Tiểu thuyết Lá thơ rơi của nhà văn Hồng Tiêu Nguyễn Đức Nhuận in tại Sài Gòn năm 1928
Chiều qua từ Hà Nội, Thơ báo tin nhà thơ Lưu Trùng Dương qua đời. Thơ gọi bằng chú ruột. Sinh thời hễ có sách mới, ông Dương lại đến báo PN tặng y. Ông hiền lành, ít nói, có nói cũng nhỏ nhẹ, chỉ vừa đủ nghe, là em ruột soạn giả Lưu Quang Thuận, chú ruột nhà thơ Lưu Quang Vũ. Cũng dân Đà Nẵng, cùng quê quán Hải Châu. Vùng đất này là nơi cư dân Đàng Ngoài vào lập nghiệp sớm nhất, đã hơn 500 năm, hiện nay vẫn còn di tích đình làng Hải Châu đã được Bộ công nhận di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia. Ngày còn nhỏ, khi đi học thường ngang qua nơi này, đi tắt từ đường Phan Châu Trinh sang Trần Bình Trọng, về nhà cho gần. Còn nhớ phía trước đình là hồ bán nguyệt, có hòn non bộ, cây si cổ thụ, nước sẫm rêu xanh. Những hình ảnh êm đềm ấy vẫn còn nguyên trong ký ức. Thì ra, những gì đã cảm nhận tử thời tuổi nhỏ thường khó phai theo năm tháng.
Nói như thế, để đừng ai trách vì sao vụ Thương xá Tax vừa qua báo chí lên tiếng ầm ĩ, nhiều bài báo xót thương di tích thuộc loại "hồn vía" của Sài Gòn xưa mất dần nhưng rồi, lòng y vẫn lạnh tanh, đứng ngoài cuộc, không hề ghi nhận một dòng nào trong Nhật ký. Nhiều người khác cũng thế, bởi họ không hề có một kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ với vùng đất này. Nói như thế mà được à? Sài Gòn đã là nơi cưu mang, thay đổi nhiều số phận từ nơi khác đến. Nơi đó, có những tính cách, thói quen, mối quan hệ… tự nó phải bào mòn; hoặc phát huy để có thể “hội nhập” chung với cộng đồng, không phân biệt vùng miền. Nhưng rồi, Sài Gòn có là máu thịt không? Có viết những gì về Sài Gòn? Nghĩ thế, lòng có thẹn?
Hôm kia ngồi với thầy Trần Hữu Tá, đã ngoài 78 xuân nhưng ông vẫn còn khỏe khoắn. Ông kể: “Bà vợ mình cũng thích văn chương lắm, có lần bất ngờ bà bảo mình đọc cho nghe Vè nói ngược”. “Thế thầy có thuộc không?”. Nghe hỏi, lập tức ông đọc ro ro:
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà, nậm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống đuổi chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm
Gà con đuổi đánh diều hâu
Chim ry đuổi đánh vỡ đầu bồ nông
Thóc gạo đuổi chuột trong bồ
Đòng đong cân cấn đuổi cò ngoài ao
Nghe giọng đọc trầm tĩnh của người già, tự nhiên cảm thấy xao xuyến quá. Liệu chừng khi đến tuổi đó, y có còn lạc quan, mẫn tiệp? Có còn đủ sức cùng các cộng sự biên tập, thực hiện được Tạp chí Đại học Sài Gòn như ông đang làm không? Thích ấn phẩm này, vì có những bài nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Chánh Sắt. Bạn đọc đọc ngày nay có lẽ ít ai biết đến vai trò, vị trí của nhiều nhà văn tiên phong đất Nam bộ, trong đó có Nguyễn Chánh Sắt. Người miền Nam chắc chắn không chú trọng nhiều về nghiên cứu, hệ thống lớp lang các vấn đề thuộc văn học sử. Vì lẽ đó, đã có nhiều nhà văn dù còn để lại tác phẩm nhưng hầu như không ai biết gì về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác của họ. Đến nay văn học sử đã xác định, Tố Tâm in năm 1925 tại Hà Nội là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, trong khi đó truyện ngắn quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quảng in năm 1887 tại Sài Gon hầu như ít ai để ý đến.
Đôi lúc nghĩ nghiêm túc, nếu Nhà văn hiện đại của Vũ ngọc Phan chọn thêm những nhà văn miền Nam thời Hồ Biểu Chánh, Đông Hồ, Nguyễn Vỹ… có lẽ sự ghi nhận của hậu thế về nhà văn lớp trước đã khác. Xin đơn cử một trường hợp: Nhà văn Nguyễn Đức Huy tự Hồng Tiêu - thân phụ nhà văn Nguyễn Đông Thức, ông viết nhiều tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết Lá thơ rơi. Theo tài liệu của Thư viện Quốc Gia (Hà Nội), ngoài bìa có đóng dấu nộp lưu chiểu ngày 13.2.1928. Rõ ràng điểm xuất hiện của ông trong tiến trình văn học khá sớm, cùng thời với Hồ Biểu Chánh hoặc chỉ sau vài năm mà Vũ Ngọc Phan xếp vào “Các nhà văn tiên phong”. Nhân đây, thử hỏi “Thơ rơi” là gì? Chỉ xin vắn tắt là một thể hoại văn học dân gian rất đặc thù của người miền Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu ở An Giang đã phân tích chu đáo rồi. Không nhắc lại.
Khi viết Người Quảng Nam, trong chương 12, y đã viết: “Cứ nhìn trong lãnh vực nghiên cứu, phê bình văn học trong nửa đầu thế kỷ XX thì rõ. Những bộ sách có tính chất tổng kết cả một phong trào, một giai đoạn hầu hết đều thuộc về những nhà nghiên cứu ở phía Bắc, chẳng hạn bộ Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân)… Họ ý thức công việc một cách chu đáo, quy củ và có hệ thống. Cho dù, nó chưa hẳn là “khuôn vàng thước ngọc”, nhưng về sau, những người “sinh sau đẻ muộn” vì nhiều lẽ nếu muốn tìm hiểu, ít nhiều đều phải căn cứ vào đó. Trong khi đó, ở miền Nam, dù sự phát triển văn xuôi rất sớm, có nhiều đóng góp trong tiến trình văn học Việt Nam nói chung, nhưng có được bộ sách nào ghi nhận, sắp xếp và tổng kết có tính chất hệ thống? Theo báo Tuổi Trẻ số ra ngày 3.3.2006, hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học khi thực hiện một công trình “Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” thì họ “vấp” phải gặp khó khăn: 40/65 tác giả đang “trống trơn” về tiểu sử, cho dù họ có để lại tác phẩm sờ sờ ra đó”.
À, đọc lâu lắm rồi, không nhớ tư liệu cụ thể nào, rằng: Đã có lần ông Phan Khôi viết bài “phê bình” cái tên Nguyễn Chánh Sắt, theo ông, viết như thế là sai chính tả. Phải “Sắc” chứ không thể là “Sắt” (!?). Quái lạ, tên cha mẹ đẻ thế nào thì mặc, chứ làm sao can thiệp được? Ấy cũng cho thấy tính cách “Quảng Nam hay cãi” của một người rặt Quảng là Phan Khôi. Hôm trước có đọc tài liệu về vụ “cãi cọ” giữa nhà báo, nhà thơ Hồng Tiêu với ông Phan Khôi cũng về chính tả. Có lẽ, người cầm bút miền Nam ý thức nhất về vấn đề chính tả vẫn là nhà thơ Đông Hồ và Bình Nguyên Lộc: Năm 1934, Đông Hồ ra tờ báo Sống - lấy theo câu trên báo Nam Phong: “Con cá nó sống vì nước, ta sống vì tiếng ta đó” - cần giải thích “tiếng ta” tức “tiếng mẹ đẻ”; rồi sau này, nhà văn Bình Nguyên Lộc làm tờ Vui Sống. Cả hai tờ báo này có chủ trương rõ rệt là phải viết đúng chính tả.
Tiếng Việt ngày một nhiều vốn từ hơn, lẽ tất nhiên. Lâu nay đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đòi cải cách chữ Quốc ngữ. Không thể. Mỗi con chữ không là xác chữ bởi tự nó đã gắn liền với cảm xúc, linh hồn một dân tộc. Thấy bất cập là thế nhưng bất kỳ mọi sự thay đổi nào, dẫu hợp lý đến đâu đi nữa thì ngay từ trong tiềm thức con người ta cũng không thể chấp nhận. Có một điều thú vị, tiếng Việt ngày càng có nhiều cụm từ mới ra lò.Có thể tham khảo từ Sát thủ đầu mưng mủ, ít ra đó cũng cần ghi nhận sự phong phú, đa dạng, lắt léo cách sử dụng tiếng Việt của người Việt hiện đại ở thế kỷ XXI.
Trưa qua, bất ngờ khi đọc thấy cụm từ mới “Bò lai sim”! “Sim” là từ mới du nhập, từ khi có điện thoại di động. Thế thì, tại sao “bò” lại có thể lai với “sim”? Vô lý quá, phải không?
Thì đây, dư luận đang quan tâm đến “sự kiện” UBND Quảng Ninh đồng tình với chương trình “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống giúp người nghèo biên giới” của “Mạnh Thường Quân” Viettel. Theo đó, “Điều kiện cần để Viettel ủng hộ bò giống cho người nghèo là phải mua SIM thuê bao mới. Điều kiện đủ để nhận 1.334 con bò là 20.010 SIM này phải ký hợp đồng dài hạn trong 36 tháng, với phí thuê bao tối thiểu 100 ngàn đồng/ tháng” (báo Pháp luật Việt Nam của Bộ Tư pháp ngày 9.10.2014). Các đồng nghiệp nhà báo đã phân tích UBND Quảng Ninh và Viettel đã làm sai Luật Doanh nghiệp; và người nghèo không hề có lợi trong vụ “từ thiện” này. Do đó, mới xuất hiện cụm từ mỉa mai “Bò lai sim”. “Thành ngữ” này, nghĩa bóng là “núp bóng từ thiện để kinh doanh”, nếu tồn tại, có lẽ sau này, không phải ai cũng có thể truy ra điểm xuất phát của nó. Trước đây đã có các từ “sến”, “mari sến”, “bà tám” “bà xã”, “bỏ qua đi tám”, “chảnh”, “tàu lạ”, “linh vật lạ” v.v… nay còn tranh luận chán. Có lẽ, thời buổi có những từ bị lạm dụng vô tội vạ. Rằng, những chuyện ấm ớ chẳng ai thèm quan tâm đến nhưng rồi nhằm câu khách lại nghe rổn rảng “tôn vinh”, “rúng động”, “đắng lòng”… cứ như đang đề cập đến sự kiện tầm cỡ quốc tế! Nhảm thật.
Chiều nay, cùng bạn thơ Trương Nam Hương đi thắp cho nhà thơ Lưu Trùng Dương cây nhang. Vĩnh biệt một đồng nghiệp lão thành.
L.M.Q
Những ngày trước ở Sài Gòn, ngày mưa, đang mưa đột ngột có nắng. Nắng mọc lên chói lòa. Rực rỡ. Và mưa thì cứ mưa. Mưa trong nắng. Nắng trong mi7a. Bây giờ, đã khác. Mưa dầm dề không ngớt. Mưa rỉ rả. Nhòe nhoẹt mưa. Chiều thứ tư vừa rồi, họp xong, rời cơ quan. Đi về trong mưa, tự dưng thèm bún bò Huế lạ lùng. Tìm kiếm trong trí nhớ. Tìm mãi. Tìm từ đường Điện Biên Phủ lên đến tận sân bay Tân Sơn Nhất. Vẫn không tìm ra quán nào ưng ý. Cuối cùng, quay về Pasteur. Và lại phở. Chiều qua vẫn thèm tô sợi bún nhỏ. Ớt thật cay. Váng mỡ màu rêu cua. Thật ngon. Thật đậm đà thương nhớ. Mùi vị của bún bò Huế bám riết không nguôi. Lại đi tìm. Đôi khi thèm ăn một chút gì, lúc mưa. Rồi cũng không thể. Cuối cùng, tạt qua Kỳ Đồng với phở. Nhớ về Đà Nẵng vẫn là những món ăn ngon.
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng
Đành rằng, về quê với nỗi lòng, tấm lòng yêu thương vô bờ bến dành cho đấng sinh thành là đúng rồi, nhưng “thương kiểng nhớ quê thì đừng”? Tại sao lại thế? Có ai giải thích giúp cho không? Thôi thì, tự giải thích vậy. Có những câu ca dao, thế hệ sau sẽ khó “giải mã” nếu không biết rõ hoàn cảnh ra đời của nó. Có lẽ câu ca dao trên ra đời từ thời ông Nguyễn Duy Hiệu - thủ lĩnh Nghĩa Hội Quảng Nam bị Pháp đàn áp vào đường cùng. Nguyễn Thân - người trực tiếp cầm quân giao chiến với nghĩa binh đã tung độc kế là bắt mẹ Nguyễn Duy Hiệu đặng gây áp lực. Cuối cùng, trong lúc binh mã tan tác, phó tướng Phan Bá Phiến uông độc dược tự vẩn, ông Hiệu phải “bó thân về với triều trình”. Ông bị chặt đầu vào ngày 1.10.1887 tại pháp trường An Hòa (Huế).
Khi cái đầu phi thường của người anh hùng rơi xuống đất, lập tức được triều đình sai chở bằng chuyến xe tốc hành vào Quảng Nam, bêu cho công chúng dọc đường nhìn thấy nhằm uy hiếp tinh thần. Cùng lúc, các trạm phóng ngựa ruổi khắp tỉnh, cầm trên tay một dòng chữ rất lớn: “Hiệu đại thủ lĩnh đã bị giết”! Năm kia, đi điền dã, có ghi chép lúc ông Hiệu bị giam tại Huế: Trong tù, ông yêu cầu được cung cấp 200 tờ giấy lớn để kê khai họ tên của những người tham gia Nghĩa hội! Lập tức một án thư được thiết lập trang trọng để ông khải trình. Cuối cùng, trên 200 tờ giấy, triều đình Huế phải đọc 200 lần với lời khai duy nhất: “Nghĩa hội Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ có mình Hiệu. Từ Hiệu trở xuống đều bị Hiệu cưỡng bức phải theo”. Những chi tiết này cần cho sử học. Ngày nay, trên đường từ Đà Nẵng vào Hội An, vẫn còn thấy đền Nguyễn Duy Hiệu trong một công viên lớn.
Trở lại với câu ca dao trên, ý rằng, nếu vì cha vì mẹ (như ông Hiệu) thì về quê, bằng không thì thôi, đừng về để bảo toàn tính mạng. Do ra đời trong hoàn cảnh có nên câu ca dao mới có lời nhắn nhủ đó.
Giải thích có hợp lý không? Ắt có. Đôi khi y tự “ăn dưa bở” là thế. Mà cũng chẳng sao. Tự mình lý giải, tự mình thích là vui rồi. Chẳng hạn, mấy đọc lại mấy câu tuyệt hay trong văn tế của cụ Nguyễn Đình Chiểu như “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan”; “Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mã tà ma ní hồn kinh”; “Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”... Những từ khó hiểu như bòng bong, trắng lốp, mã tà ma ní… thì người ta đã giải thích rồi. Giải thích thuyết phục nhất vẫn là ông Nguyễn Dư công bố trên mạng Chim Việt cành Nam. Tuy nhiên, ông Dư bỏ qua “rượu lạt”, không giải thích. Vậy “rượu lạt” là rượu gì? Câu hỏi cắc cớ ấy không phải thừa. Nếu toàn bộ sáng tác của Cụ Đồ bị thất lạc ráo trọi thì chỉ duy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ cũng xứng đáng đời sau dựng tượng đài.
Thiên hạ nói nhiều, ca ngợi nhiều Tế trận vong tướng sĩ của Nguyễn Văn Thành, đành rằng tuyệt bút nhưng do viết từ những năm Nguyễn Ánh vừa lên ngôi (1802) nên có nhiều từ Hán Việt, điển cố, điển tích mà nay đọc thấy khó hiểu. Trong khi đó, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc do viết sau (1861) nên từ ngữ vẫn gần với thế hệ ngày nay hơn. Sau một cuộc chiến khốc liệt, người xưa đã có những bài văn tế đạt đến sự toàn bích về nội dung và nghệ thuật.
“Phận truy tùy, ngẫm lại cũng cơ duyên; trường tranh đấu biết đâu là mệnh số.
Kẻ thời chen chân ngựa quyết giật cờ trong trận, xót lẽ gan vàng mà mệnh bạc, nắm lông hồng theo đạn lạc tên bay; kẻ thời bắt mũi thuyền toan cướp giáo giữa dòng, thương thay phép trọng để thân khinh, phong da ngựa mặc bèo trôi sóng vỗ.
Hồn tráng sĩ biết đâu miền minh mạc, mịt mù gió lốc, thổi dấu tha hương; mặt chinh phụ khôn vẽ nét gian nan, lập lòe lửa trời, soi chừng cổ độ.
Ôi! Cùng lòng trung nghĩa, khác số đoản tu, nửa cuộc công danh, chia phần kim cổ”.
An ủi thay cho binh lính dưới trướng Nguyễn Ánh, nghe Tế trận vong tướng sĩ cũng ngậm cười chín suối; vẻ vang thay cho nghĩa quân theo cờ nghĩa Trương Định, nghe Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng thỏa lòng mát dạ chốn cửu tuyền. "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những người đã bỏ mình vì hòn tên mũi đạn chốn sa trường là cái tình, tấm lòng, nghĩa khí, đạo đức của người Việt từ ngàn đời nay. Sau ngày 30.4.1975 đã có bài văn tế nào ca ngợi người lính Việt Nam cùng máu đỏ da vàng đã bỏ mình vì "Tổ quốc trên hết" đạt đến tầm cỡ nghệ thuật như trên?
Hãy trở lại với “rượu lạt” và thử tìm hiểu xem sao. Có lẽ cụ Đồ Chiểu muốn nói đến loại “rượu vang” đấy chăng? Tính về nồng độ, rượu này nhẹ hơn “rượu đế” quốc hồn quốc túy của dân Nam kỳ nên cụ mới gọi là "rượu lạt". Sở dĩ có suy luận này, vì như ta đã biết năm 1863, phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình xin chuộc ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Nội tình nước Pháo chia làm hai phe, một, đồng ý cho Việt Nam bỏ tiền ra chuộc đất vì ngân sách đang thâm thủng; một, tiếp tục đeo đuổi cuộc viễn chính chiếm Nam kỳ vì nhiều quyền lợi khác. Trong các quyền lợi đó, còn có cả việc mở rộng thị trường buôn bán hàng hóa, sản phẩm… của người Pháp. Tất nhiên giới thương gia Pháp không đứng ngoài cuộc. Loại rươu vang Bordeaux trứ danh của miền Nam nước Pháp đã theo gót chân quân viễn chinh đến tận trận chiến ở Nam kỳ, cùng với bánh mì, xà phòng… Lúc ấy, chưa biết tên gọi cụ thể là gì, Cụ Đồ gọi “rượu lạt” là vậy.
Suy luận này không phải vu vơ, có những mẩu chuyện ghi bên ngoài chính sử, chẳng hạn, khi nghĩa quân, có thể của Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực… trong các trận đánh đã thu về nhiều chiến lợi phẩm của kẻ thù. Lúc cầm cục xà phòng, nhai thử thấy mắn mặn, mùi vị lại thơm nên nông dân nước Việt cầm súng cầm gươm vì nghĩa lớn đã mạo muội nghĩ rằng có thể ăn được. Họ đã nấu cháo, bỏ vào bánh xà phòng để ăn thử xem ra sao? Đọc sử, mỗi người có thể tiếp cận được tùy theo góc nhìn của mỗi người. Tất nhiên, góc nhìn ấy cho phép suy luận.
Về ngôn ngữ học, có thể suy luận được không? Có thể. Nhưng tìm đến tận cùng từ nguyên vẫn chính xác hơn cả. Câu thơ của Nguyễn Trãi: “Dấu người đi lá đá mòn” hay “Dấu người đi là đá mòn” hay “Dấu người la đá mòn”? Đọc tạp chí Hán Nôm những năm trước đây và nhiều tài liệu khác vẫn thấy các học giả còn tranh luận không dứt. Mới đây, đọc công trình nghiên cứu mới nhất về Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi quốc âm từ điển. Trong đó, Tiến sĩ Trần Trọng Dương có giải thích: “La đá: âm cổ của đá khi tiếng Việt vẫn còn tồn tại từ cận song tiết lata” v.v… Ai muốn tìm hiểu kỹ thì đọc ở trang 186. Ở đây, chỉ nói gọn rằng: câu thơ trên của Nguyễn Trãi ta có thể hiểu, người đi đá mòn.
Chỉnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc
La đá hay mòn nghĩa chẳng mòn
Ấy là tâm sự của Nguyễn Trãi, sống ở thế kỷ XV nên cách diễn đạt đã khác thế hệ chúng ta, nhưng ngữ nghĩa vẫn không thay đổi. Trong tập sách trên, Trần Trọng Dương (và nhiều học giả khác) cho rằng câu thơ “Bà ngựa già thiếu kẻ chăn” của Nguyễn Trãi, thì “bà ngựa” là từ cổ của tiếng Việt nhằm chỉ con ngựa và anh có đưa ra nhiều dẫn chứng khác, đọc thấy hợp lý. Tuy nhiên, sáng nay, dậy sớm lấy ngẫu hứng trên kệ sách tạp chí Văn Lang (số tháng 2.1991) in ấn phát hành tại Mỹ và đọc giết thời gian. Tình cờ lật đúng trang in bài giới thiệu tập sách Kinh dịch của người quân tử của học giả Nguyễn Hiến Lê, ông Xuân Phúc có viết (nguyên văn):
“Trong Quốc âm thi tập của nguyễn Trãi, bài số 1, có câu này:
Bà ngựa già thiếu kẻ chăn
Ta có thể hiểu được là “nước nhà hiện nay không có vua”, ngựa gầy chỉ nước nhà theo điển của đoạn trong Thuyết quái truyện, chương 11: “Kiền vi thiên, vi viên, vi quân, vi phụ, vi ngọc, vi kim, vi hàn, vi băng, vi đại xích, vi lương mã, vi lão mã, vi tích mã, vi bác mã, vi mộc quả”.
Kiền là trời, là hình tròn, là ông vua, là người cha, là ngọc, là vàng, là lạnh, là băng, là sắc rất đỏ, là con ngựa tốt, là ngựa già, là ngựa gầy, là ngựa vằn, là trái cây (tr.221).
Với cách giải thích này, nghĩa câu thơ của Nguyễn Trãi hoàn toàn khác như những gì đã hiểu. Thử suy luận: Vì sao "vi lương mã, vi lão mã" xuất hiện trong ngữ cảnh này? Chỉ có thể do thời cổ đại, phương tiện di chuyển nhanh nhất, "hiện đại" nhất chỉ có thể là ngựa. "Ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc" (Tản Đà), hoặc thường nghe nói "bóng câu qua cửa sổ" nhằm chỉ sự việc vụt qua nhanh chóng, chóng vánh. Theo đó, hình ảnh con ngựa là nhằm chỉ về thời gian. Thời gian gắn với sự vận động "kiền vi thiên", của trời là cách nói quá tài tình của người xưa. Còn bà ngựa trong thơ Nguyễn Trãi thì thế nào? Sao không nói... ông ngựa như ta từng nghe ông cọp chẳng hạn? Yếu tố "bà" ở đây phải chăng là vết tích còn sót lại của chế độ mẫu hệ? Nếu thế, người Việt cổ gọi "bà ngựa" cũng là điều dễ hiểu. Câu thơ "Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn" có hàm nghĩa như ông Xuân Phúc đã giải thich không? Muốn kết luận phải tìm ra những câu thơ, văn khác của Nguyễn Trãi, cùng hoặc trước thế hệ với Ngyễn Trãi cho phép ta liên tưởng đến nghĩa bóng của nó. Bằng không "bà ngựa" cũng chỉ "bà ngựa". Tuy nhiên nếu xác định như ý kiến của ông Xuân Phúc thì rõ ràng câu thơ đa nghĩa hơn, có chiều sâu hơn.
Đôi khi ước gì được trò chuyện với những người giỏi, giỏi “chính hiệu con vàng”, qua đó, nếu có những thắc mắc mà nghe họ giảng giải thì cũng học được biết bao điều.
Đi làm thôi. Sáng nay, bún bò Huế hay phở? Lại phở.
L.M.Q
Từ trái qua phải: Đoàn Vị Thượng, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương (2012)
“Sao mấy hôm nay không có Nhật ký, hở anh?”. Biết trả lời thế nào? Chẳng trả lời gì. Viết cái gì? Viết thế nào? Tưởng dễ. Nhưng rồi, không dễ chút nào. Có những điều muốn viết “ra ngô ra khoai”, vậy mà, cuối cùng, chỉ một đôi dòng. Có “mắt xanh” thấu hiểu giữa một hai dòng chữ ấy, y gửi gắm điều gì? Cũng chẳng cần thiết. Đôi khi chính y tự hỏi, ủa, sao chuyện này, chuyện nọ lại không ghi nhận trong Nhật ký? Thế đấy. Có cảm nhận nhiều vấn đề mà ghi nhận là chuyện khác. Ghi nhận nhưng không bày tỏ quan điểm, thái độ cá nhân thì chẳng ra làm sao. Biết thế. Thôi thì, cứ thế. Cứ là những câu chuyện linh tinh lang tang trên trời dưới đất, đầu non cuối bể xa khuất chân mây…
Mấy hôm nay, đọc kỹ lại những thông tin về Joshua Wong - nhân vật thủ lĩnh xuất hiện trong cuộc biểu tình ở Hong Kong. Không nói ra nhưng tự đáy lòng y khâm phục quá. Khâm phục Joshua Wong là khâm phục một thế hệ tuổi trẻ chưa bị đầu độc. Cầu mong rằng, việc làm vừa qua xuất phát từ suy nghĩ của một thế hệ. Không bị giật dây. Không bị lợi dụng. Không là cừu non. Tuổi trẻ bất kỳ thời buổi nào cũng là miếng mồi ngon của sự lợi dụng. Có những người bạn già của y, đã từng vào tù ra khám vì lý do đấu tranh chính trị, biểu tình xuống đường... đôi khi than thở, đã đánh mất tuổi trẻ một cách vô nghĩa quá. Hỏi thêm, chỉ nghe tiếng thở dài...
Sáng qua, tìm đọc lại bài thơ Giọng Huế của mạ. Bài thơ của Đoàn Vị Thượng. Đọc xong, có cảm tình với người bạn đồng tuế, đồng nghiệp thêm một chút. Có những người bạn thân, bẳng đi thời gian dài, sực nhớ, mới giật mình nhận thấy đã lâu, lâu lắm rồi không có dịp ngồi cùng nhau. Đến một độ tuổi nào đó, con người ta chẳng thiết ra khỏi nhà nữa, bởi bạn bè cũ không còn mấy ai. Ngày kia, y hỏi: “Mẹ có về quê không?”. Bà cụ lắc đầu cho biết về “ngoài nớ” chẳng còn bầu bạn, anh chị em thì cũng đã chết cả rồi. Nghe nghèn nghẹn. Tuổi già của mỗi người khác. Nhưng chắc chắc sẽ là sự cô độc bởi có những tâm tình, những câu chuyện không thể chia sẻ với ai khác. Con cái đôi khi ngồi nghe, thì thầm nhưng rồi cũng chỉ trong chốc lát. Nó còn công việc mỗi ngày, đời sống riêng, những bận rộn, lo toan... Thích bài thơ của Đoàn Vị Thượng ở chỗ, dù xa quê, lưu lạc phương trời nào thì người mẹ vẫn còn giữ được giọng nói quê kiểng:
Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gì trong
Bao cay đắng pha vào chưa đục được
Sông Hương chảy xuôi dòng, Mạ có thời chảy ngược
Vào miền Nam trắc trở đến giờ
Có phải vậy, Mạ chóng già hơn trước
Mà dòng sông thì vẫn cứ trẻ thơ
Dẫu gì sông cũng có đôi bờ
Trong khi Mạ nổi trôi vào Chu Lai, Quảng Ngãi
Mạ trôi tít vào miền Nam xa ngái
Giọng nói có là bờ để giữ Mạ được đâu
Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu
Va chạm đủ các âm thanh xa lạ
Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau
Để giữ lại chút gì đừng tan rã
“Chút gì” là chút gì? Có phải là ngữ âm, lời ăn tiếng nói của quê mẹ đấy không? Chắc chắn là thế. Hơn cả thế, giọng nói của người mẹ đã trở thành biểu tượng của nguồn cội. Có những người, dù gặp nhau lần thứ nhất, tự nhiên có cảm tình, đơn giản chỉ vì nghe được âm vang hơi thở của cỏ nội hương đồng quen thuộc của thuở ấu thời. Nghe thương thương. Nghe nhơ nhớ những người thân yêu ở quê nhà và chính mình từng thể hiện giọng nói sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng ấy cũng rất “nhà quê”. Quái lạ, có những người chỉ xa quê một thời gia ngắn nhưng lại hoàn toàn đổi giọng theo vùng đất mình đang sinh sống? Để làm gì? Chẳng hiểu nữa. Thích giọng nói người cùng quê là một lẽ nhưng y quyết liệt chống lại cái gọi là hội đồng hương, tình đồng hương. Vô lý quá, cả một dân tộc thống nhất từ Nam chí Bắc, Nam bắc một nhà, hà cớ gì phải phân biệt vùng này miền nọ?
Có lẽ do vết hằn đớn đau của từ thời Thập nhị sứ quân? Từ sự chia cắt đất nước chăng? Những tên gọi Đàng Trong, Đàng Ngoài; Nam Hà, Bắc Hà; miền Nam, miền Bắc của một giai đoạn thăng trầm lịch sử da vàng máu đỏ đã gắn chặt trong máu thịt của người Việt rồi chăng? Lật lại sử một chút: Từ ngày 17.10.1887, Tổng thống Pháp ký Sắc lệnh Thành lập Liên bang Đông Dương, gồm: Cao Miên, Việt Nam bị chia thành 3 “xứ”: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Theo đó, Nam Kỳ là “xứ thuộc địa”; Trung Kỳ, Bắc Kỳ là “xứ bảo hộ”. Rồi ngày 19.4.1899, Lào cũng bị sát nhập vào Liên bang Đông Dương. Sự chia cắt nước Việt thành 3 "xứ" đã liền da liền thịt, nhưng rồi sự cát cứ vùng miền vẫn còn tồn tại từ trong suy nghĩ của những ai chăng?
Có những bậc hào kiệt đã đứng ngoài suy nghĩ hạn hẹp đó. Chẳng hạn tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong bộ biên tập có Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Trần Đình Phiên, Nguyễn Xương Thái, Lê Nhiếp, Vương Đình Quang… Có thể thấy ê kíp làm việc của các cụ là đồng chí - cùng chí hướng chứ không chỉ do đồng hương. Phải vượt ra khỏi cái suy nghĩ hạn hẹp của cái gọi là hội đồng hương. Nó chẳng khác gì lũy tre làng vây kín cả tầm nhìn. Mà quả thật đã có những con người sinh ra, dù bất kỳ vùng miền nào nhưng tự họ đã thoát khỏi phạm vi địa lý cụ thể. Lại có những con người dù không cùng quê quán nhưng rồi, y lại ngưỡng mộ, cảm thấy thân thiết như người đã cùng chung một làng, chung cây đa, chung bến nước...
Tại sao? Bởi họ biết làm việc nghĩa.
Làm việc nghĩa khó lắm. Phải biết quên mình đi. Thấy việc đó cần làm là tự nguyện làm chứ không vì lý do gì khác. Thế nhưng, đời sau lại ít ai nhắc nhở, nhớ đến bởi hình ảnh họ quá nhỏ bé, bình thường như hằng triệu con người bình thường khác. Một xã hội lành mạnh bao giờ cũng cần những con người bình thường ấy. Nói như thế vẫn chưa đủ. Ước mong là ảo tưởng. Cần phải có một “cơ chế” giáo dục, một thể chế chính trị, một môi trường văn hóa như thế nào để hình thành và phát huy tính cách ấy? Do đâu, tính cách như Tú tài Nguyễn Khắc Doanh (Tú Khắc) hình thành? Nhắc đến cụ Phan Bội Châu, nay mấy ai nhớ đến Tú Khắc người Nam Định? Lúc Pháp xử án cụ Phan tại Hà Nội, chính ông đã làm náo động cả phiên tòa khi cả gan chạy ù lên đưa đơn xin chịu án chết cho cụ Phan. Hành động này gàn ư? Chẳng phải đâu, một hành động nghĩa hiệp xứng đáng ca ngợi lắm chứ. Đêm qua, nằm đọc lại tập Những người bạn cố đô Huế, biết thêm chi tiết này, lâu nay chẳng thấy ai chép. Sau một thời gian dài bị quân Tây Sơn bao vây, lương thực đã cạn, binh sĩ mỏi mệt nản chí nên Võ Tánh quyết định đầu hàng. Võ Tánh hơn người ở chỗ, ông tự chọn cách kết thúc đời mình thật oanh liệt. Tuy nhiên còn có chi tiết này nữa, khi ngọn lửa đỏ rực một góc thành Bình Định, quan Tổng binh Nguyễn Tấn Huyên đã lao vào dàn thiêu la to lên: “Quan tướng, tôi muốn đi theo ngài”. Do đâu, tính cách như Nguyễn Tấn Huyên hình thành? Thời buổi này còn có những con người bình thường mà nghĩa hiệp ấy không?
Suy nghĩ ắt có câu trả lời.
Lại nghĩ, cuộc đời luôn cần những con người nghĩa hiệp. Nếu không có tâm lực, hành động quên mình của cử nhân Dương Bá Cung thì liệu thơ văn Nguyễn Trãi có còn được biết đến như ngày nay? Sau khi Nguyễn Trãi được minh oan, ông Cung dành cả cuộc đời đi Nam về Bắc sưu tập, nhặt nhạnh lại toàn bộ thơ văn của Ức Trai còn sót lại. Nhờ vậy, tác phẩm của một thiên tài đất Việt mới còn lưu hành đến nay. Đóng góp ấy, to lớn quá đi chứ? Rồi khi nhắc đến ông Vương Đình Quang - một cộng sự thân tín bên cụ Huỳnh thời cùng làm Tiếng Dân, nay chắc ít ai biết. Lúc về già, ông Quang hoàn toàn có điều kiện “đánh bóng” tuổi tên mình qua các trang hồi ký chẳng hạn, nhưng không, tài sản quý nhất đời ông vẫn là tập sách nhằm giúp đời sau có thể hiểu thêm về cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Thời buổi này còn có những con người bình thường mà nghĩa hiệp ấy không?
Suy nghĩ ắt có câu trả lời.
Nhân đây nói luôn mà chẳng ngại lạc đề. Lạc thì lạc. Cũng chẳng sao. Theo ông Quang, hằng ngày cụ Huỳnh ăn uống rất kham khổ, đạm bạc nên nhiều người khuyên cụ không việc gì phải thế, nhất là lúc cụ đang điều hành tờ báo lớn nhất Trung Kỳ. Có ai biết, nghe những lời can ngăn ấy, cụ Huỳnh trả lời thế nào? “Ăn thế này còn sang hơn thời ở tù Côn Đảo nhiều lắm”. Một câu trả lời rất đúng tính cách gàn bướng của người Quảng Nam. Viết đến đây, lại nhớ đến mẹ dù mẹ đang ở dưới nhà đó thôi. Nhớ bởi thèm nghe giọng nói của mẹ:
Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu
Va chạm đủ các âm thanh xa lạ
Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau
Để giữ lại chút gì đừng tan rã
Còn lũ chúng ta, mỗi ngày mấy lần thay lưỡi? Đã chiều. Ngoài trời vẫn lắt rắt mưa. Tiếng kinh bên chùa vọng sang trầm buồn như mỗi chiều lặng lẽ…
L.M.Q
"Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời..." (P.D)
Khi không thể nói thành lời, hãy viết. Bằng không, chỉ là những con chữ khô khan, không hồn vía lần lượt xếp hàng theo đường ngang lối dọc, tự nó chẳng hề bừng lên một sức sống nào. Tự nó, đã nhàn nhạt. Tự nó, nhạt hơn nước ốc. Tự nó, đã là những câu văn không cảm xúc. Y dặn dò y mỗi ngày. Nhưng rồi lại viết. Lại đọc. Sợ nhất vẫn là đọc, nghe những câu văn trong bài diễn văn bởi chỉ cần thay đổi thời gian cụ thể là có thể sử dụng được nhiều lần. Sử dụng lần này, lần sau, lần nữa cũng thế thôi. Không có một thông tin gì mới.
Ừ, không thể nói, hãy viết. Nếu không viết, hãy nói chăng? Cứ cho là thế, nhưng nếu không thể nói, không thể thốt thành lời thì sao? Chị Nhất Chi Mai đã tìm được lối thoát: “Sống, mình không thể nói / Chết, mới được ra lời”! Một trong những câu Tâm thư của chị Mai để lại đời sau, nào ngờ, có ca từ của Phạm Duy: “Tôi yêu đất nước tôi, từ khi mới ra đời”. Cái chết của chị không chỉ giới Phật tử mà ngay cả người Công giáo cũng ngậm ngùi rơi lệ. Ngọn lửa tự thiêu của chị đã tượng hình Bồ câu trắng. Nhìn di ảnh chị Mai nền nã trong áo dài trắng lại thấy hiện lên chân dung Đức Mẹ. Một trong những bài thơ viết về đất nước hay nhất, xếp đầu bảng phải kể đến Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao. Đọc từng đoạn, từng câu là xốn xang trong lòng:
tôi yêu đất nước này cay đắng
những đêm dài thắp đuốc đi đêm
quen thân rồi không ai còn nhớ tên
dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
áo mồ hôi những buổi chợ về
đời cúi thấp
giành từng lon gạo mốc
từng cọng rau, hột muối
vui sao khi còn bữa đói bữa no
mẹ thương con nên cách trở sông đò
hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
đêm nào mẹ cũng khóc
đêm nào mẹ cũng khấn thầm
mong con khôn lớn cất mặt với đời
tôi yêu đất nước này khôn nguôi
tôi yêu mẹ tôi áo rách
Nhũng câu thơ buồn như nhang tàn thắp khuya. Ngọn khói tỏa lên lặng lẽ. Tưởng chừng như ngọn khói ấy vẫn lẫn quẫn đâu đó trong ký ức, không thể bay đi mà nằng nặng trĩu xuống linh hồn. Thi sĩ Phạm Hầu mất lúc mới ngoài đôi mươi có viết câu thơ ám ảnh dị thường: “Chân em trắng mà lòng anh lạnh”. Đọc những câu thơ của Trần Vàng Sao, có ai nghĩ, đất nước đẹp mà phận người buồn quá?
tôi yêu đất nước này rau cháo
bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
áo đứt nút qua cầu gió bay
tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
tôi yêu đất nước này lầm than
mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
ăn rau rìu, rau éo, rau trai
nuôi lớn người từ ngày mở đất
bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng
Những câu thơ này được viết từ tâm thức “thi sĩ thứ thiệt”. Vài năm trước, ra Huế giao lưu với anh em làm thơ nhân phát hành tập Thơ tình xứ Huế, tối đó, ngồi cạnh Trần Vàng Sao nghe anh kể chuyện đời. Chua xót và cay đắng. Lúc đó, dù đã hom hem, lọm khọm, móm mém nhưng anh vẫn còn phải đi đạp, hút thuốc lá rẻ tiền vì nghèo. Anh cho biết đã có thể kiếm sống bằng cách vẽ tranh Bồ Đề Đạt Ma. Vẽ bằng mực Tàu trên giấy dó. Anh vẽ rất đẹp. Y đã mua một bức kỷ niệm. Lặng lẽ nhét tiền vào túi quần rỗng của anh, chỉ nói nhỏ: “Anh giữ lấy đi, anh em mà, đừng ngại”. Rồi tiếp tục cụng ly. Rồi bia bọt. Rồi lan man chuyện thơ. Rồi giật mình khi thấy pháo hoa rợp trời báo hiệu khai mạc Lễ hội Festival Huế. Lúc ấy, y nghĩ rằng, nếu muốn nhìn rõ, tìm lại suy nghĩ, cảm xúc của một thế hệ thanh niên thời chiến tranh, thời đất nước chia cắt, có lẽ ngoài Nhật ký Đặng Thùy Trâm, ngoài những gì đã in, đã tuyên tuyền còn phải kể đến Hồi ký Trần Vàng Sao và Nhật ký Tiếng vạc trong sương của Thiếu Úy Nam (đã đăng từng kỳ trên tạp chí Đối Diện). Mỗi người một thế đứng, một góc nhìn mà qua đó có thể khắc họa rõ nét hơn, chính xác hơn chân dung một thế hệ.
Hôm qua đã viết vài chi tiết về sản phẩm hàng hiệu Hermes: “Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 140.000 USD, và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ”! Tính nhẫm ra tiền Việt, số tiền này bao nhiêu? Ai là người có thể bỏ tiền ra mua?
Sở dĩ hỏi thế, bởi trưa nay nằm đọc vài tờ báo, chợt choáng với cái tít: “Đau xót chưa, thời nay còn cảnh “Chị Dậu” vật vã khóc con chết đói” (ấn phẩm Công lý trái tim của báo Đời sống pháp luật số 40 ngày 30.9-6.10.2014). Đó là câu chuyện của bé Nhung 10 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Đức Bồng, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh do bị cái đói cộng với bệnh tim đã khiến em ngã xuống sông tử nạn trên đường đi học về. Câu chuyện này lạ lùng quá. Lạ lùng như thế trước đây, y đã ghi nhận trong Nhật ký 30.8.2014, chị Mỹ Nhân - ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau tự tử chết vì nghèo với suy nghĩ lạ lùng: “mọi người đến phúng điếu mới có tiền đóng học phí cho con, giảm gánh nặng cho chồng”. Lạ lùng hơn với cái chết của bé Nhung là ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Bồng thừa nhận trên báo Pháp luật TP.HCM sáng nay: “Cả xã Đức Bồng có 144 hộ nghèo. Gia đình anh Vân (tức gia đình bé Nhung) cũng rất khó khăn, xã có sơ suất là đưa gia đình này thoát nghèo để lên hộ cận nghèo. Giờ muốn hay không muốn thì lần sau (tức năm 2015) sẽ đưa gia đình anh Vân vào diện hộ nghèo”.
Đôi khi tự hỏi, những câu thơ của một đất nước có quyền tự hào “bước ra ngõ gặp nhà thơ” đang đứng ở đâu trong cõi nhân sinh?
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao
Nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu mà lòng y thấy thẹn.
L.M.Q
Lâu nay nghe nói rằng, người Việt thông minh, sáng tạo, khéo tay… Nếu quan sát những mặt hàng lưu niệm hiện đang bày bán tại nhà sách, khu du lịch giải trí thì có lẽ phải thay đổi suy nghĩ ấy. Các mặt hàng ấy nghèo nàn, đơn giản và hầu như không có một chút hấp dẫn nào khiến du khách phải bỏ tiền ra mua. Quanh đi quẩn lại cũng vài cái nón lá, tranh sơn mài mai lan cúc trúc, thú nhồi bông, búp bê, kẹp tóc, tranh thêu, đan lát… Vào Nam ra Bắc hàng lưu niệm cũng giống y chang nhau, chẳng hề có bản sắc riêng của từng vùng miền. Vì thế mới có người vừa hỏi y, sắp chia tay với người bạn nước ngoài thì nên tặng món quà lưu niệm gì? Tặng món quà nào mà theo y tiêu biểu cho tính chất văn hóa người Việt?
Thế đấy, đôi khi bạn bè lại hỏi những câu hỏi khó rồi lại mất thời gian tìm hiểu. Cũng có lúc đang đi ngoài đường, bỗng điện thoại réo rắt bên tai, tưởng ai đó rủ đi nhậu, mừng quá nên vồn vã nghe máy: “Anh ơi! Thành ngữ có câu “dùi đục chấm mắm cáy” nghĩa là gì?”. Trả lời luôn ư? Không thể cẩu thả, phải tra cứ sách vở cho chính xác. “À, phải nói “bầu dục chấm mắm cáy” mới đúng”. “Thế mằm cáy là gì?” v.v… Rồi hôm nọ, phổ xong bài thơ của y, nhạc sĩ Vũ Hoàng gọi diện thoại hát cho nghe thử, hát xong anh bảo: “Q ơi! Câu thơ có chữ “nhọn hoắt” vậy c hay t?”. Thế là từ chuyện âm nhạc lại chuyển sang bàn về chính tả. Cũng như sáng nay, đang bàn về chuyện thời sự linh tinh tự dưng phải gánh thêm câu hỏi tặng quà lưu niệm gì? Phải trả lời ra làm sao?
Trưa nay, nằm đọc lại quyển Lãng du trong văn hóa Việt Nam của cụ Hữu Ngọc, may ra có tìm được gợi ý nào xác đáng không? May quá, có rồi. Theo cụ: “Tôi đã thử nhiều lần tặng khách Âu - Mỹ một đồ rất rẻ, giá trị vài nghìn, bán ở vỉa hè: chiếc điếu cày của nông dân bằng tre. Để cho món quà nhuốm tính chất văn hóa, ta hãy viết bằng mực đen lên ống tre mấy chữ Nôm: “Thân tặng ông (bà) X (viết tên chữ Latinh) để nhớ Hà Nội, 1996”. Khi đưa tặng, có thể thỏa mãn sự tò mò của khách: Thế nào là chữ Nôm? Hút điếu cày thế nào? Tập quán hút điếu cày trong văn hóa Việt Nam? Tốt nhất là cùng với điếu cày, tặng thêm bản đánh máy (bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp) giải thích đại loại như sau:
Nhớ ai như nhớ điếu cày
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”
Đọc xong gợi ý này, tự dưng cảm thấy chính y hay cụ Hữu Ngọc lẩm cẩm? Trong lúc cả thế giới đang ngày càng có xu hướng hạn chế thuốc lá bởi sự tác hại của nó, thậm chí bao bì các loại thuốc lá hiện nay đã in hình ảnh rợn tóc gáy kèm theo dòng chữ: “Hút thuốc có thể dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn”, vậy thì, việc tặng điếu cày có phải thể hiện sự văn minh không? Chắc là không. Biết đâu khi tặng, có người còn không thèm nhận vì không muốn con cái họ phải nhìn thấy cái thứ có thể gợi lên cảm giác thèm thuốc lá ngay trong nhà. Văn hóa của thời mỗi khác và tự nó cũng phải sàng lọc, thay đổi.
Đọc Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, biết rằng một trong cái thú chơi sang hào hứng nhất của bọn quan lại giàu sụ hợm hĩnh thời Lê - Trịnh vẫn là cây cảnh. Bỏ ra khối tìm tiền, thuê người lên rừng lên rú đào tận gốc cây cổ thụ kia, tỉa tót thẩm mỹ cẩn thận rồi trồng lại ở vườn nhà. Thậm chí: "Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khướu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để dậm dọa lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phải phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập núi non bộ hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ. Nhà ta (Phạm Đình Hổ) ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy". Chơi thế mới là sang. Lấy thế mới làm thú. Nửa cuối thế kỷ XX, lại có thú chơi là chưng bày vài cái ngà voi, treo vài cái đầu thú rừng trên tường nhà, cỡ như sừng tê giác lại càng oách! Những thú chơi nhằm đạt đến đẳng cấp trưởng giả trước kia là vậy; hoặc tệ hơn thì ít ra nơi đẹp đẽ nhất trong nhà phải chưng cái tủ rượu Tây, ai cũng thấy sang, thấy đẹp. Nhưng ngày nay chắc chắn chẳng ai đồng tình, chẳng ai thấy nó biểu hiện cho cái đẹp nữa. Đẹp cái quái gì khi cây cối trên rừng nhằm ngăn lũ lụt bị chặt phá vô tội vạ; các con thú thuộc loại quý hiếm lại bị săn bắn bừa bãi? Nói thì nói thế, ai muốn chơi gì thì mặc họ. Có điều cái thú chơi ấy trong quan niệm ngày nay đã khác trước.
Vậy thú chơi nhằm phô trương sự giàu có hiện nay là gì? Là trước nhà phải chưng vài con sư tử Trung Quốc trông gớm ghiếc chăng? hay nuôi "thú cưng" tính bằng tiền đô mà dân nghèo mửa máu dẫu sống ngàn đời cũng không sờ được vào cái lông của nó? Chuyện vặt. Trên báo TT, anh bạn nhà báo Huy Thọ có viết bài báo Khi Hermes vẫn tươi cười ở Việt Nam, có đoạn: "Cách đây không lâu, một cô người mẫu nổi tiếng của VN kể cho nghe một chuyện như thế này: cửa hàng Hermes ở Hà Nội nhập về mười bộ túi xách thời trang mới nhất. Mỗi bộ gồm bốn chiếc mang bốn màu khác nhau. Giá của một bộ bốn chiếc túi này là 140.000 USD, và người ta chỉ bán bộ chứ không bán lẻ! Nghe đến đấy đã vội trợn tròn mắt hỏi cô người mẫu là mười bộ túi xách ấy chắc chỉ để trưng, chứ ai mua nổi? Cô người mẫu cười cho biết: “Loáng một cái là hết sạch. Nhiều người còn trách móc tay quản lý cửa hàng là sao không để dành cho mình. Hermes không bao giờ sản xuất với số lượng nhiều. Mười bộ túi xách cho thị trường VN là một sự ưu ái lớn, nên quản lý cửa hàng này chảnh lắm”. Trời ạ, mười bộ túi xách trị giá 1,4 triệu USD (tương đương 29 tỉ đồng VN) bán vèo một cái là hết! Nghe cứ tưởng như chuyện đùa. Nhưng đó là thông tin đáng tin, và chính ông chủ tịch của Hermes đã nói với giới báo chí rằng: Hermes tại VN vẫn tăng trưởng đều từ 20-30% trong những năm qua! Chúng tôi hỏi tiếp cô người mẫu nổi tiếng rằng ai mua những chiếc túi xách ấy? Có lẽ chính các cô chứ ai? Cô ấy cười và trả lời: ”Bọn em làm gì dám rớ tới, chỉ đến và nhìn thôi. Cho dù có cặp bồ với đại gia cũng chẳng có ai dám mua tặng”. Vậy thì ai mua? “Các phu nhân với các tiểu thư thôi”, cô người mẫu trả lời" (TT 21.10.212/ http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20121021/khi-hermes-van-tuoi-cuoi-o-viet-nam/517004.html).
Mấy hôm nay, mỗi chiều lại mưa. Không vui cũng không buồn. Đêm đêm đọc lại Duyệt vị thảo đường bút ký của Kỉ Quân (Kỷ Hiếu Lam), Tử bất ngữ của Viên Mai và Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Đọc xen kẽ, hứng đâu đọc đó. Đọc những chuyện ma quỷ, hư thực, huyền ảo mơ hồ chẳng biết đâu là thật, đâu là giả cũng là điều lý thú. Mỗi mẩu chuyện không dài, chỉ chừng dăm trang. Đọc, dễ ngủ. Chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều:
Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi!
Dàn d¬ưa lún phún hạt mưa rơi,
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe mưa đọc mấy lời!
Đó là tứ tuyệt của Vương Ngư Dương đề từ Liêu trai chí dị, Tản Đà dịch. Đọc lai rai lai vài quyển sách trên và nhận xét rằng, Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh vẫn xếp hàng thứ nhất. Chưa ai có thể vượt qua . Đêm qua, bên cạnh chuyện ma quái kỳ dị, mượn chuyện ma để nói chuyện đời, có đọc mẩu chuyện này, đại khái, có chàng Phó Hiền nọ rất mê đọc sách, cả ngày chỉ cắm mắt chúi đầu vào sách, làm theo sách. Ngày nọ, anh ta đi tìm người bạn, tìm gặp rồi vẫn đứng yên thong dong thở ra thở vào một hồi đến nổi người bạn sốt ruột hỏi:
- Anh tìm tôi có việc gì thế? Nói đi xem nào?
Anh ta mới thong thả:
- Tiểu đệ vừa trông thấy chị vợ nhà huynh đang ngồi thêu ở gốc cổ thụ, cạnh cái giếng. Có lẽ do mệt quá nên chị ngủ quên hay sao ấy. Đúa con trai nhỏ nhà huynh chơi ngay bên cạnh giếng, chỉ cách miệng giếng chừng một mét, thật là đáng sợ. Nhưng tiểu đệ nghĩ đến câu “nam nữ hữu biệt” bên không tiện đến đánh thức chị vợ của huynh. Cho nên báo cho huynh biết.
Người bạn nghe hoảng hồn, vội vã ba chân bốn cẳng chạy tới nơi thì than ôi đã nghe tiếng vợ khóc gào thảm thiết. Kỉ Quân bình: “Ham mê đọc sách vốn là chuyện tốt lành, nhưng đọc sách mà không hiểu thấu đạo lý, nghĩa lý nói trong sách, vận dụng một cách hợp tình hợp lý những điều trong sách vở vào cuộc sống thực tế, thì thật là tai hại. Hơn nữa trường hợp như trên đây của Phó Hiền, thì không đọc sách còn đỡ mang đến tai họa. Có bao nhiêu người đọc sách, có bao nhiêu học giả giống Phó Hiền trên đời này từ khi có sách vở chữ nghĩa?”.
Câu hỏi ấy vẫn còn tính thời sự chăng?
Có lẽ nên kể lại thân phận của Kỉ Quân bởi bạn đọc Việt Nam ít nghe nhắc đến nhà văn này. Ngày nọ, vua Càn Long đến Tứ khố toàn thư quán, có trò chuyện với Kỉ Quân. Đôi bên trò chuyện tâm đắc. Kỉ Quân bèn đem chuyện xưa tích cũ, dẫn chứng từ thời Tam đại, Tần Thủy Hoàng… khuyên rằng: “Hoàng đế, cốt yếu là ở việc giữ cho thần trí trong sạch, dùng người hiền, trừ kẻ bất tiếu thì rồi thiên hạ sẽ đại trị, không việc gì phải tuần thú”. Lời khuyên này cũng có lý bởi mỗi chuyến đi của nhà vua tốn kém vô kể, khổ sở dân tình phục dịch v.v… Nghe xong, nhà vua nổi giận, mắng: “Mi bất quá chỉ là thằng học trò mà dám vọng ngữ chuyện quốc gia đại sự”. Đâu riêng gì ở Trung Quốc, sực nhớ, cụ Phạm Phú Thứ có lần thấy vua Tự Đức ham vui chơi, lơ là việc triều chính nên cụ dâng sớ can gián, đọc xong, nhà vua tức giận cách chức và tống giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Câu mắng của Càn Long và hành động của vua Tự Đức, ngẫm nghĩ lại vẫn còn có tính thời sự chăng?
L.M.Q
Chiều. Ngoài trời mưa rỉ rả. Thèm đi xuống phố. Ngồi ở phía lan can tầng 1 của một nhà hàng trên đường Đồng Khởi. Uống một cái gì. Nói một cái gì. Nhìn một cái gì. Nghe một cái gì. Ngày chủ nhật. Ở nhà, không một tiếng nói. Sáng, ngồi gõ bàn phím như mọi ngày. Chiều, mưa. Chẳng lẽ cứ ngồi đối diện với màn hình? Biết thế nào được. Trang nhật ký lại mở ra. Viết gì? Chẳng lẽ lại bàn chuyện thời sự mỗi ngày? Chẳng lẽ, lại khai thác lấy tâm trạng của chính mình? Chẳng lẽ, lúc nào cũng chạy theo những bài báo kiếm cơm? Chẳng lẽ, lại đọc sách rồi lại suy ngẫm đôi điều gì đó? Chán. Đôi khi con người ta chán lấy chính mình bởi đời sống nhạt nhẽo quá, tầm thường quá, bình lặng quá. Từng ngày, mỗi ngày đã lập trình từ Chủ nhật đến thứ Hai? Cứ thế, bước tới. Không thay đổi. Không chệch hướng. Vậy y có niềm vui gì khác không? Biết thế nào vui, thế nào buồn?
Đôi khi muốn thu xếp mọi công việc lang thang đâu đó nhưng rồi lại ngại. Ngại ra khỏi nhà. Ngại va chạm đám đông. Cứ như thế, như một con ốc nằm sâu trong vỏ. Chẳng tiếp nhận lấy hơi thở của đời, nhịp điệu của đời đang diễn ra vậy thì viết cái gì? Không viết được thì nói. Có nhiều người nói quá nhiều trên bàn nhậu, trên diễn đàn. Nói ròng rã từ ngày này qua tháng nọ rồi đến một lúc chẳng thể viết được nữa. Nói hào hứng nhất vẫn là lúc đang say, trong đầu lóe sáng biết bao ý tưởng cần phải viết, than ôi, lúc tỉnh táo lại quên ráo trọi. Y cũng thế thôi.
Ngày kia, đọc bài 1.001 kiểu PR sách trên báo PN, thích câu phát biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Sứ mệnh của nhà văn là trên bàn viết chứ không phải là liên tục xuất hiện và nói trước công chúng”. Trên bàn viết của y có gì? Y chẳng biết nữa. Chỉ biết mỗi ngày, y vẫn như gã nông dân cày sâu cuốc bẫm trên thửa ruộng của chính mình. Sẽ gặt về mùa vàng? Sẽ đem về như hạt thóc lép? Sẽ không có gì ngoài ngọn gió hư vô thổi rênh qua ngày tháng? Chẳng biết nữa. Như một kẻ lữ hành trên sa mạc, thôi thì, cứ đi. Đi mãi cũng chán. Viết mãi cũng chán. Chỉ có yêu. Tình yêu như ngọn lửa sẽ không tắt bởi sự chán chường, ngao ngán chăng?
Tối qua, ngồi với anh bạn nhà thơ từ Hà Nội vào. Có thông tin anh sẽ làm Tổng biên tập tờ báo nọ. Có đúng vậy chăng? Anh cười và bảo, tôi thích câu nói của một thi sĩ Nga, đại khái có 4 chữ B, tạm dịch sang tiếng Việt: "Nếu một người bất tài, bệnh thập tử nhất sinh, nghèo đói, vợ / bồ xấu xí thì chẳng ai thèm ganh tỵ, ganh ghét cả". Ngẫm lại, thấy đúng. Sáng nay, dù đã gần hơn 11g30 nhưng vẫn rời nhà ghé đến quán phở bà Dậu. Y chính hiệu người Việt gốc phở. Có thể ăn phở trừ cơm, từ ngày này qua tháng nọ. Người Việt thích phở nhưng hầu như chưa có bài thơ nào tuyệt hay viết về phở, trừ bài Phở đức tụng của Tú Mỡ. Sáng ngồi ăn phở và đọc báo. Ngồi ăn một mình mới có cái thú đó, khỏi phải trò chuyện với ai. Cũng là cái thú. Sáng nay, ăn phở và ghi nhận vài thời sự từ báo TN:
+ Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm, đến cuối tháng 8.2014, cả nước có gần 185.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Ba năm trở lại đây, số người nghiện đều tăng qua các năm. Năm 2011 là 158.414 người; năm 2012: 172.000 (tăng 8,57%); năm 2013: 181.396 người (tăng 5,46%); 8 tháng đầu năm 2014, tăng 0,8%. Trong số người nghiện có 96% nam giới, 50% ở độ tuổi 16 - 30, 0,02% dưới 16 tuổi. Tất cả các tỉnh, TP đều có người nghiện; gần 90% quận, huyện và khoảng 60% xã phường, thị trấn đã có người nghiện ma túy.Còn theo số liệu mới nhất được Bộ Công an khảo sát trên toàn quốc, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 204.377. Số có việc làm không ổn định là 41%, không việc làm 44%. Thành phần nghiện hút nhiều nhất là nông dân 49,57%, các thành phần tiểu thương, ngành nghề khác 42,8%, công nhân 6,71%. Cả nước có 142 trung tâm cai nghiện và mới chỉ quản lý 32.200 người".
+ "Ngày 27.9.2014, Viện Âm nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia VN phối hợp Sở VH-TT-DL Bình Định tổ chức hội thảo khoa học Nghệ thuật bài chòi miền Trung VN, hiện trạng và vấn đề bảo tồn. Đây là hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung VN” trình UNESCO, đề nghị ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại hội thảo, PGS-TS Từ Thị Loan, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia VN và nhiều đại biểu khác cho rằng bài chòi xuất hiện chính xác lúc nào, cái nôi của nó ở đâu rất khó xác định. Tuy nhiên, có thể khẳng định bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian ra đời, phát triển tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ thế kỷ 19 - 20. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên chỉ đạo Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật bài chòi dân gian cần tích cực triển khai các công tác liên quan đến việc lập hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung VN” và phải hoàn thành, nộp lên Bộ VH-TT-DL vào cuối tháng 12.2014".
+ "Sáng 27.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và thảo luận về dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) sau năm 2015. Về số tiền phục vụ Đề án đổi mới sách giáo khoa, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề có nên đưa vào nghị quyết gần 800 tỉ đồng không, hay chỉ phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt. “Ta chốt 800 tỉ đồng sau này thành vài ngàn tỉ đồng thì tính sao? Từ hơn 30.000 tỉ đồng xuống còn 800 tỉ đồng. Tôi sợ quá. Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hằng năm Chính phủ duyệt để làm”, Chủ tịch QH đề xuất".
Lúc đọc báo, nếu thấy vài thông tin đáng chú ý thì nên ghi lại. Ghi lại, bởi nhật ký của một người chẳng có ý nghĩa gì nếu nó đứng ngoài mép rìa của thời sự đang diễn ra. Hơn nữa, ghi lại để sau này, đọc lại Nhật ký có thể hình dung ra ký ức của một thời. Nhà văn Nam Cao có viết Nhật ký ở rừng, tiếc là ông mất sớm quá. Đọc lại, có thể hình ra ra một giai đoạn của tình dân quân những năm 1947. Đọc lại gặp nhiều chi tiết thú vị, chẳng hạn:
“Cơm xong, cả bọn lăn quay ra đất, chung quanh bếp lửa. Ông già nhường cái giường độc nhất của nhà ông cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không chịu nhận. Ông già bèn lẳng lặng đi lấy củi chất thêm vào bếp, lại đốt thêm một đống lửa nữa ở phía ngoài. Ấm cúng chán rồi. Hơi khói át hết cả những mùi xú uế đi. Vì vậy, tuy rải cái áo đi mưa nằm ngay dưới đất, đắp sơ sài bằng chiếc áo vét-tông, đầu ghé ngay gần cái chuồng gà, tôi vẫn ngủ ngon lành lắm. Luôn mấy đêm lạnh và chập chờn rồi. Lại đến cả ngày lên dốc, ba-lô, bị gạo nặng ê vai. Nằm một lúc, ngủ ngay. Nửa đêm, tỉnh dậy vẫn thấy lửa cháy đều. Bên đống lửa, một thiếu phụ ngồi. Người đàn bà còn xuân mà lúc mới đến chúng tôi đoán là vợ kế ông già. Nhà chỉ có hai người, một đàn ông, một đàn bà, thì tất nhiên là vợ với chồng. Nhưng hai tuổi chênh lệch nhau một cách đáng băn khoăn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau đôi ý chế nhạo. Lúc đi ngủ, tôi thấy ông già vào buồng, còn người thiếu phụ nằm còng queo một mình ở trên giường. Lửa xa mà chăn chiếu cũng không. Bây giờ người đàn bà lại ngồi đây. Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt trái xoan điểm một cái miệng nhỏ rất thanh và đôi mắt lá răm hơi xếch. Người ta nghĩ đến những nàng công chúa Đông phương, đẹp lặng lẽ và bí mật. Đêm khuya vắng lặng, giữa những người mệt ngủ ngáy khò khò người đàn bà thức một mình, ngồi coi đống lửa. Lạnh quá không ngủ được hay là ý muốn săn sóc đến giấc ngủ ấm áp của những người khách lạ? Lửa chập chờn. Ánh lửa đỏ vờn nhau với những miếng tối lung linh. Tôi thấy buồn, nhơ nhớ, chẳng hiểu nhớ ai và buồn vì sao”.
Đọc đoạn văn này, lúc nào y cũng gợi nhớ về năm 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, vào bộ đội. Y thương lấy tuổi trẻ của y lắm. Lúc đó, đơn vị chuyển lên xa xít tận Dak Lak, gần biên giới K. Bộ đội đóng quân ngay trong buôn làng, sinh hoạt chung với người dân tộc. Có một lần, chỉ một lần, nửa khuya đổi phiên gác. Trời rét căm căm. Gió thổi rít từng cơn. Rừng tối đen. Lạnh lẽo buốt xương. Lúc đứng gác, nhìn thấy nơi nào có ánh lửa là đi đến đó. Y đến đó và lặng lẽ nhìn qua phên vách nứa. Nhìn thấy bên trong nhà có thiếu nữ đang xoan đang giã gạo giữa khuya tĩnh mịch. Ánh lửa ấm cháy sáng bập bùng. Cô chỉ vận xà rông, hai bầu vú thổn thển căng tròn đang nhịp nhàng theo nhịp chày. Đêm đã khuya. Cô hoàn toàn không biết phía bên ngoài có người lính trẻ đang căng mắt quan sát từng động tác. Chao ơi, 18 tuổi đã xa lắc xa lơ muôn trùng nhưng rồi hình ảnh ấy như một thứ ánh sáng thơ dại kỳ diệu vẫn ám ảnh mãi… Rồi sau này, y đã viết những câu thơ tặng tuổi trẻ của mình:
trang nhật ký những câu thơ muộn phiền ủ dột
ám ảnh em ngày tháng tươi xanh
bước chân hành quân
mơ con đường không mìn vướng dưới chân
đạn bắn lén không xuyên qua giấc ngủ
mơ bầu vú đá rỉ ra từng giọt sữa
nuôi sống rông rênh mười tám mới dậy thì
L.M.Q
Có những ngày, mở mắt dậy, tự nhiên lòng thấy vui. Vui như đứa trẻ ngóng đợi mẹ đi chợ về và biết chắc sẽ có quà. Có những ngày, mở mắt dậy, tự nhiên thấy lòng buồn. Buồn như lúc trời đang mưa lại nhìn những tờ báo nằm trên hênh trên sạp lề đường, mái che từng giọt mưa rơi tong tả.
Tự nhiên ư?
Chẳng phải đâu. Buồn, vui ấy chỉ là kết quả của những gì đã vun vén trước đó. Đi qua 3.254 câu thơ trầm luân khốc liệt số phận của một kiếp người, nàng Kiều có 8 lần gẩy đàn. Thích nhất là lần sau rốt, lúc đã “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Nghe lại đi. Nghe thật kỹ. Im lặng lắng nghe. Nghe thấy gì?
Phím đàn dìu dặt tay tiên
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa
Khúc đâu đàm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông
Nghe xong, ngạc nhiên nhất vẫn là Kim Trọng. Gã không thể hiểu vì sao tiếng đàn của nàng lại khác trước? Vì sao trong từng cung bậc dặt dìu không còn tiếng nấc, tiếng nghẹn, tiếng khóc, tiếng buồn, tiếng lòng sầu máu chảy năm đầu ngón tay? Gã bèn hỏi:
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy?
Gã ngạc nhiên quá. Tại sao tiếng đàn lại khác trước? Có phải do:
Tẻ vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?
Nghe hỏi thế, nàng trả lời thế nào?
Nàng rằng: Ví chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa
Thế đấy. Văn chương bề bề, âm thanh réo rắt, sắc màu huyền nhiệm… tưởng chơi chỉ là chơi. Chơi cái quái gì. Nó vận, nó ám vào người đấy chứ. “Đoạn trường tiếng ấy” như bóng ma tiền kiếp đã bám lấy Kiều ròng rã 15 năm “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Do đó, nàng mới bảo: “Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa” là không đàn, không nghe lại cung bậc gió thảm mưa sầu một lần nào nữa. Dù chỉ một lần. Một lần nữa cũng không. Nhật ký 14.9.2014, y có biểu dương bài viết “Ngâm thơ đỡ tốn tiền thuốc” của anh bạn BS Lương Lễ Hoàng. Bài đó đọc thú vị, cho thấy rằng khi đọc thơ cũng chẳng khác đang tập dưỡng sinh, hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Về mặt y học là thế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, tác động đến ý thức suy tư lẫn sức khỏe của người đọc vẫn là đọc thơ gì, nội dung thế nào? Đừng quên kinh nghiệm mà chính Kiều đã trả giá: “Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!”.
Hiểu như thế, biết như thế nên y đã từ chối phải viết cho chuyên mục nọ, tờ báo nọ: mỗi ngày viết chừng hai, ba trăm chữ bàn về một chuyện thời sự nhăng nhố, bắng nhắng, tiêu cực đặng phê phán sâu cay, châm biếm độc địa. Để làm gì? Để mua vui cho bạn đọc. Muốn thế, mỗi ngày, y phải chú ý đọc kỹ các loại tin như tham nhũng, giết người, loạn luân, ma cô, lưu manh, đâm chém, giết người, hối lộ… lấy chất liệu để viết. Mà này, chung chạ hằng ngày với các loại thông tin u ám, tiêu cực đó, vậy thì, sự ngộ độc tâm hồn, cái nhìn bi quan về cuộc sống của y, ai phải gánh lấy? Y chứ còn ai “trồng khoai trên đất này?” nữa. Hiểu như thế, biết như thế nên mỗi ngày y luôn tự ý thức tìm lấy niềm vui, sự trong trẻo, trong sáng cho chính mình.
Sáng nay, vui bởi nhớ lại anh bạn nhà thơ Huy Tưởng, chủ quán Faifo “chuyên trị” món Quảng Nam, nay đã định cư ở Úc. Trước năm 1975, gia đình anh thuộc loại giàu có ở Tam Kỳ - là chủ hãng trà Mai Hạc nổi tiếng một thời. Ba của y ngày ấy luôn mua trà đựng trong hộp thiết có bọc giấy kiếng đỏ tức loại sang, giá bán cao hơn loại trà khác. Trước ngày đi Úc, chừng mươi năm rồi còn gì, anh điện thoại: “Q đến với anh, có chuyện cần trao đổi”. Khi đến, đã thấy anh chống nạng đứng đợi trước cửa. Anh bảo, đại ý, mình đi Úc nhưng không thể mang hết sách đi được. Hơn nữa mình già rồi, sang đó chắc cũng không còn hào hứng biết đọc, nghiên cứu gì nữa; con cái mình chắc gì đã thích sách tiếng Việt? Do đó, anh tặng lại Q một ít sách bởi Q chịu đọc, biết quý sách”. Trước lúc chở sách về, anh dặn thêm, đừng có bán mà hãy giữ giúp anh. Nghe những lời bịn rịn, dặn dò của anh lúc chia tay các quyển sách từng gắn bó lâu dài mà cảm động.
Nhớ lại chuyện này, lòng thấy vui nên sáng nay tặng người em, bạn đồng nghiệp Ngô Kinh Luân quyển Mấy chàng “trai thế hệ”… trước của Dương Thiệu Thanh in tại Sài Gòn năm 1969. Tặng, vì trong ít ỏi các nhà báo trẻ hiện nay, nó là đứa chịu đọc và nhất là cũng quý sách. Ở Sài Gòn, sách cũ bán nhiều, một phần do tủ sách của những người nổi tiếng đã sưu tập gìn giữ rồi cuối cùng con cháu vì không mê sách, quý sách nên bán sạch! Không gì bùi ngùi cho bằng lúc nhìn thấy sách nằm la liệt, hẫu lốn, lổn ngổn trong vựa ve chai. Nếu những người ve chai biết giá trị của sách ắt có người giàu, có thể đổi đời. Với họ, sách gì cũng là sách, cứ việc cân ký, có ký có tiền. Đôi lúc, mua của họ mà trong lòng cứ áy náy mãi. Ai đời, bộ Lục mạch thần kiếm in trước 1975, mỗi tập chừng 400- 500 trang, vào hiệu sách cũ nếu rờ tới không dưới vài ba triệu đồng nhưng rồi họ chỉ bán cho y với cái giá còn lâu họ mới có thể ung dung bước vào hàng phở bà Dậu mà hiện nay giá bán 1 tô, kèm 1 chén tiết hột gà, 1 ly trà đá, 1 khăn mặt đã 99 ngàn đồng!
Biết thế nào được.
Sáng, đi họp cơ quan. Chiều nay, ngồi với người bạn một chút. Tập sách Trảng Bàng phương chí của anh dày chừng 1 ngàn trang, y viết tựa, NXB Tri Thức vừa in xong. Anh bạn muốn chia sẻ niềm vui khi tận mắt nhìn thấy đứa con tinh thần còn thơm mùi giấy mới.
Đời, thế mà vui.
L.M.Q
Có lẽ rồi cũng phải tự sắp xếp lại những cuộc "ăn chơi nhảy múa". Không gì đáng chán hơn cho những cuộc vui, hễ lúc đang say xỉn thì mười lần như chục: không người này thì người kia canh ngay lúc cả bọn đang lừ đừ cái mặt, lù đù đi đứng là chụp lia chụp lịa rồi post ngay lên facebook. Hay ho gì các hình ảnh tầm thường đó? Thời buổi này, xích lô, xe thồ, xe ba gác, đầu trộm đuôi cướp, thất nghiệp, đâm cha giết chú, mãi dâm, bia ôm, lầu xanh… tóm lại bất kỳ ai cũng có thể nhậu được kia mà. Nhậu có là cái gì ghê gớm đâu, chỉ cần vài ngàn bạc với một xị rượu đế là đã có thể say quắc cần câu. Thế mà, vẫn có những người hễ đã nhậu là post hình của chính mình, của bạn nhậu lên facebok đặng phát tán khắp nơi. Vẫn biết rằng, thỉnh thoảng ngồi với bạn bè một chút, tán gẫu vô thưởng vô phạt, hỏi han công việc viết lách của nhau cũng cần thiết. Nhưng rồi, hà cớ gì phải khoe khoang cái chuyện ăn nhậu bình thường, thậm chí tầm thường đó?
Mà có phải ngày nào y cũng nhậu? Quyết là không. Nhưng rồi, chỉ cần đôi lần nhìn trên facebook chình ình mặt mày tối tăm, đờ đẫn mặt mũi ấy thì y như rằng sáng hôm sau bước vào cơ quan là các nữ đồng nghiệp góp ý nhẹ nhàng như không: “Chú Q dạo này nhậu quá nghen”. Một đồn trăm, trăm đồn ngàn. Cơ quan y, cơ quan chủ quản của y phần đông là nữ, tất nhiên họ không hài lòng gì khi thấy cánh nam nhi trong cơ quan ăn nhậu bù khú dù bất kỳ lý do gì.
Có lần một nữ đồng nghiệp kéo tay y ra ngoài sân, nói khẽ như sắp tiết lộ thông tin thuộc hạng “bí mật quốc gia”: “Bạn bè chú rồi cả chú nữa, bộ mấy chú điên khùng hết rồi sao? Cứ ăn nhậu là “bắn” hình lên facebook làm gì? Để làm gì? Chú trả lời đi? Bên Thành hội mấy chị cũng sử dụng facebook nếu nhìn thấy mặt chú sẽ đánh giá chú thế nào?”. Y bèn chống chế: “Thỉnh thoảng chú mới lai rai”. Cô mỉm cười thông cảm: “Cháu biết, nhưng liệu có cần phải khoe không? Ai cũng biết chú đã viết nhiều bài trên phê phán tác hại của chuyện ăn nhậu. Nay thỉnh thoảng mở facebook ra lại thấy chú đàn đúm ăn nhậu, ai dám tin chú nữa?”.
Nghe ra, chột dạ quá.
Sáng nay, nữ đồng nghiệp hỏi: “Bà cụ khỏe rồi hả anh?”. Y ngớ người ra, chuyện gì vậy ta? “Thì hôm trước anh nói với em là nếu sếp có hỏi vì sao không vào cơ quan thì nói giúp anh đưa mẹ đi khám bệnh. Bà cụ đang ốm nặng mà. Anh quên rồi à?”. Mới sực nhớ là do dẫn chương trình thơ vào buổi sáng, không vào cơ quan nên mới nại ra cớ ấy. Cớ ấy hợp lý quá đi chứ! Nhưng than ôi, rồi qua facebook, sếp lại thấy y chình chình ngồi trên bàn nhậu, cằn nhằn: “Đồng chí nhà mình có hiếu quá, bảo mẹ ốm nặng mà ăn nhậu thâu đêm”.
Nghe thế, chột dạ quá.
Trong thế giới chật hẹp này, hầu như ai ai cũng có trang mạng riêng, động tĩnh gì trên facebook thì lập tức làng trên xóm dưới đều biết cả. Hay hớm gì chuyện ăn nhậu đó mà phải khoe, phải “tự sướng”? Y chẳng phải đạo đức gì, gương mẫu gì nhưng thú thật, tạo cho y cảm giác chán ngán nhất vẫn là lúc nhìn hình ảnh của ai đó đã chìm trong men say. Chuyện say xỉn là quyền tự do của mỗi người nhưng đừng quên rằng nó chỉ có tính cách hết sức riêng tư. Đã chuyện riêng tư có cần phải “báo cáo” cho thiên hạ cùng biết? Nào đâu phải riêng y mà người trí não bình thường khác cũng đều không có nhu cầu phải biết, phải xem, phải nhìn, phải ngó hình ảnh của bất kỳ ai trong ngày đó đã ăn nhậu ở đâu, ăn nhậu với ai, ăn nhậu như thế nào...
Có những kẻ vô công rỗi nghề, bất tài vô tướng đã ăn nhậu thuộc loại chuyên nghiệp, ngày nào cũng nhậu. Mở mắt ra là nhậu từ sáng sớm đến khuya mịt. Nhậu hết két bia này đến hàng chục chai rượu nọ. Nhậu để giết thời gian như đã tồn tại một cách vô ích trên đời. Thế nhưng không những chẳng ai biết đến thói xấu ấy mà lại còn được khen là người đứng đắn. Bởi họ không dại gì khoe đã hoặc đang nhậu. Trong khi đó, y và bạn bè y cả một ngày, cả một đời cắm mặt xuống trang viết. Đôi lúc viết không kịp thở. Viết để sống. Sống với trang viết. Tự nhủ, phải sống thế nào cho có ích. Chăm chỉ, cần mẫn, miệt mài với công việc từng ngày. Quý thời gian từng giây. Rồi có đôi lúc nhậu chơi như một cách thư giản, hàn huyên, chia sẻ công việc vậy mà trong mắt thiên hạ lại chỉ ngang hàng với những kẻ nát rượu. Tại sao? Cũng là do hình ảnh riêng tư ấy đã bị post lên facebook một cách vô tội vạ, thiếu kiềm chế. Tưởng chẳng hại gì, nhưng rồi hình tượng đẹp đẽ bấy lâu trong mắt thiên hạ đã rơi tuột thảm hại. Nếu Đức Phật, Chúa Jesus hoặc các bậc thánh khác xuất hiện trong trạng thái đang say quắc cần câu thì chúng sinh sẽ nhìn bằng con mắt thế nào? Còn lũ chúng ta? Lũ chúng ta chỉ người trần mắt thịt nên lẽ nào dám quên câu "tốt khoe xấu che"? Đành rằng có những cuộc nhậu chưa hẳn là xấu nhưng có cần phải khoe khoang huếnh hoáng - nhất là trên mạng cộng đồng? Quyết là không.
Tuy nhiên, nhiều người ngồi chung với y lại không hiểu thế, hễ đã nhậu thì phải khua chiêng gõ mõ cả thế giới cho bằng được. Thú thật, y chẳng phải đạo đức gì, gương mẫu gì chỉ xin rằng những lúc đã bù khú thân tình với nhau (nếu có dịp), ai muốn khoe cảnh ăn nhậu như một chiến tích vẻ vang đáng hãnh diện cho bản lĩnh đàn ông thì cứ việc tự nhiên, cứ việc post nhưng nếu thương lấy y, quý mến y, vì cần câu cơm của y thì xin hãy chừa cái mặt của y ra ngoài.
Thật ra, y nhậu không bằng Lưu Linh uống ráng thêm vài giọt, nhưng khổ nổi cứ nhìn hình ảnh đó trên facebook là các nữ đồng nghiệp nghĩ y phải thuộc loại hủ chìm “thần sầu quỷ khốc”. Sáng xỉn chiều say! Một người sáng xin chiều say thì có đáng tin cậy không? Vì lẽ đó, thỉnh thoảng y lại bị họ “mắng” cho vài câu nếu thấy hình ảnh ăn nhậu nằm tênh hênh, trơ trẽn trên facebook mà có cái mặt y. Cũng chẳng oan ức gì. Vì thương, vì quý nên họ mới nhắc nhở đấy thôi. Câu nhắc nhở hay nhất vẫn là: “Mỗi lần chồng em đi nhậu về là giấu như mèo giấu cứt, vậy mà…”.
Đắng đót chưa?
Cùng các đồng nghiệp trong cơ quan (nhân 1.8.2014)
L.M.Q
Bước vào tiệm sách, một điều dễ dàng nhận ra nhất là hiện nay có quá nhiều các tập sách thuộc thể loại, tạm gọi chung là tạp bút, tản mạn, tùy bút, tản văn… Ngay cả trên các trang facebook cá nhân cũng vậy. Bất kỳ ai cũng có thể viết đôi dòng cảm xúc, những suy nghĩ thoáng qua. Có tác giả trẻ, có tác giả già. Mỗi người mỗi phong cách. Tuy nhiên, sự định danh vẫn chưa nhiều. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay vài người. Còn lại chỉ mới dừng lại cảm xúc bâng quơ hoặc cảm xúc ấy rất học trò, dù chẳng có gì mới mẻ nhưng vẫn cố ý đạt đến vẻ “triết lý’ bằng câu chữ rối rắm, cầu kỳ. Chà, cái ông Võ Phiến mới là ghê. Câu văn cực kỳ bình dị, không ngoa ngôn nhưng hầu như bài viết nào cũng ẩn chứa những cảm nhận sâu sắc, phân tích chi tiết và có sự so sánh rất đáng nể. Đọc Võ Phiến, dường như lúc nào y cũng có thể chia sẻ với ông một, hai điều lý thú gì đó. Có ai đó đã nói, lúc viết tạp bút, Võ Phiến đã thể hiện khả năng “chẻ sợi tóc làm tư”. Muốn như thế, viết thể loại này, tưởng là dễ, ai cũng viết được nhưng điều quan trọng là phải có kiến thức rộng và nhất là vốn sống.
Mấy hôm nay, Đoàn Tuấn vào Sài Gòn dạy những vấn đề liên quan đến điện ảnh tại công ty nọ. Quà tặng từ Hà Nội cho y là quyển Bát phố (NXB Hội Nhà văn) của Nguyễn Bảo Sinh. Chỉ đọc trong một đêm, trước giờ ngủ, là đủ sức ngốn hết 350 trang sách. Vì nó hay. Nó lôi cuốn. Câu chữ bình thường, không bay bướm nhưng bù lại có nhiều chi tiết quá hay. Nói cách khác, tập sách này hay là do tác giả có vốn sống về Hà Nội từ thập niên 1950 đến nay. Nhiều chi tiết lạ, nhất là phần viết về chơi thơ, gà chọi, chơi chó, bát phố đờ mi thiền… Đọc xong, khó quên. Rồi thỉnh thoảng, nhẫn nha thêm vài câu thơ “dân gian” của ông cũng thú vị. Chi tiết nào hay? Cứ đọc, ắt rõ. Không việc gì phải kể lại trong Nhật ký. Nói thì nói thế, chã nhẽ chẳng kể lại gì? Thì kể chuyện về cụ Nguyễn Hữu Mão - bố của Nguyễn Bảo Sinh vậy:
“Một lần ốm nặng đến gần đất xa trời, cụ gọi chú ba tới bên giường nói lời trối trăng:
- Có người bảo thơ tôi hay hơn thơ anh, có người bảo thơ anh hay hơn thơ tôi, anh thấy thế nào?
Anh con trai cầm tay bố:
- Thơ bố hay hơn là cái chắc.
Cụ bật dậy cầm tay con:
- Thế là anh đã báo hiếu cho tôi được rồi, từ nay tất cả mọi sai lầm của anh tôi đều bỏ qua hết.
Sau đó cụ khỏi hẳn bệnh.
Khi ốm sắp mất, cụ thường tra tấn mọi người bằng cách ngồi hầu thơ cụ hàng giờ, mỏi rã rời, khi hết hơi cụ xua tay thì người nghe mới thoát tù:
Giang hồ tặc tử con không sợ
Chỉ sợ về nhà bố đọc thơ”
Thêm một thú vị là thỉnh thoảng đọc đôi câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh. Thơ rằng:
Vào chùa lễ Phật thấy sư
Người người cúi lạy chiếc lư hương đồng
Miệng cầu sắc sắc không không
Đầy trời sắc, thế còn không đâu rồi?
Ta như mây trắng giữa trời
Ngắm nhìn thiên hạ đang ngồi máy bay
Không mong đến, chẳng cầu đi
Không phân khôn dại còn chi để buồn
Tâm như nước chảy trên nguồn
Soi hình tạo hóa mà không lưu hình
Ung dung khắc đến khắc đi
Còi to cho vượt, tranh gì trước sau
Bước chân dù chậm hay mau
Đường ta đi giữa hai đầu tử sinh
Rượu chè cờ bạc gái trai
Là thuốc trường thọ ông trời cho ta
Chính trị là thứ tránh xa
Bàn nhiều đoản thọ hoặc là đánh nhau
Đông vui già chớ chen vào
Gái tơ huých nhẹ chỗ nào cũng đau
Ngắm hoa lại nhớ tới câu:
Hoa kia chẳng nở cho người già nua
Sống mà phải xã giao nhiều
Mệt hơn phò phạch phải chiều lắm anh
Cuối cùng tất cả chúng ta
Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân
Có thể trích dẫn thêm nữa. Mà thôi. Ghi dăm câu thơ như một cách cám ơn tác giả Bát phố đã có những trang viết mua vui được cho đêm qua khó ngủ. Người Việt Nam vốn mê thơ và mê Truyện Kiều. Mê nàng Kiều nhất chỉ có thể nhà nho Chu Mạnh Trịnh. Cụ thắp nến, khấn nhang nguyện nàng bước ra khỏi trang sách về ở với mình, nguyện xây nhà vàng cho Kiều. Áng văn đó chấn động tâm thức người đời một thời. Nay, còn có người mê Truyện Kiều không kém gì ai, ấy là ông bạn già Phạm Đan Quế, sinh năm 1936 tại Hải Dương. Tính đến nay ông đã viết cả thẩy 15 tập sách nghiên cứu. Mà các tập sách ấy chỉ nhằm bàn về Truyện Kiều. Phải mê lắm nên ông mới có thể chọn từ, chọn chữ đã xuất hiện trong 3.654 câu thơ Kiều để viết thành bài thơ thất ngôn bát cú như sau:
Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu;
Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau.
Vần xoay gió bão đầy năm tháng;
Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu.
Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ;
Mộng tình Kim ấp ủ còn đâu.
Dần xa dõi bóng Từ oan khuất;
Nhân nghĩa Phật tiên chốn nhiệm màu.
Trong bài thơ này, chỉ 2 từ không xuất hiện trong Truyện Kiều: “bão” và “dõi”; có tới ba nhân vật trung tâm Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải. Bài thơ trên, nếu bỏ 2 chữ đầu của mỗi câu sẽ thành bài ngũ ngôn. Và ông Phạm Đan Quế đã sắp xếp được cả thẩy…1.728 bài thơ gần như có cùng một nội dung. Khiếp chưa?
Nhà thơ Đinh Thu Hiền và nhà thơ Nguyễn Bảo Giang
Đêm qua lẩn thẩn lơ thơ với thơ, sáng nay lại thơ. Y nhận lời làm MC buổi ra mắt tập thơ Nỗi nhớ chẳng may tìm đến của Nguyễn Bảo Giang. Ra mắt tại quán X trên đường nọ. Chừng hai mươi năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lúc đang đình đám trên văn đàn, anh có mở quán Hoa Ban. Nhiều người ái mộ đến thưởng thức, họ hỏi chủ quán: “Quán anh, món nào ngon nhất?”. Anh nửa đùa nửa thật: “Món ngon nhất là cái mặt tôi”. Nói như thế vì thời ấy, nhà văn có giá không thua kém gì các mẫu hậu quý bà, hoa hậu phường Cây Mít. Thiên hạ ùn ùn kéo nhau đi xem mặt nhà văn rầm rộ không kém gì các fan cuồng ngày nay đi đón ca sĩ Hàn Quốc vậy. Sáng nay có suy nghĩ nghiêm túc rằng, khác với quán Hoa Ban của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cái quán X mà y đến sáng nay thì món dở nhất, kém nhất vẫn là cái bổn mặt chủ quán!
Bù lại, sáng nay vui bởi câu chuyện xoay quanh chỉ là thơ. Nhiều anh em bè bạn chung vui vì tinh thần cổ động nồng nhiệt. Nhiều câu thơ lục bát của Nguyễn Bảo Giang vang lên trong không khí rất thơ. Vậy là vui. Ngày nay, thơ kén người đọc. Tuy thế, vẫn còn có nhiều người yêu thơ và làm thơ. Trở lại với cụ Nguyễn Hữu Mão, Ngyễn Bảo Sinh cho biết: “Thần tượng của cụ là Hồ Xuân Hương nên cụ lấy bút danh Xuân Phong. Cả nhà: Vợ và 19 con cả dâu lẫn rể đều rất ghét thơ. Thằng chắt đích tôn cụ Mão có lần được khen là nó làm thơ hay, nó đập đầu vào tường đôm đốp, nói:
- Nếu mà phải làm thơ thì thà chết đi còn hơn”.
Biết thế nào được? Lật ngẫu nhiên tập Bát phố, gặp câu thơ này:
Làm thơ phải có vân thơ
Như vân tay ở trên tờ chứng minh
Làm tình cũng có vân tình
Vân tình in ở chỗ mình đắm say
L.M.Q
Ghi vài suy nghĩ vụn vặt, thoáng nghĩ đến.
1. Trước đây, gặp nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên - người Huế, bảo rằng, anh nên tìm mua bộ sách Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué - BAVH), NXB Thuận Hóa ấn hành bản tiếng Việt. Những gì cần tìm hiểu về Huế, đã có đủ trong bộ sách quý này. Đâu riêng gì một người, gặp ai y cũng bảo thế. Đọc quyển sách hay, giới thiệu cho người khác cùng đọc là đức tính tốt. Y đã mua trọn bộ từ năm 1914 đến năm 1944, xếp lên kệ sách, dài mấy gang tay. Những ngày này rảnh rỗi, đọc lai rai mới phát hiện ra người ta dịch quá ẩu, “quá Tây” nên nhiều chỗ khó hiểu được ý của tác giả.
Chẳng hạn, lật ngẫu hứng tập Năm 1917, ngớ người khi đọc bài phát biểu của L.Cadière (nguyên văn): “Chúng tôi chống lại những kẻ vô lương và lũ con nít khát khao phá hoại mà không biết những thu hoạch hiện tại đã phá hết bộ mặt mẹ chúng nó, đã lấy tồn tại cuối cùng của thanh xuân”; hoặc “Cũng nhờ may mắn hay chẳng có gì định trước, không những có thức ăn bới theo hay là người ta đi như một đám học sinh đi tìm châu hoang mà là những cuộc tham quan có mục đích nhất định mà một hội viên có tài liệu nêu lên cho bạn đồng hành các vị trí, các công trình, những con người”; hoặc “Bây giờ nhờ sự hướng dẫn của chúng ta, họ phải hé mở bằng một tay mà phải làm cho kính nể vì sự xúc động cái hộp đựng đồ quý của quá khứ đã ích kỷ che kín và lấy dần từng viên ngọc quý giá trị lớn đã bị vùi bụi bặm và làm mờ đi những kỷ niệm lịch sử qua nhiều thế kỷ” (tr.13). Hoặc tập Năm 1930, “Tuy nhiên, chính vì cái bờ đối diện một lần nhà thám hiểm đã đến được và người này móc vào những gồ ghề đều đặn nơi một chồi thạch nhũ khổng lồ, hai chân đặt trên tảng đá nhọn dưới nước cách mặt nước 40cm, tự hỏi khi đối diện với thành đá thẳng đứng làm thế nào anh ta có thể tiếp tục con đường phía trái, nơi chỉ có con đường sụp thành chỏm nhọn trong ngọn suối cung ứng một lối đi tốt giữa những rủi may…( tr.478) v.v…
Sai sót vô thiên lủng. Đọc đâu cũng thấy gặp những câu văn dịch trời ơi đất hỡi! Sung sướng thay cho những ai biết ngoại ngữ, có thể đọc từ nguyên bản.
2. Không đâu như ở Việt Nam, các nhà chính trị thường là những nhân vật lỗi lạc nhất, tài năng xuất chúng tót vời nhất trong thiên hạ bởi hầu như bất kỳ lãnh vực nào họ cũng đều có thể phát biểu ý kiến chỉ đạo.
4. Sợ hãi là nỗi sợ tự chính mình sợ, dù chẳng ai có lời răn đe nào. Ngày kia nhận được bài của Phan Quang giới thiệu tập sách Tôi nói bằng mồm tôi của Phạm Quốc Toàn. Tác giả bài báo và tác giả sách cùng là nhà báo lão thành, từng giữ trọng trách trong Hội Nhà báo Việt Nam. Bài của ông Quang có câu: “Đọc sâu vào cuốn sách, mới vỡ nhẽ vậy mà không phải vậy. Đâu chỉ chuyện vặt ấy. Đến đại sự quốc gia, quốc tế cũng y chang. Có một vị tướng chóp bu nọ (T hoa), khi bị cật vấn về mưu đồ của Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan trái phép tại Biển Đông, ông tướng lớn tiếng tuyên ngôn: “Chúng tôi nói bằng mồm chúng tôi, chuyện của chúng tôi, can hệ chi mà các vị chõ vào?”. Tự dưng giật mình. “T hoa” là ám chỉ ai? Có phải tướng Phùng Quang Thanh không? Nếu vậy, gay go quá. Hỏi kỹ lại “T hoa” là Trung Hoa, thôi thì, cứ biên tập thành “tướng Trung Quốc” cho an toàn, khỏi ai nghĩ ngợi, suy diễn gì dù tác giả có uy tín, sách có giấy phép hẳn hòi. Về nguyên tắc, sách đã được NXB biên tập, duyệt in, cấp giấy phép rồi, do đó nếu có sai sót, là thuộc về NXB. Nhưng vẫn cứ sợ. Sợ là sợ. Vậy thôi.
5. Nguyễn Công Trứ có câu thơ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Tại sao thiên hạ lấy cây thông, tùng, bách tượng trưng cho người đàn ông? Hôm qua, anh Đ.T.B có cách giải thích, vì loại cây đó khi lên cao nó mới xòe ra tán lớn, che rợp bóng mát mà các cây con cũng không ảnh hưởng gì, vẫn có thể phát triển. Và điều quan trọng là nó càng cao, đón sóng gió dữ dội vẫn càng thẳng, chứ không gẫy đổ. Trong khi đó, lại có những cây khác, dù chỉ còn thấp lè tè đã học đòi xòe tán che khuất các cây con rồi. Cách giải thích ấy ngộ nghĩnh mà cũng có lý đấy chứ?
6. Khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương ((Haiyang Shiyou - 981) xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, dư luận phản ứng sôi nổi, hừng hực tinh thần yêu nước, khí phách Đại Việt; nay chúng nó vừa xây dựng trái phép trên đạo Gạc Ma lại ít thấy dư luận như trước. Tại sao?
7. Trên tạo chí Bách Khoa thì phải, có lần nhạc sĩ Phạm Duy nói đại ý rằng, trong công tác tuyên truyền, ngoài Bắc thực hiện bài bản, chỉnh chu hơn trong Nam gấp hàng ngàn lần. Ngẫm lại thấy đúng. Chẳng hạn, sự kiện “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 tại thành cổ Quảng Trị, đọc thơ văn ngoài Bắc chỉ thấy một quyết tâm cao độ. Trong khi đó, đọc các tập in tại miền Nam như Những đêm dài trên quê hương (NXB Văn nghệ dân tộc 1972) gồm các bài bút ký của nhà văn, ký giả chiến trường như Dương Nghiễm Mậu, Đoàn Kế Tường, Huỳnh Văn Phú, Hồng Phúc, Người Xứ Huế, Phạm Văn Bình, Phan Nhật Nam, Phan Huy, Sao Bắc Đẩu, Vũ Hoàng; tập thơ Đầu gió - tuyển tập những bài thơ thép (NXB Văn nghệ dân tộc 1972) cũng viết về năm tháng đó nhưng lại có gam màu khác hẳn.
8. Báo Văn Học ở Sài Gòn của Phan Kim Thịnh có mục Giải đáp văn học. Ngày nọ, có độc giả ký tên Cái Ấm Đất gửi đến bài thơ Quê hương và hỏi tác giả là ai? Báo in trọn vẹn bài thơ đó, cuối cùng có nhắn nhủ một câu, đọc lâu quá rồi không nhớ rõ nguyên văn, đại khái, người trả lời nhắn nhủ bạn đọc ấy hãy cẩn thận kẻo… vỡ cái ấm đất! Dù sao bài thơ của Giang Nam cũng được in công khai. Còn nhớ tạp chí Đối Diện thỉnh thoảng vẫn in thơ của các tác giả ngoài Bắc như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Thu Bồn... Việc in thơ của tác giả trong vùng tạm chiếm miền Nam không thể có trên báo chí ngoài Bắc, nếu cũng chỉ là những trích đoạn nhằm phê phán.
9. Tạp chí Đất Nước ở Sài Gòn (chủ nhiệm: Nguyễn Văn Trung, chủ bút: Lý Chánh Trung, Tổng TKTS: Thế Nguyên) đã dành nguyên số tháng 10.1969 viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân cụ vừa qua đời. Đọc lại không hề thấy sự bôi nhọ nào, nếu không muốn không muốn là sự ca tụng người vừa khuất. Cách thức làm báo mỗi thời mỗi khác. Không chỉ khác về phương tiện hành nghề, cái chính là khác từ trong sự nhận thức về nghề. Kiểu làm báo của dân Sài Gòn, nếu không có những ghi chép, hồi ký có lẽ thế hệ sau không thể hình dung ra nổi.
10. Đọc lại tạp chí Tin Văn, ngạc nhiên khi thấy có những số báo để nguyên 1, 2 trang trắng, không có dòng chữ nào, ghi rõ bị “kiểm duyệt”; hoặc vài đoạn bôi đen. Trên nhật báo, thường thấy ghi “tự ý đục bỏ” cũng để trắng một vài đoạn lỗ mỗ đã xóa bỏ. Như thế, người đọc tự biết có những trang, những đoạn bị nhà cầm quyền không cho phép in. Trên mặt báo hiện này, điều này hoàn toàn không thể xẩy ra. Không bao giờ xẩy ra. Bài báo có biên tâp, cắt xén hay không chỉ tác giả và tòa soạn biết với nhau. Chúng ta không có chế độ kiểm duyệt, nhưng bộ máy kiểm duyệt ấy đã chễm chệ trong đầu mỗi người. Đôi khi tự chúng ta “biên tập” ngay từ khi chỉ mới manh nha suy nghĩ trong đầu, chưa tượng hình thành câu chữ.
11. Vừa rồi, đọc tập sách nọ có đoạn viết trước kia ở ngoài Bắc, trên báo chí, giao tiếp hằng ngày đã có nhiều từ bị đánh tráo khái niệm. Chẳng hạn, “lạm phát” được thay thế “thu không đủ chi”; “thất nghiệp” thay bằng “sức lao động không được huy động đúng mức”; khuyết điểm thay bằng “chưa theo kịp yêu cầu”; “sai lầm” thay bằng “chưa nắm bắt đúng quy luật” v.v…
12. Xưa nay đào, kép luôn có ông bầu. Có một thời, giới văn nghệ sĩ nước ta cũng thế. “Ông bầu” của họ chính là các nhà chính trị. Sự nổi danh nhờ quyền lực của các “ông bầu” đó khó ai có thể biết có bền hay không? Có điều chắc chắn sẽ không bền bằng các văn nghệ sĩ có “ông bầu” là chính độc giả của họ.
13. Có lần Lưu Trọng Văn bảo, các nhà báo ở nước ngoài có thể “tự thân vận động” viết những phóng sự, điều tra chấn động dư luận; ở Việt Nam lại khác, muốn như thế phải có cơ quan công quyền, cơ quan nhà nước hỗ trợ phía sau. Có lần hỏi các đồng nghiệp chuyên viết báo chống tiêu cực rằng, bằng nghiệp vụ nào có thể đưa ra ánh sáng nhiều vụ đến vậy? Hầu hết đều bảo, chính người trong cơ quan đó tuồn tài liệu cho nhà báo; hoặc không cũng từ các cơ quan điều tra, đang thụ lý vụ việc…
14. Có lần họa sĩ Chóe tâm sự, trước năm 1975 ông có tình cảm với miền Bắc, yêu Hà Nội chính là do đọc tạp bút, tiểu thuyết, truyện ngắn của Mai Thảo, Duyên Anh, Thanh Tâm Tuyền… tức những cây bút di cư năm 1954. Còn nhớ trong một truyện dài (dường như Đoàn nữ chiến binh mùa thu), nhà văn Nhã Ca viết về gia đình ông giáo nghèo ở đô thị miền Nam. Để cải thiện đời sống, bà giáo cho bọn lính Mỹ thuê nhà. Từ đó, giềng mối gia đình tan nát hết. Bà giáo có tiền đâm ra chê ông giáo cù lần, không thức thời. Các cô con gái học đời theo lối sống Mỹ. Hiện thực xã hội miền Nam, từ khi quân đội Mỹ vào đã khiến đạo nghĩa bị đảo lộn v.v… Vậy mà, thời đó vẫn in được.
15. Một đêm họp đưa ma Phụng là bài viết của Nguyễn Tuân về cái chết Vũ Trọng Phụng. Khi hay tin đó, bạn bè kéo sang Gia Lâm hát ả đào, hút xách, rượu chè, đập pháp một trận ra trò. Sau này, ông cho biết bài viết chia buồn đồng nghiệp kiểu như thế khó có thể xuất hiện trên mặt báo của ta. Lần nọ, có tòa soạn báo nọ nhờ Phan Khôi viết bài về miền Nam, tuy nhiên họ “yêu cầu” thế này, “mục đích” thế nọ bằng một “dàn bài” cụ thể. Ông bực quá kêu toáng lên trong bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ: “Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu! Ở thời cụ, cụ đã kêu lên:
Ở đây nào phải trường thi
Ra đề, hạn vận một khi buộc ràng?”
16. Khi gọi tên một địa danh, người ta có khuynh hướng nói gọn lại, bỏ bớt những từ không cần thiết mà vẫn rõ nghĩa. Thí dụ ở Quảng Trị, cửa An Việt: Cửa Việt; ở Đà Nẵng, cửa sông Hàn: cửa Hàn; chợ sông Hàn: chợ Hàn; đèo Hải Vân (hoặc Ải Vân): đèo Ải hoặc chỉ nói gọn là Ải - ca dao Quảng Nam có câu:
Tổ tiên để lại em thờ
Anh ra ngoài Ải cầm cờ theo vua
Ngày xưa, người thi đậu từ đô Huế về Quảng Nam được dân làng đón rước thế nào? Đi đón Cử nhân, người làng lên đến tận Đồn Nhất ở đèo Hải Vân; đón Tú tài chỉ lên tới Nam Ô. Từ Nam Ô lên đến đèo Hải Vân còn xa lắm. Khi đón về làng, các vị tân khoa đi thẳng đến đình chùa, Văn Miếu rồi mới được về nhà.
17. Thời trẻ, cụ Phan Châu Trinh cũng “say nắng” như ai. Cụ mê như điếu đổ một lá ngọc cành vàng ở kinh đô Huế. Là con nhà cưng của quan lớn nên tiểu thư không việc gì phải đụng đến ngón tay. Cụ Phan và tiểu thư làm thơ xướng họa tâm đắc đến độ cụ nghĩ, phải cưới cô. Lần nọ cụ về thăm quê nhà, đang trưa nắng chang chang lại thấy vợ quần ống thấp ống cao, tất tưởi lo cơm nước cho bọn thợ gặt ngoài đồng. Hình ảnh chịu thương chịu khó của vợ khiến cụ cảm động. Cụ nghĩ lại: “Nếu ta đem cô ấy về, cô ấy ở đâu trong nhà?”. Từ đó, cụ đoạn tuyệt hẳn mối tình vừa nhen nhúm.
L.M.Q
Trang 33 trong tổng số 58