NGÔI SAO XANH
Trong nhà xanh ngôi sao xanh
Trắng thơm sữa mẹ ngọt lành yêu thương
Ngôi sao yên ấm trên giường
Đôi lúc trở chứng… ểnh ương… uềnh oàng
Bé xíu mà khóc oang oang
Ba mẹ vội vã, nhẹ nhàng nâng niu
Ẵm bồng nhẫn nại chắt chiu
Cùng chung hơi thở thương yêu vô ngần
Nay, xuân xanh biếc đã xuân
Ngày xuân, xuân lại quây quần có nhau
Ngôi sao xanh rất nhiệm màu
Bi bô cười nói ngọt ngào reo vang
Vàng mai rực thắm mai vàng
Líu lo se sẻ, rộn ràng vành khuyên
Ngôi sao xanh nhé, hồn nhiên
Tung tăng áo mới cười duyên xuân hồng…
Mẹ ơi trên trái đất này
Con yêu quý nhất bàn tay mẹ hiền
Bàn tay mẹ - bàn tay tiên
Bồng con suốt mấy năm liền mẹ ơi
Những gì đã ghi nhận từ năm tháng hoa niên, thường hằn vết sâu trong tâm tưởng, tưởng đã quên nhưng rồi lại nhớ. Nhớ như in. Nhớ rõ nét. Một trong cái sự nhớ ấy, thỉnh thoảnh lại vọng về bài học thuộc lòng đã ê a đánh vần từ năm tháng tiểu học. Ngày ấy, y học Trường Nam tiểu học ở trên đường Thống Nhất (Đà Nẵng). Từ đường Triệu Nữ Vương mỗi sáng thức dậy, đi bộ đến trường, nhớ nhất vẫn là những buổi sáng trời mưa lất phất, gió rét, lạnh cóng, chân rảo bước nhanh, vừa đi vừa nhẩm đọc thì thầm những gì đã học thuộc đêm qua vì biết đâu sáng nay, thầy sẽ gọi tên dò bài. Gì nữa nhỉ? Ừ, từ đoạn lục bát trên lại nhớ qua đoạn kế tiếp:
Những khi trái gió trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Tìm thầy, lo chạy thuốc men
Vì con, săn sóc ngày đêm nhọc nhằn
Hết bóp trán lại xoa chân
Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành
Rõ ràng là thế. Nhũng lúc y bệnh, bao giờ cũng có mẹ ngồi cạnh kề vỗ về, an ủi. Mẹ đã nói những gì, không nhớ rõ nhưng hình ảnh ấy làm sao có thể quên? Và phải là khi lập gia đình, đã có con, chăm sóc cho con lúc bệnh thì người ta mới thật sự thấu hiểu, mới trải qua cảm giác lo lắng, bồn chồn khó có gì sánh nổi:
Con ho, ngực mẹ tan tành
Con sốt, lòng mẹ như bình nước sôi
Sự lo lắng ấy thường trực trong lòng từng giây, từng phút. Mọi ý nghĩa của đời sống, mọi buồn vui lúc ấy chỉ phụ thuộc vào sức khỏe của con. Niềm vui sống còn lại của chính mình, nếu gói gọn lại chính là hình ảnh bé nhóc. Nói như thế để thấy rằng, khi con bệnh nhất là lúc bé ở lứa tuổi chưa biết nói, chỉ mới lẫm chẫm bước đi thì bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng lo sốt vó. Dù trằn trọc thức giấc đêm hôm, mệt mỏi rã rời nhưng nào dám chợp mắt. Phải thức. Thức mà dõi theo từng hơi thở của con. Đến bây giờ, y mới hiểu ra một điều giản dị: “Con ho, ngực mẹ tan tành/ Con sốt, lòng mẹ như bình nước sôi”. Và trong bài học thuộc lòng này, đứa bé ấy đã thấu hiểu nên mới tâm niệm, cầu mong về một điều kỳ diệu sẽ đến:
Con nằm khấn Phật, cầu Trời
Sao cho chóng khỏi, mẹ cười, con vui
Phật và Trời ấy, trong hoàn cảnh này không ai khác, chính là các vị lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền. Hạnh phúc thay và cũng tuyệt vời sao, nếu đứa trẻ nào lúc bệnh cũng được hai bà mẹ hiền chu đáo chăm sóc. Một bà mẹ, chữa trị bằng thuốc men; một bà mẹ, điều trị bằng tấm lòng. Nghĩ về ngày xửa ngày xưa, lúc mình nằm bệnh, nằm co ro như mèo cuộn tròn trong chăn ấm đã có sự đùm bọc yêu thương ấy, ai lại không bùi ngùi cảm động? Ai lại không nhớ về ơn cha nghĩa mẹ?
Vậy nên, một khi đã lớn khôn lên, đã trưởng thành thì như lẽ tự nhiên, con người ta phải thương mẹ thương cha nhiều nhất? Và sẽ có sự lo toan tương tự như ba như mẹ đã từng cưu mang, săn sóc cho mình thời thơ bé? Tất nhiên rồi. Đạo lý làm người chính là đó. Không gì khác. Mọi người nghĩ thế, y cũng nghĩ thế.
Thế nhưng, hỡi ôi, người đời lại có câu: “Nước mắt chảy xuôi”. Câu này, Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Chỉ có cha mẹ mới có thể dồn hết tình thương và nỗi lo toan cho con cái (còn con cái tuy yêu thương và lo cho cha mẹ nhưng chỉ được phần nào vì còn phải lo cho thế hệ tiếp theo), ví như nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi theo khóe mắt chứ không thể chảy ngược được”.
Ngẫm lại, ta thấy gì?
Khó có thể nói một cách rạch ròi, bởi vì rằng, tình yêu thương cha mẹ dành cho con và ngược lại, khó có thể cân đong đo đếm một cách chi ly, rạch ròi, cụ thể. Tình cảm ấy dù thể hiện cụ thể qua lời nói, hành động cụ thể nhưng rồi cũng không thể so sánh hơn-thua, nhiều-ít, đầy-vơi... Nói thì nói vậy, nhưng trong chừng mực nào đó, ta cũng có thể “phân tích” được chăng?
Với trường hợp của y, khi người mẹ bị bệnh phải nằm viện thập tử nhất sinh, cuộc đấu tranh chạy đua với tử thần tính từng giờ, từng ngày, khi đó tâm trạng của y thế nào? Dù lo lắng ngày đêm nhưng rồi vẫn ỷ lại, bên cạnh mình còn có các anh túc trực cận kề, nếu vắng mình có lẽ cũng… không sao. Vì thế, dù mẹ bệnh nhưng vẫn nhẹ lòng tếch xuống phố. Vẫn bia bọt lai rai. Thả người ra nằm dài trên ghế, ngắm đường phố ngược xuôi, men bia dạt dào và cảm hứng với thơ: “Cầm tay mẹ những phút giây chống chếnh/ Con lựa lời như dỗ ngọt trẻ thơ:/ “Mẹ cố ngủ, cố ăn mau khỏi bệnh/ Mẹ có ngoan - bác sĩ mới cho về”.
Mà để có thơ, lúc ấy, dù nghĩ về mẹ nhưng tâm thế vẫn thư thả, nhẹ tênh nếu không là sao thanh thản để viết? “Trái gió trở trời, nóng run, rét lạnh/ Mẹ ngỡ như lúc lội ruộng mưa dầm/ Thời thiếu nữ qua nhanh hơn chớp mắt/ Đã gần chín mươi như lá sắp lìa cành”. Lúc ấy, sở dĩ bình tâm vì cảm nhận được những gì sẽ đến: “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi”. Chỉ một cơn gió, mọi việc đã thay đổi. Biết thế, dù “còn nước còn tát” nhưng vẫn trong tâm thế sẵn lòng đón nhận, dù đau đớn nhưng rồi phải chấp nhận. Quy luật đời người là thế. Không thể khác.
Trong khi đó, với con, ngày con ốm thì suy nghĩ ấy không hề xuất hiện trong đầu dù chỉ thoáng qua, dù chốc lát. Không bao giờ. Điều khốc liệt này, u ám này, dưới gầm trời này, dám quả quyết không một phụ huynh nào dám nghĩ đến. Lúc ấy, họ nghĩ gì? Y cho rằng, ai ai cũng như bé nhóc trong bài học thuộc lòng ngày xửa ngày xưa, chỉ thay đổi đại từ nhân xưng: “Mẹ nằm khấn Phật, cầu Trời/ Sao cho chóng khỏi, con cười, mẹ vui”. Hạnh phúc nào đã đến, đang đến ta đều có cảm giác như đang cầm gọn trong lòng bàn tay nhưng hạnh phúc ngày con khỏe mạnh, “con cười”, đã khỏi bệnh thì hai tay không đủ cầm, chỉ biết trong ngực như có gió xuân đang ùa vào thênh thang với niềm vui bất tuyệt.
Với người mẹ, dù gì, dù bệnh tật phải nằm một chỗ nhưng vẫn mở lòng nhìn con mình với tất cả sự lo toan, thậm chí nó đã lớn, đã bay nhảy tận chân trời góc biển nhưng vẫn xem nó như đứa trẻ cần bảo bọc. Y còn nhớ như in, không thể quên vẫn là lúc nằm bệnh trước ngày mất, đôi lúc tỉnh táo mẹ y thường bảo: “Con chịu khó ăn cơm ngoài đường vài ngày, lúc nào khỏe, về nhà mẹ nấu cho con ăn”. Người mẹ 90 nói với người con đã sấp sỉ 60, nay nhớ lại y vẫn luôn rưng rưng. Vậy nên, dù mẹ bệnh nhưng người con vẫn cứ ỷ lại như thường, vẫn nghĩ suốt đời mình bao giờ cũng có mẹ, qua đó, sự âu lo dành cho mẹ nhẹ hều. Vẫn rông rênh. Vẫn… đánh đu cùng thơ với thẩn.
Trong khi đó, với con, ngày con bệnh thì không thể. Bé nhóc còn quá bé bỏng như chồi non, như ánh sáng mà mình phải tận tụy chăm sóc, phải có mặt trong từng khoảnh khắc. Bé chưa biết nói, lúc đau đớn, chỉ cất tiếng khóc làm sao ta có thể an ủi, vỗ về bằng tiếng nói yêu thương để bé yên lòng? Có đưa con vào bệnh viện, giữa chốn đông người ấy mới thấy con trẻ cần mình biết chừng nào. Rất cần. Lúc ấy, trên thế gian rộng lớn này bé chỉ có một nơi bấu víu, chính là cha là mẹ, không ai khác có thể thay thế. Cứ nhìn vào ánh mắt cầu khẩn ắt rõ. Ánh mắt trìu mến, van xin ấy ắt rõ. Thương lắm. Sực nghĩ, mọi hình ảnh, mọi kiệt tác trên đời này, mải mê ngắm nhìn ắt mỹ cảm của ta được thỏa mãn nhưng với con lại không. Ngắm nhìn con mình, kỳ lạ thay, mỗi khoảnh khắc, mỗi lúc ta lại phát hiện ra sự đáng yêu khác, mới mẻ khác, bao giờ cũng tinh khôi. Kỳ diệu chưa?
Làm sao có thể quên lúc con ốm, một tay ẵm bé cho quay mặt tựa vào vai, một tay nâng lấy hai chân gìn giữ chu đáo và ta nhẹ nhàng từng bước đi. Hát thì thầm vài câu hát ru. Nói thì thầm vài câu an ủi. Lúc ấy, bé chợp mắt thiu thiu ngủ, đầu dựa hẳn vào vai ta thở nhẹ, khiến ta có cảm giác bé đã tìm thấy một điểm tựa an toàn nhất, bình yên nhất. Nếu không có cha, có mẹ trong những ngày bé ốm thì sao? Bé bấu víu vào ai để tìm lấy cảm giác ấm áp và tin cậy ấy? Vì thế, ngày con ốm, các bậc phụ huynh túc trực ngày đêm, và tự nhủ, mình phải vững vàng hơn, phải trưởng thành hơn vì chính mình đang làm điểm tựa của con. Một điểm tựa không ai có thể thay thế, vì thế không được yếu đuối, không lơ là, không lơ tơ mơ, nhất là không thể… đánh đu cùng thơ với thẩn!
Trên đời này, mọi so sánh đều khập khễnh, nhất là khi bàn về lòng yêu thương dành cho cha mẹ, dành cho con cái. Dẫu biết thế nhưng rồi, qua những suy nghĩ lẩn thẩn này, chắc rằng cũng như y - nhiều người mới càng thấm thía câu ca dao: “Lên non mới biết non cao/ Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền”. Mới càng thật sự ý thức rõ nét đến chân tơ kẽ tóc. Rất cụ thể. Không mơ hồ. Than ôi, một khi đã biết thì đã không còn có cơ hội để thể hiện lòng mình dành cho cha mẹ, nói như thiền sư Thích Nhất Hạnh, lúc ấy làm sao ta còn có cơ hội cài lên áo một đóa hồng? Ta nghĩ thế. Rồi sau này, con cái của mình cũng nghĩ thế. Không sao cả. “Nước mắt chảy xuôi” là thế. Sự việc đi qua. Sự việc lại đến. Sự tuần hoàn trong vũ trụ này, tưởng rằng hỗn mang nhưng đã có sự sắp xếp lớp lang rồi đấy.
Sáng nay, nhìn ra ngoài trời, y biết rằng mùa xuân đang đến, rộn trong lòng một nỗi thương cha nhớ mẹ để rồi lúc ẵm bồng, nâng niu con trẻ trên tay, lại nghe từ trong sâu thẳm lòng mình vọng về niềm an ủi ngây ngất niềm vui: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai” (Thiền sư Mãn Giác).
Cây đời lại xanh tươi. Sự sống lại tiếp nối.
L.M.Q
Trang 1 trong tổng số 58