Tự nhiên trở thành người đàn ông gương mẫu, đứng đắn, đàng hoàng. Không một giọt bia bọt nào. Mỗi chiều, tranh thủ chạy vào bệnh viện thăm mẹ. Quay về nhà, lên giường, đọc sách. Sức khỏe bà cụ thế nào? Mỗi ngày vẫn còn truyền dịch, 12 bình các loại. Sử dụng chừng 12 loại thuốc. Chiều qua đã không còn phải thông đường tiểu. Đã hết sốt, lúc xoa trán, bóp chân tay thấy lạnh mát. Vẫn còn phình trướng bụng, tuy nhiên lúc xoa bụng đã thấy mềm hơn trước. Vẫn còn thở oxy. Sức khỏe trong người có thể đã khá hơn chăng? Nhận tin mẹ của anh Biền, bạn thơ Nguyễn Thánh Ngã cũng vào bệnh viện. “Nếu có ai đó yêu một bông hoa duy nhất trong hàng triệu, hàng triệu ngôi sao thì chỉ cần ngắm những ngôi sao thôi cũng đủ khiến người ta hạnh phúc. Vì người ta có thể nghĩ rằng : "Bông hoa của mình đang ở đâu đó trên kia...". Nhưng nếu con cừu ăn mất bông hoa, cả bầu trời sao cũng sẽ tắt lịm (Hoàng Tử Bé - Antoine de Saint - Exupéry). Bông hoa yêu dấu nhất trong đời y vẫn còn. Mỗi ngày vào thăm vẫn thấy bà cụ ngủ mê mệt. Ngày nào mẹ mới có thể về nhà?
Từng ngày công việc cũng vậy. Chẳng gì khác. Vẫn viết để sống. Sáng qua, nhận điện thoại của nhà văn Tạ Duy Anh. Lòng vui. Có những người, dù không nhiều lần bù khú lai rai nhưng khi nhờ giúp chuyện gì, vẫn tận tình. Hơn mười năm trước ra Hà Nội, học lớp biên tập ở Trường Viết văn Nguyễn Du dành cho cán bộ NXB, báo chí, đã quen anh. Hôm nọ, nhờ anh gác hết mọi chuyện để đọc và thẩm định giúp bản thảo của người bạn. Anh sốt sắng nhận lời và làm mọi thủ tục để có thể xuất bản nhanh nhất.
Cảm động chuyện này nên sáng qua y cũng làm việc tốt khác. Photo tập sách Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy tặng Đoàn Tuấn. Công ty Phương Nam đang sở hữu toàn bộ bản quyền của P.D, chẳng rõ tại sao không in lại quyển này? Lại photo thêm quyển Truyện Phan Xích Long - hoàng đế và binh tướng bị xử tại Tòa Đại hình Sài Gòn tặng nhà báo Trần Nhật Vy. Quyển sách quý này in năm 1913, đầy đủ thông tin về sự kiện Phan Xích Long. Tòa án Sài Gòn xử từ thứ Tư ngày 5.11.1913 đến ngày 12.12.1913. Có 104 người ra tòa, vắng mặt 7 người, đầy đủ danh sách. Đọc kỹ phát hiện nhiều chi tiết mà trước đây các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến. Chẳng hạn, khi kéo quân lên Sài Gòn, ngoài việc nhìn tận mặt Phan Xích Long, nghĩa quân nghĩ rằng sẽ được gặp anh hùng Đề Thám; tòa án kết tội cả Phan Bội Châu, Cường Để. Tang chứng là “vỏ trái pháo, áo, mão gươm, đồ sắc phục đế vương của Phan Xích Long hoàng đế giá đáng chừng ba bốn chục ngàn đồng bạc, là đồ vàng đặc”. Nghĩa quân “mặc y phục mới sắm bẳng vải trắng, khác đồ tang phục, đầu bịt khăn xéo, bỏ mối lòng thòng giữa trán làm hiệu riêng” v.v… Dựa vào tài liệu này, đã công bố trước tòa, có thể dựng lại cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long.
Trước đây, trên đường Võ Văn Tần có nhà sách Kỳ Thư, chủ nhân bị tật ở chân và nổi tiếng là bán sách cực mắc. Chỉ dân chơi sách cũ, nhiều tiền mới có thể mua nổi. Y không phải người chơi sách cũ nên thường chỉ mua bản photo, tất nhiên giá cũng cao ngất. Làm ăn như Kỳ Thư đáng khen, vì ít ra những người cần nghiên cứu cũng có thể tiếp cận được tài liệu quý. Có nhiều nơi bán sách cũ hiện nay còn lưu giữ những tạp chí, báo chí in tại Sài Gòn trước năm 1900 nhưng không làm theo cách này. Thật đáng tiếc.
Cái thú đọc sách còn là trước khi đi ngủ, tiện tay vớ lấy bất kỳ quyển sách nào đó. Đọc chơi dăm trang. Đôi khi không chủ ý nhưng lại tìm được nhiều thông tin lý thú. Về Kim Dung, thú thật, chưa bao giờ y có thể đọc hết một tác phẩm nào của ông. Ngồi nhậu, nhất là ở quán Đo Đo, nghe bạn bè bàn luận nhân vật này, nhân vật kia khoái lắm bèn quyết tâm đọc nhưng vẫn không đọc nổi, một phần do bản dịch mới ngây ngô, câu cú tầm thường quá nên dễ nản. Lại nghe, thời trẻ, ông Đồ Bì hết sức ca Vi Tiểu Bảo nhưng gần đây lại đâm ra ghét nhân vật này ghê gớm; lại nghe có lần ông Trần Bạch Đằng bảo nếu ra ngoài đảo hoang như An Tiêm, chỉ được phép đem theo một quyển sách duy nhất, ông sẽ chọn Tiếu ngạo giang hồ vì thích nhân vật Lệnh Hồ Xung và ghét Nhạc Bất Quần v.v… Trong những lần bàn luận đó, chưa nghe ai kể chuyện này: Lúc Kim Dung tuyên bố gác bút, Hội Kim Dung học ở của nhiều nước thế giới đã “nung nấu tâm can, vò võ trán” nghĩ ra câu đối tặng ông. Câu đối như sau:
Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên
Có người dịch: “Tuyết bay hàng ngày bắn hưu trắng; Hiệp sĩ cười viết dựa chim uyên xanh”. Câu đối quá xuất sắc. Không những thế, mỗi chữ trong câu đối là chữ đầu tác phẩm của Kim Dung: "Phi Hồ Ngoại Truyện, Tuyết Sơn Phi Hồ, Liên Thành Quyết, Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu Anh Hùng Truyện, Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, Thư Kiếm Ân Cừu Lục, Thần Điêu Hiệp Lữ, Hiệp Khách Thành, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Bích Huyết Kiếm, Uyên Ương Đao”. Nhớ câu này để hôm nào “lòe" anh Hoàng Hải Vân chơi. Sở dĩ như thế, bởi lúc nàng viết quyển Quách Tĩnh yêu Tiểu Long Nữ, anh Vân đã dành trọn buổi giải thích y nghe về tính cách các nhân vật Kim Dung. Nhờ vậy, y mới viết được bài thơ này. Con người này thông minh, viết báo xuất sắc, có điều anh không tập trung vào đề tài nào, khó ai có thể nhận ra hết sự tài hoa của anh. Ngày anh đám cưới, y tặng bức tranh vẽ chiếc ghế trống đặt dưới bóng cây xanh. Thỉnh thoảng anh vẫn hài lòng nhắc lại luôn. Có lẽ nhà văn Việt Nam duy nhất (?) đã vào thư phòng Kim Dung và phỏng vấn ông chính là Nguyễn Đông Thức.
Sáng qua vào cơ quan, nghe Đỗ Ngọc đọc mấy câu thơ, chị bảo là của Bảo Sinh, không rõ có đúng không, chỉ biết anh em trong cơ quan cười bò:
Trả thù kẻ cắm sừng ta
Tốt nhất để chúng thành ra vợ chồng
Thế là món nợ trả xong
Thế là thằng chó đi tong một đời
Hehe, hai từ “thằng chó” nghe ra vẫn còn cay cú quá. Lúc ấy, sực nhớ Bùi Giáng cũng có bài thơ tếu táo mà ít người biết. Bài thơ như một vở kịch ngắn. Trước hết là khúc dạo đầu:
Chép tờ địa lý đầy vai
Hùng tâm thánh nữ thiên tài ni cô
Định thần mừng rỡ bước vô
Song trùng chúc phúc hai cô một lần
Chúc gì?
Xót nàng còn chút song thân
Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa
Sao cho muôn dặm một nhà
Cho người thấy mặt là ta cam lòng
Những câu này đều mượn từ Truyện Kiều. Câu này mới là Bùi Giáng:
Hai nàng có số long đong
Cũng đành gắn chịu lòng thòng đẩy đưa
Nghe câu chúc ấy, lập tức:
Ni cô, Thánh nữ chẳng vừa:
Chào tôi ranh mãnh cợt đùa: - Chào ông!
Ông là tên Gioáng phải không?
Ông người Đòa Nẽng chính tông họ Buồi?
Hai cô cùng phá lên cười
Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo
Kết thúc có hậu quá. Thi thoảng trước lúc ngủ, đọc vu vơ dăm trang sách cũ cũng là vui. Mẹ mau lành bệnh, khỏe mạnh đặng về nhà cũng là vui, là một kết thúc có hậu. Lúc ấy, y mới có thể hào hứng mà rằng: "Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo"...
Đời, thế mà vui.
An May và bà nội (2008)
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|