Lịch sử một dân tộc là sự tiếp nối từng con người, từng thế hệ, từng triều đại, từng thời đại…Tuy nhiên, có những con người, những sự kiện quan trọng của lịch sử nhưng người cầm quyền đương thời bằng cách nọ bằng cách kia, bằng mọi cách giấu giếm, xuyên tạc, thủ tiêu vì không muốn thế hệ này, thế hệ sau biết đến.
Mấy hôm nay, đọc báo mới biết nhân tuần lễ "Biển đảo Việt Nam" (1.6 đến 8.6), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố 10 kỷ lục về biển đảo trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý và văn hóa - nghệ thuật:
1. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được đặt nhiều tên nhất (Hoàng Sa, Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa, Cát (Kát) Vàng, Cồn Vàng; người Bồ Đào Nha, Hà Lan đặt tên Hoàng Sa là Parcel, Pracel (có nghĩa là ám tiêu); người Anh đặt tên Trường Sa là Pratlys, người Pháp đặt tên Trường Sa là Spratleys... Và đặc biệt ghi chú rõ ràng Paracel là Cát Vàng (bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ, 1838 của Taberd; hoặc Kát Vàng, Cồn Vàng) v.v…
2. Hoàng Sa - Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam có không gian lớn nhất, dài nhất, rộng nhất, sâu nhất, xa nhất, có nhiều đảo đá nhất.
3. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được vẽ nhiều nhất trên tất cả các bản đồ cổ và hiện đại của Việt Nam và Quốc tế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã sưu tầm và đang lưu giữ hàng trăm bản đồ cổ ở các nước Phương Tây cũng như Việt Nam, Trung Hoa vẽ về Parcel, Pracel hay Paracel, Spratleys, Spartlys tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Với 50 bản đồ mô tả nước Việt Nam với thềm lục địa và Biển Đông ấn hành suốt từ 1525 đến 1886, chúng ta thấy dần dần sự hiểu biết của thế giới về đất nước Việt Nam ngày một chính xác, cả về hình thể, lẫn địa danh (trong đó, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa).
4. Lễ hội dân gian duy nhất có từ xa xưa mô tả những khó khăn, gian khổ nhưng rất oai hùng của những người lính Việt Nam canh giữ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Lễ hội Hoàng Sa được tổ chức tại Miếu Hoàng Sa ở làng An Vĩnh, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20.2 âm lịch hằng năm. Đây là một lễ hội nhằm ghi nhớ công lao của những người lính Việt Nam đã hy sinh thân mình để canh giữ biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đã được xác định cách đây hơn 500 năm (thời Hồng Đức - 1490).
Ngoài ra còn là các kỷ lục khác như cuốn sách Việt Nam quốc hiệu & cương vực - Hoàng Sa - Trường Sa (NXB Trẻ) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu; công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất của Tiến sĩ Nguyễn Nhã; đạo diễn Nguyễn Văn Lượng thực hiện nhiều phim tư liệu và phim truyện có nội dung về biển đảo Việt Nam nhất; bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến được cộng đồng Kỷ lục gia Việt Nam bình chọn để các nhà thư pháp kỷ lục gia viết thành Bức lụa thư pháp có độ dài kỷ lục đang được trưng bày tại Nhà Truyền thống huyện đảo Trường Sa; thuyền trưởng - Nhạc sĩ Tôn Huy viết nhiều ca khúc về biển đảo nhất; ca khúc Tổ quốc gọi tên mình của Đinh Trung Cẩn (phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai) viết về biển đảo cùng một lúc được hai giải thưởng âm nhạc cao nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh.
10 kỷ lục này, có kỷ lục thuộc giá trị vĩnh cữu nhưng có cái chỉ nhất thời.
Nếu có một cái nhìn xuyên suốt, công tâm và tư duy khoa học lịch sử không thể bỏ sót tập sách Hoàng Sa - lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa do Việt Nam Cộng hòa - Bộ Dân vận và Chiêu hồi ấn hành ngày 20.3.1974. Sách dày 100 trang, khổ lớn, nhiều hình ảnh. Đây là tập sách đầu tiên của Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa ngay sau khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép với nhiều tài liệu, chứng cứ pháp lý; nhiều hình ảnh đồng bào mọi giới, kể cả người Việt gốc Hoa tại miền Nam, kiều bào hải ngoại đã tuần hành phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc; miêu tả chi tiết trận hải chiến anh hùng bảo vệ Hoàng Sa của chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa… Sở dĩ, y có được tập sách này là do em Nghĩa Phạm (báo Duyên dáng Việt Nam) tặng cách đây khá lâu. Nhân đây, xin cám ơn. Những ngày này đọc lại và nhận thấy:
Cuộc hải chiến bắt đầu nổ ra từ "Ngày 15.1.1974, một chiếc ghe đánh cá Trung Cộng bất thần chở người đến đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, cắm cờ và dưng lều trên đảo" (tr.17); “Qua ngày 20.1.1974, các phi cơ Mig Trung Cộng xuất hiện và oanh tạc 3 đảo còn quân ta đóng giữ, các chiến hạm của ta phải phân tán về hướng Tây Nam. Một số chiến hạm Trung Cộng đến hải kích vào các đảo Hoàng Sa, Cam Tuyền, Vĩnh Lạc. Sau đó, bộ binh Trung Cộng đổ bộ. Ta mất liên lạc với các toán quân trú phòng vào hồi 10g45” (tr.23).
“Tổn thất đôi bên được ghi nhận như sau:
* Việt Nam Cộng hòa:
Chiến hạm
1 chiến hạm bị hư hại toàn diện (Hộ tống hạm HQ -10).
1 hư hại nặng (Tuần dương hạm HQ -16).
2 chiếc khác bị hư hại nhẹ như (Khu trục hạm HQ-4 và Tuần dương hạm HQ-5).
Nhân mạng
18 tử thương, 43 bị thương, 116 mất tích trên các đảo Cam Tuyền,Vĩnh Lạc, Hoàng Sa và 59 người trên Hộ tống hạm HQ-10.
* Trung cộng:
Chiến hạm
1 chiến hạm loại Kronstadt bị cháy và chìm.
1 chiếc bị hủy hoại, ủi vào bờ sau đó.
2 tàu loại T43 hư lại nặng khó phục hồi được
Nhân mạng
Không được ghi nhận nhưng chắc chắn là rất nặng nề” (tr.24).
Trong tập sách này cho biết ca khúc trước nhất viết về Hoàng Sa là Bình minh trên đảo Hoàng Sa của nhạc sĩ Hoàng Bích. Ca khúc này được ấn hành theo giấy phép số 906 do Hội đồng Kiểm duyệt của Nha Thông tin Nam phần cấp ngày 17.6.1957. Căn cứ vào bút tích xin phép xuất bản, ta biết nhạc sĩ Hoàng Bích sáng tác vào ngày 7.5.1957 tại Hội An (Faifo).
Những ngày này, mẹ đã khỏe. Hy vọng trong tuần này có thể xuất viện. Mấy hôm nay, chỉ rượu đỏ. Chuẩn bị chia tay. Chuyến bay tối nay. Ngày cuối tuần trước, anh bạn đồng nghiệp đùa: “Có lẽ, anh là người “nhẫn” nhất trong cơ quan”. Câu nói như mỉa mai nửa đùa nửa thật, giật mình, chẳng hiểu ra làm sao. “Thì trên bàn làm việc của anh đó, tui chỉ thấy la liệt các tập thơ!”. Hehe, đúng quá, cứ dăm ngày nửa tháng y lại nhận được vài tập thơ gửi tặng, vừa vô danh lẫn hữu danh. "Thời buổi này, anh còn đọc thơ được thì không “nhẫn” là gì?”.
Chà, chuyện vặt. "Nhẫn" phải là "gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân Nam vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói" vậy mà... Vậy mà thế nào? Là có võ tướng vẫn du dương diễn văn êm đềm hoa mộng, êm ái xuân tình, êm dịu hữu hảo còn hơn cả đang đọc thơ tình!
L.M.Q
Một ngày nữa rồi. Khiếp chưa? Chưa làm được quái quỷ gì, đã gần cuối tuần. Chưa kịp thở, chưa kịp sống, đã nửa đời người. Sống, một hành trình gian nan quá. Đêm qua, vào thăm mẹ. Bà cụ đã tỉnh táo hơn. Đã có thể nói năng được rồi. Điều quan trọng là trí nhớ vẫn minh mẫn. Mà khi tỉnh táo, việc đầu tiên vẫn là công việc trong nhà. Dặn dò đủ thứ, từ cửa nẻo cẩn thận đến việc chăm sóc chó mèo, tưới cây, bơm nước… Hầu như nỗi lo toan thường trực ấy luôn có trong tâm trí người đàn bà Việt Nam. Lúc nào cũng lo lắng việc nhà, con cái như thể một trách nhiệm tự thân đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Đêm qua, bà cụ cằn nhằn y là đứa con bất hiếu bởi không chịu lập gia đình, sau này, bệnh hoạn, già yếu nương nhờ ai? “Thế mẹ thương ai?”. Bà cụ đáp: “Mẹ thương thằng Tẹo vì hắn có vợ con”. Thì những người con khác đã yên bề gia thất rồi, sao mẹ lại chỉ thương mỗi đứa út? Tục ngữ có câu: “Giàu con út, khó con út” có thể hiểu, sau khi dựng vợ gả chồng cho các con lớn, thường bố mẹ ở với con út, nếu nhà có của, con út đươc hưởng bằng không phải chịu thiệt thòi. Thời nhỏ, học tiểu học còn nhớ bài thuộc lòng:
Bốn con ngồi bốn góc giường
Mẹ ơi mẹ hỡi mẹ thương con nào
Mẹ thương con út mẹ thay
Thương thì thương vậy chẳng tày trưởng nam
Trưởng nam nào có gì đâu
Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam
Câu ca dao này chắc chắn xuất phát từ miền Bắc. Trong quá trình khai hoang mở cõi vào phương Nam, quan niệm trên tất nhiên vẫn còn giữ nhưng không nhất thiết vai trò trưởng nam. Đứa con nào cũng được, tất nhiên không là con gái, có điều kiện thờ phụng ông bà chu đáo, nhất là phải có uy tín, đạo đức, hiếu thảo, hết lòng với dòng tộc. Người đó vai vế thấp hơn các anh em khác, nhưng vẫn đứng vai trò chủ tế, các thành viên khác về dự phải răm rắp tuân theo. Nơi thờ phụng ông bà cha mẹ, có thể nhà thờ tộc, hoặc nhà xây dựng trên đất hương hỏa ông bà, hoặc nhà riêng chẳng sao cả. Đến ngày giỗ, anh em bà con quay về giỗ quẩy tưởng nhớ người đã khuất. Ở ngoài Bắc, khi cúng kiếng dù giàu, dù nghèo ai ai cũng muốn “mâm cao cổ đầy”, phải có đầy đủ các món ăn thuộc hàng căn bản như gà luộc, đĩa xôi, chả giò, canh măng lưỡi lợn v.v… Trong Nam lại khác, do hoàn cảnh cá nhân khác nhau, nhiều người phải thay tên đổi họ, giấu kín lý lịch nên hầu như ít ai lưu gia phả. Thế nhưng, người trong tộc có thể nhận ra qua món ăn trong dịp cúng giỗ. Đọc bài “Gia phả ngầm” ở Nam bộ của Nguyễn Ngọc (báo PL Xuân 2014) có đoạn lý thú nhằm minh họa ý trên: “Năm 1980, một lần tôi ghé làng Bình Ðức, Bến Lức (Long An), nơi có làng chài xưa của anh hùng Nguyễn Trung Trực để thăm gia đình bà xã tương lai. Tại đây tôi chứng kiến một nghi thức cúng kiến khá kỳ lạ. Dòng họ Huỳnh bày mâm cúng trên lá chuối, lá sen ở bờ sông Vàm Cỏ Ðông, sát đám lá dừa nước. Nhiều thức cúng tôi không biết, đặc biệt có đĩa rau luộc, thủ vĩ lợn, tam sên, đĩa thịt sống và hình nộm bằng rơm với năm tàu lá dừa, năm mũi tên hình thành thế trận ngũ hành. Chủ tế là ông cha vợ tương lai của tôi, con thứ 12 của dòng họ Huỳnh - chiếm ba phần tư dân số xã này. Họ Huỳnh này gốc của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Ðức (tên thật là Huỳnh Tường Ðức, được vua Gia Long ban họ Nguyễn). Cha vợ tôi giải thích: “Dòng họ Huỳnh gốc miền Trung vào khai phá vùng đất này có nhiều hổ dữ. Vì thế gia tộc phải cúng chúa sơn lâm bằng thịt sống, cọp no thì ông bà mới về ăn được. Còn hình nộm và đồ thế là của người đi sông, đi biển” (…).
“Ðiều khác biệt là mỗi dòng họ có một lễ vật thật đặc biệt mang liên quan đến sự tích ông tổ dòng họ hoặc có ý nghĩa nào đó với dòng họ. Ðó có thể không phải là thức ăn mà là một vật tượng trưng cho dòng họ, khi nhìn thấy ai cũng nhớ, cũng biết gốc tích gia tộc của mình. Ðây mới chính là “gia phả ngầm”. Chẳng hạn, dòng họ Mai ở Cai Lậy (Tiền Giang) cúng hình nộm - là hình người bện bằng rơm, dựng trên một cọc gỗ, cúng xong thì đốt đi. Ðây là tục đốt đồ thế của người đi biển miền Trung. Họ Trương cũng ở Cai Lậy cúng miếng da voi và bày cung tên theo thế trận ngũ hành. Ông Trương Ngọc Tường, người trong họ này, giải thích thủy tổ dòng họ Trương là thợ săn từ miền Trung vào. Ở Gò Công (Tiền Giang), Bến Lức (Long An) vật tổ có thể là ba con ốc, ba con cua. Ở Cao Lãnh, vật tổ có thể là đĩa mắm sống với bắp chuối đập dập… Họ Võ ở Mộc Hóa (Long An) bắt buộc phải có gỏi da tượng (nay thế bằng miếng da heo cắt hình voi để nguyên trên mâm) vì tương truyền ngày xưa, trước khi về Ðồng Tháp Mười, họ này chuyên săn bắn...”.
Đọc bài viết này, thích quá. Ước gì có dịp đi nhiều nơi nhiều chốn, ghi chép lại những chuyện tương tự. Đánh giá đúng vài trò của nhà văn Sơn Nam, có lẽ gọi ông là “nhà phong tục học Nam bộ” là chuẩn xác nhất. Trên đời, có những người đi khắp nơi khắp chốn nhưng họ chỉ “nhìn” chứ không “thấy”. Đời sống có biết bao câu chuyện bình dị ít ai biết đến, thế nhưng không mấy ai chịu khó ghi lại. Nam Bắc thống nhất một nhà, nhưng tùy quan niệm vùng miền nên có lúc va chạm khó giải quyết nếu không cùng có sự thành tâm. Ngày nọ, nàng bảo, anh ơi anh tư vấn giúp bạn em chuyện này. Rằng, phía đàng gái, cô X là con đầu; phía đàng trai, anh Y - con út, trên còn có 3 chị gái khác nữa. Vậy khi ghi trên thiệp cưới thế nào? “Trưởng nữ X” kết duyên cùng “trưởng nam Y” chăng? Ghi thế, vậy 3 chị gái của Y bỏ đi đâu? Câu trả lời như đinh đóng cột: “Con gái con lứa kể vào làm chi?”. Sao lại trọng nam khinh nữ đến thế? Vậy ghi “thứ nam” chăng? Lại câu trả lời khác: “Nói thế, chẳng lẽ nhà tôi thất đức đến độ không không có “trưởng nam” sao?”. Chuyện tưởng đơn giản nhưng phụ huynh đôi bên “tranh luận” lằng nhằng mãi, khiến đôi trẻ sốt cả ruột, chẳng dám ý kiến ý cò. Ngày kia, tham dự dám cưới cháu nội nhà văn Phạm Tường Hạnh, anh Phạm Minh Thuận - bố chú rể - thay mặt hai họ tuyên bố một câu mà cả khán phòng vỗ tay tán tưởng vang trời. Anh nói: “Được sự đồng ý của hai con, hai gia đình chúng tôi tổ chức…”. Đúng quá, nếu chúng không đồng ý thì làm gì có ngày trọng đại này? Lại chuyện, bố mẹ ly dị nhau, cả hai đều có người mới. Khi làm đám cưới cho con, ai chủ hôn? Ông bố của cháu hay người chồng mới của mẹ? Tưởng đơn giản, dễ ẹt nhưng rồi có nhiều “ca” nan giải ghê gớm. Ôi, chỉ mới nghĩ đến đã thấy mệt. Nghĩ một chút để lấy thêm tư liệu viết bài cho số báo tới.
Những ngày mẹ ốm, mới thấm thía câu thơ của Trần Đăng Khoa:
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi
Sự quan sát của đứa trẻ lên mười chân thật lắm. Ước mơ được nhìn thấy hình ảnh cảm động ấy, tưởng đơn giản nhưng lại lớn lao vô cùng. Cả một nỗ lực của người mẹ già, phải chiến đấu với biết bao thuốc men, dây nhợ, nỗi đau bệnh tật… Mà, nghĩ cho cùng, ai lại không đến với khoảnh khắc ấy? Ngay từ lúc mới oe oe lọt lòng, con người ta đã bắt đầu đi về nơi chốn ấy, nơi chốn của bệnh tật, phải vượt qua nó và cuối cùng là đầu hàng số phận.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh bảo rằng: “Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống thì nơi đó có cái chết và nơi nào có cái chết thì nơi đó có sự sống. Điều này cần phải quán chiếu kỹ mới có thể hiểu được. Trong đạo Bụt, chúng ta nói về tính tương tức của vạn vật, nghĩa là không ai trong chúng ta có thể tồn tại một cách biệt lập, riêng rẽ. Chúng ta phải tương tức với những thành phần khác. Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Nếu bên phải không có đó thì bên trái cũng không thể có mặt. Nếu không có bên trái thì cũng không có bên phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái. Điều này cũng đúng với các cặp đối lập như: tốt - xấu, trước - sau, ở đây - ở đó, anh - tôi. Tôi không thể nào có mặt ở đó nếu không có anh. Cũng giống như hoa sen kia không thể nào có mặt nếu không có bùn. Không có bùn thì cũng không có sen. Cũng tương tự như vậy, hạnh phúc sẽ không thể nào có được nếu không có khổ đau, cũng như không thể nào có sự sống nếu không có cái chết.
Các nhà sinh vật học khi quan sát cơ thể con người đã nhận thấy rằng cái sinh và cái diệt diễn ra đồng thời. Trong giây phút này đây, hàng ngàn tế bào trong cơ thể chúng ta đang chết đi. Khi ta gãi trên da như thế này thì nhiều tế bào khô rơi xuống, đó là những tế bào đã chết. Và rất nhiều tế bào chết đi trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Bởi vì chúng ta quá bận rộn nên chúng ta không nhận thấy điều đó thôi. Và nếu những tế bào đó chết cũng có nghĩa là chúng ta đang chết. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta còn lâu mới chết. Ta nghĩ rằng ta còn năm mươi hay bảy mươi năm nữa mới chết, nhưng điều đó không đúng. Cái chết không phải là một cái gì đang chờ đợi ta ở cuối con đường, mà nó đang diễn ra ngay trong giây phút này, ngay bây giờ và ở đây”.
Phải thừa nhận, ông Thích Nhất Hạnh viết nhiều, nhưng hầu như chạm đến vấn đề khúc mắc nào, ông cũng đều lý giải chu đáo một cách dễ hiểu. Ngược lại, có những người lại thích trình bày rối rắm, cực kỳ khó hiểu một vấn đề đơn giản có lẽ họ nghĩ rằng thế mới là uyên bác chăng? Cách hành văn của Nguyễn Hiến Lê rất cần cho học sinh học tập, bởi ông diễn đạt trong sáng, gẫy gọn dù bất kỳ vấn đề nào (29.5.2014).
Hôm qua viết đến đó. Tạm ngưng. Đi làm. Thêm đôi dòng Nhật ký hôm nay. Sáng qua, từ Đ.N, anh cả của y đã vào chăm nom mẹ. Thế đấy. Khi mẹ khỏe mạnh, lo cơm nước cho y mỗi ngày. Khi mẹ ốm, anh em của y túc trực bên giường bệnh. Còn y thì sao?
Chỉ là phù phiếm linh tinh
Đuổi theo bóng. Rượt theo hình. Biệt tăm
Con đường ngậm ngãi tìm trầm
Bàn tay sấp ngửa được cầm gì không?
Bụi vàng trăng lạnh đáy sông
Vớt lên hơi thở buốt cong dạ dày
Ngoảnh nhìn thăm thẳm chân mây
Lẻ loi soi ngấu hình hài... Q ơi
(30.5.2014)
Từ trái: Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Tuấn (Tẹo) tại nhà Q năm 2004.
L.M.Q
Tự nhiên trở thành người đàn ông gương mẫu, đứng đắn, đàng hoàng. Không một giọt bia bọt nào. Mỗi chiều, tranh thủ chạy vào bệnh viện thăm mẹ. Quay về nhà, lên giường, đọc sách. Sức khỏe bà cụ thế nào? Mỗi ngày vẫn còn truyền dịch, 12 bình các loại. Sử dụng chừng 12 loại thuốc. Chiều qua đã không còn phải thông đường tiểu. Đã hết sốt, lúc xoa trán, bóp chân tay thấy lạnh mát. Vẫn còn phình trướng bụng, tuy nhiên lúc xoa bụng đã thấy mềm hơn trước. Vẫn còn thở oxy. Sức khỏe trong người có thể đã khá hơn chăng? Nhận tin mẹ của anh Biền, bạn thơ Nguyễn Thánh Ngã cũng vào bệnh viện. “Nếu có ai đó yêu một bông hoa duy nhất trong hàng triệu, hàng triệu ngôi sao thì chỉ cần ngắm những ngôi sao thôi cũng đủ khiến người ta hạnh phúc. Vì người ta có thể nghĩ rằng : "Bông hoa của mình đang ở đâu đó trên kia...". Nhưng nếu con cừu ăn mất bông hoa, cả bầu trời sao cũng sẽ tắt lịm (Hoàng Tử Bé - Antoine de Saint - Exupéry). Bông hoa yêu dấu nhất trong đời y vẫn còn. Mỗi ngày vào thăm vẫn thấy bà cụ ngủ mê mệt. Ngày nào mẹ mới có thể về nhà?
Từng ngày công việc cũng vậy. Chẳng gì khác. Vẫn viết để sống. Sáng qua, nhận điện thoại của nhà văn Tạ Duy Anh. Lòng vui. Có những người, dù không nhiều lần bù khú lai rai nhưng khi nhờ giúp chuyện gì, vẫn tận tình. Hơn mười năm trước ra Hà Nội, học lớp biên tập ở Trường Viết văn Nguyễn Du dành cho cán bộ NXB, báo chí, đã quen anh. Hôm nọ, nhờ anh gác hết mọi chuyện để đọc và thẩm định giúp bản thảo của người bạn. Anh sốt sắng nhận lời và làm mọi thủ tục để có thể xuất bản nhanh nhất.
Cảm động chuyện này nên sáng qua y cũng làm việc tốt khác. Photo tập sách Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy tặng Đoàn Tuấn. Công ty Phương Nam đang sở hữu toàn bộ bản quyền của P.D, chẳng rõ tại sao không in lại quyển này? Lại photo thêm quyển Truyện Phan Xích Long - hoàng đế và binh tướng bị xử tại Tòa Đại hình Sài Gòn tặng nhà báo Trần Nhật Vy. Quyển sách quý này in năm 1913, đầy đủ thông tin về sự kiện Phan Xích Long. Tòa án Sài Gòn xử từ thứ Tư ngày 5.11.1913 đến ngày 12.12.1913. Có 104 người ra tòa, vắng mặt 7 người, đầy đủ danh sách. Đọc kỹ phát hiện nhiều chi tiết mà trước đây các nhà nghiên cứu chưa đề cập đến. Chẳng hạn, khi kéo quân lên Sài Gòn, ngoài việc nhìn tận mặt Phan Xích Long, nghĩa quân nghĩ rằng sẽ được gặp anh hùng Đề Thám; tòa án kết tội cả Phan Bội Châu, Cường Để. Tang chứng là “vỏ trái pháo, áo, mão gươm, đồ sắc phục đế vương của Phan Xích Long hoàng đế giá đáng chừng ba bốn chục ngàn đồng bạc, là đồ vàng đặc”. Nghĩa quân “mặc y phục mới sắm bẳng vải trắng, khác đồ tang phục, đầu bịt khăn xéo, bỏ mối lòng thòng giữa trán làm hiệu riêng” v.v… Dựa vào tài liệu này, đã công bố trước tòa, có thể dựng lại cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long.
Trước đây, trên đường Võ Văn Tần có nhà sách Kỳ Thư, chủ nhân bị tật ở chân và nổi tiếng là bán sách cực mắc. Chỉ dân chơi sách cũ, nhiều tiền mới có thể mua nổi. Y không phải người chơi sách cũ nên thường chỉ mua bản photo, tất nhiên giá cũng cao ngất. Làm ăn như Kỳ Thư đáng khen, vì ít ra những người cần nghiên cứu cũng có thể tiếp cận được tài liệu quý. Có nhiều nơi bán sách cũ hiện nay còn lưu giữ những tạp chí, báo chí in tại Sài Gòn trước năm 1900 nhưng không làm theo cách này. Thật đáng tiếc.
Cái thú đọc sách còn là trước khi đi ngủ, tiện tay vớ lấy bất kỳ quyển sách nào đó. Đọc chơi dăm trang. Đôi khi không chủ ý nhưng lại tìm được nhiều thông tin lý thú. Về Kim Dung, thú thật, chưa bao giờ y có thể đọc hết một tác phẩm nào của ông. Ngồi nhậu, nhất là ở quán Đo Đo, nghe bạn bè bàn luận nhân vật này, nhân vật kia khoái lắm bèn quyết tâm đọc nhưng vẫn không đọc nổi, một phần do bản dịch mới ngây ngô, câu cú tầm thường quá nên dễ nản. Lại nghe, thời trẻ, ông Đồ Bì hết sức ca Vi Tiểu Bảo nhưng gần đây lại đâm ra ghét nhân vật này ghê gớm; lại nghe có lần ông Trần Bạch Đằng bảo nếu ra ngoài đảo hoang như An Tiêm, chỉ được phép đem theo một quyển sách duy nhất, ông sẽ chọn Tiếu ngạo giang hồ vì thích nhân vật Lệnh Hồ Xung và ghét Nhạc Bất Quần v.v… Trong những lần bàn luận đó, chưa nghe ai kể chuyện này: Lúc Kim Dung tuyên bố gác bút, Hội Kim Dung học ở của nhiều nước thế giới đã “nung nấu tâm can, vò võ trán” nghĩ ra câu đối tặng ông. Câu đối như sau:
Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên
Có người dịch: “Tuyết bay hàng ngày bắn hưu trắng; Hiệp sĩ cười viết dựa chim uyên xanh”. Câu đối quá xuất sắc. Không những thế, mỗi chữ trong câu đối là chữ đầu tác phẩm của Kim Dung: "Phi Hồ Ngoại Truyện, Tuyết Sơn Phi Hồ, Liên Thành Quyết, Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu Anh Hùng Truyện, Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Lộc Đỉnh Ký, Tiếu Ngạo Giang Hồ Ký, Thư Kiếm Ân Cừu Lục, Thần Điêu Hiệp Lữ, Hiệp Khách Thành, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Bích Huyết Kiếm, Uyên Ương Đao”. Nhớ câu này để hôm nào “lòe" anh Hoàng Hải Vân chơi. Sở dĩ như thế, bởi lúc nàng viết quyển Quách Tĩnh yêu Tiểu Long Nữ, anh Vân đã dành trọn buổi giải thích y nghe về tính cách các nhân vật Kim Dung. Nhờ vậy, y mới viết được bài thơ này. Con người này thông minh, viết báo xuất sắc, có điều anh không tập trung vào đề tài nào, khó ai có thể nhận ra hết sự tài hoa của anh. Ngày anh đám cưới, y tặng bức tranh vẽ chiếc ghế trống đặt dưới bóng cây xanh. Thỉnh thoảng anh vẫn hài lòng nhắc lại luôn. Có lẽ nhà văn Việt Nam duy nhất (?) đã vào thư phòng Kim Dung và phỏng vấn ông chính là Nguyễn Đông Thức.
Sáng qua vào cơ quan, nghe Đỗ Ngọc đọc mấy câu thơ, chị bảo là của Bảo Sinh, không rõ có đúng không, chỉ biết anh em trong cơ quan cười bò:
Trả thù kẻ cắm sừng ta
Tốt nhất để chúng thành ra vợ chồng
Thế là món nợ trả xong
Thế là thằng chó đi tong một đời
Hehe, hai từ “thằng chó” nghe ra vẫn còn cay cú quá. Lúc ấy, sực nhớ Bùi Giáng cũng có bài thơ tếu táo mà ít người biết. Bài thơ như một vở kịch ngắn. Trước hết là khúc dạo đầu:
Chép tờ địa lý đầy vai
Hùng tâm thánh nữ thiên tài ni cô
Định thần mừng rỡ bước vô
Song trùng chúc phúc hai cô một lần
Chúc gì?
Xót nàng còn chút song thân
Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa
Sao cho muôn dặm một nhà
Cho người thấy mặt là ta cam lòng
Những câu này đều mượn từ Truyện Kiều. Câu này mới là Bùi Giáng:
Hai nàng có số long đong
Cũng đành gắn chịu lòng thòng đẩy đưa
Nghe câu chúc ấy, lập tức:
Ni cô, Thánh nữ chẳng vừa:
Chào tôi ranh mãnh cợt đùa: - Chào ông!
Ông là tên Gioáng phải không?
Ông người Đòa Nẽng chính tông họ Buồi?
Hai cô cùng phá lên cười
Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo
Kết thúc có hậu quá. Thi thoảng trước lúc ngủ, đọc vu vơ dăm trang sách cũ cũng là vui. Mẹ mau lành bệnh, khỏe mạnh đặng về nhà cũng là vui, là một kết thúc có hậu. Lúc ấy, y mới có thể hào hứng mà rằng: "Còn tôi hứng chí cũng cười reo theo"...
Đời, thế mà vui.
An May và bà nội (2008)
L.M.Q
Có những lúc tự trách mình đã làm một điều không phải. Đang bận rộn túi bụi, tay phải làm cầm cái này, tay trái xách cái kia, chân phải đang bước xuôi, chân trái đang lui ngược thì bỗng nghe rèng réng reng; lại nữa, suốt buổi sáng mệt nhoài công việc, quay về nhà vừa chợp mắt nghỉ trưa, bỗng reng réng rèng; lại nữa, đêm qua thức khuya, sáng cho phép ngủ nướng một chút nhưng chỉ mới 7 giờ sáng đã nghe gióng giã rẻng rèng reng như còi thúc quân xung phong ra trận… Những cú điện thoại cà chớn ấy khiến giật thót cả người. Bao giờ cũng là những giọng nói ngọt như đường cát mát như đường phèn vang êm ái bên tai: “Thưa anh, anh có phải là anh Q? Em ở công ty bảo hiểm nhân thọ…”; “Dạ, em ở ngân hàng X tư vấn kế hoạch vây vốn” v.v… và v.v… Bố khỉ! Thoạt nghe đã cáu tiết, tưởng ai đó gọi trao đổi việc gì quan trọng bèn mắng luôn một hơi cho đã nư, đỡ tức.
Chiều đi làm về, phải lạng lách ngõ nọ ngách này mới vượt khỏi kẹt xe bụi bặm mù mịt, mệt bỡ hơi tai. Về đến nhà, tưởng đã yên thân. Nhưng không. Cô tổ trưởng dân phố đến bảo đóng tiền ủng hộ phường vì việc A, B,C gì đó, tất nhiên tùy lòng hảo tâm. Vừa đưa tiền ra, lại nghe một giọng nói ngọt như mía lùi âm vang êm ái bên tai: “Sao chỉ đóng góp chừng này? Phải nhiều hơn chứ anh?”. Tự dưng bực bội và mắng luôn.
Mắng người ta một câu là “nhẹ cả người”?
Không đâu. Tự nhiên, sau đó lại đâm ra áy náy. Lấy cái quyền gì mắng người ta? Họ cũng vì công việc, vì miếng cơm manh áo lẽ nào không thông cảm? Y cũng nhỏ nhen quá, ti tiện quá, chỉ nghe một cú điện thoại vô duyên, một câu nói không đúng lúc đã nổi cáu, đã hách xì xằng, ngậu xị lên rồi. Nghĩ thế, tự dằn vặt, tự trách mình đã làm một điều không phải.
Nghĩ đi nghĩ lại, bèn tự bào chữa, ơ hay, nếu người ta không thế này, y đã không hành động thế kia. Y chẳng ra gì. Nạt nộ, phách lối. Nghĩ thế, cảm thấy như có lỗi. Trên đời, có những lúc tự dưng mình lại biến thành kẻ khác. Oái oăm chưa? Sự va chạm gùn ghè, cay cú ấy làm sao tránh khỏi. Nếu lúc đang bực bội, mệt mỏi được gặp một cảm ứng điện từ ôn hòa, thân thiện có lẽ mình đã khác. Nếu lúc ấy, va chạm với một tín hiệu tiêu cực khác thì mình cũng sẽ khác. Làm sao có thể tránh khỏi những tác động tâm lý u ám ấy. Có thể là tùy cơ duyên mỗi người chăng?
Có câu chuyện vừa đọc trện báo, ngày nọ đứa con gái 12, 13 tuổi gì đó đi chơi về khuya, bạn bè đưa về tận nhà. Không nói không rằng, ông bố mắng cho một câu, tự ái quá, sau khi bạn bè ra về, cô bé xách xe phóng ra khỏi nhà. Hoảng hốt, ông bố đuổi theo và bắt gặp con mình đang đứng trên cầu. Lúc ấy, nói ngon nói ngọt thế nào nó cũng không quay về nhà. Đêm đã khuya. Chẳng lẽ hai cha con dằng co mãi sao? Ông bố bực quá, tát vào mặt nó một cái rõ đau. Cô gái ôm mặt khóc hu hu giữa đêm thanh vắng. Ngay lúc đó có một người đàn ông tình cờ đi ngang qua, nhìn thấy cảnh ngộ ấy và hỏi: “Ông là ai, lấy quyền gì đánh con bé?”. Tất nhiên, ông bố bảo, là mình là cha là mẹ nên có quyền dạy con, can cớ gì mà xía vào? Nói thế mà được à? Lấy gì chứng minh là bố của cô bé tội nghiệp kia? Trong lúc hai người đàn ông đang cãi cọ, thừa dịp không ai chú ý đến, cô bé lao từ trên cầu xuống dòng nước xiết… Nếu lúc ấy, ông bố bất hạnh ấy gặp người đàn ông khác, người khác thì mọi việc đã khác. Có thể là tùy cơ duyên mỗi người chăng?
Ông bà mình bảo: “Chọn bạn mà chơi”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” chí lý quá. Tác động của người này đối với người kia, từ đó, cộng hưởng cảm ứng điện từ lẫn nhau là điều khó tránh khỏi. Đã lâu rồi, đọc mấy quyển sách về Thông thiên học, cũng có nói về điều đó. Đại khái và hiểu nôm na rằng, ngồi nhà một mình khó có thể uống hết một lon bia, nhưng vào quán nhậu thì có thể “uống xả láng sáng về sớm”. Do tác động của người chung quanh? Đúng rồi. Nhưng theo Thông thiên học, ngay lúc ấy, từ trên khoảng không, trên đầu người đang nhậu dù không ai nhìn thấy nhưng thật ra đã có những bóng ma bợm nhậu đang vỗ tay, hò reo, xúi giục lũ người trần mắt thịt đang ngồi kia hãy uống dạt dào hơn nữa. Có hay không tác động vô hình đó?
Vừa đọc một notes trên facebook của anh bạn, đại khái, có anh chàng nọ đã tốt nghiệp cao cấp về học thuyết này, chủ nghĩa nọ, lúc hanh thông đang “lên voi” bao giờ cũng lấy biện chứng này, khoa học nọ làm kim chỉ nam hành động. Vậy khi gặp tình huống “xuống chó” rơi vào đường hầm không lối thoát, chàng ta cũng vận dụng chứ? Không. Chàng ta lại nhờ đến mấy lão thầy bói xem một quẻ là nên trốn đi hướng nào, hướng Nam hay Bắc để có thể né vòng lao lý, thoát được lệnh truy nã? Thì ra, lúc ấy, lúc bế tắc nhất bao giờ người ta cũng tin vào một phương pháp, một đấng siêu hình nào đó, nói tắt một lời là tin vào tâm linh, dù mơ hồ. Chẳng rõ hư thực ra sao nhưng vẫn tin. Tâm lý của con người là vậy. Tin hoặc không tin, chứ đừng tranh luận đúng sai ở đây. Có như thế, tôn giáo mới có thể tồn tại từ thuở khai thiên lập địa đến hàng triệu triệu năm sau này…
Điều quan trọng nhất, con người là tin vào cái gì để sống?
Nhật ký hôm qua, có đề cập đến vụ tự thiêu trước Dinh Độc lập. Sáng nay, báo TT&VH của TTX Việt Nam đã đưa tin chính thức: “Toàn văn di thư phản đối Trung Quốc của người tự thiêu trước cổng Hội trường Thống Nhất”. Người tự thiêu là Phật tử Lê Thị Tuyết Mai, sinh năm 1947:
“Tại buổi họp báo, cơ quan công an đã cung cấp 06 (sáu) tờ giấy màu xanh khổ A3 được thu giữ tại hiện trường, các tờ giấy này mang nội dung: "Nguyện ơn mười phương chư Phật chư đại Bồ tát Chư Long thần bộ pháp cho con phật tử ra đi thanh thoát. Không trở ngại có ai ngăn cản. Nguyện hồn thiêng đất nước cho con làm một việc yêu nước không gặp trở ngại, không có gì ngăn cản và đừng tìm cách cứu sống. Nguyện vọng đất nước hòa bình an lạc. Tránh được xâm lăng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc trả lại biển hải bình yên cho đất nước chúng tôi, ủng hộ tinh thần cảnh sát biển và ngư dân. Yêu cầu mọi người dân chúng ta đoàn kết để dẹp tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc. Đoàn kết là sức mạnh của mọi người dân Việt Nam chúng ta từ xưa đến ngày nay. Nguyện cầu hồng ân chư phật chư đại Bồ tát, Chư Long thần hộ pháp cho con thực hiện tinh thần yêu nước và bảo vệ quê hương không để cho Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm lược. Ủng hộ tinh thần của Cảnh sát biển và ngư dân. Nguyện cầu đất nước thanh bình an lạc. Nguyện cầu mọi người dân đoàn kết để chống ngoại xâm Trung Quốc. Xin nhà nước và bạn bè quốc tế ủng hộ cho nhân dân Việt Nam bảo vệ quyền lãnh thổ hải phận Việt Nam. Xin Nhà nước kiên định bảo vệ nhân dân và đất nước Việt Nam tránh khỏi bọn xâm lược quấy phá. Suốt 10 ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước. Hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình làm ánh đuốc soi đường do những ai xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải chúng tôi. Hôm nay tôi nguyện làm ngọn đuốc để thêm sức mạnh cho cảnh sát biển cùng ngư dân. Yêu cầu Trung Quốc phải rút ra khỏi biển Việt Nam! trả lại cho Việt Nam bình an...". (nguồn: http://m.thethaovanhoa.vn/xa-hoi/toan-van-di-thu-phan-doi-trung-quoc-cua-nguoi-tu-thieu-truoc-cong-hoi-truong-thong-nhat-n20140523223947094.htm). Anh bạn thơ Nguyễn Trọng Tạo vừa post lên facebook anh bài thơ về sự việc này, có câu:
Để không bao giờ quỳ gối trước ngoại bang.
Người đàn bà tự thiêu cả đất nước đeo tang…
Sáng nay, ăn mì Nam Lợi, uống cà phê ở Đồng Khởi. Trong lúc nàng sửa bon 2 Sài Gòn mùa trứng rụng, y ngồi nghĩ linh tinh như những gì vừa viết. Cuối tuần rồi, chiều nay lại vào bệnh viện thăm mẹ. Anh ruột y vẫn ngủ lại bệnh viện mỗi đêm, chăm sóc bà cụ. Trong khi đó, mỗi lúc y vào đó dù chỉ vài giây, ít phút nhưng ra về, cảm tưởng như vừa trải qua một hành trình gian nan ghê gớm. Một không gian đầy người bệnh đã khiến y cảm thấy chán đời quá. Có lẽ, lúc nhìn thấy những cảnh ngộ bệnh hoạn của đồng loại, bất kỳ ai cũng chạnh lòng nghĩ đến thân phận của chính mình:
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
(Truyện Kiều)
Tối qua vào thăm, bà cụ đã ngủ mê mệt. Bụng vẫn còn trướng, đầy hơi. Nhìn kỹ hai bàn tay như hơi bị phù, hoảng quá, bèn gọi điện thoại BS Vũ ở Quế Sơn (Quảng Nam) hỏi về triệu chứng đó. Vũ bảo, không đáng lo bởi khi truyền dịch, xẩy ra hiện tượng hơi phù ở bàn tay, mắt cá chân là bình thường do cơ thể không thể tiếp thu nhanh, nhất là ở người già.
Yên tâm chăng?
Gia đình em Lê Minh Tiến chụp ảnh cùng mẹ trước lúc về lại Úc (chụp ngày 19.7.2008 tại sân bay Đà Nẵng)
L.M.Q
Trong mớ bùng nhùng, hỗn độn, trì trệ, bức bối của đời sống, cảm tưởng hết thẩy chúng ta đang múa may quay cuồng trên một sân khấu lớn. Có điều những vai diễn ấy đã cũ rích, chẳng có thể ma mị, dụ khị được ai nữa, kể cả chính mình. Cứ thế, người ta lại sống trong mớ bùi nhùi, lùng nhùng ấy và cố gắng nhón chân lên tìm một chút khí trời để thở. Tự đánh lừa mãi lấy chính mình, biết thế, vẫn cứ thế. Biết làm sao?
Đọc trên báo mấy hôm nay quanh đi quẩn lại có gì mới? Cũng những câu chuyện cũ rích từ đời tám hoánh, cứ lặp di lặp lại hoài. Cũng câu trả lời đó, cách giải quyết đó. Có thấy thay đổi gì đâu? Chán. Còn chán hơn cả thông tin cỡ như “đến năm 2020 xây mới 51 nhà hát và nâng cấp 20 nhà hát. Sáu năm cho tổng cộng 71 nhà hát”. Để làm gì? Trong khi đó, trường học vùng sâu, vùng xa cần thiết hơn nhiều. Chán. Không chán sao được khi đọc thông tin như cô hoa hậu nọ trả lại vương miện vì cái lý do gì gì đó, báo TT hôm nay có bình một câu chí lý: “Có một người nước ngoài nhận xét thế này: chuyện hoa hậu ở các nước phát triển chỉ là giải trí và đại bộ phận công chúng khá thờ ơ thì ở VN đôi khi lại là chuyện... thời sự và xã hội”. Mà, đâu chỉ có mỗi chuyện này? Chẳng hạn chuyện Trung Quốc trúng thầu, chuyện lao động nhập cư v.v... Còn biết bao chuyện đại sự khác nữa. Bàn đến làm gì. Vô ích.
Nhạc sĩ Thanh Bình vừa qua đời chiều nay. “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha… Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi...”. Theo nhà báo Hà Đình Nguyên (TN) khi hỏi về bóng hồng nào đã khiến nhạc sĩ Thanh Bình phải đau khổ để viết nên tác phẩm Tình lỡ, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào. Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”.
Lúc trai trẻ, tìm kiếm niềm vui dễ lắm, miễn thỏa mãn ý thích là happy. Đến một tuổi nào đó, cảm thấy khó khăn hơn nhiều bởi niềm vui ấy không thể tách rời đời sống xã hội, không thể đứng ngoài buồn vui của thế giới chung quanh. Lên facebook, mới biết 5g30 sáng nay có người tự thiêu trước Dinh Độc lập. Trang cá nhân của nhà báo Lam Điền (TT) có tường thuật mà anh cũng chẳng biết lý do. Đã thấy clip vụ này trên Youtube. Không có lời bình.
Chiều nay, dành thời gian tìm lại tập sách cũ. Sách nhiều, mỗi lần tìm kiếm cũng mệt. May quá, vừa tìm ra quyển sách của Phạm Duy mà Đoàn Tuấn cần đến. Cần đọc tìm hiểu âm nhạc Chăm ảnh hưởng đến nhạc Việt thế nào. Sẽ photo tặng một bản. Phạm Duy làm công tác tư liệu cực tốt. Đáng nể quá. Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy (Hiện Đại XB 1972), dày trên 200 trang. Lật ngay trang đầu tiên, có dòng chữ - ấy là thói quen y hay ghi gì đó ngay lúc mới mua sách đem về nhà: “Sức sống của nghệ thuật ở chỗ nó gắn liền với kỷ niệm trong cuộc đời mỗi người. Nghe lại một ca khúc, không chỉ là nghe - mà người ta có dịp để sống, sống lại với kỷ niệm với dĩ vãng đã xa. Những quên lãng ấy lại được âm nhạc đánh thức. Vì thế nghe một ca khúc của dĩ vãng bao giờ trong lòng ta cũng bùi ngùi… (5.1.2006). Lật vào bên trong lại thấy Thiệp mời tham dự đêm nhạc Phạm Duy ngày trở về diễn ra lúc 19g ngày 5.1.2006 tại sảnh đường Diamond (KS Sofitel Plaza Sài Gòn, 17 Lê Duẩn, Q.!, TP.HCM). Chương trình này do của Công ty Phương Nam tổ chức, và cũng là lần đầu tiên ca khúc của Phạm Duy được hát công khai trở lại, kể từ sau năm 1975 tại Việt Nam. Nếu chỉ chọn vài gương mặt tiêu biểu nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, có thể quên người này người kia nhưng không thể thiếu Phạm Duy. Nếu thiếu, chắc chắn diện mạo âm nhạc nước nhà khuyết một mảng lớn. Theo anh bạn Lưu Trọng Văn công bố trên trang mạng Motthegioi.vn, trước khi chết vài ngày, Phạm Duy nói: "Tôi nghĩ, tôi chết cũng như sống thôi, vì gia tài để lại của tôi nhiều lắm. Một trăm năm nữa,nếu người vẫn hát Tình ca với câu: "Tôi yêu tiếng nước tôi", 999 bài còn lại, người ta quên cũng được". Khi thời sự chính trị đi qua, tác phẩm nghệ thuật mới trở lại đúng vị trí vốn có. Vị trí ấy sẽ xác lập tác phẩm nghệ thuật có tồn tại với thời gian hay không.
Sáng nay, Tuấn comement trong Nhật ký 20.5.2014: “Mình vẫn ở Phan Rang, Mách Q nghe, Năm ngoái, mẹ mình nằm cấp cứu tại Bệnh viện Bách Mai, ngỡ không qua khỏi, Sau nhờ nhà thơ Đỗ Trọng Khơi bấm một quẻ Kinh Dịch, Mọi chuyện qua mau. Q thử hỏi anh Khơi xem. Chúc bạn may mắn. Kính chúc Mẹ bạn chóng bình phục”. Ngay lập tức, điện thoại ngay cho anh bạn thơ Đỗ Trọng Khơi. Anh là người khuyết tật nhưng người bình thường phải khâm phục ý chí, nghị lực của anh. Một cô gái ở Cà Mau vì quá khâm phục nên yêu anh và ra đến Thái Bình… chọn anh làm chồng! Nghe điện thoại, anh sốt sắng lắm, hỏi vài thông tin như lúc này mấy giờ, ngày âm là ngày mấy, bà cụ sinh năm nào? Khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ sau, anh điện thoại lại.
Những tình cảm này khiến y vui và cảm động.
Và chiều qua, cũng cảm động khi gặp hai lão đồng nghiệp báo TT là nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Lưu Đình Triều đã vào bệnh viện thăm mẹ y. Trước đó vợ, chồng em Chương - Bé (con cậu Bảo), em Nguyễn Văn Phú (con dì Bốn Chua) cũng vào thăm... Xúc động ghê. Dù vậy, buổi chiều qua, lúc chia tay nhau y vẫn không nhận lời ngồi đâu đó lai rai một chút với hai anh. Khi phóng xe vào bệnh viện, quái, thay vì phải xuống hầm gửi xe, tác giả Thằng láu cá cứ tênh hênh đậu xe ngay sân bệnh. Chỉ khóa cổ. Rất chủ quan. Biết đâu trong lúc lên lầu 2 bệnh viện thăm bà cụ, kẻ gian chôm mất xe thì sao? Anh Nghĩa chỉ cười cười bảo, yên tâm đi. Nghe thế, biết thế nhưng vẫn lo. Nào ngờ nửa tiếng đồng hồ sau quay lại, chiếc xe cà tàng của anh vẫn còn y nguyên. Anh giải thích, thứ nhất, do không ai biết xe của ai, người này cứ tưởng của người kia nên dù có lòng tham cũng không ai dám đụng tới. Hơn nữa, bọn xấu nhìn thấy xe "ngon ăn" quá nhưng lại nghĩ, biết đâu là xe của công an đang “câu nhử” tội phạm thì sao? Chớ dại mà va vào. Nghe anh lý giải cũng có lý. Tuy nhiên, bắt chước kiểu này phập phồng quá. Chẳng dại.
Tùy bút Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp đang sửa “bon” 2. Tính từng ngày. Gấp rút.
Thứ Sáu, cuối tuần rồi.
L.M.Q
Từng ngày lại trôi đi. Những ngày này, tạm thời từ chối các cuộc lai rai với bạn bè. Lúc điện thoại vừa rung đến nghe reng là giật mình. Chần chừ một chút. Rồi mới nghe máy. Sợ những thông tin thông báo không vui về bệnh của mẹ. Đến một độ tuổi nào đó, con người ta cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt lắm. Mọi ngày, nắng lên, đêm xuống chẳng có gì hân hoan, không còn gì chờ đợi. Sống vì cái gì? Khi đã không còn đặt ra câu hỏi này nữa, có lẽ chỉ là sự Tồn tại chứ không còn có ý nghĩa của Sống. Hành trình đi hết một kiếp phù du ảo ảnh, đôi khi con người ta rơi vào trong trạng thái đó. Sáng nay đồng nghiệp nhắn tin: “Em đang cố gắng vui mỗi ngày”. Vui mà phải cố gắng ư? Vậy có là vui? Có lẽ trên đời này, để chạm đến niềm vui lớn lao và nỗi tuyệt vọng tận cùng, chỉ có thể là tình yêu. Ngày tháng lại trôi đi. Nhìn ra ngoài cửa, thấy nắng lên rực rỡ tươi ngon là tự nhiên trong lòng lại nhen lên một niềm hy vọng. Mấy hôm nay, hy vọng bà cụ sức khỏe ổn định, mau rời khỏi bệnh viện. Về nhà. Lúc bệnh hoạn, khi đi xa lạc lõng, cô đơn vạn đặm xa tít đường dài thì ai lại không có mong ước ấy? Hy vọng. Cảm giác hy vọng luôn dễ chịu. Còn hơn, hơn rất nhiều những lúc phải tự dằn vặt, đay nghiến lấy mình mà chẳng có một nguồn cơn gì rõ rệt.
Từ phải: Lê Minh Quốc, Lê Minh Tân, mẹ đang bồng Lê Minh Tiến tại Đà Nẵng cuối thập niên 1960 - ảnh tư liệu gia đình.
Chiều chủ nhật vừa rồi dự đám cưới con gái người bạn thơ Trương Nam Hương, ngồi chung bàn với nhà thơ Văn Lê và Trần Mạnh Hảo. Câu chuyện rôm rã một lúc, bèn ngẫu nhiên hỏi, kỷ niệm nào nhớ nhất ngay sau ngày giải phóng? Không hẹn mà gặp, hai anh cùng kể lại ngày đầu tiên về lại quê nhà. Từ miền Nam về đến Ninh Bình, quê anh Văn Lê, cả hai anh thức dậy thật sớm, quyết ăn cho bằng được tô phở. Sáng đó, sướng nhá, đã bao phen bom đạn Trường Sơn ngày mơ đêm nhớ, nay ngồi trước tô phở lòng ai không rạo rực, thèm thuồng, sung sướng? Trước hết, phải cầm cái muỗng (thìa) múc một ngụm nước lèo. Phải rồi. Ăn phở đúng điệu phải thế. Tô phở ngon hay dở, chỉ một húp vài giọt nước lèo là biết ngay thôi. Phải nhấm nháp trước một chút nước lèo để tận hưởng hương vị của phở. Than ôi, vừa đưa cái thìa lên miệng, ngay lúc ấy cả hai anh thấy nước phở chảy ròng ròng xuống áo lính. Thì ra, cái thìa nào đã bị đục mấy lổ liền. Kinh ngạc quá, tại sao? Nhân viên của hàng quốc doanh trả lời tỉnh bơ: “Có làm như thế người ta mới không ăn cắp thìa!”. Nghe câu trả lời sổ sàng ấy, anh Văn Lê bỏ đũa, ngồi ôm mặt khóc nấc lên và dứt khoát không ăn nữa. Chỉ chờ có thể, mấy gã ăn mày nhảy xổm vào tranh giành ngay tô phở đó. Riêng anh Hảo thì nghiến răng mà nuốt, vì anh phải có sức để từ Ninh Bình đi bộ về Nam Định.
Sực nhớ, Từ điển Merriam-Webster vừa cập nhật vào phiên bản in và trực tuyến 150 mục từ mới vào hệ thống từ vựng, trong đó có từ pho (phở) - món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Báo TT ngày hôm qua, tác giả Quỳnh Trung- N.Xuân cho biết: “Theo thông báo trên wesbite chính thức của Merriam - Webster ngày 19-5. Theo định nghĩa của từ điển Merriam - Webster, Pho là “một món súp có nước lèo chế biến từ thịt bò hoặc thịt gà cộng với bánh làm tự bột gạo”. Trong lĩnh vực ẩm thực còn có những từ mới như turducken (gà không xương nhồi vào vịt không xương và sau đó nhồi tiếp vào gà tây), và món ăn yêu thích của Canada poutine (món khoai tây chiên kèm nước xốt nâu và sữa đông pho-mát).
Tuy nhiên, công nghệ mới là lĩnh vực có nhiều từ mới được cập nhật nhất, bao gồm những thuật ngữ phổ biến như Hashtag (chuỗi ký tự sau dấu #), tweep (người sử dụng dịch vụ gửi và nhận tin nhắn trên mạng xã hội Twitter), Crowdfunding (kêu gọi mọi lượng lớn người đóng góp tài chính, đặc biệt là cộng đồng mạng), catfish (ám chỉ người tạo tiểu sử giả trên mạng xã hội có mục đích lựa đảo), gamification (lồng ghép các trò chơi hoặc các yếu tố có thể tạo không khí vui chơi vào một cái gì đó, chẳng hạn như bài tập, để tăng sự tham gia của mọi người), và big data (một khối dữ liệu quá lớn và phức tạp để có thể được xử lý bởi các công cụ quản lý cơ sở dữ liệu truyền thống).
“Nhiều từ trong số những từ mới được cập nhật cho thấy tầm ảnh hưởng của sự kết nối mạng đối với đời sống và nghề nghiệp của chúng ta” ông Peter Sokolowski, biên tập viên nội dung của Merriam - Webster phát biểu.
“Tweep, selfie, và hashtag nói về cách chúng ta liên lạc và chia sẻ với tư cách cá nhân. Những thuật ngữ như crowdfunding, gamification, và big data cho thấy Internet đã thay đổi sâu rộng ngành kinh doanh”, Peter nói thêm.
Biên tập viên Peter dành nhiều lời chia sẻ nhất cho thuật ngữ catfish trong ngày Merriam - Webster công bố cập nhật 150 mục từ mới nhất.
Thuật ngữ catfish ra đời sau loạt phim truyền hình và tài liệu nổi tiếng cùng tên của hai đạo diễn người Mỹ Henry Joost và Ariel Schulman. Bộ phim lấy bối cảnh mạng xã hội Facebook và kể về câu chuyện tình cảm giữa anh chàng Nev và một cô gái anh gặp trên Facebook. Nev sau đó phát hiện ra tất cả những gì cô gái ấy chia sẻ trên Facebook đều là giả mạo.
“Trong 1.000 năm qua, chúng ta chưa bao giờ hình dung về một hiện tượng gọi là catfish. Xem định nghĩa của từ này trong từ điển Merriam - Webster không chỉ là niềm vinh dự của chúng ta mà còn là một sự phản ánh rằng những gì chúng ta trải nghiệm trong bộ phim có thể tạo ra một từ ngữ mang tính phổ phát và được chia sẻ bởi tất cả mọi người trên thế giới. Nó đã và đang là một hành trình phi thường. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Angela Pierce and Vince Pierce vì đã cung cấp cho chúng tôi câu chuyện nguyên gốc của catfish”, Peter kết luận”.
Sáng nay, đã đọc một loạt bài viết của ông Quách Giao - con trai nhà thơ Quách Tấn kể lại tình bạn của cha mình. Tự dưng cảm động. Có những người con, đã cố gắng tìm kiếm mọi tư liệu sau khi ba mình mất đi. Họ nâng niu, gìn giữ như báu vật. Trường hợp con gái nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Huy Thắng, Yến Lan, Quách Tấn, Bửu Kế… chẳng hạn. Tự nhiên có cảm tình với con cái của họ. Sau khi nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ mất (1909-1979), cô con gái Lê Kim Ngọc Tuyết đã đem bản thảo Tầm nguyên tự điển Việt Nam của ba mình đến nhờ cụ Vương Hồng Sển viết Tựa. Đọc sách của những người uyên bác, có thể học ở đó nhiều điều.
Nghĩ cũng lạ, khi sinh ra đời, đôi khi bị một khuyết tật gì đó, chưa hẳn đã là sự bất hạnh, thiệt hòi. Cụ Lê Ngọc Trụ thuở nhỏ bị đau lỗ tai và bị mổ mép xương tai trái, do đó, đau ốm luôn. Không thể như vui chơi như bạn bè trang lứa, cụ ngồi nhà cặm cụi với sách vở. Dù không bằng cấp gì nhưng nhiều người có bằng cấp phải gọi cụ là thầy. Cụ viết nhiều, nhưng tựu trung Tầm nguyên tự điển Việt Nam vẫn là bộ sách giá trị nhất, đến nay, chưa ai có thể vượt qua. Những con người lao động miệt mài, lặng lẽ ấy đáng kính trọng quá. Trong khi đó, lũ chúng ta tài năng chưa đựng đầy nắp nghêu, chỉ mới làm được đôi việc đã oang oang, khoa ngôn ồn ào; lại có những người chẳng làm nên tích sự gì, hễ cứ mở mồm ra là nhiếc móc người khác, chê bai này nọ. À, cái cộng đồng mạng mới gớm ghê. Lên đó, lần nào cũng đập vào mắt là những ý kiến dạy đời thiên hạ. Đôi khi những ý kiến nhận định ấy chẳng hay ho gì, cũng ngoác mồm “tuyên ngôn” ầm ĩ như thánh như tướng. Chán là thế.
Thử lược ghi vài “gạch đầu dòng” sơ lược, rất sơ lược, ngẫu hứng, nhảy cóc, không lớp lang, tuần tự gì sau khi đọc công trình của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trụ:
+ Dân tộc Việt là kết quả tạp chủng và lai lẫn với mấy dân tộc đã sinh sống trên bán đảo Đông Dương, và tiếng Việt là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng các dân tộc ấy.
+ Về phương diện nhân chủng học và phong tục học thì dân Việt Nam càng có nhiều điểm khác với người Trung Hoa. Họ nhờ chế được cây kim nên may vá, đội mũ, mặc áo quần. Người Việt Nam thì vấn khăn, đàn bà mặc váy, cũng gọi là “xống” (áo xống: tiếng xống thể do tiếng Sà - rông nói ríu mà thành).
+ Chữ “cắc bạc” viết C hay T? Cụ Trụ cho rằng: “Cắc bạc”, viết C, vì dựa vào chữ Hán: “Giác” (hào); cụ Sển bảo là T: “Giác, tôi dốt tôi không biết. Tôi biết lấy đồng bạc cũ, chặt đứt ra làm 2 thì nửa miếng ấy, gọi là “cà-rô-bi” dựa vào chữ “roupie” gốc Ấn. Rồi lấy “cà-rô-bi” chặt làm 2, 1 đồng bạc chặt làm tư, nhưng lại gọi “góc tư” tuy giá trị là 1/5, và khi chặt lần nữa được “một góc tám” tuy giá trị là mười xu. Cắt bạc 10 xu vẫn gọi “góc tám”.
+ Tiếng Hán - Việt chuyển qua tiếng Việt. Chỉ nêu 1 ví dụ:
A: 1. Lớn, tiếng tôn xưng > á (má); 2. Dựa, gần > a (chạy vào); 3. Nịnh bợ: a du a dua > dùa > hùa (theo).
A: Tiếng đáp lời người gọi mình > ơi
+ Tiếng Việt chuyển gốc Hán - Việt. Chỉ nêu 1 ví dụ:
A: Chạy đến gần, chạy a vào < a
A dua: lời nịnh bợ kẻ khác < a du
+ Tiếng mượn ở ngoại ngữ. Chỉ nêu 1 ví dụ:
A: (are, Pháp): Đơn vị diện tích dùng cho ruộng đất, bằng một trăm mét vuông
A: (bombe atomique, Pháp): Bom nguyên tử ứng dụng phản ứng tách nhân. Trái bom plutonium do Hoa Kỳ chế tạo mang danh xưng Trinity, có sức nổ 20 kt, được cho nổ thử tại sa mạc Alamogordo (miền Nam bang New Mexico) hồi 5g30 chủ nhựt 16.7.1945: quả bom A đầu tiên nầy mở đầu kỷ nguyên nguyên tử.
+ Còn tiếng “MẬT”, tiếng Phạn là madhu, có nghĩa là “ngọt ngào, êm ái”, theo từ điển Larousse du XIX 2e siècle, nên dùng chỉ “mật, đường, sữa”… và “madhura” còn có nghĩa “êm dịu”, “nước xi rô”; con ong mật gọi là madhukara… Tiếng madhu cho ra tiếng Trung Hoa cổ là “miệt”, tiếng Quảng Đông là “mạch”, tiếng Quan Thoại là “mi-í”, tiếng Mã Lai là “madu”, tiếng Nhật là “mitu”, “mitsu”. Ta đã Việt hóa tiếng Mật (Hán Việt) thành “mít” (trái mít, do tiếng Ba-la-mật), trái tươm mật, MỨT, trái cây sên với đường mật, và tiếng “mía”, loại cây sậy có chất ngọt dùng làm đường. Tiếng “mía” biến thể tiếng mi-í của Quan Thoại, thêm âm a cuối (mí+a + mía).
+ Cũng có lối suy tưởng một tiếng đồng âm mà dùng như “lãnh lương” thì “lươn lịch” gì? “Con lươn” giọng miền Nam đồng âm với “tiền lương”, và “lươn” với “lịch” cùng một loại, nên mới nói như thế. “Bậu bạn” cũng nói “bầu bạn”, trại “bầu” ra “bồ” là “bồ bạn”, đồng âm với “bồ” là cái “bị lớn” và “bồ bịch” là dụng cụ đựng thóc lúa. Theo đó, nên nói “họ là bậu bạn”, lại nói “họ là bồ bịch với nhau”.
Chà, hay quá. Có điều, ngoài “bồ bịch” ra, y biết còn có cả “bồ tèo”. Tại sao? Y chỉ mới nêu vài dụ thôi, biết làm sao hơn bởi Tòa soạn đang giục phải tìm truyện ngắn cho PNCN số tới. Công việc sát nách rồi, không thể Nhật ký nữa. Bèn nghĩ trong đầu rằng, đi qua sa mạc, chỉ nhón lấy vài hạt cát đem về, làm sao người khác có thể hình dung ra sự mênh mông của sa mạc ấy? Muốn biết biển sâu thế nào nhảy xuống đó. Muốn biết Tầm nguyên từ điển Việt Nam có giá trị thế nào hãy đọc nó. Tập sách dày 1.000 ngàn trang in, khổ 14,5x20,5 do NXB TP.HCM in năm 1993). Cần gì đọc nhiều, chỉ lai ra mỗi ngày vài trang là được.
Đọc những thông tin này, có người điên rồ tặc lưỡi rồi ngốc dại mà “phán” là lẩn thẩn, gàn bát sách. Y không nghĩ thế. Phải có tình yêu lớn dành cho tiếng Việt, người ta mới tranh luận, mày mò, tìm kiếm đến tận cùng ngữ nghĩa của nó. Viết những dòng này, cũng không ngoài mục đích tri ân cụ Lê Ngọc Trụ, qua Tầm nguyên từ điển Việt Nam, y đã vỡ ra biết bao là sự hiểu biết về tiếng Việt. Nghĩ cho cùng, chẳng có ai mất đi, nếu việc làm của họ còn có ích cho đời sau.
Chiều nay, vào bệnh viện thăm mẹ một chút. Nhìn ra ngoài cửa, thấy nắng lên rực rỡ tươi ngon là tự nhiên trong lòng lại nhen lên một niềm hy vọng. Mấy hôm nay, hy vọng bà cụ sức khỏe ổn định, mau rời khỏi bệnh viện.
Trưa rồi. Trưa nay ăn gì ta? Chẳng lẽ, sáng đã phở rồi trưa lại phở?
L.M.Q
Bà cụ Lương Thị Ân - mẹ Lê Minh Quốc, ảnh tư liệu gia đình (1968)
Đêm qua, y vẫn chăn êm nệm ấm. Vẫn máy lạnh. Vẫn đọc sách. Vẫn ngủ ngon lành cùng giấc mộng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Trong khi đó, anh của y vẫn trực bệnh viện chăm sóc mẹ. Nằm vật vờ đâu đó. Cả trăm con người nuôi bệnh chen chúc nhau trên một khoảng sân chật hẹp, khoảng trống phía sau của hai dãy nhà. Khoảng sân đó, ngay giữa có một am thờ Phật. Ngọn đèn le lói. Nhang khói nghi ngút. Tất cả gợn lên một không khí u ám, nặng nề. Những dáng ngồi mệt mỏi. Thở ngắn ngáp dài. Những kiểu nằm vật vạ miễn thẳng được nửa cái lưng đã là may. Nằm co ro trên băng ghế đá. Nằm nghiêng theo dọc hành lang. Nằm gối đầu dưới chân người khác. Nằm dài ngoài bãi cỏ. Muỗi mòng bay vo ve. Có tiếng khóc thầm, có tiếng đập muỗi, có lời thở than. Âm âm u u. Buồn bã. Chắc chắn đi nuôi người bệnh chẳng ai có thể chợp mắt. Trằn trọc. Lo lắng. Hy vọng. Và vì thế, họ chấp nhận qua đêm ở sân bệnh viện. Trong khi đó, người bệnh cũng chẳng gì hơn. Cũng có người nằm ngoài hành lang của phòng bệnh; hoặc hai, ba người chung một giường nằm. Mỗi lần vào đó, cảm thấy mệt mỏi ghê gớm.
Sáng nay, từ phòng chăm sóc đặc biệt, mẹ y đã chuyển lên Khoa nội tiêu hóa, lầu 2, phòng 311 của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Trên đường đi, bà cụ thì thào làm nũng: “Mẹ không muốn mổ”. Ô hay, bác sĩ có bảo mổ đâu? Có lẽ bà cụ ám ảnh nhớ lại ông ngoại, cậu và ba của y, sau khi mổ, chẳng giải quyết được gì mà kết thúc cuộc đời. Phải dỗ mãi, bà cụ mới yên tâm. Lúc bệnh, chịu đựng nhọc nhằn đớn đau, ai cũng muốn chết quách đi cho rồi; thế nhưng, lúc ấy cũng khao khát sống ghê gớm. Thi sĩ La Fontaine có bài thơ Tiều phu và thần chết, do khốn cùng cơm áo, nợ nần eo sèo, phu phen tạp dịch, lão tiều phu gọi Thần chết đến. Cầu được ước thấy. Lúc ấy, nhìn thấy Thần chết đột nhiên lão đâm ra hoảng sợ:
Cái chết đến chữa lành tất cả
Nhưng chúng ta không nhích chỗ ngồi
Thà khổ nữa còn hơn chết mất
Đó châm ngôn của những con người
(Xuân Diệu dịch).
Vẫn biết thế, nhưng lúc bệnh được nằm thông thoáng một chút thì đỡ khổ biết bao. Theo kế hoạch chuyển phòng, mẹ y phải nằm chung giường với… hai người khác nữa. Choáng quá. Định gọi điện thoại nhờ các anh bác sĩ can thiệp giúp. Nhưng lại thôi. Bệnh nhân đông quá, ai ai cũng thế. Bệnh nhân nào lại không ao ước được nằm một giường? Giải quyết rốt ráo việc này phải là chiến lược lâu dài của Bộ Y tế. Một tập thể bác sĩ, y sĩ, hộ lý hết lòng vì bệnh nhân "lương y như từ mẫu" mà những ngày qua y đã chứng kiến không thể giải quyết nổi việc này. Họ có trách nhiệm, làm hết trách nhiệm chuyên môn bởi sự thôi thúc của tình người, của lương tâm đã là quý, là đáng biểu dương lắm rồi.
Trrường hợp của mẹ y thì sao? Chẳng lẽ bà cụ nằm một giường, còn đồng bệnh phải trải chiếu ngoài hành lang; hoặc nằm dưới gầm giường? Chẳng đành lòng. May quá, sau khi trao đổi với cô hộ lý về trường hợp bà cụ, cô đã làm “công tác tư tưởng” với hai bệnh nhân kia. Họ vui vẽ “nhường” giường, đơn giản, họ trẻ hơn và bệnh nhẹ hơn bà cụ. Cảm động lắm. Tình người lúc này sao đáng quý, đáng yêu đến thế. Cứ theo Chứng minh nhân dân do Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng cấp ngày 28.4.1978, mẹ y sinh năm 1927, nguyên quán Quảng Quế, Đại Lộc (Quảng Nam - Đà Nẵng). Nếu đúng, khi cụ Phan Châu Trinh từ trần 1 năm thì bà cụ ra đời, nhỏ hơn các ông Sơn Nam, Bùi Giáng… 1 tuổi. Các ông bạn vong niên ấy đã về "cõi trên" từ lâu, như vậy, bà cụ thượng thọ vẫn còn ở lại trần thế.
Năm 1927 có sự kiện gì quan trọng? Thì đây:
Tháng Giêng 1927: Lần đầu tiên xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu (Trung Quốc);
13.6.1927: Cụ Lương Văn Can từ trần;
13.6: Đảng Việt Nam độc lập thành lập tại Pháp, cơ quan ngôn luận là tờ Việt Nam hồn, Nguyễn Thế Truyền chủ tịch. Về sau, ông Truyền có ra tranh cử Tổng thống tại miền Nam Việt Nam Cộng hòa nhưng thất bại. Nhà văn Nguyễn Khải có viết về cuộc đời ông Nguyễn Thế Truyền. Hay lắm.
10.8: Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng phát hành số đầu tiên, tờ báo có tuổi thọ nhất tại Trung kỳ trước 1945;
20.8: Xung đột dữ dội giữa người Việt và Hoa kiều tại Hải Phòng, 15 người chết. 60 người bị thương, 201 người bị bắt;
4.10: Tổng thống Pháp ra sắc lệnh về chế độ báo chí lưu hành tại các xứ bảo hộ và thuộc địa, từ đây mọi tờ báo (trừ báo tiếng Pháp) phải có giấy phép mới được xuất bản; chi tiết này góp phần giải thích vì sao trước 1945, nhiều tờ báo tiếng Pháp do người Việt chủ trương. Vì có thể lách được chế độ kiểm duyệt và không phải xin phép nhà cầm quyền. Đọc hồi ký của nhà văn Nguyễn Vỹ, ta thấy rõ, thời đó làm báo cứ như “giỡn chơi”, chỉ vài ba người hùn vốn, nếu nợ nhà in càng tốt, chỉ trong một đêm họ có thể ra tờ báo bằng tiếng Pháp phát hành công khai. Muốn tìm hiểu thêm, xin đọc Kỷ niệm văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ (NXB Hội Nhà văn tái bản - 1994);
23.10.1927: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lập ra bằng Tú tài bản xứ, nói thêm chơi, cái bằng Tú tài này còn tồn tại dài dài, ai lại không nhớ “Rớt Tú tài anh đi Trung sĩ / Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con…”?;
10.12: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy;
25.12: Thành lập Việt Nam Quốc dân đảng, hạt nhân của Đảng này là Nam Đồng thư xã…Câu nói để đời của anh hùng Nguyễn Thái Học là "Không thành công cũng thành nhân".
Lướt qua đôi dòng để thấy rằng, mẹ y đã già rồi, bà cụ sinh năm 1927 nên ưu tiên được nằm một giường trong bệnh viện, chẳng ai phân bì gì. Ôi! Xứ sở lạ lùng, điều hiển nhiên ấy mà cứ ngỡ như một ưu tiên gì ghê gớm lắm. Mà chưa đâu, có vào Bệnh viên Ung bướu Nguyễn Văn Học mới thấy kinh khiếp, day dứt, đau xót hơn nhiều. Muốn hiểu hết sự xót xa thân phận cỏ hèn, dân đen cùng đinh, khố rách áo ôm của “thập loại chúng sinh”, không hình ảnh “trực quan sinh động” nào bằng tận mắt nhìn, đi thực tế tại các bệnh viện. Thôi thì, hãy tin quanh ta vẫn còn có nhiều, rất nhiều những thầy thuốc "thương người như thể thương thân"; vẫn còn có nhiều tấm lòng yêu thương của con người dành cho những cảnh ngộ bệnh tật, đói nghèo, bất hạnh... Đừng quên, dù bất kỳ thời đại nào, quốc gia nào, dân tộc nào khi non sông đất nước đứng trước nguy cơ ngoại xâm thì "thập loại chúng sinh" ấy luôn là lực lượng đi đầu. Đứng đầu tại các chiến lũy. Ngã xuống đầu tiên bảo vệ "tấc đất, ngọn rau, ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta" (Nguyễn Đình Chiểu)... Rồi khi quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, qua tấm gương phản chiếu của lịch sử, chỉ một số ít lưu lại tên tuổi, còn hầu hết chỉ được ghi nhận Vô Danh. Chao ôi, nền móng của quốc gia nào lại không khởi đầu từ sự Vô Danh thiêng liêng ấy? Sự tồn vong của đất nước nào lại không có xương máu của "thập loại chúng sinh"?
Sáng này, lướt báo, đập vào mắt cái tin to đùng Đột kích nhà hàng tổ chức cho nữ tiếp viên bán dâm (TT), Đột kích 'ổ' ăn chơi trác táng giữa trung tâm thành phố (TN)… Tự dưng có cảm giác như đang đọc chuyện hài hước. Tại sao? Chẳng hiểu tại sao. Nàng bảo, anh à, có lẽ sự trong sáng của anh đang mất dần, tâm hồn anh đang chai sạn dần… Ngẫm lại thấy đúng. Những thông tin về cái xấu như giết người, hãm hiếp, tham nhũng, hối lộ, loạn luân, lầu xanh, ma túy, tai nạn giao thông, rút ruột công trình, cầu sập, tống tiền, bắt cóc... ngày càng kinh khiếp, khiếp đảm hơn nhiều, dù không dám nghĩ đến nhưng vẫn đang nhan nhản trên mặt báo, ngoài xã hội... riết rồi, thiên hạ lại thấy bình thường. Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên, phải lên án. Khi tiếp nhận cái xấu, tiêu cực như một điều bình thường há chẳng phải đáng âu lo, đáng báo động đó sao? Trong khi đó, một người bệnh tất nhiên phải được nằm một giường bệnh, vậy mà điều bình thường này lại là sự bất thường. Ôi! Xứ sở lạ lùng.
L.M.Q
Quái quỷ ngày chủ nhật. Sáng hôm qua, từ sáng sớm đã nhận được tin nhắn của anh Lưu Đình Triều hẹn lai rai buổi trưa. Tất nhiên không thể. Giây lát sau lại nhận điện thoại của Trương Nam Hương, rồi Nguyễn Trọng rủ rê bia bọt. Tất nhiên không thể. Kế tiếp anh Mỹ Lửa Việt cũng có lời mời nữa. Tất nhiên không thể. Chao, ngày chủ nhật biết bao việc phải làm. Nếu thong thả ngồi đâu đó “chém gió”, hay quá nhưng làm sao có thể? Cứ tưởng như mọi chủ nhật khác, mở mắt dậy là nhà cửa sạch sẽ, mẹ đã đi chợ, rồi về nằm xem truyền hình… Và y? Y chỉ việc ngồi vi tính viết nhì nhằng như thường lệ.
Nào ngờ sáng qua, bà cụ ốm sốt phải vào bệnh viện. Bác sĩ Bệnh viên Phú Nhuận đã truyền hai bình nước biển. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ cho biết nhiễm trùng đường ruột, do đó, ăn gì vào cũng nôn ọe. Nửa khuya, họ lại chuyển bà cụ lên Bệnh viện Gia Định, phòng cấp cứu đặc biệt. Anh ruột y ngủ lại bệnh viện trông nom mẹ. Y thì sao? Vẫn chăn êm nệm ấm. Thế đấy! Mẹ đi vắng một ngày, vậy mà mọi việc trong nhà rối tinh lên. Sử dụng máy giặt: không biết; gạo, mắm, muối ở đâu: không biết; bơm nước thế nào: không biết… Chẳng biết gì cả, bởi lâu nay, có bao giờ y để mắt đến việc nhà đâu. Thế đấy!
Trên đời, sinh ra con vừa hạnh phúc thiêng liêng cũng vừa nỗi khổ. Mẹ thương con, lo lắng, chắt chiu từng ly từng tí, những mong con ăn ngon, ngủ yên và chóng lớn. Thế nhưng, khi mẹ già đau ốm, cần một chút chăm sóc chưa hẵn lúc nào cũng có con bên cạnh. Mẹ y đã già, lại bệnh, chẳng thể biết thời gian ngắn hay dài. “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con rày mồ côi”. Giây phút ấy, rồi ai ai cũng phải đối diện và chấp nhận một sự thật, dù đã biết trước nhưng không khỏi bất ngờ, hụt hẩng…
Khi mất mẹ, có nghĩa mãi mãi từ rày không bao giờ ta còn có một chỗ dựa yêu thương vững chãi nhất, yên tâm nhất, an toàn nhất, tin cậy nhất. Khi mất mẹ, có nghĩa mãi mãi từ nay một phần máu thịt thiêng liêng tạo dựng nên hình hài của ta vĩnh viễn đã mất.
Mẹ y hiền lắm, càng về già càng như trẻ thơ. Chẳng bao giờ đòi hỏi bất kỳ một điều gì. Nhưng lại hay làm nũng, vì thế biết dỗ dành, nói ngọt là được. Khi bạn bè của con đến chơi nhà, lập tức bà cụ mặc quần áo sạch sẽ, tinh tươm dù đang ở trong phòng riêng, con cái muốn làm gì mặc kệ. Sau mọi việc ồn ào náo nhiệt ấy, lại lặng lẽ dọn dẹp mọi thứ ngỗn ngang như bãi chiến trường, không một lời cằn nhằn. Con đi chơi về khuya, khẽ khàng mở cửa, nghe tiếng động là vang lên giọng ngái ngủ: “Q về hả con”. Nghe nhói lòng. Chỉ chờ nghe tiếng trả lời rồi không hỏi gì thêm. Cho đến cuối đời, y chắc chắn sẽ không bao giờ quên được hình ảnh, giọng nói trìu mến: “Có đi đâu không, mẹ nấu cơm?”. Chỉ chờ câu trả lời, rồi lặng lẽ bước xuống nhà. “Ở nhà, nhất mẹ nhì con”. Câu ấy chưa hẵn đúng. Trong nhà, con là nhất. Người mẹ nào cũng quên mình đi, chỉ là cái bóng mờ phía sau. Rồi đến khi mẹ ốm, mẹ mất mới biết cái bóng mờ ấy vĩ đại, lớn lao biết dường nào. Mãi mãi trong đời, không bao giờ ta có thể tìm gặp lại lần nữa. Ô hay, vậy những người có vợ thì sao? Có những người do hàng hàng lớp lớp kiếp trước đã dày công tu luyện, tu tâm tích đức, ăn chay niệm Phật, xây cầu làm đường nên kiếp này mới có thể chọn được người đầu ấp tay gối như ý nguyện. Quả thật, có những người vợ đã lo lắng chồng con trong vai trò người mẹ. Đó là sự may mắn nhất, hạnh phúc nhất có thật trong đời mà con người có thể có được.
Y là kẻ vụng tu.
Đã vụng tu lại còn ăn thịt chó thì than trách ai nữa? Chẳng trách gì, chỉ biết rằng, y vẫn còn có mẹ.
Những ngày này, lại viết. Viết để kiếm sống bởi ngoài ra y không hề có bất kỳ một thu nhập nào khác. Do đó, y luôn cần mẫn, siêng năng “cày sâu cuốc bẫm”. Nghề viết báo cũng như mọi nghề khác, cần chữ tín. Đúng thời hạn giao bài. Bài báo sáng nay, có thể gây chấn động hàng triệu người nhưng qua ngày sau mới đăng, có thể chỉ là giẻ rách. Thời làm TKTS, y đặt bài nhiều tên tuổi và rất ghét những người sai hẹn. Cần là cần trong lúc đó, nếu trễ thì chẳng việc gì phải cần nữa. Thời sự qua nhanh. Viết cần nhanh, đúng hẹn. Đừng lười biếng, dù bài viết chỉ nhuận bút chỉ trên dưới một triệu, vài trăm ngàn nhưng y không đổi thời gian đó lấy cuộc nhậu hoành tráng do bạn bè, khách khứa chiêu đãi, mời mọc. Người ta mời vài lần, còn mình kiếm sống thường xuyên thì phải lựa chọn thế nào? Được cái may, y viết nhanh, viết đề tài gì cũng “sạch nước cản”, chẳng câu nệ gì, anh em mời là viết giúp. Miễn là nhuận bút trả sao coi cho được.
Hôm sinh nhật anh B, nhậu xong Trần Hoàng Nhân bảo, tối nay lại về phải “cày” anh ơi. Tự nhiên hỏi: “Ngày nào cũng thế à”. Nhân bảo, dạ “đến hẹn lại lên” anh ơi. Nghe thế bèn có lời khen. Nghề nào cũng thế, thôi thì, đã nhận lời cộng tác của báo nào thì cố gắng chu toàn công việc. Dù hôm ấy có bận bịu đến mấy cũng phải cố gắng đúng hẹn. Phải vậy thôi, sống bằng nghề mà nghề không nuôi nổi tấm thân, phải bám víu vợ con thì nào phải giỏi nghề. Khi còn trẻ, còn sức viết thiên hạ mới đặt bài, săn đón; sau này, mắt mờ, chân run, thở không ra hơi thì ma nó thèm đến. Cũng tựa ca sĩ, lúc nhan sắc đã tuột dốc, giọng ca bắt đầu ú ớ thì hát hò gì nữa? Có leo lên sân khấu thì vẫn tiếng vỗ tay bis bis, chẳng phải hoan hô gì đâu mà mời bước xuống cho nhanh.
Mấy hôm nay, đọc kỹ quyển Tầm nguyên tự điển Việt Nam của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ. Nếu lúc vào đại học, được đọc tập sách giá trị này, chắc chắn y đã xin theo học Khoa Ngôn ngữ. Bây giờ đã muộn. Biết thế, đọc cũng là học đó thôi. Nhật ký sau sẽ dành trọn ghi lại vài cảm nhận về quyển sách quý này. Và nữa, nếu lúc vào đại học, được đọc Đại Việt sử ký toàn thư, chắc chắn y đã xin theo Khoa Sử. Bây giờ đã muộn. Biết thế, đọc cũng là học đó thôi.
Dài dòng một chút, lan man thêm một chút để thấy rằng, ngay từ lúc vào đời nếu đứa trẻ nào cũng được định hướng chu đáo. Sự định hướng quan trọng ấy từ đâu? Tất nhiên vẫn từ nhiều hướng nhưng từ gia đình vẫn quan trọng hơn chứ? Đọc tập Hồi ký Tâm Siđa, từ cuộc đời thật dữ dội của mình, chị đã rút ra 5 nguyên nhân dẫn đến trẻ em lang thang đường phố:
“Một là: Cha, mẹ nuông chiều con quá mức. Họ không nhận ra con mình đang dần có những thay đổi bất thường: kết bạn xấu, đua đòi, ăn chơi trác táng... tất cả đều để chứng tỏ với bạn bè rằng mình là con cưng của gia đình, muốn gì được nấy và có quyền xài tiền như nước.
Hai là: Cha, mẹ lo làm giàu và cho con mình xài tiền quá sớm. Họ cho tiền mà không cần biết con sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Đa phần họ cho rằng, trước đây gia đình khó khăn, con cái thiệt thòi, vì thế khi có của ăn của để, họ cần tạo mọi điều kiện để con cái không bị thua kém bạn bè. Có nhiều tiền một cách dễ dàng, trẻ nhanh chóng rơi vào con đường xấu, tụ tập hút chích ma túy… Đến khi cha mẹ phát hiện ra thì quá muộn!
Ba là: Chính cha, mẹ có cuộc sống ăn chơi buông thả. Bày ra trước cặp mắt ngây thơ của con cái họ là những cảnh rượu chè, cờ bạc, trai gái, đĩ điếm... Cuộc sống của họ là “tấm gương” để con cái họ bắt chước làm theo, thậm chí chính họ còn hướng con cái theo lối sống của họ - một lối sống bệ rạc, thích tiêu xài và lười lao động.
Bốn là: Cha, mẹ hành nghề bất chính. Người ta gọi đó là nghề “cha truyền con nối”. Những “nghề” buôn bán ma túy, chứa mại dâm… của cha mẹ được “truyền” lại cho con cháu họ một cách cố ý, hoặc giả không muốn thì cũng khó tránh việc chúng học theo bởi “gương treo trước mắt”. Tôi từng tiếp cận một gia đình trong khu vực “Cây da xà”, Quận 6. Cả nhà toàn làm chủ chứa mại dâm: từ cha, mẹ đến con trai, con dâu, con gái, con rể… tất cả đều “nổi danh” trong lĩnh vực này. Những người dân bình thường sống gần đều dè chừng gia đình họ. Không ai dám đụng chạm vì sợ vạ lây.
Năm là: Cha, mẹ ly hôn. Cha và mẹ lo tìm hạnh phúc riêng, mạnh ai nấy sống, con cái mất điểm tựa. Mái ấm gia đình không còn chính là nguyên nhân đẩy các em ra đường phố. Các em lấy vỉa hè làm nhà; làm bạn với những đứa trẻ giống mình; “cha mẹ” là ma cô, chủ chứa; “nghề nghiệp” là trộm cướp, mại dâm... Vào tù ra khám là chuyện bình thường. Và càng vào tù ra khám, các em càng lọc lõi hơn, nhiều mánh khóe hơn để tồn tại trong cuộc sống nơi vỉa hè, đường phố”.
Những nguyên nhân này, đọc kỹ, thấy thuyết phục quá bèn ghi lại trong Nhật ký vậy. Nhật ký của y là ghi lan man những gì đã thoáng qua trong đầu, nghĩ đến đâu ghi đến đó, chẳng phải lớp lang, sắp xếp theo đúng chủ đề đang viết. Cần gì. Vậy sáng nay cần gì? Vào Bệnh viện Gia Định thăm mẹ một chút, để xem sức khỏe bà cụ thế nào.
Mọi việc sẽ ổn thôi.
L.M.Q
Nhà báo Hà Đình Nguyên chụp tại Bảo tàng Quang Trung ở Quy Nhơn (16.5.2014)
Cuộc chiến chống Trung Quốc đang đến hồi quyết liệt. Trên các trang mạng xã hội đã có nhiều hình ảnh, ý kiến phát biểu sôi nổi. Điều âu lo nhất vẫn là các cuộc biểu tình có tính chất bạo động, hôi của của công nhân tại khu chế xuất các địa phương Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh… Theo tường thuật từ TNO sáng nay: “Kẻ xấu dụ dỗ, trả tiền cho công nhân đi tuần hành gây rối…”; “Đáng chú ý, chúng còn thuê cả đối tượng đầu gấu xăm trổ đầy mình đi biểu tình với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có tổ chức. Hầu hết được xác định không phải là công nhân ở các nhà máy. Ngoài photo bản đồ các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, các đối tượng này còn sử dụng xe máy và bộ đàm liên lạc. Đồ nghề mang theo còn có dao, kiếm và bom xăng để đốt công ty.Ở Bình Dương hiện đã bắt trên 800 người và phân loại trên 300 người có thể bị khởi tố. Tại KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) có 2 nhóm công nhân xô xát, có 1 người chết và 149 người bị thương. Ngày 15.5, Cơ quan cảnh sát điều tra Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án và tạm giam 76 người. Trong sáng nay, tuần hành đã lan ra các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang”.
Ai đứng sau giật dây, kích động? Vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ phía Nhà nước. Dù là ai, tổ chức nào đi nữa, người lương thiện vẫn không thể chấp nhận. Đánh nhau với Trung Quốc, người Việt chân chính không thể hiện thói lưu manh, hạ sách ấy. Lòng nhân của người Việt lớn lắm. Đừng quên, sau mười năm năm gai nếm mật đánh bọn nhà Minh, khi chúng thua trận, bị đánh tan tác không còn manh giáp phải cút về nước: “Bấy giờ có người xui vương (Lê Lợi) rằng: lúc trước người Minh tàn ác lắm, nên đem giết cả đi. Vương nói rằng: “Phục thù báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng cái bản tâm người có nhân không muốn giết người bao giờ. Vả người ta đã hàng mà lại còn giết thì không hay. Nếu mình muốn thỏa cơn giận một lúc, mà chịu cái tiếng muôn đời giết kẻ hàng, thì sao bằng để cho muôn vạn con người sống mà khỏi được cái mối tranh chiến về đời sau, lại để tiếng thơm lưu truyền thiên cổ trong sử xanh”. Vương không giết người Minh lại cấp cho thủy quân 500 chiếc thuyền giao cho Phương Chính và Mã Kỳ quản-lĩnh; cấp lương-thảo cho lục-quân giao cho Sơn Thọ, Hoàng Phúc quản lĩnh; còn 2 vạn người đã ra hàng và đã bị bắt thì giao cho Mã Anh quản-lĩnh đem về Tàu. Vương Thông thì lĩnh bộ binh đi sau. Bình định vương tiễn biệt rất hậu ( Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược). Khi Toa Đô bị chém đầu, vua Trần Nhân Tông cởi áo ngự bào đắp vào đầu Toa Đô, sai quan dùng lễ mai táng cho tử tế v.v…
Chống bành trướng Trung Quốc hàng ngàn năm nay dân tộc Đại Việt đã chống và đã chiến thắng. Thắng bởi có chính nghĩa. Ngay cả thi hào Đỗ Phủ cũng phê phán nhà cầm quyền Trung Quốc:
Vua đã nhiều đất đai
Mở cõi chi lắm thế?
…
Biên đình máu chảy thành biển đỏ
Mở cõi nhà vua chưa ý bỏ
Mấy hôm nay suy nghĩ với một câu hỏi, đã trao đổi với vài tiến sĩ sử học, nhà nghiên cứu biển Đông nhưng vẫn chưa hài lòng, đại khái: Tạo nên sức mạnh của một dân tộc, không thể tách rời nội lực văn hoá của dân tộc đó. Trung Quốc là một nước đã xây dựng được nền văn hoá - một trong những nền văn hóa lớn của nhân loại, thế nhưng tại sao từ ngàn năm qua họ luôn có âm mưu bành trướng, thôn tính các nước khác? Lúc sang Kampuchia, đã nghĩ: Tại sao đất nước Chùa Tháp rất mộ đạo,đi đến đâu cũng thấy chùa chiền, sư sãi nhưng tại sao lại sinh ra những tên đồ tể khát máu như Pol Pot, Khieu Samphan, Ieng Sary? Trái khoáy quá. Giải thích ra làm sao?
Cuộc chiến với Trung Quốc còn dài. Đời con cháu chúng ta lại tiếp tục. Dã tâm của Minh Thành Tổ vẫn như mới hôm qua: “Một khi vào nước Nam, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại sách ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ…, một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp nơi trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng lên từ xưa thì phải giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ cũng chớ để lại”. Âm mưu đồng hóa về văn hóa của Trung Quốc đã thất bại. Chắc chắn còn thất bại.
Ngàn đời nay, tính cách của dân tộc Việt cũng kỳ lạ: Khi hòa bình, đất nước sạch bóng quân thù thì nội bộ lại cấu xé nhau, hãm hại nhau, chia rẽ nhau, nghi kỵ nhau... Thế nhưng khi đứng trước nguy cơ ngoại xâm, mỗi một người lại tự giác tạm gác mọi tị hiềm, bè phái để tập trung sức mạnh chống kẻ thù chung. Giai đoạn khốc liệt nhất của sự nghi kỵ, ly tán nhân tâm, chia rẽ nội bộ của dân tộc Việt là thời kỳ nào? Cuối đời nhà Hồ chăng? Mùa hạ năm 1399, sau vụ Trần Khát Chân thất bại trong âm mưu giết Hồ Quý Ly, theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt. Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu, không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ, thì phải báo nhà láng giềng, cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lý, lý do đi qua để làm chứng cứ bảo lĩnh. Các xã đều đặt điểm tuần, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa”.
Thế nhưng sau khi đất nước mất vào tay nhà Minh, lòng dân thế nào? Tất cả lại trở thành một khối. Đồng lòng dứng dưới ngọn cờ Bình Định vương Lê Lợi. Nhưng sau khi đánh đuổi ngoại xâm, nội bộ triều Lê thế nào? Sử đã chép. Không nhắc lại. Chỉ biết rằng, chắc chắn đó là hạn chế của người Việt. Đọc thơ chống Trung Quốc xâm lược, há nào lại thể quên lời tự thú của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu:
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
(Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng
Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa).
Mấy câu thơ này đã khái quát nỗi sợ hãi của Trung Quốc khi xâm lược nước Đại Việt. Có điều, lòng yêu nước, sức chiến đấu của một dân tộc không thể không bồi dưỡng, giáo dục từ đời này qua đời nọ. Nếu không, sử đã cho biết, đời nhà Trần oanh liệt là thế, lòng dân oai hùng là thế, đoàn kết là thế nhưng cuối nhà Trần từ vua đến dân lại ươn hèn tột cùng. Ngay cả dân tộc phía Nam từng triều cống cũng dám đem quân áp sát kinh thành Thăng Long. Cả nước rúng động. Lúc vua tiễn tiễn tướng ra trận lại bịn rịn khóc lóc như tiễn Kinh Kha sang Tần: “Khát Chân vâng mệnh, khảng khái nhỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Thượng hoàng cũng khóc, lấy mắt tiễn đưa”. Sự yếu hèn của cả dân tộc cuối đời nhà Trần là do đâu? Vì sao?
Trước đây khi viết truyện tranh lịch sử cho Đông A, đã đọc kỹ lại Đại Việt sử ký toàn thư và vài sử liệu khác, có vài ghi chép liên quan đến âm mưu chiếm đất của Trung Quốc. Nay ghi lại vài gạch đầu dòng từ năm 938 - năm anh hùng Ngô Quyền đánh thắng thắng quân Nam Hán trên Bạch Đằng đến năm 1945 - như một gợi ý cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn.
Năm 1060: Quân Tống lấn đất nhưng không được.
Năm 1078: Vua nhà Lý sai Đào Tống Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi trắng và xin trả lại 2 châu Quảng Nguyên, Tô Mậu và dân hai châu ấy bị bắt.
Năm 1081: Nhà Tống trả lại ta châu Quảng Nguyên; bù lại, ta trả nhà Tống dân và binh lính bị bắt ở ba châu Ung, Khâm, Liêm. Người Tống có thơ: “Vì tham voi Giao Chỉ / Bõ mất vàng Quảng Nguyên).
Năm 1084: Lê Văn Thịnh đòi lại các động Vật Dương, Vật Ác.
Năm 1405: Nhà Minh sai sứ sang đòi cắt đất Lộc Châu ở Lạng Sơn. Hoàng Hối Khanh đem 59 thôn giao cho nhà Minh, sau bị Hồ Quý Ly mắng thậm tệ vì giao quá nhiều đất.
Năm 1688: Thổ ti nhà Thanh vùng Vân Nam chiếm các động thuộc ba châu Vị Xuyên, Bảo lạc, Thủy Vĩ và đặt tuần ty thu thuế buôn bán.
Năm 1689: Đoàn Tuấn Khoa đi “hội khám” biên giới đòi lại đất. Sau nhà Thanh lại tìm cách lấn đất. Năm 1697: Nguyễn Đăng Đạo, Đặng Đình Tướng… đem quốc thư đòi nhà Thanh trả 3 động ở Tuyên Quang nhưng không được.
1726: Đinh An cùng “hội khám” với sứ nhà Thanh xác lập giới mốc ở núi Xưởng Chi; nhà Thanh phải trả lại 80 dặm đất xâm lấn nhưng vẫn không trả lại vùng mỏ đồng.
1728: Sau nhiều lần tranh luận, nhà Thanh trả vua Lê mỏ đồng Tụ Long. Nguyễn Huy Nhận và Nguyễn Công Thái đi dựng bia mốc biên giới.
Năm 1777: Nhà Thanh lại chiếm thêm 4 châu của ta, Trịnh Sâm viết thư đòi lại.
Năm 1804: Nhà Thanh lấn biên giới vùng Hưng Hóa, bị châu trưởng Đào Quốc Uy đánh tan.
Năm 1894: Triều đình Mãn Thanh thỏa thuận với Pháp vạch đường biên giới Việt-Trung.
Bây giờ, chúng ta lại viết tiếp:
Ngày 19.1.1974: Hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc. Sau trận chiến, quần đảo Hoàng Sa - một bộ phận thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm giữ.
Ngày 1.5.2014: Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Rồi sẽ viết thêm những gì nữa?
Mấy hôm nay, chấm thi cho Hội thi Bình thơ học Bác do Quận ủy Q.1 tổ chức. Cả thẩy có 33 đội tham dự. Chỉ nghe ngâm thơ, bình thơ. Bài thơ Lời mẹ dặn của y, nhạc sĩ Hoàng Tuyên - Chi Hội Âm Nhạc - Hội VHNT Long An đã phổ nhạc. Anh đang tập cho các bạn thanh niên hát để có thể đồng ca khi tuần hành biểu thị lòng yêu nước. Sáng nay, đọc tin này vui từ báo TT, sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã ra tận Trường Sa: “Đại tá Nguyễn Hải Triều - đại diện Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam - đã tiếp nhận số sách trên và cho biết sẽ chuyển đến các em thiếu nhi đang sinh sống ở Trường Sa, bổ sung vào số sách của các nhà văn hóa, thư viện tại huyện đảo Trường Sa”. Như đã nói ở Nhật ký 14.5.2014, mỗi người đều có cách biểu thị lòng yêu nước. Hà cớ gì phải buộc họ phải giống mình? Nếu không làm theo thì bảo không yêu nước?
Chiều qua, lai rai với nàng ở Refinery. Rượu đỏ. Ngắm nắng chiều. Chiều nay, sinh nhật anh B. Cũng lai rai ở quán nọ trên sân thượng. Lại thêm đám cưới của con gái bạn thơ T.N.H; cùng thời gian đó, lại có lời mời của Hội Liên hiệp VHNT TP.HCM đến Nhà hát lớn tham dự chương trình thơ chống Trung Quốc. Biết thế nào được. Thôi thì, tha hồ bia bọt nhé.
L.M.Q
Y tệ quá. Đã có một thời gian dài, từ lúc bắt đầu viết kịch bản Sống cùng lịch sử đến khi lên Điện Biên chọn cảnh quay v.v.. Đoàn Tuấn đều báo tin, chia sẻ cảm hứng. Lúc ấy, y ngoác mồm “hồ hởi phấn khởi” động viên bạn mình. Hứa chắc như đinh đóng cột, như rựa chém tre, như dao chém chuối là sẽ đi xem ngay xuất chiếu đầu tiên. Nói ngon lành quá. Đến lúc Sống cùng lịch sử chiếu tại fafilm, y lần chần, lần hồi, lần lữa mãi. Một phần do lười, do ngại vào rạp chiếu phim; một phần do xuất chiếu chỉ diễn ra vào lúc 20g mỗi ngày. Giờ đó, nếu đi nhậu, đã say. Nếu về nhà, lại ngại xuống phố.
Đêm qua hạ quyết tâm làm người bạn tốt, từ chối lời rủ rê ăn nhậu của nhà văn Lê Văn Nghĩa, hiên ngang bỏ ra 50 ngàn đồng mua vé, đi đúng giờ, ăn mặc chỉnh chu, sạch sẽ. Đến fafilm. Vâng, phải đến fafilm xem phim của bạn mình. Không nói ngoa. Có nàng làm chứng. Lần này, Tuấn đừng hòng có cơ hội nhắc nhở y phải đi xem phim nữa nhá. Nghĩ thế, lòng vui.
Sau khi mua vé, đẩy cánh cửa rạp, kéo các màn nhung ra, đưa cái mặt nhìn vào trong rạp. Y đã thấy gì? Hoàn toàn không một mống người. Chỉ có ghế và ghế. Không gian im ắng đến lạnh người. Thời gian tích tắc trôi qua. Bốn bề im lặng. Tự nhiên lại thấy sờ sợ. Vẫn ngồi xuống ghế. Không gian lặng thinh. Bỗng thót người nghe tiếng động. Giật mình ngoảnh lại đằng sau. Thấy một thiếu nữ đột ngột xuất hiện. Cô ta đứng yên. Nhìn y chăm chăm. Không nói, không cười. Y hơi run. Ai vậy ta? Người thật hay ảo ảnh? Tim đập thình thịch. Chẳng lẽ đứng dậy rồi co chân chạy tuốt ra ngoài? Không, y tự nhủ cố gắng hít thở thật sâu. Đừng sợ. Mở to mắt nhìn cô ta. Cả hai nhìn vào mắt nhau, chẳng ai nói một câu gì. Rạp chiếu phim im ắng vô cùng. Cảm thấy sợ muốn đứng tim. Tim lại đập thình thịch. Cô ta vẫn đứng yên, Không nói không rằng. Giây lát sau, chịu không xiết sự im lặng này, y đứng vụt dậy. Bước nhanh ra cửa. Bỗng nghe tiếng gọi lại. Một âm thành êm ái lạ thường vang lên: “Anh à, chỉ có một mình anh xem nên phim không chiếu”. Thì ra thế. Cô ta im lặng nẫy giờ vì có lẽ quá... kinh ngạc tại sao vẫn có người vào xem phim chủ đề về lịch sử chăng?
Vậy Tuấn nhé, đã cố gắng làm việc tốt. Nhưng rồi, “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Biết thế nào? Cứ theo lời giới thiệu tại fafilm, phim này kịch bản: Đoàn Tuấn; đạo diễn: NSND Phạm Thanh Vân; diễn viên Nguyễn Thu Quỳnh, Đào Chí Nhân, Hoàng Tuấn Kiên, Hoàng Mai Anh… Kịch bản tóm tắt như sau: “Trong một chuyến du lịch vê Điện Biên, nhóm ba bạn trẻ lâm-Nga-Tùng tình cờ được sống lại những giây phút hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Được chứng kiến và hòa mình vào sức trẻ yêu nước của thế hệ đi trước, những tấm gương biết hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, bà bạn trẻ đã rút ra được những bài học sâu sắc cho riêng mình. Với đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, kịch bản Sống cùng lịch sử có ý tưởng mới mẻ, sâu sắc, nội dung xúc động. Tác giả có cách nhìn khá mới lạ, độc đáo về một đề tài tưởng chừng quen thuộc. Vấn đề kịch bản đặt ra gắn với thế hệ trẻ hôm nay, đó là niềm tin và sự trăn trở của họ về lẽ sống và truyền thông hào hùng của dân tộc. Đây là một cách tiếp cận lịch sử thú vị; lịch sử được đánh thức qua cảm nhận của thế hệ trẻ hôm nay”.
Bao nhiêu bạn trẻ đã xem phim này?
Y tự hỏi và chẳng có câu trả lời. Chỉ biết nhà nước bỏ tiền làm phim nhưng khâu quảng cáo quá kém, chẳng ai biết đến phim đang chiếu. Rồi… Mà thôi, chỉ cần thêm “v.v…” và “v.v…” là đủ. Tối qua trên đường quay về, đi đến đoạn Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng thì không thể đi thẳng được nữa. Con đường Hai Bà Trưng đã bị ngăn lại. Phải xuôi theo đường Nguyễn Đình Chiểu rồi quẹo vào Phạm Ngọc Thạch mà về. Nghe đâu, vì lý do biểu tình gì đó. Vốn là nhà báo nên khi đi qua đường Phạm Ngọc Thạch, y lại quay ngược lên Điện Biên Phủ xem sao. Đi đến Nguyễn Văn Thủ thì bị ngăn lại. Như vậy, chỉ một đoạn đường ngắn là không thể đi ngang qua. Rõ ràng chuyện chống Trung Quốc đang rầm rộ khắp nơi. Đã nghe ồn ào với cuộc biểu tình của công nhân Bình Dương; nhiều tour hủy bỏ những chuyến du lịch sang Trung Quốc; có nhà hàng tại Nha Trang tuyên bố không phục vụ du khách Trung Quốc v.v…
Rồi cả tuần lễ nay, trên facebook hừng hực khí thế sẵn sàng chiến đấu. Tất cả hướng về Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên đã có nhiều ý kiến khác nhau về thái độ, cách thức biểu tình. Y không bàn chuyện này. Việc cần nhất lúc này là tập trung, đoàn kết một lòng vì biển Đông chứ không phải cằn nhằn, rị mọ so sánh, phê phán cách thức biểu tình. Thế nhưng dù cách thức nào cũng không thể chấp nhận cách gây rối, quá khích, phá hoại nhà máy như ở khu chế xuất Bình Dương... Nghĩ lại đi, nghĩ cho cùng dù biết rằng biểu tình là một cách tích cực đánh thức, khơi dậy lòng yêu nước ở mỗi người nhưng chúng ta vẫn đang trong thế đứng an toàn ở hậu phương. Người lính, ngư dân đang đứng đầu sóng, nơi tuyến trước, họ rất cần sự đoàn kết một lòng ở hậu phương và có phương thức đấu tranh phù hợp tùy theo tình hình mỗi lúc. Đi biểu tình, hay ngồi ở nhà cũng chẳng sao. Mỗi người một sự lựa chọn, đừng buộc ai khác phải có sự lựa chọn như mình. Cùng yêu nước, nhưng mỗi người, tùy tâm thế, họ sẽ chọn thái độ phù hợp và nếu cùng một tấm lòng, cùng một mục đích ắt sẽ gặp nhau.
Nhắc đến vinh quang cuộc kháng chiến đời nhà Trần, không ai nhớ nhiều đến Trần Quốc Khang. Số phận của ông nhiều nỗi niềm éo le. Ông là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, mẹ là công chúa Thuận Thiên. Khi bà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang được ba tháng. Thế nhưng Trần Thủ Độ vẫn buộc bà phải làm vợ của em ruột Trần Liễu là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi là vua Trần Thái Tông. Sự hoán đổi này vì mục đích chính trị nhằm giữ vững cơ ngơi nhà Trần v.v... Sử sách đã chép. Không nhắc lại. Vì việc làm trên, Quốc Khang có sự lựa chọn khác khi cả nước xông vào hòn tên mũi đạn lúc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống Nguyên - Mông.
Đầu năm 1283, trong buổi thiết triều có cả Thượng hoàng Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông ngự ngai vàng. Về quan hệ hoàng tộc, thượng hoàng Thánh Tông là em của Quốc Khang, nhưng khổ nỗi ông lại là giọt máu của ông bác là Trẩn Liễu nên không thể nối ngôi vua cha Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Lúc ấy, Quốc Khang dâng lên nhà Thượng hoàng và nhà vua con rùa và tâu triều đình hãy xem ở ngực và bụng rùa có chữ gì? Bảng nhãn Lê Văn Hưu vâng mệnh: “Muôn tâu Thánh thượng, ngực rùa có chữ “Vương”, còn ở bụng thì hơi khó đọc”. Quốc Khang bảo: “Cứ xem kỹ đi, vì đây là Kim Quy, hiển linh sứ giả của thần linh như thời An Dương Vương”. Lê Văn Hưu, đọc lần nữa và cho biết đó là chữ “Nhũng” và reo lên: “Vương là vua, là triều đình ta; “Nhũng” là “vô sự”. Rùa thần báo trước là trận ra quân này, Đại Việt ta chắc chắn thành công”. Điềm báo trước này đã tăng sức mạnh cho toàn dân và kết quả ta đã biết. Cách thức thể hiện lòng yêu nước của Quốc Khang là vậy. Nhà sử học Lê Văn Lan gọi là hành dộng của Quốc Khang "văn hóa quân sự" và đến nay ông vẫn được xếp vào trang sử vẻ vang đáng giặc giúp nước đời nhà Trần.
Thế đấy, mỗi người có một cách biểu lộ lòng yêu nước khác nhau. Năm 1946, hàng loạt trí thức từ châu Âu về nước tham gia kháng chiến, trong khi đó, có những người đi ra nước ngoài như Hoàng Xuân Hãn chẳng hạn, nhưng đố ai dám nói nhà bác học này không yêu nước, không là niềm tự hào của lịch sử nước nhà? Trong Nhật ký 11.5.2014, có nhắc đến lời trêu của người bạn dành cho y. Nay nhắc lại “chuyện xưa tích cũ” như một cách trả lời vậy. Vui thôi mà.
Mấy ngày hôm nay cũng công việc nhì nhằng. Đã chuyển ban tổ chức kết quả chấm giải thi thơ mừng 10 năm Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Đã nhận thư mời của báo TT mời viết bài cho tập sách Chuyện đời - chuyện nghề ấn hành kỷ niệm nhân dịp báo TT tròn 40 tuổi (2.9.2014). Đã nhận lời làm giám khảo cuộc bình thơ của Quận ủy Q.1 trong tuần này. Đã chúc mừng Đoàn Tuấn vừa viết xong kịch bản phim về văn hóa Chăm. Đã gửi sách cho Tẹo, giữa tháng này Tẹo đi Mỹ. Đại khái thế.
Mọi việc sáng nay đã xong.
Phở thôi.
L.M.Q
Trang 39 trong tổng số 58