LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.6.2014

 

18468849

Hồn Trương Ba, da hàng thịt - tuyển kịch của Lưu Quang Vũ

 

Đêm qua, đã sân bay. Đã đèn khuya một bóng. Quay về nhà. Đã khuya. Một cảm giác trống rỗng. Buồn vui không rõ rệt. Sáng nay, qua tòa soạn báo TT cà phê lai rai nhân có cuộc hẹn với các anh Nguyễn Đông Thức, Lưu Đình Triều, Dương Thành Truyền, Nguyễn Hữu Vang, Lê Văn Nghĩa. Ngồi trò chuyện linh tinh lang tang, sực nhớ lại mấy thông tin thú vị. Sẽ viết cái gì đó nhân TT tròn 40 năm. Nhanh ơi là nhanh.

Chiều nay, qua nhà in Lê Quang Lộc - trụ sở của báo TT ngày trước, mấy chục năm trước y chân ướt chân ráo bước đến và bắt đầu đi vào nghề làm báo. Vẫn không gian ngày nọ nhưng đã khác nhiều. Máy in chạy ầm ầm. Không gặp ai quen. Đến xem trước bản in thử bìa Sài Gòn mùa trứng rụng. Nhìn qua, xem lại nhiều lần bản in thử, rồi chỉnh sửa màu và cuối cùng gật đầu đồng ý. Chiều nay, có một trận mưa thật lớn. Đất trời mát mẻ. Dễ chịu. Cứ mưa đi.

Lúc sáng rời khỏi TT, vào cơ quan. Tranh thủ lướt qua những tờ báo mới. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2014 đã bắt đầu. Đề thi Sử năm nay, thoạt đọc qua đã thấy quá mệt. Ấy là nêu nội dung cơ bản trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng vào năm 1930; phân tích nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); trình bày những nguyên tắc hoạt động của Liên hiệp quốc… Với đề thi này, cỡ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân muốn viết “ra môn ra khoai”, nếu không tham khảo tài liệu, đố mà viết nổi. Đi thi, gặp phải đề thi này, chắc chắn y rớt ạch đụi ngay từ lúc chép đề.

Tại sao môn Sử ngày càng ít thí sinh chọn? Thiên hạ phân tích nát nước rồi, chẳng nhắc lại làm gì. Chỉ biết tại Hội đồng thi Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) em Phạm Khánh Linh là thí sinh duy nhất dự thi môn Sử; hội đồng thi Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), chỉ có một thí sinh dự thi môn Sử, đó là Đoàn Thị Nga; hội đồng thi Nha Trang đặt ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Khánh Hòa, thi môn Sử cũng chỉ có một thí sinh Lê Đình Đức v.v… Đọc thông tin của TT, nghe cứ như đùa, các thí sinh duy nhất ấy như Phạm Khánh Linh “được 18 người phục vụ trong quá trình làm bài thi lịch sử, gồm 1 chủ tịch hội đồng, 2 phó chủ tịch hội đồng, 2 thư ký, 3 giám thị và 10 người phục vụ, công an lẫn bảo vệ”!

Lẩn thẩn nghĩ rằng, đoạn văn Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước của tác giả Nguyễn Thế Hanh  (in báo Giáo dục và Thời đại số ra ngày 15/5/2014) thay vì làm đề thi môn Văn, chuyển qua môn Sử thì hợp lý hơn. Đoạn văn này đề cập đến thời sự biển Đông khi vào những ngày đầu tháng 5/2014, Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan HD 981 vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chọn làm đề thi môn Sử, không dừng ở "nêu ý chính", "xác định phong cách ngôn ngữ", "viết đoạn ngắn bày tỏ thái độ" mà yêu cầu các em liên tưởng thời sự, trình bày truyền thống yêu nước của dân tộc Việt thì rõ ràng đề thi có sức gợi mở, khái quát hơn. Do nó được chọn làm đề thi Văn nên không phải ngẫu nhiên, báo TN cho rằng: “Sự thay đổi trong cách ra đề thi môn ngữ văn như thế này - bám quá sát vào thời sự xã hội - có khiến môn văn giảm dần ý nghĩa của “cái đẹp” đặc thù của văn chương? Môn văn có vô tình trở thành sự “tích hợp” của nhiều môn khác như lịch sử, địa lý, chính trị, giáo dục công dân cộng lại?”. Hôm nào nhàn rỗi, đọc lại tập Văn sách  thi Đình Thăng Long - Hà Nội (NXB Hà Nội - 2010) bao gồm các đề thi và bài làm của các Tiến sĩ từ năm 1442 đến năm 1892 để xem ông cha mình ra đề thi thế nào? Đề thi sớm nhất còn lưu giữ được toàn văn như sau:

"Trẫm nghĩ:

Trị nước ắt lấy người tài giỏi làm gốc. Vào đời Đường, Ngu nhân tài thịnh vượng, nhưng bề tôi được ban mệnh, ngoài Tứ nhạc, Cửu quan, Thập nhị mục, không nghe thấy ai khác, sao nhân tài khó được vậy? Với sự sáng suốt biết người của Đế Nghiêu mà trong triều còn có Tứ hung, sao tiểu nhân khó biết vậy? Cái hại của hồng thủy, nước dâng ôm núi tràn gò, dân thời bấy giờ chịu hại không ít. Việc trị thủy của Cổn kéo dài đến 9 năm thì làm dân lại biết là bao, sao không sớm trừ bỏ tiểu nhân vậy?

Đến nhà Chu, Kinh thi khen là "Cát sĩ đông đúc, Văn vương nhờ thế được yên". Cho nên thời Vũ vương chỉ khen mười bề tôi dẹp loạn. Nói rằng: "Nhân tài khó được" há chẳng như vậy sao? Bọn Quản, Sái phao tin, Chu công phải "lang bạt", vương thất tưởng chừng nguy ngập, sao bọn tiểu nhân gian hiểm không đời nào không có?"

Đức Thái Tổ Cao hoàng đế ta được thiên hạ nhiều lần ban chiếu cầu hiến, rút cục không một người ứng tuyển. Bọn Hản, Xảo ngầm chứa lòng gian. Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, gắng gỏi một lòng cầu trị nhưng hiệu quả được ngươi mịt mờ như nhìn ra bể. Bọn Ngân, Sát ôm gian trích ác. Sao quân tử khó được, tiểu nhân khó biết thế?

Các sĩ tử hãy hết lòng đối đáp, trẫm sẽ đích thân xem xét".

Nhân đây giải thích, Đức Thái Tổ Cao hoàng đế: Lê Lợi; Hản, Xảo: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo; Ngân, Sát: Lê Ngân, Lê Sát. Người ra đề thi là vua Lê Thái Tông vào năm 1442, người đậu Tiến sĩ là Nguyễn Trực (1417-1474). Kỳ thi Phổ thông trung học năm nay, có lẽ, đáng khen đề thi môn Văn, phần Làm văn “Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba trong đoạn trích vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: con người cần được sống là chính mình”.  Đoạn trích đó như sau:

“Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!

Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!

Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.

Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì của ông đâu!

Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”.

Có một điều lạ, có những vở kịch khi đọc trên văn bản cảm thấy gượng gạo, rất chán, khó có thể đọc hết nổi. Thế nhưng kịch Lưu Quang Vũ lại khác, có thể đọc say mê đến trang chót vẫn còn thèm thuồng. Sau  Liên hoan các tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ nhân 25 năm ngày mất của anh, cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam có liên hoan kịch dành riêng cho một tác giả - gia đình anh, cụ thể Lưu Khánh Thơ đã in tuyển kịch của anh mình gồm các vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân Công chúa, Tôi và chúng ta, Điều không thể mất. Tuyển này lấy Hồn Trương Ba, da hàng thịt (NXB Hội Nhà văn - 2013) làm tựa chung, bìa 4 có trích phát biểu của Lưu Quang Vũ: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi. Đều là hai thể loại lớn và khó của văn học, thơ và kịch đều là sự sống và thế giới bên trong của con người ở dạng tinh chất, cô đọng và mãnh liệt nhất. Đối với tôi, kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên”.

Sáng nay, đọc đề thi môn Văn. Đọc xong, tự nhiên nhớ đến L.K.T. Lần đầu tiên gặp là tháng 4.1994, lúc đó T có đang có bầu bé Tún, vậy mà nay cháu đã lập gia đình. Trò chuyện lúc ấy, tất nhiên, gọi “chị” xưng “em” ngọt xớt. Qua câu chuyện mới biết, thời mới giải phóng khi vào Sài Gòn, Lưu Quang Vũ thân với nhà văn Đoàn Thạch Biền lắm.

Trời đã tạnh mưa. Vào thăm mẹ một chút. Lại những bữa ăn chiều một mình.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment