LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 11.6.2014

 

Sáng hôm qua, tự nhiên có một quyết định táo bạo. Táo bạo? Tất nhiên. Hồi nhỏ đi học, cuối tuần được nghỉ không sung sướng bằng đến lớp mới hay được nghỉ vì cô giáo ốm. Thế thì, ngày làm việc, bỏ việc đi chơi vẫn sướng hơn đi chơi trong ngày nghỉ. Y quyết định không đến cơ quan, không công việc hằng ngày là viết lách và đọc sách. Tắt vi tính. Diện quần áo đẹp. Xuống phố. Để tận hưởng cảm giác sung sướng. Có thể đàn đúm cà phê “buôn dưa lê”. Phóng xe đâu đó giết sạch thời gian buổi sáng. Tạt vào hiệu sách cũ. Vậy là sướng. Vừa chuẩn bị ra khỏi nhà, bỗng điện thoại cơ quan réo: “Anh ơi, tạp bút kỳ này, anh viết…”.

Vậy là xong.

Lại viết. Nghĩ cho cùng, viết riết rồi quen. Ngồi với bàn phím, nghĩ đến đâu viết đến đó. Đừng bao giờ dại dột chờ cảm hứng. Hôm qua đã trả lời phỏng vấn cho báo Quảng Nam nhân 21.6 sắp đến: “Tôi nghĩ rằng, trên đời này bất kỳ ai cũng có thể thành công, nếu họ bền bỉ, thủy chung giữ được hai yếu tố: Đam mê công việc và sử dụng thời gian hợp lý. Do đam mê nên họ không bỏ cuộc nửa chừng, không có tâm lý “đẽo cày giữa đường”. Hơn nữa do chính đam mê nên khi thực hiện công việc dù có gian nan, vất vả, thậm chí thất bại thì họ vẫn không nản chí. Và với họ, khi lao động mỗi ngày chính là lúc tận hưởng niềm vui. Về thời gian thì chắc ai cũng có như nhau. Có điều, sử dụng thời gian thế nào lại là chuyện khác. Học tập tấm gương của nhiều người đi trước thành đạt, tôi rút ra bí quyết là lao động mỗi ngày mà không chờ cảm hứng. Đến giờ là làm việc, bất kể thời tiết nắng mưa thế nào. Chờ cảm hứng thì than ôi, có khi chưa viết nổi một chữ, chưa vẽ một nhát màu thì đã hết một đời. Cứ làm việc bằng sự đam mê thì cảm hứng sẽ đến…”.

Nói thì nói thế, chứ cũng có nhiều lúc ngồi thừ người ra, bởi chán, chẳng thiết phải viết gì nữa. Đôi khi nghĩ một đàng lại viết một nẻo. Mà không viết thì lấy gì sống? Thế rồi, từng ngày lại viết. Hôm chủ nhật, ra mắt sách của Lưu Thành Tựu, một vài anh em trẻ hỏi: “Ủa? Tại sao ngày nào anh cũng viết được, hay dở chưa nói nhưng cứ lật báo ra là thấy bài anh. Vậy anh viết lúc nào?”.  Chiều thứ bảy vừa rồi ngồi với anh Nguyễn Đông Thức có nhắc lại vài kỷ niệm với họa sĩ Ớt. Ngày đó, anh Ớt “khoe” với y: “Trong cuộc đời làm báo của tao, chưa có lời khen nào khiến tao sung sướng, hãnh diện bằng lời khen của ba tao”. Hỏi, “Ổng khen anh thế nào”. “À, mỗi dịp từ Sài Gòn về quê ăn Tết, ông thường hỏi, chữ nghĩa ở đâu trong đầu mà ngày nào con cũng viết được?”. Kể xong, anh Ớt bật cười khanh khách. Anh quê ở quận Ngũ Hành Sơn, nơi đó người dân xứ Quảng sống bằng nghề lấy đá tạc thành tượng nghệ thuật. Vào những năm cuối đời, anh Ớt có ý định tạc đá như một cách thư giản, tiếc là anh mất sớm.

Chiều qua, vào cơ quan họp. Sau đó, qua Phương Nam sách nhận sách biếu Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp. Sách in bề thế. Đẹp. Dày 240 trang, khổ 14x20 cm, giá bán 75.000 đồng. In 5 ngàn bản. NXB Hội Nhà Văn. Công ty Phương Nam phát hành. Trên đường về, trời mưa. Một cơn mưa làm héo hắt nắng chiều. Nền trời sẫm lại. Chẳng biết phải làm gì. Chiều trống rỗng một mình. Ngựa xe thiên hạ vẫn ồn ào, phóng chạy như điên như giành giật từng khoảnh khắc. Y chẳng bận việc gì. Cầm tập sách trên tay. Thấy vui. Thế là bèn rủ T, P. Đ - những cộng sự đã cùng chăm sóc bản thảo ra quán uống vài chai bia như bày tỏ lời cám ơn. Chọn quán có tên bình dân “Của tui” trên đường Hùng Vương, Q5. Cụng ly đầu tiên, câu nói thật lòng: “Cám ơn các bạn đã chung tay với Sài Gòn mùa trứng rụng”.

 

sai-gon-mua-trung-rung-anh-PN

 

Trong lúc lai rai, P nói, sắp tới đây, anh có cuốn sách này để in vào dịp 30.4 không? À, thời buổi này còn nhắc lại chuyện chiến tranh chắc chẳng ai buồn đọc nữa. Điều mà người đọc quan tâm có lẽ phải là cái nhìn Sài Gòn từ góc độ văn hóa, nếp sống, đại loại như tập Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc thì đời nào cũng cần. Quyển tạp bút này, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết năm 1966, nay đọc vẫn còn hay. Hôm nọ, qua điện thoại, nàng bảo: “Mấy bữa nay ngày nào cũng nói chuyện Saigon ngày xưa với ba mẹ em. Lúc nào ông bà cũng bắt đầu bằng 2 chữ “hồi đó” nên em sẽ viết cuốn "Hồi đó Saigon....”. Nghe vậy, thấy vui. Cũng như mọi lần, khuyến khích nàng hãy viết. Thế nào là văn hóa của một vùng đất? Chưa nghĩ ngợi sâu, thoáng nghĩ rằng, ít ra nơi đó phải có nhiều người viết về nó. So với Hà Nội, sách các thể loại viết về Sài Gòn vẫn còn ít lắm. Viết thêm một cuốn về Hà Nội, đã là nhiều. Viết thêm thêm trăm cuốn về Sài Gòn, vẫn là ít. Ngoài trời vẫn mưa lai rai. Trên đường về, tạt ngang qua trụ sở Motthegioi.vn thăm Thịnh. Anh em ngồi nhắc lại kỷ niệm lúc đi chung Hà Lan. Chuyến đi ấy gần chục người, cuối cùng, giờ chỉ còn chơi thân với Thịnh. Cái duyên chính là đó. Lúc đó, viết tập bút ký Du lịch của người câm (NXB Trẻ); viết bài thơ in báo Mực Tím:

NẮNG KHUYA

(Tặng bạn Lê Ngọc Thịnh)

Mùa thu ở Amsterdam

Nắng khuya lững thững bóng vàng nhẹ tênh


Vuốt ve từng ngọn cỏ mềm

Chạm giọt sương đã ngủ quên ban chiều


Đường về chân bước liêu xiêu

Sông xanh soi bóng dập dìu gió thơm


Sắc màu Van Gogh chập chờn

Bông hoa tulips cô đơn đứng chờ


Từng đêm tôi ngủ và mơ

Phố phường thân mật ngẩn ngơ đường về

(Amsterdam 17.7.2005)

Ấy cũng là lần đầu tiên trong đời, cảm nhận được “nắng khuya”. Trịnh Công Sơn có ca từ thật gợi và cảm: “Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”. Rời khỏi cơ quan Thịnh, quay về nhà. Trời lấm tấm mưa. Phóng xe chậm, thấy có người ăn mặc chỉnh chu, thắt cà vạt đàng hoàng lại dừng xe trên lề đường Trần Hưng Đạo, rồi hiên ngang tè tè vào ngay hộp điện to đùng trước mặt. Hộp điện đó có vẽ cái sọ người, ghi đậm dòng chữ “Nguy hiểm chết người”. Thế mà vẫn có kẻ dại dột. Khiếp thật. Đôi khi cái sự khiếp này cũng đến bất ngờ lắm. Lần nọ, đi xe ôm nghe tiếng ve kêu rền rĩ cả đoạn đường Tôn Đức Thắng, anh chàng xe ôm sau khi bàn đủ mọi chuyện về tình hình thế giới, quốc tế, nhân sinh lại phán một câu xanh rờn: “Này anh, tiếng ve kêu nghe vui tai quá. Ai mà nuôi ve bán cho thiên hạ ắt giàu to, vì mùa nào cũng được nghe tiếng ve kêu ai lại không thích? Tha hồ mà bán!”. Nghe thế. Biết thế. Ậm ự thế nào? Im thin thít như thịt nấu đông. Chỉ mong mau đến nơi đặng xuống xe cho nhẹ cái đầu! Khiếp thật. Lại nhớ đến câu chuyện do ông Cao Xuân Hạo kể đã lâu. Ngày nọ, người bạn làm bác sĩ tâm thần, lấy quyển sách dạy tiếng Nga và chỉ cho ông thấy dòng chữ in rành rành: “Trong hiệu sách có bán sách, báo, tạp chí và các tiểu thuyết khác”. Kể xong, ông thở dài: “Khiếp thật!”.

Đi xe một mình trong mưa cũng là cái thú. Tạt qua đường Nguyễn Thiện Thuật ăn cháo Tiều. Lúc ngồi ăn, lại nghĩ, người đàn bà tầm thường là người chỉ mong muốn ông chồng quanh quẩn trong vòng tròn do chính họ vạch ra, chẳng hạn, đi làm về đúng giờ, cấm bồ bịch lăng nhăng, phải gương mẫu chỉnh chu, không rượu chè nhăng nhố v.v… Còn người đàn bà “vĩ đại” là người không thèm ban hành các quy định ràng buộc, chồng làm gì thì mặc không thèm đếm xỉa tới nhưng họ lại rất quan tâm và tự ý thức làm mọi cách để con mình trở thành người xuất chúng! Với người đàn bà, con mới là nhân tố quan trọng nhất, chồng chỉ đứng sau. Nghĩ ra câu “triết lý” ấy, trên cả sự thông minh vốn có, khoái quá, y bèn tự thưởng một tô cháo Tiều nữa.

Sáng nay, vẫn công việc mỗi ngày. Đọc báo TT sáng nay mới hay rằng, “Hội Nghề cá Việt Nam đề xuất lấy ngày 1/4 hằng năm là ngày vinh danh người hy sinh giữ gìn biển đảo, mở rộng bờ cõi Hoàng Sa, Trường Sa”. Ơ hay, ngày này đã là Ngày cá tháng Tư, nói nôm na “Ngày nói láo” quá đỗi quen thuộc với mọi người, tại sao lại chọn ngày này? Nên chăng, chọn ngày 20.1 của năm 1974 - ngày tháng lịch sử máu lệ, đau đớn mà cũng oai hùng của dân tộc Việt Nam đã chống lại Trung Quốc khi chúng điên cuồng đánh chiếm Hoàng Sa?

Tại sao không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment