LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.5.2014

phoca_thumb_l_le-minh-quoc-11

Bà cụ Lương Thị Ân - mẹ Lê Minh Quốc, ảnh tư liệu gia đình (1968)

 

Đêm qua, y vẫn chăn êm nệm ấm. Vẫn máy lạnh. Vẫn đọc sách. Vẫn ngủ ngon lành cùng giấc mộng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Trong khi đó, anh của y vẫn trực bệnh viện chăm sóc mẹ. Nằm vật vờ đâu đó. Cả trăm con người nuôi bệnh chen chúc nhau trên một khoảng sân chật hẹp, khoảng trống phía sau của hai dãy nhà. Khoảng sân đó, ngay giữa có một am thờ Phật. Ngọn đèn le lói. Nhang khói nghi ngút. Tất cả gợn lên một không khí u ám, nặng nề. Những dáng ngồi mệt mỏi. Thở ngắn ngáp dài. Những kiểu nằm vật vạ miễn thẳng được nửa cái lưng đã là may. Nằm co ro trên băng ghế đá. Nằm nghiêng theo dọc hành lang. Nằm gối đầu dưới chân người khác. Nằm dài ngoài bãi cỏ. Muỗi mòng bay vo ve. Có tiếng khóc thầm, có tiếng đập muỗi, có lời thở than. Âm âm u u. Buồn bã. Chắc chắn đi nuôi người bệnh chẳng ai có thể chợp mắt. Trằn trọc. Lo lắng. Hy vọng. Và vì thế, họ chấp nhận qua đêm ở sân bệnh viện. Trong khi đó, người bệnh cũng chẳng gì hơn. Cũng có người nằm ngoài hành lang của phòng bệnh; hoặc hai, ba người chung một giường nằm. Mỗi lần vào đó, cảm thấy mệt mỏi ghê gớm.

Sáng nay, từ phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ y đã chuyển lên Khoa nội tiêu hóa, lầu 2, phòng 311 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trên đường đi, bà cụ thì thào làm nũng: “Mẹ không muốn mổ”. Ô hay, bác sĩ có bảo mổ đâu? Có lẽ bà cụ ám ảnh nhớ lại ông ngoại, cậu và ba của y, sau khi mổ, chẳng giải quyết được gì mà kết thúc cuộc đời. Phải dỗ mãi, bà cụ mới yên tâm. Lúc bệnh, chịu đựng nhọc nhằn đớn đau, ai cũng muốn chết quách đi cho rồi; thế nhưng, lúc ấy cũng khao khát sống ghê gớm. Thi sĩ La Fontaine có bài thơ Tiều phu và thần chết, do khốn cùng cơm áo, nợ nần eo sèo, phu phen tạp dịch, lão tiều phu gọi Thần chết đến. Cầu được ước thấy. Lúc ấy, nhìn thấy Thần chết đột nhiên lão đâm ra hoảng sợ:

Cái chết đến chữa lành tất cả

Nhưng chúng ta không nhích chỗ ngồi

Thà khổ nữa còn hơn chết mất

Đó châm ngôn của những con người

(Xuân Diệu dịch).

Vẫn biết thế, nhưng lúc bệnh được nằm thông thoáng một chút thì đỡ khổ biết bao. Theo kế hoạch chuyển phòng, mẹ y phải nằm chung giường với… hai người khác nữa. Choáng quá. Định gọi điện thoại nhờ các anh bác sĩ can thiệp giúp. Nhưng lại thôi. Bệnh nhân đông quá, ai ai cũng thế. Bệnh nhân nào lại không ao ước được nằm một giường? Giải quyết rốt ráo việc này phải là chiến lược lâu dài của Bộ Y tế. Một tập thể bác sĩ, y sĩ, hộ lý hết lòng vì bệnh nhân "lương y như từ mẫu" mà những ngày qua y đã chứng kiến không thể giải quyết nổi việc này. Họ có trách nhiệm, làm hết trách nhiệm chuyên môn bởi sự thôi thúc của tình người, của lương tâm đã là quý, là đáng biểu dương lắm rồi.

Trrường hợp của mẹ y thì sao? Chẳng lẽ bà cụ nằm một giường, còn đồng bệnh phải trải chiếu ngoài hành lang; hoặc nằm dưới gầm giường? Chẳng đành lòng. May quá, sau khi trao đổi với cô hộ lý về trường hợp bà cụ, cô đã làm “công tác tư tưởng” với hai bệnh nhân kia. Họ vui vẽ “nhường” giường, đơn giản, họ trẻ hơn và bệnh nhẹ hơn bà cụ. Cảm động lắm. Tình người lúc này sao đáng quý, đáng yêu đến thế. Cứ theo Chứng minh nhân dân do Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng cấp ngày 28.4.1978, mẹ y sinh năm 1927, nguyên quán Quảng Quế, Đại Lộc (Quảng Nam - Đà Nẵng). Nếu đúng, khi cụ Phan Châu Trinh từ trần 1 năm thì bà cụ ra đời, nhỏ hơn các ông Sơn Nam, Bùi Giáng… 1 tuổi. Các ông bạn vong niên ấy đã về "cõi trên" từ lâu, như vậy, bà cụ thượng thọ vẫn còn ở lại trần thế.

Năm 1927 có sự kiện gì quan trọng? Thì đây:

Tháng Giêng 1927: Lần đầu tiên xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trung Quốc);

13.6.1927: Cụ Lương Văn Can từ trần;

13.6: Đảng Việt Nam độc lập thành lập tại Pháp, cơ quan ngôn luận là tờ Việt Nam hồn, Nguyễn Thế Truyền chủ tịch. Về sau, ông Truyền có ra tranh cử Tổng thống tại miền Nam Việt Nam Cộng hòa nhưng thất bại. Nhà văn Nguyễn Khải có viết về cuộc đời ông Nguyễn Thế Truyền. Hay lắm.

10.8: Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng phát hành số đầu tiên, tờ báo có tuổi thọ nhất tại Trung kỳ trước 1945;

20.8: Xung đột dữ dội giữa người Việt và Hoa kiều tại Hải Phòng, 15 người chết. 60 người bị thương, 201 người bị bắt;

4.10: Tổng thống Pháp ra sắc lệnh về chế độ báo chí lưu hành tại các xứ bảo hộ và thuộc địa, từ đây mọi tờ báo (trừ báo tiếng Pháp) phải có giấy phép mới được xuất bản; chi tiết này góp phần giải thích vì sao trước 1945, nhiều tờ báo tiếng Pháp do người Việt chủ trương. Vì có thể lách được chế độ kiểm duyệt và không phải xin phép nhà cầm quyền. Đọc hồi ký của nhà văn Nguyễn Vỹ, ta thấy rõ, thời đó làm báo cứ như “giỡn chơi”, chỉ vài ba người hùn vốn, nếu nợ nhà in càng tốt, chỉ trong một đêm họ có thể ra tờ báo bằng tiếng Pháp phát hành công khai. Muốn tìm hiểu thêm, xin đọc Kỷ niệm văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ (NXB Hội Nhà văn tái bản - 1994);

23.10.1927: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lập ra bằng Tú tài bản xứ, nói thêm chơi, cái bằng Tú tài này còn tồn tại dài dài, ai lại không nhớ “Rớt Tú tài anh đi Trung sĩ /  Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con…”?;

10.12: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy; 

25.12: Thành lập Việt Nam Quốc dân đảng, hạt nhân của Đảng này là Nam Đồng thư xã…Câu nói để đời của anh hùng Nguyễn Thái Học là "Không thành công cũng thành nhân".

Lướt qua đôi dòng để thấy rằng, mẹ y đã già rồi, bà cụ sinh năm 1927 nên ưu tiên được nằm một giường trong bệnh viện, chẳng ai phân bì gì. Ôi! Xứ sở lạ lùng, điều hiển nhiên ấy mà cứ ngỡ như một ưu tiên gì ghê gớm lắm. Mà chưa đâu, có vào Bệnh viên Ung bướu Nguyễn Văn Học mới thấy kinh khiếp, day dứt, đau xót hơn nhiều. Muốn hiểu hết sự xót xa thân phận cỏ hèn, dân đen cùng đinh, khố rách áo ôm của “thập loại chúng sinh”, không hình ảnh “trực quan sinh động” nào bằng tận mắt nhìn, đi thực tế tại các bệnh viện. Thôi thì, hãy tin quanh ta vẫn còn có nhiều, rất nhiều những thầy thuốc "thương người như thể thương thân"; vẫn còn có nhiều tấm lòng yêu thương của con người dành cho những cảnh ngộ bệnh tật, đói nghèo, bất hạnh... Đừng quên, dù bất kỳ thời đại nào, quốc gia nào, dân tộc nào khi non sông đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm thì "thập loại chúng sinh" ấy luôn là lực lượng đi đầu. Đứng đầu tại các chiến lũy. Ngã xuống đầu tiên bảo vệ "tấc đất, ngọn rau, ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta" (Nguyễn Đình Chiểu)... Rồi khi quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, qua tấm gương phản chiếu của lịch sử, chỉ một số ít lưu lại tên tuổi, còn hầu hết chỉ được ghi nhận Vô Danh. Chao ôi, nền móng của quốc gia nào lại không khởi đầu từ sự Vô Danh thiêng liêng ấy? Sự tồn vong của đất nước nào lại không có xương máu của "thập loại chúng sinh"?

Sáng này, lướt báo, đập vào mắt cái tin to đùng Đột kích nhà hàng tổ chức cho nữ tiếp viên bán dâm (TT), Đột kích 'ổ' ăn chơi trác táng giữa trung tâm thành phố (TN)… Tự dưng có cảm giác như đang đọc chuyện hài hước. Tại sao? Chẳng hiểu tại sao. Nàng bảo, anh à, có lẽ sự trong sáng của anh đang mất dần, tâm hồn anh đang chai sạn dần… Ngẫm lại thấy đúng. Những thông tin về cái xấu như giết người, hãm hiếp, tham nhũng, hối lộ, loạn luân, lầu xanh, ma túy, tai nạn giao thông, rút ruột công trình, cầu sập, tống tiền, bắt cóc... ngày càng kinh khiếp, khiếp đảm hơn nhiều, dù không dám nghĩ đến nhưng vẫn đang nhan nhản trên mặt báo, ngoài xã hội... riết rồi, thiên hạ lại thấy bình thường. Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên, phải lên án. Khi tiếp nhận cái xấu, tiêu cực như một điều bình thường há chẳng phải đáng âu lo, đáng báo động đó sao? Trong khi đó, một người bệnh tất nhiên phải được nằm một giường bệnh, vậy mà điều bình thường này lại là sự bất thường. Ôi! Xứ sở lạ lùng.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment