Lê Minh Quốc trong chương trình Giai điệu hào hùng, VTV 3 phát sóng lúc 14 g 20 ngày 31.7.2014
Đừng nói gì lớn lao, to tát đôi khi chỉ một bức tranh biếm họa cũng có thể thay đổi suy nghĩ, quan niệm sống của một con người.
Chiều qua, lướt facebook bạn Trần Thị Nhung có thấy bức tranh biếm vẽ người phụ nữ nằm bệnh, đang cấp cứu, đứng bên cạnh là các bác sĩ và chồng. Ông chồng hỏi: "Lúc này em đang nghĩ đến gì?". Người vợ đáp ngay :"Anh xem bức ảnh em nhập viện vừa post lên facebook đã có bao nhiêu người like rồi?". Tự nhiên giật mình! Tại sao như thế? Dường như y cũng đang có sống tâm trạng ngớ ngẩn như người phụ nữ đó chăng? Ban đầu, y sử dụng facebook chỉ nhằm paste đường link như một cách quảng bá trang web cá nhân. Rồi thoát ra ngoài làm việc, không quan tâm đến những gì đang diễn ra ở đó. Vậy mà dần dần có tâm trạng tò mò, tự hỏi không biết bài viết đó được bao nhiêu like? Vì sao nhiều like, vì lý do gì và ngược lại? Rõ ràng, tính cách đang dần thay đổi mà y không nhận ra.
Xem bức tranh biếm, y mới giật mình nhìn lại.
Trước kia, mỗi sáng, lúc ngồi vào bàn làm việc bao giờ cũng thao tác: check mail, lướt web rồi bắt đầu làm việc. Từ khi chơi facebook lại khác. Không dễ dàng thoát ra như lướt web. Cộng đồng mạng đủ các loại thông tin của mọi đối tượng. Đang xem chuyện A, vừa kéo rê “con trỏ” đã nhảy sang chuyện B. Từ chuyện chính trị chính em bỗng nhảy qua chuyện khoe món ăn, ảnh “tự sướng”; từ cái này nhảy vọt sang cái nọ v.v… Trang facebook phong phú vô cùng, đa dạng vô tận vì thế nó đủ sức lôi cuốn mắt nhìn. Đang xem, tiện tay like; cao hứng viết vài câu comment. Nó hiện lên mồn một ngay trước mắt, chứ không cần phải qua “bộ lọc” nào, chẳng sợ người khác biên tập như lúc comment ở trang web. Chưa hết, đang đọc lại có người nhảy vào “chat”, chẳng lẽ ngó lơ? Cái notes trên facebook mình vừa có người comment chẳng lẽ mình không trả lời? Cái nọ xọ cái kia. Không dứt ra được. Rồi cứ thế, thời gian một buổi sáng mất sạch! Ấy là chưa kể, dù không vào facebook nhưng các thông tin ở đó cũng đổ ào ạt xuống inbox. Có lúc xóa muốn khùng luôn. Nếu không nó cũng gợi tò mò muốn vào xem sao.. Chà, biết bao là phiền toái.
Mà những chuyện đó chỉ chuyện nhỏ, y phát hiện ra từ lúc mê facebook với những thông tin ngắn kèm theo nhiều hình ảnh đã ảnh hưởng ít nhiều đến thói quen đọc sách. Cầm quyển sách dày, thấy chữ là chữ bỗng nhiên ái ngại. Tại sao bây gời lại xuất hiện tâm trạng này? Đây mới chính là điều y lo lắng nhất. Xem bức tranh biếm, y mới giật mình nhìn lại.
Thế là chiều hôm qua, y đã gọi điện thoại cầu cứu bạn bè hướng dẫn thủ thuật khóa facebook. Phải thoát ra khỏi thế giới ảo ấy. Càng nhanh càng tốt. Vài cuộc điện thoại trao đổi qua lại nhưng rồi bó tay. Cuối cùng, y cầu cứu goolge. Do y thông minh nên chỉ làm theo vài thao tác hướng dẫn là xong! Việc này kết thúc vào lúc 20 g tối qua. Khỏe cái thân. Sáng nay, đã trở về tâm trạng làm việc bình thường. Không còn phải lăn tăn mất thời gian với facebook như trước kia nữa. À, có người bạn vừa mail cho bài vè so sánh tiếng nói hai miền Nam - Bắc. Không rõ tác giả là ai. Đọc thấy lý thú quá:
Bắc bảo: kỳ, Nam kêu: cọ (kỳ cọ)
Bắc gọi: lọ, Nam kêu: chai
Bắc: mang thai, Nam: có chửa
Nam: xẻ nửa, Bắc: bổ đôi
Bắc quở: gầy, Nam than: ốm
Bắc cáo: ốm, Nam khai: bịnh
Bắc định: đến muộn, Nam liền: la trễ
Nam mần: sơ sơ, Bắc “nàm”: nấy nệ
Bắc: lệ tuôn trào, Nam: chảy nước mắt
Nam bắc: vạc tre, Bắc kê: lều chõng
Bắc nói trổng: thế thôi, Nam bâng quơ: vậy đó
Bắc đan: cái rọ, Nam làm: giỏ tre
Nam không nghe: nói dai, Bắc chẳng mê: lải nhải
Nam: cãi bai bãi, Bắc: lý sự ào ào
Bắc: vào ô tô, Nam: vô xế hộp
Hồi hộp Bắc: hãm phanh, trợn tròng Nam: đạp thắng
Khi nắng, Nam: mở dù thì Bắc lại xoè ô
Điên rồ Nam: đi trốn, nguy khốn: Bắc lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc: từ từ, Bắc thì khuyên: gượm lại
Bắc gọi là: quá dại, Nam thì kêu: ngu ghê
Nam: sợ ghê, Bắc: hãi quá
Nam thưa: Tía Má, Bắc bẩm: Thầy U
Nam nhủ: ưng ghê, Bắc mê: hài lòng
Nam chối: lòng vòng, Bắc bảo: dối quanh
Nhanh nhanh Nam: bẻ bắp, hấp tấp Bắc: vặt ngô
Bắc thích cứ: vồ, Nam ưng là: chụp
Nam rờ: bông bụp, Bắc vuốt: tường vi
Nam nói: biến đi! Bắc hô: cút xéo
Bắc bảo: cứ véo! Nam: ngắt nó đi
Bắc gửi: phong bì, bao thơ: Nam gói
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn!
Bắc gọi: tiền đồn, Nam kêu: chòi gác
Bắc chê: khoác lác, Nam bảo: xạo ke
Mưa đến, Nam: che, gió ngang, Bắc: chắn
Bắc khen: giỏi mắng, Nam nói: chửi hay
Bắc nấu: thịt cầy, Nam thui: thịt chó
Bắc vén: búi tó, Nam bới: tóc lên
Anh Cả, Bắc: quên; anh Hai, Nam: lú
Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi
Bắc mới: tập bơi, Nam thời: đi lội
Bắc đi: phó hội, Nam tới: chia vui
Thui thủi, Bắc: kéo xe lôi; một mình, xích lô: Nam đạp
Nam thời: mập mạp, Bắc cho là: béo
Khi Nam khen: béo, Bắc bảo là: ngậy
Bắc quậy: sướng phê, Nam rên: đã quá
Bắc khoái: đi phà, Nam thường: qua bắc
Bắc nhắc: môi giới, Nam liền: giới thiệu
Nam ít khi: điệu, Bắc hay: làm dáng
Tán mà không thật, Bắc bảo là: điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là: xạo
Bắc nạo bằng: gươm, Nam thọt bằng: kiếm
Nam mê: phiếm, Bắc thích: đùa
Bắc: vua bia bọt, Nam: chúa La-de
Bắc khoe: bùi bùi lạc rang, Nam: thơm thơm đậu phọng
Bắc: xơi na vướng họng, Nam: ăn mãng cầu mắc cổ
Khi khổ Nam: tròm trèm ăn vụng, Bắc: len lén ăn vèn
Nam toe toét: “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình: “em chả”
Bắc giấm chua: “cái ả”, Nam bặm trợn: “con kia”
Nam mỉa: “tên cà chua”, Bắc rủa: “đồ phải gió”
Nam: nhậu nhẹt thịt chó, Bắc: đánh chén cầy tơ
Bắc: vờ vịt lá mơ, Nam: thẳng thừng lá thúi địt
Khi thấm, Nam: xách thùng thì Bắc gọi: bê sô
Nam: bỏ trong rương, Bắc: tuôn vào hòm
Nam: lết vô hòm, Bắc: mặc áo quan
Bắc xuýt xoa: “Cái Trang xinh cực!”
Nam trầm trồ: “Con Trang đẹp hết xẩy!”
Phủ phê, Bắc: trùm chăn; no đủ, Nam: đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu
Có những câu đọc là tủm tỉm cười. Ôi! Tiếng Việt ngàn đời yêu dấu. Bắc Nam một nhà đời đời yêu dấu. Trong sách giáo khoa dành cho học sinh trung học ở miền Nam có bài thơ Tôi yêu tiếng Việt miền Nam của nhà thơ Bàng Bá Lân, người Bắc:
Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao.
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.
Tôi yêu đồng cỏ nắng se,
Nhà rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh.
Tôi yêu nắng lóa châu thành,
Trận mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu.
Nơi đây tôi mến thương nhiều,
Miền Nam nước Việt mỹ miều làm sao!
Xa xôi hằng vẫn ước ao
Vào thăm vựa lúa xem sao, hỡi mình!
Chừ đây tình đã gặp tình,
Tưởng như trong đại gia đình đâu xa.
Người xem tôi tựa người nhà,
Người kêu thân mật tôi là: Thầy Hai!
Ðồng bào Nam Việt ta ơi!
Tôi yêu cặp mắt làn môi thiệt thà.
Nước non vẫn nước non nhà,
Bắc Nam xa mấy vẫn là anh em!
Bài thơ này, tác giả viết năm 1954, chắc nay ít ai còn nhớ. Ông là tác giả hai câu thơ mà nhiều người nhầm tưởng ca dao:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Chiều vào cơ quan họp, trên đường về nhà, bạn thơ Cao Xuân Sơn gọi điện thoại. Có chuyện gì không? Do biết y mê sách nên bạn tặng cho đúng 83 cuốn sách mỏng viết về các danh họa, trào lưu hội họa thế giới do NXB Kim Đồng in từ những năm trước. Quý quá. Mừng quá. Tự nhiên, thấy phơi phới thơi thới trong lòng dù chiều nay vẫn kẹt xe, khói xe mờ mịt như mọi ngày mà vẫn huýt sáo thong dong một cách sung sướng như vừa trúng số độc đắc. Cám ơn bạn mình.
L.M.Q
Thế nào là uống rượu?
Hỏi như thế là hỏi khó. Dân Việt Nam hầu hết đều biết uống rượu, thế nhưng đã nâng nó lên một tầm triết lý chưa? Y chưa đọc được quyển sách nào bàn “ra tấm ra miếng” về nghệ thuật uống rượu của tác giả người Việt. Nếu có chăng cũng chỉ vài trang trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Người Việt biết sáng chế nhiều loại rượu ngon. Ngon đến độ chỉ cần ngửi qua, hương men xộc lên ốc cũng đủ tê tái tâm thần. Thế nhưng vẫn chưa có một ai đủ lịch lãm, từng trải có thể bàn về “ra môn ra khoai” nghệ thuật uống rượu. Mà cũng chưa có loại rượu nào nào tạo nên huyền thoại như rượu Thiệu Hưng (Trung Quốc): Khi đẻ ra con gái, bố mẹ tự tay làm hủ rượu, để dành chừng hai mươi năm sau khi con gái xuất giá thì tặng cho nó như một báu vật. Hủ rượu này, ngoài bình vẽ bức tranh tuyệt đẹp, thường vẽ hoa. Vì sao vẽ hoa? Y suy diễn rằng, do hoa thường sánh đôi với rượu, “uống rượu thưởng hoa” là thú vui tao nhã chứ chắc chắn không phải đi đôi với… thịt chó! Do hủ rượu có tranh vẽ hoa nên còn gọi “hoa điêu”.
Lâu nay thiên hạ vẫn khen quyển Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường là tinh tế, diệu vời khi bàn về thú chơi, hưởng thụ thiên nhiên, uống trà, tâm tính v.v… của người Trung Hoa. Thế nhưng theo y, chương hay nhất trong tập sách đó, bàn về uống rượu là hay, tuyệt hay bởi… không phải Lâm Ngữ Đường viết. Nó hay bởi ông biết trích dẫn những đoạn văn hay nhất bàn về nghệ thuật bàn về uống rượu của chính người Trung Hoa. Người viết sách như người đưa đò. Lâm Ngữ Đường, đêm qua đã đưa y quay về với thú uống rượu đã có từ mấy ngàn năm trước. Sở dĩ, Lâm Ngữ Đường không bàn về rượu vì ông thú nhận không biết uống rượu. Y cũng thế. Bèn nghĩ rằng, đọc sách còn có cái thú là những gì đã tâm đắc, đã khoan khoái trong lòng có thể chép ra cho người khác cùng thưởng thức. Ở đây, y chọn trích đoạn theo bản dịch của nhà văn Nguyễn Hiến Lê bởi câu văn trong sáng, khúc chiết:
“Cái thú uống rượu, đặc biệt là cái thú “tiểu ẩm” (uống một li nhỏ) mà trong văn học Trung Hoa người ta thường nhắc tới, trước kia tôi vẫn cho là một bí mật không hiểu nổi, mãi đến khi một nữ sĩ diễm lệ ở Thượng Hải, trong lúc ngà ngà, hăng hái ca tụng mĩ đức của rượu, tôi mới chịu tin rằng lời bà ta có lí. Bà bảo: “Trong lúc nửa say, người ta nói huyên thuyên, nói hoài không ngừng; không có gì thú hơn, sướng hơn nửa”. Người ta có cảm giác hăng hái, dương dương đắc ý, cơ hồ như trở ngại nào cũng thắng nổi, giác quan mẫn nhuệ lên, mà khả năng sáng tác, nó ở giữa ranh giới hiện thực và ảo tưởng, đạt tới một trình độ cao hơn lúc bình thường. Cơ hồ ta có thêm năng lực, thêm lòng tự tin, có ý thoát li qui củ cùng những sự trói buộc của kĩ thuật".
"Có người nói rằng những nhà độc tài ở châu Âu như Franco, Hitler, Mussolini, nguy hại cho nhân loại vì họ không biết uống rượu. Lời đó đáng gọi là có kiến giải. Tôi không ưa các nhà độc tài vì lối sống của họ có cái gì bất cận nhân tình, mà cái gì bất cận nhân tình đều là xấu cả. Một tôn giáo bất cận nhân tình không phải là một tôn giáo, chính trị bất cận nhân tình là một chính trị điên khùng, một nghệ thuật bất cận nhân tình là một nghệ thuật dở, và một lối sống bất cận nhân tình là lối sống của loài vật”.
“Trà như ẩn sĩ, rượu như hào sĩ. Rượu để kết bạn, trà để hưởng tĩnh”. Một tác giả Trung Hoa còn kể ra những tâm trạng và địa điểm hợp với sự uống rượu: “Trong cuộc lễ nên uống khoan thai; trong cuộc họp bàn, uống nên nhã; người đau nên uống từng chút một; người sầu muộn nên uống cho đến say. Mùa xuân nên uống ở sân, mùa hè nên uống ngoại ô một châu thành; mùa thu nên uống ở trong thuyền; mùa đông nên uống ở trong nhà; mà ban đêm nên uống dưới bóng nguyệt”.
“Một tác giả khác viết: “Nên lựa lúc và nơi mà say. Say với hoa thì nên vào ban ngày để hưởng hết màu sắc, ánh sáng; say với tuyết thì nên lựa ban đêm để tâm tư được thanh tĩnh; say lúc đắc ý thì nên ca hát cho lòng được hợp cảnh; say lúc li biệt thì nên hát lúc du dương để nâng đỡ tinh thần; say với văn nhân thì nên cẩn thận, lễ độ để khỏi bị khinh nhờn; say với võ tướng thì nên dùng cái chén bằng sừng, thêm cờ xí cho thêm lẫm liệt; say trên lầu thì nên lựa mùa hè để hưởng gió mát; say trên sông nước thì nên lựa mùa thu cho thêm phóng lãng sảng khoái. Tâm trạng và cảnh phải thích nghi, không vậy thì mất thú”.
“Quan trọng là cái vui chứ không phải rượu. Như vậy thì người tửu lượng kém cũng có thể hưởng thú uống rượu. Có những người không biết chữ mà biết cái thú của thơ; có những người không biết tụng kinh mà biết cái thú của tôn giáo; có những người không biết uống một giọt rượu, mà biết cái thú của rượu; có những người không biết gì về đá, mà biết cái thú của họa”. Những người đó đều là tri kỉ của thi nhân, thánh hiền, ẩm giả và hoạ sĩ”.
Ngẫm thêm về lai rai một chút nữa, theo y:
Từ 10 đến 20 tuổi: Nhậu càng đông càng thích, càng hào sảng. Tưởng như Kinh Kha sang Tần. Một đi không trở lại. Sáng dậy tỉnh queo. Như chưa từng có giọt nào. Quên tuốt luốt những lộng ngôn.
Từ 20 đến 30: Nhậu bất kể thời gian. Bất kể loại bia rượu gì. Có là uống. Ép nhậu đến ngất trên cành quất. Tranh nhau đọc thơ cứ như đang đứng trước quảng trường phục vụ cho hàng triệu công chúng. Tự nhận thơ của thiên tài, dù không tờ báo nào thèm đăng. Nhậu từ sáng hôm nay qua sáng hôm sau, rồi đi làm luôn. Vẫn thơ thới, tỉnh táo.
Từ 30 đến 40: Không thích nhậu quán quen. Quán lạ vẫn thích hơn. Bởi quán lạ có nữ tiếp tân lạ. Tàn cuộc nhậu luôn ngoác mồm hỏi một cách nghiêm túc, đứng đắn: Tăng 2 ở đâu? Quán nào? Dù không còn một xu dính túi.
Từ 40 đến 50: Nhậu cần có thêm siêu mẫu, người mẫu vây quanh. Mới vui. Hay kể bàn chuyện phòng the. Luôn tự nhận là số 1. Bách chiến bách thắng. Tự trấn an cho sức khỏe. Quan tâm đến các loại cường dương bổ thận. Sáng mai, dậy rất sớm, mở mắt ra đã 12 giờ trưa.
Từ 50 đến 60: Kén bạn nhậu lúc chung bàn. Thấy có người không hợp gu, đùng đùng đứng dậy, bỏ về ngay. Uống có chừng mực hơn. Không nhất thiết phải có chân dài chân ngắn Ai muốn đọc thơ, phải đóng tiền vì đã tra tấn bạn nhậu. Thích nhất vẫn là nhậu chỉ có hai người. Một nam một nữ. Người nữ đó không phải vợ mình. Bởi lúc đó có thể tha hồ đọc thơ mà không phải đóng lệ phí!
Mấy đêm nay, hầu như đêm nào cũng đọc quyển sách Một quan niệm về sống đẹp của Lâm Ngữ Đường. Đọc chậm rãi. Đọc tùy hứng. Đọc nhẩn nha. Khi đọc đến dòng cùng mới tặc lưỡi, tiếc: “Sao hết nhanh thế?”.
Sáng nay, thức dậy sớm, còn hào hứng với quyển sách hay nên viết những dòng này.
Số báo đặc biệt về nhà văn Lâm Ngữ Đường (Tạp chí Văn 1.V.1965 phát hành tại Sài Gòn). Tư liệu L.M.Q
L.M.Q
Bộ Từ điển bách khoa lịch sử thế giới đã lấy "nguyên si tới 90% các phần trong bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam" (báo Thể thao & Văn hóa ngày 7.5.2004)
Từ đây đến năm 2023, công trình văn hóa nào sẽ là sự kiện quan trọng nhất của giới học thuật Việt Nam?
Đó là bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam - gồm có 35 quyển đề cập đến các lãnh vực như sau: Toán học, Cơ học; Vật lý học, Thiên văn học; Hóa học, Công nghệ hóa học; Sinh học, Công nghệ sinh học; Địa chất học, Môi trường; Địa lý học, Địa lý thế giới; Địa lý Việt Nam, Địa chính; Công nghệ thông tin; Nông nghiệp, Thủy lợi; Lâm nghiệp, Ngư nghiệp; Hải dương học, Khí tượng thủy văn; Y học, Dược học; Điện, Điện tử, Tự động hóa; Xây dựng, Công nghệ vật liệu; Giao thông, Vận tải; Cơ khí, Mỏ, Luyện kim; Dệt, May, Giấy, Thực phẩm; Văn học; Ngôn ngữ học, Hán Nôm; Văn hóa dân gian, Ngành nghề thủ công; Lịch sử Việt Nam; Lịch sử thế giới; - Khảo cổ học, Dân tộc học - Nhân học; Kinh tế học; Tài chính, Ngân hàng, Tiền tệ; Triết học; Tôn giáo, Xã hội học; Chính trị, Ngoại giao, Tổ chức; Quốc phòng, An ninh; Luật học; Tâm lý học, Giáo dục học; Thông tin, Báo chí, Xuất bản, Thư viện, Bảo tàng, Lưu trữ; Âm nhạc, Nghệ thuật múa, Sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh; Mỹ thuật, Kiến trúc; - Du lịch, Thể dục thể thao, Ẩm thực, Trang phục; và quyển thứ 36 là sách dẫn (Index, dành cho bộ tổng hợp).
Thông tin này vừa được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Theo đó, “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.
Việc biên soạn phải phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới, trong đó chú trọng những tri thức cần thiết đối với Việt Nam; bảo đảm tính khoa học, tính dân tộc, tính hiện đại; bảo đảm tính chuẩn mực và tính hệ thống; quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Nói thật, nhờ thông tin này mới biết hiện nay ở nước ta đã có Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Trên trang web của tổ chức này cho biết: “Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - tên giao dịch quốc tế là Vietnam Academy of Social Sciences - có tiền thân từ Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý và Văn học (gọi tắt là Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn) được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước”.
Kết quả công trình Bách khoa toàn thư Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì sẽ như thế nào?
Khó có thể nói trước một điều gì. Dù gì cũng đặt nhiều kỳ vọng bởi đây là công trình đầu tiên của nước nhà đề cập toàn diện đến nhiều vấn đề, nhiều lãnh vực mà “Mục tiêu của việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam”.
Sực nhớ đến bộ Từ điển bách khoa Việt Nam (4 tập - Trung tâm từ điển bách khoa Việt Nam ấn hành). “Mỗi tập trên dưới một vạn mục từ” (tr.5). Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đã quy tụ trên 1.200 nhà khoa học, làm việc miệt mài trong vòng 6 năm, từ năm 1988 đến 1995 để có được “công trình khoa học văn hóa lớn của Việt Nam trong điều kiện hiện nay” (tr.6). Lúc đó, thiên hạ hò reo, tán thưởng, kỳ vọng, đón mừng bởi ít ra người mình cũng có thể làm được những công trình văn hóa “để đời”, chứ nào kém ai.
Tuy nhiên, sau đó đã có nhiều bài báo phân tích những sai sót trong đó. Có thể nêu vài thí dụ: núi Chứa Chan (Đồng Nai) bị gọi là Chùa Chàn (tr.522); nhà thơ Đoàn Như Khuê, tác giả tập thơ Một tấm lòng in năm 1917, bút danh Hải Nam, lại bị đổi thành Nam Hải (tr.833); nhà thơ Đông Hồ tên thật Lâm Tấn Phác lại ghi nhầm Lâm Tấn Phát…; về tên nước Đại Nam, từ điển giải thích: “Quốc hiệu Việt Nam từ năm 1820, dưới đời Minh Mạng” (tr.718), thật ra, tên nước Việt Nam có từ thời vua Gia Long, năm 1802; sau đó, năm 1838, vua Minh Mạng đổi là Đại Nam.
Giải thích về thế chiến lần thứ nhất, ở tập I, tr.465 Từ điển Bách khoa Việt Nam cho biết: “Chiến tranh giữa hai khối ở châu Âu (khối Đức, Áo - Hung và khối đồng minh Pháp, Nga, Bỉ, Xecbi, Môngtênêgrô”. Thế nhưng ở mục từ Hoa Kỳ của tập 2, tr.313 lại viết: “Trong chiến tranh thế giới I và II, Hoa Kỳ luôn đứng về phe đồng minh Anh - Pháp chống lại Đức - Ý - Nhật Bản”. Giải thích như thế là không đúng, vì thế chiến thứ nhất làm gì có trục Đức- Ý- Nhật mà chỉ có Đức - Áo - Hung như tập I đã giải thích. Sự thiếu nhất quán này còn xuất hiện trong phần phiên âm. Chẳng hạn, tập 1, tr.100 phiên âm nhà xã hội không tưởng Robert Owen (1771-1858) là Âuin R; nhưng ở tập 2, tr.358 lại phiên âm thành Ôen R; tập 1, tr.509 phiên âm tên nhà kinh tế học, mục sư Thomas Robert Malthus là Mantuýt, nhưng tập 4, tr.318 lại phiên âm là Manthơt v.v…
Thời nhỏ đi học, y nghe thầy giáo “tuyên truyền” rằng, sở dĩ bộ Tự điển Bách khoa Larousse của Pháp - biên soạn từ năm 1866 đến năm 1877 gồm có 17 cuốn, mỗi cuốn bao gồm 1500 trang - được người sử dụng tin cậy tuyệt đối, một công cụ tra cứu mẫu mực vì dù sách đã in, nhưng chỉ phát hiện ra một lỗi sai là họ hủy toàn bộ, in lại. Không những thế,sau mỗi lần tái bàn họ lại cập nhật thêm những thông tin mới. Nếu đúng thế, đáng nể quá.
Còn ở mình nếu có sai sót cứ tặc lưỡi bảo, chẳng ai tài thánh gì, “có sai thì sửa, có chửa thì đẻ”. Cũng “bình thường như cân đường hộp sữa”, làm lớn chuyện làm gì? Đành rằng là thế, nhưng vấn đề đặt ra một cách nghiêm túc là không thể chấp nhận được chuyện lèm nhèm tiền bạc, chia chác gì gì đó ầm ĩ một thời mà báo chí đã phản ánh. Chưa hết, chắc ít ai còn nhớ đến vụ “đắng lòng” khác cũng liên quan đến bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam. Đó là ông Tiến sĩ Phan Xuân Chúc - nguyên chánh văn phòng và cũng là ủy viên trong hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đã lấy nguyên si đến 90% nội dung của bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam để in thành tập Từ điển bách khoa lịch sử thế giới (NXB Từ điển Bách khoa) dày 900 trang khổ lớn và đứng tên mình ngon ơ!
Thời buổi này, viết tin trên facebook, blog, trang web cá nhân, nếu bịa chuyện nhằm bôi nhọ ai thì cũng có thể bị kiện ra tòa như chơi. Vì thế, phải “nói có sách, mách có chứng”. Chuyện kỳ cục khả ố trên, nếu ai đó không tin, xin cứ xem lại báo Thể thao & văn hóa số ra ngày 7.5.2004 có bài “Đạo” cả một bộ từ điển - về vụ vi phạm bản quyền nghiêm trọng”. Rất tiếc dù lúc đó báo chí lên tiếng, phỏng vấn GS Hà Học Trạc - chủ tịch Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam nhưng vẫn không thể xử lý được. Lý do, ông Trạc cho biết hội đồng kỷ luật không thể xét tội ông Tiến sĩ Phan Xuân Chúc vì ông này nằm viện “đã về nhà và tình trạng rất nguy kịch”. Vậy NXB đứng ra in bộ sách mà ông Chúc “đạo” trắng trợn thì sao? Ông Trạc cho biết: “chưa kịp khiển trách thì ông (ấy) đã chuyển sang bên Hội Nhà văn và có một giám đốc khác rồi”.
Vậy coi như huề cả làng.
Đã chiều. Tự dưng nghe vọng về câu thơ của Thế Lữ: "Tiếng đưa hiu hắt bên lòng / Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn"
L.M.Q
Sinh nhật, 1.8.1959.
Trong đời sống, cuối cùng con người ta bấu víu gì để sống? Thông điệp cuối cùng chỉ có thể Tình yêu. Những cuộc tình ma mị. Những ánh sáng chói lòa. Những mù tăm hun hút. Đôi khi, muốn hình dung lại thịt xương đã chìm khuất trong quá khứ xa vời. Nhưng rồi, cũng không thể. Những dấu chân đã tan trong gió bụi. Những dấu chân đã dẫm lên những dấu chân. Không còn gì trong tâm tưởng nữa. Người ta thường lưu luyến tình đầu. Không phải thời gian của trước hoặc sau mà chính là thời điểm nào. Mối tình cuối cùng mới là tình đầu. Bởi lẽ đang hiện hữu trong nhau. Những tình cũ, tình xưa, tình trăm năm mờ mịt cuối cùng chỉ là tiếng thở dài. Tiếng gió rít ngoài đồng nội. Mãi mãi xa tít. Nào có ai giữ lại được trên bàn tay tiếng thở dài đi qua năm tháng? Nào có ai níu được mùi hương đã xa khuất trong bộn bề ký ức? Thế thì, hãy giữ lấy những gì đang hiện hữu. Đang có. Đang hiện diện. Những ám ảnh quá khứ hãy để lụi tàn. Tro tàn khép lại. Đời sống đã lật qua một trang giấy mới. Chồi đang biếc. Lá đang nõn. Một hẹn hò vừa đến. Đã đến. Và gọi là “Nàng”.
Nàng đã đến tự lúc nào?
Chắc hẳn không trong ngày sinh nhật. Chỉ nhớ tối hôm ấy, quán đông đúc những ngợm là người. Những bia là rượu. Những khói thuốc là men. Men say của tuổi trẻ. Men ngây ngất của một đêm mưa bão trút. Cảm tưởng như từ thuở khai thiên lập địa đến nay, bao nhiêu sông, suối, biển, hồ, suối, khe hội ngộ về trời và từ trên trời cao trút hết nước xuống cõi trần u ám. Một trận mưa kinh khiếp. Trời đất sạch sẽ. Lòng người hân hoan. Một người đã đến. Và từ đó, bắt đầu một câu chuyện mới. “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương ?”.
Lúc ấy, có ai đọc thơ Bích Khê không?
Chẳng nhớ nữa.
Chỉ nhớ ngoài trời tiếng gió, tiếng sấm sét gào rú vang động, rúng động từ địa ngục đến cõi địa đàng. Trong ngày sinh nhật, tại sao trí nhớ lại quay về năm tháng ấy? Đôi khi chán chê, chán ngán với cõi đời thực con người ta đi tìm một cõi khác. Cõi ái tình của bông hoa đầu mùa mới chớm. Cõi gió heo may hiền lành như câu văn Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”. Lạ kỳ chưa? Một câu văn xuôi trong sáng, đơn giản lại đi vào nỗi niềm nhiều thế hệ học trò. Thuộc nằm lòng. Nhớ từng câu. Nhớ từng chữ. Từng dấu phết. Từng dấu chấm. Những lời ái tình chân thật bất kỳ thời đại nào, chủng tộc nào cũng thế. Cũng trong sáng và giản đơn. Không cần gì phải trăng mây hoa gió du dương biền ngẫu niêm luật đối xứng. Chỉ một lời. Chỉ một chữ. Có thể ngàn đời sau, muôn trùng kiếp khác vẫn nhớ vết hằn đau trong óc. Vết máu lặn trên da. Vết xâm sâu tiềm thức. Nỗi nhớ ấy, nồng nàn chăn gối.
Sinh nhật, 1.8.1959.
Hôm kia, Haani đã chuyển đôi giày của nàng gửi tặng. “Quà sinh nhật cho anh”. Đường còn xa. Giày còn bền. Cứ thế, thời gian lại lao về phía trước. “Ngày đó có em đi nhẹ vào đời” (P.D). Đã “ngày đó” là thuộc về dĩ vãng. Còn đây của Hiện tại. Hiện tại không thể nhú lên mầm rêu úa của Quá khứ xa vời: “hương em thơm lộng lẫy trên môi / anh gọi lên sóng biếc vỗ trùng khơi”. Thói thường, khi cuộc tình đã xa, đã mất lại gợn lên trong trí nhớ những ám ảnh không nguôi để bật ra những câu thơ mới. Cần gì phải thế, hãy cứ là những câu thơ của Ngày Vui đang có. Mỗi câu thơ là một Tin Mừng. Mỗi câu thơ là nồng nàn ve vuốt trong hư thật của từng ngày đang sống. Mỗi ngày sống là một ngày Hồi sinh từ tàn tro của bụi bặm nhân sinh ê chề mỏi mệt. Mỗi ngày yêu là một ngày quay về với tuổi thơ trong sáng và hiền lành. Như câu văn Thanh Tịnh: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”. Có như thế, bằng Tình yêu đang có thì con người ta mới có thể vác cây thập tự của số phận đời mình đi hết một kiếp đời gian nan, bất trắc.
Sinh nhật, 1.8.1959.
Sao không đọc lại những bài thơ đã viết tặng nàng?
Ngày nào, lúc nào có thể in tập thơ này? Đánh dấu một Mùa Tình đôi lứa. Một Mùa Xanh hẹn hò. Một Mùa Thơm ngấy ngây trên từng phiến da non. Một Mùa Vàng của bắt đầu và không kết thúc. Có thể những câu thơ còn đọng lại như giọt rượu đỏ chìm sâu dưới dấy ly pha lê trong suốt. Có thể chỉ là tiếng gió lướt ngoài hiên vắng những chiều ngồi đâu đó thả cái nhìn vào dòng đời náo nhiệt. Lúc ấy và bây giờ, chẳng bận tâm điều gì. Chỉ biết rằng, một mối tình đang có là lúc hai người một bóng. Một bóng nắng, một bóng mưa, một bóng mây, một bóng thời gian của ngày đang có: “lạc nhau trong cõi ta bà / ngoài năm mươi mới biết là của nhau / tình sâu chót mới tình đầu / là ngày giọt máu cúi chào trăm năm”. Sao lại quy ước “trăm năm” là một đời? Khoảnh khắc ấy ngắn hay dài? Mộng hay thực? Làm sao có thể biết? Làm sao có thể tách bạch rạch ròi giữa Mộng và Thực? Trong mộng có thực. Và ngược lại. Trăm năm trước, Nguyễn Huy Hổ (1783 -1841) viết Mai Đình mộng ký có lẽ đây là tác phẩm đầu tiên của văn học Việt Nam nêu lên khái niệm giữa Mộng và Thực: “Ta nghe nói: người giác lớn có mộng lớn. Lời nói mầu nhiệm thay! Lời nói mầu nhiệm thay! Ôi! Việc lớn như chung thủy của trời đất, bé như sinh tử của nhân vật, xa như thế biến của xưa nay, đều là giác trong mộng cả. Như thế thì, những kẻ gọi là mộng ảo, gọi là trần giới, gọi là nghịch lữ, gọi là hành khách, mới có thể nói chuyện mộng được mà thôi”. Cuối bài Tựa này, Nguyễn Huy Hổ viết nốt: “Đó là mộng chăng? Đó không là mộng chăng? Duy chỉ người đại giác mới đoán được”. Ngờ rằng những tác phẩm Giấc mộng lớn, Giấc mộng con của Tản Đà có được cũng từ ảnh hưởng này chăng?
Sinh nhật, 1.8.1959.
Chép lại những câu cuối trong Mai Đình mộng ký. Đọc ngân nga như đứa trẻ học bài trơn như cháo chảy:
Tài tình xem lại xưa nay,
Kiếp người may với chẳng may cũng nhiều.
Cuộc đời mây nổi, nước triều,
Tình bao nhiêu, nợ bấy nhiêu, hay gì.
Lấy điều mộng ảo mà suy,
Một thì là giác, hai thì là mê.
Mê chăng một lúc đi về,
Giác thì duyên ấy còn ghê sau này.
Quái quỷ thật, những ngày tháng thản nhiên đi qua cuộc đời này, bỗng dưng hằng năm cứ đến một ngày, ai cũng có ngày đó để giật mình sực nhớ. Ngồi xuống. Ngồi lại tự vấn. Nghĩ về năm tháng đã gánh lấy bụi bặm của cõi trần nặng nợ. Nghĩ về những buồn vui từ thuở cất tiếng khóc oa oa đến giây phút chạm vào Hiện tại. Rồi đứng dậy. Và đi nữa. Tiếp tục đi. Đi mãi. Đi về một cõi khác. Mơ hồ. Hun hút. Thẳm sâu. Ngoài 50 xuân xanh tóc trắng mới nghiệm ra câu thơ của Trần Tử Ngang (661 - 702) thần sầu quỷ khốc bởi thấu hiểu lẽ vô vi không cùng của trời đất:
Ngưòi trước chẳng thấy ai
Người sau thì chưa thấy
Gẫm trời đất thật vô cùng
Riêng lòng đau lệ chảy
Thế thì, ngày tự vấn ấy, hôm qua, Nhật ký 31.7.2014, y tự nhủ: “Ngày ra đời của mỗi người, phải gánh vác biết bao công việc nhọc nhằn của một kiếp đời, lầm lũi đi qua ngày tháng, rồi buông xuôi khép mắt, hà cớ gì phải mừng, phải vui, phải chúc tụng? Thêm một tuổi là đến gần hơn với chặng đường dài kết thúc vòng quay của nghi lễ đời người. Ai cũng đặt chân đến cõi ấy. Một lần. Mãi mãi xa tít ngàn trùng gió bụi trong hỗn mang trời đất. Một dấu chấm lẻ loi. Đơn độc. Và tan biến”. Tuy thế, vẫn nhận được nhiều lời chúc mừng sinh nhật. Vì lẽ gì? Vì cái tình dành cho nhau đấy thôi. "Nặng lắm ai ơi một gánh tình" (Tản Đà). Cảm động quá.
Sinh nhật, 1.8.1959.
Đã nhận được những lời chúc mừng từ chữ đến hình ảnh của bè bạn xa gần. Nhận từ facebook. Từ tin nhắn. Từ inbox. Từ nhiều nguồn khác nhau. Xin cám ơn. Gió vẫn con thổi mãi. Ngày đang gần. Ngày đang xa. Cứ thế, cuộc hành trình của một kiếp người lại bắt đầu những bước chân đi…
L.M.Q
Đêm qua, mua to gió lớn. Ngồi cùng bạn bè. Sân thượng lộng gió. Sáng dậy sớm. Lại công việc của mỗi ngày. Hôm nay, ngày cuối cùng của tháng 7. Ngày mai, sinh nhật. Ngày ra đời của mỗi người, phải gánh vác biết bao công việc nhọc nhằn của một kiếp đời, lầm lũi đi qua ngày tháng, rồi buông xuôi khép mắt, hà cớ gì phải mừng, phải vui, phải chúc tụng? Thêm một tuổi là đến gần hơn với chặng đường dài kết thúc vòng quay của nghi lễ đời người. Ai cũng đặt chân đến cõi ấy. Một lần. Mãi mãi xa tít ngàn trùng gió bụi trong hỗn mang trời đất. Một dấu chấm lẻ loi. Đơn độc. Và tan biến.
Đôi khi sự ra đời của một con người, như y, vô nghĩa quá. Có cũng thế. Không cũng thế. Chẳng có một ý nghĩa gì trong cộng đồng hàng tỷ con người chen chúc, bon chen trên trái đất. Trái đất rộng lớn. Trái đất chật hẹp. Trái đất của mẹ y chỉ từ nhà đến chợ. Từ sáng đã ra chợ, tối mịt về nhà. Từng ngày. Từng ngày. Chẳng mấy chốc tóc bạc trắng. Mỏi mệt. Cả đời mẹ chưa một lần đi xa. Chỉ quanh quẩn từ Triệu Nữ Vương đến chợ Cồn. Và bây giờ lại vào Sài Gòn. Xa nhất chỉ có thế. Và y, cả một đời, cuối cùng cũng không xa rời khỏi vòng tay mẹ. Biết bao giờ y mới có thể đi đứng trên đôi chân của mình? Người đàn ông bản lĩnh, từng trải và lịch lãm nhất chỉ có thể khi họ đã để lại một hình bóng của họ cho đời sau. Bằng không sự hiện diện ba vạn sáu ngàn ngày chỉ mây nổi, gió thổi, chập chùng sương khói hư không…
Đời người quá dài mà cũng quá ngắn. Nhìn bản đồ, mắt ngó xuống các địa danh, các vùng đất chợt tặc lưỡi, biết bao giờ ta mới có thể đặt chân đến nơi chốn ấy? Nhìn lên trời, ngoài trời còn có trời, biết bao giờ ta mới có thể với tay đến? Chẳng bao giờ. Mỗi ngày, lại công việc mưu sinh của mỗi ngày. Tẻ nhạt. Nhàm chán. Đã lập trình. Cứ thế trôi đi. Kìa, mới mở mắt dậy, chỉ loay hoay một chút đã xế bóng hoàng hôn bóng tối. Thăm thẳm vô cùng. Rồi ngày mai, ngày mai cũng chẳng khác gì. Những cuộc vui huyên náo, ồn ào, chém gió, tào lao xích đế cũng vội tan biến trong mải mê mộng mị. Ngủ là một là một lần thoát xác. Là đã chết. Lại hồi sinh vào ban mai nắng mới.
Vòng quay ấy kéo lê, lê thê từng ngày.
Có bao giờ ngồi yên một chỗ, ngồi yên lắng nghe nhịp thở của chính mình? Lắng nghe thân xác này đang muốn nghỉ ngơi hay đang thôi thúc một điều gì? Chẳng lúc nào y tự hỏi. Mở mắt ra là chạy. Chạy đua với chính mình. Vô nghĩa quá. Chạy đi đâu và về đâu? Chẳng ai tự hỏi. Thì, cứ ngẫm lại đi, tưởng rằng từng ngày đã sống đấy ư? Chẳng phải đâu, chỉ là sự tồn tại. Trên đường dài, đã đi, đã qua, đã quay về thử hỏi trong một ngày đã thấy những gì hay chỉ thấy ngày hôm qua cũng như hôm nay? Quá khứ và Tương lai chỉ là một. Chỉ nháy mắt cả hai đã hòa nhập và tan biến.
Sinh nhật của y?
Sự tồn tại năm tháng ngũ thập tri thiên mệnh đã quá nhiều, quá dài và biết bao giờ mới có thể kết thúc sứ mệnh làm người? Đã có mặt trên đời, ai ai cũng có sứ mệnh đó. Phải sống cho bằng hết phần kiếp đã có. Những câu thơ đã viết, nếu được như gió lướt thướt qua khóm hoa thì đời sống dễ chịu biết bao nhiêu. Hỡi ôi, chỉ là tiếng thở dài khô khốc, nặng nhọc, bẽ bàng. Có phải thế chăng? Bi kịch lớn nhất của con người chẳng phải không hài lòng với thế giới xung quanh mà chính là tự chỉ trích chính mình. Chẳng bao giờ hài lòng. Tự mình chất vấn, dằn vặt, chì chiết. Mà có như thế con người ta mới trưởng thành hơn? Hay trẻ con hơn?
Nhìn qua cửa số. Thấy nắng. Bóng nắng chập chờn. Thoát ra khỏi vòng quay của đời sống hiện tại có được không? Không thể. Con cá sống trong chậu cũng bị tác động, chi phối bởi trăm ngàn ghềnh thác đang ào ào réo gọi. Con người y cũng chẳng khác. Điều tệ hại nhất là năm tháng này, con người ta phải chứng kiến, chung chạ với quá nhiều chất độc bủa vây. “Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi” (T.C.S). Tiếng kêu thảng thốt của sự tuyệt vọng đó chăng? Hay là niềm hoan lạc cuối cùng khi dẫm hai chân trên trái đất? Trong đời sống này, ai đã không từng than thở cùng tiếng nói bi thương ấy? Một kiếp người dù vinh quang, dù tụt xuống vũng lầy thì thân phận ấy cuối cùng là gì? Chỉ là thú hoang trúng đạn. Vinh quang lúc này, tội đồ lúc khác. Những viên đạn khác nhau nhưng đường bay vô cùng chính xác. Chính xác từng milimet. Chính xác vô cùng. Cuối cùng con người ta cả thẩy đều là những kẻ ngã ngựa. Trúng đạn chết tươi. Chết ngọt ngào. Như mơ. Như nhắm mắt. Đi vào một đời sống khác.
Y không tin có kiếp sau.
Thượng đế nhân từ không thử thách sự chịu đựng của con người đến hai lần.
Một kiếp sống đã quá nhiều hệ lụy. Đớn đau. Sung sướng. Hoan lạc. Dẫu hưng phấn hay bệnh hoạn vẫn ý thức rằng sự có mặt của chính mình vô nghĩa quá. Chẳng ai có thể sống trọn vẹn theo bản ngã. Có như thế, đời sống mới thật sự có ý nghĩa. Sống vì kẻ khác. Vì hình bóng nối tiếp. Mà y, có gì? Không có gì ngoài cái tên đã khai sinh từ ngày 1.8.1959. Kỷ hợi. Bình địa mộc. Dấu vết ấy chỉ tựa một dòng chữ mực tím trên trang vở học trò đã dần dần phai nhạt theo nắng sớm mưa chiều từng ngày bóng tối. Mọi dấu vết, dấu vết nào rồi cũng phai đi. Khắc câu thơ lên đá. Nước chảy đá mòn. Nước chảy xiết từng ngày. “Dưới cầu Mirabeau dòng sông Sein chảy”. Dòng sông Hàn quê nhà vẫn chảy. Dòng đời vẫn chảy. Câu thơ của Apollinaire vọng lên điều gì? Chỉ có thể là:
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.
(Quách Tấn)
Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc (2007)
L.M.Q
Ngao du với người già, nếu họ uyên bác, sâu sắc, ta được học nhiều điều thú vị. Bằng sự lịch lãm, từng trải, kinh nghiệm sống họ sẽ cho ta nhiều bài học khôn ngoan ở đời. Những ngày tháng mới vào nghề, nhiều lần cà phê, cà pháo với ông già Sơn Nam. Có lần ông bảo, “những người viết trẻ chẳng ai có thể giết được họ ngoại trừ thế hệ cùng trang lứa ghen ăn tức ở”. Đọc Phan Thị Vàng Anh biết nhà thơ Chế Lan Viên dặn dò con mình, “học để không ai có thể giết được mình”. Đâu đó, có lần ông Nguyễn Khải bảo, “cách giết một người dễ dàng nhất là hãy khen họ lên tít chín tầng mây xanh”.
Sống trong đời không dễ. Nào ai có thể biết “tai bay vạ gió” từ đâu đến. lúc nào sẽ đến. Tự nhiên một ngày mở mắt dậy, bỗng thấy nháo nhào một lũ đứng ngay trước ngõ mắng xa xả vào mặt. Điên tiết quá. Dò hỏi dần, mới biết có ai đó vu khống, bịa ra hoặc xuyên tạc những gì người ta đã nói rồi lái qua một nghĩa khác. Thiên hạ chẳng biết ất giáp kỷ canh tân nhâm quý quái quỷ gì, cứ thế hùa vào “đánh hôi”. Tra lại Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, bản in 1895, không có từ “đánh hôi”, chỉ có “đánh hơi: “Theo hơi, nghe hơi cho biết ở đâu”; tra thêm Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, bản in 1931, không có “đánh hôi” lẫn “đánh hơi”. Rõ ràng “đánh hôi” chỉ mới xuất hiện hiện sau này, bằng chứng Từ điển Tiếng Việt của Hội ngôn ngữ học Việt Nam, bản in 1988 có giải thích: “đánh hôi”: “Lợi dụng đánh người vốn mình không ưa nhân lúc có vụ đánh nhau”; “đánh hơi”, giải thích như Đại Nam quấc âm tự vị, nhưng lại thòng thêm nghĩa “Nhận thức một số dấu hiệu mà đoán ra đại khái đang có dấu hiệu gì hoặc việc gì (thường hàm ý khinh)”.
Thế thì, đã rõ nghĩa “đánh hôi” rồi chứ?
Bao nhiêu kẻ ùa vào “đánh hôi”, rồi cuối cùng họ tẽn tò nhận ra là do nghe thông tin bịa đặt từ một phía. Cái trò lưu manh này, thời nào cũng có. Trước 1975, có cụm từ dù chỉ hành động khác nhưng ý nghĩa vẫn na ná "đánh hôi" là “bề hội đồng” - nhiều người cùng hùa vào "làm thịt" một người. Từ này hầu như nay đã biến mất chăng? Đọc Tiếng lóng Việt Nam (NXB KHXH - 2001) của Nguyễn Văn Khang không thấy ghi nhận. Những trò ểnh ương đó, chẳng ngại gì, chỉ khiến bực bội. Sống trên đời né tránh đi những chuyện có thể gây ra bực bội vẫn là lựa chọn của nhiều người.
Còn nhớ, đã đọc đâu đó từ thời trung học, đọc lâu quá rồi không nhớ cụ thể, chỉ nhớ nhà văn Doãn Quốc Sỹ có viết truyện ngắn về bọn “chim mồi”. Đây là từ “tiếng lóng” nhằm chỉ một bọn bản chất A đóng vai trò B để dụ khị,lôi kéo loại người B tưởng thật mà sập bẫy. Ngày trước, những người đi săn chim láu cá cho con “chim mồi” đứng sẵn trong bẫy. Con "chim mồi" hót véo von, những con chim khác nghe khoái quá bay vào, hùa vào theo, cùng đồng ca hợp xướng. Nào ngờ, lúc ấy, người bẫy chim chỉ việc giật, lưới đổ xuống, tóm cả bầy. Chết oan mạng.
Thời buổi này, đọc ý kiến, notes trên các mạng xã hội chẳng biết đâu “chim mồi”; đọc các comment chẳng biết đâu “đánh hôi”. Đâu chỉ có thế. Khi đi ngoài phố, bất kỳ trong các cuộc va chạm nào, giữa lúc đôi bên đang thương lượng, tranh cãi, giằng co thì lập tức có một lũ khác ùa đến “day máu ăn phần”. Hoặc ngang nhiên đứng về phía này, bênh vực phía này đặng mắng té tát, ra uy với phía kia, rồi moi tiền phía kia cho bằng được dù chúng chẳng dính dáng gì; hoặc làm như cao đạo, khách quan đứng ra can thiệp đôi bên, tuôn ra lời hay lẽ phải nhưng lợi dụng sơ hở của đôi bên để móc túi, cướp giật, thủ lợi gì đó rồi biến! Loại này, gọi là gì? Đi ra đường, khi gặp sự cố đó nhiều chàng Lục Vân Tiên muốn tỏ thái độ, hành động nghĩ hiệp “giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” cũng thấy khó quá bởi chúng tung hỏa mù đến rối bòng bong!
Chà, ngày chủ nhật, ngẫm nghĩ lăng nhăng chuyện này làm gì?
Nói chuyện thơ thẩn có hay hơn không? Hay thế nào thì chưa biết nhưng rõ ràng, trên báo TT&VH 25.7.2014, bài viết của Trần Hoàng Nhân có ghi câu y phát biểu: “Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè làm thơ nhưng không dám in. Vì thơ in không có ai tìm mua, chỉ dành tặng cho nhau thì chán thật”. Không chỉ với người làm thơ như Lê Minh Quốc chua xót nói như trên, tôi quen một vị giám đốc một nhà xuất bản đang ăn nên làm ra, vị này có lần nói chân tình: “In gì chứ in thơ thì mình không dám. Nên thấy ai in thơ là mình phục cái đã”. Ôi, thơ ơi là thơ! Nói như Bùi Giáng, trong Ngày tháng ngao du, ông có viết câu: “Chán chường thi ca mà vẫn cứ làm thơ hoài là đạo vậy”.
Những ngày này, không một ngày nào y không nhận được các email mới đọc… thơ. Thơ của anh em cộng đồng Thơ Đường xướng họa. Họ có cho đường link vào đọc. Mà làm gì có thời gian. Loại thơ này, nhiều người làm quá nhưng chẳng phải ai cũng nắm rõ luật lệ, niêm luật khắc khe. Chính vì thế, không chỉ ngốn thời gian sàng lọc từng chữ, từng từ mà còn trói buộc cách thể hiện tâm tư tình cảm của người viết nữa. Người tiên phong mở ra lối Thơ mới ở Việt Nam là nhà văn hóa Phan Khôi. Ông cho rằng: "Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường luật thật là hẹp hòi, cái qui củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối thơ này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc không có bao giờ mong phát đạt được vậy". Suy nghĩ này được nhiều người tán thành. Nhớ lại rằng, đã đọc đâu dó câu chuyện của một nhà nho làm cách mạng bị đày Côn Đảo. Lúc về quê quán, ông mở hàng nước trên đê làng nhưng cứ bị bọn lý trưởng, Bá Kiến, Nghị Quế… làm khó dễ hoài.Chúng không cho cố định một chỗ, nại ra nhiều lý do dẹp quán, khỏi ai lui tới bàn chuyện “quốc sự” nữa. Một bạn đồng tâm hay tin có thơ an ủi:
Bên đường bác mới dựng lều tranh,
Được lệnh truyền đi, thế cũng đành.
Những tưởng chân đê là vững chãi,
Nào ngờ mặt đất cũng lênh đênh.
Sự đời đã trải mùi cay đắng,
Thân thế còn thêm nỗi bấp bênh.
Dỡ lớp ấy đi, làm lớp khác,
Riêng lòng, lòng vẫn rộng thênh thênh…
Nhận được thơ an ủi của bạn phải mừng chứ? Thế nhưng ông hằng ngày vẫn cứ ưu tư. Mặt mày bí rị. Thở dài bực dọc. Tại sao thế? Thú vui tao nhã ngày trước của lớp người có học là khi nhận thơ của bạn, họ thường họa lại nguyên vận. Tuy nhiên, vần “đênh” của bài thơ này khó xơi quá! Cuối cùng, ông đành viết vỏn vẹn chỉ hai câu:
Nó mà cứ đuổi thì ông… xéo.
Chỉ ức thơ mày hạ vận “đênh”.
Trong tiếng Việt ngoài “lênh đênh” còn có gì “đênh” nữa không? Nhà thơ Nguyễn Công Hoan và Tú Mỡ vốn chí thân. Năm 1976, cả hai cùng nằm bệnh ở Bệnh viện Việt - Xô. Ngày 22.6.1976, tác giả Dòng nước ngược có bài thơ Bác Hoan:
Bác nằm khoa ngoại ở tầng cao
Ta muốn thăm nhau chả dễ nào!
Gối hạc thằng tôi còn lỏng lẻo
Mình vân của bác cũng lao đao.
Tôi sai cháu gái lên thăm hỏi,
Nó bảo: "Ông Hoan đã bảnh bao".
Tốt lắm! Cái già tai ác thật,
Nó không nể bác, chẳng từ... tao!
Sau đó, tác giả Lá ngọc cành vàng họa lại:
Bài này hóc nhất cái vần "cao",
Khi đến câu sau hóc tiếng "nào".
Tưởng đã thông kia, gì dám bỏ,
Ngờ đâu suốt ấy, chữ cần đao!
Nghe lời cháu đọc, mừng khôn tả,
Thấy giấy tôi mong, sướng xiết bao.
Muốn đánh trống liều qua cửa bác,
Buồn cho câu cuối vướng thằng ... tao.
Đọc mấy bài thơ giàu tình cảm, tinh nghịch bè bạn, tự nhiên thấy lòng vui. Chiều rồi. Đã một chủ nhật.
- Vậy đã giết thời gian bằng cách nào hả cưng?
- Rằng thưa:
Giết tôi, tôi giết thời gian
Nắng lên mái phố mơn man bóng chiều
Giết ngày cô độc quạnh hiu
Tiếng cười khô khốc liêu xiêu ngõ về
Giết hồn thơ của đam mê
Giết sông giết suối đi về phố đêm
Giết mùa mây trắng bay lên
Ngày sương đêm mộng cỏ mềm dưới chân
Mở lòng ra nhé tình nhân
Dỗ dành nhau bóng thiên thần chưa phai
Giết ngọn gió của sớm mai
Tiếng cười trong trẻo chia hai tâm hồn
Giết hoa của mộng xanh non
Một lần choáng váng môi ngon một lần
Lê Minh Quốc & Bùi Giáng tiên sinh (ảnh chụp tại tòa soạn báo PN - thời còn ở 188 Lý Chính Thắng, Q.3)
L.M.Q
Lê Minh Quốc trả lời phỏng vấn HTV 1 tại nhà riêng - sáng ngày 25.7.2014
Rồi chẳng có gì có thể giấu diếm được nữa.
Trước kia, những gì đã viết, đã suy nghĩ riêng tư có thể chỉ mỗi mình biết. Nhưng với các thao tác công nghệ hiện đại, từ email, trang web cá nhân đến facebook… và tham gia một loạt trang mạng xã hội khác, con người cá nhân có thể bộc lộ hết những gì đã diễn ra 24 giờ trong một ngày. Ăn gì? Ngủ với ai? Suy nghĩ gì? Đang làm gì? v..v… chỉ trong một tích tắt cả thế giới đều biết đến. Một cú nhấp chuột tựa gãi ngứa là xong. Có thông tin, do tự ý thức nên chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp nhưng thật ra cả thiên hạ đều có thể ghé mắt đến. Nếu muốn. Thế giới phẳng khó có thể bảo mật điều gì. Nghe nói, trước kia khi tiến hành vụ án Nam Cam, toàn bộ công văn, thư từ đều sử dụng hình thức đánh máy chữ, viết tay, truyền miệng và khi tác nghiệp thì người tham gia không được sử dụng điện thoại di động. Nói các khác để bảo mật thông tin, người ta không sử dụng interne trình bày văn bản, chuyển tải thông tin…
Ngày nay, dù muốn dù không vẫn có sự rò rỉ thông tin.
Với các thủ thuật công nghệ đang phổ biến bằng thao tác nhanh, gọn như lật bàn tay, hình ảnh cá nhân ngày càng được phổ trương nhiều hơn. Ngày xưa định hướng dư luận qua ca dao, hò vè, thơ rơi… và nhất là vè, ngày nay đã khác. Chính các trang mạng xã hội góp phần tích cực trong việc định hướng đó. Ngày nay, hầu như ai ai cũng tham gia mạng xã hội. Một điều dễ nhận ra nhất là “tâm lý bày đàn” rất phổ biến. Đôi khi chỉ vài notes, vài status ném lên đó, người tiếp nhận chưa hề kiểm chứng tính xác thực thì đã hùa vào bình luận theo chiều hướng của chủ nhân nó đưa ra. Thậm chí hề đọc đã like theo thói quen.
Thế, không “tâm lý bày đàn” là gì?
Sở dĩ nói điều này bởi ngày nọ y đi tham dự ra mắt tập thơ của một cây bút trẻ. Phát biểu rằng: “Cô ấy là “ca lạ” ở chỗ không ít người trẻ làm thơ bây giờ chỉ có thể làm giỏi thơ tự do, còn Phố làm giỏi cả thơ truyền thống lẫn tự do. Và nhất là cách cô ấy làm mới những đề tài cũ trong thơ ca” (Báo TT 24.7.2014). Ý nghĩa câu nói này nhằm khẳng định người trẻ bây giờ giỏi làm thơ tự do, chứ các thể thơ khác (như thơ truyền thống) thì họ không giỏi bằng (như lúc làm thơ tự do).
Ý nghĩa câu nói này hoàn toàn khác với cái notes trên facebook nọ đã tường thuật lại rằng: “Các nhà thơ tự do hiện nay họ làm thơ tự do vì không làm được thơ truyền thống, e là một trường hợp đặc biệt vì làm được cả hai”. Cụm từ trên còn ngớ ngẩn ở chỗ “Các nhà thơ tự do” (!?) là gì? Có nhiều người không tham dự hôm đó, chẳng rõ đầu đũa gì chỉ mới đọc cái notes đã hùa vào la ó này nọ mà chẳng hề biết rõ thông tin chính xác là như thế nào cả.
Thế, không “tâm lý bày đàn” là gì?
Mà mạng xã hội, chỉ cần thoáng nghĩ gì, post lên là nó hiện ra ngay trước mắt, không cần phải thông qua sự “biên tập” nào cả, dẫu là “tự biên tập”. Suy nghĩ thoáng qua ấy chợt đến, lúc ấy chưa hề kiểm chứng nguồn tin, tính xác thực của thông tin thì đã kết luận. Ai cũng nghĩ rằng mình là đúng, là có cái quyền phê phán người khác. Bày tỏ chính kiến là quyền tự do và dân chủ của mỗi người, nhưng trước hết phải biết, phải ý thức thông tin đang tiếp nhận đó có đáng tin cậy; hay thông tin đã bị bóp méo méo chủ quan? Trở lại với facebook trên, y nghĩ, chẳng phải người viết đó không trung thực mà do chưa có khả năng diễn đạt chỉnh chu đấy thôi.
Trách làm gì?
Sáng nay, vẫn như mọi ngày.
Tiếp anh em HTV 1 đến nhà phỏng vấn quan điểm về vấn đề “Làm mẹ đơn thân”; trao đổi chuyện y vẽ tranh. Loay hoay một chút đã hết buổi sáng.
Hôm nay, đáng chú ý là bài viết của anh Phạm Hoàng Quân. Ngày nọ, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa đã được “bật đèn xanh”, y có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc vấn đề này. Hỏi anh Đoàn Lê Giang nên tìm gặp ai? Anh cho rằng nên gặp nhà sử học, TS Nguyễn Nhã; hỏi anh Huỳnh Ngọc Trảng, theo anh nên gặp nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Y đã gặp trực tiếp và qua điện thoại. Dành một buổi tối ngồi nghe và ghi chép. Nghe một đề tài do người nghiên cứ thâm sâu trình bày cũng là một cách tự học. Cách học này, thú vị biết bao nhiêu.
Vì tình cảm đó, sáng nay, khi tình cờ gặp bài viết của anh Phạm Hoàng Quân trên mạng. Đọc ngay. Dưới tiêu đề “Một quyển sách cần phải xem xét lại”, anh đã chỉ ra nhiều sai sót của tập sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (NXN KHXH - 2014). Thời buổi này, chỉ cần chừng đó thông tin là đã có thể tìm đọc trên mạng toàn cầu. Anh chỉ ra cái sai về Bản đồ, Văn bản viết và Bàn về tính khoa học. Câu cuối cùng anh viết: “Thay cho lời kết, nếu xem tình hình nêu trên như một hiện tượng, những sai sót khó bề chỉnh đốn đã xảy ra tại một cơ quan “tối cao” về chức năng nghiệp vụ, liệu có nên đặt vấn đề rằng phải làm như thế nào để cải tạo tình trạng quan liêu và lạc hậu trong học thuật quan phương - riêng trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm - ở Việt Nam hiện nay”. Chà, một công trình nghiên cứu cấp Nhà nước thuộc “Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam - Viện Nghiên cứu Hán Nôm” có tầm cỡ quốc gia lại bất cập đến thế.
Ngạc nhiên quá.
Không. Kinh ngạc quá.
Từ lâu nay, y luôn lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú làm tài liệu tham khảo trọng tâm, "gối đầu giường", bên cạnh các tài liệu chính thống khác. Công trình của một người chỉ đậu Cử nhân mới vĩ đại làm sao. Cụ Phan Huy Chú dành mười năm trời nghiên cứu và viết một bộ sách mẫu mực cho ngàn đời sau. Còn chúng ta? Thì cứ nhìn bộ Từ điển Bách Khoa Việt Nam (4 tập - NXB Từ điển Bách Khoa) tthuộc“Ban Chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam”. Bộ sách này quy tụ hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam nhưng vẫn sai sót. Thiết nghĩ, sai sót là điểu khó tránh khỏi. Công trình nào dù nghiêm túc, chỉnh chu đến đâu cũng có sai sót. Chả ai tài thánh gì. Thế nhưng điều đáng phàn, chê trách nhất vẫn là... chuyện tiền. Có thể tìm đọc lại trên mạng những bài báo chỉ trích sự nhập nhèm tiền nong, ối, đủ cả trò mà khó ai có thể ngờ đó là chuyện của các nhà trí thức đáng kính!
Buồn là thế.
Cùng đạo diễn Nguyễn Minh Phúc HTV 1 tại nhà riêng - sáng ngày 25.7.2014
L.M.Q
Cho đến nay, có lẽ TT là tờ báo trước nhất có ý thức “số hóa” toàn bộ các trang báo kể từ số phát hành đầu tiên. Từ ngày 2.9.1975. Công việc này ngốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc… Mà nhờ vậy, qua anh Lưu Đình Triều, y mới có thể biết được số lượng cụ thể tin bài đã in lúc về TT - dù chỉ tên bài báo, in số báo nào, ra ngày tháng năm nào. Nhìn qua, thấy lúc ấy viết cũng khá nhiều. Thời đó ký bút danh Trần Thị Vĩnh Phúc hoặc Vĩnh Phúc. “Trần” là họ của “một nửa” đầu tiên trong đời. “Phúc” là tên cậu em út của cô ấy. “Vĩnh” là muốn gắn với thương hiệu các tiệm bán vàng lừng danh ở chợ Cồn tại Đà Nẵng trước 1997: Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thái… bên dòng họ mẹ. Thương hiệu ấy, “một nửa” ấy đã thuộc về quá khứ. Bút danh ấy sau này không còn ký nữa. Những bài báo đầu đời ấy, nếu được đọc lại ắt sẽ gợi lên nhiều cảm xúc. May quá, anh Triều có in cho bài phòng vấn Trịnh Công Sơn: “Tại sao tôi vẽ”?, y thực hiện ngày 11.3.1988. Đây là bài trả lời đầu tiên của Trịnh Công Sơn cho biết quan điểm về hội họa, lúc ông triển lãm chung với Đinh Cường và Tôn Thất Văn.
“PV: Tại phòng tranh này có ý kiến cho rằng: Nếu Tôn Thất Văn và Đinh Cường là kỹ thuật, thì anh là bay bổng, đập phá…. Anh có đồng ý?.
TCS: Để trả lời câu hỏi đó mình muốn nhắc lại lời của họa sĩ Lưu Công Nhân - vừa đến thăm phòng tranh sáng nay: “Nếu chỉ thuần túy về kỹ thuật thì chưa chắc đã thành công cho tác phẩm”. Tôi đồng ý như vậy và quan niệm: Trong sáng tạo không thể thuần lý trí hoặc thuần kỹ thuật được mà phải là sự tổng hợp, theo tôi đó là sự kết hợp cái tinh khiết của đời sống. Chính điều này làm xóa tan mọi biên giới để đi thẳng vào điều mình muốn nói mà không phải qua trung gian nào cả. Thử tưởng tượng, trong một buổi sáng có một người khi đứng trước thiên nhiên đẹp đẽ, bỗng dưng hứng khởi cất lên tiếng hát mà chính mình cũng không ngờ trước. Đó là sự đột biến tinh thần mà người này đã sáng tạo. Tôi đến với hội họa như thế”. Cũng trong bài phỏng vấn này, ông còn cho biết: “Có thêm một lý do riêng khi mình nhảy qua hội họa - vì muốn quên đi những giai điệu cũ mà mình đã quá quen thuộc. để khi trở lại với nhạc mình sẽ không trùng lặp lại nữa”. Còn nhớ, bài phỏng vấn này thực hiện ngay tại nhà riêng của ông. Hẻm Duy Tân, phía đầu hẻm có bán cà phê, bây giờ vẫn còn.
Thiết nghĩ, những tờ báo dù in ở thời đại nào cũng cần được lưu trữ, gìn giữ cẩn thận bởi từ các trang báo ấy, đời sau có thể nhìn thấy được hiện trạng xã hội của một thời. Suy nghĩ này không sai, nhưng thật ra không hẳn đã chính xác. Tại Trong quyển Phương pháp sử học (NXB Sao Mai, Sài Gòn - 1974), nhà nghiên cứu Nguyễn Phương cho rằng: “Sử gia nên nhớ rằng, giá trị của một tờ báo thường lệ thuộc vào bầu không khí chính trị trong đó tờ báo ra đời. Nếu đó là một chính thể tôn trọng tự do tư tưởng thì tờ báo sẽ có nhiều bảo đảm về phần tin tức và bình luận. Nhưng nếu chính phủ thi hành chính sách độc tài, thì báo chí tất cả chỉ là những phương tiện tuyên truyền đường lối riêng của chính phủ và bấy giờ sử gia phải phê bình báo chí như phê bình những tờ tuyên truyền.
Rồi, báo chí còn có thể là cơ quan ngôn luận của một phe phái, một đảng phái chính trị, nên dầu ở trong một nước tự do được tôn trọng, vẫn có thể bị đầu óc đảng phái làm cho thiên lệch. Cả những tờ báo không có màu sắc chính trị cũng có thể bị ảnh hưởng khi ít khi nhiều bởi những thành kiến về kinh tế, xã hội hoặc tôn giáo, và nhiều khi uốn nắn tin tức hay dư luận xã hội theo hướng của mình” (tr.138).
Ý kiến này xác đáng lắm. Không bình luận. Không dẫn chứng. Có ai cãi lại lập luận này không?
Dù ai có ý kiến khác, y vẫn yêu thích TCS. Yêu bởi âm nhạc của ông đã có thời gắn bó với tuổi trẻ của mình. Thói đời, đánh giá tài năng một người nghệ sĩ, thiên hạ thường căn cứ… vào đời tư của họ. Thế nhưng dù người đó sống cao đẹp lắm, đàng hoàng lắm nhưng không để lại một tác phẩm nào ra hồn, liệu có đáng nhớ? Vũ Trọng Phụng đáng kính trọng bởi ông cật lực cày từng trang bản thảo kiếm từng xu, moi óc kiếm từng chữ đổi ra tiền nuôi mẹ già, nuôi vợ dại, con thơ đến độ ho lao và cuối đời thốt lên não nùng: “Mỗi ngày được ăn một miếng bít - tết thì đã không đến nổi tàn tạ thế này”. Vẫn biết thế, đáng kính trọng đến thế nhưng nếu không có Giông tố, Số đỏ... ông có là gì không? Dù Vũ Trọng Phụng về cuối đời đã sa vào một thói xấu hạng nhất, đáng khỉnh bỉ nhất là nghiện hút thuốc phiện chỉ vì muốn kéo dài sức khỏe để viết nhưng chẳng ai trách móc, bởi ông đã để lại Giông tố, Số đỏ…Ngôi sao kỳ lạ này, thiên tài này xuất hiện trên vòm trời văn học Việt Nam chỉ chừng 26, 27 năm nhưng đến nay vẫn rạng rỡ chói lòa. Chưa một ai có thể bì kịp.
Nhắc đến người nghệ sĩ, đương thời thiên hạ thường tò mò, soi mói, quan tâm, bình phẩm đến những mối tình gây cấn riêng tư trong đời của họ. Tại sao? Bởi họ có tác phẩm, vai diễn được hàng triệu người mến mộ. Rồi, với thời gian, những tai tiếng ấy của người nghệ sĩ (nếu có) chẳng ai nhắc đến, họ chỉ nhớ tác phẩm của người đó để lại. Vết tích cá nhân riêng tư của con người sáng tạo sẽ nhòa theo năm tháng. Chẳng còn ai truy lại lý lịch khi đánh giá tác phẩm họ. Và tác phẩm, nếu thật sự có giá trị thì lại có lúc sáng ngời hơn cả lúc họ đang sống. Bằng không, cũng chân cầu nước chảy...
Có lẽ chưa nhà thơ hiện đại nào để lại nhiều giai thoại như Bùi Giáng. Trong hội thảo về ông tại trường KHXH & NV, y đã nói cái ý mà nhiều báo trích dẫn lại: “Bùi Giáng làm cái chi, đụng đến cái gì, như chuyện ông làm thơ, yêu ai, đến nhà ai… thì cũng biến thành giai thoại hay huyền thoại cả”. Thậm chí, thiên hạ còn bịa ra thêm rồi gán ghép cho ông. Thế nhưng nếu không có Mưa nguồn, Sa mạc phát tiết v.v… thì ông cũng chẳng là gì. Chế Lan Viên hoàn toàn có lý khi viết: “Cho dù Hàn Mặc Tử có cuộc đời bệnh tật, cuộc đời tình duyên, cuộc đời cách mạng ly kỳ, dữ dội gấp trăm lần, nhưng ba hòn núi cao ấy chụm lại không đẻ ra được một cái cây, một bóng mát thơ nào, ba hòn núi ấy không đẻ ra được con chuột nhắt thơ nào thì việc gì ở đây ta cũng phải dông dài”.
Nhà văn lắm chuyện - tư liệu L.M.Q
Đọc Nhà văn lắm chuyện (2 tập) của Vũ Bằng, thấy rằng hầu hết các văn nghệ sĩ thuở ấy xem chuyện hút xách, cô đầu, sống bạt mạng giang hồ… là lẽ thường tình. Có điều cũng chơi bời, cũng chung chạ, cũng cá mè một lứa, cũng thân mật chung dọc tẩu nhưng có người viết được, có người về cuối đời nhìn lại, xòe hai bàn tay chẳng thấy gì. Nhắc lại chuyện này bởi hôm kia, gặp anh bạn nhà văn của Sài Gòn cũ, anh bảo, thời đó, anh ảo tưởng rất trẻ con. Cũng rượu chè, cũng bù khú thâu đêm, cũng tay ba tay tư tình yêu lăng nhít bởi nghĩ đó là đời sống rất nghệ sĩ, tưởng rằng đó mới là nghệ sĩ. Nhưng vào cuối đời, bây giờ anh xấu hổ bởi chẳng viết được gì ra tấm ra miếng. Nói như ngôn từ thời @, anh tự nhận thuở ấy chỉ có “chém gió” trên bàn nhậu là giỏi. Mà chuyện này đâu đã thuộc về quá khứ. Vẫn sờ sờ trước mắt mỗi ngày.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Ấy là ông Nguyễn Công Trứ và nhiều tài năng khác. Tài năng của họ to bằng trời. Họ có “chơi” đi nữa cũng lẫy lừng tám phương bốn hướng. Có người dù chưa há mồm ra đã lập tức bao nhiêu gái đẹp tự nguyện nhảy xổm tranh giành như thiêu thân lao vào ánh lửa:
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đâu!
(Chinh phụ ngâm)
Ngược lại có kẻ lưỡi như thoa mỡ, mồm mép tép nhảy, bao lời tỏ tình hay như chim hót cũng không lọt vào tai giai nhân. Người có số. Thật vậy. Tài của y, ông trời chỉ cho bằng hạt lúa lép. Chỉ có thể “cù bù thông mình”.
- Vậy thì, cố gắng đi cưng.
Y nghe y nói thế, bèn lễ phép thưa:
- Vâng ạ.
Trời đã chiều. Qua chung cư một chút xem sao. Mấy hôm nay mưa gió thất thường, chẳng ra khỏi nhà mỗi chiều...
L.M.Q
Thông tin này, chắc chắn sẽ có một vị trí xứng đáng trong biên niên sử Sài Gòn - TP.HCM. Ngày hôm nay, chính thức phân làn giao thông để phục vụ việc triển khai thi công nhà ga metro ngầm ở TP.HCM. Báo TT cho biết: “Dự án gồm 5 gói thầu: Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km, gồm 17,1km đi trên cao và 2,6km đi ngầm với 14 ga. Trong đó có ba ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình (Q.9). Tổng vốn đầu tư là 2,49 tỉ USD, trong đó vốn vay Nhật là 2,2 tỉ USD, phần còn lại là vốn ngân sách TP”. Nhìn qua hình ảnh, đã thấy nhiều cây cổ thụ phía trước Nhà hát lớn đã đốn bỏ…
Tiếp nhận thông tin này đã mấy hôm nay, chẳng rõ có tay nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào chụp lại hình ảnh, trước và ngay trong ngày khởi công? Đây sẽ là những tấm ảnh càng về sau, càng có giá trị tự liệu về sự thay đổi của Sài Gòn. Những hình ảnh này, cũng quý giá tựa như những gì đã thấy trong các card postal ấn hành từ đầu thế kỷ XX.
Chiều qua nhìn nhà văn Lê Văn Nghĩa mặc áo áo montagut, trông ngồ ngộ. Mới nhớ rằng, ngày trước “cớm chìm” thường mặc loại áo này, đeo kính đen. Chi tiết này có lần anh Nam Đồng cho biết. Khi y nói ra, anh Nghĩa phục sát đất: “Đúng quá, nhưng người đó thường đeo kính gì? đi xe gì?”. Chi tiết này, y chịu thua. Anh bảo: “Đeo kính rayban hoặc pilot; đi xe suzuki màu đen hoặc đỏ”. Những chi tiết nhỏ nhặt, lụn vụn biết thêm một chút cũng vui. Làm sao thế hệ trẻ có thể biết ngay sau giải phóng có nghề vá áo mưa, bơm ruột bút bic, cắt cổ chai thủy tinh làm ly uống nước v.v… Ngồi nghĩ tẩn mẩn có thể viết được cái gì đó hết sức thú vị. Chẳng hạn, sau đây một đoạn tản văn Bút mực buồn thiu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:
“Nhớ hồi nhỏ, bàn tay suốt ngày lem mực. Đi học, một tay xách cặp, một tay đong đưa lọ mực, đứa nào cũng thế. Chẳng nhớ hồi đó cầm bút kiểu gì mà mựïc cứ dây ra các ngón tay, dây cả vào tập, bị cô giáo nhắc nhở không biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi lần dây mực ra tập, tôi lại dùng giấy thấm chấm lên vết mực. Không có giấy thấm thì dùng viên phấn lăn qua lăn lại để hút mực, hút xong còn bôi phấn trắng lên vết ố để đánh lừa cô giáo nhưng lần nào cũng bị cô phát hiện.
Bàn học của học sinh tiểu học hồi đó luôn có một ô tròn trên mặt bàn ngay trước mặt để đặt lọ mực cho khỏi đổ. Nhưng bao giờ cũng vậy, ngồi chồm tới chồm lui, huơ tay qua phải qua trái một hồi thế nào bọn học trò hiếu động cũng huých lọ mực lăn quay khiến mực chảy tràn ra bàn, thấm ướt cả tập vở. Chỉ đến khi bậc thông thái nào đó chế ra chiếc lọ chúc ngược mực vẫn không chảy ra ngoài, chúng tôi mới thôi bị cô giáo la mắng hay trách phạt.
Mực thôi dây ra tập, nhưng vẫn lem đầy các ngón tay. Đó là đặc điểm của bàn tay học trò. Bàn tay mực tím. Tại sao là bàn tay mực tím mà không phải là bàn tay mực xanh? Theo quy định của nhà trường thời đó, học trò tiểu học chỉ được viết bằng mực tím. Muốn viết mực xanh cho ra vẻ người lớn phải đợi lên trung học. Lên trung học, học trò dùng bút máy nên các ngón tay không còn lem mực nữa.
Học trò tiểu học viết bằng mực tím và bắt buộc viết bằng bút mực (tức là bút chấm mực, cán bút bằng gỗ, ngòi bút có hình bầu hoặc hình lá tre) để rèn chữ, vì các ngòi bút này tạo ra nét mảnh và nét đậm. Bút máy bị cấm ngặt với học trò tiểu học. Bút bic, sau này gọi là bút bi, thì tuyệt đối không được dùng, kể cả với học sinh trung học. Các nhà sư phạm cho rằng viết bằng bút bi, nét trơn tuột, học trò dễ sinh thói viết tháu, viết ẩu, chữ sẽ xấu đi. Lúc tôi còn nhỏ, chỉ riêng chuyện bút và mực, nhà trường đã quy định rất chặt chẽ”.
Câu chuyện về bút, mực không chỉ nhắc lại một kỷ niệm êm đềm thời hoa niên mà qua đó, còn cho thấy cả một chiến lược giáo dục hết sức bài bản, chỉnh chu, khoa học trong nghệ thuật “trồng người”. Mà chuyện đi học hồi trước sao dễ dàng quá, chẳng thấy thầy cô giáo nào đặt nặng vấn đề học thêm, dạy thêm. Chẳng rõ học trò bây giờ có còn làm báo tường hay không? Đã lâu rồi không nhìn thấy các loại đặc san của học trò nữa. Ngày nay nếu có, chắc chắn sẽ là kỹ thuật in ấn vi tính thuận lợi hơn, chứ không còn phải quay ronéo như trước. Có lẽ, bây giờ nói ta chẳng ai tin, học trò năm học lớp 8, 9 đã biết thực hiện các tuyển tập thơ văn rồi. Bấy giờ, đang học lớp 8 y đã sinh hoạt trong Gia đình Thiếu Nhi, thỉnh thoảng quay ronéo những tập thơ của anh em trong Bút nhóm Suối Mơ và đi bán cho học trò các trường khác. Dăm ba đứa quần áo chỉnh tề đến trường bạn, xin thầy cô giáo ít phút để vào lớp phát hành tập sách đó. Bạn nào mua, thu tiền ngay, rồi cúi đầu chào thầy cô qua lớp khác. Bây giờ trong tủ sách vẫn còn tập thơ Trái đau chín từ nỗi chết Lữ Tùng Anh. Có lẽ lúc ấy anh là sinh viên, từ Đà Lạt xuống Đà Nẵng phát hành thơ ở các trường học. Còn nhớ câu đề từ cả tập thơ:
Óc tim cô độc hồn thi sĩ
Vắt tặng cho đời mấy giọt thơ
Mấy câu thơ đó, oách quá đi chứ? Hình ảnh ấy, y đã gặp tại trường Tây Hồ những năm 1971. Tưởng chừng như mới hôm qua. Làm sao có thể:
Cho ta xin, ta xin sắc đỏ
Xin màu xanh về tô lại khung đời
Trời ơi, trời ơi, đâu rồi tuổi nhỏ?
Hôm xưa đâu rồi, trời ơi, trời ơi!
(Xuân đầu - Xuân Diệu)
Những ngày này mưa liên miên. Nhức đầu sổ mũi. Chẳng có gì vui. Hôm nọ Vũ ghé nhà, trong lúc tìm sách tặng Vũ, tình cờ lại thấy có tập thơ Người lớn từ biệt trẻ con của Hoàng Trúc Ly (1933 - 1983), in năm 2008. Ông tên thật Đinh Đắc Nghĩa, người Đà Nẵng, tác giả tập thơ Trong cơn yêu dấu (1963), sống lang bạt kỳ hồ, không vợ con. “Sau hai ngày ông qua đời thỉnh thoảng gia đình lại tìm được một hai bài thơ của ông trong một góc kẹt xó xỉnh nào đó trong nhà, trong một chồng sách báo cũ, hoặc trong ngăn tủ chưa dọn dẹp” (Lời ngỏ). Người đứng ra in là “bào đệ Đinh Đắc Phúc”. Cầm tập thơ tự nhiên cảm động. Nếu không yêu quý, không yêu, không thương anh ruột mình, làm sao tập thơ này có thể ra đời trong thời buổi thiên hạ có mấy ai đọc thơ nữa? Quý là ở cái tình của anh em họ. Do đó, trích lại vài câu thơ hay. Chọn ngẫu nhiên:
Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng
Thương về con nước ngại ngùng xuôi
Những người em nhỏ bên kia ấy
Ai biết chiều nay có nhớ tôi
Tôi muốn hôn bằng môi của em
Mùa xưa thê thiết nắng hoe thèm
Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy
Nghe bước xuân về êm quá êm
(Dĩ vãng)
Đời lê thê quá tôi về muộn
Em ngủ một mình đêm gió mưa.
(Em có là em)
Buổi chiều rét mướt vào chăn gối
Xót thương nhau tiếng khóc âm thầm
Mai kia tôi chết mồ hoang lạnh
Em có kìa em có ghé thăm?
(Đau)
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành xưa sau.
(Ca sĩ I)
Ta từ giấc mộng bước gần em
Ðường phố đầy trăng hay mặt trời chìm
Ô hay con gái bay nhiều quá
Hai cánh tay mềm như cánh chim
(Nằm mộng thấy nữ sinh)
Đường xa như từ tay lên môi
Xa hơn chân mây hơn mặt trời
Áo hoa thấp thoáng người thiên hạ
Ngày sẽ đêm đen lửa tắt rồi
(Áo hoa phơi)
Đã lâu lắm rồi anh B bảo đại ý rằng, hai câu thơ của Hoàng Trúc Ly:
Đời lê thê quá tôi về muộn
Em ngủ một mình đêm gió mưa
Phạm Công Thiện đã thay đổi vài chữ để trở nên một sắc thái khác, hay hơn:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
Chẳng biết có đúng không? Có những câu thơ hay. Đọc một lần từng con chữ ám vào óc. Không thể rơi tuột khỏi trí nhớ:
Ngực trắng dòn như một trái rừng
Mắt thì bằng rượu, tóc bằng hương
Miệng cười bừng nở hàm răng lựu
Sáng cả trời xanh mấy dặm trường...
(Hồn xuân - Huy Cận)
Chép lại 4 câu thơ này, bởi chiều này đã gặp một người, qua điện thoại. Thỉnh thoảng mỗi ngày lại gọi.
L.M.Q
Ngày chủ nhật. Ngày của sự náo nức. Cắm cúi viết bài, càng nhanh, càng tốt. Khép lại mọi việc. Tất thẩy bỏ lại đàng sau. Không vướng bận gì. Phóng xe ra khỏi nhà. Một chỗ ngồi. Rượu đỏ. Thời gian trôi qua. Không bận tâm đến. Ngấu nghiến từng giây phút. Một ngày. Hoan lạc. Mê đắm. Rã rời. Rồi chìm vào mộng mị tan hoang như lạc bến xa bờ mưa nguồn trút gió. Mấy chủ nhật rồi? Đã không còn cảm giác ấy. Từng ngày lầm lũi với con chữ. Không một thúc giục gì. Không một náo nức gì.
Sáng nay, nhận điện thoại của anh Trần Thanh Phương - nhà sưu tập lớn nhất của Việt Nam về nhiều thể loại báo chí. Các bài báo, vợ chồng anh cắt, dán và lưu trữ theo từng chủ đề. Cả hàng trăm tập chất đầy trong nhà. Kho tài liệu này, nếu có người biết khai thác sẽ hữu ích biết bao nhiêu. Ròng rã mấy chục năm trời, từ năm 1973, vợ chồng anh bền bĩ với công việc lặng lẽ. Nhà thơ Chế Lan Viên khen anh: “Trên đời mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết nhưng Phương có tài liệu”. Từ khi tư liệu này, anh đã nghiên cứu viết nhiều tập sách, đáng lưu ý nhất là bộ bút tích, chữ ký, chân dung các nhà văn Việt Nam.
Chân dung các nhà văn? Có ai thực hiện bộ ảnh đó không?
Trước năm 1975, ở miền Nam có nhà nhiếp ảnh Cao Lĩnh. Nhiều bức chân dung do ông chụp đã in bìa tạp chí Văn; in trong tập Những truyện ngắn hay nhất trên quê hương chúng ta (in năm 1974 tại miền Nam). Tủ sách nhà y có quyển này. Nhìn hình ảnh nhà văn, tự nó đã là một tác phẩm. Làm nên diện mạo ấy, đàng sau còn là bề dày tác phẩm của họ chứ không chỉ đơn thuần một gương mặt. Mỗi thời mỗi khác. Các tay nhiếp ảnh hàng đầu quan tâm đến hình ảnh khác hơn là gương mặt nhà văn. Nghĩ cũng đáng tiếc.
Có những người bạn, có khi vài năm trời chẳng gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng điện thoại lúc cần thiết. Trong số đó có anh Trần Thanh Phương. Anh bảo: “Sáng nay, anh Phương đã đọc bài thơ Ngày mới An May của Q trên TN. Anh Phương thích lắm. Cho anh Phương hỏi, An May là Q lấy từ điển tích, điển cố gì?”. Ủa, tại sao anh nghĩ vậy nhỉ? “Thì Q hay nghiên cứu nên anh nghĩ thế?”. Bèn cười xòa: “Chẳng phải đâu anh, đó là tên đứa cháu. Viết cho nó, mong muốn nó giữ niềm đam mê vẽ vời”. Anh cười ha hả và lại nói lắp như mọi lần: "Vậy à! Vậy à!".
Trong sáng tạo nghệ thuật, khi xây dựng hình tượng nhân vật, dù vẽ về ai, viết về ai thì cuối cùng sâu thẳm nhất trong tâm hồn vẫn là sự gửi gắm nỗi niềm của chính mình. Nguyễn Du bùi ngùi xót thương thân phận nàng Kiều: “Khi sao phong gấm rũ là / Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” cũng chính nói về mình. Nghệ thuật có sức hấp dẫn, ma mị, quyến rũ bởi ở đó dấu ấn cá nhân để lại nhiều nhất. Hầu hết con người ta khi sinh ra đời không đi trọn vẹn con đường trên mặt đất. Chỉ là một bóng mờ nhạt, Không tăm tích. Không dấu vết. Sự có mặt của đám đông, về sau, chẳng có một ý nghĩa gì. Chúng ta lẫn lộn, mờ nhạt, heo hút trong đám đông đó. Ngược lại, có những con người ngay từ lúc đồng hành, hiện diện trong cõi người, họ đã hoàn thành sứ mệnh đời người. Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Và nhiều tài năng khác nữa. Vì lẽ đó, họ không mất đi. Vẫn còn hiện diện mãi trong cõi Vô Danh này.
Ngày chủ nhật. Ngoài trời nắng đẹp quá. Mà trong lòng lại trống rỗng như tiếng kèn đồng đã chấm dứt tiếng reo vui. Chẳng còn một náo nức gì để chạy đua với thời gian. Rồi một hẹn hò sẽ mở ra thăm thẳm một con đường hoa trái hoan lạc. Vì lẽ đó, đôi lúc y cảm thấy đời sống tẻ nhạt quá. Sự tẻ nhạt lớn nhất là lúc con người ta không tha thiết chờ đợi một điều gì. Ấy thế mà lúc nào cũng tự thấy chẳng có thời gian dành cho bạn bè, cho chính mình? Vô lý quá. Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp từ Hà Nội vào, đã hẹn một cuộc gặp mặt nhưng rồi cũng không thể. Lúc anh rảnh, y bận và ngược lại. Ngay với Đoàn Tuấn cũng thế, chỉ là buổi cà phê sáng. Ai cũng vội. Mà chẳng rõ vội vì cái lẽ gì nữa. Phải chăng nhịp sống hiện đại, tự nó đã cuốn người ta trôi đi, trôi đi không gì cưỡng lại được?
Có lẽ, Trần Tuấn Hiệp là người trước nhất (?) và cũng thành công nhất khi thực hiện lối làm phim: đạo diễn xuất hiện cùng nhân vật với tư cách là người dẫn chuyện. Hầu hết phim của Hiệp không có kịch bản trước, anh thể hiện như sự việc đang diễn ra, không sắp xếp, chuẩn bị trước mà lúc xem cực kỳ hấp dẫn. Anh đã làm Ký sự Đăk Lăk (12 tập), Sài Gòn du ký (20 tập), Ký sự biên phòng (25 tập), Đà Lạt ký… Lúc sang Kampuchia, y đã là nhân vật của Hiệp. Lúc ấy, anh tỉ tê tâm sự: “Nếu kịch bản phim truyện đòi hỏi phải rành mạch cụ thể, rõ ràng tới từng chi tiết, từng cảnh quay, thì làm phim tài liệu là một quá trình sáng tạo liên tục. Bọn tớ thường làm một bộ phim tài liệu như thế này: Đầu tiên là một kịch bản ý tưởng. Sau đó, ý tưởng được phát triển trong quá trình quay. Dựa trên những gì đã quay được, mới bắt đầu làm kịch bản dựng - đây mới là kịch bản chi tiết. Chưa hết, quá trình sáng tạo còn được tiếp tục trên bàn dựng phim. Nếu kịch bản phim tài liệu được xây dựng chi tiết ngay từ đầu sẽ khiến quá trình đi quay bị lệ thuộc vào những gì đã định sẵn. Như vậy, bộ phim sẽ mất đi sức sống và sự chân thực”.
Cũng là một quan điểm về cách làm phim tài liệu.
Chừng vài năm trước, anh khoe đang làm bộ phim nhựa về vua Đinh Tiên Hoàng. Không rõ bộ phim đến đâu rồi Hiệp ơi? Mà phim làm về lịch sử, chắc chắn không dễ dàng gì. Cái chính là tư liệu thiếu sót nhiều quá. Rồi phục trang, rồi hàng ngàn, hàng ngàn chi tiết khác. Kịch bản của anh Nguyễn Đông Thức chuyển thể từ tiểu thuyết Không có gì và không một ai của anh đã xong. Mỹ Hà đạo diễn. Chẳng rõ, những cảnh vật, không gian Sài Gòn trước 1975 sẽ tái hiện thế nào, khi mà dòng xoáy thời cuộc đang thay đổi từng ngày? Vừa nhận điện thoại của Trần Tuấn Hiệp. Cả hai cùng tuổi Kỷ Hợi. Cái tuổi cực kỳ mê gái. Rất mê gái. Có lần anh tâm sự: “Một phụ nữ đẹp là phải... rất đẹp. “Cái nết đánh chết cái đẹp” là câu nói an ủi, động viên thôi. Còn thực tế thì chả cái nào đánh chết cái nào cả. Giống như mọi người đàn ông, tôi cũng rất thích phụ nữ đẹp. Nhưng còn chuyện đưa họ vào phim, phải xem thế nào đã. Chẳng lẽ để lấy lòng người đẹp, chỉ có mỗi một cách là đưa họ vào phim thôi sao?”.
Ơ hay, nghe cũng được đấy chứ?
Lại hỏi, chẳng lẽ, trong ngảy chủ nhật lại vùi đầu đọc sách nữa chăng? Thì phải thế. Chứ biết làm gì? Đưa vào Nhật ký câu này, chắc ít ai biết đến. Ghi lại để thấy lối viết sử ngày trước. Sự cẩn trọng ấy, có còn không? Trong quyển Nho giáo (Bộ Giáo dục - Trung tâm học liệu miền Nam in năm 1971), nhà sử học Trần Trọng Kim viết: “Xem kinh Xuân Thu thì phải biết cái ý nghĩa và vị trí của từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chánh, như Thiên tử chết thì chép là băng, vua Chư hầu chết thì chép là hoăng, ông vua đã cướp ngôi làm sự tiếm đoạt mà chết thì chép là tồ, người làm quan ngay chánh chết thì chép chữ tốt, làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử.
Người nào có danh phận chánh đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chánh đáng thì dầu có chức phẩm gì cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.
Sự khen chê của Ngài (Khổng Tử) cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ. Bởi thế, người đời sau bàn kinh Xuân Thu nói rằng: "Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt”: “Một chữ khen thì vinh như cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục như bị tội rìu búa” (tr.160 - 162).
Nghĩ gì về điều này?
Ảnh chụp sáng chủ nhật tuần trước 13.7.2014 tại Hội Nhà báo TP.HCM nhân ra mắt tập sách mới của bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc
L.M.Q
Trang 36 trong tổng số 58