Trên đời có những chuyện khó có thể phân biệt đúng, sai, chỉ tùy vào quan niệm sống, tùy góc nhìn của từng người. Từ lúc chập chững vào nghề báo đến nay, y luôn tâm niệm rằng, viết phê phán cái xấu đừng nêu tên tuổi của bất kỳ cá nhân nào, nếu được. Vòng đời quẩn quanh, chẳng biết thế nào mà lần. Cẩn trọng vẫn hơn. Nhà báo tài ba? Đúng rồi, nhưng hầu hết các tài liệu phê phán, chỉ trích, châm biếm, “bụp” ai đó, “đánh” cơ quan nào đó, đa phần cũng do nội bộ của họ tuồn ra. Nếu không, đừng hòng nhà báo có thể “điều tra” biết được mọi ngóc ngách nội tình của họ.
Ngày trước, anh kia làm trưởng cơ quan điều tra vụ án cấp thành phố luôn được nhà báo săn đón, bởi qua đó, có thể “moi’ được nhiều thông tin nóng, sốt dẻo phục vụ bạn đọc. Thế nhưng, anh ta đưa và không đưa tài liệu nào là cả một tính toán chu đáo nhằm phục vụ cho ý đồ riêng. Do đó, không ít nhà báo tưởng người ta hàm ơn, cám ơn rối rít nhưng thật ra lại trở thành công cụ. Sự việc này không đi sâu vào. Ai cũng rõ rồi. Mà những bài báo “đánh đấm” ấy có nên chọn in thành sách không? Trước kia, nhà báo H.L khét tiếng với những bài điều tra thế giới xã hội đen, lưu manh, cờ bạc, trộm cướp, mại dâm… nhiều người làm sách đặt vấn đề in lại ắt hốt bạc, anh từ chối: “Đọc bài báo, họ đã đau, đã nhục. Nếu in thành sách, nỗi đau, nỗi nhục ấy còn đeo đuổi họ suốt cả đời, có khi đến đời con cháu. Thế là ác”. Sau vụ H.L xộ khám vì dính dáng với băng đảng giang hồ nọ, lúc tự do, y vẫn bắt tay bởi nhớ lại câu nói có tư cách, ít ra câu nói của thời anh đang “lên voi”.
Đôi khi chỉ nghe một câu nói, cũng đủ thấu hiểu một con người.
Những ngày này, một nhân vật “hot” và bị “ném đá” nhiều nhất vẫn là ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ông nổi tiếng vì đã nói được một câu “để đời”: “bán vé số có thu nhập cao”. Đọc câu này trên facebook, cứ ngỡ kẻ xấu đặt điều, hạ uy tín quan chức nhà ta, chứ làm gì có ai lại phát ngôn điên rồ đến thế, kiểm tra lại các nguồn thông tin chính thống mới biết là thật. Một đất nước có nhiều người bán vé số, ăn xin, bia ôm, xe thồ, trẻ em thất học... phải là nổi xấu hổ của quan chức chứ? Mà thu nhập cao do bán vé số có thể sắm được biệt thự triệu đô như báo chí đang đặt nghi vấn về nhà quan chức ở Đà Lạt, Bến Tre? Thời buổi này khó có thể lý giải nổi là do từ đâu, do cái gì mà chuyện oái oăm gì cũng có thể xẩy ra? Có những chuyện xẩy ra ngoài sức tưởng tượng, dẫu đầu óc các văn nghệ sĩ, vốn là người có trí tưởng tượng phong phú hơn kẻ khác cũng không thể nghĩ ra. Riết rồi đã đến lúc có nghe nói, có biết chuyện này chuyện nọ lẫn cách giải quyết nọ kia, tuyên bố ầm ĩ nhưng chả ai dám tin nữa.
Nói thế, không phải vu vơ mà nhằm suy nghĩ đến một vấn đề khác, tại sao sáng tác văn học không có “đỉnh cao” như mong muốn? Có nhiều cách lý giải. Thiên hạ đã lý giải bằng hàng chục cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học rất tốn kèm nhưng rồi vẫn bí rị. Y chỉ đơn giản nghĩ rằng, một phần còn do nhà văn không đuổi kịp hiện thực đời sống. Hiện thực đang diễn ra dữ dội, kinh khiếp, tàn bạo đến độ nhà văn mới lăm le đặt bút viết đến, chỉ trong nháy mắt đã thấy lạc hậu so với những gì mình vừa nắm bắt. Những ngày này, nếu quan sát, thu nhặt sẽ thấy ngày càng nhiều có cụm từ thật mới, chẳng hạn “đường cong mềm mại”, “anh em bị khớp”, “nhà hát ngàn tỷ”, “làm được nhiều cũng chẳng ai khen”, “bán vé số có thu nhập cao” v.v… Nếu giỏi, bằng tác phẩm văn học, nhà văn có thể xây dựng được tính cách nhân vật gắn liền với những phát ngôn “bất hủ” trên.
So với Trung Quốc, văn học Việt Nam chưa xây dựng được những nhân vật điển hình; chưa tạo ra được nhiều điển cố, điển tích. Lâu nay, chỉ vay mượn chứ chưa xây dựng được điển cố, điển tích cho chính dân tộc mình. Ngày kia, ngồi nghĩ lan man, nhớ lại lúc nhỏ y thường nghe các cụ già Quảng Nam nhắc về thời còn trai trẻ bằng cụm từ: “Thời Bảo Đại cởi truồng tắm mưa”; nói về người hay tranh biện, cãi cọ bằng thành ngữ: “Lý sự quá Phan Khôi”; hoặc chê ai đó bo bo giữ của từng xu, từng cắc cũng không nhả ra: “Keo kiệt như trùm Sò” v.v… Cách nói ấy, không thèm mượn điển cố quái quỷ gì của Trung Quốc. Riêng gì Quảng Nam, bà con nông dân ta ở vùng miền nào cũng có cách nói dân dã ấy. Thế thì, tại sao không ai viết tập sách xây dựng các điển cố, điển tích của người Việt nhằm thay thế sự vay mượn của Trung Quốc? Không ảo tưởng tập sách này ra đời sẽ được bạn đọc tán thành, hoan nghênh ngay mà thậm chí còn bị “ném đá” nữa; chẳng sao, cứ suy nghĩ và viết. Sau khi sách in ra, thiên hạ đóng góp ý kiến, thấy đúng thì chỉnh sửa, bởi tập sách có tính đặt nền móng nên đừng ngần ngại gì. Miễn viết vì tình yêu tiếng Việt, vì văn hóa Việt, chứ không một vụ lợi nào khác.
Đêm qua, đọc tập Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc (NXB KHXH - 1993) do GS Lê Huy Tiêu - chủ nhiệm môn Văn học phương Đông Đại học Tổng hợp Hà Nội biên dịch, nhận ra rằng các điển cố ấy hầu hết từ kinh thi, thơ phú, tác phẩm văn học, nhân vật lịch sử… mà ra. Đơn cử vài trong hàng trăm thí dụ. Chẳng hạn, “Hải giác thiên nhai”: Chân trời góc bể. Bài thơ Xuân sinh của Bạch Cư Dị đời Đường có câu “Xuân Sinh hà xứ ám chu du/ Hải giác thiên nhai biến thủy hưu” (Xuân Sinh chu du nơi nào nhỉ? / Góc bể chân trời mãi không thôi). Đời sau dùng “hải giác thiên nhai” để biểu thị việc đi về nơi xa vắng cách xa khu trung tâm” (tr.228). “Tạc bích thâu quang”: Dùi mài kinh sử, học tập cần cù. Khuôn Hoành, người đời Hán, thuở nhỏ nhà rất nghèo, tối không có đèn để thắp, sau nhìn thấy nhà láng giềng có thắp đèn liền nghĩ cách “đục tường lấy ánh sáng”. Đời sau khái quát cách làm của Khuông Hoành thành “tạc bích thâu quang” (đục tường trộm ánh sáng) để chỉ tinh thần học tập cần cù của con người” (tr.259) v.v...
Vậy có thể xây dựng điển cố, điển tích từ các lượng thông tin văn hóa Việt? Dứt khoát là được.
Cần gì phải vây mượn “Đa nghi như Tào Táo”, “Bá Nha - Tử Kỳ” v.v… Những nhân vật, sự việc như “Quả cam Trần Quốc Toản”, “Tình bạn Lưu Bình - Dương Lễ”, “Oan Thị Kính” v.v… tại sao không xây dựng thành điển tích, điển cố của người Việt? Văn hào Lỗ Tấn bảo: “Vốn dĩ trên thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi”. Với tập sách trên, người này viết, người sau bổ sung, chỉnh sửa, dần dần mới trở thành quen thuộc trong tâm thức nhiều thế hệ. Theo y, nếu muốn xây dựng điển tích, điển cố của người Việt thì trước hết cần đọc kỹ bộ Đại Việt sử ký toàn thư, lấy đó làm căn bản thì có thể thu thập được nhiều sử liệu rất quan trọng.
Những điều này suy nghĩ thoáng qua đã lâu, nhưng rồi không làm. Ngày nọ, ngày khai mạc Hội sách năm 2014, đi ăn với anh em nhà NXB Kim Đồng, y có nói ra điều này. Nói trong lúc trà dư tửu hậu, những tưởng chẳng ai nhớ, nào ngờ, sau đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhắc lại và anh khuyến khích nên làm. Y cũng gật gù tự nhủ thế. Vậy mà có chịu làm đâu. Thôi thì, xin nêu ra như một gợi ý cho anh em khác trẻ khỏe, giỏi hơn…
Mấy hôm nay, báo chí vẫn đề cập vấn đề biển Đông. Nhờ lướt Facebook, y mới biết Công văn đang gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14.9.1958 lại là ngày chủ nhật! Tưởng thiên hạ nói đùa, tra lại lịch mới biết; “Ngày 2.8 Âm lịch năm Mậu Tuất; Hành: Bình Địa Mộc (Gỗ đồng bằng); Cung Sanh: Tốn Cung; Cung Phi Nam/ Nữ: Càn/ Ly; Tháng Tân Dậu; Ngày Giáp Ngọ”. Ngày chủ nhật hẳn hòi. Chẳng lẽ, thời trước các cơ quan Nhà nước ta cũng làm việc trong ngày chủ nhật; hay khi ký Thủ tướng có ngụ ý gì khác?
Trưa nay, đọc tờ Hồn Việt (6.2014) mới hay vẫn còn tranh cãi về bốn chữ Cao sơn cảnh hành trên cổng Đền Hùng - Phú Thọ. Được biết, cổng đền được xây dựng vào năm 1917, do bà Phan Thị Thịnh (Hà Nội) cúng tiền công quả là 200 đồng, có khắc bức đại tự “Cao sơn cảnh hành”. Bốn chữ này, trước đây đã có cuộc tranh luận trên tờ Thể thao & văn hóa (các số 27.1.2017, 24.2.2007) rồi bỏ lửng. Chiều nay, mưa trói chân ngồi nhà, đọc lại báo cũ và tóm tắt như sau:
Theo ông Lê Trung Việt thì Viện Hán Nôm dịch “Núi cao đường lớn” là chưa đúng, phải dịch là “Núi cao cảnh đẹp”. Không đồng ý, theo ông Nguyễn Lưu, hai chữ “Cảnh hành” theo một từ điển là “Đức hạnh cao minh” - vì thế phải hiểu theo nghĩa “Đức cao như núi”. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Ông Quách Hải Lượng tìm trong quyển Từ Hải (NXB Từ Thư Thượng Hải, 1/1980, trang 2.264) thì 4 chữ này được giải thích rằng, “Cao sơn” chỉ cái “đạo cao đức cả”; “Cảnh hành” nói đến "hành vi quang minh chính đại". Do đó, đời sau dùng “Cao sơn cảnh hành” để chỉ “Đức hạnh cao cả”. Cụ thể trong trường hợp này dùng để ca ngợi đức cao cả của Tổ tiên, chứ không phải nhằm tả cảnh đẹp đền Hùng. Nay, trên báo Hồn Việt, ông Lê Xuân Vũ, có bài phân tích khá dài, theo ông có thể đọc Cao sơn cảnh hành, Cao sơn cảnh hạnh, Cao sơn cảnh hàng, tóm lại là “Núi cao đường lớn”.
Không rõ các Viện nghiên cứu văn hóa nước nhà, các tiến sĩ uyên bác của ta đang làm gì, sao không giải quyết “dứt điểm” vụ việc này? Nói thế, bởi bốn chữ này đề nơi thờ Thủy tổ nước Việt Nam ta mà mỗi người hiểu mỗi phách thì gay go quá. Còn gì đau buồn cho bằng nơi thờ Tổ tiên, cội nguồn của một dân tộc, đã trở thành Quốc lễ thiêng liêng, có vỏn vẹn 4 chữ Hán ngay cổng đền nhưng cách hiểu đến nay vẫn khác nhau. Các bậc trí thức còn thế, huống gì những con dân chân lấm tay bùn không nhiều chữ nghĩa...
Mấy hôm nay, đã nhận được Thư mời gửi tham luận Hội thảo khoa học Phan Khôi - Cuộc đời và sự nghiệp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, dự kiến tổ chức vào tháng 10.2014. Đã nhận được Thư mời viết bài nhân Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập NXB Đà Nẵng. Nơi này, lần đầu tiên (2007) in Người Quảng Nam , có cần nhắc lại chi tiết cô biên tập N quỵt luôn 2 triệu đồng nhuận bút còn lại của tác giả? Cách đây vài năm, đọc báo PL mới biết cô đã bị truy nã vì dính vào vụ lừa đảo đất đai ở Đà Nẵng. Vòng đời quẩn quanh, chẳng biết thế nào mà lần.
Chiều rồi. Không một tin nhắn, một điện thoại nào rủ rê lai rai ba sợi.
May quá là may.
Từ trái: Nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, Hà Đình Nguyên, Lê Minh Quốc, Phạm Hồng Danh - lai rai kỷ niệm 2 năm ngày anh Biền & Thức đi mô tô trao học bổng trẻ em nghèo hiếu học. (Ảnh: Trần Hoàng Nhân chụp ngày 11.6.2014)
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|