LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.9.2014



Rsach-bien-nienRR

Chiều hôm qua, anh Lưu Đình Triều đã đi công tác về. Có cầm theo quyển sách do Lưu Khánh Thơ gửi tặng: Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam (NXB Hội Nhà văn). Chỉ mới tập 1, giai đoạn 1957 - 1975 đã dày đến 1.120 trang in, khổ 16 x 24cm. Lại Nguyên An biên soạn theo đơn đặt hàng của Hội Nhà văn Việt Nam. Chính Vương Trí Nhàn gợi ý đề tài này cho Hội. Bộ sách này là một trong những dự án lớn của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần IX (2015). Đọc lướt qua, có mấy thông tin đáng lưu ý:

- Từ ngày 1.4 đến ngày 4.4.1957 tại Hà Nội: Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Hội nghị quyết định 25 nhà văn trúng cử Ban Chấp hành đầu tiên là 25 hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam: Nông Quốc Chấn, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Anh Thơ, Mộng Sơn, Cầm Biêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Sao Mai, Tố Hữu, Hoàng Tích Linh, Nguyên Hồng, Bửu Tiến, Xuân Diệu, Đoàn Giỏi, Phạm Huy Thông, Tế Hanh, Nam Trân, Vũ Tú Nam, Hoàng Trung Thông, Xuân Miễn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân.

Cơ quan ngôn luận của Hội là tuần báo Văn (chủ nhiệm Nguyễn Công Hoan, Thư ký tòa soạn: Nguyên Hồng); NXB Hội Nhà văn (giám đốc Tô Hoài).

-Tháng 3.1958: 304 văn nghệ sĩ nghiên cứu NQ Bộ Chính trị TƯ Đảng (số 30 NQ/TW). Danh sách những người tham gia Nhân văn - Giai phẩm được nêu tên: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh v.v…

-25.5.1958: Ra mắt báo Văn Học (Thư ký toà soạn: Nguyễn Đình Thi) thay thế tờ báo Văn “đã bị tư tưởng Nhân văn lũng đoạn”.

-Ngày 2 và 3.7.1958: Hội nghị toàn thể lần thứ tư BCH Hội Nhà văn Việt Nam. 1. Thi hành kỷ luật đối với một số người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm: a) Khai trừ vĩnh viên ra khỏi Hội: Thụy An, Trương Tửu, Phan Khôi; b) Khai trừ trong thời hạn 3 năm: Trần Dần, Lê Đạt, đình chỉ xuất bản, phổ biến tác phẩm của những người này trong các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội trong 3 năm; c) Cảnh cáo trong nội bộ Hội: Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Hoàng Yến, Thanh Châu, Trần Lê Văn, Hữu Loan, Huy Phương, Phan Vũ, Chu Ngọc, Nguyễn Khắc Dực, Trúc Lâm, Phùng Quán, đình chỉ xuất bản, phổ biến tác phẩm của những người này trong các cơ quan xuất bản, báo chí của Hội trong 1 năm; d) Khai trừ Hoàng Cầm ra khỏi BCH và để cho Hoàng Tích Linh rút ra khỏi BCH…

- 19.1.1960: Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử “vụ án gián điệp” gồm 5 bị cáo: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí. Cáo trạng cho rằng nhóm này, do Thụy An và Nguyễn Hữu Đang cầm đầu, đã tiến hành “chiến tranh tâm lý” phá hoại xã hội miền Bắc mà hoạt chính là xuất bản tờ Nhân văn vào tháng 9.1956 để tuyên truyền chống phá chế độ. Tòa đã tuyên án: Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.

Cách làm “biên niên hoạt động văn học” là ghi nhận lại các sự việc cụ thể bằng thông tin chính xác, thông tin thu tập từ nhiều nguồn, càng cụ thể càng tốt. Tuy không có lời bình qua đó người ta có thể hình dung ra tình hình chính trị - xã hội của một thời và nó đã chi phối, ảnh hưởng đến đời sống văn học như thế nào. Trộm nghĩ, nếu muốn có cái nhìn đầy đủ về một sự kiện nào đó, vụ Nhân văn - Giai phẩm chẳng hạn, phải tìm đọc cho bằng hết những bài viết đã in trên báo chí thời đó mà Lại Nguyên An đã chỉ rõ “nguồn”: in báo nào, năm tháng nào, tác giả nào v.v…. Những trang liệt kê của Lại Nguyên Ân cho thấy, ông làm công tác tự liệu rất tốt. Tất nhiên vẫn còn thiếu sót nhiều sự kiện, sự việc. Điều này hiển nhiên thôi. Chẳng ai tài thánh gì có thể làm đầy đủ cả. Nhưng trước mắt, tập sách này là nền móng đầu tiên, chắc chắn hữu ích giúp cho người đi sau tiếp tục công  việc gian nan này.

Một tập biên niên hoạt động văn học miền Nam từ 1954-1975, đến nay đã có ai bắt tay thực hiện chưa?

Về “vụ án gián điệp” nêu trên, chỉ 1 người có tên trong tập sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, đó là Thụy An. Một trong những người của Nhân Văn - Giai phẩm hiện nay còn sống, còn sáng tạo dữ dội là nhà thơ Phan Vũ. Ông làm điện ảnh, làm thơ và vẽ như điên. Không rõ, ông thực hiện chế độ ăn uống, luyện tập thế nào mà ngoài 80 xuân xanh vẫn còn có thể phóng xe Honda bạt mạng, nói cười rổn rảng và lúc nào cũng phơi phới nói cười như thanh niên?

Những ngày này, mưa nắng thất thường. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 3 (có tên quốc tế là bão Kalmeagi) đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp từ Quảng Ninh đến Hải Phòng, vùng trọng tâm là tỉnh Quảng Ninh.

Cuộc chiến với sư tử Trung Quốc đang đến hồi quyết liệt. Thông tin từ báo chí cho biết, cả nước đang thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL về việc đề nghị không sử dụng linh vật, sản phẩm, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ nhân những làng đá mỹ nghệ nổi tiếng như Ngũ Hành Sơn đang kêu trời bởi họ không biết sẽ thay thế sư tử đá mà lâu nay đã chế tác bằng con gì? Nếu thay thế mà khách không mua chỉ sạt nghiệp, hơn nữa sự tồn đọng sư tử đá được “thanh lý” thế nào để có thể lấy lại vốn đã đầu tư? Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra cho cán bộ cơ sở là không phải ai cũng có trình độ kiến thức xác định linh vật có hình dạng như thế nào là “không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam” như ông Lê Quang Tươi - trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn phát biểu trên TT sáng nay.

17.9.2014

Trưa nay, đọc tờ Đời sống & pháp luật - cơ quan trung ương của Hộ Luật gia Việt Nam, có thông tin này lạ quá. Ghi lại, sau này, có thể là một tư liệu cần thiết cho những ai muốn làm “biên niên” về tuyến đường sắt Việt Nam: “Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga từ Cát Linh đến bến xe Yên nghĩa (Hà Đông); đường sắt đôi, khổ 1435mm; tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h; thời gian chạy 1 chuyến khoảng 23,6 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/h tương đương hơn 1 triệu người/ngày. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án ban đầu là 5 năm (từ tháng 11/2008 - tháng 11/2013), tuy nhiên tới nay, sau khi chậm tiến độ gần 2 năm, BQL Dự án vẫn khẳng định phải tới quý III năm 2015 mới có thể hoàn thành toàn bộ dự án.

Đặc biệt là về mức tổng vốn đầu tư của dự án, theo dự kiến ban đầu thì mức đầu tư là khoảng 435,7 triệu USD, song thời điểm hiện tại, tổng mức điều chỉnh dự án gần 892 triệu USD, có nghĩa tăng thêm hơn 339 triệu USD. Đây được coi là dự án ODA phát sinh nhiều nhất nhất từ trước cho tới nay. Với việc đội vốn này, ước tính chi phí để hoàn thiện đi vào vận hành 1km đường sắt đô thị sẽ tăng từ 33 triệu USD lên tới 68 triệu USD/1km.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng giám đốc Ban quan lý Dự án Đường sắt khẳng định: “600 người phục vụ 13km đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông không phải là chuyện đùa, bởi đây là con số đã được tính toán rất kỹ trên toàn bộ quy trình vận hành, bên cạnh đó, nó còn được áp dụng theo công nghệ tiên tiến nhất mà JICA (Nhật Bản) đã tư vấn”.

Lâu nay không gặp Thịnh. Vào trang web motthegioi xem loáng qua môt chút, bởi lẽ đôi lúc nhớ bạn, không việc gì phải điện thoại, nhắn tin chỉ cần lật trang sách đọc lại những gì bạn đã viết; hoặc xem tờ báo bạn đang làm, vậy cũng đủ. Xem mới biết rằng, “mức trung bình làm 1km tàu điện của thế giới chỉ là 20-30 triệu USD, còn tuyến đường đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông là 70 triệu USD”.

Những con số này nói lên điều gì?

Chiều nay, có hẹn đi chụp ảnh. Ăn mặc đẹp. Phải cười tươi roi rói. Chụp làm gì? Ai chụp? Xem hồi sau sẽ rõ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.9.2014

 

Những ngày dài như trang sách. Trang sách lật ra, làm sao có thể đọc hết? Vì thế, hãy yên lặng, tĩnh tâm đợi chờ thời gian bước đến. Từng khoảng khắc chậm rãi ấy sẽ nghiến hết một ngày. Ngày mở mắt nhìn đêm. Thầm mong đêm đến vội. Chìm dần, chìm dần trong mộng mị một ngày. Những ngày này, không làm thơ. Nhà thơ Phùng Quán tự nhủ: “Có những lúc ngã lòng  / Tôi lại vịn câu thơ mà đứng dậy”. Có lẽ, ông viết câu thơ ấy lúc còn trẻ, còn yêu đời thanh xuân phơi phới. Đến một độ tuổi nào đó, đã “tứ thập nhi bất hoặc” không còn phải nghi ngờ gì nữa về chính mình, liệu rằng thơ còn có thể sự cứu rỗi hay không? Đã lâu rồi, ít đọc được những câu thơ có thể tạo ra một vết hằn trong trí nhớ. Sáng nay, ngồi đọc linh tinh, lật tờ Đối Diện (19.8.1974) thấy câu thơ của Đông Trình:

Đời chúng ta buồn hơn con trâu dưới ruộng

Không có niềm vui khi ở cuối đường cày

Có những câu thơ bình dân,dung dị nhưng người ta lại thích, bởi có sự đồng cảm. Lật qua, tờ Đất Nước (10.1969) thích câu thơ này của Nguyễn Quốc Thái:

Suốt đêm trời mưa lớn

Mây chết đuối dưới hàng dây điện

Thích bởi cách nói mới, khác hẳn “Mây chết đuối ở dòng sông vắng lặng” đã có từ thời Hàn Mặc Tử. Dẫu có đọc qua các loại thơ cách tân mà thiên hạ cố gắng làm mới thơ bằng trăm phương ngàn kế nhưng lúc cần phải mượn thơ thở than đôi lời, y sẽ chọn cách nói của T.T.Kh đã viết từ thế kỷ trước:

Nếu biết rằng em đã lấy chồng

Trời ơi người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai tựa máu hồng.

Còn có cách nói nào chân thành, thống thiết hơn không? Đã từ lâu, mỗi lần đọc câu ca dao này lại nổi da gà, sởn gai ốc:

Xa em đã mấy thu tròn

Nhớ em, anh khóc đã mòn con ngươi

Tiếng khóc ấy thế nào? Khóc lúc nào? Tâm trạng não nùng tuyệt vọng khốn cùng ấy đủ sức khiến ngàn đời sau vẫn có người còn thổn thức và ngấn lệ tự dưng trào quá mí mắt. Thương ơi là thương. Tội ơi là tội. Yêu ơi là yêu. Thương và tội và yêu cho cái thân phận đớn đau của một kẻ si tình mà sánh được với tâm trạng ấy chỉ có thể bằng tâm thức “Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè” (P.D). Mỗi lần nghe tiếng hát thở dài ấy từ đâu đó trong ngóc ngách của đời sống, tự dưng bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố tầm thường nhẹ tênh đi, rơi tuột mất bởi những toan tính tầm thường ấy không thể nào sánh nổi tình yêu lớn lao đã có thật trong đời: “Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè”. Sự si tình khốc liệt ấy đã làm nên diện mạo đáng yêu nhất, trong sáng nhất và cũng tội nghiệp nhất của con người ta.

Những câu thơ đi qua trí nhớ, đôi khi chẳng là gì. Chẳng là gì vì thể loại ấy đã chết. Khi gã nhà thơ cắm cúi, lao tâm khổ tứ chọn từng con chữ, gạch, tẩy, xóa suốt canh dài vật vã để có những câu thơ hay thì ngoài kia, nắng vẫn đẹp, mây vẫn xanh, tiếng động của đời sống vẫn bình thản đi qua mỗi ngày. Những câu thơ đọc lên, không vọng lên một âm thanh nào. Những câu thơ, những nhà thơ vẫn bình thản đi vào đường hầm hun hút không hứa hẹn gì sẽ gặp lấy một vùng Ánh sáng. Tăm tăm mờ mịt. Ấy là thân phận của thơ. Ấy là thân phận nhà thơ. Dẫu biết thế, họ cứ đi như một định mệnh. Đi về phía Lãng Quên bởi thể loại thơ đã Chết.

Nói thì nói thế, thật ra, trong đời sống vẫn cần có thơ đấy chứ? Bằng chứng, sáng nay trên TT in bài báo có cái tựa ngộ nghĩnh “Ngâm thơ đỡ tốn tiền thuốc” của anh bạn BS Lương Lễ Hoàng. Anh cho biết: “Thầy thuốc bên Đức chứng minh rằng những người thường đọc trường ca Iliad, Odyssey của Homer sẽ ăn ngon, ngủ yên, cảm thấy lạc quan, giảm stress, hạ huyết áp... Trong khi nhiều sử gia vẫn chưa thu thập đầy đủ thông tin về cuộc đời của thi sĩ Homer, nhà thơ nổi tiếng ở Hi Lạp vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thì một số thầy thuốc lại tin chắc như đinh đóng cột là thi sĩ thành Athens phải khỏe mạnh và sống thọ. Lý do vì nếu Homer không khỏe và thọ thì đã không thể hoàn tất nhiều tập thơ dài đến thế, như Iliad với 16.000 câu thơ”.

Nếu thế, thi sĩ viết trường ca số 1 của nước ta là Thu Bồn phải có sức khỏe như vâm chăng? Đúng thế, sinh thời, anh người khỏe mạnh, nói cười rổn rảng, hừng hực sức sống. Thế nhưng, vì sao ngâm thơ lại đỡ tốn tiền thuốc? Hãy để BS Hoàng giải thích: “Theo phân tích của chuyên gia về bệnh đường hô hấp ở Đại học Munich, do âm vận và cú pháp nên người đọc thơ của Homer bắt buộc phải đọc với giọng trầm và kéo dài. Người đọc thơ vì thế không thể thở nhanh. Thêm vào đó “thi sĩ” bắt buộc phải hít nhanh và sâu mỗi khi đến đoạn xuống hàng để tự tiếp hơi. Tập thơ lại rất dài nên buổi ngâm nga vô tình trở thành giờ luyện tập kỹ thuật hô hấp đúng nghĩa dưỡng sinh. Quan trọng hơn nữa là vì phải tập trung vào nội dung của bài trường thi, cho dù người đọc thuộc nằm lòng, nên giờ đọc thơ chẳng khác nào giờ thiền, qua đó tạp niệm trong não bộ được quét dọn, tàn dư của stress được trung hòa, kích ứng thần kinh được dẫn truyền đến nơi đến chốn.

Người đọc thơ của Homer, cho dù không cần đọc đến hết, nhờ đó ăn ngon ngủ yên vì các loại nội tiết tố có công năng giảm đau, an thần, tạo cảm xúc lạc quan như serotonin và endorphin được phóng thích tối đa trong khi các loại nội tiết tố “tham sân si” như dopamine và adrenaline không có cơ hội tác quái. Người đọc thơ nhờ đó có huyết áp ổn định, độ loãng máu lý tưởng, mạch máu không co thắt thái quá…”.

Nghe “lý tưởng” quá đi chứ? BS Hoàng “thòng” thêm: “Cũng không nhất thiết phải tìm cho được bài thơ dài để ngâm cho đáng tiền mới nên chuyện. Ngay cả tụng kinh cũng có tác dụng tương tự. Bằng chứng là theo một công trình thống kê kéo dài nhiều năm ở Ý, tu sĩ siêng đọc kinh ít bị bệnh tim mạch hơn người chỉ kêu trời khi có chuyện. Theo các nhà nghiên cứu ở Thái Lan, nơi chùa chiền có mặt khắp nơi, ê a tụng kinh có tác dụng giảm đau không thua thuốc đặc hiệu, tất nhiên chỉ khi “tụng sĩ” đọc kinh với cả tấm lòng. Bằng chứng là không chỉ chất giảm đau mà ngay cả kháng thể cũng tăng thấy rõ sau giờ công phu.

Nếu các nhà nghiên cứu về Homer có lý thì người đang có vấn đề với huyết áp, với mạch vành, với stress còn đợi gì mà không thủ sẵn một tập Đoạn trường tân thanh để “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh... chắc gì ghét nhau”. Trong thời buổi củi quế gạo châu thuốc đắt hơn vàng, có sẵn phương pháp mượn hơi của chính mình để đỡ gặp thầy thuốc còn muốn gì hơn?”.

Đọc xong bài báo này, cười tủm tỉm một mình vì thấy lý thú quá.

Có điều, trong sự nhộn nhịp, tất bật, náo nhiệt, ồn ào, vội vã có mấy ai tĩnh tâm để đọc thơ? Theo thông tin từ trang web của Bộ Thông tin Truyền thông: “Tính đến ngày 26/12/2013, toàn quốc có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm, trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo, 507 tạp chí; địa phương có 113 báo, 132 tạp chí; có 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí”, đó là chưa kể đến mạng lưới phát thanh, truyền hình nhưng thể loại thơ có cơ hội được xuất hiện không?  Và xuất hiện để làm gì? Câu trả lời ắt nhiều người đồng tình, thơ xuất hiện trên báo chí cũng tự bông hoa điểm xuyết có tính cách trang trí cho vui mắt người xem.

Dù thế, các nhà thơ vẫn không bỏ cuộc, các tập thơ vẫn tiếp tục ra mắt ì sèo dù chỉ có các nhà thơ ngồi cùng nhau ca ngợi đôi lời, ca ngợi lẫn nhau mà tiếng nói ấy xa lạc, lạc lõng trong đời sống hiện tại của thời công nghệ thông tin đã đi những bước như vũ bão. Mà chưa ai có thể biết sự tiến bộ, phát minh ấy của khoa học kỹ thuật còn vượt bậc đến cỡ nào. Vậy thì những câu thơ chuốt từ đường tơ mỏng mảnh như từng sợi linh hồn trắc ẩn của thi sĩ có là gì? Và những câu thơ ấy có là gì trong đời sống hôm nay? Có còn ai rúng động với những câu thơ huyền bí tài tình thiên cổ lụy như một ánh sao ngàn năm trước đã băng qua nền trời thăm thẳm? Trả lời đi. Trả lời thế nào? Đọc ngẫu hứng câu một câu thơ Kiều:

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng

Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng

 

2-Mai-Trung-ThuRR
Tranh vẽ Kiều của danh họa Mai Trung Thứ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.9.2014

 

Thế kỷ XXI này, nếu chọn lấy một người đàn ông lãng mạn nhất, hạnh phúc nhất, y sẽ chọn Mel - một người đàn ông đã khuất, một người bình thường như hàng tỷ con người khác trên trái đất. Ngày kia, biết mình sắp về cõi trên, ông viết lại lời trăn trối, bỏ vào chai và ném xuống biển. Nội dung như sau: “Tên tôi là Mel. Tôi có 3 đứa con tuyệt vời và người vợ xinh đẹp đầu ấp tay gối với tôi suốt 54 năm. Tôi yêu biển, thích câu cá trên đại dương và đi săn với 2 đứa con trai yêu dấu, ngắm thủy triều lên cùng cả gia đình. Hôm nay, gia đình tôi đưa tôi về nghỉ ngơi ở nơi tôi yêu quý nhất. Đó là hành trình mới của tôi. Nếu bạn tìm thấy lá thư này trong chai, xin hãy truy cập trang Facebook của tôi và đăng tải bức hình của mình cũng như nơi bạn tìm thấy chiếc chai, rồi trả tôi lại với hành trình biển xanh". Lá thư viết ngày 17.8.2014. Ít lâu sau, thiên hạ tìm thấy lá thư trong chiếc chai lênh đênh trên biển gần California (Mỹ). Theo lời trăng trối ấy, chiếc chai lại ném trả về biển xanh.

Mấy hôm nay, vài bạn bè báo tin vui sắp dựng vợ gả chồng cho con. “Q có thể tham dự không?”. Chưa thể trả lời cho La Thanh Hiền, Trần Tuấn Bảo ở Đà Nẵng; Hà Đình Nguyên ở Sài Gòn. Chỉ nói “chúc mừng”, còn để xem công việc cụ thể tháng 10.2014 này thế nào. Niềm vui đôi khi đến nhẹ nhàng và tình cờ. Chiều qua, sau khi post Nhật ký 12.9.2014, chỉ tích tắc trong một giây, bạn thơ Cao Xuân Sơn đã gọi điện thoại: “Đọc đoạn kết thương Q quá. Nào, dũng cảm lên, ra quán làm một chai rượu đỏ nhá?”. Nghe cảm động quá. Ngoài trời đang mưa tầm tã. Sá gì mưa. Đến nơi, chọn một quán ngồi sát mé hiên. Ngắm nhìn mưa. Uống rượu vang đỏ Chi Lê. Còn gì lý thú hơn? Những chai rượu hiên ngang xếp ngang dọc trên bàn. Rượu đem lại men say ngất dịu nhẹ. Nghe mưa và nghe đọc thơ cho nhau nghe.

 

anh-Cao-Xuan-SonRR

Nhà thơ Cao Xuân Sơn

 

Lan man thế nào lại nhắc đến nhà văn Hoài Anh. Một người đi bộ thuộc loại kiên cường nhất Sài Gòn, chỉ đơn giản do không biết đi xe máy, không đi xem ôm vì phải dành tặn tiện từng đồng nhuận bút nuôi con. Con người này đáng nể ở chỗ tự học. Sơn bảo: “Sau này, người ta có thể quên những gì Hoài Anh đã viết, nhưng không thể quên bài thơ Nhớ ngày thủ đô kháng chiến, trong đó có mấy câu cực kỳ ấn tượng:

Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy

Ra phố mua một bao thuốc lá

Chín năm sau anh mới trở về nhà

Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến

Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô

Sơn nói đúng. Chừng hai mươi năm trước, đọc mấy câu thơ này cũng của Hoài Anh, y nhớ mãi:

Cánh cửa mở ra

Cánh cửa khép lại

Cái kẹt nửa chừng

Là tình thơ dại


Cánh cửa khoá được

Cả trong lẫn ngoài

Mặt trong quá khứ

Mặt ngoài tương lai


Riêng còn hiện tại

Chìa khoá giấu chờ

Chỉ cánh cửa biết

Nhưng còn đứng trơ

Hoài Anh là mẫu người tiêu biểu của văn nghệ sĩ “chính hiệu con nai vàng” từ Bắc vào Sài Gòn làm báo. Chỉ sống bằng nghề viết. Chứ không lăn tăn với bất kỳ gì khác. Do ly thân với vợ, anh ăn ngủ luôn tại báo Văn Nghệ TP.HCM, thời tòa soạn ở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Lúc đó, y mới ra trường, thỉnh thoảng đến gửi bài cộng tác nên gặp nhau luôn. Cứ mỗi chiều, sau khi nhân viên của báo đã về, anh lại ngồi một mình trong phòng gõ máy chữ. Sức viết ấy ghê gớm lắm. Hầu như thể loại nào, anh cũng viết. Từ thơ, tiểu thuyết, kịch đến lý luận văn học, dịch thơ chữ Hán v.v… anh viết cả. Hễ ai đặt bài là viết. Không câu nệ gì. Miễn trả nhuận bút sòng phẳng. Cũng cái bàn viết ấy, ban đêm lại trở thành chỗ ngã lưng. Lúc chưa có rượu, anh tỉnh táo, có trí nhớ đáng khâm phục, xứng đáng gọi “tự điển sống” nhưng khi rượu vào lại gàn dở hết chỗ nói.

Ngày đó, quán nhậu 81 Trần Quốc Thảo là “đại bản doanh” của giới văn nghệ. Hoài Anh mê cô D phục vụ nên hầu như trưa nào cũng có mặt. Anh mê đến độ hễ ai gọi cô D mau mau phục vụ bia, nước đá là anh sang tận bàn gây sự ngay! Riết rồi cô D đâm hoảng, không khéo mất việc như chơi nên cô về méc với chồng. Anh chồng ghen quá nên đến quán. Sau khi chứng kiến cảnh trái mắt đó, anh ta cãi cọ Hoài Anh rồi cả hai đánh nhau một trận ra trò! Tất nhiên, nhà văn trói gà không chặt làm sao đọ lại sức trai lực lưỡng?  Viết đến đây sực nhớ vài năm trước, lúc đi dự đại hội nhà văn ngoài Hà Nội. Lần nọ, có một độc giả vào đến tận cửa hội trường đang họp, nhờ mọi người tìm giúp nhà văn nọ. Tưởng độc giả ái mộ, nhà văn lừng danh của chúng ta hào hứng bước ra ngoài. Sau vài câu xã giao, người khách lạ bảo, tôi quý văn chương anh nên tặng anh chai rượu này. Nhà văn vừa đưa tay cầm chai rượu, lập tức nhận luôn một cú đấm ngay giữa mặt. Khách lạ gằn giọng: “Lần sau, anh đừng “lên báo” kể chuyện yêu đương gì của anh với cô X nữa. Cô ta hiện nay đã là vợ tôi!”. Nhớ đến nhà văn vẫn là những gì họ đã viết, chẳng việc gì phải nhớ đến những chuyện vặt vãnh ấy. Với nhà văn Hoài Anh, ông trời cũng lạ, anh đã có những đóng góp cho nền văn học nhưng nay ít ai nhắc đến. Trong khi đó, nhiều người khác dù tài năng kém hơn anh nhưng lại “nổi” hơn bội phần.

Nghĩ lại thấy may cho Bùi Giáng, những giai nhân mà ông yêu do chưa có chồng hoặc ly dị chồng nên không xẩy ra những sự cố tương tự. Trong hồi ký của Thu Trang - hoa hậu đầu tiên của miền Nam (1955), sau này là Tiến sĩ sử học, bà có kể lại chi tiết: Năm 1961, trước ngày bà sang Pháp du học, Bùi Giáng có ghé thăm nhà, tình cờ biết tin đó. Chiều hôm ấy, trời mưa tầm tã. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cả hai im lặng, không ai nói với nhau câu gì. Nói gì trước nữa với mối tình đơn phương mà Bùi Giáng đã dành cho hoa hậu? Đột ngột, ông cúi xuống nền nhà nhặt đôi dép màu xanh lá mạ mà Thu Trang thường mang đi trong nhà. Ông lẳng lặng mở tờ báo gói lại đôi dép, kẹp vào nách đứng lên và chỉ nói mỗi một câu: “Tôi về!”. Đọc kỹ trong Mưa nguồn, thấy thấp thoáng hình bóng của Thu Trang. Thậm chí, câu thơ “Còn hai con mắt mắt khóc người một con” được cho là Bùi Giáng viết sau khi hay tin bà có con. Đại khái thế, những giai thoại văn học hư thực khiến bạn đọc cảm thấy nhà văn gần hơn trong đời thường.

Đêm qua, câu chuyện của hai anh em làm thơ cũng vòng vèo qua một vài giai thoại ấy. Sơn bảo, Xuân Sách bắt đầu viết Chân dung nhà văn - tập thơ nổi tiếng nhất của ông là do nguyên cớ thế này: Ngày nọ, khoảng năm 1962, nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh - bố của Giáng Vân - lấy vỏ bao thuốc lá Tam Đảo viết bài thơ Vịnh Xuân Thiều đưa Xuân Sách và bảo dịch. Vừa uống một ngụm rượu, Sơn hào hứng đọc bài thơ đó:

Văn nghiệp tiền trình khả điếu quân

Mao đầu tận lạc tự mao luân

Lưỡng kiên mai liễu phong trần lý

Chuyển địa hà thời chuyển đắc ngân

Trí nhớ của bạn mình tốt quá. Nghe thơ chữ Hán lúc đang mưa. Tiếng thơ lẫn tiếng mưa. Hào hứng thật. Giây lát sau, Sơn đọc luôn bản dịch của Xuân Sách:

Con đường văn nghiệp thương ông

Lông đầu rụng hết như "lông cái đầu..."

Đôi vai gánh nặng càng đau

Chuyển vùng nào nữa làm sao thành tiền?

Bản dịch quá xuất sắc. Cả hai cười phá lên bởi câu dịch thứ 2. Theo Sơn, ngoài bài thơ Tự họa đã in trong tập Chân dung nhà văn, Xuân Sách còn tự họa khác:

Chú du kích thiếu niên Đình Bảng

Lại cả gan đi bộ đường dài

Thử soi gương mặt vào con suối

Sẽ biết bên kia núi là ai?

Trong khổ thơ này, có vài tựa tác phẩm của Xuân Sách như Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (tiểu thuyết); bài thơ Cùng anh tiến quân trên đường dài (Huy Du phổ nhạc), Con suối mặt gương (thơ), Phía núi bên kia (tiểu thuyết). Tuy nhiên, khi chọn in vào tập, Xuân Sách lại chọn bài này:

Bài 100:

Cô giáo làng tôi đã chết rồi

Một đêm ra trận đất bom vùi

Xót xa Đình Bảng người du kích

Đau đớn Bạch Đằng lũ trẻ côi

Đường tới chiến công gân cốt mỏi

Lối vào lửa đạn tóc da mồi

Mặt trời ảm đạm quê hương cũ

Ở một cung đường rách tả tơi.

Bài thơ còn nhắc thêm vài tác phẩm của ông như Cô giáo làng, Đêm ra trận… Ngày trước, Xuân Sách là cộng tác viên của báo PN TP.HCM, do đó, mỗi lần ông từ Vũng Tàu lên Sài Gòn là đến báo ký nhận nhuận bút. Nhờ thế, có tâm sự với ông nhiều. Lúc đó, ông có tặng cho tập thơ Chân dung nhà văn và tự tay ghi cụ thể tên từng người trên từng bài thơ. Đúng như Sơn nói, còn có nhiều bài thơ vịnh chân dung nữa nhưng ông không đưa vào tập. Lật lại tập thơ Xuận Sách đã tặng thấy ngày đó, y có ghi vài thơ khác như:

Bài 101:

Làm thơ có gì khó

Ta viết đủ trăm bài

Sóng Hồng một chưa đủ

Đã có Sóng Hồng hai


Mỗi bài thơ Đi họp

Trăm thằng xúm vào khen

Một bậc lương cũng đủ

Trả công nhà phê bình


Bài 102:

Ai thiếu cái gì thì viết về cái đó

Nên ông viết nhiều về tính Đảng, tính nhân dân

Ông hay trích dẫn lời anh Ba, anh Tư, anh Năm…

Để người đọc không thể nào bắt bẻ

Suốt ngày ông lắng nghe ngọn gió xoay chiều

Nên đôi tai mới dài đến thế

(XS đọc cho LMQ nghe 26.8.1993)"

Đại khái, câu chuyện của hai nhà thơ đã ngũ thập chỉ xoay quanh chuyện thơ thẩn của vài ông bạn thơ đã khuất. Nhắc lại bởi lúc sống, họ là chỗ thân tình. Nếu ai đó, mình không thích, không có kỷ niệm gắn bó thì nhắc lại làm chi? Còn nhớ đêm qua, Sơn có buột miệng đọc câu thơ này:

Cách tường hoa ảnh động

Nghi thị ngọc nhân lai

Và anh dịch luôn:

Bóng hoa lay động bên tường

Ngỡ là người ngọc tìm đường sang chơi

Thơ của ai? Có những câu thơ nghe thoáng một lần, đã nhớ. Có những cuộc bia bọt lai rai, chỉ hai người lại nhớ, lại tâm sự với nhau được bao điều. Đã chiều. Ngồi chờ email hay đi ăn một chút gì đó? Lại phở chăng?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.9.2014

 

Trưa qua, trả lời phỏng vấn VTV9 về nhà văn Bình Nguyên Lộc. Một nhà văn lớn của miền Nam. Quyển Lột trần Việt ngữ của ông vẫn chưa thấy tái bản. Y rất thích quyển này. Nếu có sách, cầm đọc vẫn sướng hơn căng mắt đọc qua mạng. Chương trình về tác giả Rừng mắm, Nhốt gió sẽ phát sóng vào tháng 10.2014. Vừa mua quyển Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của TS Lê Thành Khôi, chưa kịp lật trang nào, bạn mình nhìn thấy và tỏ ý thích quá, bèn tặng luôn. Đem đến cho bạn một niềm vui nho nhỏ, tự dưng cảm thấy trong lòng thơ thới. Anh em ngồi cùng nhau một lát. Câu chuyện rôm rả về kết quả cuộc thi Sách hay vừa công bố lúc sáng. Cũng như mọi năm, kết quả năm nay lại rơi vào vết xe đổ của năm trước. Lại trao giải cho những tác phẩm đã được thừa nhận giá trị từ nhiều thập kỷ trước. Chẳng hạn, năm ngoái trao Những giọt mực của Lê Tất Điều, in tại miền Nam từ đời tám hoánh! Năm nay cũng chẳng khác gì. Trao Người đi vắng của nhà thơ Nguyễn Bình Phương, in năm 1999; Bắt trẻ đồng xanh của J.D.Salinger do Phùng Khánh dịch, đã in từ cái thời xa vắng mà nay dịch giả đã thành  người thiên cổ! Rồi Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương cũng in từ mấy chục năm về trước, đã từng nhận giải của Hội Nhà văn Việt Nam!

Không rõ tiêu chí giải Sách hay là gì mà năm nào trao giải xong cũng thấy ngao ngán quá! Anh bạn làm sách bảo, trao cho những tác phẩm đã khẳng định chất lượng khác gì “ăn mày dĩ vãng”. Năm sau, nếu in lại Truyện Kiều và dự thi ắt có giải ngay”. Tất nhiên chỉ là câu nói đùa, nhưng rõ ràng phản ánh đúng về cách trao giải của Sách hay. Ở nước ta hiện nay có nhiều giải, hầu hết do Nhà nước chu cấp kinh phí. Có năm trao giải đúng người, đúng tác phẩm; có năm ì sèo dư luận. Thế thì, khi giải Sách hay ra đời do tư nhân vận động tiền và trao giải, tưởng rằng sẽ khách quan hơn nhưng rồi cũng chẳng có sự phát hiện gì đáng kể từ dù sách được gắn thêm cái mác "Sách hay"!

Biết bao giờ, nước ta mới có được cái giải sang trọng của tư nhân như giải Goncourt? Theo Từ điển mở wikipedia: "Goncourt là một giải thưởng văn học Pháp được sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896. Hội văn học Goncourt thành lập chính thức năm 1900 và giải đầu tiên được trao ngày 21.12.1903. Giải Goncourt, được sáng lập để trao mỗi năm cho "tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm", nhưng hầu như chỉ trao cho tiểu thuyết. Nó là giải thưởng văn học Pháp được mong muốn nhất. Mặc dù tiền thưởng của giải chỉ là 10 euro, nhưng sự nổi tiếng mà Goncourt đem lại cho cuốn sách sẽ là một phần thưởng lớn thay thế”. Còn ở ta, quái lạ, năm nào từ trung ương đến địa phương cũng đều có giải thưởng nhưng rồi tác động của nó thế nào với đời sống văn học vẫn chưa có câu trả lời.

 

l-thanh-khoiR

 

Trưa nay, đi làm về, tạt qua nhà sách mua lại quyển Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Lê Thành Khôi. Giáo sư Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội, năm 1947 sang Pháp và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ về Kinh tế học ở Paris. Sau đó, ông còn lấy bằng Tiến sĩ vài  lãnh vực khác nữa. Năm 2003, ông được nước Pháp tặng huân chương Chevalier de l'ordre Arts et des Lettres. Năm 2013, ông đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh ở hạng mục "Nghiên cứu". Tập sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX là sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi: Le Viet Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, NXB Minuit Paris năm 1955) và Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, NXB Sud - Est Asie, Paris, 1982). Hai công trình này được đánh giá là uyên bác và có hệ thống, từ lâu được các nhà nghiên cứu coi như sách tham khảo căn bản khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Với bản in của NXB Thế Giới, đây là lần đầu tiên tác phẩm được coi như kiệt tác sử học này được xuất bản bằng tiếng Việt, bản dịch của Nguyễn Nghị,  Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính. Tối nay, sẽ đọc kỹ quyển này. Đọc sách của người uyên bác là một cách tự học.

Tuy nhiên, đọc sách của người dù có học hàm, học vị chưa chắc không bực mình. Như mọi ngày, trước lúc ngủ trưa luôn luôn phải đọc một cái gì đó. Trong bề bộn sách báo lăn lóc trên giường, vớ tay cầm lấy quyển Tôi tự hào là người Việt Nam do Nguyễn Mạnh Hùng chủ biên. Lật ngay trang 260 có bài Người Việt cao quý của Hà Minh Hồng. Trang 8 của tập sách này cho biết, tác giả là TS Sử học năm 1991, được phong Phó GS Sử học năm 2009 và bài viết của ông trong tập sách này “đại diện cho giới sử học”. Kinh ngạc quá, không ngờ đến thời điểm này mà vị TS Sử học đáng kính này vẫn còn khẳng định tác giả Người Việt cao quý là A. Pazzi - một người Ý! “Viết về những cao quý của mình không phải để tự khen theo kiểu “tự sướng”, mà là để tự tôn, tự hào một cách tự tin như ngày trước A. Pazzi viết về người Việt cao quý đó thôi” (tr.263). Do nhầm tác giả là “người khác nói về dân tộc mình” nên ông tha hồ bình luận, trích dẫn và nói chắc như đinh đóng cột: “vì thế nhiều người khác vẫn viết về người Việt bằng sự thân thiện và ngưỡng mộ như trước vậy”. Quái đãn chưa? Hàng chục năm trước, giới nghiên cứu đã phát hiện làm gì có cái ông A. Pazzi mắt xanh mũi lõ nào mà tác giả Người Việt cao quý mũi tẹt da vàng chính là nhà văn Vũ Hạnh. Tác giả Con chó hào hùng cũng đã nói rõ điều đó trong lần tái bản vài năm trước đây rồi! Sự việc rõ ràng như ban ngày, y có được quyền nghi ngờ danh xưng TS ấy không?

Có những vấn đề giới nghiên cứu đã giải quyết xong rồi, nhưng có người vẫn không hề hay biết gì cả. Nguyên cớ do đâu? Do không chịu đọc chăng? Hay do gì khác? Chỉ tội nghiệp các em HSSV ngày ngày phải học mãi những vấn đề mà nay người ta nhận thức khác trước. Thời điểm này, phát động chiến dịch Tôi tự hào là người Việt Nam là đúng nhưng chưa đủ. Điều cần thiết vẫn là có tinh thần dũng cảm dám chỉ ra các thói hư tật xấu của người Việt. Có nhìn nhận, nhìn thấy các khiếm khuyết, nhược điểm ấy  thì mới có thể chấn chỉnh, xây dựng, phát huy được sức sống trường tồn của một dân tộc. Bằng không, chỉ là những lời nói suông, “tự sướng” rất nguy hiểm bởi tự mình ru ngủ lấy mình bằng những hào quang của quá khứ hoặc tự tưởng tượng tô lục chuốc hồng. Lang thang trên internet, vừa đọc được bài thơ Vì Sao?của tác giả Xuyên Sơn - nguyên văn thế này:

Anh có ở lại đây một trăm năm,

Ăn gà tây, uống coca, cũng không thành Mỹ trắng.

Anh có ở lại đây một ngàn năm,

Cắt cỏ dang nắng, cũng không thành Mỹ đen.

Tiếng Anh tiếng U nay chắc anh nói cũng đã quen,

Nhưng đến bao giờ mới phai mùi nước mắm.

Anh có muốn ở lại suốt đời?

Để mỗi lần đi cày về anh tắm,

Chỉ tắm dưới vòi sen?

Những người đồng hương anh vừa quen hôm qua,

Ngày mai có thể trở thành kẻ lạ.

Những người thường làm mặt lạ,

Lại có thể bá cổ hôn anh,

Nếu anh lên nhanh, nếu anh trúng số.

Ôi cái xứ sở xô bồ,

Lắm người qua hơn hai mươi năm

Vẫn còn bị hố.

Hàng xóm, láng giềng, nhà nhà lố nhố,

Nhưng chẳng ai thèm biết tên ai.

Xe của ai nấy đi,

Nhà của ai nấy đóng kín mít..

Tết tây tết ta, lễ tạ ơn tạ nghĩa,

Chẳng hề qua lại hỏi thăm nhau.

Thỉnh thoảng gặp nhau trên đường đi,

Cũng đặt bày làm người lịch sự,

Mấp máy nói hai nói ba, chào nhau,

Như chào cái cột cờ di động.

Đường phố, phi trường, núi rừng, ruộng đồng quá rộng,

Mà lòng con người đa phần tôi gặp,

Lại nhỏ bé đến li ti,

Nhỏ bé đến dị kỳ,

Nhỏ bé còn hơn những gì nhỏ nhất!

Thế mà từ quê nhà còn lắm người ao ước ra đi,

Thế mà từ quê người vẫn chưa có mấy ai thích trở về... vĩnh viễn!

Vì sao ? Vì sao ?

Thì ai biết vì sao? Trời đã chiều. Đã nghe đâu đó có tiếng gà gáy vọng lại. Thoáng đó, đã cuối tuần. Ngày mai, ngày mốt nữa. Những ngày nghỉ cuối tuần. Những ngày ấy dài lê thê như trang sách đã mở ra mà suốt một đời không thể nào đọc hết. Thèm nghe tiếng gọi í ớ reo vui đâu đó ở bên ngoài cánh cửa. Chẳng ai gọi. Không một âm thanh nào gọi. Y bèn gọi lấy cõi lòng y bằng câu thơ Lửa thiêng Huy Cận dù đang rã rời bởi cần tìm lấy sự an ủi lúc chiều lên đêm xuống trong mờ mờ đơn độc:

Ồ những người ta đi hóng xuân

Cho tôi theo với, kéo tôi gần!

Rộn ràng bước nhịp hương vương gót

Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân.

Được thế, sung sướng biết bao nhiêu phải không Q?

Vâng ạ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.9.2014


Chiều, u ám. Khoảng khắc thời gian của chiều đã nhầu nhẽo. Đã héo. Mây xám xịt như chờ chực sẽ đổ xuống những giọt nước mưa lênh loáng phố xá. Nhìn quanh bốn bề, vẫn thế. Vẫn những chồng sách cũ. Vẫn máy vi tính đã quen. Vẫn tiếng chuông chùa tụng kinh gõ mõ rầu rĩ mỗi chiều. Tự dưng, ớn lạnh. Một cảm giác đơn độc có cảm giác như có chiếc lưỡi rắn chậm chạm, từ từ liếm lấy cái linh hồn đang trơ vơ, trống trọi. Bèn, đứng phắt dậy. Tắt máy. Bước nhanh ra khỏi nhà. Vẫn con đường đó. Góc phố đó. Vẫn tiếng xe gào rú mỗi ngày.  Vẫn đèn đường xanh vàng đỏ nhấp nháy liên tục, vô hồn. Vẫn con người của y đã cũ như từng ngày đã cũ. Đi đâu? Tự dưng, thèm nhìn thấy những gương mặt người. Những đồng nghiệp đã từng cười nói mỗi ngày thân thiện. Nghĩ vẩn vơ, chỉ chừng dăm năm nữa nghỉ hưu. Nếu lúc ấy vẫn đơn thân độc mã, y sẽ bằng cách nào để nhai ngấu hết 24 giờ trong một ngày? Chỉ thoáng nghĩ, đã rùng mình. Đôi khi, chìm đắm trong một cõi im lặng là một thú vị êm đềm; nhưng đôi lúc, lại cảm thấy trống rỗng ghê gớm. Thèm nghe đâu đó những tiếng cười nói thân tình. Chiều này, vào cơ quan đã nghe và đã thấy. Rủ đồng nghiệp cùng đi ăn cháo Tiều. Đi ăn chung cho vui. Đã quá ngán ngẫm sáng trưa chiều tối ngồi ăn một mình.

Lúc ngồi ăn, nghĩ lan man. Nghĩ rằng, ăn theo thuở ở theo thời: Thời buổi này, không còn là thời của nhà văn nữa. Nói như thế, bởi những ngày này đọc linh tinh và cảm nhận rằng, trước kia uy tín nhà văn trong cộng đồng sáng giá lắm. Bây giờ, đã khác. Thử hỏi, nếu hiện nay một hãng sản xuất nọ, khi tung ra sản phẩm mới thì họ sẽ mời hạng người nào quảng bá ầm ĩ cho làng trên xuống dưới cùng biết? Mời nhà văn chăng? Đừng hòng. Chỉ có thể là những ca sĩ, người mẫu, hoa khôi, hoa hậu, diễn viên điện ảnh… Thời trước chính nhà văn đóng vai trò này. Bằng chứng, nửa cuối thế kỷ XX, hãng rượu Văn Điển nổi tiếng nhất miền Bắc đã  mời “đệ nhất tửu lượng” thi sĩ Tản Đà viết giúp cho bài hát nói như một sự “bảo chứng” chất lượng. Hiện nay, tuyển tập thơ Tản Đà không có in lại (vì thiếu tư liệu), do đó, y chép lại trọn vẹn giúp các nhà nghiên cứu văn học:

Ta về ta tắm ao ta

Ao ta uống mát rượu nhà uống ngon

Nghĩ thôi sông cạn đá mòn

Ai hay quốc túy lại còn có nay

Nam nhân Nam tửu

Người Annam uống rượu Annam

Bõ nhớ thương vụng thầm bao những lúc

Chất gạo có say không nhức óc

Hơi men cùng nhấp lại mềm môi

Trải tang thương non nước có đầy vơi

Còn chút đó cuộc đời chưa đáng chán

Rót đầy chén, uống chơi cho cạn

Họ nhà Tiên, nào những bạn Lưu Linh

Yêu nhau một hớp cũng tình…

Tương tự ở trong Nam, hiệu thuốc Nam của thầy thuốc Nguyễn An Cư rất nổi tiếng. Ông Cư là em ruột nhà văn, dịch giả Nguyễn An Khương; chú ruột của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Sở dĩ, thuốc của ông Cư bán chạy, được nhiều người tin cậy vì cụ Phan Bội Châu đã có thơ khen. Lời khen của một bậc chí sĩ, một nhà thơ ái quốc có giá trị gấp triệu lần phát ngôn của chân dài váy ngắn. Dù cụ Phan khen từ những năm 1930, nhưng mãi đến năm 1960, quảng cáo in tạp chí Phổ Thông số xuân Canh Tý vẫn còn rành rành dòng chữ:

“Cụ Phan Bội Châu khen:

Phương thánh đã đành nhờ sách vở;

Tay thần há dễ nhẹ công phu.

Đó là 3 câu thơ cụ Phan Bội Châu đề tặng Thuốc Rượu 39 của cụ Nguyễn An Cư. Cụ Phan Bội Châu khen là thuốc thánh. Mà quả thật là vậy. Thuốc 39 là phương thuốc trị bệnh tê bại nhức mỏi, tê thấp hay vô cùng”.

Sở dĩ, thời đó các nhà kinh doanh sử dụng tên tuổi Phan Bội Châu, Tản Đà và nhiều nhà văn khác là do uy tín của họ đối với cộng đồng. Mới vài năm trước, một nữ doanh nhân nọ ở xứ Nghệ đã chơi sang bằng cách bỏ tiền thuê một dàn ca sĩ ngôi sao từ Nam ra Bắc hát phục vụ dám cưới! Tất nhiên, phải trả một số tiền rất khủng mà thiên hạ lại đàm tiếu ì sèo. Nếu đám cưới đó diễn ra khoảng thập niên 1930, chưa chắc xẩy ra chuyện mời ca sĩ. Thời đó, dù bỉu môi: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” nhưng công chúng vẫn dành cho người cầm bút sự nể trọng.  Đọc lại nhiều hồi ký, biết rằng, đám cưới của ông nhà văn nghèo nhất xứ Annam, nghèo đến độ ho lao vì lao lực kiếm sống nhưng lại là sự vẻ vang cho cả làng: đám cưới Vũ Trọng Phụng. Không vẻ vang sao được khi có hàng chục nhà văn tăm tiếng nhất Hà Nội về tham dự. Thời trước, khi nhà trai đem sính lễ đến nhà gái, lúc bước vào cổng làng thường có sợi dây điều do trẻ con chắn ngang, không cho đi tiếp. Nhà trai phải vui vẻ, biết điều cho bọn trẻ con vài hào, vài đồng để chúng tháo dây ra. Tục lệ là vậy. Nhưng đám cưới Vũ Trọng Phụng, các cụ không cho phép bởi biết đâu các ông nhà văn đưa lên nhật trình thì xấu mặt cả làng.

Tưởng cũng nên nhắc lại chi tiết mà y đã viết Nhật ký 18.9.2013: “Đọc tạp chí Văn số cuối cùng có chi tiết, khi trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức húy nhật cụ, ban tổ chức đã  cất công vào Sài Gòn mời nhà văn ra tham dự. Thời đó, một giọng ca, một gương mặt diễn viên càng trở nên “sang trọng” hơn khi có bài nhận định của nhà văn, nhà thơ”. Bây giờ, thế nào? Cũng nhà văn ư? Đừng hòng. Người ta không cần “làm sang” bằng tên tuổi của nhà văn nữa. Mà, phải là ca sĩ, người mẫu thời trang gì gì đó. Xem qua các clip trên Yotube, còn thấy mồn một hình ảnh nam ca sĩ nọ lúc trình diễn cao hứng tháo nón, cởi áo, quăng giày xuống là cả hàng ngàn sinh viên đúng dưới bâu lại cấu xé, tranh giành như phải cướp cho bằng được “ân huệ” của “thần tượng”! Náo loạn, nhốn nháo cả lên. Đau quá. Sinh viên đó ư? Ai làm hư các em SVHS, nói chính xác hơn là điều gì đã khiến dẫn đến sự “lệch chuẩn” ở lứa tuổi này?

 

Tinhthan-hoc-tap

Tuyên ngôn giáo dục của các nhà nho Việt Nam thời Pháp thuộc - ảnh tư liệu

 

Mùa khai trường năm nay, tại phân hiệu Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm - thuộc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Lê Thị Hồng Gấm, Q.3, TP.HCM đã chào mừng bằng cách nào? Bằng cách... "múa cột" hở hang! Báo điện tử TNO ngày 6.9.2014 cho biết: “Clip này nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng mạng với nhiều ý kiến phê phán “vũ điệu” phản cảm này không nên xuất hiện tại một buổi lễ trang trọng như lễ khai giảng. Đáng nói trong suốt chiều dài clip “nhân vật chính” hầu như chỉ thể hiện động tác chính là uốn người, lắc mông. Và các bộ phận được phô diễn là mông, ngực, bụng và đùi; đạo cụ chủ yếu là cột và ghế.Thậm chí có thời điểm, người này còn đứng “trung bình tấn” để “diễn hình thể”. Màn “múa cột” nói trên được đông đảo học sinh theo dõi vỗ tay tán dương. Nhiều người còn dùng điện thoại để quay lại”. Đau đớn chưa? Bẽ bàng chưa? Hay chẳng có gì đáng bận tâm? Đúng thế, có gì đáng bận tâm khi mà từ chất liệu có thật nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng viết nên tiểu thuyết Gạ tình lấy điểm. Từ “gạ” trong trường hợp này rất lưu manh. Lưu manh đã gạ gẫm nhau à?  Không, thầy giáo đã “gạ” nữ sinh. Chắc chắn, cái tên “thầy giáo” Đỗ Tư Đông sẽ mãi mãi “ngàn năm bia miệng”…

Ăn thịt chó là quyền mỗi người, nhưng quyết không thể xẩy ra ở nơi chùa chiền. Muốn kiếm tiền nhanh chóng, muồn đầu tư kiếm lợi bằng mọi giá, mọi cách là quyền mỗi người, nhưng quyết không thể chấp nhận ai đó trục lợi từ lãnh vực giáo dục. Ngay cả tờ báo dành cho học trò cũng đáng phàn nàn. Báo PN TP.HCM số vừa rồi in bài Phát hoảng với báo dành cho học trò có đoạn: “Với các nội dung như “dạy” cho học trò cách ăn mặc, trang điểm để trở thành “sao”; bí quyết ăn mặc quyến rũ thu hút “đối phương”; giới thiệu địa chỉ mua sắm hàng hiệu, vui chơi, ăn uống… dường như là “tiêu chí” mà nhiều tờ báo hướng đến. Như trong chuyên mục thời trang trên báo 2! (số chuyên đề của báo Sinh viên Việt Nam) có hướng dẫn cách tận dụng bikini sau mùa hè, ở chuyên mục này, phụ huynh sẽ không khỏi “mắt tròn, mắt dẹt” với những bộ trang phục “mát mẻ” có phần phản cảm của các người mẫu”. Đau đớn chưa? Bẽ bàng chưa? Hay chẳng có gì đáng bận tâm? Thiết nghĩ, muốn giải quyết dứt điểm một vụ việc nào đó không thể tách rời nó khỏi một hệ thống chung. Nếu tách rời khỏi khỏi hệ thống chung chỉ là giải quyết phần ngọn. Chỉ chăm bẳm chấn chỉnh cái cụ thể này mà không nhìn thấy toàn cục sẽ tiếp tục nẩy sinh cái cụ thể khác.

Đã chiều tối. Nhật ký hằng ngày cũng là cách giết thời gian đó thôi. Ước gì, có những chiều rong chơi, bia bọt nhì nhằng vẫn hơn. Viết mỗi ngày để làm gì? Lại đôi khi nghĩ ngợi mệt đầu. Chi bằng cứ nốc cho say bí tỉ, về ngủ vùi một giấc có phải hơn không? Nói thì nói thế, nhưng rồi, mỗi chiều vẫn quẩn quanh trong bốn bức tường để vùi đầu, cắm mắt vào những trang sách nát. Ngốc nghếch quá đi mất. Trải nghiệm qua cảm nhận từng ngày, va chạm từng ngày, chung chạ từng ngày, đồng hành từng ngày với đời sống bao giờ cũng thú vị gấp hàng trăm, hàng triệu lần. Bởi đó mới chính là sống.

Nhớ chưa Q?

Dạ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 9.9.2014


mongtay-cua-nha-nho-VN

Móng tay nhà nho Việt Nam ngày xưa - ảnh tư liệu

 

Ghi lại vài suy nghĩ thoáng qua:

- Thánh Ganhdi cho biết, ban đầu, ông không thích đọc Kinh thánh, nhất là phần Cựu ước, không đem lại cho ông sự hứng thú. “Khi ấy, tôi chỉ thấy có một hình ảnh duy nhất về đạo này là sự tự do một tay cầm chai whisky và một tay cầm miếng beef-steak. Suy nghĩ này thay đổi sau khi ông đọc phần đọc Tân ước, đọc Bài giảng trên núi của Đức Kitô. Nhắc lại, chắc dù ngoại đạo nhưng ai cũng nhớ đến câu: “Nếu ai tát má bên phải ngươi, hãy đưa luôn má bên trái”. Sau này, anh bạn Bùi Chí Vinh viết bài thơ Phản ứng sinh học cũng lấy từ ý đó: "Chúng tát vào má phải của Giêsu/ Giêsu chìa má trái/ Chúng tát vào má ta bên phải/ Ta không làm Giêsu/ Ta tập trung một thế hệ căm thù/ Để chìa ra… quả đấm”. Thánh Ganhdi cho biết: “Chính Bài giảng trên núi đã cho tôi thấy giá trị của sự kháng cự “bất bạo động”. Tâm hồn tôi tràn đầy sự vui mừng khi đọc: yêu mến kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (Đối diện số 6 - tháng 12.1969).

- Như thế nào là tưởng nhớ tiền nhân? Là xây đền đài, nhà bảo tàng, dựng tượng, linh đình lễ hội ở khắp nơi khắp chốn chăng? Theo Jawahartal Nehru - thủ tương đầu tiên của nước Ấn Độ: “Lời cầu nguyện tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng lên, đó là chúng ta thề hiến mình cho sự thật và đại nghĩa mà bậc vĩ nhân đồng bào chúng ta đã sống và chết để phục vụ”. Ý nghĩa đích thực, tư tường tích cực này dù thời đại nào, dưới gầm trời nào bao giờ cũng đúng.

- Sau khi cụ Phan Châu Trinh về nước, năm 1925, cụ ở tại khách sạn Chiêu Nam lầu của cụ Nguyễn An Khương - thân phụ Nguyễn An Ninh. Hằng ngày, nhiều người ai mộ tìm đến thăm cụ. Ngày nọ, có tốp thanh niên trai tráng đến thăm, lúc ra về họ thưa: “Kính chúc cụ khỏe mạnh luôn luôn để dìu dắt quốc dân giành độc lập”. Cụ Phan nổi giận, xách ba tong đuổi bọn thanh niên ấy chạy có cờ, cụ quát: “Các anh còn trẻ, thân dài vài rộng, không lo cứu dân, cứu nước mà ỷ lại gì vào thân già này?”. Chuyện này, không thấy ghi trong sử sách. Chỉ nghe được khi thu thập tài liệu viết tiểu thuyết lịch sử Dấu ấn Nguyễn An Ninh. Thông tin trên đáng tin cậy, phù hợp với tính cách cụ Phan - một người rất Quảng Nam.

- Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam “không phải là một chủ thuyết”, “không bắt đầu bằng một lý thuyết về bất bạo động mà bằng ý thức về những khổ đau cùng cực do bạo động gây nên”. Người Việt Nam đã có sáng tạo gì trong đấu tranh bất bạo động, khác với Thánh Ganhdi? Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa ra 12 phương tiện và hình thái đấu tranh như sau:

1. Triệt để nêu cao tầm quan trọng của một nền văn hóa dân tộc;

2. Khai phá một đường lối chính trị dân tộc và nhân bản;

3 .Trực tiếp đặt và giải quyết các vấn đề xã hội;

4. Phát khơi một nền văn học phản chiến qua trọng;

5. Sử dụng ca dao, hò vè, kinh cầu nguyện và sấm  truyền;

6. Liên minh với tất cả các lực lượng dân tộc và hòa bình;

7. Áp dụng phương pháp tự thiêu để cảnh tỉnh, phản kháng và giáo dục;

8. Tuyệt thực để cầu nguyện và tạo tinh thần cho đoàn kết;

9. Chặt tay để cảnh cáo bạo quyền;

10. Đem bàn thờ ra đường chận chiến xa;

11. Cạo đầu phản đối chính quyền;

12. Thực hiện bất hợp tác.

Có thể tìm đọc tiểu luận quan trọng này trên tạp chí Đối Diện số 2 (6.1969).

- Cũng theo Thích Nhất hạnh, phát động phong trào đấu tranh Phật giáo tại miền Nam 1966 là một loạt bài kinh cầu nguyện, chẳng hạn:

“Kính lạy mười phương chư Phật

Từ bi trí tuệ chan hòa, xin thương Việt Nam khốn khổ hai mươi năm lẻ can qua, đất nước hai miền chia cắt, máu xương rơi rụng trẻ già;

Mẹ khóc khô giòng nước mắt con phơi thây chiến trường xa, rách nát non sông gấm vóc, khóc thương máu lệ chan hòa, huynh đệ tương tàn tương sát theo xúi xiểm gần xa…

Kính lạy mười phương chư Phật.

Xót thương dân Việt hiếu hòa, xin cho Việt Nam mở mắt nhìn ra Nam Bắc một nhà, xin cho từ bi khơi dậy trong tình huynh đệ, xin cho lợi quyền chủ nghĩa biến thành thương cảm xót xa, lạy đức từ bi dun dủi để cho thù hận xóa nhòa…”.

Câu văn nhịp nhàng nghe như tiếng nấc nghẹn. Chép lại như một tài liệu để thấy rằng, trong tâm thức của người Việt trước lúc ra trận bao giờ cũng có những bài hịch, lời kêu gọi nhằm huy động sức mạnh toàn lực lượng. Văn nhân trói gà không chặt há nào phải vô dụng? Bút lực của các danh nhân Nguyễn Trãi, Phan Huy Ích v.v… đời sau ghi nhận có sức mạnh hơn cả vạn quân địch là vậy. Nếu nay mai xẩy ra cuộc chiến chống Trung Quốc, liệu người Việt có còn sử dụng hịch, lời kêu gọi? Chắc là có. Nói thế thôi. Trong thế giới phẳng, cuộc xâm lăng bằng vũ lực đã lỗi thời, điều cốt tử vẫn là sự xâm lăng về mặt văn hóa. Các tượng sư tử phương Bắc tự dưng một ngày thức dậy đã thấy chễm chệ từ tư gia đến chùa chiền, miếu mạo là một thí dụ sinh động. Sắp tới sẽ là gì?

- Sáng ngày 8.9.2014, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (1 Tràng Tiền, Hà Nội) lần đầu tiên triển lãm về cải cách ruộng đất. Báo TN sáng nay đưa tin: “Triển lãm có 133 hiện vật, chia làm 4 phần. Phần đời sống trước Cải cách ruộng đất có tới 45 hiện vật. Phần Cải cách ruộng đất có 18 hiện vật, tư liệu ảnh của Thông tấn xã nổi trội. Có niềm vui của người nông dân hăng hái ủng hộ chính sách cải cách ruộng đất. Có cảnh quán triệt chủ trương với công nhân. Kèm theo đó là nhiều văn bản liên quan như đơn xin hiến đất, thống kê tình hình tài sản tịch thu, cùng các bản tin liên quan đến công cuộc cải cách này. Phần Sai lầm và sửa sai lầm trong cải cách ruộng đất chiếm số hiện vật không nhiều - chỉ có 6. Phần trưng bày cuối về Hoàn thành thắng lợi cải cách ruộng đất với 34 hiện vật, trong đó có tư liệu ảnh nhân dân cắm thẻ nhận ruộng, nông dân vui sướng đốt văn tự cũ...”.

-Vài năm trước đây, tạp chí Xưa & nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có làm chuyên đề về cải cách ruộng đất.

Đôi khi tự hỏi, hình thái kinh tế - xã hội Việt Nam có đã hình thành “giai cấp” chưa? Thế nào là giai cấp, theo Từ điển tiếng Việt (NXN KHXH - 1988): “Giai cấp: Tập đoàn người đông đảo có địa vị như nhau trong hệ thống sản xuất, trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất, trong tổ chức lao động xã hội, trong sự hưởng thụ và đo đó có quyền lợi chung, phân biệt với những tập đoàn người khác” (tr.408). Đọc các văn bản liên quan đến cải cách ruộng đất, chẳng hạn, nghị quyết Về công tác cải cách rượng đất đã được Quốc hội nhất trí thông qua trong buổi họp đêm 18.1.1957, có đoạn: “Ở miền Bắc, giai cấp địa chủ căn bản đã bị đánh đổ, chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất đã bị xoá bỏ, nông dân đã làm chủ nông thôn; nguyện vọng lâu đời của nông dân là "người cày có ruộng" đã thực hiện…”.

Thời điểm đó, “giai cấp địa chủ” đã hình thành?

Với câu hỏi đó, thú thật, y ngần ngừ quá. Không dám mạnh miệng khẳng định hay phủ nhận. Chỉ biết, giai cấp địa chủ như kiểu Trung Quốc và các nước khác thì ở Việt Nan chưa hình thành. Dân tộc Việt Nam vốn hiếu hòa, giàu lòng nhân nên dù có ăn trên ngồi tróc, có là địa chủ (ở miền Nam gọi chủ điền) họ cũng không đàn áp, bóc lột nông nô đến tận cùng xương thịt. Lịch sử nước nhà đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng nông dân chống lại triều đình hà khắc chứ không phải chống lại địa chủ. Có thể xét thấy rằng, giữa nông dân và địa chủ chưa đẩy mâu thuẫn tột cùng để dẫn đến “đấu tranh giai cấp”. Do suy nghĩ máy móc ghép các thành phần khác vào trong cái rọ “giai cấp” nên cuộc thanh trừng mới đẫm máu, bất kể đạo lý làm người.

Trước năm 1975, tại miền Nam đã hình thành “giai cấp tư sản mại bản” chưa? Nếu có chăng cũng một số ít người, còn lại, nghĩ cho cùng cũng chỉ mới là thành phần giàu có mà sự làm giàu ấy chưa tiêu biểu trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất của cùng một giai cấp. Thế nhưng, do tùy tiện ghép họ thuộc “giai cấp”đối kháng nên mới dẫn đến sai lầm. Chìa khóa bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác có phải “chuyên chính vô sản” và “đấu tranh giai cấp”? Có điều ở Việt Nam đã hình thành, đã phân chia rạch ròi giai cấp chưa? Lại nghĩ, có hay chưa “giai cấp công nhân”? Tầng lớp công nhân ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện từ thập niên 1920 cùng với sự du nhập của máy móc, khoa học kỹ thuật của người Pháp. Lúc ấy, họ hầu hết xuất thân từ nông thôn ra thành thị làm thuê cho Pháp. Mãi đến đầu thế kỷ XXI, thành phần xuất thân công nhân có khác gì không? Họ thật sự làm chủ máy móc hay chỉ là tầng lớp làm thuê, thuộc hạng dân nghèo thành thị? Rồi từ năm 1934, ông Phan Khôi đã phản biện là ở Việt Nam không có chế độ phong kiến; sao không đặt câu hỏi, ở Việt Nam có trải qua hình thái xã hội chiếm hữu nô lệ hay không? v.v... Những vấn đề này nên suy nghĩ thế nào? Nếu có những cuộc hội thảo khoa học bàn luận thì hay quá.

- Tối ngày 8.9.2014 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu tổ chức Kỷ niệm 95 năm Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang (1919 - 2014) nhằm tôn vinh giá trị, tri ân công lao của cố nghệ nhân Cao Văn Lầu và các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân có công phát triển bản Dạ cổ hoài lang trở thành bản Vọng cổ. Nếu ngày đó, vợ chồng ông có con sớm như bao người khác, không đến nỗi bị cha mẹ buộc phải bỏ vợ thì làm sao ông có được sự bi thương, tấm lòng da diết yêu thương người vợ hiền để thôi thúc sáng tác Dạ cổ hoài lang. Nghệ thuật ra đời từ thổn thức tuyệt vọng không thể xẻ chia với ai khác. May mắn thay, sau khi viết xong nỗi lòng thăm thẳm rầu thảm tự lòng mình, vợ ông đã sinh con đúng như ước nguyện trong câu kết "Cho én nhạn hiệp đôi". Có phải trời cao đã hiểu lòng ông - một tấm lòng thủ y chung như nhất?  Người xưa bảo, thơ văn có thể động đến quỷ thần, nếu thế, Dạ cổ hoài lang là một thí dụ đó chăng?

                                                                                                                                                                        

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 7.9.2014

 

Có mấy thông tin lưu ý:

Ngày 3.9.2014: Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo VN gửi công văn tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN ở 63 tỉnh thành yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện - đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng - chủ động tổ chức di dời, không bài trí các tượng sư tử đá và linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống VN ra khỏi cơ sở thờ tự, tự viện; phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý.

Ngày 4.9.2014: Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kết quả bay thực nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TP HCM sử dụng không phận Lào và Campuchia, tương đồng với đề xuất “đường bay vàng” theo cách bay kéo thẳng kinh tuyến 1060 Đông từ Hà Nội đi TP HCM. Thử nghiệm trên mô hình buồng lái giả định cho thấy “đường bay vàng” chỉ rút ngắn được 5 phút bay, tiết kiệm được khoảng 190 kg nhiên liệu, tương đương 190 USD song chi phí quá cảnh Lào và Campuchia hiện là 637 USD/chuyến bay.

Ngày 5.9.2014: 22 triệu học sinh (HS), sinh viên cả nước bước vào năm học 2014-2015.

Có lẽ những ngày này, Dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia do Bộ Công thương đang soạn thảo (quy định hạn chế bán bia tại một số địa điểm như: trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè…) vẫn là câu chuyện “trà dư tửu hậu” của nhiều người.

Đêm qua, mưa khủng khiếp. Tẹo đi châu Âu về, ghé ngủ lại nhà 1 đêm, chiều qua đã ra sân bay về Đà Nẵng. Chiều qua, ngồi một mình đếm tiếng mưa. Nghe rầu rĩ quá bèn đóng cửa nhà, đi ngủ sớm. Vẫn thói quen đã quen, quen đọc cái gì đó trước lúc ngủ. Vẫn đọc Lỗ Tấn. Đêm qua, mở ra, gặp lại câu trong tạp bút Hồng không hoa: “Những lời nói dối viết bằng mực quyết không che lấp sự thật viết bằng máu. Nợ máu phải trả bằng máu. Hễ mắc nợ càng lâu thì trả lãi càng nhiều”. Nếu soi rọi vào lịch sử Việt Nam, câu này có ý nghĩa gì đối với các triều đại Trung Quốc từ trước đến nay? Đến bao giờ nhà cầm quyền Trung Quốc mới ý thức được như Lỗ Tấn?

Sáng nay, Chủ nhật. Đã lâu rồi. Vẫn chỗ ngồi mỗi ngày. Vẫn gõ bàn phím. Giết thời gian. Thời gian của từng ngày tẻ nhạt. Cũ rích. Ẩm mốc. Cảm tưởng như từng giọt máu trong thân xác này đang khô lại. Từng mạch máu nghẽn. Từng ngày không gì mới. Vẫn nhàn nhạt trôi qua. Đến một lứa tuổi nào đó, con người ta cảm thấy tìm kiếm niềm vui khó khăn lắm. Niềm vui của thời trai trẻ không còn đủ sức hấp dẫn, quyến rũ như trước nữa. Tưởng là thế. Niềm vui xuyên suốt trong đời y, nghiệm lại, hầu như vẫn không gì thay đổi. Ngay từ thơ bé, thuở mười lăm, mười sáu đã có thói quen lang lang đến chỗ bán cân ký các loại sách báo cũ. Y nhẵn mặt ở đoạn đường Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng), đến lục lọi, tìm mua một cách say mê, hứng thú. Vài chục năm sau, vẫn còn giữ thói quen ấy.

Ngày hôm kia, sau khi đi thăm ông bạn già thi sĩ ở cư xá Bắc Hải, lúc về, như thói quen, lại tạt vào tiệm sách cũ trên đường Cách mạng tháng Tám. Mải mê tìm kiếm sách. Lật ra bìa cuối quyển sách nào cũng thấy giá ghi cao quá nên ngần ngừ bỏ xuống. Nơi này, không bao giờ bớt một xu. Chẳng hy vọng trả giá. Đột nhiên, cậu thanh niên, con trai ông già bán sách bước đến: “Anh thích quyển nào? Anh chọn đi. Em lấy giá rẻ cho anh”. Ngạc nhiên quá, hỏi thêm đôi câu. Cậu trai ấy nói, đại khái, bố em bán sách chứ không phải phổ biến văn hóa (!?). Một quyển sách có thể cần thiết cho người này, được nâng niu từng trang; với người kia, trang sách ấy chỉ là giấy lót nồi, không hơn không kém. Vì thế, ai cần quyển sách nào, tùy đồng tiền họ có thể mua mà bán cho họ. Cứ khăng khăng bán giá cao kiếm lãi, thì đâu phải là nghề bán sách (!?). Nghe được những câu lọt lỗ tai ấy, bèn cười: “Nói thế thôi, chắc gì bố em đã đồng ý?”. “Anh yên tâm, bố em vừa đi khỏi nhà rồi. Anh chọn mua đi. Nếu anh thật sự thích, em nhường lại cho anh ngay”. Ơ hay! Nếu ông bố của cậu trai ấy, lúc quay về phát hiện ra thì sẽ thế nào? Ông bố bán sách kiếm sống nên nghĩ khác. Cậu con trai lại nghĩ khác. Ai cũng có lý cả. Đọc Vương Hồng Sển, còn nhớ rằng, cái thú chơi đồ cổ phải “có hậu” - nghĩa là không vì người bán lúc túng quẫn là bắt chẹt, ép giá; không vì biết họ “tay mơ” mà hạ giá như mua một mớ rau ngoài chợ! Cái gì cũng nên thuận mua vừa bán. Nghe những lời bộc bạch của cậu trai trẻ ấy, nghĩ gì? Nên mua hay không?

Đi mua sách cũ đôi khi có những suy nghĩ vẩn vơ ấy. Buồn cười ấy.

Sáng hôm qua, sau khi ăn phở với Tẹo, lại tạt vào hiệu sách cũ, lúc trên đường về nhà. Thấy có bày bán nhiều tạp chí Đối Diện, loại quay ronéo. Thế mới quý. Vì sau khi bị đàn áp dữ dội, không thể in ấn được nên khoảng từ năm 1974 đến tháng 3.1975 nó xuất hiện bằng hình thức đó. 50 ngàn đồng/cuốn. Góp phần làm sụp đổ chế độ Sài Gòn có phần tiếp tay tích cực của loại báo chí tả khuynh này. Còn nhớ, ông cậu ruột của y, dù không là “Việt cộng nằm vùng” nhưng trong nhà có lưu trữ những tạp chí Đối Diện cũng bị bắt bớ, truy vấn về thái độ chính trị. Trí thức miền Nam rất khoái tờ báo này. "Công lao" ấy, sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ sẽ được ghi nhận chăng? Chỉ biết, số phận Đối Diện kết thúc từ số báo cuối cùng 114 - số đặc biệt Giáng sinh 1978 (phát hành 12.1978). Trong đó, có "Lời cáo biệt" của LM Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan cùng ban biên tập và tòa soạn. Sau này, gặp anh Nguyễn Nghị - thành viên ban biên tập Đối Diện, anh cho biết cách thức qua mặt sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn là mọi vật liệu, in ấn, phát hành đều xuất phát từ một nhà thờ ở Thủ Đức. Cách làm báo linh động, độc đáo ấy, có lẽ chẳng còn có cơ hội quay trở lại.

 

so-bao-cuocung

Tạp chí Đối Diện số 114 - số báo cuối cùng phát hành tháng 12.1978 - tư liệu L.M.Q

 

Bây giờ, cách làm báo đã khác. Thông tin lưu truyền, phổ biến cũng đã khác trước. Trong quyển Một nền báo chí phẳng (NXB Trẻ- 2014), anh bạn nhà báo Đỗ Đình Tấn thở dài: “Nếu tin vào những dự báo này thì Internet sẽ là gã bắn phát súng ân huệ cuối cùng cho báo in”; (…) “Theo Tổ chức Bản quyền Trí tuệ thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc, sự biến mất của báo chí truyền thông (báo in) được dự báo cuối cùng là năm 2040! Có tác giả còn ấn định tang lễ đối với nhật báo in cuối cùng là tháng 4.2040. Thậm chí có người cho rằng cái ngày này còn diễn ra sớm hơn nữa: báo in chết vào năm 2017 ở Mỹ, năm 2019 ở Anh và 2020 ở Pháp” (tr.186). Nhân tố nào đẩy bao in truyền thống xuống vực thẳm, không còn là “Kinh nhật tụng buổi sáng cho con người hiện đại” (Georg Hegel) nữa? Anh Tấn cho biết 3 nhân tố, có thể tóm tắt sơ lược:

1. Thông tin miễn phí trên internet là cú đập choáng váng vào các doanh nghiệp báo chí truyền thống; thông tin thừa thãi, dễ dàng tìm kiếm thông tin ngoài báo chí…; 2. Kỹ thuật số hóa và thông tin tràn ngập trên internet cắt đứt sự lệ thuộc của quảng cáo vào báo in…; 3. Sự tràn ngập thông tin cùng công cụ tìm kiếm mới góp phần hình thành thói quen mới của độc giả, nhà báo - người chuyên cung cấp thông tin mất đi sự độc quyền, từ nay, ai ai cũng có thể kết nối và tải lên internet những thông tin của mình. Từ đó, cư dân mạng thiết lập nên thang giá trị riêng cho thông tin dựa trên những quan tâm chung và trên trang web và blog mà họ yêu thích v.v… Nói cách khác, “Cùng với sự ra đời của internet, web, bolg và các trang mạng xã hội đã xuất hiện những  “công dân sinh ra với văn hóa web” (digital natives) cùng những nhà báo công dân (những công dân bình thường hay chuyên gia), và họ đang tải những thông tin không do những phương tiện truyền thông đại chúng sản xuất như trước” (tr.187).

Những thông tin này thú vị, bèn ghi lại. Cũng ghi lại chuyện này luôn. Anh bạn nhà thơ, nhỉnh hơn y vài tuổi, những năm gần đây anh chẳng tha thiết gì với đời sống mà anh cho là “ô trọc” nên chỉ thích ngao du sơn thủy. Nay chiêm bái chùa này, mai nghe kinh chùa nọ và làm thơ thiền. Anh ăn chay như cư sĩ tu tại gia. Vợ con anh đồng thuận sự lựa chọn ấy. Ngày tháng êm ả trôi qua. Hôm nọ, anh hoảng hốt báo tin là mọi sự đảo lộn cả. Tại sao? Rằng, anh có làm bài thơ tặng ni cô chùa nọ rồi post lên trang mạng kia. Nào ngờ, vợ anh đọc được. Cơn ghen đùng đùng dậy sóng! Đàn bà kỳ cục thật. Thấy chồng, tặng thơ cho cô khác, dù không phải thơ tình lăng lăng tán tỉnh, là ghen. “Q nói giúp tôi một tiếng”. Tất nhiên rồi. “Anh đã nói gì với chị chưa? Để Q còn lựa lời”. Anh trầm ngâm giây lát: “Một ly nước đang đầy, rót thêm nữa, nước chỉ tràn ra ngoài. Đã hiểu thế, thế thì, nói thế nào đây? Cách nói tốt nhất, đôi khi chỉ là sự im lặng”.

Ngày chủ nhật. Từ Hà Nội, Đoàn Tuấn vừa nhắn tin: "Nắng đang đẹp. Ngày đang vui. Xuống phố đi Q ơi!"


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.9.2014

 

Sáng qua, xuống trung tâm Sài Gòn. Một mình. Đường phố vắng. Một không gian thanh bình. Êm ả. Không kẹt xe. Không khói xe mù mịt. Không chen lấn, náo nhiệt như mọi ngày. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.

Về nhà. Đọc sách.

Vớ tay, tình cờ gặp tập thơ Em là gái trời bắt xấu của Lệ Khánh. In năm 1964. Nay hầu như không ai nhớ đến tác giả này. Đọc xong, cảm thấy tồi tội. Tội nghiệp. Những vần thơ than mây khóc gió, than vãn cuộc tình buồn, lúc viết chắc hẳn đớn đau lắm nhưng rồi, kẻ khác cầm lên lại thấy nhẹ tênh. Nhẹ tênh con chữ từng vật vã đèn khuya một bóng. Nhẹ tênh tiếng thời gian đi qua nhang tàn thắp khuya. Nghệ thuật đi tìm sự đồng cảm. Chẳng dễ dàng. “Mắt xanh” của tri kỷ, chẳng phải nhà nghệ sĩ nào cũng có. Bằng không, chỉ là tiếng thở dài, tiếng kêu gào, tiếng nói giữa sa mạc mênh mông. Hàng ngàn tiểu thuyết, hàng triệu câu thơ, ca khúc, tranh vẽ… ra ra mắt công chúng đôi khi có cảm tưởng như ném một vốc nước xuống đại dương mênh mông kia. Mất hút. Xa hun hút. Không vọng về một tiếng vang, một âm thanh nào. Biết thế, thấu hiểu hơn cả thế, con người sáng tạo vẫn lầm lũi đi qua trang viết mỗi ngày. Đi như lữ khách vượt qua sa mạc. Đi như mây trên trời đã hun hút dưới vực sâu.

Để làm gì?

Chẳng làm gì cả.

Một thú vui? Một lao động khổ sai? Một nghiệp chướng?

Hôm qua, một ngày ở nhà trong tâm thế nghỉ ngơi, bỗng nhiên thấy ngày dài và rộng đến vô cùng. Dài và rộng như tiếng gõ của nhịp kim đồng hồ. Từng khoảng khắc. Từng giây phút nhích chậm từng giờ. Nhìn lên, nhìn xuống, nhìn trước, nhìn sau chỉ thấy sách. Chán mớ đời. Đời sống ngoài cánh cửa mở, hiện thực ngoài cõi nhân sinh bụi bặm kia mới đáng kể. Sách vở chẳng là gì. Chỉ là những khoảnh khắc thời gian đã cô đọng. Nhịp sống náo nhiệt mỗi ngày mới là sức sống. Ngồi nghĩ linh tinh lang tang, cũng mệt. Sực nhớ đến người bạn già, lâu quá không gặp.

Chiều, đi thăm anh.

Vẫn trong cư xá Bắc Hải. Vẫn cà phê Động Hoa Vàng. Khi đến nơi đã thấy anh quét sân, từ trong nhà vọng ra tiếng đàn dương cầm. Chị Báu, vợ anh đang thả hồn theo các tình khúc lộng lẫy một thời. Đôi vợ chồng “rổ ráp cạp lại” hạnh phúc quá. Anh khoe đã tiếp tục “thi hóa” kinh Phật bằng hàng ngàn câu thơ. Ngồi trước sân nhà gió mát, tịnh không một âm thanh ồn ào, anh đem ra những quyển vở học trò, trong đó đã viết đầy các câu thơ. Ngồi nhẩn nha đọc thơ thì thú quá. Cái thú ấy chỉ nửa chừng, bởi cũng như mọi lần, từ mười năm trước đã thế, anh lại hào hứng nói về phương pháp Phathata. Nói tắt một lời, phương pháp này đã gói gọn trong mấy câu tự kỷ ám thị: “Luôn biết mình dốt/ để gọt tính kiêu/ để yêu như mới/ để cởi mối hiềm/ để thêm tinh tiến/ để biến vô thường/ để đường thử thách/ để mạnh dưỡng khí/ để trí an lạc”. Mỗi người, về già, đều có một đam mê gì đó chăng? Lúc về già, y sẽ mê gì nhất. Gái chăng? Chắc là không? Rượu chăng? Chắc là không? Mà thôi, nào ai có thể biết điều gì sẽ xẩy ra trong tương lai. Nếu biết, chắc chắn đời sống sẽ triệt tiêu hoàn toàn sức hấp dẫn. Nếu hành trình đời người phơi bày ra trước mắt như lật trang cuối tập sách đã thấy phần “mục lục”, còn gì hấp dẫn nữa?

Tình yêu cũng thế. Hấp dẫn bởi con người ta chẳng thể biết trước sẽ đi về đâu, sẽ đến đâu, sẽ viên mãn, sẽ kết thúc thế nào? Mù mờ. Mịt mờ. “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Câu thơ vĩ đại nhất của Cung oán ngâm khúc Nguyễn Gia Thiều đã vận vào mọi kiếp người trên trái đất nhỏ bé này. Cứ thế, con người ta lại hăm hở lao đi. Có thể sẽ va vào bức tường vô hình trước mắt, vỡ trán u đầu, té nhào vào địa ngục. Cũng có thể sẽ lao lên chín cõi địa đàng trăng hoa tuyết nguyệt. Hai cảm giác ấy nào có khác gì? Đừng biết gì trước. Đừng phải suy đoán những gì sẽ xẩy ra. Cứ thế, bình tâm sống mỗi ngày. “Hãy cứ vui như mọi ngày/ Nhìn người đi như mây vô danh/ Dù chân xưa dặm nghìn/ Vẫn như còn thấp thoáng/ Dù trong ta đêm thì thầm tiếng buồn” (T.C.S).

Ai lại không Vô danh dưới gầm trời này? Ai lại không nghe trong sâu thẳm tiềm thức tiếng buồn thì thầm suốt một cõi nhân sinh? Ai cũng có đó thôi, có điều, có nghe thấy, có nhận ra hay không là chuyện khác. Tự nó, tự lúc cất tiếng khóc oe oe chào đời, tiếng buồn đã bám theo linh hồn như một bóng ma hội ngộ từ tiền kiếp. Thôi thì, cứ thế, biết thế, hãy sống nhẹ nhàng với những gì đang có mỗi ngày.

Trước kia, y viết: “Mỗi ngày một mới lạ thêm/ Mặt trời lên đặng ngắm em mỗi ngày/ Mỗi ngày, ngày một ngày hai/ Một tôi hai bóng bởi đầy bóng em”. Chỉ có tình yêu mới có thể đem lại điều kỳ diệu ấy cho con người. Một người hai bóng. Đó là ân sủng có thật và duy nhất mà Thượng đế dành cho con người. Sự bình đẳng giữa ngườ và người chính là ở đó. Còn lại, mọi sự chỉ phù du. Khi trở về kiếp tơ tắm hạt bụi, ngay cả hạt nút áo cũng không thể đem theo, ấy thế, chẳng phù du là gì? Mà ngay cả sự tồn tại, có mặt của mỗi phần kiếp cũng phù du nốt. Nghĩ lại đi, ngay dưới chân ta đứng, dưới chỗ ta nằm đã có bao nhiêu thân xác ngàn đời lãng du? Nào ai có thể biết được. Nơi chôn nhau cắt rốn chỉ là một khái niệm. Quê hương xứ sở chỉ là một khái niệm. Có lẽ suốt đời, y sẽ không thể quên được ánh mắt sâu thẳm một sự buồn rầu của cô gái Campuchia gốc Chiêm Thành đã gặp lúc hành quân trên quê hương Chùa Tháp. Ánh mắt ấy buồn? Chẳng phải. Ánh mắt ấy đau đớn? Chẳng phải. Ánh mắt ấy thế nào? Ánh mắt ấy đăm đắm, nhìn sững vào một khoảng trời chói nắng lúc đứng bên ngôi đền cổ. Ánh mắt câm nín. Ánh mắt nhẫn nhục. Tự nó đã khắc khoải một nỗi buồn sâu thăm thẳm. Số phận của dân tộc đó, mới có ánh mắt u uẩn đó. Toàn bộ tinh anh, khí cốt, hồn vía của con người ta chỉ chung quy vào trong hai con mắt chăng?

 

doan-thach-hanRR

Nhà báo Đoàn Thạch Hãn - "Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh" (Kiều)

 

Khi vừa viết đến dòng chữ này, Ngô Kinh Luân báo tin nhà báo Đoàn Thạch Hãn vừa qua đời lúc nửa khuya đêm qua. Lâu nay, anh bị tiểu đường, biến chứng qua nhiều bệnh khác. Nhanh quá. Ngày anh mới ra tù sau vụ án Hồ Con Rùa; ngày đó, y mới vừa cưới vợ. Anh đã thường xuyên đến nhà bù khú. Và hát. Một giọng hát Quảng Trị đủ sức chiếm được tình cảm nhiêu người. Có lắm kỷ niệm với anh. Rất nhiều. Sẽ kể lại sau. Gọi điện thoại test lại thông tin, chưa kịp hỏi, nhà thơ Phạm Chu Sa đã nhanh nhẩu bằng giọng buồn rầu: “Q mau vào nhà xác, sau lưng bệnh viện bướu Gia Định viếng Đ.T.H. Bốn giờ chiều nay, đưa luôn thi hài về Quảng Trị”. Ai đưa? Ở đây, anh không có nhà cửa, vì thế phải đưa ngay về quê quán. Một kiếp người đã chấm dứt. Đã kết thúc một tiếng vĩ cầm. Đàn đã đứt dây. Đã chia lìa. Mãi mãi và vĩnh biễn. Hơn ai hết, y thừa biết anh Đoàn Thạch Hãn đã tự ý thức điều này, vì thế, chuyện này chẳng gì đột ngột ít ra với chính anh, được thế, đã là sự nhẹ nhàng đón nhận nên có lẽ anh không than van gì. Một ngày cũng một đời. Rồi mỗi con người cũng đi về cõi ấy. Ngày đi về cõi ấy, không xa mà cũng không gần. Nào ai có thể biết trước một điều gì? Thôi thì, hãy ngước mắt nhìn lên trời, nhìn mây trắng đang phiêu lãng và nhủ rằng:

Người lên ngựa kẻ chia bào,

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.9.2014

 

Ngày mai, 2.9. Quốc khánh nước của Việt Nam thống nhất từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Trước đó, thời vua chúa Việt Nam, lễ Quốc khánh tổ chức ngày nào? Có phải ngày vị vua của triều đại đó đăng quang? Sau ngày 1.9.1858, ngày liên minh quân sự Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, rồi đất nước mất vào tay ngoại xâm, ngày Quốc khánh nước ta “ăn theo” Quốc khánh Pháp. Ngày 14.7 hằng năm. Ngày tháng này của năm 1789, cách mạng tư sản Pháp lãnh đạo quần chúng khố rách áo ôm phá ngục Bastille. Ngày kỷ niệm đó, người Việt gọi “Hội Tây”, “hội thăng bình”, bằng chứng cụ Nguyễn Khuyến có bài thơ Hội Tây, miêu tả:

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo

Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo!

Bà quan tênh hếch xem bơi trải,

Thằng bé lom khom ghé hát chèo.

Cậy sức, cây đu nhiều chị bám;

Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.

Khen ai khéo vẽ trò vui thế,

Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu.

Lại hỏi thời thuộc Pháp, từ lúc nào người Việt lần đầu tiên có ngày lễ Quốc khánh? Câu hỏi này không dễ dàng trả lời. Thôi thì, trước mắt căn cứ vào Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ. Theo Nguyễn Vỹ, đó là ngày 2.5 âm lịch 1925. Tại sao chọn ngày đó? “Theo lệnh Triều đình và Tòa Khâm sứ Huế, lễ Tết mồng 5 tháng 5 âm lịch năm ấy sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng Lễ Quốc khánh ngày 2 tháng 5 Annam là ngày vua Gia Long đã toàn thắng Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế và sáng lập triều Nguyễn. Đó là lễ Quốc khánh đầu tiên của nước Annam được cử hành rất long trọng tại hai xứ Trung kỳ và Bắc kỳ. Xin nhớ rằng, lễ Quốc khánh toàn cõi Đông Dương dưới quyền đô hộ của Pháp là lễ “Chánh trung” 14.7 dương lịch mà thường dân vẫn gọi lễ “Cách tốt ruy dê” (…) “Tuy là lễ Quốc khánh Annam nhưng không có chưng cờ Annam (nền vàng với một rẻo xanh - trắng - đỏ ở góc phái trái) mà chỉ có mỗi một lá cờ Pháp rộng lớn bay phất phới trên đầu đám rước. Dĩ nhiên hai bên hàng phố của người Annam và người Pháp đều treo cờ Pháp” (…). Bài hát chính thức phổ biến trong lễ Quốc khánh, toàn văn như sau:

“Âu - Á xum vầy

Mừng nay Âu - Á xum vầy

Pháp - Nam liên lạc một dây vững bền

Sực nhớ truyền Sử ký

Trước trăm năm từng bị gian nan

Vua, tôi lao khổ muôn vàn

Nhân dân đồ thán giang san tiêu điều

Đức Thế tổ trăm chiều chống chỏi

Giốc một lòng đánh đuổi cường hung

Xiết bao kể nỗi khốn cùng

Thế nguy tận lực hãi hùng lắm phen

Lòng trời khéo xui duyên gặp gỡ:

Bạn Lang Sa giúp đỡ mọi đàng

Một tay khôi phục Nam bang:

Tam kỳ thống nhất rỡ ràng anh quân

Trên Mẫu quốc trăm phần mến phục

Ngoài lân bang cùng nức tiếng khen

Cơ đồ gây dựng đã nên

Bình thành công đức lưu truyền muôn năm

Thầy Đại Pháp nhất tâm khai hóa

Đạo làm dân tiến bước theo sau

Non nước một bầu

Mừng nay non nước một bầu

Mồng 2 tháng Ngọ cùng nhau nhớ ngày”

Đó là các đoạn trích từ Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ (bản in năm 1968, tr.413, 449). Cần giải thích vài từ như Đức Thế tổ: vua Gia Long; Lang Sa: phiên âm France, chỉ nước Pháp; Mẫu quốc: nước Pháp; tháng Ngọ: tháng 5. Tra lại lịch vạn niên, mồng 2.5 âm lịch 1925 là thứ Hai ngày 22.6.1925. Khi đề cập đến bài hát trên, Nguyễn Vỹ còn ghi chú: “Theo tài liệu của một bạn độc giả, ông Phạm Văn Vinh có nhã ý gửi cho chúng tôi, thì năm 1925, lúc ông học lớp Nhất ở trường Tiểu học Sơn Tây, Bắc kỳ, học trò cũng bị bắt buộc bài học thuộc lòng trên đây để hát trong ngày lễ Quốc khánh mồng 2 tháng 5 Ất Sửu (1925). Bài hát này được gửi đi các trường Trung học Trung kỳ và Bắc kỳ trong dịp lễ Quốc khánh lần đầu tiên ấy”.

Sự việc rõ ràng. Không tranh cãi gì thêm. Tuy nhiên, tra thêm Việt Nam - những sự kiện lịch sử (1919-1945) của Việt Sử học, người biên soạn là nhà sử học Dương Trung Quốc lại không ghi nhận. Có lẽ do thiếu tư liệu chăng? Ông Quốc chỉ ghi nhận, sự kiện xẩy ra trước đó 1 ngày, ngày 21.6.1925: Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên tại Trung Quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Ngày 2.9.1945,Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó, đất nước bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp (1946 - 1954). Chắc chắn năm tháng đó, lễ Quốc khánh trong vùng kháng chiến vẫn là ngày 2.9. Thử hỏi, thời gian đó, vùng tạm chiếm ngày nào được chọn làm Quốc khánh; hay vẫn ngày 2.9? Thời Ngô Đình Diệm, Quốc khánh đầu tiên của miền Nam là ngày 26.10.1956. Tuy nhiên quy định cụ thể ra làm sao? Bèn tìm đọc lại bộ Quy pháp vựng tập của “Việt Nam Cộng hòa - Tổng thống phủ” biên soạn, "Tòa Tổng Thơ ký ấn hành" năm 1959 được biết, ngày 9.1.1956, Ngô Đình Diệm ký Dụ số 3, Điều 1 nêu rõ: "Nay định ngày 26 tháng mười dương lịch, kỷ niệm ngày tuyên bố chính thể Cộng hòa, là ngày Quốc khánh" (tr.62).  Bộ sách nhiều tập này là một loại công báo, in đầy đủ các văn kiện lập pháp, lập quy theo ngày, tháng, năm dưới thời Đệ nhất Cộng hòa. Tư liệu này rất cần thiết cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ về xã hội miền Nam thời đó. Ngày Quốc khánh trên chỉ tồn tại đến ngày 1.11.1963 - ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ; và ngày đó lại trở thành Quốc khánh của nền Đệ nhị Cộng hòa.

 

Quy-phap-vung-tapR

Quy pháp vựng tập - in năm 1959, tư liệu L.M.Q

 

Những ngày này không ra khỏi nhà. Đọc sách và ghi lại vài thông tin đáng lưu ý:

- Ngày hôm qua, 31.8.2014 - hàng nghìn người dân đã tới Trúc Lâm Thiên Trường (TP Nam Định) dự lễ khánh thành tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng được cho là lớn nhất Đông Nam Á. Tượng được đúc bằng đồng cao 14,8 m và nặng 150 tấn. Phần bệ bằng bêtông cốt thép, mặt ngoài là phù điêu vân mây và bát vị kim cương, cao 5,5 m. Kinh phí xây dựng công trình là 80 tỷ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp hảo tâm công đức.

- Với số vốn gần 2.000 tỷ đồng, quảng trường trung tâm rộng gần 30 ha cùng công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) sẽ là không gian công cộng lớn nhất nước; với điểm nhấn tòa tháp quan sát 86 tầng, Thủ Thiêm (Q.2) sẽ là khu trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp hiện đại của TP. HCM trong thế kỷ 21.

Sáng dậy sớm, cà phê. Ra đường, thấy đường phố vắng hơn mọi ngày. Có lẽ do người ta đi chơi xa; hoặc dân ngụ cư tranh thủ mấy ngày nghỉ về thăm quê… Y tranh thủ trong mấy ngày này làm gì? Chẳng biết làm gì. Lướt web chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa khánh thành ở Nam Định. Nghĩ lan man về ngày cùng Đoàn Tuấn phóng xe từ Hà Nội về Nam Định, viếng thăm ngôi nhà cũ của Tú Xương. Lúc ấy, nhà đã đổi chủ, hầu như không còn lại dấu tích gì. Đã mươi năm rồi còn gì. Nam Định là quê của Tú Xương, nơi đó, chẳng rõ có còn lưu truyền câu phương ngôn “Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự” nữa không? Hôm nọ, ngồi với Cao Xuân Sơn và Nghĩa, anh Biền cao hứng nhắc lại vế đối của vợ anh: “Nữ Quảng Nam quản nam Nam Định”. Vẫn chưa ai đối lại được. Vế ra hóc quá!

Chiều nay, nghĩ lan man rằng, cái gì của mình ắt của mình, bằng không dù có cố cưỡng, cố cầu thì cũng không thể có. Lời Phật dạy đó chăng? Chỉ một câu nói ấy, đã cứu được bao nhiêu sinh linh lúc tuyệt vọng nhất? Việc gì đến, tự nó đến; việc gì đi, khắc sẽ đi. Những gì còn lại, ắt còn lại; bằng không ắt cũng không. Lẽ đời vốn đơn giản như vậy, nếu thấu hiểu thì đón nhận sự việc dù hân hoan tươi vui, dù bi thảm bắt trắc cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Không gì bận tâm. Hiểu là một lẽ, có thực hiện được không lại một lẽ khác. Lúc sáng nay, trên đường đi uống cà phê lẩm nhẩm hát vài ca từ của Trịnh Công Sơn: “Chúa đã bỏ loài người / Phật đã bỏ loài người / Này em xin cứ phụ người / Này em xin cứ phụ tôi / Đời sống quanh đây có vạn lời mời / Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào / Đời đã quen với những kiếp xa nhau”. Có thật vậy không? Có thật “Đời đã quen với những kiếp xa nhau”? "Quen" cái gì mà lạ lùng vậy ta? Y đã hỏi, tất nhiên không chờ một câu trả lời. Làm sao có thể “quen” với những biệt ly, chia lìa được chứ? Trong Quốc văn giáo khoa thư có câu: “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy”!

Thoáng đó, đã một ngày.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.8.2014

“Các con, Bằng, Tâm, Ngân. Các con đừng trách mẹ, mẹ đã rất khổ rồi. Mẹ vay tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ rất nhiều. Tiền hụi mỗi tháng phải đóng cho dì Ánh một triệu đồng. Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho rằng, gia đình mình nghèo. Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để chính quyền biết mà cấp sổ hộ nghèo. Có như vậy, cha mới vay được tiền đóng học phí cho các con”. Thư tuyệt mệnh này, trích từ tiểu thuyết nào? Sực nhớ trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, có tình huống chị Dậu phải bán cái Tý để đủ tiền đóng thuế thân cho chồng. Mười lần như một, hễ đọc đến đoạn này, lại rưng rưng nước mắt. Sống làm người khổ quá:

Cái Tý nghe nói giẫy nẩy, giống như sét đánh bên tai, nó liệng củ khoai vào rổ và òa lên khóc:

- U bán con thật đấy ư? Con van u, con lạy u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp. U để cho con ở nhà chơi với em con.

Thằng Dần cũng khóc tru tréo, bỏ luôn rổ khoai đứng dậy, ngoay ngoảy lắc cái mông đít, nó nhắc lại câu đã nói sáng ngày:

- Em không! Nào! Em không cho bán chị Tý! Nào! Nào! Có bán thì bán cái Tỉu này này!

Chị Dậu chỉ thổn thổn thức thức không nói thêm được câu gì. Bộ mặt sầu thảm dần dần ngã xuống, đối thẳng với mặt con bé đương bú”.

Rồi lúc mẹ con cái Tý sang nhà Nghị Quế, chị về:

“Cái Tý ôm chầm lấy mẹ và khóc như mưa như gió:

- U đừng về vội! U hãy ngồi đây với con lúc nữa.

Nghị Quế đùng đùng đứng dậy, giơ cái bàn tay hộ pháp tát cho con bé một cái đánh đốp, và hắn hét lên như ông đại tướng trong rạp tuồng:

- Thằng nhỏ lôi cổ nó xuống nhà bếp kia...

Tức thì cái Tý liền phải lìa mẹ ra xềnh xệch theo tay cậu hầu cận của ông Dân biểu xuống thềm. Bộ mặt bồ nhếch bồ nhác ngảnh lại với cái miệng mếu xệch, nó nhìn theo mẹ và nói bằng giọng nức nở:

- Ngày mai u đem thằng Dần sang đây chơi với con nhé, con nhớ em lắm”.

Buồn quá là buồn. Muốn hiểu đời sống cùng cực của nông dân Việt Nam trước 1945 phải đọc Ngô Tất Tố. Đó là một điều chắc chắn, không nhà văn nào đề cập dến mọi ngóc ngách “lệ làng” nhiều bằng ông. Bây giờ, muốn hiểu về thực trang nông thôn Việt Nam có thể tìm đọc tiểu thuyết nào? Hầu như không có gì đáng kể. Trở lại với lá thư tuyệt mệnh ở đoạn trên, xin hỏi, trích từ tiểu thuyết nào?

 

nhatky-30.8

 

Chẳng phải hư cấu, tưởng tượng trầm uất, bi thảm, bôi đen hiện thực của nhà văn. Người thật việc thật. Trưa nay, bữa cơm đắng họng khi biết đó là tình cảnh đáng thương của chị Mỹ Nhân - ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Báo Gia đình & xã hội cuối tuần số 35 (2447) phát hành ngày ngày 30.8.2014 đã in bài “Bức thư tuyệt mệnh nghẹn đắng của người mẹ nghèo lo cho con đến hơi thở cuối cùng”. Bài báo còn cho biết thêm: “Được biết, trước khi tự tử một tháng, chị từng nói hàm ý với chồng về ý định ra đi của mình. Bởi chị nghĩ, chị chết đi, mọi người đến phúng điếu mới có tiền đóng học phí cho con, giảm gánh nặng cho chồng, lấy linh hồn phù hộ cho chồng con trúng số độc đắc”. Đọc mà ứa nước mắt với chi tiết đau lòng ấy. Không thể tưởng tượng nổi tại sao dưới gầm trời này vẫn còn có những số phận đáng thương, bi đát đến thế? Lý giải như thế nào đây? “Một câu hỏi lớn không lời đáp / Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” (Huy Cận). Ấy là tâm trạng các vị La Hán chùa Tây Phương của nhiều thế kỷ trước. Các ngài xót thương cuộc sống trầm luân, khổ đau, bất hạnh dằng dặc của từng kiếp người và không có lời đáp. Sự việc cụ thể của chị Mỹ Nhân đã có lời đáp chưa? Sực nhớ, ngày tháng chiến đấu ở Kampuchia, lúc hành quân đi vào một đền thờ cổ thấy có khắc dòng chữ dưới chân tượng. Chẳng biết nội dung ra sao, may quá, ông trưởng phum đọc giúp: “Nỗi thống khổ của thần dân là nỗi đau của đấng quân vương”. Do suy nghĩ sâu sắc và có niệm tiến bộ về Dân, quân vương Jayavaraman VII- người nói câu đó - đã xây dựng được một triều đại thịnh trị, gắn liền với các công trình bất tử như kinh thành Angkor Thom, đền Bayon v.v…

Không rõ, hiện nay các quan chức đọc những thông tin như trường hợp chị Mỹ Nhân có suy nghĩ gì?

Sau khi báo chí lên tiếng về tượng “sư tử lạ” hiện đang chễm chệ tại các đình chùa miếu mạo, kể cả tư gia, trên trang web của Bộ Văn hóa, thông tin truyền thông vừa có bài “Nâng cao nhận thức, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Qua đó, biết rằng, Bộ VHTTDL đã có công văn số 2662/ BVHTTDL-MTNATL ngày 08.8.2014 gửi các Ban, Bộ, ngành, các địa phương trên cả nước về việc đề nghị không sử dụng linh vật, sản phẩm, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tiếp đó, ngày 19.8.2014, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 352/MTNATL về việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam. Không phải là nhà nghiên cứu chuyên sau nên sau khi đọc kỹ bài báo trên, ghi lại mấy nét chính, như một cách tự học:

- Do gắn bó và có mối quan hệ mật thiết với Phật giáo nên sư tử Việt hầu như chỉ xuất hiện ở thời Lý - Trần mà ít thấy ở các triều đại sau đó, kể cả trong thời Lê sơ và thời Nguyễn - giai đoạn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của văn hóa cung đình Trung Hoa.

- Về phần đầu sư tử, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết và phân biệt sư tử Việt với sư tử ngoại lai là chữ “Vương” trên trán. Đây là dấu hiệu đặc biệt không thể lẫn được với rồng. Có nhiều trường hợp khác còn được thêm chiếc miện báu trước trán như trường hợp các sư tử đội tòa sen càng làm tăng thêm tướng sang quý, tôn kính của sư tử Việt.

- Một điểm nhấn trong tạo hình của sư tử Đại Việt là miệng thường ngậm ngọc.

- Hàm răng với số lượng lớn nhưng không nhọn sắc, bề mặt răng bằng phẳng, thậm chí có cả hoa văn bên trong và thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên.

- Phần lông mày, tai, viền mép đều xuất hiện những hoa văn uốn lượn, mềm mại.

- Phần bờm, "hầu hết các con sư tử thời Lý bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ, đôi lúc cũng được thấy dựng ngược lên như của rồng. Hiện vật đầu sư tử đất nung trang trí kiến trúc trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bị chú thích nhầm là rồng. Các con sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài. Chiếc đầu sư tử này cũng có chữ Vương” (Trần Hậu Yên Thế - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật).

Sư tử đá trong mỹ thuật Trung Hoa thế nào?

- Tạo hình của sư tử đá Trung Hoa là đầu to, thân vạm vỡ, tỷ lệ ước 1:3, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu, con đực đầu có bờm. Lưng có dải băng hoặc lông dài phủ kín, đuôi cũng có nhiều dạng hoặc hình chiếc lá, hình như bàn tay hoặc như búi sợi tơ, lông trước cổ xoăn, giữa ức đeo lục lạc, điểm xuyết sợi anh lạc, có đai gấm. Sư tử đực đạp cầu, sư tử cái nô đùa với con” (Lý Chi Cương - Nhà nghiên cứu Mỹ thuật về sư tử đá trong mỹ thuật Trung Hoa).

Không rõ, sau các văn bản của Bộ, đến nay các tượng sư tử ngoại lai đã được sử lý ra sao?

Ghi thêm một thông tin khác, thiên hạ cũng đang bàn cãi chán? Có phải vụ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đồng ý cho Khánh Ly xử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là: 5.000 USD"? Không. Vậy, có phải vụ Bộ Thông tin - truyền thông phạt 3 tờ báo điện tử Kiến thức, điện tử Đất Việt  và Tiền Phong - báo mỗi báo 60 triệu đồng vì đã đăng tải lá thư của con gửi bố ngoài đảo? Theo nội dung thư, có cô con gái nhỏ, vì bố đi công tác lâu ngày nên đã... quên bố, không còn buồn nữa vì rằng chú công an phường ngày nào cũng đến nhà ăn cơm, chở bé gái đi học, ru bé ngủ. Tác bài báo đó đểu cáng thật. Phạt là đúng quá. Mà cũng phải không phải vụ này.

Vậy vụ gì?

À, đó là vụ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường ban hành công văn yêu cầu mọi người mọi giới hãy chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida. Báo PL TP.HCM sáng nay có nêu ý kiến của Luật sư Phạm Thành Long (Giám đốc Công ty Luật gia Phạm - Hà Nội). Ông Long cho rằng: "Tôi chưa tìm được căn cứ để cho rằng Công văn này trái pháp luật". Tuy nhiên: “Nếu 63 tỉnh thành trên cả nước đều ra công văn tương tự UBND tỉnh Nghệ An, điều gì sẽ xảy ra? Ví dụ: Hà Nội khuyến khích chọn uống bia Trúc Bạch, Nam Định vận động dùng bia Nada, Thừa Thiên Huế ưu tiên Huda, Đà Nẵng thích Larue,... Người dân mỗi tỉnh thành chỉ ưu tiên sử dụng hàng hóa của tỉnh mình sản xuất, điều có tạo ra sự phân biệt, kỳ thị hàng hóa giữa người dân các tỉnh thành hay không? Đây có phải là khởi nguồn cho tính cục bộ địa phương?”.    

Câu cuối cùng, rất đáng suy nghĩ. Bởi tính cục bộ địa phương, hội đồng hương v.v… và những tư duy có tính chất phân biệt vùng miền cần thiết xóa bỏ đi thôi. Vấn đề này còn bàn luận dài dài.

Tuy nhiên không viết nữa.

Chiều rồi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 34 trong tổng số 58