LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.5.2014


Một ngày nữa rồi. Khiếp chưa? Chưa làm được quái quỷ gì, đã gần cuối tuần. Chưa kịp thở, chưa kịp sống, đã nửa đời người. Sống, một hành trình gian nan quá. Đêm qua, vào thăm mẹ. Bà cụ đã tỉnh táo hơn. Đã có thể nói năng được rồi. Điều quan trọng là trí nhớ vẫn minh mẫn. Mà khi tỉnh táo, việc đầu tiên vẫn là công việc trong nhà. Dặn dò đủ thứ, từ cửa nẻo cẩn thận đến việc chăm sóc chó mèo, tưới cây, bơm nước… Hầu như nỗi lo toan thường trực ấy luôn có trong tâm trí người đàn bà Việt Nam. Lúc nào cũng lo lắng việc nhà, con cái như thể một trách nhiệm tự thân đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Đêm qua, bà cụ cằn nhằn y là đứa con bất hiếu bởi không chịu lập gia đình, sau này, bệnh hoạn, già yếu nương nhờ ai? “Thế mẹ thương ai?”. Bà cụ đáp: “Mẹ thương thằng Tẹo vì hắn có vợ con”. Thì những người con khác đã yên bề gia thất rồi, sao mẹ lại chỉ thương mỗi đứa út? Tục ngữ có câu: “Giàu con út, khó con út” có thể hiểu, sau khi dựng vợ gả chồng cho các con lớn, thường bố mẹ ở với con út, nếu nhà có của, con út đươc hưởng bằng không phải chịu thiệt thòi. Thời nhỏ, học tiểu học còn nhớ bài thuộc lòng:

Bốn con ngồi bốn góc giường

Mẹ ơi mẹ hỡi mẹ thương con nào

Mẹ thương con út mẹ thay

Thương thì thương vậy chẳng tày trưởng nam

Trưởng nam nào có gì đâu

Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam

Câu ca dao này chắc chắn xuất phát từ miền Bắc. Trong quá trình khai hoang mở cõi vào phương Nam, quan niệm trên tất nhiên vẫn còn giữ nhưng không nhất thiết vai trò trưởng nam. Đứa con nào cũng được, tất nhiên không là con gái, có điều kiện thờ phụng ông bà chu đáo, nhất là phải có uy tín, đạo đức, hiếu thảo, hết lòng với dòng tộc. Người đó vai vế thấp hơn các anh em khác, nhưng vẫn đứng vai trò chủ tế, các thành viên khác về dự phải răm rắp tuân theo. Nơi thờ phụng ông bà cha mẹ, có thể nhà thờ tộc, hoặc nhà xây dựng trên đất hương hỏa ông bà, hoặc nhà riêng chẳng sao cả. Đến ngày giỗ, anh em bà con quay về giỗ quẩy tưởng nhớ người đã khuất. Ở ngoài Bắc, khi cúng kiếng dù giàu, dù nghèo ai ai cũng muốn “mâm cao cổ đầy”, phải có đầy đủ các món ăn thuộc hàng căn bản như gà luộc, đĩa xôi, chả giò, canh măng lưỡi lợn v.v… Trong Nam lại khác, do hoàn cảnh cá nhân khác nhau, nhiều người phải thay tên đổi họ, giấu kín lý lịch nên hầu như ít ai lưu gia phả. Thế nhưng, người trong tộc có thể nhận ra qua món ăn trong dịp cúng giỗ. Đọc bài “Gia phả ngầm” ở Nam bộ của Nguyễn Ngọc (báo PL Xuân 2014) có đoạn lý thú nhằm minh họa ý trên: “Năm 1980, một lần tôi ghé làng Bình Ðức, Bến Lức (Long An), nơi có làng chài xưa của anh hùng Nguyễn Trung Trực để thăm gia đình bà xã tương lai. Tại đây tôi chứng kiến một nghi thức cúng kiến khá kỳ lạ. Dòng họ Huỳnh bày mâm cúng trên lá chuối, lá sen ở bờ sông Vàm Cỏ Ðông, sát đám lá dừa nước. Nhiều thức cúng tôi không biết, đặc biệt có đĩa rau luộc, thủ vĩ lợn, tam sên, đĩa thịt sống và hình nộm bằng rơm với năm tàu lá dừa, năm mũi tên hình thành thế trận ngũ hành. Chủ tế là ông cha vợ tương lai của tôi, con thứ 12 của dòng họ Huỳnh - chiếm ba phần tư dân số xã này. Họ Huỳnh này gốc của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Ðức (tên thật là Huỳnh Tường Ðức, được vua Gia Long ban họ Nguyễn). Cha vợ tôi giải thích: “Dòng họ Huỳnh gốc miền Trung vào khai phá vùng đất này có nhiều hổ dữ. Vì thế gia tộc phải cúng chúa sơn lâm bằng thịt sống, cọp no thì ông bà mới về ăn được. Còn hình nộm và đồ thế là của người đi sông, đi biển” (…).

“Ðiều khác biệt là mỗi dòng họ có một lễ vật thật đặc biệt mang liên quan đến sự tích ông tổ dòng họ hoặc có ý nghĩa nào đó với dòng họ. Ðó có thể không phải là thức ăn mà là một vật tượng trưng cho dòng họ, khi nhìn thấy ai cũng nhớ, cũng biết gốc tích gia tộc của mình. Ðây mới chính là “gia phả ngầm”. Chẳng hạn, dòng họ Mai ở Cai Lậy (Tiền Giang) cúng hình nộm - là hình người bện bằng rơm, dựng trên một cọc gỗ, cúng xong thì đốt đi. Ðây là tục đốt đồ thế của người đi biển miền Trung. Họ Trương cũng ở Cai Lậy cúng miếng da voi và bày cung tên theo thế trận ngũ hành. Ông Trương Ngọc Tường, người trong họ này, giải thích thủy tổ dòng họ Trương là thợ săn từ miền Trung vào. Ở Gò Công (Tiền Giang), Bến Lức (Long An) vật tổ có thể là ba con ốc, ba con cua. Ở Cao Lãnh, vật tổ có thể là đĩa mắm sống với bắp chuối đập dập… Họ Võ ở Mộc Hóa (Long An) bắt buộc phải có gỏi da tượng (nay thế bằng miếng da heo cắt hình voi để nguyên trên mâm) vì tương truyền ngày xưa, trước khi về Ðồng Tháp Mười, họ này chuyên săn bắn...”.

Đọc bài viết này, thích quá. Ước gì có dịp đi nhiều nơi nhiều chốn, ghi chép lại những chuyện tương tự. Đánh giá đúng vài trò của nhà văn Sơn Nam, có lẽ gọi ông là “nhà phong tục học Nam bộ” là chuẩn xác nhất. Trên đời, có những người đi khắp nơi khắp chốn nhưng họ chỉ “nhìn” chứ không “thấy”. Đời sống có biết bao câu chuyện bình dị ít ai biết đến, thế nhưng không mấy ai chịu khó ghi lại. Nam Bắc thống nhất một nhà, nhưng tùy quan niệm vùng miền nên có lúc va chạm khó giải quyết nếu không cùng có sự thành tâm. Ngày nọ, nàng bảo, anh ơi anh tư vấn giúp bạn em chuyện này. Rằng, phía đàng gái, cô X là con đầu; phía đàng trai, anh Y - con út, trên còn có 3 chị gái khác nữa. Vậy khi ghi trên thiệp cưới thế nào? “Trưởng nữ X” kết duyên cùng “trưởng nam Y” chăng? Ghi thế, vậy 3 chị gái của Y bỏ đi đâu?  Câu trả lời như đinh đóng cột: “Con gái con lứa kể vào làm chi?”. Sao lại trọng nam khinh nữ đến thế? Vậy ghi “thứ nam” chăng? Lại câu trả lời khác: “Nói thế, chẳng lẽ nhà tôi thất đức đến độ không không có “trưởng nam” sao?”. Chuyện tưởng đơn giản nhưng phụ huynh đôi bên “tranh luận” lằng nhằng mãi, khiến đôi trẻ sốt cả ruột, chẳng dám ý kiến ý cò. Ngày kia, tham dự dám cưới cháu nội nhà văn Phạm Tường Hạnh, anh Phạm Minh Thuận - bố chú rể - thay mặt hai họ tuyên bố một câu mà cả khán phòng vỗ tay tán tưởng vang trời. Anh nói: “Được sự đồng ý của hai con, hai gia đình chúng tôi tổ chức…”. Đúng quá, nếu chúng không đồng ý thì làm gì có ngày trọng đại này? Lại chuyện, bố mẹ ly dị nhau, cả hai đều có người mới. Khi làm đám cưới cho con, ai chủ hôn? Ông bố của cháu hay người chồng mới của mẹ? Tưởng đơn giản, dễ ẹt nhưng rồi có nhiều “ca” nan giải ghê gớm. Ôi, chỉ mới nghĩ đến đã thấy mệt. Nghĩ một chút để lấy thêm tư liệu viết bài cho số báo tới.

Những ngày mẹ ốm, mới thấm thía câu thơ của Trần Đăng Khoa:

Cả đời đi gió đi sương

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi

Sự quan sát của đứa trẻ lên mười chân thật lắm. Ước mơ được nhìn thấy hình ảnh cảm động ấy, tưởng đơn giản nhưng lại lớn lao vô cùng. Cả một nỗ lực của người mẹ già, phải chiến đấu với biết bao thuốc men, dây nhợ, nỗi đau bệnh tật… Mà, nghĩ cho cùng, ai lại không đến với khoảnh khắc ấy? Ngay từ lúc mới oe oe lọt lòng, con người ta đã bắt đầu đi về nơi chốn ấy, nơi chốn của bệnh tật, phải vượt qua nó và cuối cùng là đầu hàng số phận.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bảo rằng: “Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống. Điều này cần phải quán chiếu kỹ mới có thể hiểu được. Trong đạo Bụt, chúng ta nói về tính tương tức của vạn vật, nghĩa là không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ. Chúng ta phải tương tức với những thành phần khác. Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Nếu bên phải không có đó thì bên trái cũng không thể có mặt. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái. Điều này cũng đúng với các cặp đối lập như: tốt - xấu, trước - sau, ở đây - ở đó, anh - tôi. Tôi không thể nào có mặt ở đó nếu không có anh. Cũng giống như hoa sen kia không thể nào có mặt nếu không có bùn. Không có bùn thì cũng không có sen. Cũng tương tự như vậy, hạnh phúc sẽ không thể nào có được nếu không có khổ đau, cũng như không thể nào có sự sống nếu không có cái chết.

Các nhà sinh vật học khi quan sát cơ thể con người đã nhận thấy rằng cái sinh và cái diệt diễn ra đồng thời. Trong giây phút này đây, hàng ngàn tế bào trong cơ thể chúng ta đang chết đi. Khi ta gãi trên da như thế này thì nhiều tế bào khô rơi xuống, đó là những tế bào đã chết. Và rất nhiều tế bào chết đi trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Bởi vì chúng ta quá bận rộn nên chúng ta không nhận thấy điều đó thôi. Và nếu những tế bào đó chết cũng có nghĩa là chúng ta đang chết. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta còn lâu mới chết. Ta nghĩ rằng ta còn năm mươi hay bảy mươi năm nữa mới chết, nhưng điều đó không đúng. Cái chết không phải là một cái gì đang chờ đợi ta ở cuối con đường, mà nó đang diễn ra ngay trong giây phút này, ngay bây giờ và ở đây”.

Phải thừa nhận, ông Thích Nhất Hạnh viết nhiều, nhưng hầu như chạm đến vấn đề khúc mắc nào, ông cũng đều lý giải chu đáo một cách dễ hiểu. Ngược lại, có những người lại thích trình bày rối rắm, cực kỳ khó hiểu một vấn đề đơn giản có lẽ họ nghĩ rằng thế mới là uyên bác chăng? Cách hành văn của Nguyễn Hiến Lê rất cần cho học sinh học tập, bởi ông diễn đạt trong sáng, gẫy gọn dù bất kỳ vấn đề nào (29.5.2014).

Hôm qua viết đến đó. Tạm ngưng. Đi làm. Thêm đôi dòng Nhật ký hôm nay. Sáng qua, từ Đ.N, anh cả của y đã vào chăm nom mẹ. Thế đấy. Khi mẹ khỏe mạnh, lo cơm nước cho y mỗi ngày. Khi mẹ ốm, anh em của y túc trực bên giường bệnh. Còn y thì sao?

Chỉ là phù phiếm linh tinh

Đuổi theo bóng. Rượt theo hình. Biệt tăm

Con đường ngậm ngãi tìm trầm

Bàn tay sấp ngửa được cầm gì không?

Bụi vàng trăng lạnh đáy sông

Vớt lên hơi thở buốt cong dạ dày

Ngoảnh nhìn thăm thẳm chân mây

Lẻ loi soi ngấu hình hài... Q ơi

(30.5.2014)


Picture-anh-nayRR

Từ trái: Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Tuấn (Tẹo) tại nhà Q năm 2004.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment