LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.5.2014

 

Có những lúc tự trách mình đã làm một điều không phải. Đang bận rộn túi bụi, tay phải làm cầm cái này, tay trái xách cái kia, chân phải đang bước xuôi, chân trái đang lui ngược thì bỗng nghe rèng réng reng; lại nữa, suốt buổi sáng mệt nhoài công việc, quay về nhà vừa chợp mắt nghỉ trưa, bỗng reng réng rèng; lại nữa, đêm qua thức khuya, sáng cho phép ngủ nướng một chút nhưng chỉ mới 7 giờ sáng đã nghe gióng giã rẻng rèng reng như còi thúc quân xung phong ra trận… Những cú điện thoại cà chớn ấy khiến giật thót cả người. Bao giờ cũng là những giọng nói ngọt như đường cát mát như đường phèn vang êm ái bên tai: “Thưa anh, anh có phải là anh Q? Em ở công ty bảo hiểm nhân thọ…”; “Dạ, em ở ngân hàng X tư vấn kế hoạch vây vốn” v.v… và v.v… Bố khỉ! Thoạt nghe đã cáu tiết, tưởng ai đó gọi trao đổi việc gì quan trọng bèn mắng luôn một hơi cho đã nư, đỡ tức.

Chiều đi làm về, phải lạng lách ngõ nọ ngách này mới vượt khỏi kẹt xe bụi bặm mù mịt, mệt bỡ hơi tai. Về đến nhà, tưởng đã yên thân. Nhưng không. Cô tổ trưởng dân phố đến bảo đóng tiền ủng hộ phường vì việc A, B,C gì đó, tất nhiên tùy lòng hảo tâm. Vừa đưa tiền ra, lại nghe một giọng nói ngọt như mía lùi âm vang êm ái bên tai: “Sao chỉ đóng góp chừng này? Phải nhiều hơn chứ anh?”. Tự dưng bực bội và mắng luôn.

Mắng người ta một câu là “nhẹ cả người”?

Không đâu. Tự nhiên, sau đó lại đâm ra áy náy. Lấy cái quyền gì mắng người ta? Họ cũng vì công việc, vì miếng cơm manh áo lẽ nào không thông cảm? Y cũng nhỏ nhen quá, ti tiện quá, chỉ nghe một cú điện thoại vô duyên, một câu nói không đúng lúc đã nổi cáu, đã hách xì xằng, ngậu xị lên rồi. Nghĩ thế, tự dằn vặt, tự trách mình đã làm một điều không phải.

Nghĩ đi nghĩ lại, bèn tự bào chữa, ơ hay, nếu người ta không thế này, y đã không hành động thế kia. Y chẳng ra gì. Nạt nộ, phách lối. Nghĩ thế, cảm thấy như có lỗi. Trên đời, có những lúc tự dưng mình lại biến thành kẻ khác. Oái oăm chưa? Sự va chạm gùn ghè, cay cú ấy làm sao tránh khỏi. Nếu lúc đang bực bội, mệt mỏi được gặp một cảm ứng điện từ ôn hòa, thân thiện có lẽ mình đã khác. Nếu lúc ấy, va chạm với một tín hiệu tiêu cực khác thì mình cũng sẽ khác. Làm sao có thể tránh khỏi những tác động tâm lý u ám ấy. Có thể là tùy cơ duyên mỗi người chăng?

Có câu chuyện vừa đọc trện báo, ngày nọ đứa con gái 12, 13 tuổi gì đó đi chơi về khuya, bạn bè đưa về tận nhà. Không nói không rằng, ông bố mắng cho một câu, tự ái quá, sau khi bạn bè ra về, cô bé xách xe phóng ra khỏi nhà. Hoảng hốt, ông bố đuổi theo và bắt gặp con mình đang đứng trên cầu. Lúc ấy, nói ngon nói ngọt thế nào nó cũng không quay về nhà. Đêm đã khuya. Chẳng lẽ hai cha con dằng co mãi sao? Ông bố bực quá, tát vào mặt nó một cái rõ đau. Cô gái ôm mặt khóc hu hu giữa đêm thanh vắng. Ngay lúc đó có một người đàn ông tình cờ đi ngang qua, nhìn thấy cảnh ngộ ấy và hỏi: “Ông là ai, lấy quyền gì đánh con bé?”. Tất nhiên, ông bố bảo, là mình là cha là mẹ nên có quyền dạy con, can cớ gì mà xía vào? Nói thế mà được à? Lấy gì chứng minh là bố của cô bé tội nghiệp kia? Trong lúc hai người đàn ông đang cãi cọ, thừa dịp không ai chú ý đến, cô bé lao từ trên cầu xuống dòng nước xiết… Nếu lúc ấy, ông bố bất hạnh ấy gặp người đàn ông khác, người khác thì mọi việc đã khác. Có thể là tùy cơ duyên mỗi người chăng?

Ông bà mình bảo: “Chọn bạn mà chơi”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chí lý quá. Tác động của người này đối với người kia, từ đó, cộng hưởng cảm ứng điện từ lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Đã lâu rồi, đọc mấy quyển sách về Thông thiên học, cũng có nói về điều đó. Đại khái và hiểu nôm na rằng, ngồi nhà một mình khó có thể uống hết một lon bia, nhưng vào quán nhậu thì có thể “uống xả láng sáng về sớm”. Do tác động của người chung quanh? Đúng rồi. Nhưng theo Thông thiên học, ngay lúc ấy, từ trên khoảng không, trên đầu người đang nhậu dù không ai nhìn thấy nhưng thật ra đã có những bóng ma bợm nhậu đang vỗ tay, hò reo, xúi giục lũ người trần mắt thịt đang ngồi kia hãy uống dạt dào hơn nữa. Có hay không tác động vô hình đó?

Vừa đọc một notes trên facebook của anh bạn, đại khái, có anh chàng nọ đã tốt nghiệp cao cấp về học thuyết này, chủ nghĩa nọ, lúc hanh thông đang “lên voi” bao giờ cũng lấy biện chứng này, khoa học nọ làm kim chỉ nam hành động. Vậy khi gặp tình huống “xuống chó” rơi vào đường hầm không lối thoát, chàng ta cũng vận dụng chứ? Không. Chàng ta lại nhờ đến mấy lão thầy bói xem một quẻ là nên trốn đi hướng nào, hướng Nam hay Bắc để có thể né vòng lao lý, thoát được lệnh truy nã? Thì ra, lúc ấy, lúc bế tắc nhất bao giờ người ta cũng tin vào một phương pháp, một đấng siêu hình nào đó, nói tắt một lời là tin vào tâm linh, dù mơ hồ. Chẳng rõ hư thực ra sao nhưng vẫn tin. Tâm lý của con người là vậy. Tin hoặc không tin, chứ đừng tranh luận đúng sai ở đây. Có như thế, tôn giáo mới có thể tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến hàng triệu triệu năm sau này…

Điều quan trọng nhất, con người là tin vào cái gì để sống?

Nhật ký hôm qua, có đề cập đến vụ tự thiêu trước Dinh Độc lập. Sáng nay, báo TT&VH của TTX Việt Nam  đã đưa tin chính thức: “Toàn văn di thư phản đối Trung Quốc của người tự thiêu trước cổng Hội trường Thống Nhất”. Người tự thiêu là Phật tử Lê Thị Tuyết Mai, sinh năm 1947:

“Tại buổi họp báo, cơ quan công an đã cung cấp 06 (sáu) tờ giấy màu xanh khổ A3 được thu giữ tại hiện trường, các tờ giấy này mang nội dung: "Nguyện ơn mười phương chư Phật chư đại Bồ tát Chư Long thần bộ pháp cho con phật tử ra đi thanh thoát. Không trở ngại có ai ngăn cản. Nguyện hồn thiêng đất nước cho con làm một việc yêu nước không gặp trở ngại, không có gì ngăn cản và đừng tìm cách cứu sống. Nguyện vọng đất nước hòa bình an lạc. Tránh được xâm lăng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc trả lại biển hải bình yên cho đất nước chúng tôi, ủng hộ tinh thần cảnh sát biển và ngư dân. Yêu cầu mọi người dân chúng ta đoàn kết để dẹp tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc. Đoàn kết là sức mạnh của mọi người dân Việt Nam chúng ta từ xưa đến ngày nay. Nguyện cầu hồng ân chư phật chư đại Bồ tát, Chư Long thần hộ pháp cho con thực hiện tinh thần yêu nước và bảo vệ quê hương không để cho Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm lược. Ủng hộ tinh thần của Cảnh sát biển và ngư dân. Nguyện cầu đất nước thanh bình an lạc. Nguyện cầu mọi người dân đoàn kết để chống ngoại xâm Trung Quốc. Xin nhà nước và bạn bè quốc tế ủng hộ cho nhân dân Việt Nam bảo vệ quyền lãnh thổ hải phận Việt Nam. Xin Nhà nước kiên định bảo vệ nhân dân và đất nước Việt Nam tránh khỏi bọn xâm lược quấy phá. Suốt 10 ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước. Hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình làm ánh đuốc soi đường do những ai xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải chúng tôi. Hôm nay tôi nguyện làm ngọn đuốc để thêm sức mạnh cho cảnh sát biển cùng ngư dân. Yêu cầu Trung Quốc phải rút ra khỏi biển Việt Nam! trả lại cho Việt Nam bình an...". (nguồn: http://m.thethaovanhoa.vn/xa-hoi/toan-van-di-thu-phan-doi-trung-quoc-cua-nguoi-tu-thieu-truoc-cong-hoi-truong-thong-nhat-n20140523223947094.htm). Anh bạn thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa post lên facebook anh bài thơ về sự việc này, có câu:

Để không bao giờ quỳ gối trước ngoại bang.

Người đàn bà tự thiêu cả đất nước đeo tang…

Sáng nay, ăn mì Nam Lợi, uống cà phê ở Đồng Khởi. Trong lúc nàng sửa bon 2 Sài Gòn mùa trứng rụng, y ngồi nghĩ linh tinh như những gì vừa viết. Cuối tuần rồi, chiều nay lại vào bệnh viện thăm mẹ. Anh ruột y vẫn ngủ lại bệnh viện mỗi đêm, chăm sóc bà cụ. Trong khi đó, mỗi lúc y vào đó dù chỉ vài giây, ít phút nhưng ra về, cảm tưởng như vừa trải qua một hành trình gian nan ghê gớm. Một không gian đầy người bệnh đã khiến y cảm thấy chán đời quá. Có lẽ, lúc nhìn thấy những cảnh ngộ bệnh hoạn của đồng loại, bất kỳ ai cũng chạnh lòng nghĩ đến thân phận của chính mình:

Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?

(Truyện Kiều)

Tối qua vào thăm, bà cụ đã ngủ mê mệt. Bụng vẫn còn trướng, đầy hơi. Nhìn kỹ hai bàn tay như hơi bị phù, hoảng quá, bèn gọi điện thoại BS Vũ ở Quế Sơn (Quảng Nam) hỏi về triệu chứng đó. Vũ bảo, không đáng lo bởi khi truyền dịch, xẩy ra hiện tượng hơi phù ở bàn tay, mắt cá chân là bình thường do cơ thể không thể tiếp thu nhanh, nhất là ở người già.

Yên tâm chăng?

 

me-cung-gia-dinh-em-L-MinhTien

Gia đình em Lê Minh Tiến chụp ảnh cùng mẹ trước lúc về lại Úc (chụp ngày 19.7.2008 tại sân bay Đà Nẵng)


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment