ngoại xâm, nội bộ triều Lê thế nào? Sử đã chép. Không nhắc lại. Chỉ biết rằng, chắc chắn đó là hạn chế của người Việt. Đọc thơ chống Trung Quốc xâm lược, há nào lại thể quên lời tự thú của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu:

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh

(Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng

Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa).

Mấy câu thơ này đã khái quát nỗi sợ hãi của Trung Quốc khi xâm lược nước Đại Việt. Có điều, lòng yêu nước, sức chiến đấu của một dân tộc không thể không bồi dưỡng, giáo dục từ đời này qua đời nọ. Nếu không, sử đã cho biết, đời nhà Trần oanh liệt là thế, lòng dân oai hùng là thế, đoàn kết là thế nhưng cuối nhà Trần từ vua đến dân lại ươn hèn tột cùng. Ngay cả dân tộc phía Nam từng triều cống cũng dám đem quân áp sát kinh thành Thăng Long. Cả nước rúng động. Lúc vua tiễn tiễn tướng ra trận lại bịn rịn khóc lóc như tiễn Kinh Kha sang Tần: “Khát Chân vâng mệnh, khảng khái nhỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Thượng hoàng cũng khóc, lấy mắt tiễn đưa”. Sự yếu hèn của cả dân tộc cuối đời nhà Trần là do đâu? Vì sao?

Trước đây khi viết truyện tranh lịch sử cho Đông A, đã đọc kỹ lại Đại Việt sử ký toàn thư và vài sử liệu khác, có vài ghi chép liên quan đến âm mưu chiếm đất của Trung Quốc. Nay ghi lại vài gạch đầu dòng từ năm 938 - năm anh hùng Ngô Quyền đánh thắng thắng quân Nam Hán trên Bạch Đằng đến năm 1945 - như một gợi ý cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn.

Năm 1060: Quân Tống lấn đất nhưng không được.

Năm 1078: Vua nhà Lý sai Đào Tống Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi trắng và xin trả lại 2 châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và dân hai châu ấy bị bắt.

Năm 1081: Nhà Tống trả lại ta châu Quảng Nguyên; bù lại, ta trả nhà Tống dân và binh lính bị bắt ở ba châu Ung, Khâm, Liêm. Người Tống có thơ: “Vì tham voi Giao Chỉ / Bõ mất vàng Quảng Nguyên).

Năm 1084: Lê Văn Thịnh đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác.

Năm 1405: Nhà Minh sai sứ sang đòi cắt đất Lộc Châu ở Lạng Sơn. Hoàng Hối Khanh đem 59 thôn giao cho nhà Minh, sau bị Hồ Quý Ly mắng thậm tệ vì giao quá nhiều đất.

Năm 1688: Thổ ti nhà Thanh vùng Vân Nam chiếm các động thuộc ba châu Vị Xuyên, Bảo lạc, Thủy Vĩ và đặt tuần ty thu thuế buôn bán.

Năm 1689: Đoàn Tuấn Khoa đi “hội khám” biên giới đòi lại đất. Sau nhà Thanh lại tìm cách lấn đất. Năm 1697: Nguyễn Đăng Đạo, Đặng Đình Tướng… đem quốc thư đòi nhà Thanh trả 3 động ở Tuyên Quang nhưng không được.

1726: Đinh An cùng “hội khám” với sứ nhà Thanh xác lập giới mốc ở núi Xưởng Chi; nhà Thanh phải trả lại 80 dặm đất xâm lấn nhưng vẫn không trả lại vùng mỏ đồng.

1728: Sau nhiều lần tranh luận, nhà Thanh trả vua Lê mỏ đồng Tụ Long. Nguyễn Huy Nhận và Nguyễn Công Thái đi dựng bia mốc biên giới.

Năm 1777: Nhà Thanh lại chiếm thêm 4 châu của ta, Trịnh Sâm viết thư đòi lại.

Năm 1804: Nhà Thanh lấn biên giới  vùng Hưng Hóa, bị châu trưởng Đào Quốc Uy đánh tan.

Năm 1894: Triều đình Mãn Thanh thỏa thuận với Pháp vạch đường biên giới Việt-Trung.

Bây giờ, chúng ta lại viết tiếp:

Ngày 19.1.1974: Hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc. Sau trận chiến, quần đảo Hoàng Sa - một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ.

Ngày 1.5.2014: Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Rồi sẽ viết thêm những gì nữa?

Mấy hôm nay, chấm thi cho Hội thi Bình thơ học Bác do Quận ủy Q.1 tổ chức. Cả thẩy có 33 đội tham dự. Chỉ nghe ngâm thơ, bình thơ. Bài thơ Lời mẹ dặn của y, nhạc sĩ Hoàng Tuyên - Chi Hội Âm Nhạc - Hội VHNT Long An đã phổ nhạc. Anh đang tập cho các bạn thanh niên hát để có thể đồng ca khi tuần hành biểu thị lòng yêu nước. Sáng nay, đọc tin này vui từ báo TT, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ra tận Trường Sa: “Đại tá Nguyễn Hải Triều - đại diện Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam - đã tiếp nhận số sách trên và cho biết sẽ chuyển đến các em thiếu nhi đang sinh sống ở Trường Sa, bổ sung vào số sách của các nhà văn hóa, thư viện tại huyện đảo Trường Sa”. Như đã nói ở Nhật ký 14.5.2014, mỗi người đều có cách biểu thị lòng yêu nước. Hà cớ gì phải buộc họ phải giống mình? Nếu không làm theo thì bảo không yêu nước?

Chiều qua, lai rai với nàng ở Refinery. Rượu đỏ. Ngắm nắng chiều. Chiều nay, sinh nhật anh B. Cũng lai rai ở quán nọ trên sân thượng. Lại thêm đám cưới của con gái bạn thơ T.N.H; cùng thời gian đó, lại có lời mời của Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM đến Nhà hát lớn tham dự chương trình thơ chống Trung Quốc. Biết thế nào được. Thôi thì, tha hồ bia bọt nhé.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment