LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.6.2014



Trưa nay, không ăn trưa ở nhà. Đến nhà hàng Maxim ở Đồng khởi. Tiệc tùng nhân Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam do Bến Thành Group mời. Khác mọi năm, lần này không còn gặp những nhà báo lão làng; hoặc đồng nghiệp cùng thế hệ, hầu hết những gương mặt trẻ. Trên đường đi ngẫm nghĩ về câu cửa miệng “được ăn, được nói, được gói đem về”. Rõ ràng, “nói” chỉ đứng sau “ăn”. Vậy hóa ra “được nói” cũng là một lạc thú. Vừa nghe thế, ông bà ta liền gọi giật lại, dạy thêm: “Ngậm miệng ăn tiền”. Ấy mới là sự khôn ngoan ở đời chăng?

 

ngay-nha-bao-VN-21.5.2014

Ảnh chụp tai Nhà hàng Maxim nhân kỷ niệm Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam

 

Hôm kia, mới là dễ sợ. Y nhận được thư mời của doanh nghiệp nọ, đại khái, chào mừng ngày 21.6 kính mời anh/ chị tham gia hội thảo “Sứ mệnh và trách nhiệm của nhà báo trong tình hình mới”. Chuyện này nhà báo phải làm mỗi ngày, nhưng nay lấy cớ tụ tập các nhà báo trong ngày cả xã hội "để ý" đến họ là một chiêu P.R chăng? Nghe phát khiếp. Quá mệt. Nhận thư mời có tính toán kiểu này, cũng tựa như đọc các tin nhắn hằng năm, hễ Ngày Nhà báo lại rổn rảng những câu sáo rỗng, vô hồn được gửi đi hàng loạt. Đọc loại tin nhắn ấm ớ; nhận thiệp chúc mừng vô bổ đó rất bực mình, vì nhà báo nào cũng nhận chung một nội dung, chứ chẳng phải do tình cảm, quý mến thật lòng. Thay vì chúc mừng, nếu là bạn bè quý mến nhau, gửi tặng chai rượu hoặc rủ nhậu, có phải “tốt đạo, đẹp đời” hơn không?Smile

Trưa nay, trong lúc lai rai “bốc thăm trúng thưởng”, có lẽ do mặc áo mới, đọc thơ hay và nhất là đẹp trai nên y đã trúng được phiếu nghỉ mát miễn phí của Muine Bay Resort. Trị giá vài triệu đồng. Hay không bằng hên là vậy. Những cuộc vui náo nhiệt, đông đúc mọi người, không khí chung ban đầu chỉ xã giao. Phải phút cuối, lúc còn vài ba anh em ngồi lại thì câu chuyện mới mở lòng. Lúc mọi người đã ra về hết, anh Ba Tổng giám đốc Tổng Công ty có chia sẻ đôi chút tâm tình về khái niệm doanh nhân. Y rất khoái. Khoái, vì đây lãnh vực y hoàn toàn mô tê, chẳng hiểu ất giáp gì ráo. Trò chuyện với người khác ngành nghề, nếu họ giỏi cũng là lúc được học nhiều điều. Sinh thời, ông nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường bảo: “Tao khoái nhậu với những người không phải là dân viết văn, làm thơ” là cũng trong suy nghĩ đó.

Ngồi trò chuyện với anh Ba, hỏi, “Anh từng được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2006, Bằng khen UBND Thành phố các năm 2006, 2008, 2010. Trên bước đường thành công đó, anh tâm đắc lời khuyên của ai nhất?”. Anh bảo, hơn 20 năm trước, khi bước chân vào lãnh vực kinh doanh, lúc sang Lào, một doanh nhân ở đó có trao đổi với anh 5 yếu tố thành công công. Anh kể vanh vách: "1. Doanh nhân đó phải có bằng Đại học, nếu không có bằng đại học nhưng vẫn thành công, đó là người xuất chúng; 2. Phải biết ít nhất một ngoại ngữ. 3. Biết ăn chơi. Ăn thì dễ, ai ăn cũng được. Chơi mới khó. Chơi không phải khoe khoan “giàu có” mà biểu lộ tính cách “giàu sang”, có như thế mới tạo được nhiều mối quan hệ khác. 4. Biết ghẹo gái. Ông bà ta nói trên đời có hai việc khó “nhất chặt tre, nhì ve gái”. Muốn ve gái được, phải biết ăn nói, tán tỉnh. Doanh nhân cũng vậy, nếu không biết cách thuyết phục người khác là một điểm yếu. 5. Phải liều lĩnh. Có như thế mới dám chấp nhận rủi ro. Điều quan trọng là biết quản trị rủi ro".

“Vậy quan điểm của anh?”. Trả lời: “Doanh nhân có bình yên nhưng đó là “sự bình yên trên đầu ngọn sóng”. Có thể hiểu, họ luôn có sự va đập liên tục trên thương trường. Biết như thế để không ỷ lại, dẫm chân tại chỗ. Đó cũng là người xòe bàn tay đưa lên trời, nhìn qua kẽ hở ấy để có hành động quyết định. Kẽ hở ấy có thể hiểu là ngành nghề ấy chưa ai làm, hoặc đã có người làm nhưng mình lại không làm giống thiên hạ mà phải sáng tạo cách khác, thoát khỏi đường mòn; kẻ hở đó cũng có thể hiểu từ góc độ quy định pháp luật, biết cách vận dụng để phát triển, tồn tại”. Nghe thấy lý thú quá, bèn hỏi khó: “Không một thể chế nào chấp nhận buôn lậu. Nhưng theo anh, nạn buôn lậu có gợi lại suy nghĩ tích cực gì cho người đang chống buôn lậu không?”. Anh trả lời ngay: “Có chứ. Trước hết, các sản phẩm trong nước phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hình thức” v.v… Nghe lý thú nên đưa luôn vào Nhật ký là vậy.

Gần 14 giờ chiều mới rời khỏi nhà hàng Maxim, quay về nhà. Trời mưa lâm râm ướt dầm lá bí. Đi và nghĩ bâng quơ.

Chiều hôm qua, trời mưa. Khuya, thèm ăn một cái gì, ngại đường xa nên tạt vào quán bình dân gần nhà. Thử tưởng tượng: bước vào quán nhìn chung sạch sẽ, tường còn trắng màu vôi chưa hoen ố, bàn ghế còn mới nên đoán quán chỉ mới khai trương thời gian gần đây thôi. Vắng khách. Cô chủ quán trông cũng dễ coi, xinh xắn đang chăm chú nấu bếp; anh chồng lăng xăng lấy rau, khăn mặt, ân cần hỏi khách uống gì; đứa con lễ phép đứng phía ngoài trông xe. Nhìn chung quán ăn này tạo nên cảm giác đôi vợ chồng trẻ chí thú làm ăn. Do đó,  có tình cảm với quán, dù chỉ mới vào lần đầu.

Giây lát sau, món ăn bưng ra bàn. Ngay đũa đầu tiên, do không hợp khẩu vị, hơn nữa giá cả bình dân nên chất lượng chỉ có thế. Y nhăn mặt. Chỉ muốn đứng phắt dậy, trả tiền, đi quán khác. Làm thế có được không? Chắc chắn chủ quán sẽ buồn ghê gớm trước hành động tàn nhẫn ấy. Không bước vào quán thì thôi, đã bước vào mà có thái độ khiến chủ quán buồn lòng thì có nên không? Tất nhiên không. Vậy phải làm thế nào? Khuya qua, phải ngồi cố gắng ăn cho xong món ăn dù không hài lòng. Thôi thì, cố gắng mà nuốt trôi qua cuống họng. Cứ nghĩ thiện ý của mình có thể đem lại niềm vui cho người khác. Ấy cũng là một cách tự an ủi mình trong nhiều trường hợp oái oăm.

Mà sự oái oăm này đôi khi cũng lắm chuyện.

Có lẽ quán ăn kỳ cục nhất trên đời là quán hủ tíu cá Nam Lợi ở Q.1. Ai đời, từ người nấu bếp đến nhân viên phục vụ luôn xem khách không là “cái đinh” gì. Khách gọi, cũng không thèm trả lời, không thèm ư hử cho một câu. Cái mặt cứ khinh khỉnh. Vênh váo nhìn lên trời. Nhiều lần muốn đứng dậy bỏ đi quách, nhưng nào dám. Oái oăm ở chỗ cô người yêu khó tính đi cùng nên đành ngậm tăm dằn lại sự bực bội, phải đóng vai người đàn ông thanh lịch. Oái ăm quá đi chứ?

Trong tập tùy bút Ve vãn Sài Gòn,Chị Đẹp có miêu tả chính xác về quán này: “Họ buôn bán theo kiểu gia đình, khuôn mặt người nào cũng giống y như người nấy, dáng người nào cũng y như người nấy từ lớn đến nhỏ. Không bao giờ cười. Khách gọi món, họ ghi vào mảnh giấy, không bao giờ có cái vẻ là đang xác nhận yêu cầu của khách hàng. Khách gọi nước, họ cũng không thèm nhìn hay gật hay ừ hử, chỉ đi tiếp tục một lèo vào nhà trong, vài phút sau đi ra mang nước đặt xuống bàn, cũng không nhìn khách. Họ có một vẻ vô cùng “diva”. Luôn có vẻ khó chịu, chảnh choẹ và cáu kỉnh, thể như là họ đang phải gánh vác một công việc của tổ tiên để lại chứ họ chả ưa thích tí nào. Thể như khách hàng là những sự phức tạp rắc rối của đời sống họ. Thể như là họ chỉ muốn đóng cửa tiệm và ngồi trên chiếc ghế đẩu gãi bụng nhìn mênh mông bâng quơ ra đường phố, vậy mà cứ đợt khách này đến tốp khách khác cứ lượn lờ vào nhắc họ rằng cuộc sống này, của họ, chính là bán hủ tíu. Dù rằng là một món hủ tíu rất ngon rất nổi tiếng và rất đặc biệt. Vậy đó, mà khách dù bị ấm ức về cách đối xử " khách hàng nhất định không phải là thượng đế " của tiệm này, vẫn lui tới như ong tìm bướm như hoa tìm mật” (tr.102-103).

Lần nọ lên Đà Lạt, nghe anh em văn nghệ kháo nhau có quán cà phê nọ, cô chủ quán hát nhạc Trịnh Công Sơn có cá tính. Tò mò quá, cũng đến đó xem sao, quán nằm trên một ngọn đồi. Sau khi tìm chỗ ngồi ưng ý, do đèn lờ mờ nên không thể đọc thực đơn, bèn hỏi: “Quán có thức uống gì?”. Câu trả lời của một cô bé nét mặt lạnh tanh, không gợn lên biểu cảm gì: “Bia, cà phê, trà đá”. Hỏi: “Ở đây có rượu vang đỏ không?”. Câu trả lời: “Bia, cà phê, trà đá”. “Thế có trà gừng nóng không?”. “Bia, cà phê, trà đá”! Thiệt hết biết luôn!

Sáng nay, vào cơ quan, tranh thủ đọc mấy tờ báo mới. Thông tin này cần ghi lại: “Sáng 17.6, ông Trương Đăng Tuyến (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa) cho biết vừa nhận được Quyết định số 1825 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận cụm bia chủ quyền quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đó là hai bia chủ quyền Việt Nam do Việt Nam Cộng hòa xây dựng tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết năm 1956 (nay thuộc hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn, huyện Trường Sa).  Trên hai bia chủ quyền này được Việt Nam Cộng hòa in rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam” (TT - 18.6.2014).

Thông tin quan trọng này nói lên điều gì?

Do không có ai giải thích nên y vào facebook, nơi ấy có nhiều anh tài sẽ giải đáp giúp thắc mắc này chăng? Những tưởng là thế. Lướt qua, chỉ thấy vắng tanh như chùa Bà Đanh, chẳng đọc được ý kiến nào. Định thoát ra ngoài, tình cờ đọc được trên fb của bạn Trần Thị Nhung: “Vừa quan sát thấy một em gái trở nên nổi tiếng sau 1 status chửi thói đạo đức giả của đàn ông sau khi chia tay đàn bà. Em gái viết rất tục tĩu về chuyện nam nữ ngủ với nhau, có con xong chia tay cùng lý do " không hiểu nhau". Em ấy khuyên đàn ông không nên (…). Sau Status ấy, em nhận được hơn 13k lượt Like và share. Tốc độ nổi tiếng chóng mặt, vì mỗi status sau đó có hơn 1k like và tương tác”. Xin nói rõ, đoạn (…) là y đã tự ý biên tập.

Đôi khi y tự hỏi, những người trẻ trong thế giới mạng đang nghĩ gì? Hỏi, bởi y đã già rồi mà thật ra cũng không có nhiều thời gian có thể đọc hết, đọc kỹ những gì đã viết trên đó.

Mà hỏi, cũng là lúc người ta tìm được câu trả lời.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment