LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 29.8.2014

tac-pham-van-hoc-tuoi-20

Tác phẩm vào chung khảo và đoạt giải Cuộc thi Văn học Tuổi 20 lần V (2014)

 

Mưa nắng thất thường. Những ngày này, lầm lũi đi, về. Không la cà quán xá. Chẳng một ai í ới réo điện thoại, nhắn tin. Về, trong không gian của bốn bức tường. Mỗi ngày. Quen thuộc. Vách tường nhà, những kệ sách. Trang sách đã cũ. Ngày vẫn mới. Ngày đi qua. Sáng hôm qua, qua báo TT, tham dự trao giải Cuộc thi Văn học Tuổi 20 do NXB Trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM và báo TT cùng phối hợp tổ chức. Ít ai biết, trước ngày phát giải, tại NXB Trẻ có tổ chức cuộc gặp gỡ thân mật với các cây bút có tác phẩm vào vòng chung khảo và trưởng đại diện Gia Đình Áo Trắng. Đêm đó mưa kinh khiếp. May mà y đi taxi. Lần đầu tiên gặp những người viết mới. Họ còn trẻ. Gặp lại những bạn thơ cũ như các anh Nguyễn Tấn Sĩ, Nguyễn Thanh Xuân... đến chung vui.

Sáng qua, vào hội trường và ngồi hàng ghế sau cùng với nhà văn Đoàn Thạch Biền - thành viên Ban Giám khảo. Qua trao đổi, anh cho biết: Cuộc thì năm này không chỉ chất lượng như những năm trước, mà còn có phần nhỉnh hơn. Có nhiều tác giả trẻ tham dự, trong dó, có không ít cây bút từng “văn ôn võ luyện” trong “lò bát quái” Áo Trắng. Từ nơi ấy, nhiều người đã thành danh. Anh kể vanh vách từng tên tuổi. Nghĩ mà mừng. Ít ra, “huấn luyện viên” có biệt danh “Ông Biền Áo Trắng” cũng đã nhìn thấy mùa vàng trên cánh đồng đã cần mẫn gieo hạt, chăm sóc hơn hai mươi năm thất thường nắng mưa…

Một cảm hứng sáng tác đôi khi đến bất ngờ. Tình cờ. Không hẹn trước. Lúc lên nhận giải, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần kể, viết Cơ bản là buồn từ nguyên cớ: “Trong một lần đi ngang qua sân bay Biên Hòa cũ, tôi nghe tiếng máy bay rất lớn trên đầu mình. Tôi nghĩ âm thanh trên bầu trời đó hẳn phải có một mối liên hệ nào đó với mặt đất, trong hiện tại và trong cả quá khứ. Thế là tôi đi tìm ra con người - kết nối giữa bầu trời và mặt đất, giữa quá khứ và hiện tại đó chính là nhân vật cháu bé nạn nhân chất độc dioxin - Hữu Nghị". Tiểu thuyết của Thuần đoạt giải Nhì. Với Người ngủ thuê, cây bút mới Nhật Phi tâm sự: “Tình cờ một lần nói chuyện với bạn mình, bạn ấy kêu là mệt quá, buồn ngủ quá. Lúc đó mình lại rảnh quá. Bạn mình bảo rằng nếu bây giờ mình ngủ thay bạn ấy được, và truyền năng lượng cho bạn ấy để bạn ấy không cần phải ngủ nữa thì tốt quá. Vậy là mình có ý tưởng viết truyện ngắn Người ngủ thuê”.Ý tưởng, cấu trúc một tiểu thuyết đôi khi cũng cần mới, lạ như lúc làm thơ tìm được cái từ độc đáo.

Trong phần giao lưu, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết, ban đầu Ban Giám khảo ngờ ngợ ý tưởng Người ngủ thuê có thể vây mượn từ điện ảnh, tiểu thuyết nước ngoài chăng? Thế là "ông Goolge" được mời vào cuộc. Hàng loạt các “từ khóa” có liên quan đều được “search” liên tục. Sau kiểm chứng nghiêm túc và có trách nhiệm ấy, mọi người kết luận đó chính là ý tưởng của chàng trai sinh năm 1991 tại Hà Nội. Tiểu thuyết này đoạt Giải Nhất. Phần thưởng 70 triệu đồng, cao hơn giải hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Chắc chắn nhiều người đồng tình với phát biểu của nhà văn Ngọc trong đá: “Đây là giải thưởng văn học uy tín nhất tính đến thời điểm hiện nay. Những người đoạt giải này đề trở thành những tác giả tên tuổi, khẳng định được văn nghiệp của mình sau cuộc thi, như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyên Hương, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc…”.

Đúng quá, đến nay, cuộc thi này không hề có một tai tiếng gì. Trong khi đó, đã có quá nhiều cuộc thi mà sau khi công bố thiên hạ “ném đá” không nương tay, thậm chí thu hồi giải thưởng; lại có những giải thưởng chỉ tồn tại ngay sau lúc phát giải, sau đó, chẳng ai buồn nhớ đến nữa, dù chỉ tên tác giả. Cho đến nay tại Việt Nam, có lẽ Giải thưởng Tự lực văn đoàn tổ chức từ năm 1935, vẫn có sức sống lâu bền nhất bởi họ trao đúng người. Những người đó về sau đã trở thành tên tuổi ghi dấu ấn trong văn học hiện đại, nhờ thế, giải thưởng càng tỏa sáng, càng "làm sang" cuộc thi.

Nhân đây, làm man một chút. Cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam xuất hiện tại miền Nam, tờ Nông cổ mín đàm của chủ bút Trần Chánh Chiếu tổ chức. Thể lệ công bố trên số báo 262 ra ngày 23.10.1906. Trên số báo ngày 5-3-1907, cuộc thi kết thúc với kết quả được công bố như sau: “Nguyên khi mở hội thi thì có 3 vị vào đơn xin. Song đến hạn nạp thì có 1 vị nạp mà thôi là M. Pierre Eugene Nguyễn Khánh Nhương ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Truyện của thầy này đặt tên là Lương Hoa truyện, lời nói vừa phải dễ nghe, không cao không thấp. Song việc tiền căng báo hậu còn sơ một thứ. Bổn quán nghĩ vì còn một vị nạp vở thì khó mà sánh tài lắm, cho nên Bổn quán định thưởng “khuyến công” cho M.N.K Nhương là 25 viên bạc (tức 25 đồng) và một năm nhật trình” . Và từ số báo này Lương Hoa truyện được đăng tải lên trên trang 8 của mỗi số báo. Nội dung có thể tóm tắt như sau: “Hai người bạn thân là Bổn và Huy hứa hẹn sẽ kết trông gia với nhau. Bổn có con gái là Hoa, Huy có con trai là Lương. Huy vì gia cảnh nên không đi học được, Huy giúp đỡ cho Bổn cho ăn học nên đỗ cử nhân. Khi Pháp đánh chiếm Nam kỳ, gia đình Huy bị cướp phá. Huy chết. Vợ con lưu lạc gặp nhiều tai ách gian truân. Rồi mẹ con lại gặp nhau, Lương đến nhà cậu nương tựa. Nhớ lời cha dặn, Lương tìm đến nhà ông Bổn để xin đính ước với Hoa, nhưng ông Bổn đã chết. Sau Lương thi đỗ được bổ làm thư ký ở Nam Vang nhưng vẫn mang ý định tìm Hoa”.

Chẳng rõ, có ai chịu khó mày mò vào thư viện tìm đọc lại “tiểu thuyết” này không? Chắc không. Tuy vậy, lịch sử văn học, báo chí vẫn ghi nhận bởi đó là sự kiện có tính tiên phong.

Những ngày này, được tặng sách nhiều. Chưa có thời gian để đọc. Lần lượt sẽ đọc thôi. Chẳng vội gì. Đang đọc lại Phan Khôi - viết và bản dịch về Lỗ Tấn. Kinh khiếp với bút lực của một đại văn hào mà Mao Trạch Đông khẳng định: “Khổng Tử là thánh nhân của thời địa phong kiến; Lỗ Tấn là thánh nhân của thời đại vô sản”. Người Á Đông nhìn chung có tâm lý khi cần thì ca ngợi đến chín tầng mây; khi không cần, xúc đất đổ đi, dẫu chỉ là cái bóng của người ấy. Quyền sách này, con trai nhà văn hóa Phan Khôi tặng từ ngày 6.10.2007 nhưng nay mới đọc kỹ. Cái duyên đọc sách là vậy. Phải đến thời điểm có cảm hứng, mới có thể lật từng rtrang. Bằng không, chỉ đưa mắt nhìn, tay không sờ tới.

Đọc và nghĩ, chỉ riêng A Q. chính truyện, ngàn đời sau, nếu dân tộc Trung Quốc còn tồn tại, năm châu bốn biển còn phải nhớ đến Lỗ Tấn. Ngữ ngôn Trung Quốc đã nảy sinh những danh từ như “A.Q thức”, “A.Q tướng”, “A.Q chủ nghĩa”… mà lúc viết, Lỗ Tấn đã có tham vọng “vẽ ra linh hồn của người Trung Quốc”. Việt Nam có Chí Phèo chăng? So sánh nào cũng khập khễnh. Nhân vật A Q. “tung hoàng” nhiều hơn, sắc nét hơn bởi Lỗ Tấn chọn thể loại khác, cả thẩy IX chương, không bó buộc trong sự câu thúc số chữ của truyện ngắn. Hơn nữa, trong con người A Q. còn có cả tính cách lưu manh thị thành của Xuân Tóc Đỏ. Chí Phèo lại không v.v…

Đọc xong, vẫn còn ám ảnh với nhiều chi tiết. Chẳng hạn, sau khi A Q. bị nhiều kẻ đánh nhưng vẫn tự đắc thắng: “Ta cứ coi như bị con mình nó đánh, thế giới ngày nay thật chẳng ra cái quái gì”. Rồi có lúc A Q. lại bị đánh với sự miệt thị “người ta đánh súc vật”. A Q. vẫn không lấy đó là điều. Hắn “Tự nhận mình là loài sâu bọ” - một một cách khôn ngoan chuyển bại thành thắng! Một nhà văn văn bình thường chỉ có thể nghĩ đến đó, viết đến đó, rồi có thể chuyển sang tình tiết khác. Nhưng với Lỗ Tấn lại lạnh lùng khốc liệt hơn. Dù nhận làm sâu bọ, “Đến lần này, A Q. mới hơi cảm thấy cái đau khổ của sự thất bại”. Vậy làm sao chuyển bại thành thắng? Con chữ dựng lên chi tiết kế tiếp khác nào vuốt từng ngón tay trên lưỡi dao lam sắc lẹm. Càng đọc càng rùng mình: “Song le, trong chốc lát, hắn đã trở bại thành thắng rồi. Hắn giơ tay phải lên, ra sức đánh trên má mình luôn hai cái tát, thấy đau nhức nhối. Đánh xong, hắn thấy trong lòng hòa dịu lại, hình như mình là người đánh, còn kẻ bị đánh là một mình khác; chẳng bao lâu, hắn lại mường tượng như chính mình đánh một người nào, mặc dầu còn đau nhức nhối, hắn cũng thư thả nằm xuống với cái dáng hả hê đắc thắng. Hắn ngủ rồi”. 

Mấy hôm nay, ngủ không ngon giấc. Sáng nay, dậy sớm làm bài thơ. Đã chiều rồi. Lại trống rỗng cái linh hồn. Chẳng rõ nó đang lang thang đến nơi nào?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.8.2014


Tối qua, Tẹo - em út, đi công tác châu Âu qua ba nước Pháp, Ý, Thụy Sĩ. Năm nó sinh ra đời, 1968, gia đình "sét đánh ngang tai" là ba y bị bắt đày Côn Đảo. Sau này, tập sách Sáu Hưng - năm tháng cuộc đời (NXB Văn Nghệ - 2009) của nhóm tác giả Hồ Duy Lệ, Bùi Xuân, Lưu Anh Rô, có nhiều trang viết về gia đình y và lúc ba y bị bắt. Hôm kỷ niệm 30 năm NXB Đà Nẵng, ngồi chung bàn với nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ. Chính anh đã lấy tư liệu từ nhiều nguồn nhằm tái hiện Tết Mậu Thân - trận địa trong Đà Nẵng. Anh kể: “Ngày anh đến nhà Q, lúc ấy đã thay đổi nhiều, hầu như không còn dấu tích gì của năm tháng Mậu Thân nữa”. Đúng thế, sau khi ba y bị đày ra Côn Đảo, mẹ y đã cho đập tan hoang ngôi nhà cũ, xây dựng lên ngôi nhà ba tầng mà hiện nay Tẹo và anh ruột y đang ở. Mẹ y bảo, phải làm như thế để thiên hạ thấy dù gì đi nữa, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Anh Hồ Duy Lệ lại bảo: “Nếu Q viết lại hoàn cảnh gia đình Q thì hay quá bởi có nhiều tư liệu mà bọn anh không thể biết hết được”. Y chỉ cười. Nhắc lại ngày tháng ấy, có cần thiết nữa không? Hãy để nó lùi vào quá khứ. Mà quá khứ ấy chẳng là gì so với sau này. Bi kịch còn khốn nạn hơn nhiều. Trang Nhật ký đã nhắc đến lai rai rồi. Không nhắc lại nữa.

Đâu riêng gì y lựa chọn thái độ đó. Ngày kia anh X bảo, các em mình không muốn mình nhắc đến ông bố trên các phương tiện truyền thông nữa. Bố của anh thời chia cắt đất nước, ở ngoài Bắc, xét từ một góc độ nào đó là một cán bộ cao cấp có vai vế, có “máu mặt” đứng đầu đơn vị nọ đến vài thập niên. Hào quang ấy, liệu thời buổi này có cần thiết nữa không? Có lẽ có? Có lẽ không? Tuy nhiên, con cái không hào hứng mấy khi nhắc lại vai trò của ông nữa. Tại sao? Không tò mò hỏi anh X vì sao.

Lúc đi học, thầy Hoàng Như Mai có kể câu chuyện tưởng như đùa. Rằng, thời thanh niên thầy là độc giả thường xuyên của Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tiểu thuyết thứ bảy v.v… Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, có lần thầy tình cờ gặp con trai vị chủ bút ngày trước. Đọc báo và kính phục người làm báo là lẽ thường tình. Thầy vội vàng đến làm quen: “Nhờ đọc tờ báo do bố anh chủ trương, tôi mới nên người như ngày nay. Nếu được, anh cho phép tôi về nhà thắp ông cụ nén nhang tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn”. Thầy nói chân tình, thật lòng chứ không phải khách sáo nhờ vả gì. Nghe vậy, người đó giả lả lái qua chuyện khác. Rồi vài lần sau lại gặp nên đôi bên có mối thân tình. Tuy nhiên, chỉ dừng ở mức xã giao. Ngày kia, thầy nhắc lại nguyện vọng. Nào ngờ, thầy không tin đã nghe rành rọt: “Từ nay, tôi yêu cầu anh không nhắc đến tên bố tôi chỗ đông người nữa. Anh muốn giết tôi đấy à?”. Lúc ấy, ông bố đang trong tầm ngắm phán xét quan điểm này nọ nên cậu con trai mới thốt ra câu ghê người ấy.

Chừng mươi năm trước, nhờ suốt ngày ở thư viện của Trường Đại học Tổng hợp ngấu nghiến sách báo, y phát hiện ra được lai lịch của tờ báo nhi đồng trước năm 1945. Những tư liệu này thú vị quá, y liền công bố sự nghiệp, vai trò tiên phong của ông chủ bút ấy trên tạp chí KTNN. Nào ngờ, ít lâu sau có thông tin các con ông chủ bút xin không nhắc thêm nữa (!?). Tìm hiểu mãi, mới rõ là trong giai đoạn phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, đảo chính Pháp, ông bố mất tích. Cái chết ấy, chưa biết rõ nguyên cớ vì sao? Có nguồn tin, lúc ấy, ông theo Nhật và bị Việt Minh giết. Hư thực ra sao chưa ai kết luận. Tuy nhiên, gia đình không muốn nhắc lại vai trò của ông đã đóng góp cho nền báo chí nước nhà, bởi biết đâu từ chuyện này có kẻ moi lại chuyện cũ thì sao? Họ sợ. Biết đâu chỉ một vài bài báo ca ngợi ông bố mà công ăn việc làm đang thuận lợi lại xáo trộn? Nếu vậy, khổ thân quá. Chi bằng lường trước vẫn hơn.

Trong đời làm báo, y quen biết nhiều người là con cái của các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Có lần chị X bảo, nếu năm 1945, ông bố mình chết quách đi thì hay quá (!?). Do ông bố đi kháng chiến nhưng sau đó “dinh tê” về Hà Nội, rồi vào Nam từ năm 1954. Thế là toàn bộ sự nghiệp của ông thời tiền chiến bị lờ đi, chẳng mấy ai nhắc đến nữa. Ấy là chưa kể, năm tháng ông bố di cư vào Nam thì ở ngoài Bắc, gia đình chị khốn đốn biết dường nào.

Cuộc đời tréo ngoe thật.

Mấy hôm nay, công việc cũng thế. Vẫn viết lai rai. Vẫn lướt web đọc tin tức. Ngày hôm qua, đọc trên trang web Xây dựng Đảng bài viết: “Vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc” của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Trong bài đó có đoạn: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng, chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” (http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2014/7686/Vi-nen-doc-lap-tu-do-cua-dat-nuoc-vi-su-toan.aspx).

Nói thật, lần đầu tiên nghe nhắc đến thành ngữ mới "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...”. Rõ ràng, để làm nên sự thăng tiến, thành đạt thời buổi này đã khác trước. Khác hẳn cái thời: “Nhất nhà mặt phố, nhì bố làm quan” v.v… Cũng lần đầu nghe nhắc đến cụm từ “đạo đức bốn mặt”. Nghĩa là thế nào? Nghe y hỏi, có người giải thích đó là loại cán bộ: “Trước mặt: khen ngợi nức nở, ca ngợi chín tầng mây xanh nhưng sau lưng lại chê bai, nói xầu hết lời. Tục ngữ có câu: “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm” cũng là cái ý này. Trước cấp trên thì khúm núm nịnh hót, để mong đuợc sếp cho cơ hội thăng tiến; truớc dân thì vô cảm, xa dân, mị dân... Giải thích như thế có đúng không? Khoan vội tranh luận, chỉ cảm nhận rằng, tật xấu của người Việt ngày càng biến thái nhiều sắc màu khác nhau. Tại sao?

Nhật ký 22.8.2014 có đề cập đến đề án “Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng”, sáng nay giật thót với các thông tin liên quan như báo NLĐ đăt vấn đề: “Nghi vấn trục lợi từ máy tính bảng: Sở GD-ĐT TP HCM và AIC nói gì?”. Choáng thật. Lại chuyện tiền xen vào, đúng sai thế nào chưa rõ nhưng một nền giáo dục bị nghi vấn chi phối bởi yếu tố này thì cuối cùng chỉ các bậc phụ huynh lãnh đủ. Đáng chú ý, báo TT có bài “Cẩn trọng khi cho trẻ sử dụng máy tính bảng”, y hoàn toàn đồng ý:

“Chỉ nói tới một chuyện là tập viết chữ. Những năm đầu tiểu học, học sinh cần phải được học nắn nót viết chữ cho đúng và đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sư phạm từ ngàn xưa và từ Đông sang Tây đều coi việc tập viết chữ cho trẻ em là vô cùng quan trọng - là chìa khóa cho cả một cuộc đời học tập sau này. Rèn chữ không đơn giản chỉ là viết cho đúng, cho đẹp, mà còn là rèn cả nết người (biết kiên nhẫn, tỉ mỉ, có óc thẩm mỹ...). Từ khi có máy tính cá nhân, ngay cả những người trước đây có nét chữ rất đẹp, nay xài máy tính quen rồi nên viết chữ xấu như gà bới. Vì thế, ý định cho trẻ tập viết trên máy tính bảng, hay bảng tương tác, là điều không tưởng.

Vì sao xưa nay người ta khuyến khích học sinh chép bài, ít nhất cũng là chép tóm lược bài học? Bởi khi chép bài như vậy, học sinh tập trung vào bài học hơn và nhớ lâu hơn. Đó còn là một phương pháp để rèn luyện và phát triển trí nhớ cho con người ngay từ thời nhỏ tuổi. Vì thế, việc dùng bộ nhớ máy tính thay cho bộ nhớ con người là lợi bất cập hại. Trẻ em có thể tiếp cận máy tính bảng từ tuổi nào cũng được, nhưng là với chức năng như một món đồ chơi. Còn sử dụng máy tính bảng như một công cụ học tập chính thức thì phải ở một độ tuổi nhất định nào đó, do các nhà chuyên môn nghiên cứu và khuyến cáo. Có vô số hệ lụy mà người lớn có thể lường trước được do trẻ em lạm dụng máy tính các loại. Trước hết là mắt sẽ bị ảnh hưởng nặng với nguy cơ bị các tật bệnh về mắt như khúc xạ, khô mắt... cao hơn.

Rồi những tia bức xạ nguy hiểm cho cơ thể do tiếp cận gần gũi và thường xuyên với thiết bị điện tử. Học sinh trung học, thậm chí ngay cả sinh viên đại học, còn dễ bị trộm cắp hay bị cướp máy tính thì nói chi tới học sinh tiểu học!”.

Tác giả bài này là nhà báo Phạm Hồng Phước - chuyên về mảng công nghệ và quốc tế; liên tiếp tám năm liền (2007 - 2014) nhận giải thưởng Most Valuable Professional (MVP - tạm dịch: Chuyên viên có giá trị nhất) do Tập đoàn Microsoft trao cho những người có đóng góp, chia sẻ tri thức công nghệ - đặc biệt là về các sản phẩm Microsoft - cho cộng đồng. Thấy “người sang bắt quàng làm họ” là thói xấu của y, vì thế, y khoe rằng, chừng mươi năm trước anh Phước đã hướng dẫn y làm quen với vi tính. Lâu rồi không gặp. “Gặp” bạn bè khi họ xuất hiện trên báo cũng là niềm vui. Sáng nay, đã mua quyển Nguyễn Trãi - quốc âm từ điển (NXB Bách Khoa) của Trần Trọng Dương. Có thể nói, đây là công trình nghiên cứu sáng giá nhất của nền học thuật nước nhà trong vài ba năm trở lại đây. Vì cớ gì, y là khen tót vời đến thế? Sẽ trả lời sau.

Chiều nay, dự kỷ niệm 39 năm thành lập báo TT (2.9.1975 - 2.9.2014)

Đi thôi.

 

kyniem-tt

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.8.2014

 

trao-doi--cung-MC-VTC

 

trao-doi-cung-MC-VTC-1

Những cảnh quay cùng MC Kim Hạnh của Đài TH kỹ thuật số VTC sáng 24.8.2014 tại Khu du lịch Bình Quới 1

 

Đã lâu lắm, mới có được ngày chủ nhật thư thả. Không bận rộn. Không phải cắm cúi gõ từng con chữ. Y xuống Khu du lịch Bình Quới 1. Trời mát. Nhộn nhịp. Một thiên nhiên thoáng mát. Cộng tác với đạo diễn Bích Hạnh của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC về chương trình món ăn Nam bộ. Y trao đổi với MC Kim Hạnh nghe cũng được đấy chứ? Hầu hết là những gì đã đọc từ trong sách. Đêm kia, người bạn quê Bình Dương còn cho biết thêm, nếu ở miền tây Nam bộ nướng cá lóc bằng rơm thì ở miền Đông Nam bộ lại nướng bằng lá măng cụt, bởi loại lá này giữ nhiệt lâu. Chi tiết này, chưa thấy sách nào viết. Người bạn quả quyết, món này, đã ăn mòn răng từ thời thơ ấu nên hãy tin. Do đó, khi nói về món cá lóc nướng trui, y kể vanh vách ra cách nướng từ thuở khẩn hoang đến thời hiện đại. Rồi khi nướng cá, người ta xiên một thanh tre từ họng cá xuống đuôi và nướng. Tóm lại, do đọc nhiều tài liệu nên y có thể nói chuyện ngon ơ. Đọc cả thơ của Viễn Phương:

Bông súng mùa này đã ra bông

Canh chua điên điển, cá rô đồng

Mắm kho cá lóc, nồi cơm mới

Lửa bập bùng sôi, nhớ cháy lòng

Tình yêu quê hương của mỗi người, luôn gợi nhớ từ món ăn mẹ nấu từ thời thơ ấu. Đại khái, y nói thế. Thời thiếu niên, nhà thơ Đông Hồ có viết câu đối: “Thư thất thăng đối vạn hộ hầu” (Nhà sách đủ giàu, hơn đứt tước hầu vạn hộ). Nghe ra bảnh quá. Về già, ông ngẫm lại rằng câu đó: “có ý hơi xược xược, tầm thường của con nhà đọc sách” (Tân văn số Xuân Kỷ Dậu, tr.91). Đúng vậy. Từ sách đến thực tế luôn là một khoảng cách. Lại nghĩ rằng, dẫu có đọc nhão nhừ cả quyển từ điển, chưa chắc đã thấu hiểu sự việc bằng cách tự trải nghiệm. Nói tắt một lời, một kinh nghiệm thực tế, một vốn sống thu thập được trên đường đời đôi khi ích lợi hơn đọc thiên kinh vạn quyển. Cái món cá lóc ấy, sau khi nướng, còn ngon hơn nữa bởi dân Nam bộ ăn kèm các loại rau sống, mà đặc biệt trong đó có các loại đọt non như đọt sộp, đọt chiếc, đọt vừng, đọt chùm ruột, đọt xoài, đọt cóc kèn… Biết thế, nói thế nhưng y đã bao giờ được ăn các loại đột non ấy? Nhất là được ngồi ăn món cá lóc nướng trui giữa ruộng đồng trù phú, gợi cảm gợi tình ở đồng bằng sông Cửu Long, ở “miệt vườn”? 

Sau khi đã nói về món ngon cá lóc nướng trui là thao tác thực tế. Đạo cụ trước mặt y đã có con cá lóc mà thanh tre vạt nhọn hai đầu xiên từ miệng cá xuống đuôi. Nếu chỉ vạt nhọn một đầu thì dễ quá, cứ thể cắm thẳng xuống đất, phủ rơm và nướng là xong. Đàng này, cả hai đầu đều nhọn cả, cứ như đang thử trí thông minh của y. Chẳng ngần ngừ. Chẳng ngần ngại, y lại cắm vạt nhọn thanh tre từ đuôi cá! Thao tác ấy trật lấc. Càng nướng càng thấy rằng lẽ ra phải quay ngược lại, cắm đầu cá chúc xuống đất mới hợp lý hơn. Cái chuyện dễ ẹt ấy, đứa trẻ nào lên năm ở nông thôn lại không biết?  Đấy, đọc sách cho lắm vào. Với nhà văn, lời dặn dò: “Sống rồi hãy viết”, chẳng đời nào thừa cả.

Đọc hàng trăm cuốn sách, thậm chí còn viết cả hàng trăm bài báo tư vấn hôn nhân, tình yêu cho thiên hạ nhưng đến chuyện của mình lại ngắc ngứ. Cứ như gà mắc dây thun. Chiều qua, trả lời phỏng vấn của đồng nghiệp Diễm Chi về quan niệm tình yêu. Lâu lắm rồi, mới có dịp ngồi trò chuyện với nhau và tận mắt chứng kiến bạn mình vẫn còn giữ được phong cách của một nhà báo chuyên nghiệp. Nghĩa là, cô nghiên cứu kỹ về nhân vật, chuẩn bị trước các câu hỏi, rồi trong quá trình trò chuyện lại bổ sung thêm câu hỏi khác. Nhờ vậy sẽ có một bài báo hay, nhiều thông tin lý thú, sống động mà bạn đọc cần biết. Các nhà báo trẻ, bây giờ khác hẳn, họ phỏng vấn nhưng lại không tìm hiểu nhân vật, vì thế người nghe hỏi dễ chán! Đã thế, còn có lúc nghe một đàng nhưng họ ghi một nẻo. Nhiều người cẩn thận bảo, cứ email câu hỏi, sẽ trả lời bởi sợ các nhà báo trẻ ghi sai ý phát biểu của họ.

Những ngày này, nhiều người nổi tiếng qua đời như nhà văn Anh Đức, nhạc sĩ Xuân Giao và bà Võ Thị Thắng - người nổi tiếng với nụ cười tự tin sau khi nghe tuyên án tại tòa án Sài Gòn năm 1968. Thông thường những lúc tang ma, các nhà báo hoặc nhanh chóng viết bài, hoặc đặt người khác viết tin bài chia buồn. Tất nhiên, người được đặt bài phải hiểu, thân tình với người quá cố. Đêm qua, anh bạn nhà thơ cũng là nhà báo kể lại câu chuyện, nghe xong nhói lòng. Ở đây, cho phép y giấu biệt thời gian diễn ra, tên tuổi cụ thể. Rằng, anh đã gọi điện thoại đặt bài đến 8 người từng quen biết, cùng thế hệ với người đã khuất. Thế nhưng cả thẩy đều từ chối phắt. Gặng hỏi mãi, họ úp mở đại ý, thời còn sống người đã khuất ấy từng sát phạt đồng nghiệp dữ quá. Do đó, bây giờ không việc gì họ phải khóc - dẫu rằng khóc bằng một bài viết có nhuận bút hẳn hòi! “Nghĩa tử, nghĩa tận” đâu rồi? Từ câu chuyện có thật này, y nghĩ khi còn sống hãy sống thế nào để lúc mất đi được các bằng hữu, người dưng nước lã khóc cho một tiếng là điều đáng suy ngẫm.

Đã chiều. Trời đã chiều. Ngòai trời đang mưa. Ghi lại một chi tiết nhỏ. Cũng thú vị.

Như đã biết, phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam do Tiến sĩ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo, ông bị triều đình Huế xử chém vào ngày 1.10.1887; phong trào Cần Vương do ông vua kháng chiến Hàm Nghi khởi xướng tổn thất nặng nề khi ông bị bắt vào đêm 30.10.1888 rồi bị đày ở Algérie. Tình hình chính trị ở Trung kỳ lúc ấy tương đối ít nhiều “lập lại trật tự”. Triều đình Huế lại mở khoa thi. Chuyện này, bình thường thôi. Có đáng nhắc lại không?

Thì đây: “Khoa thi hương Mậu Tí, Đồng Khánh năm thứ ba, hai trường Thừa Thiên, Bình Định thi chung tại trường Thừa, gọi là “Thừa Bình hiệp thí” lấy đỗ đến 50 cử nhân, 150 tú tài, làm cho sĩ phu rất là mãn nguyện, dư luận rất là thỏa thiếp. Họ đua nhau ca tụng ông vua mới vẽ mày vẽ mặt cho họ mà quên bẵng ông vua cũ vừa bị đày đi. Họ cũng không còn nhớ mới vừa rồi cơn quốc biến mà vì đó họ đã khởi nghĩa cần vương. Tôi nói thế, bởi tôi thấy trong đám họ có người năm trước ra đầu thú rồi năm sau thi đậu” (1). Qua mẩu hồi ký của nhà văn hóa Phan Khôi, thấy rằng, làm chính trị như “con rồng tre” Đồng Khánh là siêu quá, phải không? Chỉ cần hào phóng ban cho một chút tẹo danh phận là có thể “thu phục nhân tâm” được tầng lớp trí thức cứng đầu, đại diện cho lớp người “có học” trong xã hội. Chỉ ban bố một chú xíu lợi lộc là họ có thể nhanh chóng  “trở cờ”, thay lưỡi “đổi giọng” ngay đấy thôi.

Hạng “kẻ sĩ” ấy, thời nào cũng có chăng?

 

L.M.Q

(1) Lại Nguyên An - Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1937, NXB Trí Thức -  2014 - tr.173).

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.8.2014

 

Loay hoay. Ùn tắc. Nhùng nhằng. Sường sượng. Dật dờ. Ấm ớ.  Quệch quạc. Huếnh hoáng. Trì trệ. Đại khái thế. Ấy là cảm giác chung khi nhìn về chuyện sách giáo khoa (SGK), dụng cụ học tập tập trong nhà trường.

Chẳng rõ các chuyên gia giáo dục tài ba của nước nhà lúc du lịch, tham quan, học tập, nghiên cứu, điều nghiên ở xứ người có học được gì không? Chuyện biên soạn sách giáo khoa đã xưa như trái đất mà vẫn còn làm “nóng” nghị trường. Nhật ký 17.10.2013, có đoạn: “Sao lại không làm như trước năm 1975 tại miền Nam: Bộ GD & ĐT công khai chi tiết đề cương tiết học, phần học, môn học... của các chương trình từ lớp 1 đến lớp 12. Căn cứ vào đó, các nhà giáo dục sẽ biên soạn sách giáo khoa rồi in ấn, phát hành. Bộ sách nào tốt, bám sát đề cương của Bộ ắt các nhà trường và học sinh sẽ chọn. Cách làm này, nhằm phá thế độc quyền biên soạn sách và ấn hành sách giáo khoa lâu nay chỉ thuộc đặc quyền, đặc lợi của một nhóm người, một nhà xuất bản. Khi có chính sách tạo điều kiện cho các nhà mô phạm cùng tham gia, chắc chắn sách giáo khoa sẽ phong phú, đa dạng hơn nhiều”.

Xu hướng tích cực này có thể trở thành hiện thực?

Tháng 6 vừa qua, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ nghiêng về phương án Bộ sẽ không biên soạn SGK khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Thế nhưng, ngày 20.8.2014 tại phiên họp Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực thì sao? Theo đó, người ta đề ra 2 phương án: “Phương án 1 là Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phương án 2, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề án cũng nêu rõ quan điểm nghiêng về phương án 1 vì có ưu điểm, Bộ GD-ĐT chủ động có SGK trong quá trình chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình mới” (báo TN ngày 22.8.2014).

Rõ ràng, chẳng có gì thay đổi.

Thời y đi học, những năm tiểu học, SGK là nhà trường cho mượn, thầy dặn giữ gìn cẩn thận, không viết bậy, không làm rách vì qua năm sau thế hệ đàn em sẽ học bộ sách đó. Ý thức tiết kiệm, giữ gìn sách đã gieo vào trí óc đứa trẻ ngay từ lúc hỉ mũi chưa sạch. Nay khác hẳn. Bộ sách SGK đang học, qua năm sau có thể chẳng cần thiết nữa bởi lại “cải cách”, lại “đổi mới”, biên soạn lại bởi thiên hạ kêu gào về chất lượng của nó. Không gì vô lý hơn, lãng phí hơn cứ mỗi năm lại bỏ tiền mua bộ SGK mới. Nghĩ cho cùng, chỉ làm lợi cho sự độc quyền của một nhóm người. Chẳng lẽ, cả đất nước hơn 4.000 năm văn hiến mà nhân tài, trí lực, tri thức chỉ thuộc một nhóm người thôi sao? Sao không có chính sách huy động, khuyến khích, kêu gọi các nhà mô phạm nặng lòng với nền giáo dục nước nhà cùng tham gia biên soạn SGK như phương thức của miền Nam đã làm trước 1975?

Có những câu hỏi chỉ là tiếng gió vô nghĩa lý ngoài đồng nội rồi tắt tiếng. Chẳng có câu trả lời vọng lại.

Đã thế, đùng một cái, người ta hô hào, áp dụng SGK điện tử. Sự kiện này được ghi nhận vào sáng 26.6.2014 tại Hà Nội, lần đầu tiên NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT đã ra mắt sách giáo khoa điện tử (classbook). Có là cú tát vào mặt lớp người cùng đinh trong xã hội? Con em nhà nghèo, con em nông thôn, con em vùng sâu vùng xa choáng váng. Thiệt thòi ghê gớm! Nhà không đủ ăn, ngay cả SGK giấy đã là một gánh nặng, nay phải sắm SGK điện tử là một áp lực oằn lưng! Nói  như thế không phải đùa. Hiện nay vẫn có những nơi cả xã, làng không hề có một thư viện, có những vùng “trắng” sách, có những nơi muốn đến trường phải đu dây qua sông, qua suối! Họ còn nghèo lắm. Sự bất công trong bất kỳ chế độ nào cũng là tội ác. Liệu có là bất công khi hai em học trò cùng vùng quê, ngồi chung một bàn nhưng em này sử dụng SGK giấy; em kia lại SGK điện tử? Sự khác biệt ấy có phải là nỗi đau của một nền giáo dục vì con người hay không?

Chưa hết, mới đây tại TP.HCM đã tổ chức hội thảo đề án thí điểm chương trình SGK điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học. Nghe lạ tai quá. Vâng, xin nhắc lại: “SGK điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học”. Lý do đưa ra là SGK điện tử sẽ xóa bỏ những hạn chế của SGK truyền thống như cồng kềnh, cập nhật chậm, thể hiện đơn điệu, khó tra cứu, không tương tác... nhưng vẫn quản lý được học sinh khi tiếp cận với thế giới mạng. Nghe có xuôi tai không? Một đứa trẻ tiểu học có cần phải cấp thiết làm quen với sách điện tử? Riêng y vẫn quan niệm rằng cùng đứa trẻ đi chợ, xuống phố, ngao du sơn thủy, giúp nó tự trải nghiệm, quan sát hình ảnh thật, thiết lập mối quan hệ giữa người và người trong cuộc sống vẫn cần thiết hơn cả. Lứa tuổi ấy chưa cần phải tối tăm mặt mày chúi đầu chúi mũi vào sách. Lứa tuổi ấy cần "học mà chơi, chơi mà học". Hơn nữa làm quen sớm với các thiết bị điện tử có lợi cho mắt trẻ em không? Nếu có ai làm cuộc khảo sát, nghiên cứu tại sao học trò ngày càng nhiều em bị cận thị ắt có câu trả lời.

Chưa hết, Sở GD-ĐT TP.HCM lại đưa ra đề án “Mỗi học sinh tiểu học phải sắm một máy tính bảng”! Các phụ huynh có đồng tình không? Báo TN (ngày 22.8.2014) nêu ý kiến của chị Nguyễn Thị Minh Châu ở Q.7, TP.HCM: “Con tôi nay 6 tuổi. Ở nhà cháu rất thích xài máy tính bảng. Tôi nhiều lúc ngăn cản, thậm chí dùng đòn roi để răn đe. Nhưng sau đó, cháu vẫn trở lại như cũ. Mục đích cháu dùng máy tính bảng chủ yếu là chơi game và xem những bài hát tự tạo của giới trẻ. Nhiều phụ huynh chưa có cách nào để ngăn con mình tiếp xúc nhiều với máy tính bảng thì ngành giáo dục lại khuyến khích, thật không hiểu nổi”.

Nào có phải riêng chuyện này, đi trong dòng đời mỗi ngày, có những lúc lại tặc lưỡi: “Thật không hiểu nổi”. Không hiểu nổi nhưng rồi sự việc cứ diễn ra, cứ như thế. Rồi từ bất thường trở nên bình thường; từ xúc cảm hóa ra vô cảm. Ngày từ ngày, chẳng mấy chốc nghiến hết một đời người. Mới ngày nào còn níu áo mẹ đi đến trường Nam Tiểu học, nay đã già khú! Mà vẫn còn nhớ đến nhiều bài tập học thuở ấy. Nay lại sắp Trung thu. Bèn chép lại bài Trăng thu hồi học lớp 4. Hợp cảnh hợp tình hết sức:

Trăng thu chiếu rọi hiên nhà

Chúng em tíu tít đòi ba đốt đèn

Trống lân vừa mới vang lên

Em Hiền, em Thảo, em Liên cuống cuồng

Chúng em vội chạy ra đường

Nhập bọn cùng với con Hường, con Xuân

Lời ca hòa lẫn trống lân

Âm thanh nhộn nhịp, lan dần khắp nơi

Đêm khuya sương bắt đầu rơi

Nến hết, trăng tỏ, cuộc vui cũng tàn

Xóm nghèo trở lại mơ màng

Chìm trong sương lạnh, ngập tràn ánh trăng

Với bài tập đọc này, ắt có người đang thèm bánh trung thu nhưng vẫn chưa chịu nói ra. Lạ nhỉ?

Ngày hôm nay làm gì? Trưa vào cơ quan ăn cúng cô hồn của ban PNO. Chiều thứ 7 có hẹn làm việc. Chiều chủ nhật dẫn chuyện cho Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC chương trình Phong cách ẩm thực Nam bộ. Vừa đọc tìn nhắn, nhà văn Anh Đức mới qua đời.

Loay hoay sắp hết một tuần.

 

DSCN0622RR

Sách giáo khoa tại miền Nam trước năm 1975. Tư liệu LMQ

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.8.2014

 

Ngày cũng ngày. Chẳng gì mới. Tự dưng lại nghĩ đến ca từ “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Phải là tâm trạng của một người yêu đời ghê gớm lắm? Niềm vui ở đâu mà lắm thế? Tiếng ca hoan lạc, đôi khi thốt lên cũng đã khôn ngoan nhìn trước ngó sau. Không như thế. Khó tồn tại. Nhất là trong đời sống hiện tại. Phải còn lâu, rất lâu nữa con người ta mới có thể chấp nhận tiếng nói phản biện. Chưa cần phải thế. Chỉ cần chấp nhận nói đúng những gì đã nghĩ. Chứ không "ăn theo nói leo" có tính chất thời vụ, phong trào. Đôi khi nghĩ rằng, y mâu thuẫn quá. Không muốn đọc báo chí hằng ngày đặng nhìn đời sống nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi, cũng không thể. Biết được thông tin này, thông tin kia, thử hỏi để làm gì? Tự dưng chuốc lấy sự phiền muộn mỗi ngày. Quá vô ích. Quá vô tích sự. Nói thì nói thế, nhưng rồi, mỗi ngày lại đọc.

Buồn cười nhất sáng nay, hầu như các báo đều phản ánh về… lễ sinh nhật Hai Bà Trưng. Theo báo TN: “Hôm qua, UBND TP.Hà Nội có Văn bản 6201 cho biết: “Do nhiệm vụ đột xuất, UBND TP và T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ VN thống nhất chưa tổ chức các hoạt động lễ kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh nhật Hai Bà Trưng”, trong khi giấy mời đã được gửi đến các ban ngành, đoàn thể. Trao đổi với Thanh Niên chiều 19.8, ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết trước đó Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, UBND huyện Mê Linh và Sở VH-TT-DL Hà Nội đã đề xuất nhân ngày đón nhận di tích lịch sử quốc gia thì kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của hai Bà. Trong hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt với đền Hai Bà Trưng, có nhắc chi tiết hai bà là chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14 (âm lịch), mất 8.3.43. “Ban đầu thành phố nhất trí đề xuất vì đề nghị này xuất phát từ tinh thần yêu nước truyền thống, nhưng sau đó cân nhắc chuyển sang năm 2015”, vì theo ông Long, có ý kiến của một số người có trách nhiệm nói Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào năm 40, sang năm là năm chẵn (1.975 năm) kỷ niệm kết hợp cho đỡ tốn kém. Ngoài ra, trên thực tế với các nhân vật lịch sử, chỉ kỷ niệm ngày hóa, ngày mất, không ai kỷ niệm ngày sinh. Về tính xác thực của ngày sinh Hai Bà Trưng, theo ông Long, “đây là con số từ dã sử, truyền thuyết dân gian nên không thể khẳng định tính xác thực được”.

Lưu ý, phát ngôn trên: “Ngoài ra, trên thực tế với các nhân vật lịch sử, chỉ kỷ niệm ngày hóa, ngày mất, không ai kỷ niệm ngày sinh”. Có đúng "không ai kỷ niệm ngày sinh"  không? Chà, không rõ, tại cớ làm sao mà những cơ quan lớn của nhà nước đến nay vẫn không hiểu ra một lẽ rất đơn giản mà GS Lưu Trần Tiêu đã khẳng định trên báo TT sáng nay: “Ngày sinh của Hai Bà Trưng được nêu ra như một huyền thoại, là những người thẩm định hồ sơ, chúng tôi tôn trọng huyền thoại. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn nó là lịch sử. Không nên để lịch sử và huyền sử lẫn lộn, làm cho tính khoa học của lịch sử bị mai một”.

Về lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, lâu nay đã diễn ra bình thường. Lễ kỷ niệm hằng năm là kỷ niệm giá trị cốt lõi tinh thần quật khởi của một dân tộc đã khởi nghĩa chống xâm lược đầu tiên do phụ nữ lãnh đạo. Cốt lõi ấy quan trọng nhất, chứ không phải mày mò đi tìm ngày sinh tháng đẻ của vĩ nhân. Ngày sinh, nếu biết càng tốt, nếu không, như trường hợp Hai Bà Trưng từ ngàn xưa đến nay vẫn lễ kỷ niệm trang trọng chứ cần gì phải xác định mơ hồ "sinh ngày 1.8.14 (âm lịch)". Thử hỏi, cụ thể ai là người có “sáng kiến” ký văn bản rằng thì là mà Hai Bà Trưng “chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14 (âm lịch), mất 8.3.43” (!?). Không chuyện gì là không thể xẩy ra. Các nhà văn dẫu có trí tưởng tượng quái đãn nhất cũng chỉ xách dép chạy theo hiện thực. Càng ngày chúng ta càng quên đi tiếng cười rồi chăng? Nếu không, tại sao không có một nhà văn tầm cỡ như Azit Nêxin đồng hành? Nguyễn Công Hoan là Azit Nêxin của Việt Nam, tất nhiên chỉ với các truyện ngắn trước năm 1945. Ngày kia ngồi lai rai với N.M.N, anh nói cà rỡn: “Vì sao báo cười hiện nay kén người đọc; hoặc có đọc nhưng vẫn không cười nổi?”. Chưa kịp trả lời, anh nói luôn: “Đọc nguồn tin chính thống, có những thông tin đã khiến cười no rồi, cần gì đến báo cười nữa!”. Nói như Tản Đà, anh vừa dứt lời, y bèn “bược cười”!

Những ngày này, dư luận đồng tình với Văn bản 2662 của Bộ VH-TT-DL “về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Thật ra vấn đề này, vài năm trước báo TT đã lên tiếng phê phán rồi. Nay đi đâu cũng thấy sư tử đá Trung Quốc (Quái, có báo chỉ dám nói mé mé “sư tử lạ”, “sư tử ngoại lai”. Sao không gọi đúng tên?). Mấy con sư tử đá đó gương mặt dữ dằn lắm. Cứ như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Theo các nhà nghiên cứu, tính bản địa của tâm hồn dân tộc Việt là con nghê. Tất nhiên còn có cả chó, ngựa, sư tử, cọp… nhưng hoàn toàn khác với nét chạm trổ, điêu khắc của người phương Bắc. Từ sự lên tiếng này, anh bạn Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc NXB Trẻ phát biểu nghe được quá: “Sau khi đọc Báo Thanh Niên, tôi nghĩ đến việc cần phải góp phần nhỏ bé trong cuộc đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa”. Mình phê bình là đúng rồi nhưng phải góp mỗi người một tay, tham gia xây dựng. NXB Trẻ hy vọng được cùng các tác giả, họa sĩ làm một bộ sách tạm gọi là “linh vật Việt - truyền thuyết và ý nghĩa”. Nếu duyên phận đầy đủ thì Tết có thể ra và phục vụ cho độc giả”.  Đúng quá, các vị tiến sĩ, các nhà nghiên cứu nghĩ gì với lời đề nghị chính đáng này?

Lại thêm một ý kiến của doanh nhân Vũ Linh Phương cũng đáng chú ý: “Một lần nữa, phải cám ơn giàn khoan Hải Dương-981 đã thức tỉnh lòng tự trọng và tinh thần yêu nước của người Việt. Giàn khoan xâm lược đã nói hộ bản chất thật của người bạn láng giềng. Nhờ giàn khoan, bạn xem đài không chết ngộp vì “mở tivi là thấy phim Tàu”. Nhờ giàn khoan, người Việt giật mình nhận ra “sự xâm lấn toàn diện và liên tục nhiều năm qua” của người láng giềng khổng lồ. Họ kiên trì, tinh vi, khôn khéo và cả trắng trợn, bất chấp thủ đoạn. Từ lũng đoạn kinh tế, thao túng thị trường, phá hoại sức khỏe, xâm lăng văn hóa và xâm lược biển đảo. Lúc âm thầm dỗ dành, khi công khai đe nẹt. Nhất nhất mọi lĩnh vực trong cuộc sống của người Việt đều có “dấu ấn Tàu” (Xăm lăng văn hóa - TNO ngày 20.8.2014). Vâng, "dấu ấn Tàu" thể hiện qua vật chất cụ thể thì đã rõ. Chỉ sợ trong tâm thức, nhận thức, suy nghĩ thầm kín vẫn tồn tại "dấu ấn Tàu" thì có cách gì gột rửa?

 

nghe-doi-Le-R

Đôi nghê gốm thời Lê - Mạc, nguyên gốc có bệ đốt trầm bên dưới - Ảnh: Bùi Hoài Mai


Chiều rồi. Tình cờ vào mạng gặp lại người quen: Vương Trí Nhàn. Hôm kỷ niệm 30 năm báo TTC có hỏi anh Lại Nguyên Ân: “Ông Nhàn dạo này thế nào”. Anh lắc đầu bảo, không biết nữa, lâu rồi chẳng gặp mà cũng chẵng thấy xuất hiện nơi đám đông. Thì ra thế. Vào trang cá nhân của anh xem vậy. Sau đây là những dòng Nhật ký xã hội của anh viết viết từ năm 2005 đến 2008. Chọn ngẫu hứng:

“Ngày 21-2.2005: Trước 1975, ở cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội chúng tôi, Nguyễn Minh Châu nổi tiếng là … hay sổ ra những câu ngược đời. Chẳng hạn trong khi ai cũng nói là mùa xuân đẹp mùa xuân mơn mởn sức sống, thì có lần ông cho mọi người thất vọng bằng một câu xanh rờn:- Chính ra ở mình, mùa xuân lại là mùa bẩn nhất. Đấy các ông các bà thử nhìn xem đường xá lầy lội có kinh không? Làng nào còn ít bụi tre, thì xuân này lá tre rụng đầy đường, mà chính các thân tre lại xơ xác trông chán chết đi được!

Lúc nghe, vì quá sốc nên thường chúng tôi không nói gì. Chỉ khổ một nỗi về sau nghĩ kỹ lại, thấy đúng. Đôi khi ngại xuân thật ! Mưa phùn gió bấc, hơi một tí thì lạnh, hơi một tí lại nóng. Vừa trở gió, cửa nhà đã nhoe nhoét vì nồm. Muỗi ở đâu ra mà dầy như trấu. Nỗi sợ viêm họng với sợ sưng phổi làm người ta quên cả ngắm cảnh đẹp. May lắm thì chúng tôi chỉ còn tự an ủi, thực ra mùa xuân quá nhiều vẻ. Nó mang trong mình quá nhiều tiềm năng. Cũng giống như việc đời, nó đỏng đảnh, nó bất trắc. Tức là luôn luôn có thể thế này và có thể thế khác, đẹp đấy mà cũng nhếch nhác ngay đấy.

29-3.2005: Cảm tưởng của một Việt Kiều là bà Thái Kim Lan vốn người Huế sống lâu nay ở Đức ( TT&VH 29-3):“Mỗi khi bước chân ra đường, nhìn thấy thanh niên đông chật trong các quán cà phê ở khắp ba miền, ngay cả Huế nữa, tôi rất buồn. Hình như họ không có đủ tri thức để kiểm soát hành vi sống của mình, họ biến mình thành người nhàn rỗi ( VTN gạch dưới ). Đây là một vấn đề lớn của xã hội mà nguyên do là do chúng ta chưa tạo ra được một nền tảng xã hội thích ứng cho việc giáo dục con người một cách toàn diện.” 

Quả có thế thật. Nhiều người chúng ta đang sống lờ đờ qua ngày, thế nào cũng xong. Không ai đọc sách, rỗi chỉ tán chuyện. Cơ quan hành chính mà 9 giờ còn có người chưa bắt đầu làm việc, nhưng độ 11 giờ đã chuẩn bị cơm nước buổi trưa rồi, cần tiếp ai họ khó chịu ra mặt.

Báo chí đang nói đến chuyện dùng xe công đi lễ chùa và chỉ nhấn mạnh tới khía cạnh dùng xe công ; nhưng tôi tưởng còn phải lưu ý: một số làm việc đó ngay trong giờ công. Nghĩa là họ bỏ bê bao việc.

“20-8.2005: Không kể sản xuất chắc chắn có khó khăn mà đời sống mỗi người dân thường cũng bị ảnh hưởng. Thịt ở các chợ Hà Nội tăng trung bình khoảng 5.000đ một kg. Gửi xe nhiều chỗ đã lên 2.000 đ. Trước sau cái gì cũng lên hết ! Thế nhưng khi tôi tỏ ý lo ngại không biết mai đây ra sao thì một người bạn thuộc dân giáo viên cấp hai đã cho mấy câu ráo hoảnh: -Dào ôi, có mà lo bò trắng răng ! Người ta tăng giá thì mình cũng tăng giá lại. Bà bán phở tăng giá bát phở thì vợ tôi bán thuốc tăng giá thuốc, còn tôi phải quát học phí con các ông các bà cao hơn. Rồi chắc chắn giá mua bằng rởm lớn hơn, tiền chồng cho mỗi vụ chạy quyền chạy chức nhiều hơn. Rồi từ người tham nhũng đến thằng ăn cắp sẽ bớt phân vân khi hành sự. Rồi còn là tiếp tục chặt phá rừng với lại lấn chiếm đất công để kiếm chác. Chả ai chết cả, còn như đất nước có xơ xác hơn, thì đã có cách … cùng nhắm mắt lại, coi như không có, thế là xong chứ gì !
ùn tắc nơi nơi
ùn tắc hàng ngày”

9-1.2006: Bên cạnh sọt rác, các gia đình Hà Nội trước đây thường có thêm thùng nước gạo để chứa các loại thức ăn thừa. Sẽ có người đến đấy lấy để về nuôi lợn. Bù lại, người ta nộp cho chủ nhà mỗi tháng vài cái chổi. Bây giờ thức ăn thừa nhiều hơn, nhưng ở nhiều gia đình, một chỗ để cái túi ny lông rác đã khó, nói chi thùng nước gạo. Nếu không phải tống xuống cống thì cũng vứt vào rác hết. Có lẽ các bạn trẻ nhìn đây là chuyện bình thường, nhưng với lớp già chúng tôi, nhìn cơm thừa canh cặn lẫn với rác cứ thấy ghê ghê. Lại nhớ cái câu các cụ hồi trước vẫn dạy, một hột cơm rơi cũng phải nhạt vào một chỗ, người không ăn thì con gà con lợn nó ăn, vứt đi phải tội. Ngày nay chẳng ai còn nghĩ thế nữa.

10-1.2006: "Nguyễn Công Hoan có một truyện ngắn mang tên Giá ai cho cháu một hào. Một đứa nhỏ đi ăn cắp bị giải về quê. Nó than thở mỗi lần như thế này, nhà nước tốn về nó có đến bảy tám đồng bạc trong khi đó giá có ai cho nó một hào làm vốn, nó có đôi thùng đi gánh nước thuê, thì cũng chẳng đi ăn cắp làm gì. Đại ý thiên truyện: do tiếc những món nhỏ, người ta lãng phí những món rất to mà không hay biết.
Có nhiều hiện tượng có thể làm chứng cho nhận xét trên đây của Nguyễn Công Hoan. Một trong nhiều loại quà tặng mà những người làm nghề như tôi hay nhận được là những cái cặp đựng tài liệu. Mỗi ngày cặp lại được cải tiến cho đẹp hơn. Chỉ tội một nỗi nhiều khi cặp còn đẹp mà khoá đã hỏng. Phải vứt cả cái cặp đi luôn vì bây giờ loại thợ nhận chữa cặp khoá không có và nếu có thì họ cũng chỉ làm quấy làm quá để mình …vứt đi sớm.

21-7.2006: Qua đài và báo,thỉnh thoảng lại thấy nói có huyện lỵ nọ mới chuyển thành thị xã, và thị xã nọ vừa trở thành thành phố. Nhưng cứ nhìn Hà Nội thì biết, thành phố của chúng ta là nơi dân nông thôn đổ lên bán hàng rong và kiếm việc, còn dân đô thị lâu năm sắn sàng bắc bếp than để đun nấu ngoài vỉa hè, và nhiều con đường ở các quận mới thì cả cái vỉa hè theo đúng nghĩa của nó cũng không có nốt.Tức là song song với quá trình đô thị hóa nổi lên thì còn có một quá trình nữa đang âm thầm diễn ra ở dưới bề sâu, đó là quá trình nông thôn hóa các đô thị cũ. Chẳng ai được lợi trong chuyện này cả, đúng ra là chẳng ai muốn song sức đâu mà cưỡng lại được !

22-7.2006: Trong khi đô thị khổ vì sự xâm nhập vô lối của nông thôn thì người dân nông thôn lại đau khổ vì xu thế ngược lại. Trên tạp chí Tia sáng số ra đầu tháng 6-06, tôi đọc được bài viết kể rằng ở Trung quốc hiện nay, người ta nhận ra có cả một xu thế đổ ra thành phố rất đáng sợ. Người giàu đổ về thành phố để buôn bán. Người có tri thức đổ về thành phố để khai thác cho hết tài năng và sống kịp trào lưu thế giới. Nói chung là người khôn ngoan đổ hết về thành phố vì ở đó họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó trước kia. Cho đến đàn bà con gái xinh đẹp giỏi giang cũng đổ hết ra thành phố vì chỉ ở đó họ mới vùng vẫy hết tiềm lực sẵn có. Giống như một thứ bã, nông thôn sẽ chỉ còn những gì cổ lỗ, ù ì, kém năng động và thiếu khả năng thích ứng. Bài viết có cái tên mang tính cách một dự đoán: Nông thôn Trung quốc sẽ ngày càng buồn bã hơn. Tôi đọc mà thấy cám cảnh cho nông thôn Việt Nam ! Chạy đâu cho thoát?!

Có phải nhớ lắm khổ nhiều?

“15.9.2008:Theo nhà văn hóa Phan Ngọc, khi tìm hiểu thư mục di sản văn hóa Hán Nôm Việt Nam thì trong số 6000 quyển sách tạm gọi là tiêu biểu cho tâm thức của trí thức Việt Nam trước khi tiếp xúc với văn hóa Pháp có quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương hàn lâm. Không có cách nào chối cãi đây là một nền học vấn để làm quan!
Phần còn lại theo những thư mục như sau: Chính trị 99 quyển nói về bang giao, quan chức; Địa lý 267 quyển nói về bản đồ, địa lý toàn quốc, địa lý địa phương; Kinh tế gồm 90 quyển nói về nông nghiệp, thủ công nghiệp; Lịch sử 964 quyển gồm các quyển sư, các sử liệu, các gia phả; Binh thư có 23 quyển; Tôn giáo, tư tưởng có 898 quyển; sách y dược có 395 quyển.

Và như vậy không có một quyển nào nói về thương nghiệp, về kỹ thuật chế tạo công cụ sản xuất hay máy móc, tàu bè… Đây là cách nhìn quan lại, không phải cách nhìn của người sản xuất.

Tuy nói là trọng nông, nhưng trong 70 quyển thuộc loại nông nghiệp có 9 quyển nói về địa bạ, 4 quyển về cách kê khai ruộng đất, 5 quyển về đê điều, 18 quyển về việc đóng thuế, còn lại là nói về các thổ sản. Toàn bộ kinh nghiệm nông nghiệp của một nước cực kỳ phong phú về mặt này đã không được nhắc đến.

Trong sách về thủ công nghiệp chỉ thấy nói về tiểu sử các ông thành hoàng các nghề, có sự liên kết các nghề ở từng địa phương nhưng không có một chỉ dẫn nào về kỹ thuật trong khi người thợ thủ công Việt Nam nổi tiếng với bàn tay vàng khéo léo. Không có sách dạy nấu ăn tuy các cụ rất thích ăn ngon và cũng chỉ có vài quyển nói về tạc tượng Phật (Theo Phan Ngọc - Bản sắc văn hoá Việt Nam -  NXB Văn học, Hà Nội 2006).

Suy nghĩ của anh Vương Trí Nhàn về những vấn đề trên, nay đã thay đổi rồi chăng? Trời đã chiều. Tiếng chuông bên chùa vọng sang. Nghe buồn buồn.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.8.2014

 

nhavanBinh-Nguyen-Loc

Nhà văn Bình Nguyên Lộc (Tạp chí Văn, Sài Gòn, 16.5.1974). Tư liệu L.M.Q

 

Hôm kia, anh em VTV9 nhờ tìm một nhà văn tiếng tăm cho chương trình văn học nghệ thuật số tháng 10.2014. Loay hoay mãi, rồi cũng thống nhất chọn nhà văn Bình Nguyên Lộc. Lâu nay, người ta ít nhắc đến, dù tác phẩm của ông vẫn tái bản lai rai. Tuy nhiên, quyển sách tầm cỡ nhất và khiến các nhà ngôn ngữ học phải kinh ngạc là Lột trần Việt ngữ chưa thấy in lại. Vẫn có thể tìm đọc trên mạng. Nhưng cầm quyển sách đọc nhẩn nha vẫn thú hơn. Có những nhà văn chỉ là nhà văn. Họ có thể dẫn dắt người đọc đi vào thế giới văn chương bằng số phận các nhân vật thông qua các tình tiết, cốt truyện… Có những nhà văn không chỉ có thế, sự hiểu biết, kiến thức uyên bác đa chiều, đa dạng đã nâng họ lên tầm cỡ, tầm vóc nhà văn hóa. Bình Nguyên Lộc là nhà văn hóa tiêu biểu của miền Nam. Ông viết nhiều lắm, xét về số lượng thì không thua gì Tô Hoài, Lê Văn Trương, Hồ Biểu Chánh… Thời Sơn Nam ở chiến khu lên Sài Gòn lập nghiệp năm 1954, Bình Nguyên Lộc đã giúp đỡ nhiều, kể cả hướng dẫn cách chọn đề tài phù hợp với báo chí Sài Gòn. Giấy tờ ghi Bình Nguyên Lộc sinh năm 1915, thật ra ông sinh ngày 7.3.1914, sinh tại làng Tân Uyên, tổng Chánh Trung Mỹ (Biên Hòa). Trao đổi với nhà văn Nguiễn Ngu Í, ông cho biết: "Gia đình tôi còn giữ được gia phả mười thế hệ ở Tân Uyên". Rõ ràng, gốc tích của ông gắn bó với miền Nam đã xa xưa lắm rồi. Đến nay, vẫn chưa mấy ai bỏ công nghiên cứu thấu đáo về sự nghiệp Bình Nguyên Lộc.

Có lần nghe ai đó nói, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc ông là bác sĩ Tô Dương Hiệp có thời gian làm giám đốc Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài.  Dừng lại một chút, ông  Nguyễn Văn Hoài là ai?

Đọc lại báo Bách Khoa số 149 (ngày 15.3.1963) có bài Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài - người thầy thuốc hiến trọn đời mình cho một hạng người bạc phước của nhà văn Nguiễn Ngu Í. Ông Í - cậu ruột bác sĩ, thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết đáng tin cậy, vì hơn ai hết, ông từng là bệnh nhân nhiều lần lui tới nơi này chữa trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài sinh tại ngày 7.6.1898 tại Long Châu, tỉnh Vĩnh Long. Ông Í viết: “Người trai Vĩnh Long ấy thật là một người kì cục. Lắm người thân (trong vòng bà con cũng như trong vòng bè bạn, thuộc viên) đã nửa đùa nửa thật gán cho cái tĩnh từ… “gàn”. Sở dĩ bị gọi là “gàn” vì ai đời một người từng sang Pháp học tại đại học đường Sorbonne nhưng: “Khi trở về nước, năm 1930 lại xin bổ nhậm tại nhà thương điên Biên Hòa, vì “không ai chịu đến nơi ấy, thì mình đến vậy”. Nhưng một khi tự nguyện vào cái “thế giới người điên” nọ, thì người thầy thuốc tuổi vừa trên “tam thập” ấy lại tỏ ra sáng suốt hơn người thường. Ông đọc trong sách báo, ông học ở các bậc đàn anh, ông quan sát bịnh nhân trong mấy năm trời, để quyết tâm hiến trọn đời mình làm sao cho cái “địa ngục nhốt người điên” biến thành cõi “thiên đường” cho người đi dưỡng trí”.

Cũng theo tài liệu của ông Í: “Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài mất sáng ngày 28-5-1955, lúc 5 giờ, vì đứt gân máu ở tim. Ông để lại các tác phẩm: Lược khảo về các vấn đề Hòa bình, 1950 (Pháp và Việt văn). Điên? Dưỡng trí viện?, 1952 (quyển sách đầu tiên của người Việt nói về bịnh điên và Dưỡng trí viện), Adolf Hitler, 1952 (xét như một bịnh nhân tâm trí, bằng Pháp văn), Về sự tổ chức Dưỡng trí viện miền Nam nước Việt, 1954 (luận về bác sĩ Y khoa, bằng Pháp văn) và nhiều bản thảo trong đó có tập: “…Từ bịnh tâm trí đến sự giết người”. Với đóng góp to lớn, hiệu quả của ông nên Dưỡng trí viện Nam kỳ có thời gian đổi thành Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài - nhiều người hay gọi nôm na nhà thương điên Biên Hòa. Ít ai biết, từ năm 1971 tại Sài Gòn có ấn hành tập Thơ Điên, ghi rõ ràng: Thơ tuyển của một số người đã và đang điên có tên sau đây: Thiện Quang, Thích Ảo Giác, Hồng Đức Tâm, Lê Hoàng Thúy, Phan Trần Từ Hương, Bùi Giáng, Nguiễn Ngu Í do các bác sĩ tại “Dưỡng trí viện Nguyễn Văn Hoài” thực hiện: Nguyễn Tuấn Anh, Tô Dương Hiệp, Trịnh Văn Lang”. Đêm qua, nằm đọc tập thơ này để xem người điên làm thơ thế nào? Thơ đọc thú vị bởi người điên “thứ thiệt” viết chứ không phải của người tỉnh giả vờ viết như đang điên.

Trong Lời Tựa, con trai nhà văn Bình Nguyên Lộc viết: “Sáng tác văn nghệ là một lối thoát của người mắc tâm bịnh, không làm nguy lại cho ai cả, và cần được khuyến khích. Lời của người thơ mắc tâm bịnh phảng phất một hương vị kỳ lạ, nhan nhản hình ảnh ghê rợn và đưa ra một nhịp điệu cuồng nhiệt vì nó là tiếng nói của vô thức, mà vô thức là một thế giới sâu thăm thẳm, âm u mù mịt đối với chúng ta, nó không theo quy định của thế giới thực tế bên ngoài, không theo nguyên tắc của lý trí sáng suốt” (tr. V). Tập thơ này vừa in bằng tiếng Quốc ngữ thông thường, vừa in “chữ của Thái Bình Điên Quấc” - một kiểu cải cách tiếng Việt do nhà thơ Nguiễn Ngu Í chủ trương. Thế giới ấy cũng vui ra phết, chẳng hạn, mấy câu thơ chơi chữ của Bùi Giáng:

Bỗng dưng bồ bịch truông trèo

Mà ra như thể dấu bèo dại si

Một hôm gầu guộc gầm gì

Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm

Bôm ha? Đạn hả? Bao gồm

Bồm gao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen

Theo các bác sĩ những câu thơ này “để lộ một triệu chứng  của một loại bịnh tâm trí… Triệu chứng nói trên là con bịnh thích chơi chữ, thích nói lái và để cho một số âm thanh nào đó chúng lôi cuốn quấn quýt lấy nhau. Và những trường hợp này, không phải ý hay tình gợi cảm tác giả, mà là âm thanh, nhạc điệu” (tr 90-91). Nếu không là bác sĩ, ta có thể bình được như thế chăng? Điên làm thơ, nghĩ cho cùng cũng là lẽ bình thường. Ai có hứng thì viết, nào có ai cấm cản gì ai? Câu thơ của người điên, kẻ tỉnh hơn nhau là có ai thích, ai nhớ đến hay không, chứ câu nệ gì vào bệnh lý của họ. Mà thôi, có ai tự hỏi... ma làm thơ không? Chỉ duy nhất trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, in năm 1896, có chép bài Thơ ma! “Chùa Nguyệt Đường gần chốn Hoa Dương là một nơi đô hội. Gần đây có người học trò qua chơi, thấy trên vách có bài thơ tứ tuyệt (tạm dịch):

Mấy năm không đến Nguyệt đường môn

Cột, tháp y nguyên, ngấn lệ còn

Cỏ ngập trốc mồ em với vợ

Gò hoang một dãy táng ba hồn

Lời thơ rất thê thảm nên người ta ngờ đó là thơ ma”.

Thơ của ma hay thơ của người? Lại hỏi, có ai làm thơ miêu tả bóng ma chưa? Chỉ duy nhất trong Truyện Kiều, dám quả quyết rằng chính là hai câu thơ này:

Dè chừng ngọn gió lần theo

Dấu giày từng bước in rêu rành rành

Bóng ma Đạm Tiên xuất hiện! Những kẻ tầm thường làm sao có thể “vẽ” nên hồn ma bóng quế rợn người đến vậy? Chiều nay rời khỏi cơ quan về sớm. Ngại mưa to gió lớn. Về nhà, lại viết đôi dòng vu vơ giết thời gian. Ơ hay sao lại từ chuyện nhà văn Bình Nguyên Lộc kéo qua chuyện người điên làm thơ? Rồi từ thơ điên nhảy qua thơ ma! Hay thật. Ừ đã “lạc đề” thì thêm đoạn này luôn thể, bởi nó gần gũi với đời thường hơn. Ấy là trong Nhật ký, có lần y hỏi về “gốc gác” của từ “bà tám”. Giải thích ra làm sao?  Vừa đọc trên báo NLĐ số 17.4.2014, ông bạn An Chi giải thích rành rọt như sau:

"Bà tám” là một hình thức sao phỏng (loan translation), có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam. Mà ở miền Nam thì bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông là “pát phò”. [八婆], đọc theo âm Hán Việt là “bát bà”, dịch đúng nghĩa gốc là “bà tám”. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác; hiểu rộng ra, là người đàn bà nhiều chuyện. Ở những địa phương khác của Trung Quốc gọi hạng đàn bà này là “trường thiệt phụ” [長舌婦], nghĩa đen là “con mẹ lưỡi dài”.

Trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ “bà tám” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến làng điện ảnh và truyền hình. Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình phát sóng thì phát sinh yêu cầu phải thuyết minh và lồng tiếng. Để làm vậy, trước hết phải dịch. Khốn khổ thay, người dịch có lẽ cũng chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường chứ nào thực sự yêu mến tiếng Việt, thực sự thấu hiểu từ nguyên. Chưa kể trong đó có thể có cả những tay người Việt gốc Hoa thì làm sao tránh khỏi chuyện “pát phò” trở thành “bà tám”! Trong khi đó, tiếng Việt đâu có thiếu từ, ngữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của Tàu Quảng Đông!

“Bà tám” dần dần đưa đến từ “tám” phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ “bà” đằng trước, nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là có động từ “tám” và danh ngữ “bà tám” - mẹ đẻ của nó - tồn tại song song trong khẩu ngữ. “Bà tám” dùng để chỉ những người nhiều chuyện, còn “tám” thì dùng để chỉ hành động của những người này”.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.8.2014


Đời sống ôi buồn như cỏ khô

Này anh, em cũng tợ sương mù

Khi về tay nhỏ che trời rét

Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ

Thơ của Nhã Ca. Đã cỏ khô, vẫn là may. Ít ra lúc ấy con người ta không phải tư duy, nghĩ ngợi gì. Có những ngày lòng đìu hiu như giọt mưa rơi trên tàu lá chuối. Âm thanh não nề. Thê lương. Lê thê tiếng thở dài. Ngày đẹp quá mà trong lòng quạnh quẽ quá. Thắp lên một niềm vui, loay hoay mãi. Gió thổi tắt ngúm. Những ngày này, đi đâu cũng nghe thiên hạ đàm tiếu, cười cợt về một bài báo rất "phản động": Gái miền Tây và ba chữ “N” nổi danh thiên hạ. Bài báo này mở đầu: “Về độ “ngon”, độ “ngoan” thì tôi dám quả quyết không gái miền nào địch được gái miền Tây. Nhưng còn về độ “ngu” thì phần lớn gái miền Tây cũng là những cô gái “ngu dốt” vô đối”. Cộng đồng mạng phản ứng dữ dội. Bài báo này đăng trên bản tin lưu hành trong hố xí chăng? Không, nó xuất hiện công khai trên Báo điện tử Tri Thức Trẻ ngày 12.8.2014. Hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông đã chỉ đạo xử lý.

Phân biệt, kỳ thị vùng miền là đầu óc của kẻ nô lệ. Những kẻ lúc nào cũng vỗ ngực cho rằng nơi mình sinh ra là “địa linh nhân kiệt”, hơn hẳn vùng đất khác cũng là suy nghĩ của kẻ nô lệ. Y rất ghét cái gọi là tình cảm “đồng hương”. Dân tộc Việt là một. Xương máu thống nhất một khối. Đoàn kết một khối thống nhất còn chưa ăn ai, huống gì cứ phân chia, phân biệt vùng miền. Thời buổi này, vẫn còn những kẻ có đầu óc bệnh hoạn ấy thì lạ quá. Có thể đó là một chiêu để “câu view” của Trí Thức Trẻ chăng? Đã qua rồi cái thời, chỉ viết bởi mình muốn, ai đọc hay không cũng chẳng cần quan tâm. Miễn là viết được những gì mình nghĩ trong đầu. Dần dà, thế giới mạng đã thay đổi suy nghĩ đó. Đừng nhìn đâu xa, cứ soi rọi  từ trang facebook cá nhân sẽ rõ. Nhiều "tín đồ" fb cho biết, mỗi ngày vào fb, nếu notes của mình không ai ngó ngàng tới là tự nhiên lòng buồn bã như vừa mất sổ gạo. Lòng bồn chồn không yên. Muốn thiên hạ chú ý phải làm gì? Làm gì cũng có thể, thậm chí được “ném đá” lại càng hay! Càng ầm ĩ, lại càng “nổi tiếng”. Oải quá, thế là y lẳng lặng rời khỏi chốn ấy.

Cả tuần này bạn bè nhắn tin, hỏi thăm không xuất hiện trên fb nữa? Có người còn bảo, em vừa đọc bài báo thấy anh ca ngợi tác dụng của fb lắm mà: “Nhà thơ Lê Minh Quốc có cái nhìn khá toàn diện về mảnh đất trù phú cho thơ ca trong thời đại số: "Nếu một bài thơ công bố theo phương thức truyền thống, dù tâm đắc đến cỡ nào, bạn đọc cũng khó có thể lập tức bày tỏ ý kiến, cảm xúc đến tác giả. Thế nhưng khi công bố trên Facebook, do nhờ phương tiện kỹ thuật với các chức năng hỗ trợ, ngay sau lúc đọc bài thơ đó, người đọc đã tạo được sự tương tác, giao lưu giữa "tác giả - tác phẩm - bạn đọc" bởi những Comment, những Like … tạo ra sự phản hồi chỉ trong nháy mắt. Điều này khiến chúng tôi nghĩ rằng "hạt giống thơ" hôm nay phải "gieo" bằng một hình thức khác. Có như thế sức lan tỏa của thơ mới rộng hơn, sâu hơn và đến với công chúng nhiều hơn" (Báo CAND ngày 12/08/2014). Đúng thế, y có nói thế. Nhưng vẫn không thích sử dụng fb nữa. Lý do duy nhất vẫn là mất thời gian quá. Thế thôi.

Trở lại với bài báo tệ lậu của Báo điện tử Thế Giới Trẻ kia, hôm nọ người bạn đặt câu hỏi, vì sao đồng bằng sông Cửu Long vốn vựa lúa trù phú nhất nước nhưng con người ta nơi ấy lại nghèo đói, thất học nhiều đến thế? Các cô gái mới lớn lại nhắm mắt lấy chồng ngoại cũng nhiều đến thế? Tại sao? Có người quả quyết, đi từ Nam ra Bắc hễ nơi nào có xông hơi, massage, đấm bóp thư giản, tẩm quất thì nhiều nhất vẫn các cô gái miền Tây phục vụ! Thông tin này, chính xác đến đâu không rõ. Vì khi đưa ra một kết luận nào phải từ điều tra xã hội học, chứ không thể phát ngôn cảm tính. Báo Dòng đời các số vừa qua đã in loạt phóng sự về cơ sở massage Tô Châu: “Tập đoàn massage kích dục lớn nhất Cần Thơ”. Chẳng rõ, khi đọc loạt bài ấy, các vị quan chức ở đó có suy nghĩ gì?

Sáng đi họp. Trưa về nhà. Nằm đọc tờ TT, trang 1 có bài Kỷ luât cũng như không. Tác giả viết chính luận mà cứ tưởng đang viết “chuyện như đùa”. Theo tác giả, “Mấy ngày qua, báo chí đưa tin hàng loạt “quan chức bị kỷ luật”, thể hiện thái độ cương quyết của người đứng đầu các bộ, ngành. Được nhắc đến nhiều nhất là bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với hàng loạt vụ việc “phê bình nghiêm khắc”; “Tương tự, lãnh đạo Bộ Công thương cũng vừa áp kỷ luật hành chính khiển trách phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường và “phê bình nghiêm khắc” nguyên cục trưởng (đã được luân chuyển về làm phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ) liên quan đến vụ “lộ đề thi, cháu cục phó trúng tuyển”; “Không chỉ ở hai bộ này, hình thức “phê bình nghiêm khắc” dường như đã và đang bị lạm dụng, khiến việc người nhận “kỷ luật” như chưa hề “bị kỷ luật”. Tại sao? Tác giả lý giải: “Điều trước tiên cần phải khẳng định là trong Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật cán bộ công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề có hình thức kỷ luật hành chính nào được gọi tên là “phê bình nghiêm khắc”. Cho dù các “quan chức” là đảng viên thì theo quy định, cũng không hề có hình thức kỷ luật Đảng nào là “nghiêm khắc phê bình”.

Đọc xong, y có suy nghĩ gì?

Chiều nay đi ra mắt tập thơ Trong thế giới ngụy trang (NXB Trẻ) của bạn thơ Phùng Hiệu. Ra mắt tại trụ sở Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM. Nhìn đi nhìn lại cũng vài gương mặt cũ. Một cuộc chơi đã đến hồi tàn lụi và kết thúc rồi chăng? Còn mấy ai quan tâm đến thơ, có thể bình tâm đọc hết một bài thơ? Ôi, thơ! Vẫn biết thế, nhưng anh em ấn hành tập thơ mới là y lại đến chung vui. Trong tuần này, ngoài tập thơ của Phùng Hiệu, còn được tặng các tập thơ khác: Thiên Di (Nguyễn Minh Hùng), Lục bát tình (Hoàng Yên Xuân - Hoàng Xuân Việt), Đôi cánh ca dao (Hà Nguyên Dũng), Đèn thức cho ai? (Vương Hoài Uyên), Gió mặn (Trần Huy Minh Phương); riêng tập Thơ thủ thỉ của Văn Thùy do tác giả chép tay.

Trời chiều. Mưa tầm tã. Đường phố ngập nước. Xe vẫn chạy ùn ùn. Khiếp quá.

 

bia-tap-thoRR

Tập thơ của bạn bè do Lê Minh Quốc vẽ bìa

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.8.2014

 

Người Việt ngày càng xấu xí. Tại sao như thế? Loạt bài Người Việt đang rất xấu trên TN, y đọc chăm chú. Trước đây vái tháng, báo TT cũng tổ chức diễn đàn Tính xấu người Việt. Căn nguyên từ đâu, do đâu? Vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Không bàn chuyện này nữa. Mấy hôm nay nằm đọc những tập do bạn bè Đà Nẵng gửi tặng, Anh Hoàng Hương Việt năm nay đã 79 xuân xanh nhưng vẫn trẻ chán. Anh bảo: “Tặng sách cho Q là anh yên tâm. Ai cũng bảo Q mê sách, biết giữ sách và nhất là chịu đọc sách”. Vừa đọc qua tập Đà Nẵng khoảnh khắc 29 tháng Ba do anh và Hoàng Minh Nhân sưu tầm, biên soạn. NXB Văn Học và Hội LHVHNT Đà Nẵng in năm 2005. Số lượng in chỉ 600 quyển. Dừng lại với Chuyện nhà tư sản Phan Kỳ ở Đà Nẵng. Chuyện này, ông bạn nhà văn Hoàng Minh Nhân ghi lại theo lời kể của thiếu tướng Trần Tiến Cung.

Chuyện rằng: Bấy giờ cơ quan tình báo B54 điều tra biết ông Phan Kỳ thuộc loại tư sản có “máu mặt” tại ĐN. Nhà ông ở trên đường Trần Hưng Đạo, gần chợ Hàn. Nếu “móc nối” gia đình ông làm cơ sở cho lưới tình báo nội thành thì an toàn quá. Hơn nữa, trung tá Huỳnh Lý, cháu gọi ông bằng cậu lại là thư ký riêng của trung tướng Hoàng Xuân Lãm. Một công đôi chuyện là mưu kế phải tính. Điều tra tiếp, lại biết ông Phan Kỳ có người bà con tên Quảng Khanh mà 3 người con đang sống tại Hà Nội.

Với những dữ liệu đã có, phải sử lý ra sao?

Qua thăm dò, “cấp trên” lại phát hiện ra Nguyễn Văn Quý thời “chín năm” công tác chung cơ quan với Huỳnh Lý ở Phòng Tham mưu Quân khu V. Tập kết ra Bắc, Lý từng lãnh đạo đội bóng Thể Công. Ngay lập tức, Lý được rút về đào tạo công tác tình báo, rồi cho thâm nhập vào chiến trường khu V, “cấy” vào Đà Nẵng, có bí danh N2. Với nhiệm vụ được giao, N2 đột nhập vào nhà ông Phan Kỳ. Lúc đó, N2 đưa thư và những tấm ảnh của gia đình ông Quảng Khanh để tạo lòng tin. Dù bất ngờ, sau vài lần trao đổi, ông Phan Kỳ thừa biết mình đang trò chuyện với ai. Sau đó, N2 ở hẳn tại nhà ông với vai trò gia sư cho con ông. Như cách nói của ông là cách mạng “đặt trong nhà tôi một quả bom nổ chậm” (tr.260).

Sau khi sắp xếp đâu vào đó, tình hình tạm ổn, ông Hồ Nghinh - Bí thư Tỉnh ủy cho “đường dây” đưa ông Phan Kỳ lên chiến khu. Lúc trò chuyện, ông tỏ ý lo ngại sau này cách mạng thành công thì tư sản Đà Nẵng cũng bị đánh, bị cải tạo như ngoài Hà Nội. Nhưng rồi, vì cách mạng “nên tôi gắng làm” (tr.261) - ông nói. Sau đó, N2 cũng móc nối được Huỳnh Lý nhằm khai thác thông tin bí mật. Câu chuyện kéo dài đến ngày 29.3.1975. Ngày đó, ông Phan Kỳ cho treo dây pháo từ lầu 4 chạm đất, đốt mừng niềm vui giải phóng. Hỡi ôi! Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đà Nẵng tiến hành cải tạo tư sản. Ông kêu cứu ông Hồ Nghinh “Nhưng dù là Bí thư Tỉnh ủy có uy tín lớn với dân Đà Nẵng, Quảng Nam và cả Khu V cũng không cản lại những sai lầm của một thời ấy. Đành cắn răng và bó tay” (tr.265).

Nếu câu chuyện dừng lại đây, chẳng việc gì y phải kể lại. Hoàn cảnh rất nhiều người, trong đó có gia đình y cũng chẳng khác gì.

Cái hay và bất ngờ nhất từ một nhà tư sản “gộc” trở thành kẻ trắng tay, ông Phan Kỳ đã kỳ khu, "lạy lục cúc bái" xin ban cải tạo tư sản cho lại một tấm gương. Họ vặn vẹo bắt bẻ: "Ông xin để làm gì?” rồi quát tháo, nạt nộ nhưng ông vẫn bấm bụng, xin cho bằng được: “Tôi xin làm kỷ niệm, để soi gương mặt mình và bè bạn…” (tr.265). Rồi, ông ngồi xích lô chở đến tấm gương tận nhà thiếu tướng Trần Tiến Cung để tặng. Ông Cung không dám nhận, hỏi ý kiến ông Hồ Nghinh thì được khuyên cứ nhận.

Khi Hoàng Minh Nhân chép lại chuyện này, nhà tư sản Phan Kỳ đã ra người thiên cổ. Điều y thắc mắc, tại sao ông lại chọn tấm gương chứ không là vật gì khác? Câu hỏi không có câu trả lời. Mà những người trong câu chuyện này đã thuộc về dĩ vãng. Tưởng rằng dĩ vãng, có những câu chuyện thuộc về dĩ vãng nhưng không giải quyết sòng phẳng thì đời sau vẫn còn nhắc đến. Thỉnh thoảng người ta vẫn còn nhắc lại những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1975, cũng chọn in lại trong tập sách này:

Tôi lại mơ trên Thái Bình Dương

Tổ quốc ta như một thiên đường

Của muôn triệu anh hùng làm nên cuộc sống

Của tự do, hy vọng tình thương.

Có thật không? Nhắc lại câu thơ ấy với thái độ thế nào mới là điều cần suy nghĩ. Mấy hôm nay là những ngày rằm tháng Bảy. Tháng cúng cô hồn. Nhiều suy nghĩ riêng tư. Những lúc tỉnh giấc nửa khuya. Lại nghĩ ngợi. Sống trên đời không khó. Sống phải tự ứng xử với với chính mình mới là khó. Có những điều tự mình chẳng thể tìm ra câu trả lời. Vẫn biết thế. Lại không tin thế. Oái oăm là thế.

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô,

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Ngọn đường lê lác đác sương sa,

Lòng nào là chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.


Đọc lên, nghe đìu hiu không gian ba chiều. Nhưng câu thơ này mới ám ảnh vô cùng, vô tận trong hỗn mang cõi người: “Trong trường dạ tối tăm trời đất”. Câu thơ gờn gợn trên từng phiến da non, trên từng sợi máu đang đông đặc lại như mảng đêm đã dựng lũy xây thành. Buổi chiều trong những ngày này, đôi khi thèm ngồi với một hai người bạn. Ngồi để nhìn nhau. Và chẳng phải nói với nhau một điều gì. Cứ ngồi nhìn nắng chiều trong một ngày sắp tắt. Rồi, đứng dậy chia tay nhau. Mỗi người một con đường. Một đời sống. Tình bạn, đôi khi chỉ cần thế. Đã qua rồi cái thời gặp nhau ồn ào, chìm lỉm xuống đáy ly mà men say bốc ngược lên đầu với phát ngôn huyên hoang bán trời không thèm mời thiên lôi chứng kiến. Những ngày ấy đã xa. Chẳng phải y đã già. Mà y cảm thấy mọi việc diễn ra của từng ngày, mỗi ngày, hằng ngày không nhú lên một mầm xanh của niềm vui, dù sự hy vọng ấy chỉ mong manh như nắng nhạt cuối ngày. Tự dưng lại thích cách thư giản của người Nhật, đã đọc đâu đó, lâu lắm rồi. Nơi ấy, có những căn phòng thanh tinh, nến thơm, trầm ngát của các vị thiền sư. Những kẻ phàm phu tục tử, lúc ngao ngán, chán ngán, bẽ bàng với đời sống hiện tại tìm đến. Họ bước vào phòng, ngồi và nhìn chậu bon sai trước mặt. Chỉ có thế. Nhìn chỉ để suy ngẫm về chặng đường đã khuất xa bóng tối. Họ ngồi hằng tiếng đồng hồ. Tịnh tâm. Tịnh khẩu. Biết đâu đó chính là lúc:

Em hãy cười lên vang cõi âm,

Khi trăng thu lạnh bước đi thầm.

Những hồn phiêu bạt bao năm trước,

Nay đã vào chung một chỗ nằm.

Chỗ nằm ấy ở đâu? Đinh Hùng bảo:

Ta đi, lạc xứ thần tiên

Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh

Cần gì. Không cần đâu. Những ngày rằm tháng Bảy, Nguyễn Du đã nhìn thấy: "Cõi dương còn thế nữa là cõi âm". Thấy gì? Nhìn ra gì? Chỉ có thể ngày tháng đi qua đã tuột dần, phai dần sức sống để hiện hữu một tiếng cười không âm thanh không ngân vang mà khô đọng như giọt máu. Đành lòng vậy. Vẫn mỗi ngày mở mắt dậy, cúi xuống thắt chặt dây giày và bắt đầu cuộc viễn du của 24 tiếng đồng hồ. Rồi đứng dậy lao về phía dòng đời đang cuồn cuộn chảy. Vâng, không cách nào khác. Đã hiện diện trên cõi sống thì chẳng thể nào tách khỏi thế giới chung quanh với đủ mọi gam màu hỉ, nộ, ái, ố, tam bành, lục tặc… Hạnh phúc là đó. Khổ đau là đó.

Hôm kia có niềm vui nho nhỏ, do đọc Nhật ký 6.8.2014 nên mấy đồng nghiệp nữ ở cơ quan đã mua tặng y bình đầu gội đầu và nhấn mạnh: “Lần sau nhớ mua đúng loại này. Anh còn sử dụng loại “Nước xả làm mềm vải đậm đặc” là hết còn có cơ hội đi hớt tóc đó nghen”. Chiều nay, có mặt ở phim trường HTV 1 để trả lời phỏng vấn một chương trình về hôn nhân gia đình. Trưa nay, viết mấy câu thơ:

Em rằng: “Thơ của em đâu?”

Trăng non rời rạc rầu rầu cỏ xanh


Đèn khuya phố xá loanh quanh

Chim kêu khắc khoải lũy thành vẹo xiêu


Em rằng, thơ của em yêu

Sợi lông mày nhíu níu chiều nhẹ tênh


Tầng cao tiếng sóng xô ghềnh

Âm thanh náo động vang rền tiếng thơ


Tình tôi lạc bến xa bờ

Con sông ngày nọ hững hờ chảy xuôi


Em rằng, thơ của Ngày Vui

Xẻ đôi dòng chữ ngược xuôi đường trần


Thưa rằng, nhìn xuống mộ phần

Trên tay lưu dấu nợ nần chưa phai


thuc-oanh-va-QuocRR


Cùng đồng nghiệp Thục Oanh tại báo Phụ Nữ TP.HCM trưa ngày 11.8.2104


DSCN1672phim-truongHTV-1

Cùng MC Thảo Vy tại phim trường HTV 1 chiều 12.8.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.8.2014


Cảm giác vẫn không khác gì mấy.

30 năm trước. Thời còn sinh viên. Những dịp nghỉ hè, tết về quê thì bao giờ cũng vậy. Lúc quay vào, phải mất một thời gian dài mới có thể làm quen với nhịp sống Sài Gòn. Làm quen với sự nhộn nhịp, công việc tất bật mỗi ngày. Phải đi lại từng bước đầu tiên rồi mới có thể rướn người chạy marathon theo thời gian. Về Đà Nẵng là nghỉ ngơi, tiếp nhận năng lượng sống cho những ngày sắp tới. Nhịp sống chậm rãi. Đường phố vắng. Sống lại ngày tháng hoa niên.

Vừa đến sân bay Đà Nẵng, anh Lê Nguyên Vỹ ra đón. Anh là người trước nhất “sáng chế” ra cách in hình trên đá, trên lá rất kỳ công mà Kỷ lục Việt Nam công nhận vào năm 2007. Anh rủ đi chơi. Đi thì đi. Y cùng anh Vỹ và anh bạn thơ Phạm Chu Sa phóng xe lên núi Sơn Trà. Con đường lên núi dài, rộng thênh thang luôn tạo ra sự hưng phấn. Một quán ăn lưng chừng núi. Một con gà luộc thật ngon. Một ít rượu thật nồng. Một không gian riêng biệt. Một khí trời thoáng đãng. Nghe tiếng sóng vỗ. Bạn bè đàn hát. Những câu chuyện đầu cua tai nheo. Không đầu không cuối. Trưa, leo lên võng. Ngủ một giấc. Trong giấc ngủ vẫn nghe loáng thoáng tiếng gà tục tác. Trưa bình yên. Tưởng như xa rời cõi người.

14 giờ chiều xuống núi.

Đi họp. 30 năm thành lập nhà xuất bản Đà Nẵng. Gặp lại nhiều bạn bè. Chúc mừng bạn thơ Nguyễn Kim Huy vừa lên chức phó giám đốc. Anh cười: “Chưa mừng được anh ơi. Tình hình xuất bản còn khó khăn quá”. Trời nóng bức. Không thể ngồi họp chung với mọi người. Chui vào phòng máy lạnh đọc sách. Những phát biểu, những lễ nghi diễn ra thế nào cũng chẳng rõ nữa. Chiều, trời dịu hơn. Bao giờ cũng thế. Họp xong là liên hoan. Thịt bò Cầu Mống trứ danh của xứ Quảng được thui tại chỗ. Bia như sông suối. Lại chuyện trò hỏi han nhau. Cuối cùng vẫn là: “Đang viết gì?”Sắp tới in gì?”. Những gương mặt thoáng qua. Những gương mặt đọng lại. Chẳng lẽ, ngồi mãi này? Dù đang vui, dù hàn huyên tâm sự còn dài. Nhưng đã sắp tối. Lập tức, đứng dậy. Quay về nhà và rủ vài bạn học cũ đi lai rai. Nghĩa và Sanh. Ngồi lề đường. Đèn đường đã lên. Ngắm nhìn thời gian. Bia lại rót. Uống chậm rãi. Nhớ lại những câu thơ đã viết từ mươi năm trước. Nhớ nhớ quên quên. Đã in trong tập Yêu em, Đà Nẵng:

ngọn đèn đường vàng như con mắt tím

hay là em đang nhìn xuống tôi?

mờ mịt và lẻ loi

dẫn tôi đi qua con đường có xe lửa chạy

nghe gió hư không hiện hữu trong đời

nghe tôi làm thơ trên mùa lá rụng

nghe ve kêu náo nức những mùa thi

nghe đến tận cùng con đường sẽ đến

là quay về nơi xuất phát chân đi

Đã hơn mười giờ khuya, kéo nhau về quán Dòng Thời Gian. Hát và nghe hát với nhau. Ở Sài Gòn, trong các quán hát với nhau bao giờ trên bàn của khách cũng có những cánh hoa hồng. Khi nghe ai hát, nếu thích, cứ đem hoa lên tặng, tất nhiên có kèm theo tiền, dù không nhiều. Tiền đó dành cho quán. Anh Thành, chủ quán bảo: “Người Đà Nẵng chưa có thói quen tặng hoa có kèm theo tiền. Và cũng chưa thật sự có nhu cầu bước lên bục hát trước mọi người”. Quán vắng khách. Chỉ vài ba người. Lặng lẽ. Đã khuya. Quán đóng cửa. Anh lại bảo: “Đêm nay thu về cả thẩy 1 triệu rưỡi, vừa đủ trả mọi chi phí. Không phải bỏ tiền túi ra là may rồi”. Kéo nhau đi ăn bún bò Huế. Tô bún sợi nhỏ. Ngồi lề đường. Về nhà vào lúc 12 giờ khuya. Một giấc ngủ nhẹ nhàng của một ngày đã sống trọn vẹn với Đà Nẵng. Thành phố của tuổi thơ. Dù thật sự chỉ sống tròn 18 năm nhưng Đà Nẵng là chốn để quay về. Một chỗ nghỉ ngơi bình yên, an toàn và ấm áp nhất trong đời y. Chắc chắn là thế. Hạnh phúc của con người ta là còn có chốn để quay về. Dù về trong trong phút chốc rồi lại tiếp tục viễn du. Nếu không, điều gì sẽ níu giữ tình cảm của con người với nơi chôn rau cắt rốn? Ngủ một giấc. Vẫn thèm ngủ nhưng vẫn dậy thật sớm. Để sống lại với kỷ niệm của ngày tháng cũ. Ngày cũ ấy, với không gian còn lờ mờ sương. Đường vắng ngắt. Vài người bạn ngồi trầm ngâm bên ly cà phê nóng. Chẳng nói năng gì. Rồi cảm nhận buổi sáng đang bước đến dần. Từ những tia nắng sớm. Từ những giọt đắng đã cạn dưới đáy ly.

Ngày hôm qua, buổi sáng ở Đà Nẵng dài quá.

Cà phê sáng với bạn bè văn nghệ: Nguyễn Minh Hùng, Tần Hoài Dạ Vũ, La Thanh Hiền, Trần Trung Sáng, Hoàng Hương Việt. Nguyễn Minh Hùng tặng tập thơ Thiên di của anh mới in. Anh Hoàng Hương Việt tặng khá nhiều sách do anh chủ biên hoặc biên soạn. Chia tay nhau, lại tiếp tục cà phê ở quán khác với anh Trương Công Báo - giám đốc NXB Đà Nẵng, anh Nguyễn Hữu Cứ - công ty DVVH Hương Trang. Vẫn không hết buổi sáng. Có điều lạ, quán xá ở Đà Nẵng không hề có thẻ giữ xe. Vậy mà vẫn đâu ra đó. Lại về Dòng Thời Gian ngồi tán gẫu với anh Thành. Buổi sáng ở Đà Nẵng dài quá. Trưa về nhà, cơm nước rồi ngủ. Hai giờ chiều thức giấc. Nhận được tập sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú do anh gửi tặng. Cùng anh bạn thơ Phạm Chu Sa phóng xe đi rảo khắp nơi. Đi qua cầu mới xây. Qua con đường mới mở. Đi những nơi chưa đến. Đi những nơi chưa qua. Đi và đi. Cứ thế mà đi. Chẳng vội vã gì. Đi và ngắm nhìn. Vừa gần gũi, vừa xa lạ. Rồi chiều ra biển Mỹ Khê. Ngắm sóng vỗ. Nghe sóng reo. Không gian êm ả khiến người ta mở lòng nhau hơn. Anh kể lại những câu chuyện tình. Như một cuốn tiểu thuyết. Nhiều chi tiết thú vị. Anh bảo: “Cuộc tình mỗi giai đoạn trong đời người là một dấu ấn khó phai. Tưởng rằng là thế. Rồi cũng phai bởi ai cũng phải sống với đời sống của hiện tại”. Giây lát sau, anh Lê Nguyên Vỹ tìm đến. Anh trao tặng tấm chân dung của y đã in trên lá. Sóng vẫn vỗ. Gió vẫn mát. Nhưng rồi phải cương quyết đứng dậy. Ra sân bay. Một chuyến bay đêm. Ngồi ngay hàng ghế sau chót. Không trễ giờ đã là may.

Vào lại Sài Gòn lúc nửa khuya. Ngay từ ngoài cửa, vẫn tiếng chó sủa mừng, quấn quýt bên chân; vẫn tiếng mèo thờ ơ kêu meo meo. Bước vào trong nhà, mẹ vẫn chưa ngủ.

Sáng nay, dậy sớm. Ngồi bần thần trước bàn phím. Tự dưng có cảm giác xa lạ với công việc đã quen thuộc mỗi ngày. Vì thế, phải viết đôi dòng Nhật ký như một cách bắt nhịp lại công việc.

 

le-mihquoc-qua-tac-ph-m-c-a-le-nguyen-vy-R

Lê Minh Quốc qua nghệ thuật in ảnh trên lá của nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ  (Đà Nẵng) - ảnh chụp tại núi Sơn Trà ngảy 8.8.2014

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.8.2014

 

Có một bí mật, chưa hề tiết lộ với ai: Y rất thông minh.

Dù chưa ai thừa nhận, nhưng y thừa biết đó là điều chắc chắn.

Xin kể mẩu chuyện nhỏ chứng minh: Lâu nay, thỉnh thoảng các nhãn hiệu mỹ phẩm có tặng báo PN một ít sản phẩm. Công đoàn cơ quan chia đều cho anh em. Ai cũng như ai. Thường mỗi lần nhận, y đem về nhà và giao cho mẹ y sử lý. Chẳng hề quan tâm đến. Gần đây, mỗi lần đi hớt tóc, các cô thợ lành nghề đều bảo rằng tóc y cứng còn hơn rễ tre và khuyên nên sử dụng dầu gội đầu. Đừng xài xà bông cục nữa. Vâng theo lệnh, thế là y về nhà tìm lại các sản phẩm đó. May quá còn đúng một bình dầu gội đầu. Mẫu mã đẹp. Sắc màu bắt mắt. Bao bì vừa in tiếng Việt, vừa in tiếng Anh. Với tất cả sự hân hoan, vui vẻ, hào hứng cả tháng qua y đã sử dụng. Y có cảm giác tóc mềm mại hơn da con gái, mượt mà hơn lông mèo. Sáng nay, dầu gội đầu đó đã hết sạch. Phải mua thêm, cũng loại này. Thế là y đem cái bình ra khỏi phòng tắm. Săm soi đọc và ghi lại nhãn hiệu đặng mua cho đúng.

Đột nhiên, y choáng. Một dòng chữ đập vào hai con mắt dòng chữ như sau (nguyên văn): “Nước xả làm mềm vải đậm đặc”. “Concentrate Fabric conditioner”.

Sáng nay lên cơ quan, kể lại chuyện này, các đồng nghiệp nữ cười ngả nghiêng: “Anh thông minh ghê. Bịa chuyện (!?) cũng có duyên ra phết!”.

Chợt nghĩ, bây giờ và sau này dù nhân loại có nghiên cứu bất kỳ công trình khoa học nào, cũng có lúc kết thúc bởi đã khám phá ra bí mật của nó. Duy có thứ mà ngàn đời sau vẫn còn tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, bổ sung các tính năng v.v…  đó chính là các sản phẩm làm đẹp. Nam thanh nữ tú, già trẻ lớn bé cũng đều cần xài đến. Không chỉ cần mỹ phẩm làm đẹp làn da, họ cũng cần những vết xâm chằng chịt lên da nữa. Nói như thế bởi sáng nay đi làm, bỗng dưng gặp một đám thanh niên trông đầu gấu. Rú ga ầm ầm như giữa chốn đồng không mông quạnh. Chúng xăn tay áo, trời, toàn là những vết xâm trông nhức cả mắt. Thời trước năm 1975, chỉ có thể là dân ba búa. Nay lại khác. Ai cũng có thể xâm, chỉ khác ít hoặc nhiều, hở hang hoặc kín đáo.

Đọc sử, biết rằng người Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước đã có tục xâm mình. Do cư dân làm nghề chài lưới, thường hay bị những giống thuồng luồng, thủy quái đe dọa nên Vua Hùng đã dạy dân lấy chàm xâm vẽ lên người để đánh lừa chúng. Từ đời này sang đời nọ cứ thế. Chắc chắn những vết xâm đó đã trở thành gu thẩm mỹ chung. Người ta lấy đó làm đẹp. Đến đời nhà Trần, Đại Việt sử ký toàn ghi: “Lại hồi quốc sơ, quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là "thái long" (rồng hoa).Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là "thái long".

Thế nhưng tục này bỏ từ thời nào?

Câu hỏi này, đọc sách giáo khoa dạy sử cho học trò chẳng hề thấy nói đến, chỉ rặt các con số cụ thể, các trận đánh chi tiết từng ngày, giờ, tháng, năm nào rất đỗi khô khan. Thiếu hẳn các chi tiết đời thường. Vậy xin trả lời luôn, tháng 8.1229, thượng hoàng Trần Nhân Tông từ núi Yên tử - nơi ngài đang tu thiền về cung Trùng Quang và cho gọi vua Trần Anh Tông đến chầu, ngài dạy: “Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiền Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc". “Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa”. Kẻ khác có hành động ấy chắc đầu lìa khỏi cổ, nhưng quan hệ cha con lại khác. Từ đó, người Việt không xăm nữa là bắt đầu từ hành dộng của vua Trần Anh Tông.

Đọc sử có cái thú là mỗi ngày biết thêm một chi tiết, dù nhỏ nhưng thú vị quá.

Công việc mỗi ngày cũng thế.

Dần dà, đã mất dần thói quen cầm tờ báo để đọc. Trước kia, cả hàng chục tờ báo mỗi ngày, vào cơ quan là đọc ngấu nghiến, nay lại thờ ơ. Bởi đã lướt các thông tin trên mạng từ sáng sớm rồi. Có ngày vào phòng làm việc vẫn thấy từng xấp báo từ mấy ngày qua vẫn “nguyên đai nguyên kiện”.  Rỏ ràng, báo điện tử đang “giết dần” báo giấy. Bao giờ báo giấy sẽ kết thúc sứ mệnh? Rồi sách in nữa, có chung số phận không?

Sáng nay, lướt web đọc được thông tin thú vị trên tờ Kinh tế Sài Gòn đã trả lời câu hỏi đó. Bài báo  giật tít: “Cuộc chuyển giao đau đớn của ngành xuất bản”. Trong đó, có đoạn:  “Việc Amazon tung ra dịch vụ thuê bao đọc sách “Kindle không giới hạn” tuần qua tại Mỹ, đã đẩy cuộc chuyển giao từ xuất bản sách giấy sang kỷ nguyên xuất bản và phát hành sách điện tử vào giai đoạn nhanh nhất, đau đớn nhất... Sách điện tử không còn là chuyện mới lạ. Thế nhưng nếu trước đây Amazon chỉ bán từng bản sách điện tử, thì nay với “Kindle không giới hạn”, phương thức kinh doanh là thuê bao trọn gói (như kiểu gói truy cập xem phim của Netflix): khách hàng đóng phí khoảng 10 đô la mỗi tháng có thể tiếp cận kho sách 600.000 cuốn của Amazon bao gồm cả sách nói”.

Khiếp quá! “Thôi rồi Lượm ơi!”. Cũng theo bài báo này: “Dường như cuộc chuyển giao từ sách giấy sang kỷ nguyên sách điện tử, như Bill Gates đã tiên đoán những năm cuối thế kỷ 20, đã đến hồi quyết định”. Sự việc đã đến nước này rồi ư? Hôm kia, gọi điện thoại cho anh Phan Kim Thịnh, chủ bút tạp chí Văn Học tại miền Nam trước 1975. Để làm gì? Vì y đang xúng xính ít tiền, muốn thương lượng mua lại của anh bộ Văn Học. Mua giữ lại, chứ anh bán dần đi mỗi số thì ít ai có thể lưu trữ đủ bộ. Uổng lắm. Nghe xong, anh cười khà khà: “Đã bán lâu rồi Q ơi. Mấy năm trước, chị Khanh (vợ anh) ốm nặng nên anh bán sạch rồi”. Tự dưng nghe buốt óc tiếng hát não nùng: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi, Có còn lại chăng dư âm thôi”. Vậy là xong. Hỏi, anh bán rồi có thấy tiếc không? Anh lại cười: “Tiếc gì, bây giờ trên mạng đầy thông tin, tìm cái gì chả có? Q giữ lại sách báo cũ làm gì cho chật nhà?”. Nghe mà cáu. Cáu thì cáu nhưng anh Thịnh nói không phải là không có lý. Bằng chứng khi cần tra cứu thông tin nào phải tìm lại quyển sách cũ, phủi bụi, lật khẽ từng trang, mất thời gian, thậm chí chẳng thể nhớ quyển sách đang nằm chỗ nào trong kho sách bề bộn. Mất thời gian lắm. Nay chỉ cần vào “gú gồ” là xong!

Nói thì nói thế, nhưng sách in đã đến thời cáo chung chưa? Chưa. Quyết là chưa. Các công cụ điện tử ngày một tân kỳ, tốc độ truy cập nhanh hơn một chớp mắt, độ phủ sóng các thiết bị di động đến tận chân tơ kẽ tóc v.v.. đã ra đời. Nhưng chỉ có thể đã là một cú đánh mạnh vào hệ thống báo giấy toàn cầu. Còn sách lại khác. Tại sao? Sẽ trở lại đề tài này vào dịp khác.

Chiều rồi. Mưa tầm tả. Không ra khỏi nhà. Mở nhạc nghe chơi. Ngẫu nhiên lại đúng bài Cô Thắm về làng của ông bạn nhạc sĩ Giao Tiên. Ối dào, lâu rồi chưa gặp lại. Chưa gặp Giao Tiên hay cô Thắm? Cả hai.

 

quoc-va-giao-tien
Lê Minh Quốc và nhạc sĩ Giao Tiên - tác giả ca khúc nổi tiếng Cô Thắm về làng


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 35 trong tổng số 58