LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.12.2014


tapchivanhoc

 

Hôm qua, lúc 12g45 đã chính thức nhấn nút send. Thở phào nhẹ nhỏm. Gần nửa tháng qua, thực hiện thời khóa biểu như sau: Sáng, 5 g thức dậy, sau đó ngồi gõ phím; chừng 9 giờ, đi ăn sáng; quay về nhà, gõ phím đến đến 13g, nghỉ trưa; 14g30 lại gõ phím đến 17 giờ, tắt máy, đi ăn tối. Quay về nhà, 22 g hoặc sớm hơn là ngủ. Công việc đều đặn. Chẳng ai thúc ép. Đã nhận lời, đã ký giao kèo rồi thì viết.

Viết cái gì thế hả Q?

Thế này, ngày kia vào hiệu sách lấy bộ Hào khí Đông A, dự định ngay đó tặng anh A. Vừa nghĩ đến đó, anh A điện thoại: “Q rảnh không? Ghé qua anh chơi”. Thì qua. Ngồi cùng anh là cô gái xinh đẹp, gọi anh A bằng chú, gọi y bằng anh. Y sướng nhé. Đại khái, cô đại diện công ty nọ này đặt anh A viết một bộ sách chủ đề nọ nhưng anh từ chối vì đang viết dang dở tác phẩm mới. Hơn nữa, anh nói: “Viết loại này cần phải có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo mà chuyện đó thì nghề của Q mà. Vậy Q nhận lời đi”.

Ngặt một nỗi thời gian ngắn hạn, lại trong mùa báo Xuân, báo Tết nữa. Rồi công việc mỗi ngày của cơ quan nữa. Ngày nào lại không viết một bài, dù ngắn dù dài cho chuyên mục NYS, rồi cộng tác với tờ nọ tờ kia, đã thế anh em trong tòa soạn thỉnh thoảng í ới, nhờ viết cái này, cái nọ. Cứ như có con mọn. Nay thêm việc, liệu có hoàn thành không? Suy nghĩ một lúc, y nhận lời.

Ngày hôm qua, hồi họp nhấn nút send, cả thẩy 27 ngàn 878 chữ. Thở phào nhẹ nhỏm. Yêu Q quá. Y tự nhủ thế, bởi đã hoàn thành công việc. Những tập tiếp theo còn tiếp tục, chắc chắn không phải sử dụng thời khóa biểu này nữa. Trở lại nhịp bình thường của mỗi ngày.

Mấy hôm nay, đời sống xã hội có gì vui không? Nói thật, y không quan tâm lắm. Chúi mũi gõ phím cả ngày, chẳng có thời gian ngẫm nghĩ chuyện gì khác.

Trưa qua, tan cuộc họp bàn kế hoạch 40 năm Hội Khoa Văn học & Ngôn ngữ/ Ngữ văn 2015, trên đường về cùng Trương Nam Hương ghé thăm anh Phan Kim Thịnh - chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Văn Học trước năm 1975. Loay hoay tìm mãi trên đường Bùi Đình Túy bởi ở đây số nhà cực kỳ lộn xộn, hẩu lốn không theo bất kỳ một quy tắc nào. Nhiều con đường tại Sài Gòn cũng đang trong tình trạng này. Cuối cùng, nhờ anh ra đón mới có thể vào tận nhà.

Chẳng biết nói thế nào. Những gì tưởng của mình, nhưng rồi có giữ được không? Anh cho biết bộ đủ Văn Học cả thẩy 205 số, đủ bộ Sử Địa là 29 số rồi nhiều bộ tạp chí khác nữa, kể cả thư viết tay, hình ảnh các nhà văn, tài liệu văn chương,sách quý khác lưu trữ lúc làm báo, anh đều bán sạch. Dạo ấy, vì việc riêng gia đình rồi chị Phương Khanh - vợ tai biến ngã bệnh, biến chứng thêm nhiều thứ bệnh khác, dăm ba lần thay đổi nhà trọ, hàng trăm thứ thúc bách sau lưng nên anh không thể giữ lại những gì đối với anh là quý nhất. Vậy mà, trưa qua anh vẫn cười hề hề khi nhắc lại chuyện cũ. Vẫn hào hứng kể chuyện đang viết kiếm sống mỗi ngày.

Sực nhớ lại ngày mới vào nghề báo, thỉnh thoảng đến nhà anh ngay đường NKKN, ngồi ngoài sân nhìn ra ngoài đường xe cộ nườm nượp. Vậy mà giờ anh lại ẩn thân ở hóc bà tó này. Hóc có nghĩa là chỗ kẹt, chỗ xó, chỗ cùng, ở trong xa, ở trong cùng; hóc hiểm là chỗ khó đi tới. Âm Hán Việt đọc là “hốc” (cốc) nghĩa là hang núi. Vậy “bà tó” là cái gì vậy trời?

Ngày đó, chưa mấy rượu bia, chỉ uống trà bàn chuyện phiếm, được anh cho mượn đọc tại chỗ các tài liệu quý, nhất quyết không được đem về nhà. Y quen biết khá nhiều người làm văn nghệ Sài Gòn cũ cũng từ anh. Thỉnh thoảng, cần hỏi ai, chuyện gì anh đều sẵn sàng. Anh kể, số báo Văn Học ế nhất là sộ đặc biệt về cụ Nguyễn Văn Tố, có lẽ do ngày ấy ít ai biết đến vị học giả đáng kính này chăng? Số báo bán chạy nhất là số do nhà văn Vũ Bằng rút tít giật gân, đại khái, Nhà thơ kháng chiến Quang Dũng là con trai Tản Đà. Sự tróe ngoe này khiến báo chạy ầm ầm. Thủ thuật làm báo mỗi khác.

Chắc ít ai nhớ thuở đang ăn làm ra, chính anh Thịnh - với tư cách chủ biên tờ Văn Học đã đứng ra tổ chức mừng thọ 70 xuân của nhà Tam Lang - tác giả Tôi kéo xe mở đầu thể loại phóng sự ở nước ta. Cuộc tri ngộ mừng thọ này diễn ra vào ngày 20.2.1971 tại nhà hàng Thanh Thế. Đọc lại Văn Học số 124 (15.3.1971), còn cảm kích với cái tình văn nghệ thuở ấy. Bữa tiệc chừng 20 người có Vũ Bằng, Tam Lang, Phạm Cao Củng, Lãng Nhân, Phạm Duy, Hoàng Ly… GS Thanh Lãng tặng 2 chai Cognac, họa sĩ Tú Uyên vẽ tặng bức tranh lụa vẽ một cành đào có trái đào lớn - tượng trưng tuổi thọ, dưới để trống cho các thân hữu ký tên. Nhìn bức tranh tặng, Tam Lang viết bài thơ Cảm tạ, nghệ sĩ Linh Điểu ngâm:

Đào tiên trao đến tay phàm

Phẩm tiên xin giữ để làm của ghi

Ân tình các bạn tương tri

Ân thâm tình nặng lấy chi tạ lòng

Nợ văn chương trả chưa xong

Nợ ân tình lại đèo bòng nợ thêm

Tà dương bóng đã xế thềm

Còn bao năm nữa cái đêm lạnh lùng

Chờ cho vẹn nghĩa thủy chung

Hãy xin cạn chén tương phùng đêm nay

Bạn uống đi! Uống thật say!

Tửu phùng tri kỷ phải đầy chớ vơi

Sau tuyên bố lý do là hát hò, ngâm thơ, đọc thơ. Cái tình văn nghệ thuở ấy sao mà đẹp.

Trưa qua, không ngờ chị Phương Khanh, vẫn nhớ hai bạn nhỏ tuổi của chồng - dù đã lâu không gặp. Ngồi trò chuyện, chị kể, ngày ngã bệnh, vào bệnh viện này bệnh viện nọ các bác sĩ trả lui vì không thể cứu sống được. Lúc tuyệt vọng nhất, con gái chết, không còn nhà trú thân, không có tiền, anh Thịnh phải bán dần các bộ sách quý. Lúc thập tử nhất sinh ấy, tình cờ có người bảo nấu lá đu đủ đực uống mỗi ngày xem sao. Chị dùng thử. Còn nước còn tát. Kỳ lạ thay, từ một người mỗi lần đi phải có người dìu, chị đã tự đi được. Bệnh tật lùi dần. Đã khỏe. Mừng cho anh chị. Do ngẫu nhiên, do cơ địa chăng, do cái gì? Chị bảo: “Nhờ ơn Chúa”.

Chẳng rõ có đúng vậy không?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.12.2014

 

Người Việt có thói xấu ấy từ bao giờ?

Thói xấu gì vậy?

Ấy là xây chỗ “yên ngủ ngàn thu” cho người đã khuất quá mức rình rang, tốn kém, hãnh tiến, dị hợm; đôi khi “con gà tức nhau tiếng gáy”, mộ của người nhà mình phải to, phải lớn, phải hoành tráng, phải tốn kém hơn thiên hạ. Có thể mới oách. Mới... hãnh diện. Vẫn biết nếu số tiền bỏ ra ấy từ thu nhập chính đáng không phải tiền tham ô, trộm cắp là được nhưng vẫn thấy buồn cười cho thói xấu của sự kệch cỡm.

Hôm qua, đọc bài báo Những khu mộ như lăng vua, phủ chúa ở nghĩa trang đại gia đầu tiên của Hà Nội (Báo Dòng Đời, phụ bản báo Đất Việt ngày 3.12.2014). Đọc xong, choáng luôn. Phải gọi đúng tên là sự hợm hĩnh. Khó có thể thay bằng từ khác.

Nghĩa trang Vĩnh Hằng cách Hà Nội 73Km nằm trên quả đồi rộng khoảng 20 ha, thuộc 2 xã Vật Lại và Phủ Sơn huyện Ba Vì (Hà Nội). Giá 1 mét vuông hiện nay giao động từ 12 - 15 triệu đồng. Nếu mộ đá phải là đá nguyên khối lấy từ Ninh Bình; nếu xây bằng đá ong phải là đá ong Thạch Thất. Bài báo cho biết: “Nổi tiếng nhất nhì ở đây là khu mộ “Tiên cảnh nhàn du”, được thiết kế kiên cố bằng đá, chạm khắc tinh xảo. Những phiến đá trắng, đá xanh nguyên khối, nguyên tảng, không có đường vân dù nhỏ bằng sợi tóc. Bên trái “Tiên cảnh nhàn du” là một khu mộ với kiến trúc rất mát mẻ, hiện đại. Nhìn vào không khác nào một công viên, nếu không có tấm bia mộ ghi dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn đấng sinh thành…”. Từ hàng rào, lối đi, thảm cỏ, đến cổng ra vào, tường bao, xích đu, ghế đá… tất cả đều khiến người ta nghĩ đây là căn biệt thự hay nhà vườn dành cho người sống”.

Một lăng mộ khác được miêu tả như sau: “Tọa lạc trên một vị trí đắc địa trong nghĩa trang, diện tích khoảng 200 m vuông, với 6 tòa lầu cao chừng 5 m, mái uốn cong, gắn rồng phượng, lợp bằng ngói lưu ly tráng men. Trước khu mộ là cánh cổng gỗ lớn trông như cổng thành, có tượng người và sư tử bằng đá đặt ở hai bên. Bên trong khu mộ cũng có rất nhiều những bức tượng Quan Âm, ngựa voi và lính canh, bàn ghế bằng đá trắng nguyên khối”.

Một người thợ xây cho biết, tốn kém không dưới 10 tỷ đồng: “Những ngôi mộ hoành tráng như vậy nên việc xây dựng vô cùng kỳ công, rồi đào móng sâu tới 5 m, bắn đá, đổ bê tông cốt thép. Trong quá trình xây dựng, gia chủ thường cử người giám sát chặt chẽ, chỉ cần một chi tiết không vừa ý là họ bắt sửa điều chỉnh ngay. Nói chung xây mộ cho người chết ở đây nhiều khi còn khó hơn xây nhà cho người sống”. Dám bỏ ra không dưới 10 tỷ đồng xây phần mộ, dù tiền "sạch" nhưng nó đã phản ánh triệu chứng bất thường của cơ thể sống một xã hội đang vận hành. Với số tiền đó, nhiều, rất nhiều người dân - cứ cho là tầng lớp trung lưu, dù có nằm mơ, có lạc quan như bác Ba Phi cũng không thể nghĩ đến ngày được sở hữu. Từ nghịch lý này, ta có thể nhận ra điều gì? 

Lòng hiếu thảo với đấng sinh thành, người ruột thịt, mong muốn họ "mồ yên mả đẹp" là chính đáng, nhưng báo hiếu, thương nhớ kiểu này có đáng khen không? Trong lúc bà con láng giềng ăn không đủ no, mặc không đủ ấm mà vẫn bỏ tiền của ra xây mộ phần to như dinh tổng thống! Quái đản thật. Nghĩ cho cùng, chẳng có gì bền vững mãi dưới gầm trời này. Con người ta chết đi, điều còn lại ở đời là đã làm được gì cho cộng đồng, chứ không phải ở cái mộ to đùng đoàng kia. Cái Nghĩa trang Vĩnh Hằng kia dù "sinh sau đẻ muộn" có lẽ đã “ăn đứt” cái “thành phố ma” thuộc làng An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) mà trước kia, nó nổi danh bởi lăng mộ với kiến trúc đồ sộ, quy mô bậc nhất cả nước! Lãng phí khủng khiếp. Mà thôi, chuyện của thiên hạ, bình luận làm chi. Trên đời này còn có nhiều chuyện nhố nhăng, quái đản hơn nữa kia mà. Ừ. Thì mặc xác họ.

Đọc sử càng kính phục, ngưỡng mộ danh tướng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngày 20.8 năm Canh Tý (3.9.1300), Ngài qua đời tại phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Trước lúc sắp mất, Ngài dặn lại các con: “Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi sau san đất và trồng cây như cũ, để người sau không biết chỗ nào, lại phải làm sao cho xác ta mau mục”. Dù vậy, sự thờ phụng Ngài, tôn kính Ngài vẫn mãi mãi lưu truyền trong tâm thức thế hệ này sang thế hệ khác. Năm kia, về Tiên Điền thăm mộ Nguyễn Du thấy đúng như nhận xét của nhà thơ Vương Trọng:

Một vùng cồn bãi trống chênh

Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề

Nơi an nghỉ của đại thi hào dân tộc đấy ư? Cần gì phải lăng mộ huếnh hoáng bạc tỷ kia nhưng với tài sản vô giá Truyện Kiều để lại đời sau, cũng có nghĩa Nguyễn Du đã trường tồn vĩnh cửu trong lòng con dân nước Việt. Vậy thì, điều quan trọng, cốt lõi nhất vẫn là những gì đã làm khi đang sống, chứ lúc đã trở nên thành người thiên cổ thì cái lăng mộ khoe của ấy có ích gì, ý nghĩa gì? Trả hiếu cho đấng sinh thành thay vì ném bạc tỷ vào cái nhà mồ, chỉ cần trích ra một ít mà xây cái cầu, làm con đường, giúp trẻ nghèo hiếu học thành tài… có phải thiết thực hơn không, nhân nghĩa hơn không?

Có thông tin lý thú về thị trường tranh cần ghi lại: Bức tranh sơn dầu Nhìn từ đỉnh đồi (View from the hilltop) của danh họa Lê Phổ vừa được nhà Christie’s International bán đấu giá tại Hồng Kông hôm 22.11.2014 với giá 840.000 USD. Đây được xem là bức tranh đắt giá nhất của một họa sĩ Việt Nam được bán tại Christie’s International. Vượt qua bức Người bán gạo (La marchande de riz) của danh họa Nguyễn Phan Chánh bán được 390.000 USD vào tháng 5.2013 cũng tại đây. Bức tranh này, danh họa Lê Phổ vẽ năm 1937.

Chắc chắn sức sống Nhìn từ đỉnh đồi tồn tại lâu bền hơn, có ý nghĩa nhân sinh hơn bất kỳ lăng mộ vô danh nào dù được “nhìn từ đỉnh đồi” bất kỳ nào.

 

tranh_nhin_tu_dinh_doi_cua_Le_Pho

Nhìn từ đỉnh đồi của danh họa Lê Phổ (ảnh: Iternet)

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.12.2014

 

hatgiamnghetinh

Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập - NXB KHXH in năm 1963) của  Nguyễn Đổng Chi - Ninh Viết Giao. Tư liệu L.M.Q  


Tâm lý con người ta cũng lạ.

Có những điều quan tâm, cứ tưởng thiên hạ cũng như mình. Vì thế, đi đâu, gặp ai cũng bàn luận, cũng tỉ tê, tâm tình cho thỏa mãn những gì đang nghĩ. Nhưng thật ra người đối diện, dù dỏng tai lên như đang lắng nghe nhưng lọt qua tai kia bởi trong đầu đang nghĩ đến chuyện khác. Thông tin đáng ghi nhận nhất trong những ngày này: Tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đêm 27.11.2014 ở Paris (Pháp) đã chính thức công nhận dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Y quan tâm, nhưng rồi khi trà dư tửu hậu hầu như chẳng ai đoái hoài tới. Kể cũng lạ.

Với thông tin trên, thông cáo cung cấp báo chí của Bộ Ngoại giao viết: “Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh”; còn văn bản của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại gọi: “Dân ca ví, giặm xứ Nghệ”.

Thử hỏi, “dặm” hay “giặm”?

Trước đây cũng đã từng có cuộc tranh luận lý thú Thánh “Gióng” hay Thánh "Dóng”? Công trình  nghiên cứu của GS Cao Huy Đỉnh có tựa Người anh hùng làng Dóng, in năm 1969: lý giải, theo truyền thuyết “Dóng” được sinh ra bằng việc mẹ “Dóng” ướm chân vào dấu chân to tạo thành vũng nước, và sau đó mang bầu “Dóng”. Và vũng nước có bàn chân to đấy được tạo thành bởi dông tố, cho nên ở đây phải dùng Dóng.

Ngược lại GS Trần Quốc Vượng cho rằng viết  Thánh "Gióng” mới đúng. Bởi trong văn hóa Việt Nam từ thời xưa, mỗi một con người đều gắn liền với làng, gắn liền với bụi tre. Vì vậy mà họ đã nghĩ ra cái tên Thánh Gióng. Gióng ở đây là “gióng tre” để thể hiện tình thần gắn kết, khăng khít của dân tộc như bụi tre.

Nhìn chung hiện nay, các văn bản đều viết “Thánh Gióng”

Về “dặm” hay “giặm”, từ năm 1963, GS Nguyễn Đổng Chi GS  và nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao - đồng tác giả Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập - NXB KHXH) khẳng định “hát giặm”, chứ không phải “hát dặm”“còn có cái lợi là để phân biệt nó với “hát dậm Hà Nam”.

Tại sao “giặm” chứ không là “dặm”? Câu hỏi này được lý giải cẩn trọng: “Thực ra, ngày nay nhiều người không còn rõ nghĩa tiếng “giặm” là gì; ngay cả những tay hát “kỳ cựu” cũng hiểu nó một cách mơ hồ. Tuồng như tiếng “giặm” đặt trong từ “hát giặm” đã trở thành một từ không có nghĩa. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cắt nghĩa sau đây ít nhiều có vẻ hợp lý. Tiếng “giặm” có nghĩa là đem vào một vật gì thêm vào, điền vào, đệm vào, chắp vào một cái gì còn khuyết, vào một nơi nào đó còn có thể chứa được. (Người miền Bắc cũng hiểu thế. Ví dụ: giặm một vài nan vào cái rổ rách). Nó rất gần với tiếng “giắm”, “giắm giú”. Giắm” tiếng Nghệ Tĩnh nghĩa là cấy lúa điền vào những chỗ trống trên đám ruộng đã cấy rồi (vì thiếu mạ hay mạ chết). Còn “giắm giúi” thì dễ thường không ai lại gì cái nghĩa nhét vào tay, cho giấu, đút của lót… Vậy thì có nhiều người Nghệ Tĩnh đã hiểu tiếng “giặm” trong “hát giặm” theo một nghĩa gần như “giắm” thêm vào. Nhưng họ hiểu theo hai cách khác nhau: Cách hiểu thứ nhất bắt nguồn từ hiện tượng điệp câu của “hát giặm”. Thường trong khi đặt một bài hát, người ta bắt buộc phải xen vào "câu láy” (hay “câu điệp”), vì thế mà gọi là “hát giặm”. Cách hiểu thứ hai lại xuất phát từ chỗ “hát giặm” thường phải chắp vần. Thường thường trong lối hát đối đáp, chữ vần của câu đầu bài phải chắp cùng vần với câu cuối của bài hỏi. Ví dụ:

Hỏi:

Tui hỏi mự mấy lời

Xin mự tường cho tỏ

Đáp:

Lời cậu vừa nói đó

Xui dạ thiếp âu sầu

Việc chắp vần hay hát chắp vào vần ấy tức là giặm, cũng gọi là “bắt xắp”. Bởi vậy, “hát giặm” cũng có nơi gọi là “hát xắp” (hay hát luồn) như một số người gần đây quen gọi” (tr. 14-15).

Cách giải thích đã tỏ tường. Không phải bàn cãi gì thêm.

Tuy nhiên, trước sự kiện loại hình nghệ thuật dân gian này được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà văn bản cấp nhà nước lại có cách viết khac nhau “dặm” “giặm”. Kể cũng lạ.

Thời buổi này, sách ra nhiều. Tiếc những quyển như Hát dặm Nghệ Tĩnh của GS  Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao lại không nhà xuất bản nào tái bản. Kể cũng lạ.

Mà thôi, chuyện lạ thời đang sống còn quá nhiều. Nhiều lắm. Có ai chịu khó liệt kê, có lẽ cũng dày như quyển tự điển chăng? Kể cũng lạ.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.11.2014

 

phamquynhR

Bộ Thượng Chi văn tập in tại miền Nam (1962) - do nhà thơ Huy Tưởng tặng - tư liệu L.M.Q


Từng ngày lại trôi đi. Tìm cảm hứng từng ngày cũng khó. Bởi lẽ, công việc của mỗi ngày vẫn thế. Không gì khác. Thời khóa biểu đã thế. Từ ngày này qua tháng nọ. Công việc lần lượt đến. Không thở than. Không mừng vui. Lầm lũi đi qua trang viết mỗi ngày. Để làm gì? Trả lời câu hỏi này khó khăn quá, thôi thì, để kiếm sống mỗi ngày trong tâm thế của một người lương thiện và yêu đời. Yêu đời có dễ không? Đã có ai tự hỏi và tìm được câu trả lời thế nào? Dù dễ hoặc khó, con người ta vẫn cứ phải sống. Rồi chẳng mấy chốc, đi về phía bên kia ngọn dốc thời gian. Đêm qua nằm đọc quyển sách Tùng Thiện Vương (1819-1870) do anh B tặng. Cảm động ở chỗ tác giả Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng là hai bố con, thuộc hậu duệ Tùng Thiện Vương. Do trong gia tộc nên có nhiều tài liệu đáng tin cậy.

Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán

Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.

Lời khen các thi nhân Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương lưu truyền này không chắc của vua Tự Đức. Nhà thơ Tùng Thiện Vương là con trai thứ mười của vua Minh Mạng. Lâu nay, ai cũng biết khi hoàng tử đến 18 tuổi phải “xuất phu” nghĩa là ra ở ngoài Tử cấm thành. Phủ đệ của Tùng Thiện Vương ở tại phường Liêm Năng, trong kinh thành. Không rõ phường này, nay đã thay đổi tên gọi thế nào? hay vẫn giữ nguyên? Sau ông dời phủ đệ về trên sông Lợi Nông. Nghe cái tên này lạ quá, do không phải người Huế, bèn tra Sổ tay địa danh Việt Nam (NXB Lao Động-1996) của Đinh Xuân Vịnh mới biết tức sông An Cựu, cũng là sông Phú Cam. Rõ ràng cái tên An Cựu nổi danh hơn, nhiều người biết đến hơn bởi lẽ đã đi vào ca dao:

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo

Sông An Cựu nắng đục mưa trong

Thử hỏi, phủ đệ của hoàng tử nhà Nguyễn xây dựng gồm có các hạng mục nào? Có lẽ, không phải ai cũng trả lời được, trong đó có y. Vì thế, y ghi lại từ tập sách Tùng Thiện Vương biết đâu sẽ giúp ích cho nhiều người như các nhà làm phim, viết tiểu thuyết… lúc muốn tái hiện lại bằng tác phẩm nghệ thuật. Phủ Tùng Thiện Vương gọi là Ký thưởng viên, ở đó có:

1. Nhà Mô trường: chỗ thi nhân, bằng hữu ngâm vịnh, xướng họa thơ văn;

2. Nhà bạch bí: chỗ của các bà phủ thiếp;

3. Tùng văn: nhà để thi văn, bút nghiên;

4. Cổ cầm đình: chỗ ngồi đàn, đánh cờ;

5. Mặc vân sào: thư phòng chứa sách kinh, sử, tử, truyện để học, đọc, nghiên cứu;

6. Ngự mặc đình: chỗ để viên mực của vua Minh Mạng tặng nhân dịp vua mừng lễ Vạn thọ 50 tuổi (ngũ tuần đại khánh);

7. Xuy tiêu ỷ: chỗ ngồi thổi ống tiêu, sáo;

8. Sở tụng đình: chỗ trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ;

9. Hàn lục hiên: chỗ trồng cúc, trồng các loại hoa dùng ướp trà;

10. Vô phi tân tạ: nhà tắm, làm bên hồ, có giả sơn. Tên chữ của hồ này là Nga Pha vì có nuôi ngỗng.

11. Nhất nguyên thạch: cầu đá bắc từ nhà tắm đi qua hồ để ngắm cảnh;

12. Không minh lộ: các đường đi trong Ký thưởng viên;

13. Thanh tĩnh thối: là ba chữ màu xanh đề trên cửa đi vào Ký thưởng viên, có 4 cột ghi câu đối:

Chẩm lưu tẩy nhĩ, thấu thạch lệ xỉ,

Không đàm tả xuân, cổ kính chiếu thần.

Nghĩa là:

Gối nước rửa tai; ngậm đá chùi răng;

Dùng hồ chứa xuân; lấy gương soi thần.

14. Thương hà bạch lộ đường: giữa nhà có treo bức hoành phi 5 chữ này, là nơi tiếp khách;

15. Bến nước: Nơi chủ nhân cùng thân hữu lúc nhàn hứng xuống bến dạo chơi trên sông Lợi Nông.

Lướt qua vài nét chính để thấy rằng, thú chơi, nết ở của người xưa đã khác nay nhiều lắm. Điều này, chẳng quan trọng gì. Ăn theo thuở, ở theo thời. Bao nhiêu phủ đệ đã trở thành dĩ vãng, thậm chí một vết tích cũng không còn. Vật đổi sao dời. Nay, còn nhớ đến, còn tìm hiểu Ký thưởng viên đơn giản chỉ vì Tùng Thiện Vương là thi nhân nổi tiếng, lưu lại đời sau nhiều tác phẩm có giá trị. Nếu không có những tập thơ, câu thơ tài hoa ấy, tất cả những vật chất liệt kê trên chỉ phù vân mây khói. Mà thật thế, nay còn lại chăng chỉ ba từ “Tùng Thiện Vương” trong trí nhớ người đời sau. Vậy là đủ. Đời sống nhẹ nhàng, đơn giản, chứ nào có rối rắm gì đâu. Về với cát bụi là hết. Còn chăng chỉ danh thơm hoặc xú danh. Thú thật, từ lâu nay, có một điều y không thể tìm được câu trả lời: Tại sao có nhiều người đã giàu, giàu sụ, giàu nứt đố đổ vách, tiền gửi ngân hàng nước ngoài nhưng rồi họ vẫn cứ bóp cổ, vòi vỉnh dân đen, tham nhũng, bán đất v.v… tiếp tục kiếm chác nhiều hơn nữa? Lạ quá.

Sáng nay, người bạn đã email cho mấy tấm ảnh mộ Phạm Quỳnh. Nhờ vậy mới biết, trước mộ có ghi hai câu nổi tiếng của ông: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ông Phạm Quỳnh viết bài khảo cứu Truyện Kiều, trong đó có câu trên là vào năm 1919, năm 27 tuổi. Ở tuổi hoa niên đó, ông đã ý thức:

“Theo lý tưởng cũ thời ở đó có ba cái “bất hủ”: một là lập đức, hai là lập công, ba là lập ngôn; nhưng cứ lịch sử đời xưa đời nay mà chứng, thời có lẽ cái trật tự ấy đảo ngược lại mới là phải, và ở đời này có lẽ lập ngôn là cái kế bất hủ hơn cả.

Lập ngôn là gì, là đem cái lý tưởng rất cao của mình, cái cảm tình rất thiết của mình, đem cả tâm hồn tình tính mà chung đúc vào tiếng nói của nước mình, tiếng nói ấy đã kinh qua bao nhiêu đời mới thành, tất cũng sẽ di truyền bao nhiêu đời không mất, vậy thời tiếng nước còn là hồn mình còn, mà hồn mình còn là tiếng không mất, như thế thời lập ngôn chẳng là cái kế trường sinh bất diệt ở đời dư? Lập ngôn chẳng là đem cuộc sinh tồn hữu hạn của một đời người mà đổ lộn vào cuộc sinh tồn vô hạn của một nòi giống, khiến cho mình nhờ nòi giống mà lưu danh mãi mãi, nòi giống cũng nhờ mình mà sống được vô cùng dư?

Bao giờ bán đảo Đông Dương này còn có người Việt Nam ở, người Việt Nam còn biết nói tiếng Việt Nam, thì truyện Kiều còn có người đọc, truyện Kiều còn có người đọc thời cái hồn Cụ Tiên Điền còn phảng phất mãi trong sông núi đất Việt Nam không bao giờ mất được! Ôi! Linh hồn bất diệt, linh hồn bất diệt là nghĩa thế nào? Lấy lẽ tôn giáo mà chứng thời huyền viễn quá, người thường không thể hiểu được. Nhưng thiết nghĩ đối với nhà thơ nhà văn thời linh hồn bất diệt tức là cái công trước tác của mình, nếu công ấy đáng giá thời linh hồn mình tất cùng với núi sông, cùng với nòi giống lưu truyền mãi mãi, tưởng cũng có thể gọi là bất diệt được, vì người ta ai cũng là kết quả của một giống, giống mình còn mình cũng còn, mình với giống mình cũng là một, còn có kế  trường sinh nào hơn nữa?” (Thượng Chi văn tập III, tr.107- Bộ QGGD in 1962 tại miền Nam).

Há không đáng để suy nghĩ đó sao?

Nay, đã có cánh cửa mở của sự Đổi mới cho phép các trước tác của ông đến với người đọc. Về cái chết cả Phạm Quỳnh, sau này báo chí đã nói đến nhiều. Tuy nhiên, chưa thấy có tư liệu này: Trước đây trên tạp chí Văn Học, bác sĩ Trần Văn Bảng đã thu thập tài liệu viết về bệnh tật và cái chết của Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nhất Linh. Theo đó, con gái Phạm Quỳnh là bà Phùng Ngọc Duy (nhủ danh Phạm Thị Hảo) cho biết sau năm 1945, Phạm Quỳnh sống ở ngôi nhà nơi bờ sông An Cựu. À, không rõ có gần phủ đệ của Tuy Lý Vương hay không? Ông Bảng viết: “Năm 1956, được gia đình Ngô Đình Diệm báo tin cho bà Phùng Ngọc Duy biết Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, và con là Ngô Đình Huân cùng bị bắn và chôn cùng một huyệt ở Hát Phú - cách Huế 20 cây số thuộc Quảng Trị. Ngày 28 Tết 1956, cùng gia đình Ngô Đình Diệm, gia đình Phùng Ngọc Duy ra tìm hài cốt nạn nhân ở Quảng Trị. Người dẫn đường tới huyệt chôn 3 xác là người lái đò năm xưa đã đưa nạn nhân tới nơi xử bắn.

Theo ông lái đò nói lại rằng sáng ngày hôm xử bắn, ông không nhớ rõ ngày (năm 1945) ông phải chở 3 nạn nhân: một thanh niên (Ngô Đình Huân) mặc binh phục Nhật Bản, một người đàn ông thấp và hơi béo, và một ông to lớn đưa tới ven bờ sông. Bắn Phạm Quỳnh trước và vất xuống con kinh đang đào để dẫn nước vào ruộng; sau đến Ngô Đình Khôi, xong đến lượt Ngô Đình Huân.

Khi đào lên, thấy hài cốt của Ngô Đình Huân trước với cái thắt lưng nhà binh Nhật, bị bắn nát đầu nhờ cái răng vàng nên người nhà nhận ra ngay. Rồi đến hài cốt Ngô Đình Khôi bé nhỏ, sau cùng là hài cốt Phạm Quỳnh to lớn hơn. Phạm Quỳnh nằm dưới hai xương tay đưa ra sau gáy ôm lấy sọ bị bắn thủng, bảy phát súng lục, gần đấy cặp mắt kiếng cận thị còn nguyên vẹn, gọng đồi mồi bị mục nát. Bà Phạm Ngọc Duy cho chúng tôi xem đôi mắt kính. Chúng tôi đem đi đo thì thấy một bên 3 dioptries, bên kia 0,25. Di hài Phạm Quỳnh được đưa về chôn tại chùa Phước An ở Huế”.

Hiện nay mộ Phạm Quỳnh ở tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Khi Vũ Trọng Phụng mất, năm 27 tuổi, nhà văn Ngô Tất Tố viết: “Thọ hay yểu, không quan hệ ở sống ít hay sống nhiều, nó quan trọng là có để lại gì cho đời sau hay không? Xã hội chỉ thiếu những người làm nên công nghiệp, không thiếu những ông ăn nước thịt ép và bú sữa người. Ngoảnh lại mà xem, những ông bú sữa người và ăn nước thịt ép ngày xưa, đến nay còn có gì gọi là di tích? Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông còn sống với mai sau. Thế là thọ” (Tạp chí Tao Đàn số 12.1939). Đêm qua, đọc Tùng Thiện Vương thích câu thơ này:

Tiện hữu văn chương hữu tính tình

Khởi quan thị vật mãi công danh

(Mượn chỗ văn chương ngụ tính tình

Há đem mua lấy chút công danh).

Thử hỏi, nỗi niềm ấy có ai biết cho đến không? Chắc chắn nhiều người đã tự hỏi thế. Tùng Thiện Vương cũng đã hỏi thế, vì thế, ông mới cười mà rằng:

Bàng quan nhất giải u nhân ý

Tiếu sát vương tôn canh thạch điền

(Người xem chẳng rõ tình người viết

Cười ngất cho là khẩn thạch điền)

À, làm thơ chẳng khác nào phá đá làm ruộng. Làm được ruộng trên đá, ấy là thơ. Trồng được hoa trên đá, ấy là thơ. Đáng cười quá đi chứ? Thế đấy. Ai cười cũng mặc. Đã là  tằm thì phải nhả tơ. Không một lựa chọn nào khác.

Nhọc nhằn thay.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 27.11.2014

 

TranNhanTongRRR
Bài thơ Thanh điệu của Lý Bạch ghi trên độc bình (ảnh: báo TN)

 

Y nhát.

Ừ, thì nhát.

Nhát như thỏ đế. Nhát như cáy. Nhiều lần trên Nhật ký, y đã phát biểu nhiều điều hiễn nhiên. Nhưng rồi lại sợ. Đôi khi biết những điều như thế này, như thế khác nhưng rồi trên giấy trắng mực đen chẳng dám viết. Đã viết mà tay cìn run. Trái tim trog ngực đập loạn xạ. Ấy là nhát. Ủa? Đã phát biểu câu gì mà nay vẫn thấp thỏm?

À, câu này. Mà không ngờ trên báo ANTG (số 159-tháng 11.2014) ông nhà văn Đỗ Kim Cuông với chức danh Phó Chủ tịch thường trực UB toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ VHVN, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phát biểu na ná: “Nhà văn với cuộc đời này, họ nói chưa bao giờ đạo đức xã hội chúng ta lại bi quan như thế. Họ nhìn thấy tận mắt hàng ngày bao cái xấu đang diễn ra. Nhìn hiện thực như thế, có ai dám phản ánh một cách sâu sắc và trung thực không? Hay lại sợ hãi, né tránh nó. Lắm ông bây giờ viết mà vẫn còn sợ. Đấy là một cái, cái thứ hai là trung thực với những điều chúng ta đang viết, trung thực với chính chúng ta trong cuộc sống. Tất cả những cái đó tưởng là nhỏ nhưng đang chi phối đạo đức, lối sống xã hội. Bây giờ con người ta không dám nói thật với nhau, có hai người thân còn dám nói thật. Nhưng có mặt người thứ ba lại phải nói khác đi hoặc chúng ta không dám nói điều chân thực. Trung thực và nói dối là điều khác biệt giữa hôm qua hôm nay”.

Suy ngẫm sâu xa một chút, hiện tượng trên đáng âu lo quá đi chứ?

Đạo đức xã hội, một khi không thật lòng mổ xẻ và chấn chỉnh tận gốc, thế thì, tất cả chỉ là lời nói suông, không thể giải quyết một cách rốt ráo những gì đang diễn ra. Tại sao con người ta muốn tồn tại phải “hai mặt”, phải đeo nhiều mặt nạ, phải thay lưỡi khi nói? Kẻ sĩ thế kỷ trước có hèn kém thế không? Nếu chọn cách sống an toàn ấy, làm gì có các bản điều trần của Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ…? Yếu tố tích cực nhất, Đổi mới triệt để nhất và cũng có ý nghĩa nhất ở các nhà nho cấp tiến Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… là gì? Là đến một lúc, họ nhận thấy rằng, không thể thay đổi xã hội bằng các bản điều trần thì phải thay đổi chế độ đó. Đó là sự khác biệt của thế hệ nhà nho Việt Nam đầu thế kỷ XX trước và sau khi tiếp thu Tân thư. Biện pháp của Phan Bội Châu là đào tạo lớp người mới, từ phong trào Đông Du và sử dụng vũ trang; Phan Châu Trinh lại khác, trước hết cần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” v.v…Nói cách khác, các cụ dù thuộc phái “ám xã” hoặc “minh xã” cũng chung một mục đích là lật chế độ quân chủ chuyên chế và ách ngoại xâm.

Một xã hội lành mạnh là một khi cộng đồng tin cậy vào Kẻ sĩ. Ấy thế, Kẻ sĩ hiện nay thế nào? Thế nào cũng chấp nhận được, không đáng âu lo. Âu lo nhất hiện nay vẫn là không ai dám nói lời thật, nói thật với nhau. Điều này thể hiện nỗi sợ hãi, sợ bóng sợ gió đấy chứ? Do đâu hình thành nên tính cách đó? Tại sao như thế? Với câu hỏi “tại sao”, hôm qua người bạn hỏi tại sao ông Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ lại tha hóa đến thế? Do bản lĩnh chính trị? Do cơ chế? Do môi trường? “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Mà thật ra, cũng chẳng nên bi quan gì. Hãy cứ tin ngày mai, mọi điều sẽ khác. Thích thêm hai câu này cũng của Nguyễn Trọng Tạo: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo”. Cứ tin vào quy luật của sự biện chứng, chứ không thể nào khác. Tin rằng, mà thôi, chỉ với niềm tin con người ta có thể sống khỏe, vui vẻ trẻ trung, hồ hởi phấn khởi chăng? Lại ảo tưởng nữa rồi.

Thời nhỏ, đọc truyện tranh Cuộc phiêu lưu của Astérix, Xì Trum… Và bây giờ nghĩ rằng, khi đối mặt với Hán tộc phương Bắc thì Việt Nam bé xíu, nhưng đó là “bé hạt tiêu”. Không gì có thể tiêu diệt nổi, kể cả lúc họ sử dụng vũ khí tàn khốc nhất, ác độc nhất và hiệu quả nhất là tiến hành bền bĩ các cuộc xâm lăng văn hóa. Tiến hành chiến tranh vũ trang, lấy thịt đè người thì sao? Lịch sử đã chứng minh rồi. Chỉ có thể bắt đầu từ văn hóa. Một khi văn hóa bị đồng hóa, cũng đồng nghĩa triệt tiêu sức sống của một dân tộc. Có những dân tộc trải quan nhiều thăng trầm như Israel, cuối cùng họ vẫn thành một khối từ sợi dây liên kết thiêng liêng là tôn giáo. Dân tộc Việt không có một tôn giáo riêng. Bất kỳ tôn giáo nào khi du nhập vào cũng đều phải biến hóa, uyên chuyển theo cá tính của người Việt. Sự độc đáo này, nếu được nghe các nhà nghiên cứu uyên thâm trao đổi thêm thì hay quá. Tiếc là  thời buổi này, chẳng mấy ai chịu khó tranh luận, phản biện đặng giúp y thấu hiểu hơn nữa về suy nghĩ trên. Thôi thì, trước mắt cứ tin thế.

Hôm qua đọc báo TN ngạc nhiên với thông tin này: 3 năm trước đây, có người đã “cung tiến” vào chùa Vân Tiêu, Yên Tử, nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông chiếc độc bình. Trên chiếc độc bình đó có chép rành rành hai câu: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/ Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/ Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”. Đây là nội dung bài thơ Thanh Bình điệu của Lý Bạch (701-762) ca ngợi vẻ đẹp của Dương Quý Phi sau đêm sủng ái. Thanh Bình điệu là tên điệu nhạc đời Đường. Sử chép: “Đường Minh Hoàng cùng Dương Quý Phi thưởng thức hoa mẫu đơn mới nở trong cung, vời Lý Bạch đến để viết lời ca mới cho điệu nhạc này nhằm cho ngợi vẻ đẹp của nàng”. He he, ông vua Đường Minh Hoàng thế mà hay. Chứ si tình, mê gái đến độ cắt đứt luôn một khoảng giang san gấm vóc làm vật sính lễ; hoặc đời cột mốc biên giới thì hỏng bét tiền đồ dân tộc. Được nhà vua vời đến, Lý Bạch lúc ấy đã ngất ngưởng men say bèn cao hứng vung tay, chỉ trong nháy mắt viết luôn 3 bài (tam thủ). Nhà văn Ngô Tất Tố dịch:

1.


Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng,

Gió xuân dìu dặt, giọt sương trong.

Ví chăng non Ngọc không nhìn thấy,

Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông.


2.


Hương đông móc đượm, một cành hồng,

Non Giáp mây mưa những cực lòng.

Ướm hỏi Hán cung ai dám đọ?

Điểm tô, nàng Yến mất bao công!


3.

Sắc nước, hương trời khéo sánh đôi,

Quân vương nhìn ngắm những tươi cười.

Sầu xuân man mác tan đầu gió,

Cửa Bắc đình trầm đứng lẻ loi.

Rõ ràng, nội dung bài thơ này không thế xuất hiện, dù trên độc bình quý ở nơi tôn nghiêm thờ phụng ông vua anh hùng đã có mặt cả hai lần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông vào những năm 1285 và 1287. Đọc lại sử, ta biết, khi non sông thái bình, tháng 8.1299 thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia. Ngài lên núi Yên Tử đi tu và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm. Ngài lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại đầu đà, Trúc Lâm đại sĩ được người đời tôn xưng Điều Ngự Giác Hoàng. Trong thời gian tu hành ở Yên Tử, ngài đã viết những tác phẩm nghiên cứu về Phật học nhưng nay hầu hết đã thất lạc; và Trần Nhân tông thi tập, Đại hương hải ấn thi tập, bài phú Cư trần lạc đạo…Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm của thượng hoàng Trần Nhân Tông là dòng thiền hoàn toàn mang sắc thái Việt Nam. Dù có tiếp nối các dòng thiền trước đó nhưng với ý thức dân tộc và chấn hưng Phật giáo trong tinh thần sáng tạo, ngài ý thức Đạo và Đời phải hòa nhập với nhau rất tự nhiên.

Ít ai đặt câu hỏi vì sao khi, thượng hoàng Trần Nhân Tông lại chọn núi Yên Tử để tu?

Do thắc mắc ấy, y tìm đọc lại sách của các bậc uyên thâm đặng học hỏi thêm. May quá, đã tìm được câu trả lời của Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) luận giải xác đáng. Sở dĩ ngài lên tu ở đó vì: “Nhận thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía đông có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng. Phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới là vô lượng đại thế chí Bồ Tát”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.11.2014

kim-thachky-duyen

Tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, bản in năm 1895, Nhà sách Khai Trí tái bản năm 1966. Trong tuồng có nhân vật "công tử bột" Ái Lang. Tư liệu: LM.Q

 

“Mấy hôm nay đi đâu, làm gì mà không thấy Nhật ký hở anh?”. Một vài tin nhắn đã gừi đến. Thì vẫn thế. Sáng: phở; trưa: cơm; chiều: lại phở. Ngày từng ngày cứ thế trôi vụt qua như vừa lật bàn tay, như vừa nhận nhuận bút bước vào quán nhậu mà lúc đứng lên thanh toán hóa đơn thì những đồng tiền ấy đã vụt bay cái vèo. Thời gian trôi nhanh. Đã gần hết một năm rồi.

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy?

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười

Chẳng rõ, ông Cao Bá Quát nực cười bởi chuyện gì? Sáng nay, như mọi ngày, hễ vừa ngồi xuống ghế thì nhanh như chớp ông chủ quán đã đưa ngay vài tờ báo mới. Lật qua và bảo đồng nghiệp Ngô Kinh Luân: “Anh không dám đọc tin này”. Nói xong, lật qua trang khác và sáng nay, phở đã kém ngon. Ấy là cái tin bé gái 5 tuổi bị xâm hại tình dục tại nhà giữ trẻ. Chuyện này xẩy ra tại Bà Rịa. Khiếp quá. Sự tha hóa con người đã chạm đáy địa ngục, đã bắt tay với ác quỷ rồi chăng?

Vẫn tự ý thức, mỗi ngày tự kiếm những niềm vui, chồi non lạc quan, tình người đằm thắm đang diễn ra để thêm yêu lấy đời, yêu lấy người và cũng là một cách yêu chính mình. Nhưng rồi, đã có những thông tin hắc ám ùa tới. Như bão quét qua. Bão đã khiến khu vườn vừa nhú lên những mầm xanh đã xác xơ, tan hoang. Thế thì, như con ốc chui sâu vào trong vỏ, chìm dưới lòng dại dương, y lại quay về với những câu chuyện chữ nghĩa, về tiếng Việt. Cũng là một cách tránh xa đời. Đời yêu y sao y lại né tránh? Sự mâu thuẫn này thường trực trong tâm thức mỗi ngày.

Biết làm sao?

Mấy hôm nay có làm sao không?

Sao lại hỏi thế?

Vì chẳng thấy dòng Nhật ký nào.

Thì ra thế.

Những ngày này đang đọc lại những gì đã viết. Chọn nhón để in tập sách mới. Thế nào chọn nhón? Người miền Trung có dùng từ này không? Thú thật, y chỉ biết khi đọc tập sách sưu tầm truyện tiếu lâm, cụ Trương Vĩnh Ký cho biết đã “chọn nhón. Ban đầu không hiểu rõ lắm. Mãi về sau mới biết nó hàm nghĩa “lấy hớt cái trên”, cái gì hay, tốt thì lấy bằng không thì thôi. Từ điển tiếng Việt giải thích: “lấy vật rời, vụn một cách nhẹ nhàng bằng mấy đầu ngón tay chụm lại”.

Đọc bài thơ Quán bên đường của nhà văn Trang Thế Hy có câu: “Em bẹo hình hài rao lên bán”. Từ lâu, trong đầu y nghĩ theo ý nghĩa “bẹo  là lấy ra một ít cái gì đó đã có. Ngày còn nhỏ, thấy đứa bạn cầm cái bánh bò bông, ngon quá, y thèm thuồng năn nỉ: “Mi bẹo cho tau một miếng”. Nếu đứa trẻ người Bắc ắt nói: “Cậu cấu cho tớ một tẹo”. “bẹo” còn có nghĩa là “béo”. Mẹ y từng la: “Em nó còn nhỏ, đừng có béo má em, tội nghiệp”. Béo ở đây là véo. Cô gái Bắc thỏ thẻ người tình: “Anh cho em véo một cái nha?”. Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: Véo: Lấy đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp vật gì mà rứt ra”. Nghĩ cũng buồn cười. “Véo” cũng hàm nghĩa là cấu”. Thành ngữ có câu: “Trăm cái cấu không bằng cái một cái véo”.

Thế thì, chữ “bẹo” trong câu thơ của Trang Thế Hy hiểu theo nghĩa nào? Có phải như y đã từng nghĩ “là lấy ra một ít cái gì đó đã có”? Lẩn thẩn lật lại vài quyển sách tra cứu xem sao, vì y không hiểu rõ phương ngữ Nam bộ. Quyển mà y tin cậy nhất cho đến nay vẫn là Từ  điển từ ngữ Nam bộ của Huỳnh Công Tín. Trong này ghi nhận: Bẹo”: chưng ra, đưa ra để khêu gợi, khích thích lòng ham muốn người khác”. Từ “bẹo” còn được ghép với các từ khác: “bẹo dạng”: trang điểm, chưng diện nhan sắc, phơi bày ra những cái nà người ta có thể ham thích’; “bẹo gan”: chọc tức, trêu tức, trêu gan; “bẹo hình”: phô trương hình dáng thân thể; “bẹo hình bẹo dạng”: phô trương hình dáng, chưng diện sắc đẹp, có ý khoe khoang lả lơi, thiếu đứng đắn trong hành vị ăn mặc; “bẹo mặt”: chường mặt ra để chọc tức người khác; “bẹo nhẹo”: bèo nhèo, mềm nhão, nhăn nheo”. Hôm trước, ngồi với N.M.Nhựt, người Bến Tre, anh còn cho biết thêm nghĩa của "bẹo": Cây sào cao ở trên ghe, xuồng có treo những thứ cần bán, người ta từ xa cũng thể biết có bán những thứ gì. Hàng hóa treo trên cây sào này, gọi là "đồ bẹo"!

Rõ ràng, nếu hiểu “bẹo” theo cách người miền Trung (như y) là không hiểu đúng câu “em bẹo hình hài rao lên bán”.

Hôm trước qua chơi quán Đo Đo, anh Ánh hỏi: “Q có biết “mọng” của người quê mình nghĩa là gì không?”. Y chưa kịp trả lời. Anh nói tiếp: “Ví dụ có câu: “Mi đừng có hứa mà em nó mọng”. Giải thích ra làm sao? “Mọng” đơn giản là mong đợi, chờ đợi; Từ điển in năm 1895 ở miền Nam của ông Huình Tịnh Pulus Của không ghi nhận từ “mọng”; từ điển in năm 1931 của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích theo cái nghĩa phổ thông “nhụng nhịu nhiều nước” như “quả hồng chín mọng”; tương tự người Bắc còn nói “mọng mọng” hoặc “mòng mọng” nghĩa là “hơi mọng”.

Tiếng Việt rắc rối quá. Có thời gian, chẳng phải cày kiếm sống, mỗi ngày cứ việc tìm hiểu ngữ ngữ tiếng Việt thì vui biết bao nhiêu.

Nhân đây trở lại với nguồn gốc ra đời câu thành ngữ “Công tử bột”. Trên tạp chí  Ngôn ngữ & Đời sống đã có cuộc tranh luận sôi nổi, bất phân thắng bại. Số báo 1&2 ấn hành 2004, TS Nguyễn Văn Nở giải thích: “Thành ngữ “Công tử bột” thường dùng để chỉ các cậu ấm con nhà giàu có, quần áo bảnh bao, mê ăn chơi nhưng biếng nhác trong công việc; ngờ nghệch trước cuộc sống và thường yếu đuối, “nắng không ưa, mưa không chịu”... Sắc thái biểu cảm của thành ngữ này có phần âm tính; người dùng nhằm mục đích châm biếm, chê bai và có phần thương hại nhưng chưa đến mức căm ghét, thù hằn”.

Sau đó, TS Nguyễn Văn Nở liệt kê những cách giải thích như sau:

1. “Theo nhiều người kể lại, các công tử bột không phải ai xa lạ mà chính là các công chức ngành dây thép (bưu điện) trong thời Pháp thuộc. Thuở ấy, các công chức này thường ăn diện quần áo trắng tinh, bảnh bao, cứ chạy nhong nhong như cờ lông công trên các đường phố ở thành phố lớn. Trong mắt người lao động, bọn họ là loại người ăn trắng mặc trơn. Nhưng cớ sao lại gọi họ là công tử bột? Công tử là con quan thì ai cũng hiểu rõ. Nhưng bột là gì? Ở đây, trong cách hiểu dân gian, dường như có sự trùng âm giữa từ “bột” với nghĩa như trong bột gạo, bột mì, bột sắn, gà bột, phổng bột... Cũng như các thứ đồ chơi cho trẻ, xinh xắn, bụ bẫm.... Và từ bột, vốn là cách đọc chệch của âm từ poste trong tiếng Pháp, có nghĩa là bưu điện (dây thép). Hoá ra, công tử bột là chàng công tử làm nghề bưu điện...” (Kể chuyện thành ngữ, tập II - Nxb KHXH, Hà Nội).

2. “Đây là tiếng chế giễu một học sinh đi ăn cắp. Tên hắn là Nguyễn Đức Quý. Quý sau này làm mật thám cho Pháp, can vào vụ âm mưu bắt cóc cụ Phan Bội Châu ở Thượng Hải năm 1925. Quý là con một người tòng sự ở Sở bưu điện Hà Nội. Hồi còn đi học, Quý đã mê một người đào hát, tên là Minh ở rạp Quảng Lạc. Quý muốn tặng cho Minh một chiếc nhẫn kim cương, bèn nghĩ cách ăn cắp của cửa hàng Gôđa... (Tuyển tập Nguyễn Công Hoan - tập III (1986), NXB Văn học, Hà Nội).

3. “Là có nguồn gốc từ tuồng hát bội có nhân vật tên là Hoa Bột, Ba Bột: “Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tánh tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột:

Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang,

Như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng,

Hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ

Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên

Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang

sướng đế sướng đê chí sướng…

(Bến Nghé xưa - Sơn Nam).

Cách lý giải nào đúng?

Y cho rằng cách giải thích của nhà văn Sơn Nam thuyết phục hơn cả.

Chứng cứ rành rành là trong bài khảo cứu Hát bội in trên Phổ Thông số 35 (15.6.1960), ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý cho biết trong hát bội có điệu hát Bài Thằng Bột: “Con quan ở trong triều dân gian thường gọi là công tử bột, học hành chẳng ra hình, ở không nên nết, tụ năm tụ ba, thả rểu phố phường, hiếp kẻ cô đơn, nịnh người quyền thế, có một tài chim gái mà thôi, không giúp ích cho gia đình, chẳng làm lợi cho xã hội. Sân khấu cổ truyền trình những nhân vật đó làm trò cười cho khán giả, cho nói giọng trọ trẹ, đầu bịt khăn gò, mặt cho giồi phấn mốc, mắt mang kiếng giọng vàng, chơn đi giày Tàu, tay cầm quạt lông, mình mặc áo gấm, ra vẻ snag trọng, có nét ăn chơi, ăn nói ngược ngạo láo xấc”. Nói có sách mách có chứng, ông Thân Văn Nguyễn Văn Quý dẫn chứng rành rẽ cách ăn nói của công tử bột trên sân khấu:

“Tớ trẻ,

Sáng mai tang tạng tàng tang

Cụ bảo thằng tê bắt con kiến vàng

Lấy sợi dây chà, xỏ ngang lỗ mũi, cho cụ dắt đi chơi, có không hở thằng tê?

Tớ trẻ,

Mi đi đâu mà cụ kiếm đôn, kiếm đáo, đảo địa thiên tôn, hà môn chi xứ, am tự thừa lôi, thấy bánh thấy xôi, thấy ông lọ nồi, chẳng thấy thằng tế, ứ hự thằng tê”.

Không được nghe âm điệu, chỉ cần đọc qua đã thấy sướng tai. Rõ ràng, thành ngữ "công tử bột" ban đầu là từ lời ăn tiếng nói dân gian, tạo nên sức sống của nó chính là do sân khấu hát bội đã tái hiện bằng hình mẫu điển hình. Nói cách khác, xuất xứ thành ngữ "công tử bột" bắt đầu từ Nam bộ. Rồi lan rộng ra cả nước và "sống" đến tận bây giờ. Tương tự, "bẹo" là từ phổ thông ngoài Bắc, ngoài Trung nhưng khi "du nhập" vào Nam bộ lại mang thêm những hàm nghĩa khác.

Chao ôi! Tiếng Việt ngoắt ngéo, rắc rối mà cũng phong phú biết chừng nào. Đã da vàng máu đỏ, dù ở tận đẩu tận đâu trên trái đất mà không tự hào "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời"?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.11.2014

linh-tho-Dong-DuongRR

 

Hôm kia, đến IDICAF tham dự hội thảo và ra mắt tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên (nguyên tác: Immigrés de force - Les travailleurs indochinois en France (1939 - 1952) của Pierre Daum, bản dịch của Trần Hữu Khánh. Không rõ tổ chức ra sao, chẳng thấy có lấy một mống nhà báo nào cả.

Quyển sách này thú vị quá. Lần đầu tiên, một nhà báo, nhà nghiên cứu người Pháp điều tra, lật lại những hồ sơ tư liệu về người Việt đã bị đưa sang Pháp thời Thế chiến II. Họ bị tuyển mộ, nói chính xác là bị cưỡng  bức sang “mẫu quốc” làm “lính thợ” phục vụ cho nguồn máy chiến tranh nước Pháp đang đánh nhau với Đức. Từ Hải Phòng, ngày 12.10.1939, lúc 3 giờ chiều, tàu Yang Tse đi Marseille. Chuyến tàu đầu tiên này chở theo 1.396 nông dân Việt Nam. Họ chen chúc dưới hầm tàu, được đối xử như đồ vật, hàng hóa. Ngày 21.11.1939, tàu đến cảng Marseille.  Lần lượt, có cả thẩy 20 vạn người Việt đã đến Pháp, con số chính xác là 19.362 người sang đó làm lính thợ. Trong số này, về sau có một người rất nổi tiếng là họa sĩ Lê Bá Đảng. Y đã có dịp trò chuyện và xem tranh Lê Bá Đảng lúc ra Huế tham dự Fsetival. Lúc đó, Huế vừa tạo điều kiện cho ông mở Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng.

Ít ai biết, chính lính thợ người Việt là chủ nhân của cây lúa ở vùng Camargue: “Nhờ kinh nghiệm cha ông để lại, những người này đã thành công ở vùng đất mà biết bao người khác trước đến đây đã từng thất bại, để trồng lên ở Camargue một giống lúa chất lượng cao làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế và phong cảnh của vùng châu thổ sông Rhôme. Đồng thời giúp nhiều dân xứ Arles giàu to” (tr.166-167). Chưa hết, năm 2000, nhà bảo tàng Gạo do cơ sở tư nhân Robert Bon xây dựng, trên một tấm pano có in hình ảnh người Việt đang cấy lúa, đầu đội nón lá và ghi dòng chữ thuyết minh: “Những người nông dân Việt Nam đang lặp lại những động tác của tổ tiên họ và đã thành công trong việc mang kinh nghiệm của cha ông mình đến cho ruộng lúa Camargue” (tr.178). Nếu không đọc sách, làm sao có thể biết được chi tiết đáng tự hào này?

Vấn đề lính thợ ở Việt Nam ở Pháp của năm tháng 1939 - 1952, hầu như giới sử học nước nhà chưa có một công trình nào nghiên cứu thấu đáo, đầy đủ. Thôi thì, bạn đọc Việt đành “mượn” công sức của chính tác giả người Pháp vậy. Mà nhiều vấn đề tương tự, nếu không ai chú tâm nghiên cứu, thế hệ sau chỉ có thể biết lờ mờ.

Đọc nhiều tài liệu khác, biết rằng, trước đó, thời Thế chiến I người Việt cũng đã từng bị cưỡng bức sang Pháp. Ủng hộ chủ trương này, Phạm Quỳnh đặt ra câu: “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc" tuyên truyền ầm ĩ trên báo chí thuở ấy. Nhà văn Nguyễn Vỹ, với Tuấn, chàng trai nước Việt đã trở thành nhà chép sử trứ danh. Ông viết lại sự kiện trên, thông qua những số phận, những nhân vật hiện rõ từng đường nét ấn tượng: “Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe. Tờ "Trung Kỳ Bảo Hộ công báo" là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh, tỉnh gởi về Huyện, Huyện gởi về các làng. Tờ báo đăng tin Nhà nước bảo hộ Pháp-lang-sa đang đánh giặc với Đức, tức là nước Phổ-lỗ-sĩ (phiên âm chữ Prusse, Đức phiên âm chữ Deutsch). Đức là một nước "dã man, tàn bạo", bị Pháp-lang-sa đánh thua liểng xiểng , binh lính Đức chết vô số, có cả hàng ngàn, hàng vạn, v.v... Nhưng trận giặc còn lâu dài, cho nên "dân An Nam nhờ nước Pháp-lang-sa bảo hộ  phải quyên tiền và đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Đức mọi rợ... v.v... Quyên tiền bạc bằng cách mua "Phiếu Quốc Trái", nghĩa là dân bỏ tiền ra mua Phiếu quốc trái, cũng như cho Nhà Nước Bảo Hộ vay, mỗi năm tính lời v...v... Bức vẽ "Rồng Nam phun bạc" cổ động cho phiếu quốc trái, con Rồng "An Nam" phun bạc ra như thế để "đánh đuổi giặc Đức”. Lúc bấy giờ Đức chiếm cứ cả miền Đông nước Pháp, gồm hai tỉnh Alsace - Lorraine, và hăm dọa tiến vào kinh đô Paris.

Dân làng, bất luận giàu, nghèo, đều phải góp tiền để mua Phiếu Quốc Trái. Hơn nữa, làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để "đánh đuổi giặc Đức ".

Sự thật, không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải bắt ép hai cậu thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh. Một người tên là Năm Xin, con Bà Trác goá chồng , nhà nghèo xác nghèo xơ, "không có miếng đất để cắm dùi". Người nữa là chàng nho sĩ, học trò cũ của ông Tú Phong, bấy giờ thôi học, lo làm ruộng.

Hầu hết lớp "lính tình nguyện" nầy ở khắp xứ Trung Kỳ, cũng như ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21, 22 đến 24, 25 tuổi.

Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang "Mẫu Quốc" là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện, cho đến các ông hương, ông xã trong làng, đòi ăn hối lộ. Một số đông các ông này chơi ác, cứ nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu, đi tùng chinh. Thế là các bậc cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót, cho con khỏi đi. Phải lo lót Xã một phần, lên lo lót Huyện một phần, rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa. Về thực tế, phải nhìn nhận rằng các quan lại người Pháp không bao giờ ăn hối lộ trong vụ này, và họ hoàn toàn không biết một tí gì về cái thói hối lộ của quan An Nam. Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chỗ này chỗ nọ, chạy chọt ông này ông kia, bán cả ruộng đất, nhất là con trai trưởng trong gia đình, khỏi bị bắt "tình nguyện" đi lính sang Pháp (…). Trong làng sở tại của Trần anh Tuấn, lúc đầu tiên có hai người thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh, bị bắt "tình nguyện" tùng chinh sang Pháp. Sau, quan binh buộc làng phải bắt thêm một người nữa. Cả thảy là 3 người:

- Năm Xin, con bà Trác.

- Hai Ngoạn, con chú Đẹp.

- Hai Tạ, con ông Bằng.

Cả ba đều là nhà nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo sát đất, nghèo mạt tệ. Vì lớp thanh niên nhà giàu, hoặc nhà khá giả, hoặc con trai các vị hương chức, đều nhờ hối lộ, và nhờ có quyền thế, đã được miễn tùng chinh. Sót lại ba anh chàng này không có miếng đất cắm dùi, cho nên phải đi lính '"tình nguyện" qua "mẫu quốc" đánh giặc "Phổ Lổ Sĩ ". Nói là qua "mẫu quốc" đánh giặc, nhưng sự thật thì qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là "đoàn quân thuộc địa" chỉ dùng riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi. Một số bị bắt ra mặt trận, nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn, đẩy các cổ đại bác và đào hầm trú ẩn. Chẳng có một người "lính thuộc địa" nào, nhất là lính "Tirailleurs Annamites" được cầm súng đánh giặc cả.

Gia đình của ba chàng thanh niên trong làng sở tại của Tuấn bị bắt đi tùng chinh bên Pháp đều có làm cơm cúng ông bà, và cúng ông Thần làng, trước hôm họ từ giã ra đi. Tội nghiệp nhứt là bà Trác. Bà khóc nức nở vì bà đã goá bụa, mà Năm Xin lại là con một của bà, "như hũ mắm treo giàn bí". Mấy ông hương chức bắt cậu đi tùng chinh qua Tây kể cũng thật là ác ! Họ chẳng thương hại cho hoàn cảnh của bà Trác một chút nào! Nhưng Năm Xin nói với mẹ: "Mẹ đừng có lo, Nhờ Trời che chở cho con được bình an vô sự, con đi lính sẽ đóng lon Cai, lon Đội, con được hàm Bát Phẩm, Cửu Phẩm, rồi con về làng con được ăn trên ngồi trước, con sẽ bỏ tù hết cả làng cho mẹ coi!". Năm Xin không có học chữ Nho, dốt đặc như cán cuốc, cho nên chàng nói nôm na mánh qué như thế, vậy mà mấy ông làng nghe cũng hơi ơn ớn.

Hôm bà Trác mua một con gà giò về làm thịt nấu cháo để cúng ông bà, cậu Năm Xin có nằn nì mẹ mua cho cậu một tiền rượu, trước là để cúng sau là để cậu uống một bửa cho thoả thích. Uống rượu say, cậu la hét một mình , cả làng xóm đều nghe: "Rồi coi chừng thằng Năm này, nghe không. Tao đi đánh giặc cho Vua nước Đại Pháp, biết đâu chừng Vua Đại Pháp thăng cho tao chức Lãnh binh, Thống chế, rồi tao sẽ cho bà con giòng họ tụi bay đi ở tù hết! Nghe chưa tụi bay? Đó là tao nhơn đức đó, không thì tao giết hết không còn một mạng à!".

Năm Xin mượn hơi rượu để hăm doạ các ông Hương Xã, trước hôm y ra đi tùng chinh, thế mà đã có kết quả ngay ngày hôm sau. Lúc giờ Mẹo, chàng xách gói ra đi, cả làng cả xóm đều đến vuốt ve, dua nịnh, sốt sắng chúc chàng: "thượng lộ bình an". Ai nấy cũng nghĩ thầm: "biết đâu chừng sau này hết giặc, nó sẽ trở về làm tới Lãnh binh, Thống chế!"

Hai vợ chồng ông Bằng, thì bà khóc nhưng ông không khóc. Vì Hai Tạ tuy cũng là con một trong gia đình, nhưng cậu ngỗ nghịch quá xá, lại cờ bạc rượu chè  bỏ nhà đi chơi luôn. Ông ghét nó lắm. Ông muốn thằng con ông đi lính qua Tây cho khuất mắt ông. Qua bên đó đánh giặc thế nào nó cũng chết, ông nghĩ thế. Ông sẽ cưới bà vợ bé, sanh thằng con trai khác để nối giòng nối dõi.

Trong ba chàng thanh niên tùng chinh, chỉ có Hai Ngoạn là có chút ít học thức. Chàng là học trò của ông Tú Phong , dồi mài kinh sử đã lâu, nhưng số phận hẩm hiu, đi thi kỳ nào cũng hỏng, hoặc phạm trường quy bị đánh rớt. Sức học của cậu có kém gì mấy ông Tú Tài, Cử Nhân, nhưng lều chõng mấy phen mà bạch thủ vẫn hoàn bạch thủ, đành cu rú ở nhà, vô tích sự. Chàng có hơi thất chí, nhưng vẫn kiêu căng tự đắc, lúc nào cũng cho mình là một sĩ phu chưa gặp thời đó thôi. Bị làng bắt đi lính sang Pháp-lang-sa, Hai Ngoạn nghĩ rằng thời của chàng đã đến. Đây là cơ hội đễ chàng tiến thân. Chàng xổ một mớ chữ Nho , nhớ câu trong sách: "Đại trượng phu xử thế đương tảo trừ thiên hạ, an sự nhất thất?" (Người trai ở đời phải quét sạch cả thiên hạ, há lẽ chỉ quét một cái nhà thôi ư!).

Kể ra chàng cũng có cái khí khái của con nhà Nho dở mùa, nhưng chàng rêu rao có hơi sớm.

Ba nhân vật trên đây có thể nói là điển hình. Họ tiêu biểu ba hiện tượng tâm lý của lớp thanh niên An Nam tùng chinh sang Pháp trong trận Đệ nhứt Thế chiến, 1914-1918” (SĐD, bản in năm 1969, tr.146-151).

Thân phận người Việt sang Pháp năm tháng ấy, cụ thể ra làm sao là vấn đề của sử học. Những rồi đến nay vẫn là một khoảng trống. Nghiên cứu lịch sử, đành rằng thông qua các con số, dữ liệu thống kê v.v… những nó có tác dụng đến đời sau thế nào nếu không đề cập đến những số phận, thân phận cụ thể? Đọc lại Nam Cao, Ngô Tất Tố loáng thoáng có thấy hình ảnh của những con người bị cưỡng bức phục vụ chiến tranh ở Pháp, lúc họ quy cố hương. Có thể ghi nhận, từ sự kiện trên, văn học hiện thực hiện đại Việt Nam đã xuất hiện một mẫu nhân vật mà trước đó chưa hề có. Đó là những nông dân nghèo rớt mồng tơi, chữ nghĩa lem nhem, thất học đột nhiên sang Pháp, tiếp cận văn hóa Pháp ở mức độ thấp. Lúc trở về làng, họ trở thành loại người mà làng xóm cho rằng ngớ ngẫn, đem ra giễu cợt, làm trò cười bởi họ đã có những cách ứng xử theo “kiểu Pháp”… Sự kiện chính trị tác động đến văn học là lẽ tất nhiên. Thời sự nông dân Việt Nam với giải tỏa ruộng đất, tranh chấp đất đai đã xuất hiện không chính thống từ mới, từ “dân oan”. Gọi không chính thống vì từ này không hề xuất hiện trên báo chí của nhà nước. Vài năm trước, có một quyển tiểu thuyết của nhà văn sống ở hải ngoại in trong nước, sau khi ấn hành đã bị thu hồi. Chỉ vì trong đó có viết đến từ “dân oan”.

Cả ngày hôm qua họp. Do đó, không thể tham dự hội thảo về nhà văn Trang Thế Hy tổ chức ở NXB Trẻ. Họp từ sáng đến chiều. Họp xong, tranh thủ chạy qua 42 Trần Cao Vân dự tiệc khai trương Nhà hàng Pizza 365. Loại bánh này đã xuất hiện tại Việt Nam lâu rồi, nhưng đây là lần đầu tiên có bánh Pizza chính hiệu của vùng Napoli - cái nôi của Pizza Ý. Trong nhà hàng này có lò củi hấp bánh nặng 2 tấn, chuyển từ Ý sang, độ nóng thường trực 365 độ và mỗi cái bánh chỉ nướng trong vòng 1 phút 30 giây. Khách có thể tự thao tác để có cái bánh cùng vật liệu kèm do mình chọn. Vài thông tin ghi nhận, chẳng hạn, năm 2009, đặc sản Pizza Napoli được Liên minh châu Âu công nhận là Đặc sản truyền thống được đảm bảo; năm 2011 là ứng cử viên của Di sản phi vật thể UNESCO. Với loại bánh này, người Ý có thông tin chứng minh năm ra đời của nó, sớm nhất vào năm 1660 rồi cải tiến dần dần qua các thời gian sau. Trong khi đó, chứng ta có những món ăn thuộc loại  “thần sầu quỷ khốc” như phở, bún bò Huế, mì Quảng, hủ tiếu, chả cá v.v… nhưng xem ra “lai lịch” còn mù mờ lắm.

Nhìn ra ngoài trời, đã thấy có không khí Tết. Sở dĩ thế, bởi hôm nay, y đi mua vé máy bay Tết.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.11.2014

 

tu-mo-tu-lieu-lmq

Tạp chí Văn Học số 27 (1.5.1971) phát hành tại miền Nam, số báo đặc biệt về nhà thơ Tú Mỡ. Tư liệu L.M.Q

 

Mấy hôm nay, bận quá. Vài bài báo vặt vãnh đã xé nát thời gian. Thời gian lủn mủn, vụn, chẳng đâu vào đâu. Sáng hôm qua, Chủ nhật, vẫn phở. Ngang qua chùa Vĩnh Nghiêm, người xe nườm nượp. Có lễ cầu siêu cho những người chết vì tai nạn giao thông: “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”. Báo TP sáng nay cho biết: “Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước xảy ra 20.801 vụ tai nạn giao thông, làm 7.475 người chết, 19.937 người bị thương. Nâng cấp hệ thống giao thông nội địa, cả đường bộ lẫn đường thủy, nhất là ở những cung đường thường xảy ra tai nạn, đang là yêu cầu cấp thiết. Các nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, dù Việt Nam đã nâng cấp nhiều sân bay để thu hút các nhà đầu tư, nhưng sự lạc hậu trong hệ thống giao thông đường bộ và tai nạn giao thông xảy ra nhiều ảnh hưởng tâm lý của họ".

Mấy hôm nay, chủ nhân Khu Du lịch Đại Nam lại ồn ào trên báo chí. Ông chủ Huỳnh Uy Dũng tuyên bố trên một số tờ báo cho rằng tỉnh Bình Dương “chèn ép” khiến ông  phải đóng cửa khu du lịch này. Thực hư ra sao? Sư nói sư phải, vải nói  vải hay. Y cũng không rành nội tình lắm. Thông tin báo chí cho biết, từ 7g sáng ngày Chủ nhật vừa rồi, hàng vạn người dân từ các ngả đường đổ về Khu Du lịch Đại Nam vì nghe tin khu du lịch này miễn vé vào cổng, miễn vé tham quan và sẽ đóng cửa vào ngày 20.11 tới. Sáng nay, đi ăn phở với N.K.L rồi về quán cà phê L vừa mở chung với người bạn. Lật tờ báo ANTG số ra ngày 8.11.2014, đọc bài L viết về vụ kiện tụng trên. Bài báo này có nêu ý kiến của ông Dũng cho biết, ngoài yếu tố tâm linh, “Còn khu kinh doanh của khu du lịch, tôi cũng chia hết phần lợi nhuận để dành mổ tim cho trẻ em nghèo cả nước”. Sau khi phân tích, L viết câu kết như sau: “Thiết nghĩ, không người tử tế nào lại lấy việc từ thiện của mình để gây áp lực và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Bởi cái gốc của từ thiện chính là sự thiện tâm”. Đọc câu này, nhớ lại chuyện này. Ngày nọ, có anh chàng trọc phú mới giàu nhờ "luộc sách" của Công ty Trí Việt bị báo chí phanh phui nện một tơi bời đã đến gặp y và bảo: “Tôi muốn đóng góp cho quỹ từ thiện của báo PN số tiền là X”. Nghe cảm động quá. Sự cảm động ấy đột nhiên tan vèo như bãi đờm búng ra khỏi cuống họng: “Bù lại, anh phải viết về vợ tôi một bài lớn in trang trọng trên báo PN”.

Trưa nay, đọc lại Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Với y, Vũ Trọng là nhà văn Việt Nam duy nhất, y có thể đọc đi đọc lại nhiều lần mà không chán. Hình ảnh ông nghị trong văn chương nước nhà, nổi tiếng nhất chỉ thể vợ chồng nghị Quế của Ngô Tất Tố, nghị Hách của Vũ Trọng Phụng... Đây là bạn bè bồ tèo, vây cánh, tay sai của nghị Hách:

“Trong bọn ấy, có anh coi đời như canh bạc lớn, làm việc thiện là để quảng cáo cho mình, làm điều ác mà bắt mọi người phải nhớ ơn, đọc đủ cả các báo chí mà không biết gì về văn chương mỹ thuật, tủ sách đầy những tập kỷ yếu các hội ái hữu, nhưng kỳ chung thật không có ai là bạn trên đời, cầm đến tờ nhật trình chỉ xem tin thương trường, tin gọi thầu, các đạo nghị định, tin xuất cảng, nhập cảng, đã từng chủ tọa những cuộc bàn giải văn chương, mà chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết.

Lại có anh vừa cổ động kịch liệt cho hội phật giáo, lại vừa xây hàng dãy nhà săm, thấy tin ở đâu bị lụt là lập tức hô hào mở cuộc lạc quyên, để đi cân gạo, thấy tin ông tổng trưởng thuộc địa qua chơi, là viết ngay một bài báo than phiền về nạn hiếu danh và lên kể công doanh thương với quan đầu tỉnh, coi đời là một sự vô nghĩa lý, nhưng đày tớ đánh vỡ một cái bát cũng bắt đền năm xu, giữa đám đông người thì cả mồm chửi những người tàn ác buôn đồng loại, nhưng ngồi một mình thì lại ca tụng mình đã làm được một việc tàn ác một cách có mỹ thuật.

Có anh nữa, đã bị cáo trước vành móng ngựa hàng chục lần, mà vẫn chưa biết ông biện lý ngồi ở chỗ nào, vào đâu cũng khoe mình giỏi pháp luật, khai ở sở liêm phóng là vô nghề nghiệp nhưng, thực ra, không còn nghề gì là không làm, ban đêm đi tiêm thuốc phiện cho người quý quốc, ban ngày đi đòi tiền hộ các sở nặc nô, làm chủ đã ba bốn tiệm khiêu vũ, mà đánh con gái đến hộc máu về tội ăn mặc tân thời, cho vay lãi mười lăm phân thì xót xa, vì đã quá hy sinh cho đời, mà đem vi thành quan trên bạc nghìn, vì đã được cái cửu phẩm còn sợ mình là bội bạc.

Lại có anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, vừa là chủ được phòng, bán tem cho hội bài trừ bệnh lao, lại bán cả thuốc lào mốc, chiếm kỷ lục về sự vô học nhưng lại gọi ông Quỳnh, ông Vĩnh là thằng, ấy vậy mà khéo làm tiền, thì lại cứ hơn những kẻ có bằng thương mại chuyên môn... Nói tóm lại một câu, bọn người này là những mẫu hàng đặc biệt của công giới và thương giới.

Bọn ấy đều hoặc là bạn hàng, hoặc là vây cánh hoặc là tay sai của Nghị Hách cả. Người thì lên xin thầu một dãy nhà, kẻ mong điều đình xong một tờ giao kèo, anh thì muốn bán lại một cái mỏ, anh thì đến yêu cầu một sở đại lý độc quyền, anh thì đến bán một ít cổ phần của một công ty đương tổ chức lại, hoặc sắp tan...”.

Đoạn văn trên nhắc Quỳnh là Phạm Quỳnh; Vĩnh là Nguyễn Văn Vĩnh. Thời Tú Xương, hình ảnh ông nghị chưa xuất hiện trong thơ của ông. Trong số các “môn đệ” của Tú Xương, người nối danh không hổ danh thầy là Tú Mỡ (1900 - 1976), người Hà Nội. Tiếng cười độc đáo của Tú Mỡ là biết kế thừa cái hay của các sư phụ đi trước và từ ca dao, tục ngữ. Điều làm nên tên tuổi Tú Mỡ là đã cười rất ác vào các ông nghị... gật mà trước và sau Tú Mỡ chưa có ai vượt qua nổi! Trước năm 1975 ở ngoài Bắc nổi lên những cây thơ trào phúng như Xích Điểu, Thợ Rèn, Nguyễn Đình, Sĩ Giang, Lã Vọng, Búa Đanh, Huyền Thanh, Chính Nghĩa, Búa Tạ, Đặc Công  v.v... Tiếng cười của các cây bút này vẫn nặng về xây dựng lối sống  mới và chủ yếu là đánh giặc Mỹ bằng những thủ pháp sắc sảo, ấn tượng. Đốt đuốc đi tìm thâu đếm suốt sáng cũng không thể tìm ra bài thơ trào phúng nào của họ đã lôi ông nghị ra nhễu nhại. Trong khi đó, ở miền Nam lại khác, các cây bút trào phúng như Tú Trọc, hà Thượng Nhân, Cả Tếu, Ch. Số Zách, Trạng Đớp, Tú Kếu, Cung Văn... đã từng "nện" ông nghị, chứ không hề né tránh. Quản lý báo chí thế nào sẽ có một nền báo chí như thế. Nhà thơ Tú Mỡ đã vẽ ông nghị thời thuộc Pháp bằng những bức chân dung hợm hĩnh, hài hước với đường nét tiêu biểu nhất, không lẫn lộn với ai khác. Chẳng hạn, đây là một đoạn trong cảnh khuếch trương của các ông nghị trước khi ra bầu cử, ta thấy có giọng châm biếm hài hước của Tú Xương:

Lẳng lặng mà nghe họ diễn thuyết

Công tâm, công ích, lời tâm huyết

Phen này mở hiệu viết văn thuê

Dẫu chẳng làm giàu cũng đỡ kiết

Họ quẳng tiền ra để cạnh tranh

Nghe đầu mỗi vé một “rồng xanh”*

Phen này có lẽ mưa ra bạc

Mà nghị viên ta khỏi phỗng sành !

(Bầu cử)

*“Rồng xanh” giấy bạc thời Pháp thuộc

Nhắn nhủ ông nghị

Áo sa, khăn nhiễu, giầy ban

Kính trắng gọng vàng, tay cắp cặp da

Ấy là ông nghị vùng ta

Xúng xa xúng xính đi ra hội đồng

Mấy lời nhắn nhủ cùng ông

Có ra hội đồng thì miệng phải to

Xin đừng khúm núm co ro

Nói không ra tiếng họ cho rằng đần

Cũng đừng ngẩn mặt tần ngần

Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu


Ông nghị đi hội đồng về

- Ông ơi, ông đi đâu về

Có vẻ phỡn phè, phấn chấn hỡi ông?

- Rằng tôi đi họp hội đồng

Mỗi năm một bận, hết lòng vì dân

Gật gù, nghe đọc diễn văn

Vì dân giáng sức mấy lần vỗ tay

Trăm công, nghìn việc, nặng thay!

Vì dân nên phải đêm ngày miên man

Bao chương dự toán luận bàn

Vì dân sái cổ gật tràn đòi phen

Nhờ trời công việc đã yên

Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu

Quản gì thức mấy đêm thâu

Vì dân khai trí mấy chầu tổ tôm

Mỗi năm vất vả mươi hôm

Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè

Khâm Thiên là nơi nổi tiếng với nhiều nhà hát cô đầu thời ấy. Tú Mỡ có viết Khuyên chồng ông nghị khi đi hội đồng, nhại theo bài kinh nghĩa “Khuyên con về nhà chồng” của cụ Bãng nhãn Lê Quý Đôn. Ông mở đầu như sau: “Ông nghị ra nghị viện phải nói, phải năng, đừng câm miệng hến, chớ vì tư lợi, để phụ lòng dân”. Rồi viết hát xẩm Tiễn đưa quan nghị về quê, Gắn bó với quan nghị - theo điệu “Anh Khóa ơi” của Á Nam Trần Tuấn Khải, Hách, Kén chồng ông nghị, Giới thiệu các ông nghị với quốc dân v.v... Thơ trào phúng khó “đứng lại” với thời gian bởi nó gắn liền với yếu tố thời sự, sự việc cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, cũng có sự ngoại lệ, chẳng hạn, thơ trào phúng của Hồ Xuân Hương, Tú Xương… và gần đây Tú Mỡ. Ai dám bảo, những bài thơ viết về ông nghị của Tú Mỡ không còn tính thời sự?

Chiều mai, đi dự hội thảo tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên do NXB Tri Thức tổ chức  tại Thư viện Idecaf, TP. HCM. Khánh dịch quyển này. Lâu quá không gặp Khánh. Thỉnh thoảng nhận sách mới của bạn bè, biết họ vẫn say mê làm việc, quà tặng ấy, y thích hơn cả.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 6.11.2014


bogisaoducquocgia-R
Lời Chỉ dẫn của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa về việc biên soạn sách giáo khoa bậc tiểu học


Lại chuyện sách giáo khoa (SGK).

Ai biên soạn? Biên soạn như thế nào? Vẫn là sự tranh luận không dứt. Cuối cùng, người ta đã “gút” thế nào? Quan điểm của y,  cứ như cách làm của miền Nam trước 1975 là tốt hơn cả. Nghĩa là Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành chương trình học, học cái gì, cụ thể ra sao? v.v… Sau đó, các giáo viên căn cứ vào đó biên soạn SGK. Cách làm này huy động được chất xám của các nhà mô phạm, trí thức cả nước. Bộ SGK nào có chất lượng tốt, các trường sẽ chọn dạy cho học sinh, bằng không tự nó đào thải. Hơn nữa, cách làm này, cùng một chủ đề do Bộ đề ra nhưng cách triển khai có nhiều góc nhìn, nhờ thế, bài học sẽ phong phú hơn. Chẳng hạn, đây là Chương trình Việt ngữ lớp Nhì:

"Lời dặn: Giáo viên sẽ tùy chủ điểm, tùy địa phương, tùy thời tiết mà dạy các mục sau này, mục nào trước, mục nào sau, tùy tiện.

                                                                           Ngữ vựng

Thôn quê và thành thị: Công sở, dinh thự. Cách sinh hoạt ở thôn quê và thành thị. Các cơ quan hành chính. Thuần phong mỹ tục.

Nghề nghiệp: Các nghề nghiệp. Đồ dùng của thợ. Các nhà máy.

Thương mại: Cửa hàng. Chợ. Hàng hóa. Việc buôn bán. Sổ sách.

Giao thông: Giao thông và các cách vận tải. Bưu chính (thư từ, điện tín, điện thoại, ngân phiếu, bưu kiện v.v…).

Vũ trụ: Trời. Đất. Các hiện tượng trong trời đất. Thời tiết. Các khí cụ để biết thời tiết. Âm lịch và dương lịch.

                                                                   Tập đọc - Học thuộc lòng

Tập đọc, giải nghĩa, học thuộc những bài văn hay và ngắn bằng văn xuôi hoặc văn vần, có tính chất luân lý, thiết thực. Nên chọn những bài văn mới, có tinh thần quốc gia hay xã hội. (Tập đọc cho trôi chảy và có ý vị. Đọc tự nhiên đừng ê a, để ý đến các nhỡn tự). Giọng đọc phải thích hợp với ý tưởng, tính cách và tình tiết bài học.

                                                                 Chính tả - Văn phạm - Chữ viết

Chính tả: Viết trầm những bài ngắn độ 10 dòng, chọn ở những tác phẩm văn xuôi gần đây, có tương quan đến chương trình ngữ vựng và đức dục. Thầy đọc theo giọng thông thường để học trò nghe cho quen, khi gặp người tỉnh khác đọc, khỏi bỡ ngỡ. Để ý đặc biệt đến cách đặt các dấu chữ, chấm câu, dấu giọng, dấu câu cho đúng chỗ, trong bài chính tả cũng như trong bài học, bài làm.

Văn phạm: (Dùng bài chính tả hoặc tập đọc mà dạy).

- Phân biệt các loại tiếng chính (danh từ, động từ…) và để ý về các “loại từ” dùng để chỉ riêng về người, về đồ vật v.v…(con, cái, cây, chiếc…).

- Những điều cương yếu về ngữ pháp: nhận xét các phần chính (chủ từ, động từ, túc từ, trạng từ) và vị trí của mỗi phần trong một câu đơn.

- Câu chỉ việc chủ động; câu chỉ việc thụ động; câu nói thường; câu để hỏi; câu để than (cách dùng những từ ngữ riêng để nói hoặc để than).

Tập viết: Tập viết chữ nhỏ, chữ vừa (lối thường và hoa). Viết những câu ngắn có ý nghĩa.

                                                                             Tập làm văn

1. Tập dùng những từ ngữ: chỉ… mà thôi; không những… lại còn nữa.

Tập dùng những tiếng: mỗi, mọi, mấy, những, các.

Tập dùng những tiếng: rất, lắm, quá, hơn, thua.

2. Tả đồ vật, cây cỏ, tả cảnh, tả người.

3. Thuật chuyện, viết thư dễ và thích hợp với đời sống hàng ngày của học trò”

(nguồn: Chương trình của Bộ QGGD của Việt Nam Cộng hòa).

 

Thử so sánh 3 bài tập đọc của học trò lớp Nhì học vào Tuần lễ thứ 14, chủ đề: “Nghề nghiệp: Các nghề nghiệp. Đồ dùng của thợ. Các nhà máy”:


                                                    Đập thủy điện Đa Nhim

1. Lễ chính thức khởi công xây cất đập thủy điện Đa Nhim vào ngày 1 tháng 4 năm 1961.

2. Tại quận Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức, lối ba trăm chuyên viên Nhựt và ba ngàn chuyên viên, công nhân Việt Nam đêm ngày làm việc không ngừng để đắp một cái đập vĩ đại ngang sông Đa Nhim. Một đường hầm dẫn nước cũng được đào từ quận này xuyên qua dãy núi Ngoạn Mục đế nhà máy phát diện đặt tại Sông Pha thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Từ đây, một hệ thống dẫn điện cao thế đưa về trạm biến điện Thủ Đức dài 252 cây số. Công tác này hoàn thành là một kỳ công của ngành điện lực Việt Nam.   

3. Đập Đa Nhim sẽ cung cấp một số điện khí thừa thải cho dân chúng Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và khắp cả những tỉnh phụ cận” (nguồn: Quốc văn bộ mới lớp Nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiên và Một nhóm giáo viên biên soạn - NXB Việt Hương in năm 1970, tr.109, tác giả V.P.L).

 

                                                         Nhà máy xay lúa

1. Miền Nam tự do là một vựa thóc khổng lồ ở Đông Nam Á. Vì thế nên nhà máy xay lúa được xây cất khắp các vùng, trên bờ sông và lạch. Lớn nhất là những nhà máy ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn.

2. Nhà máy xay lúa có hai loại máy là máy lửa và máy dầu. Máy lửa lớn và có nhiều động cơ, sức sản xuất khá mạnh nên xay được nhiều lúa (thóc) hơn. Còn máy dầu thì chỉ dùng để xay gạo ăn thôi. Mỗi máy có nhiều cái hộc bằng gỗ hay bằng kim khí nối liền với nhau. Lúc ở máy chuyền sang hộc thứ hai, thóc sẽ biến thành gạo lức. Khi đến hộc thứ ba, gạo đã trắng rồi. Sang đến hộc thứ tư, thứ năm thì máy đã phân biệt hẳn ra gạo, tấm và cám. Lúc đó, các công nhân đem đóng vào bao gửi đi các nơi hay mang vào kho lưu trữ.

3. Những máy xay này thường hoạt động quanh năm, nhất là sau vụ  gặt, nhiều máy chạy suốt ngày đêm không nghỉ” (Quốc văn toàn tập lớp Nhì do Bùi Văn Bảo, Đoàn Xuyên biên soạn- NXB Sống Mới in năm 1967- tr.79, tác giả Văn Lâm).

 

                                                                            Máy xay

1. Thủy vào trong theo hai chị em để xem tận mắt cách làm việc của chiếc máy xay lúa. Lẫn trong tiếng động cơ rầm rầm, những lớp bụi bay tung tóe. Thủy nhận thấy chiếc máy xay thật là vĩ đại.

2. Từng thúng lúa đổ vào miệng chiếc phễu hình chữ nhật rồi chừng mười lăm phút, hình ảnh của chiếc thùng lúa biến mất, Thủy chỉ còn thấy chảy ra ở một cửa miệng khác của chiếc máy xay lớp gạo mới trắng tinh.Những vỏ trấu đã được đưa theo một đường khác để thành đống ở phia sau nhà máy. Những hạt gạo gẫy vụn được gọi là tấm cũng như lớp phấn bám chung quanh hạt gạo thường gọi là cám đều nhờ cách sắp đặt của chiếc máy tối tân mà được chọn lựa riêng biệt.

Thủy tưởng tượng đến những đêm trăng xay lúa ở thôn quê. Muốn có hột gạo trắng, người ta phải sàng, sảy, giã rồi giần để lấy cám. Hai phương tiện đều chỉ đi tới một mục đích nhưng kết quả khác nhau.

3. Nếu lui về những thế kỷ trước, nhà máy xay lúa ngày nay quả là một phép thần thông biến hoa của con người vậy” (Việt ngữ bộ lớp Nhì do Thêm Hữu Đắt, Huỳnh Hữu Thanh Trường Sư phạm Sài Gòn biên soạn -NXB Nam Sơn 1968 - tr.102).

Các bài tập đọc có khác nhau, nhưng rõ ràng không đi chệnh quy định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Cần có nhiều bộ sách gáo khoa cho từng môn học. Vấn đề này ai cũng tán thành vì ích lợi cho con em mình. Thế rồi đến nay, vẫn là câu chuyện thời sự trong nghị trường. Chán là thế. Đâu phải mỗi chuyện này, còn có những chuyện khác cứ dùng dằng mãi. Chán là thế. Riết rồi, chẳng ai thèm quan tâm thêm nữa. Tới đâu hay đó. Chán là thế. Cái nguy hiểm trong suy nghĩ chính là ở đó. Riết rồi, cũng đành tặc lưỡi, cùng lắm buông tiếng thở dài rồi lảng qua chuyện khác. Cho nhẹ cái đầu. Chán là thế.

Mà này, chỉ có mỗi y bi quan thôi. Thiên hạ đâu có thế.

Vậy hả? Nếu thế, may quá. Hy vọng thế để mà yêu cuộc đời này.

Sáng nay, trên TT lại có bài Tranh cãi quanh đoạn trích bài thơ Thương ông của nhà thơ Tú Mỡ in trong sách giáo khoa Tiếng Việt. Bài báo này có đưa ra hai văn bản đã sử dụng trong SGK lớp 2 (28 câu), và đã từng in trong SGK lớp 4 (20 câu). Tại sao? GS Nguyễn Minh Thuyết - chủ biên SGK Tiếng Việt lớp 2 cho biết: “Nguyên bản bài thơ này (trong tuyển tập thơ Tú Mỡ) dài 42 dòng, theo thể thơ 4 chữ. Toàn bài thơ gồm 168 chữ. Nhưng theo nguyên tắc lựa chọn đoạn trích cho học sinh lớp 2, chúng tôi chỉ đưa vào những đoạn trích dài tối đa 120 - 150 chữ. Các câu hỏi kèm theo đoạn trích chỉ tối đa ba câu, mỗi câu hỏi tối đa 10 chữ. Vì thế chúng tôi không thể đưa nguyên vẹn bài thơ mà chỉ đưa đoạn trích đã được lược bớt”.

PV báo TT hỏi thêm: “Nhưng vì sao nhóm tác giả không chọn đoạn trích từng đưa vào SGK lớp 4 vốn được khen rất hay?”.

Ông Thuyết trả lời: “Ở đoạn đầu bài thơ, đúng là rất hay. Nhưng khi lựa chọn cho học sinh lớp 2, ngoài tiêu chí chọn nội dung hay, chúng tôi phải quan tâm tới những yếu tố khác. Đoạn đầu bài thơ có câu “Đi phải chống gậy/ Khập khiễng khập khà”. Từ “khập khà” là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ. Nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt cho học sinh thì đó là từ không chuẩn và khó hiểu với học sinh lớp 2. Ngoài ra theo quan điểm của nhóm biên soạn, ở phần đầu có một số câu nôm na, không “thơ” bằng phần sau. Đặc biệt ở phần sau khi đứa cháu bảo ông nói “Không đau! Không đau!”, người ông làm theo... là phần rất thú vị, thể hiện tình cảm trong sáng, cách nghĩ hồn nhiên rất trẻ con của người cháu. Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm ở đây. Đó là lý do chúng tôi chọn đoạn trích sau”.

Cách trả lời của ông Thuyết không ổn. Hãy khoan nói về sự thẩm định thơ, việc cắt xét như thế đã hợp lý chưa? Chỉ riêng về phép ứng xử với một tác phẩm văn học, nhất là ở nhà thơ nổi tiếng như Tú Mỡ đã là điều không đúng. Bài thơ này đã in Tú Mỡ toàn tập, tập 2, NXB Văn Học - 2008 - tr.703, nội dung như sau:

1. Ông của bé Việt bị đau chân, phải chống gậy và bước đi “khập khiễng khập khà” nên không thể bước lên thềm nhà.

2. Bé Việt nói ông vịn vào vai cháu mà bước bước lên thềm. Người ông khen cháu khỏe, thương ông.

3. Thử đặt câu hỏi: Bé Việt làm việc tốt vừa rồi là do đâu?

Cả 2 văn bản đều bỏ đi cái ý này: “Khi nào ông đau/ Ông nhớ lấy câu/ Bố cháu vẫn dạy/ “Không đau, không đau”/ Dù đau đến đau/ Khỏi ngay lập tức”. Rõ ràng, nhờ giáo dục của bố mà Việt có hành động đó, chứ hoàn toàn không ngẫu nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Không phải ngẫu nhiên, Tú Mỡ lồng vào ý trên.

4. Thêm một tứ thơ độc đáo nữa, cả 2 văn bản đều lượt bỏ là khi nghe cháu nói như thế, người ông không cãi, tin lời dạy của bố cháu nhưng hành động đáng yêu của người ông, tác giả nhấn mạnh ở chỗ “phì cười”. Rồi: “Ông bèn nói liến:/ "Không đau không đau”/ Và ông gật đầu:/ “Khỏi rồi, tài nhỉ!”. Khổ thơ này mới thật sự xuất sắc: Nghe cháu “khuyên”, ông làm theo vì cháu hồn nhiên quá, ngây thơ quá, trong sáng quá. Do đó, ông phải gật gù cháu... nói đúng. Người lớn nào không ứng xử như thế?

5. Cuối cùng, lại có một chi tiết thú vị, nếu không muốn nói thú vị nhất, trẻ con nhất, đáng yêu nhất và thể hiện rõ tình cảm Việt thương ông là lúc: “Việt ta thích chí/ Cháu đã bảo mà/ Và móc túi ra/ Tặng ông chiếc kẹo”. Văn bản SGK lớp 2 thì có, lớp 4 thì... không.

Sự tùy tiện của 2 văn bản trên, hoàn toàn không phù hợp với môi trường giáo dục. Nếu bài thơ quá dài, không phù hợp độ tuổi học sinh thì chọn bài thơ khác. Việc gì phải cắt xén? Thử nghĩ, sau này đứa trẻ lớn lên, đọc nguyên bản bài thơ Thương ông của Tú Mỡ, nó sẽ có suy nghĩ gì khi thuở ấu thời đã tiếp nhận một văn bản “đầu cua tai nheo” trong SGK? Nói “đầu cua tai nheo” vì cách "lắp ghép" ấy không phải trích đoạn. Trích đoạn có nguyên tắc của nó. Mà dù trích đoạn hay cắt xén cũng đều phản ánh không đầy đủ cấu tứ trong thơ Tú Mỡ. Láo toét. Dạy không đúng nguyên bản cho con em mình làm chi? Tội nghiệp các cháu. Hỡi ôi!

Bàn mãi chuyện này cũng chán.

Chép thêm bài trong SGK của miền Nam liên quan đến Thương xá Tax vừa bị đập bỏ. Việc làm đó đã dậy sóng trong lòng mọi người. Một phần cũng do ngay từ bé, người Sài Gòn đã được học, được cảm nhận về “Thương xá Nguyễn Huệ”, nguyên văn như sau:

"1. Tầng dưới của tòa buynh-đinh rộng lớn nằm tại đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi được dùng làm thương xá.

2. Gặp ngày nghỉ lễ, thương xá đông nghẹt những người! Các lối đi thênh thang bên trong sáng rực đèn ống, đèn màu. Gian hàng trần thiết rực rỡ, chưng bày nhiều ngoại phẩm quý giá, đắt tiền. Vài cặp vợ chồng trẻ dìu nhau ngắm nghía mấy áo len đủ màu, đủ loại hoặc khẽ cười với nhau khi trầm trồ mấy viên hồng ngọc rực rỡ bên trong tủ kính. Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh.

3. Đây đó, nhạc vui trỗi lên lồng lộng như mừng đón khách hàng” (nguồn: Quốc văn bộ mới lớp Nhì do Lê Thành Phát, Phạm Trường Thiên và Một nhóm giáo viên biên soạn - NXB Việt Hương in năm 1970, tr.109, tác giả V.P.L - tr. 117).

Ô hay, ngày xưa, “Một cô bé thích thú reo lên khi chợt nhìn thấy con búp bế xinh xinh” là hình ảnh chị y đấy ư?

"Mắt biếc năm xưa nay đâu?"

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.11.2011

 

tutruyen-huongduong

Tập sách ĐỨNG DẬY VÀ BƯỚC ĐI của NGUYỄN HƯỚNG DƯƠNG

 

Chiều qua, mưa. Chiến hữu ở Đà Nẵng gọi điện thoại ầm ĩ vì đang nhậu. Và cho biết, mấy hôm nay ở quê nhà cũng mưa tầm tã. Mưa dai nhách. Mưa như mưa. Bạn bè y có thói quen, hễ nhậu say là bấm số liên tù tì. Câu chuyện đứt đoạn, không đầu không cuối. Chẳng rõ, đã nghe được những gì. Lâu lắm rồi, trên đường về, tạt qua chung cư một chút. Không gì mới. Vẫn hương quen còn sót lại đâu đó trên trang sách. Bèn ngâm câu thơ Kiều:

Đầy vườn cỏ mọc lau thưa

Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Chẳng cần vội hiểu nghĩa, chỉ nghe âm vang, nhịp điệu sáu tám đã xao xuyến, đã thảng thốt, đã không nguôi tiếng gọi thầm: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Ðào hoa y cựu tiếu đông phong”. Ma mị của chữ nghĩa đấy ư? Chỉ nghe, không hiểu nhưng cảm thấu những gì đã có do câu thơ vọng lên thăm thẳm nỗi niềm. Đêm qua, ngủ một giấc rồi dậy. Lại ngủ tiếp. Chán mớ đời. Giấc ngủ trục trặc bởi đôi khi chẳng biết thức để làm gì, ngủ để làm gì.

Sáng nay dậy sớm, viết bài cho TTC Xuân 2015. Đã mail. Đi ra mắt tập sách mới của người em, người bạn: Đứng dậy và bước đi (NXB Hồng Đức) - tự truyện của Hướng Dương. Năm 25 tuổi, đang là hướng dẫn viên du lịch, cô bị tai nạn giao thông, xe lửa cán đứt lìa và mất hẳn hai chân. “Khi dậy trong bệnh viện Chợ Rẫy nhìn thấy hai khúc chân bê bết máu của mình, tôi tuyệt vọng kêu lên: “Cha mẹ ơi, cho con chết đi, con không muốn sống nữa”… Cú sốc khủng khiếp đã làm tôi nghĩ đến cái chết. Thà chết còn khỏe hơn là sống mà mất đôi chân, chỉ có chết mới thoát khỏi cái đau và cái khổ tận cùng này. Chữ “chết” bắt đầu lởn vởn rồi chế ngự cả tâm trí tôi”.

Nhưng rồi, cô vẫn phải sống. Sống trong lo toan, đùm bọc của mọi người. Đó là những trang viết xúc động. Ứa nước mắt.

Thật khó quên chi tiết, khi được đưa vào Chợ Rẫy, người ta đem cả hai khúc chân bầm nát của cô thử xem có nối được không? Đoạn bầm dập phải cắt bỏ. Rồi sau đó, từng mạch máu li ti được nối trong suốt 8 tiếng đồng hồ. Nỗi đớn đau tàn khốc ấy còn kéo dài. Vết thương liên tục chảy máu, tụ máu bầm, có nguy cơ hoại tử. Lập tức cô được chuyển qua Bệnh viên 175: “Nằm trong lồng oxy cao áp tôi có cảm tưởng như mình đang nằm trong một cái quan tài trong suốt và chật chội. Hai khúc chân bị chèn ép vào nhau làm tôi thêm đau đớn. Chịu hết nổi, tôi gào lên: “Bác sĩ ơi cho em ra ngoài đi, tháo cái khúc chân này ra đi”. Cuối cùng, cô lại đưa về Chợ Rẫy, không thể giữ được nên hai khúc chân đành cắt bỏ, may mỏm cụt lại: “Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được “hạnh phúc là sự từ bỏ” - cái gì trên đời đến lúc mất đi thì mình cứ cho nó mất luôn đừng nuối tiếc bởi càng níu kéo, càng bám víu vào nó thì càng thêm đau đớn mà thôi” (tr.8). Ai cũng nghĩ thế, nhưng lúc đối diện bằng sự trải nghiệm, bằng nỗi thống khổ của chính mình thì không phải ai cũng tỉnh táo chấp nhận lẽ hiển nhiên ấy.

Mở đầu tập sách, cô ghi câu ngạn ngữ khuyết danh: “Không vấp ngã trong cuộc sống, đó là điều tốt. Nhưng vấp ngã rồi đứng dậy bước đi lại là điều tốt hơn”.

Điều gì đã khiến Hướng Dương “Đứng dậy và bước đi”? Cô cho biết: “Câu trả lời đầy đủ câu chuyện Ân Sư Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải, ghi dấu một bước chuyển lớn của đời tôi:

Sáng Chủ nhật là buổi thuyết giảng của Sư tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM). Cuối buổi giảng, tôi nặng nhọc bước trên đôi chân giả vừa gắn xong đến đảnh lễ Sư với nét mặt u sầu thảm não:

- Sư ơi, đôi chân của con đã mất rồi, kể từ bây giờ suốt đời con phải đi bằng đôi chân giả.

Với những giọt nước mắt chực trào ra, những tưởng Sư sẽ xoa đầu tôi, an ủi, vỗ về: “Thôi con đừng buồn nữa cuộc đời là vô thường mà” nhưng không, với nụ cười tràn đầy tình thương nở trên môi, Sư nhìn tôi rồi nhẹ nhàng nói:

- Ồ, con chỉ có hai chân giả thôi sao? Con nhìn xem, toàn thân sư đều là giả đó thôi!

Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh. Như ánh chớp lóe lên, lời Kinh Bát Nhã mà tôi đã tụng hàng trăm lần bỗng trở nên sinh sộng lạ lùng: “Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh bất diệt”. Phải rồi chỉ tại tôi mắc kẹt vào cái “tướng” của mình nên mới “ôm sầu thiên thu” như vậy! Cú “giải huyệt” tuyệt chiêu của bậc chân sư đã chỉ cho tôi lối thoát hiểm, cất đi gánh nặng ngàn cân đang đè nặng trong lòng tôi” (tr.82-83).

Trong đạo Phật, giây phút nhiệm màu ấy gọi là “đốn ngộ”.

Từ đó, “đôi chân giả nặng hơn 3kg bỗng trở nên nhẹ tênh”, Hướng Dương đã có cái nhìn khác về cuộc đời. Và cô đã làm gì? Thầy Thích Nhật Từ cho biết: “Thế là, “Thư viện sách nói dành cho người mù” đã được thành lập vào ngày 19-05-1998. Để Thư viện sách nói phục vụ cho hàng ngàn người mù trên toàn quốc, Hướng Dương đã thành lập “Quỹ từ thiện sách nói cho người mù”. Từ những sách nói đầu tay, thu âm vào bằng cassette, nay sách nói cho người mù đã trở thành một thư viện kỹ thuật số. Nhờ có sách nói, người mù có thể tiếp cận nhiều nguồn tri thức, thông tin, theo đuổi các cấp học… mà không bị lệ thuộc vào hệ thống chữ nổi, vốn ấn bản có số lượng hạn chế và tốn kém. Sau 16 năm hoạt động, Thư viện sách nói có trên 270.000 băng cassette và đĩa CD cho hơn 90 Hội người mù và Trường mù trên toàn quốc. Mấy năm trở lại đây, trang web www.sachnoionline.com có cơ hội phục vụ trực tuyến với gần 1.000 sách nói cho hơn 20 triệu lượt người”.

Trước đây, ủng hộ việc làm này, y đã đồng ý cho thư viện của Hướng Dương toàn quyền chuyển sang sách nói những gì y đã viết. Sáng nay trong cuộc họp, cô hiệu trưởng trường mù Nguyễn Đình Chiểu có phát biểu một ý hay: “Bất hạnh của Hướng Dương đã đem lại niềm vui cho trẻ em mù”. Trên đời có nhiều người khốn khổ, thiệt thòi hơn mình nhưng vẫn sống có ích cho cộng đồng hơn mình gấp nhiều lần. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhà in chuyên nghiệp in sách chữ nổi cho người mù, các thầy cô ở trường mù phải tự in thủ công hoặc bằng máy móc cổ lỗ sỉ do các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ. Do đó, việc làm của Hướng Dương hữu ích thiết thực biết bao nhiêu.

Như mọi lần, trong các buổi ra sách mới, y thường phát biểu đôi câu. Với tập sách Đứng dậy và bước đi của Hướng Dương, y nói, đại ý, chúng sinh thường tiếp cận tôn giáo qua hai ngã:

1. Từ tranh, tượng thờ Phật, Chúa; học, đọc giáo lý…

2. Từ hệ thống triết học tôn giáo đã được “chuyển hóa” qua các loại hình nghệ thuật khác như thơ, ca, nhạc, họa…

Hai ngã đường này, nghĩ cho cùng cũng là điều bình thường. Hữu ích đấy, cần thiết đấy nhưng không bằng tiếp cận qua một ngã đường khác nữa:

3. Từ bản thân của người trong cuộc. Họ đã trải qua niềm thống khổ, tuyệt vọng, tự đứng dậy trong lúc đấu tranh sinh tồn với ý thức: “Khi Chúa khép cánh cửa này, ngài lại mở ra cánh cửa khác”. Chấp nhận nỗi đau với nụ cười nhẹ nhàng trên môi: “Tất cả đều là hồng ân. Bất hạnh lại càng là hồng ân”. Chính họ là nhân chứng sống chứng minh bằng xương thịt rằng, đã vượt qua cái chết từ niềm tin tôn giáo. Nhân chứng sống động này có sức thuyết phục người khác hơn là lúc cảm nhận tôn giáo qua tranh tượng Phật, Chúa; qua các câu kinh kệ, giáo lý, kể cả qua các nhà truyền giáo...

Vì thế, khi chàng trai không tay không chân Nick Vujicis (Úc), nữ phi công cụt tay Jessica Cox (Hoa Kỳ) hoặc Hướng Dương và nhiều số phận bất hạnh khác cất lên tiếng nói về nghị lực đã vượt qua, về sự chia sẻ tình yêu thương đồng loại… sẽ được cộng đồng tin cậy hơn. Và hơn ai hết, chính họ mới là người thấu hiểu sâu xa nhất về đức tin tôn giáo bởi họ cảm nhận bằng chính sự sống của họ chứ không chỉ từ các hình thức bên ngoài. Ý kiến này đã được nhiều người đồng tình. Trong tập sách này, còn có in những bài thơ của Hướng Dương, chẳng hạn:

Sông khuya lấp lánh ánh vàng

Ngư ông, chú cá mơ màng giỡn trăng

Chị Hằng ơi, có biết chăng?

Ngư ông câu được một vầng trăng thu

Bài thơ có tứ hay đấy chứ? Rời khỏi phòng họp, lòng vui. Và tự nhiên y thấy y tầm thường ghê gớm. Trên đời có những số phận bi thảm khốc liệt, dẫu chênh vênh, chông chênh giữa bờ vực sinh - tử nhưng họ vẫn tìm ra một điểm tựa - với nhiều người là tôn giáo - để vượt qua, sống nhẹ nhàng, sống có ích. Trong khi đó, chỉ cần chân dài váy ngắn Thị Màu Thị Nở giáng một cú tình phụ thì trăm lần như một y lại khóc toáng lên rất trẻ con. Còn lâu, rất lâu y mới có thể thấu hiểu hết chữ “chuyển” trong triết lý đạo Phật: “Chỉ có sự chuyển hóa khổ đau thành giác ngộ mới đem lại lợi ích lớn” mà Hướng Dương đã dẫn lại lời của một thiền sư. Tại sao thế hả Q? Thưa rằng:

Tôi như cỏ dại nhà quê

Câu thơ bàn phím đam mê còn dài

Gánh tình chưa mỏi hai vai

Bàn chân tiếp tục đường dài nẻo xa

Cõi người thần thánh quỷ ma

Phía sau mặt nạ u oa khóc thầm...


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

 
 

Trang 31 trong tổng số 58