Từng ngày lại trôi đi. Những ngày này, tạm thời từ chối các cuộc lai rai với bạn bè. Lúc điện thoại vừa rung đến nghe reng là giật mình. Chần chừ một chút. Rồi mới nghe máy. Sợ những thông tin thông báo không vui về bệnh của mẹ. Đến một độ tuổi nào đó, con người ta cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt lắm. Mọi ngày, nắng lên, đêm xuống chẳng có gì hân hoan, không còn gì chờ đợi. Sống vì cái gì? Khi đã không còn đặt ra câu hỏi này nữa, có lẽ chỉ là sự Tồn tại chứ không còn có ý nghĩa của Sống. Hành trình đi hết một kiếp phù du ảo ảnh, đôi khi con người ta rơi vào trong trạng thái đó. Sáng nay đồng nghiệp nhắn tin: “Em đang cố gắng vui mỗi ngày”. Vui mà phải cố gắng ư? Vậy có là vui? Có lẽ trên đời này, để chạm đến niềm vui lớn lao và nỗi tuyệt vọng tận cùng, chỉ có thể là tình yêu. Ngày tháng lại trôi đi. Nhìn ra ngoài cửa, thấy nắng lên rực rỡ tươi ngon là tự nhiên trong lòng lại nhen lên một niềm hy vọng. Mấy hôm nay, hy vọng bà cụ sức khỏe ổn định, mau rời khỏi bệnh viện. Về nhà. Lúc bệnh hoạn, khi đi xa lạc lõng, cô đơn vạn đặm xa tít đường dài thì ai lại không có mong ước ấy? Hy vọng. Cảm giác hy vọng luôn dễ chịu. Còn hơn, hơn rất nhiều những lúc phải tự dằn vặt, đay nghiến lấy mình mà chẳng có một nguồn cơn gì rõ rệt.
Từ phải: Lê Minh Quốc, Lê Minh Tân, mẹ đang bồng Lê Minh Tiến tại Đà Nẵng cuối thập niên 1960 - ảnh tư liệu gia đình.
Chiều chủ nhật vừa rồi dự đám cưới con gái người bạn thơ Trương Nam Hương, ngồi chung bàn với nhà thơ Văn Lê và Trần Mạnh Hảo. Câu chuyện rôm rã một lúc, bèn ngẫu nhiên hỏi, kỷ niệm nào nhớ nhất ngay sau ngày giải phóng? Không hẹn mà gặp, hai anh cùng kể lại ngày đầu tiên về lại quê nhà. Từ miền Nam về đến Ninh Bình, quê anh Văn Lê, cả hai anh thức dậy thật sớm, quyết ăn cho bằng được tô phở. Sáng đó, sướng nhá, đã bao phen bom đạn Trường Sơn ngày mơ đêm nhớ, nay ngồi trước tô phở lòng ai không rạo rực, thèm thuồng, sung sướng? Trước hết, phải cầm cái muỗng (thìa) múc một ngụm nước lèo. Phải rồi. Ăn phở đúng điệu phải thế. Tô phở ngon hay dở, chỉ một húp vài giọt nước lèo là biết ngay thôi. Phải nhấm nháp trước một chút nước lèo để tận hưởng hương vị của phở. Than ôi, vừa đưa cái thìa lên miệng, ngay lúc ấy cả hai anh thấy nước phở chảy ròng ròng xuống áo lính. Thì ra, cái thìa nào đã bị đục mấy lổ liền. Kinh ngạc quá, tại sao? Nhân viên của hàng quốc doanh trả lời tỉnh bơ: “Có làm như thế người ta mới không ăn cắp thìa!”. Nghe câu trả lời sổ sàng ấy, anh Văn Lê bỏ đũa, ngồi ôm mặt khóc nấc lên và dứt khoát không ăn nữa. Chỉ chờ có thể, mấy gã ăn mày nhảy xổm vào tranh giành ngay tô phở đó. Riêng anh Hảo thì nghiến răng mà nuốt, vì anh phải có sức để từ Ninh Bình đi bộ về Nam Định.
Sực nhớ, Từ điển Merriam-Webster vừa cập nhật vào phiên bản in và trực tuyến 150 mục từ mới vào hệ thống từ vựng, trong đó có từ pho (phở) - món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Báo TT ngày hôm qua, tác giả Quỳnh Trung- N.Xuân cho biết: “Theo thông báo trên wesbite chính thức của Merriam - Webster ngày 19-5. Theo định nghĩa của từ điển Merriam - Webster, Pho là “một món súp có nước lèo chế biến từ thịt bò hoặc thịt gà cộng với bánh làm tự bột gạo”. Trong lĩnh vực ẩm thực còn có những từ mới như turducken (gà không xương nhồi vào vịt không xương và sau đó nhồi tiếp vào gà tây), và món ăn yêu thích của Canada poutine (món khoai tây chiên kèm nước xốt nâu và sữa đông pho-mát).
Tuy nhiên, công nghệ mới là lĩnh vực có nhiều từ mới được cập nhật nhất, bao gồm những thuật ngữ phổ biến như Hashtag (chuỗi ký tự sau dấu #), tweep (người sử dụng dịch vụ gửi và nhận tin nhắn trên mạng xã hội Twitter), Crowdfunding (kêu gọi mọi lượng lớn người đóng góp tài chính, đặc biệt là cộng đồng mạng), catfish (ám chỉ người tạo tiểu sử giả trên mạng xã hội có mục đích lựa đảo), gamification (lồng ghép các trò chơi hoặc các yếu tố có thể tạo không khí vui chơi vào một cái gì đó, chẳng hạn như bài tập, để tăng sự tham gia của mọi người), và big data (một khối dữ liệu quá lớn và phức tạp để có thể được xử lý bởi các công cụ quản lý cơ sở dữ liệu truyền thống).
“Nhiều từ trong số những từ mới được cập nhật cho thấy tầm ảnh hưởng của sự kết nối mạng đối với đời sống và nghề nghiệp của chúng ta” ông Peter Sokolowski, biên tập viên nội dung của Merriam - Webster phát biểu.
“Tweep, selfie, và hashtag nói về cách chúng ta liên lạc và chia sẻ với tư cách cá nhân. Những thuật ngữ như crowdfunding, gamification, và big data cho thấy Internet đã thay đổi sâu rộng ngành kinh doanh”, Peter nói thêm.
Biên tập viên Peter dành nhiều lời chia sẻ nhất cho thuật ngữ catfish trong ngày Merriam - Webster công bố cập nhật 150 mục từ mới nhất.
Thuật ngữ catfish ra đời sau loạt phim truyền hình và tài liệu nổi tiếng cùng tên của hai đạo diễn người Mỹ Henry Joost và Ariel Schulman. Bộ phim lấy bối cảnh mạng xã hội Facebook và kể về câu chuyện tình cảm giữa anh chàng Nev và một cô gái anh gặp trên Facebook. Nev sau đó phát hiện ra tất cả những gì cô gái ấy chia sẻ trên Facebook đều là giả mạo.
“Trong 1.000 năm qua, chúng ta chưa bao giờ hình dung về một hiện tượng gọi là catfish. Xem định nghĩa của từ này trong từ điển Merriam - Webster không chỉ là niềm vinh dự của chúng ta mà còn là một sự phản ánh rằng những gì chúng ta trải nghiệm trong bộ phim có thể tạo ra một từ ngữ mang tính phổ phát và được chia sẻ bởi tất cả mọi người trên thế giới. Nó đã và đang là một hành trình phi thường. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Angela Pierce and Vince Pierce vì đã cung cấp cho chúng tôi câu chuyện nguyên gốc của catfish”, Peter kết luận”.
Sáng nay, đã đọc một loạt bài viết của ông Quách Giao - con trai nhà thơ Quách Tấn kể lại tình bạn của cha mình. Tự dưng cảm động. Có những người con, đã cố gắng tìm kiếm mọi tư liệu sau khi ba mình mất đi. Họ nâng niu, gìn giữ như báu vật. Trường hợp con gái nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Thắng, Yến Lan, Quách Tấn, Bửu Kế… chẳng hạn. Tự nhiên có cảm tình với con cái của họ. Sau khi nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ mất (1909-1979), cô con gái Lê Kim Ngọc Tuyết đã đem bản thảo Tầm nguyên tự điển Việt Nam của ba mình đến nhờ cụ Vương Hồng Sển viết Tựa. Đọc sách của những người uyên bác, có thể học ở đó nhiều điều.
Nghĩ cũng lạ, khi sinh ra đời, đôi khi bị một khuyết tật gì đó, chưa hẳn đã là sự bất hạnh, thiệt hòi. Cụ Lê Ngọc Trụ thuở nhỏ bị đau lỗ tai và bị mổ mép xương tai trái, do đó, đau ốm luôn. Không thể như vui chơi như bạn bè trang lứa, cụ ngồi nhà cặm cụi với sách vở. Dù không bằng cấp gì nhưng nhiều người có bằng cấp phải gọi cụ là thầy. Cụ viết nhiều, nhưng tựu trung Tầm nguyên tự điển Việt Nam vẫn là bộ sách giá trị nhất, đến nay, chưa ai có thể vượt qua. Những con người lao động miệt mài, lặng lẽ ấy đáng kính trọng quá. Trong khi đó, lũ chúng ta tài năng chưa đựng đầy nắp nghêu, chỉ mới làm được đôi việc đã oang oang, khoa ngôn ồn ào; lại có những người chẳng làm nên tích sự gì, hễ cứ mở mồm ra là nhiếc móc người khác, chê bai này nọ. À, cái cộng đồng mạng mới gớm ghê. Lên đó, lần nào cũng đập vào mắt là những ý kiến dạy đời thiên hạ. Đôi khi những ý kiến nhận định ấy chẳng hay ho gì, cũng ngoác mồm “tuyên ngôn” ầm ĩ như thánh như tướng. Chán là thế.
Thử lược ghi vài “gạch đầu dòng” sơ lược, rất sơ lược, ngẫu hứng, nhảy cóc, không lớp lang, tuần tự gì sau khi đọc công trình của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trụ:
+ Dân tộc Việt là kết quả tạp chủng và lai lẫn với mấy dân tộc đã sinh sống trên bán đảo Đông Dương, và tiếng Việt là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng các dân tộc ấy.
+ Về phương diện nhân chủng học và phong tục học thì dân Việt Nam càng có nhiều điểm khác với người Trung Hoa. Họ nhờ chế được cây kim nên may vá, đội mũ, mặc áo quần. Người Việt Nam thì vấn khăn, đàn bà mặc váy, cũng gọi là “xống” (áo xống: tiếng xống thể do tiếng Sà - rông nói ríu mà thành).
+ Chữ “cắc bạc” viết C hay T? Cụ Trụ cho rằng: “Cắc bạc”, viết C, vì dựa vào chữ Hán: “Giác” (hào); cụ Sển bảo là T: “Giác, tôi dốt tôi không biết. Tôi biết lấy đồng bạc cũ, chặt đứt ra làm 2 thì nửa miếng ấy, gọi là “cà-rô-bi” dựa vào chữ “roupie” gốc Ấn. Rồi lấy “cà-rô-bi” chặt làm 2, 1 đồng bạc chặt làm tư, nhưng lại gọi “góc tư” tuy giá trị là 1/5, và khi chặt lần nữa được “một góc tám” tuy giá trị là mười xu. Cắt bạc 10 xu vẫn gọi “góc tám”.
+ Tiếng Hán - Việt chuyển qua tiếng Việt. Chỉ nêu 1 ví dụ:
A: 1. Lớn, tiếng tôn xưng > á (má); 2. Dựa, gần > a (chạy vào); 3. Nịnh bợ: a du a dua > dùa > hùa (theo).
A: Tiếng đáp lời người gọi mình > ơi
+ Tiếng Việt chuyển gốc Hán - Việt. Chỉ nêu 1 ví dụ:
A: Chạy đến gần, chạy a vào < a
A dua: lời nịnh bợ kẻ khác < a du
+ Tiếng mượn ở ngoại ngữ. Chỉ nêu 1 ví dụ:
A: (are, Pháp): Đơn vị diện tích dùng cho ruộng đất, bằng một trăm mét vuông
A: (bombe atomique, Pháp): Bom nguyên tử ứng dụng phản ứng tách nhân. Trái bom plutonium do Hoa Kỳ chế tạo mang danh xưng Trinity, có sức nổ 20 kt, được cho nổ thử tại sa mạc Alamogordo (miền Nam bang New Mexico) hồi 5g30 chủ nhựt 16.7.1945: quả bom A đầu tiên nầy mở đầu kỷ nguyên nguyên tử.
+ Còn tiếng “MẬT”, tiếng Phạn là madhu, có nghĩa là “ngọt ngào, êm ái”, theo từ điển Larousse du XIX 2e siècle, nên dùng chỉ “mật, đường, sữa”… và “madhura” còn có nghĩa “êm dịu”, “nước xi rô”; con ong mật gọi là madhukara… Tiếng madhu cho ra tiếng Trung Hoa cổ là “miệt”, tiếng Quảng Đông là “mạch”, tiếng Quan Thoại là “mi-í”, tiếng Mã Lai là “madu”, tiếng Nhật là “mitu”, “mitsu”. Ta đã Việt hóa tiếng Mật (Hán Việt) thành “mít” (trái mít, do tiếng Ba-la-mật), trái tươm mật, MỨT, trái cây sên với đường mật, và tiếng “mía”, loại cây sậy có chất ngọt dùng làm đường. Tiếng “mía” biến thể tiếng mi-í của Quan Thoại, thêm âm a cuối (mí+a + mía).
+ Cũng có lối suy tưởng một tiếng đồng âm mà dùng như “lãnh lương” thì “lươn lịch” gì? “Con lươn” giọng miền Nam đồng âm với “tiền lương”, và “lươn” với “lịch” cùng một loại, nên mới nói như thế. “Bậu bạn” cũng nói “bầu bạn”, trại “bầu” ra “bồ” là “bồ bạn”, đồng âm với “bồ” là cái “bị lớn” và “bồ bịch” là dụng cụ đựng thóc lúa. Theo đó, nên nói “họ là bậu bạn”, lại nói “họ là bồ bịch với nhau”.
Chà, hay quá. Có điều, ngoài “bồ bịch” ra, y biết còn có cả “bồ tèo”. Tại sao? Y chỉ mới nêu vài dụ thôi, biết làm sao hơn bởi Tòa soạn đang giục phải tìm truyện ngắn cho PNCN số tới. Công việc sát nách rồi, không thể Nhật ký nữa. Bèn nghĩ trong đầu rằng, đi qua sa mạc, chỉ nhón lấy vài hạt cát đem về, làm sao người khác có thể hình dung ra sự mênh mông của sa mạc ấy? Muốn biết biển sâu thế nào nhảy xuống đó. Muốn biết Tầm nguyên từ điển Việt Nam có giá trị thế nào hãy đọc nó. Tập sách dày 1.000 ngàn trang in, khổ 14,5x20,5 do NXB TP.HCM in năm 1993). Cần gì đọc nhiều, chỉ lai ra mỗi ngày vài trang là được.
Đọc những thông tin này, có người điên rồ tặc lưỡi rồi ngốc dại mà “phán” là lẩn thẩn, gàn bát sách. Y không nghĩ thế. Phải có tình yêu lớn dành cho tiếng Việt, người ta mới tranh luận, mày mò, tìm kiếm đến tận cùng ngữ nghĩa của nó. Viết những dòng này, cũng không ngoài mục đích tri ân cụ Lê Ngọc Trụ, qua Tầm nguyên từ điển Việt Nam, y đã vỡ ra biết bao là sự hiểu biết về tiếng Việt. Nghĩ cho cùng, chẳng có ai mất đi, nếu việc làm của họ còn có ích cho đời sau.
Chiều nay, vào bệnh viện thăm mẹ một chút. Nhìn ra ngoài cửa, thấy nắng lên rực rỡ tươi ngon là tự nhiên trong lòng lại nhen lên một niềm hy vọng. Mấy hôm nay, hy vọng bà cụ sức khỏe ổn định, mau rời khỏi bệnh viện.
Trưa rồi. Trưa nay ăn gì ta? Chẳng lẽ, sáng đã phở rồi trưa lại phở?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|