Mục lục |
---|
LÊ MINH QUỐC: Lời Tựa tập tùy bút SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG của CHỊ ĐẸP |
Mục lục |
Tất cả các trang |
Lời Tựa
KIÊU HÃNH VÀ TỰ TIN CỦA MỘT THẾ HỆ ĐÀN BÀ
LÊ MINH QUỐC
1.
Trong cuộc sống xô bồ, náo nhiệt, ồn ào, vội vã đến từng giây. Từng phút. Từng khoảng khắc. Tất cả lao lên. Chen chúc về phía trước. Để sống. Để yêu. Và cũng để tận hưởng mùi và sắc của cuộc đời này. Từng mảng thời gian cuốn đi, gấp lại thật nhanh. Thoáng đó, đã một ngày. Mới nháy mắt đã thời gian cuốn trôi Hiện tại của Đời. Mới nháy mắt, ngay trong Hiện tại đã nhú mầm Dĩ vãng.
Thời gian qua nhanh tựa như lật một trang sách.
(Bìa 1)
Trong gam màu của sự tất bật ấy, nếu tinh ý sẽ bắt gặp một công nương như vừa bước ra từ sắc màu hội họa của thời kỳ Phục hưng. Ở đó, đường nét phóng khoáng của nhà nghệ sĩ đã thể hiện hình thể người đàn bà tràn trề sức sống. Biểu hiện ấy có thể nhìn thấy từ sự chỉnh chu của một nếp váy dài buông thõng đến gót chân còn phảng phất một chút hương kỳ ảo. Từ vệt son đắm đuối đỏ rực như môi ngon vừa no nê một mùa tình sung mãn. Từ ngón tay thon dài nuột nà gợi nhớ đến cánh hoa lys đã vừa vỡ cánh. Cánh hoa trắng đem lại một mùi hương trầm quyến rũ đến dịu dàng.
Khi nhìn một người đàn bà đẹp, từ sâu thẳm bản năng của bất kỳ giới tính nào cũng nhói lên trong ngực bởi nhiều câu hỏi vừa vụt đến. Tôi tự hỏi, đã có ai ngộ độc mê man trong căn phòng chất đầy hoa tươi? Đã có ai chưa lật trang sách, chỉ mới thoáng nhìn dòng chữ ngoài bìa lại mụ mị, ngây ngất, phiêu bồng như vừa lỡ tay nốc cạn chén đắng? Cảm giác ấy thế nào? Tác giả của quyển sách ấy có thể bỏ bùa từ những dòng chữ viết? Và hơn cả thế, đôi khi tôi lại tự hỏi, thế nào là cảm giác SÓNG ĐƯA NƯỚC? Thế nào nào là sự thăng hoa VE VÃN SÀI GÒN? Rồi bây giờ, trong một chiều rực nắng, tôi băn khoăn lòng tự hỏi lòng, Sài Gòn mùa trứng rụng đã đến rồi chăng?
Vâng, nàng đã đến. Và bắt đầu mở ra một tâm thế của người đàn bà tự gọi tên: Chị Đẹp.
(Tay gấp 1)
2.
Văn chương chữ nghĩa dù có gánh vác lấy sứ mệnh thiêng liêng nào, nghĩ cho cùng, tự nó phải biểu lộ rõ nét cá tính, tâm tính của người viết. Có như thế, từng dòng chữ mới neo lại trong trí nhớ người đọc.
Có những người hì hục, trau chuốt, vật vã giọt giọt mồ hôi tan trong dòng chữ viết, đọc lại, ngay chính mình đã chán. Đã ngao ngán. Có người viết như chơi, như hít thở tự nhiên dưới vòm xanh, như thong dong thả bàn chân xuống phố thư giản cuối ngày nên cứ tự nhiên trôi theo dòng cảm xúc. Nghĩ gì thì viết. Không phải đắn đo, tư lự, cân nhắc theo thị hiếu của số đông. Mà quái chưa? Những trang viết ấy lại đọng, khó phai bởi trước hết là sự chân thành của người viết.
Sài Gòn mùa trứng rụng là một tập tùy bút ngẫu hứng viết trong tâm thế ấy.
(Tay gấp 2)
3.
Có đôi lúc chúng ta đi từ ngạc nhiên đến kinh ngạc khi biết trong đời sống vẫn có những nhà văn nữ dám bộc bạch những suy nghĩ thầm kín. Không né tránh. Do đó, họ tự vượt qua những rào cản quan niệm cũ, nếp nghĩ cũ dù đã hằn sâu trong tư duy nhiều lớp người. Đọc những tập sách ấy, hẵn là một sự lý thú lẫn hồi hộp. Sao lại không kia chứ? Khi mà Chị Đẹp trình bày những mối quan hệ giữa Âm và Dương bằng cái nhìn đã khác trước; hoặc ít ra cũng tô đậm thêm ý nghĩ đã có trong tâm thức của nhiều người.
Tử những câu chuyện có thật và hư cấu, Sài Gòn mùa trứng rụng đã tạo được ấn tượng khi khắc họa lên diện mạo của một nhan sắc mới. Đó là mẫu người đàn bà sống để tận hưởng từng sát-na dòng chảy cuộc đời. Tận hưởng và vỗ về niềm khoái lạc từ ngắm nhìn thiên nhiên, thưởng thức món ăn ngon đến chăm chút, mơn man các trên miền da thịt thơm tho của chính mình. Bằng các thủ pháp có thể là thể loại tạp bút, vài noste cảm nghĩ, một câu chuyện cụ thể v.v… Chị Đẹp đã trình bày một quan niệm sống. Quan niệm ấy, có người đồng tình nhưng cũng có thể giật mình. Đây chính là nét hấp dẫn, ma mị và kỹ năng viết dẫn dụ bạn đọc của Chị Đẹp.
Người đọc bắt gặp những nhân vật nữ chấp nhận có con nhưng không cần phải dựa vào bờ vai của bất kỳ gã Từ Hải nào; lại đôi khi, họ cần “Chỉ là mùi hương hoa màu đỏ thơm đậm chất son. Hương gây mùi nhớ”…chứ không là gì khác. Sự tréo ngoe trong cảm thức của của giới tính vì thế, có những lúc dị biệt: “Đàn bà chỉ thích ngã đầu tựa vai hít thở mùi nắng nhạt còn vương vãi, đàn ông đã nghĩ đến chuyện bay lên mây và nhả ra thứ nước họ vẫn cho là tinh tuý nhất của con người”. Oái ăm là thế. Thật thú vị, khi cả hai song ca “cho nhau chắt hết thơ ngây” như ca từ của Lê Uyên Phương, lúc ấy người đàn bà sống với cảm giác thế nào? “Đó là cái thèm giống như thèm ăn kem khi đi ngoài đường nắng gắt; thèm cây dù che khi mưa bắt đầu nặng hạt; thèm áo ấm khi trời se se lạnh gió về; thèm một ly cafe thơm nồng hơi đắng hơi ngọt khi đang ngồi suy nghĩ chuyện vu vơ; thèm một chén nước mắm pha chanh đường tỏi ớt gừng bằm nhuyễn khi thấy điã ốc gạo luộc nóng hổi trước mặt”. Rất đàn bà.
Và cũng thật bất ngờ, khi biết có những người phụ nữ thốt lên não nùng: “Da thịt con trai trẻ thơm lắm”… Những cảm nghĩ ấy, tựa như tác giả bảo, đàn ông vốn nhẹ dạ, thế thì: “Và đàn bà, lại đi sắm một cánh cung, tập tành trở thành xạ thủ điều khiển những mũi tên rất nhẹ dạ cứ tưởng đang tự thiện nghệ”.
Kiêu hãnh và tự tin quá đi chứ?
4.
Khác hẵn với những mẫu nhân vật nữ của thế kỷ trước - những thân phận nhẫn nhục, cam chịu, an phận và sau khi trở thành đàn bà là mặc nhiên kết thúc mọi một đường đi, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường… sau bếp. Ở đây, nhân vật nữ của Sài Gòn mùa trứng rụng đã dám sống. Sống để tận hưởng cảm giác của chính mình. Họ dám thể hiện; hoặc dám nghĩ đến những những điều mà thế hệ đàn chị đã né tránh, né tránh ấy không phải vì nhút nhát, nhu nhược mà do sự ràng buột của nếp nghĩ cũ ràng rịt như tơ nhện từ nhiều thế hệ như lũy tre bọc lấy xóm làng.
Tôi nghĩ, nếu muốn khám phá, tìm hiểu cảm thức mới ở thế hệ phụ nữ mới, có lẽ Chị Đẹp đã góp một “tài liệu” rất đỗi cần thiết và đáng tin cậy này. Nói như thế, các câu chuyện ở đây hầu hết “người thật việc thật”, tác giả song hành cùng họ rồi lặng lẽ cảm nhận, ghi chép, trải nghiệm để có những trang viết tài hoa. Chị bảo: “Một tác phẩm nghệ thuật có cần đẹp hay không? Hay chỉ cần là một việc gì đấy sáng tạo, khác biệt?”.
Câu trả lời đã có khi người đọc khép lại tập sách này.
Sau các tập SÓNG ĐƯA NƯỚC, VE VÃN SÀI GÒN và bây giờ Sài Gòn mùa trứng rụng - như một mạch nước ngầm, từng con chữ của Chị Đẹp đã bắt đầu len lỏi, đến gần hơn trong tâm thức người đọc. Không chỉ làm mới câu văn bằng những ẩn dụ, so sánh và nhất là luôn gợi lên nhiều hình ảnh. Mỗi câu văn là một sắc màu, khi chỉnh chu lúc phóng bút và Chị Đẹp đã trình bày được quan niệm cá nhân khi luận bàn về một đề tài nào đó. Điều này, có lẽ đã tạo nên diện mạo của bút danh Chị Đẹp.
Với những người viết mới, tôi luôn mừng vui khi thấy họ đạt đến bản lĩnh của bút pháp tạo được dấu ấn cá nhân. Có như thế, họ mới có thể không lẫn lộn trong cả một rừng sách trùng trùng điệp điệp tác phẩm mới ra đời từng ngày giữa thị trường bộn bề chữ nghĩa…
(Bìa 4)
5.
Văn là người. Đôi khi không là người. Nhân vật xưng tôi, đôi khi không là tôi. Vậy tác giả Chị Đẹp của Sài Gòn mùa trứng rụng là mẫu người thế nào? Từ nhan sắc của nhân vật trong tranh thời Phục hưng bước xuống dòng đời như tôi đã cảm nhận, tác giả tự vẽ chính mình: “Khoác thêm cái khăn lụa mỏng vào cổ, dù trời hôm nay không nhiều gió, chỉ để thêm chút điệu đà, màu sắc đấy sẽ làm nắng buổi chiều dịu xuống nhẹ hơn. Mang đôi boots cao cổ cho hợp với quần jeans ống túm đúng mode, gõ chân dưới phố sẽ thấy một sức sống, một nhịp điệu thành phố, một sự yêu đời phơi phới, dù là khí hậu không đủ lạnh, nhưng vẫn là thời trang mùa cuối đông qua xuân. Yêu những lớp lang thứ tự lại rất bừa bộn của những chiếc váy cotton mỏng nhẹ, màu này chồng lên sắc nọ, một mà thành hai, hai chỉ là một. Lồng vào nhau, trong nhau, trên nhau, dưới nhau. Lạc ra, và chìm vào”.
Nào có riêng gì Chị Đẹp, tôi tin rằng đã có một thế hệ mới đã và đang hiện diện đâu đây. Như thế vẫn chưa đủ. Điều cần thiết là họ cũng có những cảm thức, tâm thế, quan niệm, suy nghĩ mới như nhân vật của Sài Gòn mùa trứng rụng.
Vì thế, tập sách này sẽ tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau, cũng chẳng gì ngạc nhiên. Biết đâu đó chính là chủ đích của Chị Đẹp?
L.M.Q
(nguồn: Tập tùy bút SÀI GÒN MÙA TRỨNG RỤNG - NXB Hội Nhà văn - 2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|