Quái quỷ ngày chủ nhật. Sáng hôm qua, từ sáng sớm đã nhận được tin nhắn của anh Lưu Đình Triều hẹn lai rai buổi trưa. Tất nhiên không thể. Giây lát sau lại nhận điện thoại của Trương Nam Hương, rồi Nguyễn Trọng rủ rê bia bọt. Tất nhiên không thể. Kế tiếp anh Mỹ Lửa Việt cũng có lời mời nữa. Tất nhiên không thể. Chao, ngày chủ nhật biết bao việc phải làm. Nếu thong thả ngồi đâu đó “chém gió”, hay quá nhưng làm sao có thể? Cứ tưởng như mọi chủ nhật khác, mở mắt dậy là nhà cửa sạch sẽ, mẹ đã đi chợ, rồi về nằm xem truyền hình… Và y? Y chỉ việc ngồi vi tính viết nhì nhằng như thường lệ.
Nào ngờ sáng qua, bà cụ ốm sốt phải vào bệnh viện. Bác sĩ Bệnh viên Phú Nhuận đã truyền hai bình nước biển. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ cho biết nhiễm trùng đường ruột, do đó, ăn gì vào cũng nôn ọe. Nửa khuya, họ lại chuyển bà cụ lên Bệnh viện Gia Định, phòng cấp cứu đặc biệt. Anh ruột y ngủ lại bệnh viện trông nom mẹ. Y thì sao? Vẫn chăn êm nệm ấm. Thế đấy! Mẹ đi vắng một ngày, vậy mà mọi việc trong nhà rối tinh lên. Sử dụng máy giặt: không biết; gạo, mắm, muối ở đâu: không biết; bơm nước thế nào: không biết… Chẳng biết gì cả, bởi lâu nay, có bao giờ y để mắt đến việc nhà đâu. Thế đấy!
Trên đời, sinh ra con vừa hạnh phúc thiêng liêng cũng vừa nỗi khổ. Mẹ thương con, lo lắng, chắt chiu từng ly từng tí, những mong con ăn ngon, ngủ yên và chóng lớn. Thế nhưng, khi mẹ già đau ốm, cần một chút chăm sóc chưa hẵn lúc nào cũng có con bên cạnh. Mẹ y đã già, lại bệnh, chẳng thể biết thời gian ngắn hay dài. “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”. Giây phút ấy, rồi ai ai cũng phải đối diện và chấp nhận một sự thật, dù đã biết trước nhưng không khỏi bất ngờ, hụt hẩng…
Khi mất mẹ, có nghĩa mãi mãi từ rày không bao giờ ta còn có một chỗ dựa yêu thương vững chãi nhất, yên tâm nhất, an toàn nhất, tin cậy nhất. Khi mất mẹ, có nghĩa mãi mãi từ nay một phần máu thịt thiêng liêng tạo dựng nên hình hài của ta vĩnh viễn đã mất.
Mẹ y hiền lắm, càng về già càng như trẻ thơ. Chẳng bao giờ đòi hỏi bất kỳ một điều gì. Nhưng lại hay làm nũng, vì thế biết dỗ dành, nói ngọt là được. Khi bạn bè của con đến chơi nhà, lập tức bà cụ mặc quần áo sạch sẽ, tinh tươm dù đang ở trong phòng riêng, con cái muốn làm gì mặc kệ. Sau mọi việc ồn ào náo nhiệt ấy, lại lặng lẽ dọn dẹp mọi thứ ngỗn ngang như bãi chiến trường, không một lời cằn nhằn. Con đi chơi về khuya, khẽ khàng mở cửa, nghe tiếng động là vang lên giọng ngái ngủ: “Q về hả con”. Nghe nhói lòng. Chỉ chờ nghe tiếng trả lời rồi không hỏi gì thêm. Cho đến cuối đời, y chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh, giọng nói trìu mến: “Có đi đâu không, mẹ nấu cơm?”. Chỉ chờ câu trả lời, rồi lặng lẽ bước xuống nhà. “Ở nhà, nhất mẹ nhì con”. Câu ấy chưa hẵn đúng. Trong nhà, con là nhất. Người mẹ nào cũng quên mình đi, chỉ là cái bóng mờ phía sau. Rồi đến khi mẹ ốm, mẹ mất mới biết cái bóng mờ ấy vĩ đại, lớn lao biết dường nào. Mãi mãi trong đời, không bao giờ ta có thể tìm gặp lại lần nữa. Ô hay, vậy những người có vợ thì sao? Có những người do hàng hàng lớp lớp kiếp trước đã dày công tu luyện, tu tâm tích đức, ăn chay niệm Phật, xây cầu làm đường nên kiếp này mới có thể chọn được người đầu ấp tay gối như ý nguyện. Quả thật, có những người vợ đã lo lắng chồng con trong vai trò người mẹ. Đó là sự may mắn nhất, hạnh phúc nhất có thật trong đời mà con người có thể có được.
Y là kẻ vụng tu.
Đã vụng tu lại còn ăn thịt chó thì than trách ai nữa? Chẳng trách gì, chỉ biết rằng, y vẫn còn có mẹ.
Những ngày này, lại viết. Viết để kiếm sống bởi ngoài ra y không hề có bất kỳ một thu nhập nào khác. Do đó, y luôn cần mẫn, siêng năng “cày sâu cuốc bẫm”. Nghề viết báo cũng như mọi nghề khác, cần chữ tín. Đúng thời hạn giao bài. Bài báo sáng nay, có thể gây chấn động hàng triệu người nhưng qua ngày sau mới đăng, có thể chỉ là giẻ rách. Thời làm TKTS, y đặt bài nhiều tên tuổi và rất ghét những người sai hẹn. Cần là cần trong lúc đó, nếu trễ thì chẳng việc gì phải cần nữa. Thời sự qua nhanh. Viết cần nhanh, đúng hẹn. Đừng lười biếng, dù bài viết chỉ nhuận bút chỉ trên dưới một triệu, vài trăm ngàn nhưng y không đổi thời gian đó lấy cuộc nhậu hoành tráng do bạn bè, khách khứa chiêu đãi, mời mọc. Người ta mời vài lần, còn mình kiếm sống thường xuyên thì phải lựa chọn thế nào? Được cái may, y viết nhanh, viết đề tài gì cũng “sạch nước cản”, chẳng câu nệ gì, anh em mời là viết giúp. Miễn là nhuận bút trả sao coi cho được.
Hôm sinh nhật anh B, nhậu xong Trần Hoàng Nhân bảo, tối nay lại về phải “cày” anh ơi. Tự nhiên hỏi: “Ngày nào cũng thế à”. Nhân bảo, dạ “đến hẹn lại lên” anh ơi. Nghe thế bèn có lời khen. Nghề nào cũng thế, thôi thì, đã nhận lời cộng tác của báo nào thì cố gắng chu toàn công việc. Dù hôm ấy có bận bịu đến mấy cũng phải cố gắng đúng hẹn. Phải vậy thôi, sống bằng nghề mà nghề không nuôi nổi tấm thân, phải bám víu vợ con thì nào phải giỏi nghề. Khi còn trẻ, còn sức viết thiên hạ mới đặt bài, săn đón; sau này, mắt mờ, chân run, thở không ra hơi thì ma nó thèm đến. Cũng tựa ca sĩ, lúc nhan sắc đã tuột dốc, giọng ca bắt đầu ú ớ thì hát hò gì nữa? Có leo lên sân khấu thì vẫn tiếng vỗ tay bis bis, chẳng phải hoan hô gì đâu mà mời bước xuống cho nhanh.
Mấy hôm nay, đọc kỹ quyển Tầm nguyên tự điển Việt Nam của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ. Nếu lúc vào đại học, được đọc tập sách giá trị này, chắc chắn y đã xin theo học Khoa Ngôn ngữ. Bây giờ đã muộn. Biết thế, đọc cũng là học đó thôi. Nhật ký sau sẽ dành trọn ghi lại vài cảm nhận về quyển sách quý này. Và nữa, nếu lúc vào đại học, được đọc Đại Việt sử ký toàn thư, chắc chắn y đã xin theo Khoa Sử. Bây giờ đã muộn. Biết thế, đọc cũng là học đó thôi.
Dài dòng một chút, lan man thêm một chút để thấy rằng, ngay từ lúc vào đời nếu đứa trẻ nào cũng được định hướng chu đáo. Sự định hướng quan trọng ấy từ đâu? Tất nhiên vẫn từ nhiều hướng nhưng từ gia đình vẫn quan trọng hơn chứ? Đọc tập Hồi ký Tâm Siđa, từ cuộc đời thật dữ dội của mình, chị đã rút ra 5 nguyên nhân dẫn đến trẻ em lang thang đường phố:
“Một là: Cha, mẹ nuông chiều con quá mức. Họ không nhận ra con mình đang dần có những thay đổi bất thường: kết bạn xấu, đua đòi, ăn chơi trác táng... tất cả đều để chứng tỏ với bạn bè rằng mình là con cưng của gia đình, muốn gì được nấy và có quyền xài tiền như nước.
Hai là: Cha, mẹ lo làm giàu và cho con mình xài tiền quá sớm. Họ cho tiền mà không cần biết con sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Đa phần họ cho rằng, trước đây gia đình khó khăn, con cái thiệt thòi, vì thế khi có của ăn của để, họ cần tạo mọi điều kiện để con cái không bị thua kém bạn bè. Có nhiều tiền một cách dễ dàng, trẻ nhanh chóng rơi vào con đường xấu, tụ tập hút chích ma túy… Đến khi cha mẹ phát hiện ra thì quá muộn!
Ba là: Chính cha, mẹ có cuộc sống ăn chơi buông thả. Bày ra trước cặp mắt ngây thơ của con cái họ là những cảnh rượu chè, cờ bạc, trai gái, đĩ điếm... Cuộc sống của họ là “tấm gương” để con cái họ bắt chước làm theo, thậm chí chính họ còn hướng con cái theo lối sống của họ - một lối sống bệ rạc, thích tiêu xài và lười lao động.
Bốn là: Cha, mẹ hành nghề bất chính. Người ta gọi đó là nghề “cha truyền con nối”. Những “nghề” buôn bán ma túy, chứa mại dâm… của cha mẹ được “truyền” lại cho con cháu họ một cách cố ý, hoặc giả không muốn thì cũng khó tránh việc chúng học theo bởi “gương treo trước mắt”. Tôi từng tiếp cận một gia đình trong khu vực “Cây da xà”, Quận 6. Cả nhà toàn làm chủ chứa mại dâm: từ cha, mẹ đến con trai, con dâu, con gái, con rể… tất cả đều “nổi danh” trong lĩnh vực này. Những người dân bình thường sống gần đều dè chừng gia đình họ. Không ai dám đụng chạm vì sợ vạ lây.
Năm là: Cha, mẹ ly hôn. Cha và mẹ lo tìm hạnh phúc riêng, mạnh ai nấy sống, con cái mất điểm tựa. Mái ấm gia đình không còn chính là nguyên nhân đẩy các em ra đường phố. Các em lấy vỉa hè làm nhà; làm bạn với những đứa trẻ giống mình; “cha mẹ” là ma cô, chủ chứa; “nghề nghiệp” là trộm cướp, mại dâm... Vào tù ra khám là chuyện bình thường. Và càng vào tù ra khám, các em càng lọc lõi hơn, nhiều mánh khóe hơn để tồn tại trong cuộc sống nơi vỉa hè, đường phố”.
Những nguyên nhân này, đọc kỹ, thấy thuyết phục quá bèn ghi lại trong Nhật ký vậy. Nhật ký của y là ghi lan man những gì đã thoáng qua trong đầu, nghĩ đến đâu ghi đến đó, chẳng phải lớp lang, sắp xếp theo đúng chủ đề đang viết. Cần gì. Vậy sáng nay cần gì? Vào Bệnh viện Gia Định thăm mẹ một chút, để xem sức khỏe bà cụ thế nào.
Mọi việc sẽ ổn thôi.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|