Lời thưa
"Lấy lịch sử làm đề tài văn học, là cách tác giả Lê Minh Quốc làm đã lâu nay. Anh đã viết Nguyễn Thái Học; tướng quân Hoàng Hoa Thám; Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại và hàng trăm truyện tình danh nhân khác. Mới đây, Lê Minh Quốc lại có Chiến tướng Tôn Thất Thuyết (tủ sách Danh nhân lịch sử Việt Nam – NXB Kim Đồng 2003).
Chuyện mở ra vào một đêm mưa “sấm sét đùng đùng” và cũng kết trong một đêm mưa như thế. Ở những trang đầu và những trang cuối, câu văn “Tưởng như thác lũ xé toạc mây đen mà trút nước xuống cõi trần” được lặp lại có dụng ý nghệ thuật, tạo một đệp ngữ lưu ý bạn đọc về kết cấu đầu cuối tương ứng của truyện.
Bản thân kết cấu này đã sắp xếp toàn bộ diễn biến truyện vào một hình tượng chung, thể hiện sự bế tắc của một thời kỳ lịch sử đau thương, một đêm đen lịch sử, thời Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam mà cuốn sách dùng làm bối cảnh. Bế tắc đến mức nhân vật chính của truyện, chiến tướng thượng thư Bộ binh triều Nguyễn - Tôn Thất Thuyết, vào hồi kết chỉ còn biết “cầm gươm chém đá cho hả giận” chém tóe lửa để rồi… cây trường kiếm một thước thành con dao cùn dăm phân (tr.200). Đường gươm cùng cực ấy vừa sáng lên như là bộc phát tất yếu của bầu không khí bi hùng được nén chặt trong suốt diễn biến truyện, lại vừa cùn đi thành một biểu tượng bi hài của chính bầu không khí ấy.
Bi hài và bi hùng luôn đan xen và trải đều trong cả 13 chương của cuốn sách. Bi hài như vua Tự Đức hay thơ hơn giỏi việc nước, một ông vua “nói giữa thanh thiên bạch nhật mà các thượng quan cứ tưởng ngài đang ú ớ trong cơn mê” (tr.40); bi hài như cuộc thử lửa dành cho “Việt Nam quốc vương chi ấn”, biến con dấu quyền lực một vương triều thành “một cục đen xì” không ra vàng không ra bạc, trị giá 240 đồng Mễ Tây Cơ…
Và bi hùng như cách giữ tiết hạnh của bà mẹ anh hùng thân mẫu ông Nguyễn Cao, bố chánh Thái Nguyên (một tướng giỏi đã giải vây, cứu thoát Tôn Thất Thuyết trong trận tiễu phỉ ở biên giới phía Bắc). Bà dám “vạch áo dùng dao cắt phăng bên nhũ hoa bị lý trưởng làm nhục và ném thẳng vào mặt y” (tr.70). Noi gương mẹ, Nguyễn Cao cũng thể hiện lòng yêu nước bằng cách tự mổ bụng mình, và dõng dạc trước kẻ thù: “Ruột của tôi đây! Các người xem có đoạn nào là bất trung” (tr.191).
Chất hài, chất hùng va đập mạnh từ chương VII tới chương X kết thành cao trào cho cuốn sách. Đấy là những chương hay nhất, tiết tấu dồn dập, các phe phái đều có mặt, chủ chiến, chủ hòa, ta và Tây. Có cả những nét tính cách sắc sảo của vai trung (Tôn Thất Thuyết), vai nịnh (Tường) và một toàn cảnh chiến trận với 1.500 người chết dẫn đến việc kinh thành thất thủ. Đó là một toàn cảnh máu lửa rất cần cho một truyện lịch sử mà nhân vật chính là một võ tướng.
Lê Minh Quốc không xây dựng một nhân vật hư cấu nào trong truyện danh nhân này, dù đó là quyền của người viết truyện. Và vì vậy, xét về thể loại văn học, Chiến tướng Tôn Thất Thuyết có dáng vẻ ký sự hơn một tiểu thuyết, Lê Minh Quốc không lạm dụng quyền hư cấu để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Anh không nhào nặn, tô hồn hoặc bôi đen quá khứ, chỉ cẩn trọng làm sống lại một thời xưa".
Viễn Chi
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM số 10.9.2003)
*Lê Minh Quốc với “Chiến tướng Tôn Thất Thuyết”
"(SGGP) Bên cạnh bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam đã ra khoảng 20 tập với trên 100 chân dung (được Bộ Giáo dục – Đào tạo chọn đưa vào danh mục sách tham khảo trong nhà trường), nhà văn Lê Minh Quốc còn đeo đuổi thực hiện một bộ tiểu thuyết lịch sử mà Chiến tướng Tôn Thất Thuyết là cuốn mới nhất (NXB Kim Đồng - 2003), sau những Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại, Tướng quân Hoàng Hoa Thám. Lê Minh Quốc cho biết, sở dĩ lần này anh chọn viết về Tôn Thất Thuyết bởi vì lâu nay giới sử học đánh giá rất khác nhau về vai trò của Tôn Thất Thuyết trong phong trào khởi nghĩa Cần Vương. Do đó anh muốn tái hiện Tôn Thất Thuyết một cách toàn diện theo dạng biên niên để có thể hình dung và khắc họa chân dung một chiến tướng yêu nước, vốn là linh hồn của phong trào Cần Vương. Đây là tác phẩm nằm trong Tủ sách danh nhân lịch sử Việt Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng".
V.C.N
(nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng số 28.9.2003)Lê Minh Quốc - NGUYỄN THÁI HỌC
Lời thưa,
Có những người, dù chưa một lần gặp mặt, chưa một lần được thọ giáo nhưng trong thâm tâm bao giờ tôi cũng nghĩ đó là thầy của mình. Một trong rất nhiều người như thế đối với tôi là nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Nhân đọc tập Hồi ký của ông, dày hàng ngàn trang, nhưng chỉ có dăm dòng của ông đã thay đổi cả cách sống, cách viết của tôi. Ông viết rằng, đại khái, khi muốn tìm hiểu một vấn đề gì thì cách tốt nhất ta viết một cuốn sách về vấn đề đó.
(Bản in lần 1 NXB Văn Học - 1995)
Bản in của NXB Văn Học
Lời nói đầu
Mỗi chúng ta, hôm qua và hôm nay, trong những trăn trở buồn lo, trong những lúc mãn nguyện cũng như khi thất bại, đều nuôi trong tâm tưởng mình một điều gì đấy cao đẹp, thiêng liêng về một hình ảnh hữu hình hay vô hình nào đó, đôi khi như một huyền thoại lại đôi khi rất cụ thể sống động để mà vươn tới. Có thể đấy là hình ảnh một Trần Hưng Đạo trí dũng song toàn, một Tư Mã Thiên nhẫn nhục và trác việt, một Nguyễn Trãi tài năng và hiền đức, một Nguyễn Du, một Victor Hugo làm rạng rỡ nền văn học nhân loại, một Lý Thường Kiệt và một Quang Trung đầy chất hào khí phương Đông.
Lê Minh Quốc
BẠCH THÁI BƯỞI
người dám sống
NXB TRẺ
2007
TÔI VIẾT BẠCH THÁI BƯỞI NHƯ THẾ NÀO?
Cuộc đời và sự nghiệp của những nhân vật lừng lẫy trong lịch sử nước nhà, với tôi, họ luôn có một “ma lực” hấp dẫn. Họ đã sống trọn vẹn một cuộc đời mà đôi lúc, lúc bình tâm nhất, tôi tự hỏi: Tại sao họ đã sống những năm tháng nhiều biến động dữ dội đến như vậy? Cuộc đời của họ không lặng lẽ trôi qua với những ước mơ bình dị của hầu hết chúng ta từng mơ ước. Chẳng hạn, có đồng lương ổn định, có vợ đẹp con ngoan, có công việc nhàn nhã “sáng vác ô đi, tối vác về”... Mà họ muốn lao vào sóng gió để khẳng định bản lĩnh, thực hiện khát vọng biết “sống vì mình, sống vì người” dẫu biết có lúc tang gia bại sản hoặc thịt nát xương tan dưới đòn roi của kẻ thù...
Đó là số phận chăng?