LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.6.2014

 

chon-hinh-nay-khanhb-kasa

 

Trưa qua, Lãnh sự quán Úc mời ăn trưa nhân 21.6 nhưng từ chối. Chỉ nghĩ đến lúc tan tiệc, về giữa trưa nắng, cảm thấy oải quá. Buổi chiều, có người mời đi ăn buffet cũng né luôn. Không thân thiết lắm, ngồi ăn phải trò chuyện xã giao, vui sướng gì? Sáng nay đến cơ quan làm việc. Trên đường đi, nghĩ ngợi linh tinh như thói quen mọi ngày.

Sáng nay, nghĩ gì?

Nghĩ rằng, “y giỏi thật”.

Không giỏi sao được, suốt hai năm qua đã viết đến hàng trăm tình huống trong chuyện hôn nhân tình yêu. Một phần đã gom thành tập Khi tổ ấm nhảy Lambada. Có lẽ lời khen của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Thanh Bình khiến y vui nhất: “Sao chú cứ như "ma xó" vào nhà người ta thế?”. Thật ra, y chỉ tưởng tượng, chứ làm gì có kinh nghiệm. Thế bây giờ đã cạn đề tài chưa? Chưa. Tuy nhiên có ai gợi ý, vẫn tốt hơn. Hôm nọ, ngồi ở Đo Đo, anh Lưu Đình Triều gợi ý vài đề tài, trong đó có chuyện… “cắt của quý”. Chỉ thoạt nghe đã xay xẩm mặt. Y quan niệm, đời sống vợ chồng bao giờ cũng có những sự cố này nọ, tuy nhiên vấn đề đặt ra vẫn là chọn cách giải quyết. Y hoàn toàn không muốn đề cập đến chuyện máu me, gay cấn, khốc liệt, thù hận đó. Chỉ tưởng tượng đã chết khiếp rồi. Né tránh cho xa, dù đề tài này cực hấp dẫn, thời sự nữa. Nhưng, đành chịu.

Ủa? Trong thơ Việt Nam có bao giờ chạm đến chuyện bi hài đó chưa? Tình cờ đọc tập Chiến ca mùa hè của Phạm Lê Phan lại thấy có. Smile Ông là tác giả bài thơ Xin tha thứ, Phạm Duy đã phổ nhạc vào tháng 5.1972. Trong bài Nghiêu ngao trên đỉnh kiên trì, ông  viết khổ thơ:

Vài đứa bị thương - thời tiết xấu

Ngón-ân-tình-lớn đạn cưa ngang

Một tuần rên “đã”, bèn ca hát:

“Tội tình em lắm, hỡi em lan…

 Nghe hài hước mà cũng nào nùng ghê.  Tập thơ Chiến ca mùa hè, nhà thơ Tường Linh viết Bạt. Thời sinh viên, y ở trọ trên đường Đinh Bộ Lĩnh, cách nhà của nhà thơ Tường Linh, nhà văn Bà Tùng Long chỉ vài căn. Thỉnh thoảng, ghé có qua nhà ông Tường Linh uống trà, đàm đạo  thơ văn. Sau khi ra trường, về báo PN mới biết vợ của ông là cán bộ Hội Phụ nữ phường. Vợ chồng ông cũng là cộng tác viên của báo PN từ những số báo đầu tiên. Lúc y ở trọ, sát vách là nhà cầm đồ. Thời đó, đôi lúc túng quá cũng cầm vài bộ quần áo, rồi chuộc lại, có khi bỏ luôn. Lúc mình ngặt nghèo, họ tha hồ chê ỏng chê eo, chỉ cho vay không bằng 1 một 10 giá trị đồ của mình. Biết thế, nhưng có nhiều người nghèo cũng phải đâm đầu vào.

Thời còn sống, có lúc chị Ái muốn kiếm sống bằng nghề quái quỷ này, y cương quyết không cho. Ăn đồng tiền đó sướng ích gì. Cuối cùng, chị cũng phải nghe theo, kinh doanh quần áo cũ. Thời đó gọi “đồ Sida”, “đồ bành”. Mua từng kiện hàng quần áo từ ngước ngoài gửi về, rồi phân loại tùy đẹp, xấu, cũ, mới mà bán ra với giá khác nhau. Loại quần áo này, thiên hạ đã sử dụng rồi nhưng với người khác vẫn hàng mới. Thời đó thịnh hành lắm. Dọc đường Triệu Nữ Vương, Ông Ích Khiêm, gần chợ Cồn (Đà Nẵng) lúc ấy buôn bán nhiều. Gần đây khi đi chơi trên miệt Tân Bình, Tân Phú còn thấy quần áo mới toanh đổ ra bán đầy lề đường, gọi “hàng tồn kho”, “hàng xổ” Chẳng mấy ai ghé mắt đến, cũng chỉ dành cho người nghèo. Bây giờ phải “hàng hiệu” mối sành điệu. Đời sống đã khác trước. Xem lại Từ điển từ mới tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (NXB TP.HCM - 2002) vẫn chưa thấy cập nật những từ trên.

Lẽ ra  ngay cả ký hiệu “&” sử dụng đã lâu cũng phải đưa vào từ điển. Vẫn hiểu nôm na “&” “với”, “vànhưng cụ thể ra làm sao? Có ai giải thích giúp không? May quá, ông bạn An Chi giải thích: “Ký hiệu “&” “chữ cái” thứ 27 trong bản chữ cái của tiếng Anh, ngoài 26 chữ cái đã biết từ lâu, nghĩa là sau Z là &. Hai chữ cuối cùng (Z, &) được đọc là “Zed and per se and” nghĩa là "zed và (cái chữ) tự nó (có nghĩa là) và". Với thời gian người ta không còn nhận thức được rằng “and per se and” có nghĩa là “và (cái chữ) tự nó (có nghĩa là) và” nữa mà chỉ đơn giản ngỡ rằng, “and per se and” là tên của ký hiệu  “&”. Lại với thời gian, bốn âm tiết “and, per, se, and” dính vào nhau rồi -nd của and bị p- của per đồng hóa thành (âm môi) m nên ngày nay mới có danh từ ampersand để gọi ký hiệu “&”.

Trước kia, khi ông An Chi xuất bản bộ sách Chuyện Đông chuyện Tây, y có viết bài giới thiệu in PN, chủ yếu viết về “lý lịch” của ông. Viết lâu quá rồi, chỉ còn nhớ đôi nét rằng, ông sinh ra tại Sài Gòn năm 1935, năm 1954 ông tự ý “tập kết” ra Bắc chứ không theo đường dây của tổ chức nào. Thế mới rắc rối. Chẳng ai hiểu rõ Võ Thiện Hoa (tên thật, ngoài ra còn có tên Pháp Emile Pierre Lucatos) ra Bắc với mục đích gì?  Cuộc đời của ông lắm nỗi éo le, có thời gian ông đi TNXP theo lời kêu gọi của Phòng miền Nam Bộ Giáo dục, rồi đi dạy. Chính trong khoảng thời gian này ông tự học. Chẳng rõ vì sao trước kia tạp chí KTNN ngưng chuyên mục Chuyện Đông chuyên Tây do ông phụ trách? Lần nọ, TSKS - L.K.C bảo: “Làm báo còn là duy trì các mối quan hệ nữa. Ông An Chi không hiểu rõ điều đó”. Đúng quá, trong nghiên cứu, nếu thấy sai, dù báo bạn, đồng nghiệp cũng phải góp ý trên tinh thần học thuật. Ông An Chi là thế. Đó là lý do chăng? Không dám kết luận. Chỉ biết rằng, ông An Chi luôn là người bạn tốt, kiến thức đáng tin cậy, chưa bao giờ ông từ chối trả lời,  giải thích thắc mắc của y.

Trở lại với chuyện cầm đồ. Có lẽ, nhân vật người cầm đồ nổi tiếng nhất là Alyona Ivanovna trong tác phẩm Tội ác và trừng phạt của Dostoevsky. Do căm ghét “mụ đàn bà tồi tệ, bệnh hoạn, tham lam, ăn lời cắt cổ, hút máu đồng bào, chấy rận của xã hội” nên Raskolnikov - một sinh viên trường luật ở Petecbua lạnh lùng lấy búa bổ vỡ đầu mụ và cướp tiền bạc, châu báu. Sau vụ giết người khủng khiếp đó, dù chưa bị phát hiện, lương tâm của Raskolnikov vẫn bị dày vò. Điều cốt lõi là gì? Dù các nhà làm luật có đưa ra hàng loạt biện pháp trừng trị kẻ sát nhân, nhưng không sự trừng phạt nào dữ dội, mãnh liệt bằng hình phạt trong lương tâm của chính hắn.

Đọc hồi ký của cụ Vương Hồng Sển, thỉnh thoảng cụ nhắc lại rằng, dân biết chơi đồ cổ thứ thiệt không bao giờ ép giá của người khác. Có những gia đình danh gia vọng tộc, sắm được nhiều đồ quý, “hàng độc” nhưng đến đời con cháu sa cơ thất thế nên phải bán dần, chẳng nắm rõ giá trị thật của nó. Biết thế, nhiều tay chơi đồ cổ ranh ma bèn cò kè, ép giá, mua với giá rẻ mạt. Cụ Sển bảo, mua bán như thế là “thất đức”. À! Ông bà mình nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Chắc gì ông bà mình nói? Biết đâu bọn ăn trên ngồi trốc, đè đầu cởi cỗ dân đen đã bịa ra câu đó nhằm tự bào chữa cho việc làm thất đức? Y có đức không? Chắc có nhưng ít. Nhiều người phụ nữ long lanh lệ thầm vì y, vậy y thất đức quá đi chứ? Ngược lại cũng do ít đức nên y cứ la oai oái: “mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều”?Smile

Ôi đời, chả biết thế nào mà lần.

Sáng nay, đọc báo thú vị với thông tin này, trên báo Tiền Phong: Ba nhà khoa học Việt vào danh sách “ảnh hưởng lớn nhất” thế giới: “Thomson Reuters, tổ chức hàng đầu thế giới về việc theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu, vừa báo cáo danh sách hơn 3.000 nhà khoa học “có ảnh hưởng lớn nhất” trong năm 2014.

Lần đầu tiên ba nhà khoa học Việt Nam lọt vào danh sách này.Ba nhà khoa học gồm GS Đàm Thanh Sơn đang giảng dạy ngành vật lý tại Đại học Chicago (Mỹ); GS.TS Nguyễn Sơn Bình nghiên cứu giảng dạy ngành hóa học, Đại học Northwestern (Mỹ); PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.

Danh sách 3.000 nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất của Thomson Reuters được giới khoa học quốc tế coi như bản đánh giá thành tích khoa học khách quan nhất.  Việc đánh giá dựa trên các bài báo, công trình khoa học của các nhà khoa học được xuất bản trong năm 2013, ảnh hưởng của các công trình này, số lần được các tác giả khác trích dẫn”.

Tìm trên google lúc 16g 45 phút về cụm từ “GS Đàm Thanh Sơn”: Khoảng 219.000 kết quả (0,37 giây); "GS.TS Nguyễn Sơn Bình": Khoảng 240.000 kết quả (0,33 giây); "PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng": Khoảng 314.000 kết quả (0,26 giây). Trong khi đó, chọn lấy Đàm Vĩnh Hưng - ca sĩ  vinh dự số một được báo TT Cười trao vĩnh viễn giải thưởng Trái Cóc Xanh: Khoảng 3.860.000 kết quả (0,49 giây).

Nghĩ gì với số liệu thống kê này? Chẳng nghĩ gì, chỉ gợi ý cho đồng nghiệp một đề tài thú vị.

Chiều rồi.

Làm gì cho hết buổi chiều?

 

chon-hinh-nay-khanhb-kasa

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment