Số báo Thằng Bờm tưởng niệm cố thi sĩ Nguyễn Vỹ (số 86 phát hành 19.1.1972). Tư liệu: L.M.Q
Tối qua, đọc sách linh tinh. Ngủ sớm. Mới 20g đã ngáy rền vang. Sáng nay, dậy sớm. Ngày đầu tuần. Chúc một ngày tốt lành. Sực nhớ câu thơ của Vũ Hoàng Chương tặng Vũ Bằng:
Có bằng nói láo bốn mươi năm
Vũ ấy sao mà giọng vẫn văn
Hay tại đa ngôn đa báo hại
Giường tiên trời phạt chẳng cho nằm
Đâu riêng gì Vũ Bằng. Văn nghệ sĩ, người sáng tạo là vậy. Đến một lúc nào đó, viết thêm một quyển sách, in thêm một tập thơ… cũng thế thôi. Chẳng hơn gì thêm. Đã có thể rửa tay gác bút. Nghỉ ngơi. Nhưng họ vẫn hì hục trên trang viết. Từng ngày. Từng ngày. Cái nghiệp đó chăng? Sáng nay, đọc báo TN thấy tội nghiệp cho ông cụ Trần Văn Tiệp, rất tội nghiệp bởi đã gần đất xa trời nhưng cụ vẫn cứ phải lặn lội, đau đáu với kho báu “kho vàng 4.000 tấn” trên núi Tàu (xã Phước Thể, H.Tuy Phong, Bình Thuận). Tội nghiệp cho cụ thì ít, tội nghiệp cho môi trường, cảnh quan, thiên nhiên nơi ấy thì nhiều. Có những việc là những tưởng vì “lợi ích quốc gia” nhưng lại có tội với thế hệ sau. Sau nhiều năm mải mê tìm kiếm đến trợn tròn con mắt chẳng thấy vàng đâu, nay “cụ Tiệp và các cộng sự muốn dùng thuốc nổ để bóc tách lớp đá ngay vị trí thăm dò”.
Ô hô!
Thử hỏi, điều gì làm thay đổi cá tính của một dân tộc? Dù chưa suy nghĩ sâu nhưng dám quả quyết rằng, chính thể chế, cơ chế chính trị của mỗi thời chăng? Có những vùng đất, dù chưa đến nhưng qua thơ văn, tùy bút, âm nhạc, tiểu thuyết, hội họa… tự nhiên có cảm tình vô cùng. Đến Huế, lần đầu tiên đến bằng máy bay, lúc là đà trên bầu trời xứ Huế tự nhiên trong đầu vụt lên tiếng hát: “Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau…”. Chỉ cần nghe thế, đã yêu Huế. Thời thơ ấu, ngày hè thường vào Quảng Ngãi, ở ngay trong nhà máy điện, nơi gia đình ông cậu ruột sinh sống. Kỷ niệm tuổi nhỏ êm đềm. Vì thế, y có cảm tình với con người sinh ra nơi ấy.
Lớn lên một chút, nhớ về Quảng Ngãi lập tức nhớ đến Nguyễn Vỹ và Bích Khê. Nhớ, bởi đã đọc thơ văn của họ nên đâm ra càng yêu mến vùng đất ấy hơn nữa. Ba của y là độc giả thường xuyên, bạn đọc dài hạn của tạp chí Phổ Thông do Nguyễn Vỹ làm giám đốc, chủ bút. Khi đọc bài viết Nguyễn Vỹ: Một kỷ niệm với nhà báo Hồng Tiêu, có comment của bạn đọc trên facebook:: “Nguyễn Vỹ - một cuộc đời lận đận, đa truân, ông viết nhiều thể loại... Ngoài "Tuấn, chàng trai nước Việt", thơ ông cũng có nhiều nét lạ, độc đáo qua cách sử dụng loại thơ hai chữ, ba chữ... đến nhiều chữ như "Sương rơi" (hai chữ) rất ấn tượng! Nhưng người đời "nhận xét" về ông, thường không khách quan, hơi thiên lệch... Rất trân trọng một tấm lòng vì Văn học như ông!”.
Còn nhớ, cách đây vài năm tạp chí Xưa & nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có in bài của nhà nghiên cứu Sử học người Pháp, theo ông, tìm hiểu chứng tích Việt Nam từ năm 1900 tại Việt Nam không thể bỏ sót Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ. Đó là tập sách ông rất tin cậy về mặt sử liệu và cách viết hấp dẫn. Đến nay vẫn chưa có cuộc hội thảo khoa học nào đánh giá đúng mức về tài năng Nguyễn Vỹ. Ông viết ghê gớm quá, sức viết không thua gì Phan Khôi, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn vể mặt thể loại, ký nhiều bút hiệu như Nguyễn Vỹ, Diệu Hiền, Tân Phong, Ba Tèo… Không rõ có ai còn nhớ đến bài thơ Vũ Hoàng Chương khóc Nguyễn Vỹ lúc hay tin bạn mình tử nạn xe hơi ngày 14.2.1971 trên chuyến xe Mỹ Tho - Sài Gòn? Nguyên văn như sau:
Chuyến xe định mệnh
Hàng cây xõa tóc chạy đâm nhào
Ngược với chiều xe chúi mũi lao...
Trước mặt có gì nguy? hẳn thế!
Không dừng lại được biết làm sao!
Vũ Hoàng Chương
Lúc này, y chịu khó đánh máy lại một bài thơ của Nguyễn Vỹ, âu cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn một nhà văn sáng lập tờ báo đã trở thành “món ăn tinh thần” của ba y trong nhiều năm tháng. Bước qua kệ sách, chọn hú họa một quyển Phổ Thông, lật trang 226-227, chuyên mục Thơ lên ruột có in bai thơ châm biếm - nguyên văn như sau:
Đại hội chuột
Trong hang cùng tuốt luốt
Đêm giao thừa Năm Chuột
Mở Đại hội Hoa đăng
Tưng bừng đèn với đuốc
*
Đủ bà con thân thuộc
Cả họ hàng làng Chuột
Từ các cống, các hang
Đều bò về dự cuộc
*
Rồi chàng Chủ tịch Chuột
Mõm dài, lông đen mướt
Mở đại hội liên hoan
Với những lời chải chuốt
-Thưa các đồng chí chuột
Năm Tý nay nhập cuộc
Xin hân hạnh chào mừng
Anh chị em cật ruột
Năm Heo rồi toàn quốc
Ngự trị một năm suốt
Ụt ịt ăn đã đời
No nê rồi đi tuốt
Năm nay là năm Chuột
Ta cũng phải sáng suốt
Biết len lỏi cao sang
Biết lâu dài chui tuốt
Biết gặm thóc, nhai khoai
Cắn cả giày, cả guốc
Bất cứ gặp món gì
Đều cũng được gặm tuốt
Kìa loài Hạm, loài Heo
Trời cho nanh cho vuốt
Ta có hai hàm răng
Nhọn thua gì lưỡi cuốc?
Phải đào hố đào hang
Đường Đông - Tây thông suốt
Phải nhanh cẳng nhanh chưn
Phải chịu mình lem luốc
Miễn được ăn no nê
Bất cứ đồ nhơ nhuốc
Hễ kiếm được là ăn
Nuốt không trôi cũng nuốt
Lo xây ổ xây hang
Cho vợ con béo nuột
Cho tốt mã, tốt lông
Cho đầy gan, đầy ruột
Còn “nhiệm vụ thiêng liêng”
Là vấn đề phụ thuộc
*
Thưa các đồng chí Chuột
Nếu ta không lo nuốt
Không lo gặm, lo ăn
Lỡ rồi đây thế cuộc
Sẽ biến đổi mần răng?
Vì thời gian ngắn nguốc
Dẫu ta có ve vuốt
Nhưng nhiệm vụ không lâu
Rồi thời cơ đi tuột
Hết nhiệm kỳ của Chuột
Ta nhường chỗ ra đi
Thế là xong tuốt luột
Cho nên ta sáng suốt
Cố ăn, ăn, ăn, ăn!
Cố nuốt, nuốt, nuốt, nuốt!
Hoan hô năm Tí ta
Hoan hô năm Con Chuột
*
Thế là cả bầy Chuột
Đồng thanh hô một nuột:
Hoan hô Đại hội ăn
Hoan hô Hội đồng Chuột
Diệu Hiền
(nguồn: tạp chí Phổ Thông số 27 - 15.1.1960)
Còn nhớ lần đâu tiên đăt chân đến Nghệ Tĩnh, y săm soi quan sát từ con người đến nhìn ngắm đường phố, vòm cây… với tất cả sự tò mò và kính trọng. Sở dĩ có thái độ ấy bởi vùng đất này, nhiều thế kỷ trước đã sinh ra những nhân vật kỳ tài. Đáng nể nhất vẫn là những tấm gương hiếu học. Đi về miền Nam cũng không khác gì, vẫn là sự tò mò, tìm hiểu. Tất nhiên, nơi nào cũng có những nét riêng biệt hấp dẫn, khó có thể so sánh. Con người vùng miền nào cũng đáng yêu.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Đà Nẵng, Ninh Bình, Hà Nội, Đà Lạt, Cần Thơ, Quảng Trị… đâu cũng quê mình. Yêu từng vùng đất ấy. Thế rồi, dần dà sự yêu mến ấy vơi đi nhiều lắm. Quan sát con người vùng miền qua từng sự việc cụ thể lại thấy họ đã mất dần các tính cách đáng yêu. Đôi khi, y hỏi chính y, có tủi nhục không khi đọc báo biết rằng những công ty liên doanh không nhận công nhân vùng này, vùng nọ? Có đau đớn không khi trộm chó, chẳng may bị phát hiện có thể bị giết chết? Có thể cười nôn ruột được không khi báo LĐ sáng nay đưa tin “Vietnam Airlines hoãn chuyến, hơn 200 người chờ... 1 khách VIP”? Có thể tưởng tượng nổi không khi máy bay VietJetAir (VJA) đi Đà Lạt nhưng… hạ cánh xuống Cam Ranh? v.v… Nói rộng hơn, tính cách của một dân tộc cũng đang nhạt dần. Do tác động nào? Từ đâu? Chưa dám quả quyết nhưng đôi lúc tự hỏi có phải do chính thể chế,cơ chế chính trị của mỗi thời không?
Chưa ai để tâm suy nghĩ vấn đề này một cách thấu đáo.
Nghĩ thì nghĩ thế. Biết quá mà, con người y hời hợt lắm, có thể nghĩ sâu xa được cái quái gì đâu.
Chiều nay, qua chung cư một chút.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|