Sáng nay, các chiến hữu họp ở Tam Kỳ (Quảng Nam). Anh em thế hệ nhập ngũ 1977, 1978 điện thoại liên tục. Họp mặt đồng đội D8, E29, F307 nhưng y không về được. Mẹ y vừa xuất viện hôm chiều thứ Tư, còn yếu, y không thể làm một chuyến đi xa. Mới ngày nào đó thôi, những gương mặt búng ra sữa, đi “một, hai” trật nhịp, siết cò súng AK còn ghê tay mà nay đã bước sang “ngũ thập”. Vết hằn năm tháng vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ. Những phiên gác đêm thèm ngủ võ vàng mắt đói. Những cuộc hành quân đói lả. Những lúc tòng teng ngủ võng mưa trút như thác lũ. Những hầm thông hào ngập nước nhầy nhụa. Những căn nhà thùng bì bỏm bùn non. Những tượng vũ nữ Apsara căng tròn bầu vú. Những cú vấp mìn tả tơi thân xác...
Đồng đội nhập ngũ 1977, 1978 tại chiến trường K
Ngày đó? Chưa xa. Đêm nọ, khoảng cuối tháng 12 của năm 1980, cùng Trần Đào Hiền Nhân… lội rừng đi thăm Nguyễn Đình Chiến, Trần Tuấn Bảo, Nguyễn Đăng Lâm… Anh em gặp nhau, lại rượu. Say bí tỉ. Trên đường về, gặp ngay lúc địch tập kích vào doanh trại. Suýt chết. Ngày đó, thường hút thuốc rê Tam Đảo, quấn bằng giấy báo hoặc lá khô. Cũng có khi hút thuốc lào, tùy vào nhu yếu phẩm do đơn vị cung cấp hàng quý. Lúc hết, phân công nhau đi tìm rẫy trồng thuốc, nếu gặp bất kỳ cây non, cây già nào cũng chặt sạch, đem về bằm vụn cả gốc lẫn ngọn rồi bỏ vào song quân dụng rang khô. Chia nhau hút dần. Thỉnh thoảng, đi hành quân gặp rẫy thuốc cần sa. Cũng hút. Thuốc đem lại cảm giác lơ tơ mơ, cổ khát nước, tai thính, nhớ lẫn lộn mọi thứ, hình ảnh liên tục nhảy múa trong đầu. Ngày nọ, đang say thuốc, địch tập kích vào doanh trại, anh em chạy ùa ra chiến hào, than ôi, có người quên mang theo súng. Từ đó, trở về sau ai nấy tởn tới già. Bỏ hút cần sa, nếu còn muốn về cố quốc.
Những ngày mưa ở Anlungveng nhiều kỷ niệm nhất.
Khi làm tập thơ in chung Đất bên ngoài Tổ quốc, trong phần giới thiệu thơ Đoàn Tuấn, y nhắc lại: “Những kỷ niệm còn tươi rói trong trí nhớ. Nhớ những ngày đem quân phục vào phum đổi chó? Chúng mình leo lên nhà sàn, ngồi uống rượu. Ném những cục cơm xuống dưới đất để nhử chó, những con chó háu ăn vừa lao tới thì lập tức một loạt đạn vang lên... Bởi khi ấy nòng súng A.K đã chỉa xuống. Bắn chính xác. Cột bốn chân của xác con chó lại. Xuyên qua một thanh tre. Chúng ta đã hào hứng khiêng chó về hậu cứ. Đó là những ngày hội tươi đẹp của một thời tuổi trẻ. Lại nhớ một kỷ niệm cùng Dũng B.40. Đêm. Trăng sáng. Trên đường từ phum Choangs’re, có một chiếc xe bò chở theo một con bò đã chết lọc cọc đi vào rừng. Quốc và Dũng bí mật bám theo. Trong rừng, những nông dân Campuchia đã đào một cái hố lớn để chôn con vật xấu số. Sau khi họ bỏ đi, hai đứa vội vã đào lên, rồi dùng liềm cắt những miếng thịt tươi roi rói đem về, trong bụng khấp khởi mừng vì đêm nay sẽ có một bữa liên hoan ra trò. Khi về hậu cứ không dám đi vào đường chính, vì sợ đại đội phát hiện, hai đứa phải cắt rừng, không ngờ lại lọt vào ngay hướng phục kích của đơn vị! Tưởng bọn mình là địch mò vào căn cứ, thế là một loạt đạn đinh tai nhức óc, cả hai thằng kêu toáng lên. May mà không “tiêu” đời một cách lãng xẹt như thế”.
Đoàn Tuấn cũng đã kể lại những ngày: “Đến đầu mùa mưa năm 1981, khoảng tháng 6, cả Tiểu đoàn tôi được lệnh chuyển lên khu vực Anlungvieng để chặn đường vận chuyển lương thực, đạn dược từ Thái Lan về của địch. Thời gian này Quốc thôi chức quản lý, phải làm lính trơn. Vì nghe đâu, được giao chức tiểu đội trưởng, Quốc không nhận. Những ngày đó thật ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh, không của đơn vị tôi thì của đơn vị khác chuyển đến. Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xuống xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được. Chính dạo ác liệt đó, tôi được chuyển từ thông tin lên thay anh Nguyễn Văn Cúc, người Nghĩa Bình, làm trợ lý chính trị Tiểu đoàn. Anh Cúc về làm phó Đại đội trưởng C6. Quân số hy sinh quá nhiều. Lúc đầu còn có máy bay lên thẳng HU-IA đến chở đi hoặc chuyển lên Sư đoàn bằng cách khiêng bộ. Sau máy bay không có nữa. Khiêng bộ thì tốn kém. Hai trung đội dải đường dài 16 kilômét từ đơn vị đến phum Camtuất, cộng một tiểu đội dẫn đường, lại thêm mấy người thay nhau khiêng một ca. Mà vẫn bị phục, vẫn bị mìn clâymo quạt. Thêm bao nhiêu người hy sinh. Người chết rồi bị chết thêm lần nữa.
Chiến hữu Đại đội 22 và 21 thuộc K22, E 174, F 5, Mặt trận 479 chụp ở phum Ma-cạ, huyện Thơmaphuoc, tỉnh batambang, năm 1981 (Ảnh: Nguyễn Văn Phú - người đứng góc phải, cung cấp)
Cuối cùng Sư đoàn quyết định làm một nghĩa trang ở ngay giữa Tiểu đoàn tôi. Cử thêm một trung đội vận tải xuống chuyên cưa cây, xẻ gỗ, đóng quan tài. Nghĩa trang được làm nằm giữa Tiểu đoàn bộ và đơn vị Quốc. Tôi biết Quốc phải đi tuần, đi phục liên tục. Rất dễ hy sinh. Mà tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ giữ di vật tử sĩ và tổ chức chôn liệt sĩ cho chu đáo. Chính trị viên Nguyên Văn Vẳng giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi: “Chôn vì người sống chứ không chỉ vì người chết. Làm sao để anh em đang sống, nhìn vào, biết được rằng, khi họ hy sinh, cũng được đối đãi tử tế như thế!”. Tôi hiểu. Và làm hết sức mình. Đun nước. Nhặt thịt xương. Rửa ráy. Chắp lại. Xếp cho đủ các bộ phận cơ thể. Mặc quần áo. Quấn vải liệm. Gác đêm, canh thú rừng khỏi mò đến ăn xác. Đào huyệt. Tổ chức đội vệ binh đứng bên bờ huyệt. Đọc lời điếu và bắn súng tiễn biệt đàng hoàng. Sau đó mới chôn. Hết sức “oách” theo kiểu nhà binh’.
Những ngày tháng đó, đúng như Đoàn Tuấn đã kể, một lán trại dã chiến ngoài bìa rừng, nơi tẩm liệm các liệt sĩ được dựng lên. Chờ đưa về tuyến sau chôn cất tử tế. Có lúc, chôn tại chỗ, bao giờ cũng bỏ xuống đó một bình pelicine có nắp cẩn thận, trong đó có mảnh giấy nhỏ ghi vài thông tin về người đã khuất. Vẫn còn nhớ như in ngày rời khỏi Anlungveng lui về tuyến sau. Sáng hôm đó, trời mưa tầm tả. Doanh trại vẫn giữ nguyên nhưng công binh đi sau cùng, gài mìn chằng chịt. Ấy là ngụy trang bộ đội vẫn còn đang sinh hoạt bình thường. Thoáng đó đã xa. Ngồi đây, sáng nay, nhớ anh em ghê gớm. Rồi, cũng như mọi ngày, vẫn công việc viết vặt vãnh gì đó. Viết như một thói quen. Không chờ cảm hứng. Dù chẳng biết viết để làm gì.
Chiều qua, cùng anh Nguyễn Đông Thức và vài người bạn vào bệnh viện Thống Nhất thăm mẹ anh Biền. Bà cụ sinh năm 1928, nhỏ hơn mẹ y 1 tuổi. Tuổi già đến, khó có thể nói trước điều gì. Lúc ấy, mẹ anh B đang tắm, bỗng bà cụ xay xẩm, choáng váng mặt mày, té bất tỉnh trong buồng tắm. May lúc ấy anh có nhà, kịp thời đưa đi cấp cứu. Anh Thức bảo: “Ngày ba tôi còn sống, tôi thường tự tay tắm cho ổng cũng vì sợ xẩy ra trường hợp như mẹ anh Biền”. Nghe rưng rưng. Đi trong bệnh viện này, từ không gian đến phòng ốc đâu ra đó. Mà mừng. Đôi khi con người ta ồn ào quá, cứ tuyên ngôn, tuyên bố lớn lối những là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc...”. Cần gì phải đại ngôn đến thế, chỉ cần bệnh viện nào cũng xây dựng như Thống Nhất thì tốt quá. Bệnh viện Thống Nhất (tên ban đầu Vì Dân) khánh thành năm 1973. Phải thừa nhận tay kiến trúc sư giỏi và nhà thầu xây dựng có lương tâm nên đến nay vẫn vẫn hiện đại, chưa xuống cấp. Chẳng bù bệnh viện nơi mẹ y đã ở tạm mấy ngày qua. Chật chội. Nhếch nhác. Chiều qua, trong đầu y hoàn toàn không có suy nghĩ của những ngày mẹ y nằm bệnh, đại khái, khi vào bệnh viện dễ gặp nhất vẫn là hình ảnh la liệt các kiểu ngủ, từ người bệnh đến người nuôi bệnh đều có thể ngủ mọi tư thế, mọi vị trí mà vẫn dễ dàng ngáy khò khò. Nhìn hình ảnh đó chán đời ghê gớm.
May quá, chiều qua không gặp.
Cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa kết thúc. Một lần nữa, thầy giáo Đỗ Việt Khoa lại cung cấp cho cơ quan chức năng những hình ảnh tiêu cực trong thi cử. Đọc trên báo mạng mới hay việc làm này “bị phản đối, thậm chí có nữ sinh chửi mắng và đòi đánh thầy”. Có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau trên mạng, từ trang tin VN Epress, link sang mạng vitalk.vn, y chú ý đến ý kiến bênh vực cho nữ sinh đòi đánh thầy như Mua Dong: "Chắc e nữ sinh ấy "trâu trẻ", ăn chưa no lo chưa tới. K nghĩ được cái hiện trạng rõ trắng trợn ở nước ta như bác sĩ mổ thì bỏ quên dụng cụ y tế trong bụng bệnh nhân, y tá chích nhầm thuốc gây chết người; xây cầu+đường thì sập và hư sau khi khánh thành trong nháy mắt, thuỷ điện sông Gianh nứt thì lấy ximăng vá lại, học sinh lớp 6 thì đọc k thông viết k thạo, tiến sĩ thì nói k thông 1 ngoại ngữ (trừ tiếng mẹ đẻ), quan chức vi phạm kỉ luật thì ,.. chuyển lên ngồi ghế cao hơn!! .... Vậy mà cứ đòi hội nhập và ngang bằng.... nhiều, nhiều, nhiều, nhiều nữa. Tất cả do đâu??? Cốt yếu từ nền giáo dục nặng thành tích và đầy quan liêu ấy, k dám mổ xẻ đến cái nhọt ấy nữa, bị di căn rồi. "Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng cũng đành bó tay" vì ngay cả 1 BỘ GIÁO DỤC MÀ CŨNG NHẦM -NHẦM-NHẦM- NHẦM KHI TRÌNH BÀY ĐỀ ÁN TRƯỚC QUỐC HỘI VÀ CẢ NƯỚC VỀ 34 nghìn tỉ, cáo lỗi nhầm sau khi bị "mưa đá".
Ý kiến của Phu Long Đinh: “Đỗ Việt Khoa lại lên cơn. Tôi chẳng hoan nghênh gì các cháu lười học và không chịu học hành nhưng cứ thử hỏi với cái bằng phổ thông cũng có làm nên cơm cháo gì đâu. Xã hội càng ngày càng khó sống, bao nhiêu thứ tạm gọi là thối nát nhất trên đời này đang dồn lên đầu con trẻ. Đến các Tiến sỹ còn dính nghi án đạo văn, Anh hùng lực lượng vũ trang làm giả hồ sơ thì các em học sinh mang phao quay cóp có gì là ghê gớm đâu . Hãy để cho chúng một con đường sống không có việc gì làm hay sao mà cái tay này cứ suốt ngày soi mói chọc ngoáy vào một vấn đề mà cuối cùng cũng chẳng để làm gì. Điên nặng hâm nặng và độc ác nữa chứ - Hành động không sai nhưng mục đích có lẽ là điên hèn”.
Không rõ các nhà quản lý, nghiên cứu xã học học nghĩ gì với các comment này?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|