LỜI THƯA,
Đây là kịch bản Đi tìm chỗ ngủ của nhà biên kịch, nhà thơ, nhà báo Đoàn Tuấn. Sau khi viết xong, Tuấn gửi cho tôi một bản đánh máy. Đạo diễn Lê Hoàng đã dựng thành phim với tựa Chiếc chìa khóa vàng .
http://movie.zing.vn/Movie/chiec-chia-khoa-vang/chiec-chia-khoa-vang/phim-dien-anh/m1924.html cho biết: " Đạo diễn: Lê Hoàng/ Diễn viên: Mỹ Duyên, Tạ Ngọc Bảo/ Nhà sản xuất: Hãng phim Giải Phóng/ Thể loại: Tâm lý/ Độ dài: 97 phút/ Quốc gia: Việt Nam/ Năm sản xuất: 1999. Giới thiệu: Câu chuyện trong phim xảy ra với một đôi trai gái, khi chàng trai tên là Dũng đột ngột có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Anh chỉ có đúng một ngày để làm đám cưới với Nguyệt, cô người yêu của mình. Và chỉ trong một ngày một đêm thôi, đôi trai gái ấy đã phải chạy đua với thời gian giữa trời Hà Nội đầy bom đạn để tìm "Chiếc chìa khoá vàng" cho căn phòng hạnh phúc. Rồi khi căn phòng hạnh phúc được mở ra thì bình minh đã ló rạng, đến giờ chàng trai phải lên đường".
Nay tôi post kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ lên trang web leminhquoc.vn như một sự chia sẻ về người bạn Đoàn Tuấn của tôi. Tuấn đã đi cùng tôi hết một chặng đường chiến binh của thời tuổi trẻ ngậm ngùi, buồn rầu và tuyệt vọng.
Với Đi tìm chỗ ngủ, chắc chắn người đọc sẽ bị cuối hút từ dòng chữ đầu tiên đến dấu chấm cuối cùng. Và tôi gọi đây là Bản 1, vì hiện nay Tuấn đã viết lại kịch bản này theo phương pháp và phong cách mới.
VI.2012
LÊ MINH QUỐC
1.Hà Nội ban đêm. Những ngọn đèn trên phố giăng thành một dãy dài đơn điệu. Những dãy phố hút dài vắng ngắt. Không còn ai. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy ở cuối một con phố có một cặp tình nhân đang dìu nhau đi bộ. Dáng họ đi chầm chậm và mệt mỏi. Đến trước một ngã ba, họ dừng lại. Đi về đâu? Họ đưa mắt nhìn nhau. Im lặng. Họ ngước nhìn lên phía trên. Cành lá không xao động. Những chiếc lá đã từng cặp, từng cặp rủ xuống ngủ trong đêm. Riêng cặp tình nhân của chúng ta vẫn còn đứng giữa ngã ba. Bỗng từ xa có ánh đèn dọi tới. Một chiếc xe cảnh sát đi tuần dừng lại trước mặt họ. Một người công an nhảy xuống và tiến lại.
- Xin lỗi, anh chị cho xem giấy tờ?
Họ xuất trình thẻ. Người công an đỡ lấy, ngắm nhìn rồi hỏi:
- Anh chị là sinh viên?
Họ gật đầu. Người công an hỏi tiếp:
- Đêm khuya, anh chị đi đâu?
Trên màn ảnh, lúc này hiện ra dòng chữ tên phim:
ĐI TÌM CHỖ NGỦ
Cùng tên của những người làm phim.
2.
Cụ bà vẫn đẹp sao
Cụ ông vẫn đẹp sao
Dù hàm răng không còn cái nào
Dù da dẻ nhăn nheo như là da cóc…
Dưới gốc xà cừ trong sân trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, một tốp sinh viên, cả nam và nữ, đang đứng xung quanh Bình. Anh đang chơi ghi-ta. Họ đồng ca bài hát vui theo mô-típ nhạc của ca khúc Đời Vẫn Đẹp Sao. Ngoài ghi-ta, nhạc cụ của họ gồm có đĩa, thìa, đũa và bát… Gương mặt những người đang hát lộ đầy vẻ trong sáng và phấn khởi. Đó là những sinh viên chuẩn bị đi du học ở nước ngoài.
Bài hát kết thúc. Một cô gái chen vào, đứng trước mặt Bình:
- Anh Bình, mai sinh nhật em, anh phải đến đấy.
- Đây là sinh nhật lần cuối ở Tổ quốc. Chúng mình sắp đi học ở nước ngoài rồi. Sang đó khó có điều kiện gặp nhau lắm! – một cô khác nói tiếp.
- Ứ, anh Bình, anh phải hứa đi. Rủ cả chị Hà đến nữa. – Cô gái có sinh nhật vào ngày mai nài nỉ.
- Đúng rồi, rủ chị Hà đến. Anh mà không rủ thì sang đó em sẽ yêu anh đấy! Cô gái khác nói nửa đùa nửa thật.
- Mấy giờ? – Bình hỏi.
- Bảy giờ.
- Được rồi.
- Nhất định chứ?
- Nhất định.
- Hoan hô. – cô gái mời được Bình đến ôm lấy cổ Bình và hôn vào má anh.
- Chị Hà biết thì ghen chết đấy! – Tiếng ai đó nói khiến Bình giật mình và chợt ngẩng lên. Anh bắt gặp Hà đang đứng cách đó không xa. Thấy Bình nhìn mình, Hà liền quay ngoắt lại, dắt xe đạp, bỏ đi về phía cổng trường.
Bình vội đuổi theo Hà.
Tiếng kẻng báo giờ ăn trưa vang lên. Sinh viên kéo vào nhà ăn.
Trời nắng gắt. Đường Nguyễn Trãi bụi cuốn lên mù mịt như khói trắng sau những chiếc xe tải. Hà vẫn dắt xe băng băng về phía trước. Gương mặt cô ửng hồng lên vì nắng, vì tức giận. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán. Cô đưa tay vén mạnh hai hàng tóc mai.
- Hà, đứng lại anh bảo!
Giọng Bình đuổi theo cô. Nhưng Hà vẫn đi tiếp.
- Hà, đứng lại!
Dường như không nghe thấy, cô càng bước nhanh hơn. Bình vẫn chạy theo. Khi đến gần bên Hà, anh liền làm động tác cố tình vấp ngã. Và anh liền ngã ngay xuống trước mặt Hà. Cô hoảng hốt, vứt xe vội cúi xuống đỡ Bình:
- Có đau không anh? – Hà hỏi với cặp mắt lo lắng.
Bình nhăn mặt lại, giả vờ đau đớn. Anh nặng nề chống tay đứng dậy.
- Anh đau ở đâu? Để em xem. – Hà cúi xuống phủi bụi cho Bình và vén quần anh lên. Cô vừa làm vừa ngẩng lên lo lắng nhìn Bình.
Chợt Bình phá lên cười. Hà cũng bật cười theo. Cô lườm Bình một cái thật đáng yêu:
- Ứ, em ghét anh lắm!
- Anh thì ngược lại, càng yêu em hơn.
- Em không tin. Anh sắp đi Tây rồi. Sang đó yêu một cô gái khác trẻ và đẹp hơn em.
- Không. Anh đã nói rồi. Anh chỉ yêu em thôi.
- … Sau này hai người về nước, sẽ hạnh phúc hơn.
- Hà, em đừng nói thế. Anh chỉ yêu em thôi.
- Em không tin. Ngay bây giờ ở trong nước, có em bên cạnh, anh vẫn còn bị các cô gái bao vây thế kia. Sang đó, em biết anh thế nào?
- Em đừng nghi ngờ anh gì cả. Chúng mình yêu nhau từ hồi phổ thông. Đó là một mối tình đẹp. Anh không bao giờ thay đổi ý kiến. Anh nói lại, suốt đời anh chỉ yêu em thôi.
- Anh yêu em thế nào? – Hà lắc đầu nhưng cô vẫn hỏi lại.
- Anh yêu em như… như… Bình vừa nói vừa nhìn sang bên trái, nơi có những quán hàng. Một con cún đang chạy thong dong trước cửa, anh liền nói tiếp: Nếu anh không yêu em, anh sẽ làm… con chó. – Bình bước lên, quì tứ chi trước Hà, ngẩng nhìn cô với ánh mắt trung thành. Miệng anh vẩu lên, chúm lại như mõm chó, thầm sủa gâu gâu.
3.
Buổi tối trong kí túc xá trường đại học Ngoại ngữ. Sinh viên mở tung các cửa sổ ngồi trên giường học bài. Một số người hẹn hò hoặc đứng hát bên những vòm nhãn quấn đầy tơ hồng. Tiếng ve đồng ca ngân lên da diết.
Trong sân trường, Bình và Hà đang đi dạo. Bình nói:
- Hà ạ, anh sắp phải xa em rồi. Anh có một chuyện muốn nói với em. – giọng Bình như trầm xuống.
Hà vẫn lặng im đi. Bên ngoài cô làm ra vẻ như không có gì, nhưng thực ra, trên gương mặt cô đang chứa đựng một niềm xúc động.
- Anh muốn có một đề nghị với em, nhưng anh sợ em nghĩ sai về anh.
- Em chưa bao giờ nghĩ sai về anh cả. – Đôi mắt Hà mở to, cô thản nhiên đáp.
Tiếng gió đùa trong các vòm cây. Những bông hoa trúc đào như những chiếc mi-crô đung đưa trước họ. Bình nuốt nước miếng cố nén xúc động.
- Anh cứ nói đi. – Hạ giục.
- Chúng mình yêu nhau đã lâu. Anh nói điều này hết sức chân thành – Bình cầm tay Hà. Hai bàn tay đan kết vào nhau. Rồi anh bước lên, đứng trước mặt Hà, hai tay Bình đặt lên vai người yêu – Em biết không, anh muốn chúng mình có một lần nào đó… được ngủ… với nhau…
Hà bồi hồi ngước nhìn Bình. Rồi cô từ từ ngả đầu lên vai anh. Bình âu yếm vuốt tóc cô.
- Anh chỉ sợ em sẽ giận trách anh. Nhưng anh muốn như thế, để khẳng định chúng mình đã thuộc về nhau. chúng mình mãi mãi là của nhau…
Bình ôm lấy Hà. Rồi anh cúi xuống hôn lên mái tóc thơm. Hà quàng tay ôm lấy Bình. Cô ngả đầu vào ngực anh. Gương mặt nhìn nghiêng của Hà như càng gợi lên những tình cảm vừa nồng nàn vừa trong sáng. Một giọng nói âm vang và ấm nồng vọng lên từ thẳm sâu trong cô.
- Anh Bình ạ, em cũng nghĩ như thế từ lâu. Nhưng em không nói ra. Em cũng sợ rằng anh cũng sẽ nghĩ sai về em. Em là con gái…
- Kkhông, Hà ạ. Anh yêu em. Anh không bao giờ nghĩ không đúng về em. Anh nghĩ, chúng mình đã yêu nhau, tất cả những gì quí báu nhất, tốt đẹp nhất, chúng mình nên dành cho nhau.
- Thế anh có sợ gì không?
- Không. Anh không sợ gì cả. Hiện nay giữa chúng mình còn mỗi một khó khăn. Đó là gia đình anh chưa đồng ý. Nhưng đó là việc của cha mẹ. Còn chúng mình yêu nhau, đó là quyền của chúng mình. Tự anh phải quyết định số phận cuộc đời mình. không ai có quyền làm thay anh cả.
- Nhưng dù sao em cũng cảm thấy sờ sợ một điều gì đó. Nhất là anh sắp đi.
- Anh yêu em. Em đừng sợ điều gì cả. Chính trong tình yêu đối với em, anh đã tự khẳng định được bản thân mình. Em biết đấy, lúc này anh không thiết tha gì cả. Trên đời này, anh chỉ yêu em thôi. Ngay bây giờ nếu em yêu cầu anh ở lại, anh sẵn sàng không đi nữa.
- Không, anh cần phải đi. Anh đừng lo gì cho em cả. Em sẽ xứng đáng với anh…
- Thật hạnh phúc anh có một người vợ như em! – Bình ôm chặt lấy Hà.
- Thế anh đã chuẩn bị gì chưa?
- Chuẩn bị gì? – Bình hỏi lại.
- Ứ, em ghét anh lắm. Anh vừa nói đã quên ngay rồi.
- À… à… chuyện đó. Anh cũng chưa biết ở đâu. Bây giờ chỉ có ở công viên thôi. – giọng Bình như buồn hẳn xuống.
- Đúng, em cũng đoán, chẳng còn chỗ nào khác nữa. – Hà cúi đầu nói.
- Bao giờ được nhỉ?
- ….
- Hay tối mai. Bảy giờ anh đến nhà em?
- Tùy anh đấy.
- Được rồi, anh đã hứa. Em nhớ nấu cơm sớm vào đấy!
4.
Mùa hè Hà Nội mặt trời lặn muộn. Gần bảy giờ thành phố mới xuất hiện ánh đèn. Bình đứng đợi Hà bên gốc cây bàng. Mắt anh chăm chú nhìn vào ngôi nhà có ánh điện. Đó là nhà Hà.
Trong nhà, Hà đang úp bát vào chạn. Rồi cô rửa tay bằng xà phòng, sau đó lấy bàn chải đánh răng. Một chút kem đánh răng màu xanh được Hà đặt lên bàn chải. Sau đó cô cất con dao, treo cái rá, dựng lại cái chổi nam vào góc sân. Gọi là sân, nhưng thực ra đó chỉ là một diện tích rất nhỏ. Trong đó thùng, xô, xoong chậu la liệt. Xong xuôi, Hà đi lên nhà, cô cầm quyển vở cho vào túi xám, mở ngăn kéo lấy mảnh áo đi mưa cho vào túi, nói với bố và dì:
- Con đến nhà Châm trả nó quyển vở.
- Để mai trả. Nước nôi đã gánh chưa mà đi? – bà dì, một người đàn bà gần 40, giọng đanh đá.
- Thưa dì, máy đang tắc. Khuya con gánh.
- Khuya thì ai ngủ cho. Tôi lấy đâu ra nước tắm bây giờ?
- Trong thùng phuy vẫn còn nước.
- Cô bắt tôi tắm cái thứ nước đun sôi ấy à? Lại đầy rêu, tanh lòm mùi cá.
- Cả nhà vẫn ăn nước đấy. Dì kén chọn thế nào nữa?
- Mày lại muốn cãi nhau với tao phải không? – Dì nổi cáu, vằn mắt nhìn Hà rồi quay sang chồng. – Đấy ông xem, ông đừng trách tôi là hay mắng mỏ con chồng gì nữa.
Bố Hà đang ngồi tiếp khách. Ông khoảng 45 tuổi, nét mặt điềm đạm. Khách là một người trẻ hơn. Trước mặt họ là một xếp giấy tờ. Thấy tình hình căng thẳng, bố Hà quát:
- Trật tự, để cho tôi làm việc. Thôi, Hà đi rồi về cho sớm.
Hà tranh thủ lẻn nhanh ra ngoài. Vẫn còn nghe giọng bà dì đanh đá:
- Đấy, ông cứ nuông chiều con gái ông như thế để cho nó cưỡi lên đầu lên cổ tôi. Nói một câu là cãi một câu. Học hành làm gì nhiều. Cãi lại như hát hay.
Bố Hà đang kí vào tờ giấy rồi đưa cho khách. Người khách đứng dậy, dáng đứng không thẳng, cứ lom khom, đầu và vai cúi xuống, miệng vừa cười vừa bắt tay chủ nhà.
- Dạ… dạ… Cám ơn anh nhiều lắm ạ. Em xin phép về ạ.
Người khách rút nhanh. Bà dì vẫn đi lại trong nhà, cất giọng ca thán:
- Thôi, từ nay tôi mặc kệ bố con nhà ông. Chẳng ai hơi đâu mà nói nữa. Giã cả họng, mệt cả người. Học hành gì nữ ấy. Sách vở gì nó. Nhìn cái mặt tôi biết. Nói dối như thần. Theo trai là giỏi. Lại không ba bảy hai mốt ngày, phưỡn cái bụng ra…
Tiễn khách ra cửa xong, ông bố quay vào:
- Tôi đã bảo bà để mặc tôi. Nó lớn rồi, bà không hiểu nó bằng tôi đâu.
- Ông cứ chiều con gái ông lắm vào để nó coi thường tôi. Tôi không chịu được.
- Nói thật, bà cũng nhỏ mọn lắm. Lúc nào cũng ghen ghét tức tối với những cái đâu đâu. Chính bà làm cho nó không tôn trọng bà. Lúc nào tôi cũng thấy bà dòm ngó, lườm nguýt nó. Bản thân tôi cũng còn thấy khó chịu nữa là…
- Thôi ông im đi. Ai chả biết bố con ông cùng một giuộc trong cái nhà này. Ngày mai tôi sẽ đi, mặc bố con ông muốn làm gì thì làm…
Lúc này ở ngoài ngõ, chiếc xe chở Bình và Hà phóng vút đi. Hai đứa em cùng cha khác mẹ với Hà – đứa mười tuổi, đứa năm tuổi, đứng nhìn theo.
Họ dừng lại trước công viên. Bình nói:
- Anh mua điếu thuốc. Em vào gửi xe.
- Thôi, anh vào gửi đi.
- Sao vậy?
- Người trông xe là đứa bạn em. Nó học cùng trường.
Bình nhìn vào. Dưới ánh đèn, anh thấy một người con gái đang ngồi trên ghế đẩu. Cô đội nón để cốt che kín gương mặt của mình. Nón của cô có quai to như chiếc khăn mùi xoa… Cô ngồi án ngữ ở cái lối ra vào nhỏ bé. Một chân thu lên ghế, cằm tựa vào đầu gối.
- Bạn em à?
- Không, người quen thôi.
- Sao em ngại gặp?
- Nó có hoàn cảnh như em. Mẹ nó mất. Bố lấy vợ khác. Bà này ác lắm. không cho nó đi học, toàn bắt nó ở nhà. Buổi tối phải ngồi trông xe mà vẫn bị mắng. Nó sợ bạn bè nhận ra nên phải đội nón thế kia đấy.
- Em vào gửi cùng anh. Nó không nhận ra đâu.
- Anh đừng đùa nữa. Nó mà nhận ra thì mai cả trường biết em đi chơi công viên buổi tối.
Bình dắt xe vào gửi. Anh dừng bên cô gái. Cô không ngẩng mặt lên mà lẳng lặng cầm viên phấn ghi vào xe. Bình dựng xe rồi trở ra. Cô đưa anh cái vé.
- Bao nhiêu hở chị?
- Năm trăm – Giọng cô lạnh và buồn.
Bình lấy tiền trong túi. Anh vuốt cho thẳng tờ giấy bạc rồi trân trọng đưa cho cô. Cô trả lại anh tiền lẻ. Bình cẩn thận đón lấy:
- Cảm ơn chị.
Anh đi ra. Cô hơi nghiêng nón nhìn theo. Một gương mặt đẹp và buồn.
-Mua vé vào cổng không? – Bình hỏi.
- Thôi, đừng mua. Đắt lắm. Trong công viên có ca nhạc. Giá vé tận 5000. Mình chui cổng đi. – Hà rủ – Em thấy nhiều đôi khác cũng chui đấy.
Trong lúc Bình gửi xe, Hà đã nhanh chóng lấy được những thông tin này.
- Nhất trí thôi! – Bình mỉm cười nhìn Hà.
Họ dắt nhau đến một chỗ tối. Nơi ấy có một đôi vừa mới chui vào.
- Để anh vào trước thử xem. – Bình nói.
Bình chui vào nhưng đầu anh không lọt. Anh quay ra. Hà liền chui vào.
- Em chui được đây này.
- Thôi, tìm chỗ khác, thiếu gì.
Hà chạy ra, nhí nhảnh theo Bình.
- Ai bảo học nhiều cho đầu to mắt cận.
Họ đi mấy bước nữa. Có một lỗ thủng thật to. Lại có cả lối rẽ vào nữa. Bên trong tối đen. Bình thận trọng chui vào… không thấy có động tĩnh gì, anh quay lại:
- Hà, em vào đi.
Cô bước nhanh đến rồi chui tọt vào… Bình đón Hà rồi nhấc Hà qua cái rãnh rồi đặt cô xuống bãi cỏ. Họ ôm chầm lấy nhau và xoắn xít hôn nhau ngay tức khắc.
Rồi một đôi nữa cũng chui vào. Bình và Hà dừng lại, nhìn quanh. Dưới mỗi gốc dừa đều có một đôi đứng hoặc nằm hoặc ngồi. Và hầu như đôi nào cũng đang hôn nhau. Mấy thảm cỏ xa kia cũng không còn chỗ. Bình và Hà dìu nhau đi tìm. Họ đi qua mấy ghế đá không ai ngồi. Vừa ghé xuống, họ liền đứng bật dậy ngay vì ghế đá quá bẩn. Nhìn sang ghế khác thì đã bị lật đổ từ bao giờ.
- Hay mình dựng lại đi – Hà nói.
- Không nên. Ghế đó dành cho các cụ già ngồi hóng mát. chúng mình không nên ngồi giữa đường hôn nhau. Vô duyên lắm.
Họ đi về phía hồ. Những ghế đá ven hồ, ghế nào cũng có người. Vài ba đôi cũng đang dắt nhau đi tìm chỗ như họ. Một cặp vừa đứng lên. Cặp kia liền nhanh chân chạy tới. Bình và Hà không kịp. Bình và Hà vừa tính đường quay ra thì một cậu bé chừng 11 tuổi, mặc quần đùi, áo may ô bước đến:
- Anh chị đi tìm chỗ phải không? Lại đây, chỗ đẹp hết ý.
Bình và Hà đi theo. Nó dẫn đến một gốc dừa. Trên thân cây có quấn dây thép gai. Ở đó có một cậu bé khác, chạc tuổi nó, chực sẵn. Thằng bé liền quảng cáo:
- Thấy chưa, chỗ hết ý nhé. Xa hàng rào, không sợ ai dòm ngó. Lại ở giữa các đôi, không sợ trấn lột. Lại sạch nữa. Bọn em dọn dẹp hết rồi. Anh chị cần, bọn em xin để lại.
- Bao nhiêu? – Bình hỏi.
- Năm ngàn. Giá hết sức mềm đấy.
- Đắt thế. Bằng vé vào cổng à. Hai ngàn thôi. – Hà nói.
- Em nói thật. 5000 là hữu nghị đấy. Năm ngàn mua vé vào cổng mà không có chỗ này thì cũng bằng âm.
- Thôi, không lấy thì thôi, để cho người khác – thằng thứ hai dỗi.
- Làm gì mà nóng tính thế. Thôi được rồi, tiền đây. – Bình đưa tiền cho hai đứa.
Một vài chỗ khác cũng đang xảy ra cảnh mua bán chỗ như vậy. chúng nhận tiền rồi chạy biến đi. Từ trong bóng tối, vài đứa trẻ khác cũng lao theo. Vừa chạy chúng vừa hò reo sung sướng.
Hà trải tấm ni lông xuống cỏ, đặt chiếc túi vào gốc cây. Bình ngồi xuống. Hà sà luôn vào Bình. Anh ôm lấy mái đầu Hà. Bàn tay anh lùa xuống dưới mái tóc dày của cô. Anh hít một hơi dài như để cho hương tóc thấm sâu vào lồng ngực.
- Sao tóc em thơm thế?
- Em mới gội ban chiều.
Hai tay giữ hai bên má Hà, Bình say mê ngắm gương mặt xinh đẹp của cô. Cô ngả đầu vào ngực anh đầy thương mến. Đôi mắt cô dịu dàng tin cậy. Bình kéo những sợi tóc mai trên thái dương Hà xuống. Anh vòng những sợi tóc mềm đó qua cằm cô.
- Tóc mai của em rất dài, rất đẹp.
- Sao anh biết?
- Anh để ý nhiều cô gái khác, hình như họ không có tóc mai.
- Ứ, em em cấm anh để ý đến người khác đấy.
- Anh thấy không ai đẹp bằng em cả.
- Mặc kệ họ. Có em còn chưa đủ hay sao?
- Thôi, anh xin lỗi.
Bình ôm lấy Hà và hôn. Cùng lúc ấy, một bóng đen xuất hiện bên cạnh họ. Anh ta cầm điếu thuốc chưa châm trong tay. Thấy hai người đang hôn nhau, anh ta quay mặt đi. Lát sau quay mặt lại, anh ta lại thấy Hà đang hôn Bình. Anh ta liền huýt sáo. Một cô gái bước đến gần.
Nghe tiếng động, Hà vội dừng hôn. Hai người ngẩng lên, bắt gặp cái nhìn của anh ta. Không bỏ lỡ thời cơ, anh ta liền tiến lại.
- Xin lỗi, làm ơn cho châm điếu thuốc.
Bình miễn cưỡng lấy chiếc bật lửa, đánh ga lên. Anh ta chúm miệng, cúi xuống châm thuốc. Nhưng mắt anh ta hơi nheo nheo lại và chú ý vào Bình. Vốn cảnh giác và sợ trấn lột, Bình cũng nhìn vào anh ta. Qua ánh lửa, Bình thấy một gương mặt tròn, hơi đần, mái tóc cắt cao, hai má phinh phính như bánh đúc. Trên gương mặt đó có một nốt ruồi to bằng ngón tay út, màu lông chuột, nằm ở phía trên mép trái. Ánh mắt Bình mở to, lộ vẻ ngạc nhiên. Hình như anh nhận ra người quen. Anh chàng xin lửa cũng đã nhận ra Bình. Điếu thuốc vừa đỏ, vừa thở khóc thuốc ra, anh ta đã vội hỏi với một giọng mừng rỡ:
- Bình phải không?
Bình chưa kịp trả lời, anh ta lại tiếp:
- Không nhận ra à? Diên đây. Diên sửa chữa xe đạp kiêm bán xăng gần nhà đây. Bạn cũ hồi lớp ba mà không nhận ra à? Kém thế!
- À… à… - Bình lúng túng.
- Hút thuốc chứ? Làm điếu cho vui. Việt Nam tàn bạo đây. – Anh ta lấy thuốc ra mời Bình, giọng vẫn oang oang – Gớm, sao mà hôn nhau lâu thế! Chờ châm có điếu thuốc mà đứng đợi mỏi cả chân. À quên, phải làm quen đã chứ. Xin giới thiệu, đây là Loan, bồ tớ – xã viên hợp tác xã Thanh Dung. Còn ông, bồ là ai, giới thiệu đi chứ. Lúc nào hỏng xe, đến chữa không mất tiền.
- Đây là Hà, bạn mình. – Bình nói giọng bất đắc dĩ.
- Rất hân hạnh! – Diên chìa bàn tay hộ pháp sần sùi của mình ra đòi bắt tay Hà, mặc dù Hà không muốn. Nhưng Diên cứ chìa tay đón đợi. Bực mình, cô phải đưa tay ra. Diên cầm tay Hà rất lâu, cứ lắc lắc:
- Tay sinh viên có khác, mềm ra mềm. Mà ông Bình này, ông khách khí bỏ mẹ. Bồ cứ nói thẳng là bồ. Vợ con cứ nói thẳng là vợ con. Việc đếch gì cứ úp úp mở mở, bạn bạn. Bạn quái gì mà hôn nhau dai như lốp cao su. Phải không nào?
Anh ta mỉm cười nhìn thẳng vào Hà. Cô cúi xuống xấu hổ. Bình đứng ngây ra không biết làm thế nào… Loan cũng nhận ra sự vô duyên của Diên, cô kéo tay người yêu:
- Thôi đi anh, chúng mình đi. Để lúc khác.
- Yên. Em làm gì thế? Bạn bè lâu ngày gặp nhau, hút với nhau điếu thuốc mà em cũng không cho. Thế là thế nào? Hỗn! Này Bình, ông nhớ hồi lớp ba, cô Lê Hồng Nhung làm chủ nhiệm không? Nghĩ lại thấy chán ớn. Suốt ngày bắt bọn mình quét dọn đoạn đường từ cổng trường đến tận nhà vệ sinh. Gọi là đoạn đường em nuôi ha. Mà cuối cùng chẳng để làm gì cả. Chỉ để tranh giành với lớp 4B vị trí tiên tiến nhất trường… Hồi ấy ông là lớp trưởng, học giỏi có tiếng. Tôi còn nhớ một hôm cô Nhung viết cho ông bản báo cáo để ông đọc trước toàn trường. Chữ đoạn đường em nuôi thì ông lại đọc thành Đoạn đường con nuôi. Sau đó ông bị cô Nhung xạc cho một trận. Tôi nghĩ đó là lỗi của cô giáo chứ đếch phải lỗi của ông. Chữ cô Nhung viết ngoáy bỏ mẹ. Nhưng hồi ấy anh em mình hiền, đếch biết gì nên không ai cãi lại.
- Ừ… Ừ…. Bình đáp cho qua chuyện.
- Thôi, tạm biệt. Lúc nào rỗi, ghé nhà chơi. Bọn này cũng đang đi tìm chuồng. Chúc hôn nhau thắm thiết! – Diên vẫn nói to và chìa tay ra trước. Bình và Hà lại phải đáp lễ một cách miễn cưỡng mà không cho bạn mất lòng. Những đôi xung quanh thỉnh thoảng liếc nhìn và nghe cuộc đối thoại của họ.
Diên và cô gái đi rồi, Bình và Hà vẫn im lặng nhìn nhau. Một không khí nặng nề bao trùm lên họ. Hai người cảm thấy mệt mỏi.
- Bạn anh à?
- Anh cũng không hiểu nó là ai nữa.
Bình lại ôm lấy Hà và hôn. Nhưng đôi mắt anh cứ mở to, buồn bã. Anh nhắm mắt lại, tức thì cái gương mặt tròn, hơi đần với cái nốt ruồi to như ngón tay út nằm trên mép trái của Diên cứ như đang nhìn vào trong đầu anh. Bình không thể nào hôn tiếp Hà được nữa.
- Anh xin lỗi em. Môi anh lạnh quá.
Hà như hiểu tâm trạng Bình, cô dịu dàng vuốt ve gương mặt buồn trĩu của anh. Đúng lúc đó, một em gái chừng 8, 9 tuổi bê một cái mẹt bên sườn, đến bên họ.
- Anh chị có mua thuốc không?
- Không. – Bình trả lời dứt khoát.
- Mua mận vậy. Mận Vân Nam ngọt lắm.
- Không mua gì đâu. Đi đi. – Bình nói vẫn với giọng khó chịu.
- Hay mua bưởi. Bưởi đào ngon lắm.
- Đã bảo không mua gì. Đi chỗ khác. – Bình gắt.
- Anh không mua gì thì để chị mua. Chị thích gì nào?
- Chị cũng không thích gì. – Hà nhẹ nhàng trả lời.
- Đúng là sinh viên. Dân học bổng có khác! – con bé nói.
Chợt nhìn thấy ở bên cạnh một đôi đang cởi quần nhau, con bé liền bê mẹt quà chạy tới gạ.
Vừa thoát khỏi con bé bán hàng lì lợm thì từ xa có tiếng khóc vọng lại. Tiếng khóc thảm thiết, tức tưởi như trẻ con của một người con gái. Rồi cô gái ấy gào to giữa công viên: “Làm thế nào bây giờ anh? Trời ơi, bố mẹ em sẽ giết em, sẽ cạo đầu bôi vôi em. Trời ơi!”. Bình và Hà cùng nhìn về phía có tiếng khóc. Chỉ thấy một đốm lửa thuốc lá đỏ hồng… Hà sợ, cô nép sâu hơn vào ngực Bình. Rồi cô bỗng rùng mình một cái.
Tiếng khóc vọng lại càng gần. Thảm thiết hơn. Cay đắng hơn. Bình và Hà cùng nhìn thấy một thanh niên cao to cứ dửng dưng đi trước nhếch mép cười. Theo sau hắn là một cô gái đầu tóc rũ rượi. Vừa khóc đau đớn vừa vấp ngã dúi dụi.
- Bắt đền em đi!
Gã thanh niên vẫn lãnh đạm bước đi. Cái bóng cao to của hắn trùm lên họ. Hà co rum vào Bình. Lừng lững như con trâu, hắn đến gần hai người. Cô gái chạy theo, nhào đến, ôm vào chân hắn:
-Trời đất ơi, em chết mất, trời ơi!
Hắn hẩy chân như đá một mảnh ráy bám vào chân. Cô gái ngã vật xuống ngay bên Bình và Hà. Hà hoảng sợ, mặt tái xanh, run cầm cập. Bình xây lưng lại che cho Hà. Cô gái vẫn khóc thảm thiết, lại vùng dậy, chạy theo gã thanh niên. Hà vội ôm lấy Bình:
- Em sợ lắm. Về đi anh.
Vừa lúc đó, những ánh đèn pin ngang dọc chiếu qua họ rọi lia sang những đôi khác. Các đôi lứa trong công viên cùng hoảng hốt như bị điện giật, không dám tiếp tục làm tình nữa. Ba bọn người công an tay cầm đèn pin đi tuần. Họ dừng lại trước một đôi.
- Anh chị cho xem giấy tờ.
Bình và Hà vội chuồn ra ngoài. Bình vào lấy xe. Họ đứng với nhau bên lề đường, phân vân không biết đi đâu.
- Mấy giờ rồi? – Bình hỏi.
- Tám giờ. – Hà nhìn đồng hồ đeo tay.
- Đi đâu bây giờ?
- Em không biết. Tùy anh.
- Hay về nhà anh?
- Em ngại lắm.
- Đừng em. Phải quen dần đi. Nắng mưa thì giếng năng đầy, em năng đi lại mẹ thầy năng thương. Bây giờ đi đâu cũng muộn rồi. Lên Bờ Hồ hay Hồ Tây anh tin chắc cũng không còn chỗ nữa. Thôi, về nhà anh. Lâu lắm rồi em không đến.
- Một lát thôi nhé.
- Được rồi.
Phố nhà Bình mất điện. Nhà nào phía trong cũng tối om. Dân phố đổ hết ra vỉa hè hóng mát. Trẻ con chạy đuổi nhau huỳnh huỵch. Dưới đường, xe cộ đi lại như mắc cửi, còi bấm inh ỏi.
Mẹ Bình đang rán cá dưới bếp. Đó là một người đàn bà quãng ngoài 45, dáng người to béo.
Trong buồng tắm, chị Bình đang dội nước ào ào.
Ngoài cửa, bố Bình đang ngồi dửng dưng hóng mát.
Trước cửa nhà Bình bỗng xuất hiện ba vị khách. Họ ăn mặc theo kiểu nhà quê. Tay họ đeo những chiếc bị nặng trĩu. Trong ba vị khách đó, có một cô gái chừng 20 tuổi. Hai người còn lại là đàn ông, tuổi chừng 30-35. Một trong hai người đã say rượu. Anh đứng không vững, phải tựa vào người kia. Mặt người say rượu bì lại, môi trề ra. Đầu cúi gầm, mắt nhắm nghiền, tóc rủ xuống trán, áo phanh ra, cúc ngực không cài.
- Cháu chào bác ạ!
- Chào bác ạ! – Họ đứng trước cửa chưa dám vào.
Ông bố quay ra, nhìn khách, hững hờ:
- Hừ, ra đây hả? Sao đông thế?
Không mời khách vào nhà, ông xoay người gọi vọng vào trong:
- Bà nó đâu rồi, có khách kia kìa.
Im lặng.
- Bà nó đâu, có khách! – giọng ông nặng hơn.
- Khách nào? – Bà quát ra.
- Khách quê bà ra chứ còn khách nào đến cái nhà này nữa? Nhanh lên!
Mẹ Bình lật đật chạy lên nhà:
-Sao ra muộn thế các cháu? Vào đây.
- Dạ, chúng cháu ra sắm ít đồ. Muộn xe nên không về kịp. Rẽ vào đây định trọ nhờ hai bác một đêm. – Người đàn ông nói.
- Kìa, anh Ba làm sao thế? Cảm phải không? – Mẹ Bình hỏi.
- Dạ, chúng cháu rẽ vào tiệm cơm. Anh ấy uống nhiều rượu quá.
- Thế thì đặt lên giường đi.
Vừa lúc đó đèn điện trong nhà tự nhiên bừng sáng. Có điện rồi. Hoan hô – tiếng reo ngoài phố nổi lên.
Hai người khách đặt người say rượu lên giường. Nhưng họ đặt anh nằm ngược. Đầu quay về phía cuối giường. Người say rượu vô ý duỗi hai bàn chân cóc cách đầy bụi đặt lên hai chiếc gối trắng tinh. Hai ống quần cũng bươm ra trông nhức mắt.
Bố Bình thấy khác vào nhà, liền nhìn theo. Ông trề môi khinh bỉ rồi lại quay ra cửa.
Mẹ Bình pha nước mời khách. Bà ra gọi chồng:
- Ông vào uống nước với các cháu.
- Tôi không uống! – ông gắt.
- Uống một chén chào khách cho vui.
-Vui vẻ gì – ông lại ngồi chống cằm, mặt hậm hực.
Vừa lúc đó, từ trong nhà tắm, chị Bình gọi vọng ra.
- Mẹ ơi, giúp con tí!
Bà mẹ chạy vào, đến cửa buồng tắm:
- Việc gì?
- Khách ở quê ra hả mẹ?
- Vâng ạ. Tao khổ lắm. Cứ thấy họ ra là bố mày mặt sưng mày sỉa.
- Thì mặc bố. Ai ra hả mẹ?
- Anh Đình chị Đường. Anh Đủ thì say rượu.
- Chị Đường ra à? Hay quá! À, mẹ lấy cho con cái áo trong. Con quên mất.
- Ở đâu?
- Trong ngăn tủ phía trên ấy.
Bà mẹ vào lục tìm. Lát sau trở ra.
- Không có cái áo trong áo ngoài gì hết. Tao lục tung cả r ồi.
- Mẹ thử xem lại xem. Con hay để chỗ đó mà.
- Con gái con đứa gì hăm bảy hăm tám tuổi đầu rồi, đi tắm còn quên áo trong. Vô tâm như thế chả trách không ai nó nước đi là phải… Thôi, lấy tạm áo tôi mà mặc.
- Trời, áo mẹ rộng và cứng như cái dây bảo hiểm, con mặc sao được!
Nhưng bà mẹ vẫn ném cái áo của mình và cô con gái vẫn đỡ lấy.
Chị Bình mặc áo xong, đẩy cửa bước ra. Mẹ Bình liếc mắt theo. Bà thấy trên lưng con gái còn một mảng trắng bám đầy bọt xà phòng. Bà kêu lên:
- Trời đất ơi, tắm táp gì mà còn bọt xà phòng đầy trên lưng thế kia?
- Ôi, con dội không kĩ. Mẹ lau hộ con.
Lúc này, Bình và Hà cũng vừa về đến nhà. Họ bước vào.
Thấy hai người khách đang ngồi trơ ra với nhau, Bình bật tivi. Trên màn ảnh xuất hiện hình ảnh nhà thôi miên Ka-xpi-rốp-xki đang thực hiện chương trình chữa bệnh. Ngay lập tức Bình bị cuốn hút ngay. Anh vỗ tay vào đùi rồi reo lên sung sướng.
Bố Bình đang đứng bên giường căm giận nhìn đôi chân bẩn thỉu thô kệch của đủ đặt lên hai chiếc gối trắng. Ông hậm hực chề môi ra. Ông muốn dùng tay bê hai bàn chân gớm ghiếc ấy xuống nhưng lại sợ bẩn nên cứ lúng túng. Ông liền bỏ xuống bếp.
Chị Bình đang ríu rít khoe quần khoe áo với Đường. Chị đang đứng trước gương với bộ quần áo rất mốt nhưng không hợp lắm với chị. Mồm chị liến thoắng:
- Chị Đường xem này, hết sức chuẩn nhé. Chỗ này thật ốp vào eo. Mặc rất sướng, như có ai đang ôm mình ấy.
Rồi chị uốn éo, hết xoay phải lại xoay trái. Nét mặt hân hoan, chị luôn tự khen mình đẹp. Đường cứ phải khen theo. Chị Bình vụt biến đi. Lát sau lại xuất hiện trong một bộ quần áo khác. Lại đứng trước gương làm duyên làm dáng hệt như một cô gái đang trình diễn mốt. Đường cúi lại gần, tay đưa ra định sờ vào tà áo:
- Xem vải gì nào?
- Chết, đừng động vào – Chị Bình giãy nảy lên.
Ka-xpi-rốp-xki đã gặp được bệnh nhân của mình. Đỉnh ngồi như ôm lấy tivi, bắt chước nhà thôi miên từng động tác. Họ như hai người câm đang nói chuyện với nhau. Bình chạy đến vỗ vai:
- Anh bị bệnh gì thế?
Đỉnh không nghe thấy gì, vẫn phồng mang trợn má tiếp tục, Bình thấy tức cười, phải đấm anh ta một cái thật đau.
- Bệnh gì?
Đỉnh giật mình, trợn mắt nhìn Bình, miệng ấp úng:
- Cái… cái gì?
- Anh bị bệnh gì?
- Người… người ta… ta… đồn ông… ông này chữa được bách bệnh. Tôi… tôi… bị… bệnh viêm…. viêm màng…. màng túi….
Bình bật cười:
- Đúng là hai ông điên, vớ được nhau có khác.
Một khoảnh khắc nào đó, trong nhà chợt im ắng. Chỉ vang lên tiếng ngáy của người say rượu. Âm thanh đó lúc rền lên, lúc òng ọc, òng ọc như rượu dốc ngược từ chai xuống.
Dưới bếp, bên chảo cá, bố mẹ Bình đang trình diễn một màn kịch vui. Họ nói với nhau rất gay gắt. Tay vung lên, chân giậm xuống, mắt trợn tròn như cùng muốn nhảy bổ vào nhau. Giọng họ rít lên nhưng cứ phải kìm xuống vì sợ khách trên nhà nghe thấy.
BỐ: Đấy bà xem, toàn những khác ở quê bà ra. Từ đầu năm đến nay, mấy chục lượt rồi?
MẸ: Họ nhỡ tàu nhỡ xe mới phải vào nhà ông xin nghỉ nhờ chứ. Sao ông cứ thấy họ là cái mặt lạo quàu quạu như quạ mổ thế kia? Tưởng thế là hay lắm phỏng? Giỗ tết ông về quê thì ngủ đâu? Gốc rạ phỏng?
BỐ: Tôi không bao giờ thèm về quê bà. Cái đất khỉ ho cò gáy quàng quạc chó ăn đá gà ăn muối ngoem ngoém. Trời ơi, đêm nay tôi sẽ ngủ đuâ? Bà lên mà xem, hai cái bàn chân như hai cái vồ đập đất bãi ngoài đê của nó thượng cả lên hai chiếc gối trắng tinh của tôi với bà. Bà có lên hất ngay cái của nợ ấy đi cho tôi không?
MẸ: Tôi không lên. Hất nó ra rồi mình lại mang tiếng là đuổi khách. Khi về làng, nhục lắm ông ạ.
BỐ: Tôi căm thù cái tục lệ ở bên quê nhà bà. Thật đúng là cái dân bảy đời húp nước gạo.
MẸ: Ai cho phép ông xúc phạm đến làng tôi như thế hả? Tôi nói cho ông biết, nó húp nước gạo còn ngời ngời hơn cái dân làng ông nghìn lần. Cái thứ ăn không nên đọi, nói không nên lời… (bà gắp con cá lên) – Hí hí, con cá của người ta phây phây rành rành ra thế này, mà cứ một mực cãi là con tép. Cái gì cũng gọi là tép. Con ba ba gọi là con tép dĩa ư, con lươn gọi là con tép dây ư, con cá quả gọi là con tép chầy à. Cái làng ông bảy đời cắm đầu đi xúc tép là phải.
(Bình và Hà đứng ngoài sân cười tủm tỉm)
BỐ: Bà câm mồm đi. Cái đồ bảy đời húp nước gạo.
MẸ: Ông câm họng đi. Bảy đời chổng mông xúc tép. Tôi vô phúc vớ phải ông nên bây giờ tôi mới sung sướng thế này đây. Không húp nước gạo thì lấy gì nhét vào mồm miệng bố con nhà ông? Tôi lấy ông, ông có cái gì? Trên răng dưới cắt túi!
BỐ: Thưa với bà, đời hạnh phúc chỉ cần hai cái đó thôi.
Bình và Hà liền kéo nhau ra phố. Hai người đứng lặng im dưới gốc sấu.
Bình: Anh buồn lắm. Thoát khỏi cái nhà này sớm ngày nào hay ngày đó.
Hà: Ở nhà em cũng vậy. Em cũng không muốn ở nhà chút nào.
Bình: Thời buổi khủng hoảng gia đình.
Hà: Bao giờ thì chấm dứt?
Bình: Đến thế hệ chúng mình.
Hà: Chúng mình sẽ không bao giờ cãi nhau trước mặt con.
Bình: Chúng mình phải xây dựng một kiểu gia đình khác.
Hà: Chúng mình chẳng được gì. Chỉ được toàn bất hạnh.
Bình: Mai em học sáng hay chiều?
Hà: Chiều, còn anh?
Bình: Mai bọn anh sẽ phải kiểm tra sức khỏe. Hà ơi, thế này được không. Mai anh đã mượn phòng của bọn con trai trong lớp từ 12 đến 14 giờ. Em thấy thế nào?
Hà: Họ có đồng ý không?
Bình: Xong hết rồi. Mai em ở nhà. 11 giờ rưỡi anh sẽ đến đón em?
Hà: Em đợi.
Nhà y tế của trường.
Sinh viên đang xếp hàng dưới nắng chờ khám sức khỏe.
Bình chạy tới, chen lên đầu, nói nhỏ với một đứa bạn:
- Cho mình vào trước nhé.
- Phải xếp hàng chứ.
- Thông cảm. Trưa nay tớ bận.
- Bận gì. Khai ra.
- Bận chứ còn bận gì.
- Này, thôi đừng giấu nữa. Thi đấu phải không?
- Đứa nào bảo thế?
- Chúng nó biết hết cả rồi. Nhưng không sao. Chỉ có mấy chiến hữu thôi. Bọn này sẽ giữ kín cho. Bảo đảm tuyệt mật 100 phần 100.
- Cảm ơn. Bình bắt tay nó.
Cửa bỗng mở. Từ trong phòng bước ra 5 chàng sinh viên. Mặt mày rạng rỡ, ai cũng cười tủm tỉm.
- Khám gì đấy? – Bình hỏi.
- Vào thì biết.
Một ông bác sĩ bước ra.
- Tiếp theo – 5 người.
Bình và 4 cậu nữa bước vào. Trong phòng, ngoài bác sĩ ra, còn có một cô y tá rất trẻ. Cô ngồi sau bàn.
- Cởi quần áo ra! – bác sĩ ra lệnh.
Mọi người ái ngại cởi quần áo ngoài. Bác sĩ bảo Bình:
- Lại đây!
Bình bước đến gần. Anh mặc quần đùi.
- Ngồi xuống! – ông chỉ vào cái ghế trước mặt.
Bình lặng lẽ ngồi.
- Nhìn vào tôi đây! – bác sĩ ra lệnh.
Bình làm theo. Trong lúc đó bác sĩ cầm chiếc búa cao su gõ nhẹ vào đầu gối Bình.
- Ối! – Bình giật nảy người lên.
- Tốt! Người khác.
Sau đó ông bảo cả bọn đứng lên một cái bục.
- Xếp hàng vào – bác sĩ nghiêm giọng.
Cả bọn làm theo. Lại một mệnh lệnh nữa:
- Cởi hết quần đùi ra.
Cả bọn lưỡng lự, liếc nhìn cô y tá. Cô giả vờ cúi xuống ghi gì vào sổ nhưng cô giấu nụ cười, mắt liếc họ một cách tinh nghịch.
- Cởi ra nhanh lên.
Bác sĩ tụt quần một người rồi vỗ vào đùi người đó:
- Thế này có gì mà khó!
Cả bọn đỏ mặt cười. Cô y tá mặt giả vờ nghênh lên không cười. Những người còn lại đồng loạt cởi ra.
- Bên phải, quay!
Cả bọn như người máy, răm ráp tuân lệnh. Cô y tá liếc họ nhanh một cái rồi ghi vào hồ sơ những kí hiệu.
- Bên trái, quay!
Năm thân hình lại chuyển động. Mắt cô y tá lại nhìn lên.
- Chạy tại chỗ! Một! Hai! Ba! Bốn! Năm!
Cả bọn thực hiện y lệnh.
- Thôi!
Bác sĩ đeo kính vào, lom khom đi kiểm tra từng “bộ ấm chén” của các cậu ấm. Dừng lại trước một người, bác sĩ tháo kính ra lau rồi đeo lại. Hai mắt kính như hai mắt cú vọ.
- Tại sao một bên to một bên bé quá cỡ thế này?
Người kia vẫn còn đang thở. Bình đỡ lời:
- Chắc sợ quá!
Cô y tá quay ra cửa sổ cười đỏ mặt.
- Mặc quần áo vào!
Chàng lia liền đến bên bác sĩ, nói như khóc:
- Thưa bác sĩ, cháu… cháu có được đi không?
- Để xem đã. Muốn cho hai bên bằng nhau, trưa nay gặp tôi.
Hà từ buồng tắm bước ra với bộ đồ mùa hè nhẹ nhõm. Cô đứng trước gương xõa tóc chải đầu. Căn phòng chật hẹp đầy những giường, tủ, bàn ghế… Hà đứng giữa những đồ vật, nổi bật như một bông hoa loa kèn khiến căn phòng như rộng thêm ra.
Ngoài ngõ, Cường và Nam, hai em trai của Hà đang chơi những trò chơi tinh nghịch cùng với mấy đứa trẻ hàng xóm. Chúng lấy chỉ buộc vào tờ 2000 đồng còn mới rồi phơi ra ngõ trên lối đi. Rồi chúng giả vờ ngồi chơi bi cách đó không xa.
Một cô bé học trò chừng 13 tuổi quàng khăn đỏ đang đi tới. Cô bé đeo kính cận.
Lũ trẻ liếc nhìn, hồi hộp theo dõi:
Gió thổi. Đồng tiền lay động, lấp lánh dưới nắng hè.
Cô bé nhìn thấy tiền, nước nhanh lại. Nhìn trước nhìn sau không thấy ai, cô từ từ cúi xuống. Cường từ từ kéo sợi chỉ. Đồng tiền trôi về phía lũ trẻ. Tức thì tiếng cười, tiếng hét rộ lên.
- Ê… ê… ê… tham tiền!
Cô bé xấu hổ đỏ mặt, chạy biến đi.
Bọn trẻ khoái chí, lại chơi tiếp. Lần này chúng đặt ra đường một gói giấy vuông vắn, buộc thun cẩn thận.
Phía xa xuất hiện một ông già, tay xách túi như mới ở chợ về.
- Chú ý. Mục tiêu xuất hiện.
Một con cún chạy tới, ngửi vào gói đồ. Một viên gạch nhỏ ném tới trúng chân con chó. Nó kêu ẳng một tiếng rồi chạy đi.
Ông già bước lại gần. Ông đi qua gói đồ rồi nhưng lại quay lại. Ông nhìn nó rồi cúi xuống nhặt.
Cường kéo chỉ. Gói đồ lóc cóc chạy về. Tiếng cười rộ lên:
- A… a…. a….
- Tiên sư con nhà mất dạy. Dám trêu cả người già!
Cả bọn chạy biến đi. Cu Năm bé nhất chui tọt vào nhà. Ông già chạy theo Nam.
- Ông giết! Ông giết!
- Chị Hà, cứu em với! – Nam chạy nhào vào Hà, mặt tái xanh.
Hà bước ra cửa. Ông già cũng vừa xộc đến. Đối diện với một cô gái xinh đẹp, ông như sững lại. Ông đổi giọng:
- Chào cô gái.
- Dạ, cháu chào ông. Có chuyện gì thế ông?
- Tôi nói, cô bỏ qua. Thằng bé kia, cô giữ nó trong nhà. Đừng cho ra ngoài lêu lổng với lũ trẻ kia hư thân mất nết. Thôi, chào cô, tôi về.
- Dạ, cháu xin ông. Mời ông vào xơi nước đã.
- Thôi, để khi khác.
Hà quay vào hỏi Nam:
- Em làm gì ngoài đấy?
- Dạ, em không làm gì. Anh Cường anh ấy…
- Anh Cường đâu?
- Dạ, em đây – Thằng anh từ khe cửa bước ra. Nó nấp ở đấy từ bao giờ.
- Em làm gì ngoài đấy?
- Em thử xem có ai trung thực không.
- Kết quả thế nào?
- Không có ai trung thực cả.
- Sao vậy?
- Vật lạ ở đường, không phải của mình mà từ già đến trẻ, ai đi qua trông thấy cũng nhặt.
- Em thì sao?
- Em không nhặt.
- Vì sao?
- Vì không phải của em.
- Thôi, đừng lí sự nữa. Đi học đi.
- Chị Hà, viết hộ em cái nhãn vở.
- Nào đâu? Đưa đây? Trường?
- Kim Đồng.
- Lớp?
- 5 B.
- Vở?
- Chính tả.
- Họ tên?
- Trần Kiên Cường. Chị Hà này, sao em họ Trần mà chị và em Nam lại họ Phan?
- Em là con bố khác.
- Tại sao thế?
- Trước kia bố em lấy mẹ em rồi sinh ra em. Em mang họ bố em là họ Trần. Sau này, mẹ em lấy bố chị. Bố chị họ Phan. Em hiểu rồi chứ?
- Thế bố em bây giờ ở đâu?
- Chị không biết. Hình như ông ấy lấy vợ khác trong Sài Gòn rồi.
- Thôi được, lớn lên em sẽ đi tìm. Bây giờ em đi học đây. Cho em hai trăm để chơi điện tử.
- Cầm lấy – Hà đưa cho nó. Cường giả làm máy bay bay vút đi.
- Ứ, em cũng phải được. – thằng Nam vòi theo.
Ngoài ngõ có tiếng xe máy. Biết Bình đến, Hà liền cho Nam tiền. Thằng bé reo lên:
- Cho em đi chơi một tí!
Bình đỗ xe trước cửa. Anh chạy vào:
- Chuẩn bị xong chưa?
- Anh uống nước đã. Em pha sẵn cho anh cốc nước chanh rồi đây – Hà đưa cho Bình cốc nước. Bình đỡ lấy.
- Anh vừa gặp hai đứa ngoài đường. Bố và dì đâu em?
- Đi vắng hết.
Bình liền đặt cốc nước chanh vừa tu hết xuống và chạy đến bên Hà. Hai người liền ôm hôn nhau. Họ di chuyển từ tủ ra bàn, ghế đổ lổng chổng, cốc vỡ, nhưng họ mặc, cuối cùng đến giường. Một cái giường duy nhất trong nhà. Bình vừa đặt Hà lên giường. Anh lấy chiếc gối kê lên đầu cho Hà. Chợt từ trong vỏ áo gối rơi ra mấy chiếc bọc đựng bao cao su còn mới. Hà chợt biến sắc mặt. Cô chồm dậy:
- Anh Bình, không nên.
- Vì sao vậy? – Bình ngạc nhiên.
- Chúng mình không nên ở chỗ này.
- Nhà vắng có ai đâu? Sao em lạ thế?
- Anh biết không, đây là giường ngủ của bố với dì. Em không thể…
- Anh hiểu. Anh xin lỗi. – Bình rời Hà ra.
Hai người sửa lại quần áo và xếp lại giường chiếu như cũ. Hà hỏi:
- Ngoài đường có nắng không anh?
- Hôm nay 39 độ Nhanh lên em. 12 giờ 17 phút rồi.
Hà khóa cửa rồi nhét chìa khóa vào cái hốc bên cạnh.
Chiếc xe lao vút đi. Trời Hà Nội nắng gay gắt. Cây cối đứng im. Con bò kéo xe mệt mỏi, miệng sùi bọt mép. Sau lưng nó, một xe gạch đầy. Người đánh xe cầm chiếc ba toong vụt như điên vào lưng con bò, miệng thét như điên nhưng con bò vẫn không nhúc nhích. Từ đôi mắt rất đẹp của nó ứa ra những giọt lệ đục ngầu.
Chiếc xe chở hai người vẫn lao đi. Trước mặt họ, mấy đứa trẻ nhảy bằng một chân qua đường vì nhựa đường lõm dưới chân. Một thằng bé cúi xuống giữa đường cạy nhựa nóng bám vào chân.
Bỗng phía trước, người và xe như dồn lại. Bình phóng đến nơi.
- Chuyện gì thế? – Bình hỏi.
- Tắc đường. – Ai đó trả lời.
Bình dắt xe máy cố nhích lên từng bước. Chàng ngước nhìn trời. Ống khói nhà máy nào phun lên trời luồng khói đen đặc. Trên những dây điện chăng ngang đường, những cánh diều giấy của trẻ con mắc vào đó như những bàn tay kêu cứu. Trên một đống gạch chất bên hè, hai đứa bé, một trai một gái, đang chơi tam cúc. Chúng chừng 6-7 tuổi. Khuôn mặt chúng bị bôi râu trông rất ngộ. Cách đó không xa, một máy nước ai vặn mất vòi, nước cứ tuôn ra ồng ộc. Mấy cô gái đang thản nhiên ngồi giặt đủ các loại quần áo. Người qua đường tranh thủ ngả nón ra hứng, ngửa cổ tu ừng ực. Nước tràn xuống cổ, xuống áo. Ngực họ tràn trề đẫm nước.
Bình cố đẩy xe lên sau khi nhìn đồng hồ. Bỗng anh va phải một người phụ nữ. Bà ta liền tru lên:
- Mắt mù à? Đi đâu mà như ăn cướp thế?
- Em xin lỗi. – Bình nói.
- Xin lỗi cái con khỉ. Tiên sư đồ khốn nạn. Gãy cha nó đùi bà rồi đây!
- Chị bảo ai là đồ khốn nạn? Tôi đã xin lỗi rồi cơ mà.
- Tao bảo mày đấy. Muốn đánh nhau hả? Con này chơi liền – Chị ta tháo dép, vứt xe đạp sang bên. Chiếc xe đổ vào người khác một cách tự do.
- Thôi, thôi, em xin lỗi chị – Hà can chị ra. Một người khác tiếp:
- Xin các ông các bà. Trời nóng, đường đã nóng lại tắc. Lại thêm cái tính Trương Phi nữa thì vỡ thành phố mất thôi. Xem kìa, đã dễ thở rồi đây!
Đám đông dần dịch chuyển. Đường đã được khai thông. Bình và Hà lên xe. Nhưng lại xảy ra một sự cố nữa: xe không nổ máy. Mặt Bình đẫm mồ hôi. Thử thế nào chiếc xe vẫn trơ ra. Nét mặt Bình nhăn lại vì đau khổ. Hà nhìn Bình. Giọng cô se lại:
- Anh Bình, đừng nhăn mặt thế anh. Em khổ lắm.
Nhưng mặt Bình vẫn thế. Anh dắt xe đến một cửa hiệu.
- Bác chữa cháu cái xe.
- Anh để đấy – Người đàn ông dáng chừng mới về hưu, nét mặt đôn hậu nói.
Một cô bé mang đến cho họ hai chiếc ghế:
- Cảm ơn em. – Hà nói.
Bình rút khăn ra lau mồ hôi.
- Bác có nước trắng cho cháu xin một cốc.
- Có ngay. Hoa đâu, lấy cho anh chị cốc nước con.
Cô bé bưng ra một cốc chè xanh.
- Cảm ơn em. Hà nói rồi đưa cho Bình – Anh uống đi.
- Em uống trước.
Hà nhấp một chút rồi đưa cho Bình. Anh uống từng ngụm:
- Em còn tiền không?
- Dạ, em bỏ trong túi xách.
Bình bước đến người chữa xe:
- Dạ, cháu xin lỗi bác. Bác đừng chữa nữa. Bọn cháu không mang đủ tiền.
- Xe anh hỏng. Tôi chữa. Lúc nào có trả sau cũng được. Xong rồi đấy, xem.
Bình thử máy. Chiếc xe nổ giòn. Anh bước lại, chìa thẻ sinh viên ra:
- Xin lỗi bác, đây là thẻ sinh viên của cháu. Bác giữ lấy, mai cháu đến chuộc lại.
- Không cần. Tôi coi các anh chị như con. Tôi giữ thẻ sinh viên làm gì. Đến trường đi kẻo muộn giờ.
-Dạ, cháu cảm ơn bác.
Bình và Hà phóng xe đi. Hà hỏi:
- Mấy giờ rồi anh?
- 2 giờ kém 15.
Họ đến kí túc xá nhưng chỉ còn 5 phút nữa là hết giờ qui định. Bình và Hà mở khóa bước vào phòng. Mệt quá, anh nằm lăn ra giường. Hà lấy khăn mùi xoa lau mồ hôi trên mặt cho anh. Rồi cô cúi xuống hôn.
- Anh mệt lắm phải không?
- Không còn thời gian nữa, em ạ. Còn 2 phút nữa là hai giờ rồi. – Bình nhìn Hà với ánh mắt đau khổ. – Anh xin lỗi em.
- Anh đừng nói thế. Em yêu anh.
Lúc này, bên ngoài hành lang, các chàng sinh viên đã tụ tập trước cửa. Họ nhìn nhau.
- Hai giờ chưa?
- Hai giờ 43 phút 19 giây.
- Mày gõ cửa đi.
- Mày. Tao ngại quá.
- Đứa nào bạo tay gõ đi. Cả trưa hôm nay ngồi ê mông ở quán rồi..
- Bọn mày còn được ngồi quán. Tao phải ra nhà C, kiến đốt đầy chân. Thôi, để tao gõ.
Chàng trai vừa nói vừa gõ cửa. Bình nói vọng ra:
- Vào đi.
Cả bọn kéo vào. Gặp Hà, chúng lúng túng:
- Chào chị.
- Chào bạn.
- Vâng, chào các bạn. – Hà mỉm cười.
Thấy Bình mặc áo sơ mi không cài cúc, còn ướt mồ hôi, cả bọn nhìn Bình với anh mắt tinh nghịch. Hà cảm thấy xấu hổ, lặng lẽ bỏ ra. Cả bọn tấn công:
- Thế nào, mấy choác?
- Làm việc ghê quá. Áo ướt đầm thế kia!
- Người yêu xinh quá. Ông anh mệt là phải. Lưng còn đau không?
- Làm việc tại giường nào đây? Tôi phải đi kiểm tra xem có dấu vết gì không. Đêm ngủ, kiến lên đốt bỏ mẹ. – Một cậu đi lục chăn gối lên.
- Mẹ, đường tắc, xe máy lại hỏng. Tôi vừa mới đến xong. Tay còn đầy dầu mỡ đây này. – Bình chìa hai bàn tay đen nhẻm ra. – Giờ ai có tiền cho mình vay để trả ông chữa xe. Mai đưa lại ngay.
- Trời, Bình, thật thế à? Sao cậu không ghi giấy ở cửa để bọn này không về vội?
- Thôi, để khi khác. Cảm ơn.
***** thiếu trang 22 *******
- Cẩn thận không tai nạn bây giờ. – Bình nhắc.
Xe rẽ vào phố Tràng Tiền. Bình hỏi:
- Em thích ăn kem không?
- Tất nhiên. Trong mơ em cũng thấy mình được ăn kem.
- Anh rất yêu những cô gái thích ăn kem.
- Ứ, như thế không được đâu. Anh biết không, tất cả các cô gái đều thích ăn kem đấy.
- Nhưng anh chỉ yêu một. Cô gái ấy tên là Hà.
- Hà Nội có bao nhiêu cô gái tên Hà.
- Hà của anh tên là Phan Thị Diễm Hà.
- Gì nữa?
- Sinh ngày 15 tháng Năm năm 19…
- Gì nữa?
- Là sinh viên khoa…
- Gì nữa?
- Cô Hà ấy có một nốt ruồi ở… - anh ghé tai Hà nói, ánh mắt tinh nghịch.
- Ứ, em bắt đền anh đấy. – cô đấm vào lưng Bình.
- Thôi, được rồi, để anh bắt đền. – Bình chạy sang mua ba chiếc kem rồi đưa cho Hà hai.
- Em xin… Kem ngon quá. Ra nước ngoài anh có nhớ Hà Nội không?
- Rất nhớ. Nhớ buổi chiều nay. Nhớ em, nhớ Hà Nội có kem Tràng Tiền.
Chiếc xe của họ rẽ vào cuối pố và dừng lại trước một khu nhà cao, trước cửa có vườn cây xanh mát. Bình lại chìa tay cho Hà. Hà ngước nhìn lên tấm biển lớn:
VIỆN BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM
Một đoàn khách nước ngoài từ bảo tàng bước ra.
Bình và Hà đi vào. Bà gác cổng hỏi:
- Anh chị đi đâu?
- Chúng cháu muốn tham quan viện bảo tàng – Bình trả lời.
- Anh chị từ đâu đến? Việt kiều về nước à?
- Không, bọn cháu ở Hà Nội.
- Ở Hà Nội? Thế anh chị là ai?
- Dạ, bọn cháu là sinh viên.
- Sinh viên?
- Vâng. Sao cơ ạ?
- Ồ, sinh viên bây giờ ban ngày dạo chơi trên phố. Tối đến vũ hội, thời gian đâu mà đến bảo tàng. Anh chị chọn nhầm chỗ rồi đấy…
- Không đâu. Bọn cháu chọn đúng chỗ lắm. – Bình trả lời – Bà biết không, bọn cháu sắp ra nước ngoài du học. Trước khi đi, cháu muốn vào tham quan bảo tàng để tự hào về 4000 năm lịch sử của Tổ quốc.
- Ồ, quí hóa quá. Đúng là những sinh viên chân chính. Hết sức chân chính. Những hạt giống đỏ của tương lai. Hạt giống đỏ. Nếu gieo trên nền xi măng chắc cũng nảy mầm được. Các cháu biết không, Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: Thanh niên là trụ cột nước nhà, phải luôn luôn được giáo dục và bồi dưỡng bằng những bài học truyền thống. Mà tôi thấy thật lạ, thanh niên rất ít khi lai vãng đến đây. Này các cháu có đọc các trước tác của Mác, Ăng-ghen, Lênin, Mao Trạch Đông, Bác Hồ không?
- Dạ, dạ, chúng cháu có – Hà đỡ lời.
- Đúng, phải đọc hàng ngày các cháu ạ. Đọc để không bị mù quáng trước những diễn biến trên thế giới. Như tôi đây, ngày nào cũng đọc. Vừa bổ ích vùa không phải lo nghĩ gì. Hôm qua tôi nghe đài…
- Thưa bà, bà cho phép chúng cháu vào ạ. – Bình ngắt lời bà già thuyết lý.
- Ồ, các cháu quý hóa quá. Vào đi.
Một phụ nữ xinh đẹp bước ra.
- Chào các bạn, các bạn có cần phiên dịch không?
- Dạ, cảm ơn chị, tự bọn em cũng được. – Bình đáp.
- Chúc các bạn có cuộc tham quan thú vị.
Không khí trong bảo tàng tĩnh mịch. Chỉ có đây đó những ông già ngồi nghiên cứu. Họ vừa soi kính lúp vừa ghi chép. Bình và Hà chốc chốc lại hôn nhau. Nhưng càng đi sâu và trong, không khí trang nghiêm của bảo tàng càng cuốn hút tình cảm của họ. Những đồ vật im lặng nhưng như chứa đựng những linh hồn vô hình. Nét mặt Bình trở nên trang nghiêm. Hà cảm thấy hơi sờ sợ, cô nép vào Bình. Đôi mắt họ nhìn vào những đồ vật xung quanh. Chúng lạnh lẽo mà trang trọng. Bước chân họ dừng lại bên các tủ kính trưng bày hiện vật. Xung quanh tĩnh mịch. Chỉ có tiếng bước chân họ chốc chốc lại vang lên một cách ngập ngừng. Hà ngồi xuống ghế nghỉ. Bình đứng khoanh tay nhìn xung quanh.
Rồi Bình bước đi. Hà im lặng bước theo sau. Những bộ xương người vượn nhìn theo họ. Đến một gian phòng khác, Hà ngồi xuống chiếc ghế dài thì một con chuột chạy vút qua. Cô sợ quá lao đến Bình:
- Ôi, em sợ quá!
- Gì thế em?
- Con chuột.
- Nó đâu?
- Vừa chạy qua chân em.
- Thôi, bình tĩnh. Đừng sợ em.
- Mình ra ngoài đi.
- Ừ. Ở đây như nghĩa trang ấy.
Đường phố về khuya vắng vẻ. Mưa lâm thâm. Những ngọn đèn hiu hắt. Mẹ Bình ngồi trước cửa đợi con.
Bình đng phóng xe trên phố. Quần áo anh đã ướt. Anh rẽ về phố nhà mình. Thấy Bình về, mẹ vội nhường chỗ, đứng lên cho Bình dắt xe vào.
- Mẹ chưa đi nghỉ ạ.
Bình cởi áo, treo lên. Bà mẹ giọng hầm hầm:
- Mày lại đi chơi với con Hà phải không?
- Đây là việc của con.
- Tao đã cấm mày không được yêu đương nó kia mà… Mày sắp đi rồi, sang đó thiếu gì gái đẹp mà phải yêu nó cho khổ.
- Đây không phải là chuyện của mẹ. – Bình ngồi vào bàn, lấy sách ra đọc.
- Mày yêu đứa nào thì yêu nhưng không được yêu con Hà. Mẹ nó với bố nó ly dị nhau. Con gái sẽ lặp lại cuộc đời của mẹ nó cho mà xem.
- Mẹ cứ lo chuyện của mẹ đi. Chuyện của con, con có trách nhiệm.
- Bình, tao đã nuôi mày từ tấm bé nuôi đi. Tất cả tình thương tao đã dành cho mày. Lớn lên mày phải biết thương bố thương mẹ trước đã.
- Mẹ nói nhiều lắm rồi. Mẹ để con yên. Con xin mẹ.
- Cá không ăn muối cá ươn. Dạy mày như nước đổ đầu vịt. Ăn cơm làm gì cho phí của giời đi.
- Thôi khuya rồi, mẹ để cho con yên.
- Tao nói cho mày biết. Từ giờ con Hà cứ vác mặt đến là tao đuổi cút. Cái ngữ thấy người sang bắt quàng làm họ à!
Bình vẫn cúi đầu đọc.
- Mày phải hứa với tao đi. Không được yêu con Hà nữa. Trời ơi, học hành gì mày, văn chương chữ nghĩa bề bề, để cho ám ảnh mẩn mê…
Không chịu đựng nổi nữa, Bình vứt quyển sách xuống bàn khoác áo vào, dắt xe phóng ra cửa dưới trời mưa ban đêm.
Cả nhà Hà ngủ trên nền nhà. Hai đứa nhỏ mặc quần đùi, nằm ngủ ngon lành giữa bố mẹ.
Hà đang mơ. Sau cơn mưa, những giọt nước đang đọng trên lá cây.
Một bờ vai con gái sau khi tắm lấp lánh những hạt nước đọng lại như những hạt cườm.
Những chú chim bồ câu trắng muốt đứng dưới nắng sau mưa bồng bềnh, chuốt lại những nếp tình yêu vương vấn trên đôi cánh như bông.
Một cây phong đỏ xa lắc trong chiều sau mưa, bên kia sông.
Bờ bên này, hai người con trai và con gái đang tiễn đưa nhau.
Dòng sông nằm tỏa hơi như chẳng bận nghĩ điều gì.
Bỗng người con trai ôm ghì lấy Hà hôn quằn quại.
Cây phong vẫn đỏ, đỏ thắm trong chiều.
Hà đưa tay bứt một cái lá đỏ trao cho chàng trai. Bỗng cô thấy tay mình như bị ai giữ lại. Hà cố giằng tay ra nhưng không được. Cô mở mắt. Bỗng thấy tay mình bị hai quyển từ điển đè vào. Hà tỉnh giấc, rút tay ra. Cô chợt nhìn sang bên. Một hình ảnh đập vào mắt cô. Bố cô đang nằm trên mình vợ. Hai người đều không áo quần. Gương mặt Hà sửng sốt, vừa xấu hổ vừa lo âu. Cô từ từ nhắm mắt xoay mình sang phía khác.
Bình phóng xe lang thang khắp thành phố trong đêm. Anh dừng xe trước cửa hàng một người bạn. Đó là một ki-ốt nằm bên đường. Người bạn ngồi trước cửa.
- Chưa đóng cửa hàng à?
- Bình hả? Vào uống nước đã.
- Có cà phê không?
- Lúc nào cũng sẵn. Sao trông mặt buồn thế? Bồ đá phỏng?
- Làm ăn thế nào?
- Bình thường.
- Thời buổi này nhất ông. Có cửa hàng là thành ông chủ.
- Uống đi mà thức học bài.
- Ông ở đây một mình à? – Bình quan sát ki-ốt.
- Thế còn ai nữa. Tuổi còn trẻ, đừng vội lấy vợ mà đánh mất hạnh phúc.
- Đêm ngủ ở đây à?
- Tất nhiên. Phòng ngủ hết ý. Vào mà xem.
Bình vào trong. Một phòng ngủ khá xinh xắn. Cái tổ ấm anh mơ ước đang ở ngay trước mặt. Người bạn nói:
- Mê rồi hả? Đêm nay nghỉ lại đây. Cho nằ giường đây đấy.
- Thế ông ngủ đâu?
- Tôi thiếu gì chỗ.
- Thật chứ?
- Tôi không quen nói đùa.
- Cảm ơn ông trước. Chốc nữa tôi quay lại. Đừng ngủ sớm nhé.
Bình phóng xe đến nhà Hà.
Anh dừng xe bên ngoài, không dám gọi.
Bình đứng lặng im trước cổng nhà Hà.
Sau giấc mơ, Hà không ngủ được nữa. Cô nhẹ nhàng trườn dậy ra ngoài. Đêm khuya tĩnh lặng. Những bóng cây đen ngòm đứng yên.
Hà ngước nhìn lên. Bầu trời nhấp nháy những tia chớp. Bỗng cô thấy ai như Bình đang đứng ngoài cổng. Cô bước ra hỏi nhỏ:
-Anh Bình phải không?
Bình bước lại nói nhỏ:
- Anh chờ em từ rất lâu rồi.
- Sao anh không gọi.
- Linh cảm thế nào em cũng ra.
Bình nói hơi to, Hà ra hiệu nói nhỏ và che miệng anh lại.
- Em cũng linh cảm thấy hình như anh đang đợi em. Sao anh không về nhà.
- Đấy là nơi tra tấn anh thì đúng hơn. Hà này, đi với anh – Bình nói nhỏ vào tai Hà câu gì đó.
- Nhưng sắp mưa rồi. –Hà nhìn trời.
- Nhanh thôi mà. Anh vừa ở đó về xong. Cứ mặc quần áo thế này cũng được. Lên xe đi.
Hà bẽn lẽn ngồi sau Bình. Chiếc xe lao vào màn đêm.
Mưa rơi lác đác, mỗi lúc một nặng hạt. Phút chốc trời mưa to. Bình và Hà ướt hết áo quần.
Thấy mưa, người bạn Bình đóng ki-ốt lại.
Ít phút sau, Bình và Hà phóng xe đến. Hai người chạy lên hè trú mưa. Bình gọi người bạn:
- Quảng, mở cửa.
- Quảng, mở cửa nhanh lên. Quảng.
Quảng đang nằm trong giường miễn cưỡng bò dậy. Sợ Bình rủ bạn đến trấn lột, Quảng cầm theo chiếc búa bổ củi sáng quắc. Một tay cầm chìa khóa mở cửa, một tay cầm rìu. Quảng đứng né mình sang một bên trong tư thế phòng thủ.
Cửa hé mở, ló ra gương mặt Bình ướt đẫm mưa.
- Vào đi. Quảng nói, - còn ai không?
- Còn một người nữa.
- Trai hay gái?
- Hà, người yêu mình.
- Biết ngay mà. Tôi đoán ông không dắt bọn lưu manh thì cũng dắt bọn đĩ bợm đến đây. Thôi, ông đi đi, không có chỗ chiếc gì đâu.
- Quảng, tôi nói thật với ông, bọn tôi cần đến mượn ông chỗ để nghỉ một đêm. chúng tôi có chuyện hết sức cần thiết phải nói với nhau ngay trong đêm nay.
- Không được. Tôi đã nói không là không. Không có chuyện trò gì hết. Con bớp nào chẳng có vòm có động của nó. Ông lôi nó đến đây cho nó ăn cắp hết hàng của tôi à?
- Ông mà nói câu nữa tôi đâm bỏ mẹ. Ông bảo ai là bớp? Đây là Hà, người yêu tôi. Tôi không thèm giao du với những thành phần hạ đẳng như ông đâu.
- Người yêu hả? Thế thì xin lỗi. Nhưng tôi xin nói với ông, chính vì là người yêu tôi càng không cho ngủ nhờ. Tôi kiêng.
- Kiêng gì?
- Ông không hiểu kiêng gì à? Đúng là chưa bước chân vào thương trường nên không hiểu. Tôi nói cho ông biết. Nhà đang làm ăn buôn bán mà để cho một vợ một chồng lạ đến ngủ với nhau trong nhà thì cái nhà đó sẽ khuynh gia bại sản. Ông Bình, đây thuộc về vấn đề nguyên tắc, tôi không nhân nhượng.
- Trời đang mưa thế này, ông bảo tôi đi đâu?
- Đi đâu đó là việc của ông. Đi ngủ bây giờ là việc của tôi.
- Đ. Mẹ, sao lúc nãy ông nói gì cơ mà?
- Một trong hai người nghỉ lại. Hoặc ông hoặc cô kia.
- Thôi đi, anh Bình – Hà kéo tay Bình.
- Quảng, mày là một thằng đểu. Hết sức đểu.
- Còn mày, tao không ngờ giờ mày đồi bại đến thế. – Quảng đáp lại.
Bình và Hà phóng xe đi, Quảng còn thò đầu ra cười nhăn nhở:
- Đồng ý không, một trong hai người ở lại. – Nó vuốt nước mưa trên mặt rồi đóng cửa đi vào.
Sinh viên trường Thương nghiệp của Hà đang biểu diễn những tiết mục văn nghệ trong hội diễn toàn trường. Các cô gái mặc áo dài tha thướt, đủ các màu trong điệu múa nón, mặc áo dài màu xanh lam, tay cầm chiếc nón múa. Hà đẹp nổi bật giữa các cô gái.
Bình đứng dưới, ngay sát sân khấu xem tiết mục múa nón. Ánh mắt anh như chỉ tập trung vào Hà.
Tiết mục kết thúc. Bình ôm một bó hồng chạy lên sân khấu tặng người yêu. Nhưng Hà đã biến đâu mất, Bình tìm không thấy. Anh đành tặng một cô một bông, giữ lại một bông cho Hà.
Nhưng thực ra, khi điệu múa vừa kết thúc, Hà cũng lao xuống tình Bình. Nhưng cô cũng không thấy. Nhìn lên sân khấu, thấy Bình đang đứng ngơ ngác, Hà gọi:
- Anh Bình!
Bình thấy Hà, anh lao xuống.
Tiết mục khác tiếp diễn. Nhưng Bình và Hà không xem. Họ đi dạo với nhau trên con đường phía sau trường. Hà vẫn mặc chiếc áo dài màu xanh lam, tay cầm bông hồng nhung. Cô hạnh phúc đi bên Bình. Trăng sáng.
- Em múa đẹp lắm.
- Em chỉ múa cho anh xem thôi.
- Em mặc áo dài rất đẹp. Anh rất thích. Đi bên em, với màu xanh này, anh cảm thấy mát mẻ, dễ chịu vô cùng. Ngày cưới chúng mình, em mặc áo màu xanh này nhé.
- Ứ, ngày cưới em phải mặc áo dài màu trắng. Anh biết trắng thế nào không. Trắng như tuyết. Trắng như em. Em sẽ cài một bông hồng trắng thật thơm trước ngực. Còn anh, anh sẽ mặc bộ com-lê màu đen, đen mịn như nhung. Bên trong anh sẽ mặc áo sơ mi trắng. Em sẽ tìm cho anh một chiếc cra-vát thật đẹp, màu đen, trên đó có những ngôi sao ánh bạc lấp lánh. Anh cũng sẽ cài một bông hồng trắng như của em trước ngực. Anh có thích không?
- Rất thích.
- Nhưng ngày cưới còn xa xôi quá. Anh Bình này, em có một tin vui làm anh thích ngay bây giờ cơ.
- Tin gì vậy? Nói đi.
- Anh biết không, trong kí túc xá hôm nay có một đứa bạn em về nhà. Nó đã đồng ý cho em nghỉ lại giường nó. Hôm nay chúng mình ở lại đây được không?
- Thế thì tốt quá. Anh cũng ngại về. Anh chỉ muốn chúng mình bên nhau thế này mãi.
- Em cũng thế.
- Anh rất thích màu áo xanh này của em. – Bình ôm người yêu.
- Ngày anh đi, em sẽ mặc áo này tiễn anh. Ngày anh về em đi đón anh cũng sẽ mặc màu áo xanh này. Mãi mãi là của anh.
- Anh cũng vậy. Mãi mãi là của em. Của riêng em.
Họ hôn nhau. Nhưng hai người có biết đâu rằng khoảnh khắc hạnh phúc của họ quá mong manh. Trong lúc hai người đi dạo, có ba tên lưu manh đã bám theo họ. Chúng lẩn vào hai bên vệ đường. Chờ lúc hai người đang đắm đuối, chúng liền xông tới. Một tên tông ngay vào đầu Bình một quả đấm. Bình loạng choạng. Hà cũng loạng choạng. Một tên dí dao vào:
- Đưa tiền đây. – Lưỡi dao chạm vào cổ Bình.
- Tôi không có. – Bình nói.
- Khám!
Một tên giữ tay, một tên khám người Bình. Chúng lôi được ít tiền.
- Ít quá. Hút thuốc không bõ.
- Cho mày đi. – Một tên nói.
Bình dắt tay Hà. Một tên khác quát lên:
- Không được chạm vào nó. Nó đã thuộc về chúng tao. – Một tên ôm lấy Hà, tên khác đạp và đuổi Bình đi. Tên thứ ba lôi Hà đi. Hà thét lên:
- Anh Bình!
Bình lao vào. Một tên đạp Bình ngã lăn xuống vệ đường. Bình nén đau, bò dậy.
Bọn chúng lôi Hà đi. Cô kêu thét, giãy giụa. Áo của cô rách toang. Tiếng kêu của Hà khiến Bình nhức nhối. Anh vớ được cây gậy, đuổi theo chúng. Một tên cầm dao quay lại. Nó giơ dao lên, xông thẳng vào Bình. Bình vung gậy nện một phát như trời giáng vào đầu nó. Máu tóe ra. Tên cướp ngã xuống. Bình liền rút dao trong tay nó, tiếp tục lao lên.
Hai tên kia liền bỏ Hà ra, quay lại đón Bình. Hai lưỡi dao sáng loáng cùng vung lên, nhằm Bình chém xuống. Bình hươ gậy lên đỡ.
Lúc này Hà thấy Bình phải chống đỡ với hai tên, cô vác một hòn đá to, nhằm chân một tên nện xuống. Bị đòn bất ngờ, tên kia ngã ra. Thứa cơ, Bình nhảy đến, táng luôn cho nó một gậy. Tên thứ ba chạy mất.
Bình chạy đến bên Hà. Anh đỡ và ôm lấy cô. Anh dìu Hà đi. Người Hà vẫn còn run cầm cập. Đi được mấy bước, cô nói:
- Em sợ quá. Cho em đứng tựa vào cây một lát.
Bình đỡ cho Hà tựa và một thân cây. Cô lại rùng mình lần nữa. Mắt Bình nhìn Hà đầy thương cảm.
- Anh xin lỗi em.
- Thôi, chúng mình đi dần. Anh đỡ em.
Bình đưa Hà về kí túc xá. Họ bước vào một căn phòng kê giường tầng. Cái nọ ngăn cách cái kia bằng những tấm ri đô.
- Giường của Uyên đây à? – Hà hỏi một cô gái. Cô ấy gật đầu.
Bình đỡ Hà nằm xuống.
Trong các giường khác, các cô gái cũng đang ân ái với người tình của họ. Bình lấy chăn phủ lên người Hà. Anh ngồi bên cạnh cô.
Có một cô gái bị ốm nằm ở giường trên. Người yêu của cô là một chàng sinh viên bưng bát cháo đến.
- Dư, dậy ăn cháo, anh nấu rồi đây.
Cô gái nặng nề ngồi dậy, đỡ lấy bát cháo, rồi đặt xuống giường. Cô nhìn bát cháo rồi bỗng kêu lên:
- Ôi, sao không có hành?
- Trong các bữa ăn hàng ngày, em có ăn hành đâu?
- Anh thật ngốc. Cháo cho người ốm phải có hành chứ. Muốn em nhanh khỏi ốm, anh phải đập một quả trứng vào và cho thêm nhiều ớt nữa. Như thế mới vã mồ hôi.
- Khuya rồi, anh kiếm đâu ra các thứ đó bây giờ.
- Thử hỏi vay ai xem.
- Anh ngại vay lắm. Em cố gắng dậy ăn vậy.
- Nếu thế thì em không ăn. Anh nấu, anh đi mà ăn. Cháo gì trắng như mắt ma mà bắt người ta ăn.
- Thôi, em đừng nóng tính nữa. Để anh nấu lại vậy.
Chàng trai khổ sở bê bát cháo đi. Liền sau đó, tiếng cười từ khắp các giường nổi lên. Một cô gái mặc bộ đồ ngủ màu hồng chui đầu ra khỏi tấm ri-đô, vừa cười vừa nói:
- Hí… hí, con Dư giả vờ ốm, bắt thằng Tỉu hầu xanh mặt để được lỡi. Hí hí…
Cô khác thò đầu nói tiếp, nói bằng giọng Nghệ:
- Mày phải bắt nó hầu nữa. Tập cho quen đi. Sau này còn đẻ con cái nữa, cho nó bạc mặt ra. Nhưng mày cũng quá đáng lắm. Chiều ăn mấy bát cơm rồi tối lại vòi quả trứng nữa mới đi ngủ, hả con ranh kia?
Ở cái giường phía trong lại xảy ra chuyện khác. Bình đang ngồi bỗng thấy một chàng trai bị rơi huỵch xuống đất. Một giọng con gái sau tấm ri-đô hét lên:
- Anh cút đi!
Chàng trai lồm cồm bò dậy, cái lại cúc quần. Trông anh ta thật gầy và cao.
-À, mày dám đạp ông à? Ông cho mày biết tay. – Anh ta kéo roạt tấm vải che về một phía rồi lao vào. Cô gái kia liền ngồi dậy, tựa lưng vào tường, giơ hai tay ra đỡ. Hai người đánh nhau. Cô gái liền giơ chân đạp một cái vào bụng khiến anh chàng ngã lăn ra.
- Cút đi!
- Ông đếch cút. Ông phải hỏi cho ra chuyện đã.
Chàng trai lại lao vào. Lại bị cô gái đẩy ngã. Anh ta rít lên:
- Tại sao ông chưa tốt nghiệp mà mày đã dám đi ngoại tình?
- Tôi đã nói là tôi không yêu anh từ lâu rồi kia mà. Yêu ai, đó là quyền của tôi. – cô gái trả lời bình tĩnh.
- Cái đồ vô ơn bạc nghĩa. Giả ông ba lạng thịt.
- Ba lạng thịt nào?
- Khi mày bị ốm thèm ăn thịt kho tàu, ông đã mua để kho cho mày.
Trên các giường khác, các đôi khúc khích cười. Nét mặt Hà nhăn lại. Cô gái kia bỗng xỉa xói vào mặt chàng trai:
-Anh tưởng ba lạng thịt của anh là to lắm phỏng. Yêu anh mấy năm trời được anh mua cho ba lạng thịt khi ốm. Giờ lại đòi. Không biết xấu hổ à? Ai hàng ngày ngửa tay xin tiền học bổng của tôi? Ai bán cái đồng hồ của tôi rồi giả vờ đánh mất? Ai đã viết thư cho mẹ tôi, nói dối rằng tôi bị ốm, mẹ ơi, mẹ là Liên Xô vĩ đại của con để mẹ tôi gửi tiền cho tôi rồi tự ra bưu điện nhận mà không nói với tôi lời nào? Áo quần anh đang mặc, ai may cho anh? Lên Hàng Đào, ai thấy chiếc quần đùi din không rời bước, tôi đã phải chắt bóp mua cho, rồi anh đi đánh bạc, bị thua, gán cho người ta với giá rẻ mạt. Tôi không thể chịu đựng anh được nữa. Anh không biết dơ à? Anh cút đi, đừng đến phòng tôi nữa.
Một cô gái tuổi khá cao ngồi dậy vén ri-đô nói với giọng người chị:
- Thôi, anh Đắc về đi. Khuya rồi cho chị em ngủ. Có chuyện gì để mai giải quyết.
Cô gái nói giọng Nghệ lại ló đầu ra:
- Anh Đắc, mai bọn em thi thể dục học kì chạy 1500 mét. Đêm nay bác không ngủ, lấy sức đâu mà thi?
Mọi người lại cười rúc rích. Đắc hậm hực:
- Thôi được, vì tôn trọng giấc ngủ mọi người, giờ ông về, mai ông sẽ giết mày.
- Có giỏi thì giết ngay bây giờ đi! – cô gái kia nói.
- À, mày thách ông à? – Đắc quay lại.
- Thôi, Dương, anh ấy đã thôi rồi mà mày cứ ngoan cố. Thôi, câm hết đi. Hết giờ. Ngủ.
Hà ngồi dậy nói với Bình:
- Anh Bình ơi, đưa em về đi. Ở đây em cảm thấy thế nào ấy.
- Anh cũng không quen với những cảnh này. Thôi chúng mình về.
Bình và Hà đang bơi thuyền trên Hồ Tây. Chiều hè, thanh niên Hà Nội thường đến đây bơi thuyền. Hà đưa tay khoát nước. Bên cạnh họ là hai túi sách và chùm quả tươi.
- Hà này, anh định tổ chức một chuyến tham quan rừng Cúc Phương. chúng mình sẽ đi trong hai ngày.
- Em không đồng ý. – Hà lắc đầu.
- Sao vậy em?
- Em thấy chúng mình đã quá mệt mỏi trong việc tìm kiếm tổ ấm lắm rồi. Có lẽ nên chấm dứt trò chơi này.
- Sao em lại nói thế? Em định thay đổi ý kiến hay sao?
- Không. Em không thay đổi. Em sợ.
- Em sợ cái gì?
- Em sợ anh thay đổi. Em nghĩ, nếu em thuộc về anh tất cả, tất cả của anh, sang bên đó anh lại yêu người khác. Một khi mà anh đã biết quá rõ về em, anh lại thuộc về người khác, như thế đối với em là một điều khủng khiếp. Hết sức khủng khiếp. Anh hiểu không?
- Hà, anh hiểu em. Anh rất yêu em. Anh định hết một vài năm sẽ về phép cưới em.
- Em biết, anh rất yêu em. Nhưng kế hoạch đó, em thấy không có gì đảm bảo. Trong khi đó, gia đình anh ngăn cấm, không cho anh yêu em. Mà em thì cứ đợi chờ và hi vọng. Thời con gái của em sẽ qua mau….
- Anh cũng muốn chúng mình cưới trước khi anh đi. Nhưng tình hình khó khăn quá. Cuộc sống phức tạp. Chúng mình lênh đênh…
- Em thấy anh nói rất đúng, rất hay nhưng chưa thấy anh làm được việc gì cả.
- Sao em nói thế? Trong ý nghĩ nào?
- Rất đơn giản. Trong tình yêu của chúng mình.
- Anh là đàn ông. Anh đã nói là làm.
- Em chưa tin được, khi chỉ thấy anh nói.
- Anh sẽ hành động.
- Như thế nào?
- Chúng mình sẽ đi đăng kí kết hôn trước.
- Đăng kí kết hôn, có thể được. Nhưng anh đã biết cần những thứ giấy tờ gì chưa?
- Anh chưa biết. Giấy gì em?
- Thứ nhất, phải có sổ đăng kí hộ khẩu.
- Hộ khẩu của anh trong trường. Lúc nào lấy cũng được.
- Thứ hai, giấy chứng nhận chưa vợ chưa chồng của phòng giáo vụ.
- Cái này lúc nào xin cũng được.
- Thứ ba, phải có đơn.
- Anh viết ngay bây giờ. Nhưng còn em, hộ khẩu ở đâu?
- Bố em lúc nào cũng cất trong tủ.
- Em phải ăn trộm. Nên tiến hành ngay việc đăng kí kết hôn.
- Bao giờ?
- Ngay ngày mai.
- Chúng mình đăng kí ở đâu?
- Ở đồn công an ngay đầu trường anh. Anh quen một chị ở đó.
- Thôi, giờ chúng mình về làm giấy tờ cho kịp.
- Nhất trí ngay. Nhưng em phải đi rừng Cúc Phương đấy. Anh đã tổ chức rồi.
- Anh khôn lắm! – Hà nhìn Bình với ánh mắt tinh nghịch.
Buổi chiều. Đồn công an phường khóa cửa. Bình và Hà vừa phóng xe đến liền dừng lại. Bình nhìn quanh. Thấy một người phụ nữ chừng 30 đang chổng mông hái rau muống gần đó. Bình bắc tay gọi:
- Chị Mùi ơi!
Mùi quay lại. Bình gọi tiếp:
- Chị vào đây em nhờ một việc.
- Xong rồi. Chị vào ngay đây – Chị cầm rổ rau đi vào.
- Có việc gì thế?
- Chị hái rau làm gì, em biếu chị mấy con cua bể đây này. – Bình xách xâu cua vàng óng đưa chị.
- Trời, cua ở đâu ngon thế?
- Xin giới thiệu với chị. Đây là Hà, người yêu em. Chả là có ông bác của Hà mới ở Đồ Sơn lên chơi, mang theo cua. Người yêu em bảo mang biếu chị.
- Người yêu à? Sao bây giờ mới giới thiệu? Vào đây uống nước đã.
- Còn xin giới thiệu với em – Bình quay sang Hà - đây là chị Mùi, công an phường, phụ trách đăng kí kết hôn. Chị Mùi này, bọn em có việc nhờ chị đây.
- Việc gì? – Chị Mùi dẫn khách vào, quần vẫn xắn ngang bắp chân.
Bình chìa nắm giấy tờ ra:
- Bọn em đã chuẩn bị xong thủ tục. Nhờ chị đăng kí cho.
- Ấy chết, sao em hay làm những trò giật gân, trinh thám thế này. Đùa hay thật đây?
- Em còn thời gian đâu mà đùa nữa? Sắp đi rồi. Nhờ chị chứng nhận cho bọn em.
- Bây giờ? Em xem mấy giờ rồi?
- Bọn em cố tình đến vào giờ này đấy. Chị biết không, từ sáng đến giờ chạy long tóc gáy mới xong giấy tờ. Hà cứ sợ. Nhưng em nói là không muộn đâu. Có chị Mùi, tuy là công an, nhưng rất tốt và đặc biệt, có đôi mắt rất đằm thắm.
- Mày lại coi thường mắt công an à?
- Chị biết không, em nói với Hà, mắt chị đằm thắm nhưng nghiêm túc. Nghiêm túc một cách trữ tình.
- Thôi, mày tán giỏi thật đấy. Thế giấy tờ đâu?
- Đây ạ.
- Bao giờ cưới?
- Chị hỏi đúng câu hóc búa thật. Bọn em chỉ đăng kí thôi. Còn cưới thì vài năm sau.
- Thế cả hai đứa cùng đi à?
- Chỉ em thôi. Một người tiền tuyến, một người hậu phương.
- Đi học mấy năm?
- Dạ 5 năm ạ.
- Gớm, sao mà xí chỗ sớm thế. Nào, họ tên?
- Dương Thúc Bình.
- Còn em?
- Dạ, Phan Thị Ngân Hà.
- Nghề nghiệp?
- Bọn em là sinh viên. Không nghề nghiệp?
- Trình độ văn hóa?
- Chị đánh hai chữ đại học vào. Chính xác nhất họ phải ghi là trình độ học vấn.
- Này, đừng ba hoa nữa. Kết hôn lần thứ mấy?
- Lần thứ nhất, thế mà cũng phải hỏi.
- Thôi, kí vào đây.
Bình và Hà kí vào.
- Xong, về đi. – Chị Mùi nói.
- Ơ, thế không có tuyên thệ gì à? – Bình hỏi.
- Việc gì phải tuyên thệ. Chỉ vẽ vời.
- Nếu thế chị phải chụp với bọn em một kiểu ảnh. – Bình chạy vút ra hiệu ảnh gần đó.
Một anh thợ ảnh và Bình chạy vào. Chị Mùi vẫn mặc quần áo bình thường:
- Ấy chết, để chị thay quần áo đã. – Chị chạy vào trong.
- Nào, tranh thủ chụp hai người trước đã, – thợ ảnh nói – anh chị ngồi vào bàn, chụp kiểu ảnh hai người đang kí đơn.
- Nhưng bọn em kí rồi. – Hà nói.
- Thì cứ ngồi vào. Giả vờ kí lại. Thế, thế, nào bắt đầu này. Rất tốt! Ok, giờ sang kiểu thứ hai. Anh chị đứng trước cửa đồn công an, đứng gần tấm bảng để lấy dòng chữ kia. Còn tờ giấy kết hôn, đặt giữa hai người. Nâng lên bằng hai tay. Xoay người vào nhau. Nét mặt nghiêm túc, tự tin, xúc động. Ok!
Vừa lúc ấy chị Mùi chạy ra.
- Chị đứng vào đây – Bình nói.
- Chụp ba người à? Đen lắm. – Chị Mùi giãn ra.
- Thì em đứng vào giữa vậy. – Bình nói.
- Ứ, em không cho, nguy hiểm lắm.
- Sao đàn bà mê tín thế kia chứ. Thôi được, để anh kiếm người nữa.
Bình chạy đi. Anh túm được một bà nông dân đang gánh quang. Bà kêu lên:
- Ơ, cái nhà anh này hay nhỉ! Có buông ra không? Tôi kêu công an bây giờ.
- Cháu… cháu nhờ bác một việc. – Bình vừa nói vừa kéo tay bà ta. – Bác bác xuống đây…
- Có bỏ ra không? Anh định cướp giật phải không? Ối công an ơi! – Bà vừa kêu vừa giơ đòn gánh lên.
- Ấy… ấy, bác nóng tính thế. Chị Mùi công an kia kìa.
Bình chỉ cho bà về phía chị Mùi và Hà. Hai người đang đứng cười ngặt nghẽo. Bà nông dân yên tâm.
- Chuyện gì thế anh?
- Không có chuyện gì đâu bà ơi. Xuống kia bà sẽ biết.
-Để tôi lấy quang gánh đã.
- Thôi, chúng cháu đang vội. Cứ để đấy, không ai lấy đâu. Mất cháu đền.
Bà nông dân bị ấn vào chụp ảnh. Thợ ảnh chụp ngay một kiểu. Mọi người cười vui vẻ. Riêng bà nông dân vẫn đứng ngây ra, chẳng hiểu chuyện gì. Trông thật tội.
Trên phố, Bình và một nhóm bạn đi tham quan đang bỏ những thứ hoa quả bánh trái mang theo vào một túi to. Mỗi người góp một thứ quả.
Trong nhà, Hà ngồi đối diện với bố. Hà pha trà. Cô bưng chén trà mời bố.
- Bố xơi nước.
- Con để đấy.
Ông cầm tách trà. Mặt lại ngoảnh về phía vô tuyến. trên màn ảnh là những cảnh phim hoạt hình.
- Bố ạ… - Hà ngập ngừng.
- Gì con?
- Con có chuyện muốn nói với bố.
- Chuyện gì? Lành hay dữ?
- Dạ, con muốn bố cho con đi tham quan rừng Cúc Phương.
- Đi với ai?
- Lớp con với lớp anh Bình.
- Không được đâu, con sắp thi rồi.
- Con sẽ chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi. Bố cho con đi. – Cô nói giọng nghẹn ngào.
Lúc này bên ngoài, Bình và các bạn đang kéo đến.
- Thế đi mấy ngày? – Bố hỏi.
- Dạ, hai ngày.
- Không được đâu. Nếu sáng đi chiều về, bố đồng ý. Con gái không nên ngủ đêm xa nhà.
- Dạ, chúng con đã thuê nhà nghỉ ở đó rồi. Khách sạn hẳn hoi. Có một bộ phận tiền trạm đi trước.
- Con xem lại mối quan hệ của con với Bình.Nó sắp đi xa rồi.
- Dạ, anh ấy là người tốt. Bố tin ở con.
- Con rất giống mẹ. Bố chỉ có mình con. – Bố giụi điếu thuốc, trầm ngâm.
Bọn Bình đứng ngoài theo dõi câu chuyện. Tình thế chưa ổn, anh nói gì với đám bạn. Những người bạn gật đầu lia lịa. Rồi Bình bước lại đàng hoàng gõ cửa. Hà ra mở.
- Cháu chào bác ạ! – đám sinh viên kéo vào.
- Chào các cháu. Các cháu vào đây.
Mọi người lúng túng vì thiếu ghế. Bình nói:
- Thôi, ngồi tạm xuống sàn cũng được. – Rồi anh quay lại phía bố Hà:
- Dạ, xin giới thiệu với bác, đây là các bạn sinh viên lớp cháu và lớp Hà. Đây là Nga, bí thư chi đoàn. Đây là Tâm, lớp trưởng lớp Hà. Còn cháu và Loan phụ trách lớp cháu. Thưa bác, chúng cháu tổ chức một cuộc tham quan rừng Cúc Phương. Hôm nay hai lớp liên hoan mà không thấy Hà đến. Chúng cháu mang phần đến cho Hà và biếu bác chút quà – Bình đưa cho ông bố chai rượu ngoại, rồi đưa cho hai đứa nhỏ túi quà: - Đây là phần của các em.
- Rượu tắc kè à?
- Vâng ạ. Lớp cháu có bạn quê Cao Bằng mang về đây.
- Tốt thật. Cảm ơn các cháu.
- Dạ thưa bác, mai chúng cháu đi tham quan Cúc Phương. Chúng cháu đến xin phép bác cho Hà cùng đi với lớp.
- Thế các cháu đi bằng phương tiện gì? Từ đây đến đó xa lắm.
- Dạ, chúng cháu đã thuê ô tô. Bác đừng lo. Cháu xin đảm bảo đi đến nơi về đến chốn.
- Tôi cũng mới nghe Hà trình bày xong. Có điều khuyên các cháu phải cẩn thận, hết sức cẩn thận.
- Hoan hô! – đám sinh viên reo lên.
Hà nở nụ cười tươi tắn. Bình nhìn đồng hồ sau khi cả bọn kéo nhau ra ngoài. Anh nói:
- Nào các bạn, giờ phải đi mua thêm hoa quả gấp. Biếu hết rồi. Mai mua không kịp đâu.
Chiếc ô tô chở đoàn tham quan dừng trước cửa rừng Cúc Phương. Những sinh viên bước xuống. Họ xách theo đàn và kèn, trống. Họ bước rảo vào rừng lạ lẫm.
Những con thú lạ kì chạy nhảy.
Những ngôi nhà của người dân tộc nằmsâu trong rừng.
Những thân cây cổ thụ.
Những thứ hoa chưa từng gặp ở đâu.
Con đường mòn đầy lá mục.
Đôi mắt Hà tròn xoe.
Bỗng một cô gái kêu ré lên vì bị vắt cắn. Một chàng trai lấy chiếc khăn mùi xoa mới tinh băng cho cô.
Họ dừng trước động Người xưa. Những bộ xương người nguyên thủy cũ kĩ.
Hà vừa đi vừa hát thầm thì một ca khúc. Cô nhặt được con dẻ đá rất đẹp. Cô gọi Bình đến xem.
Chiều xuống, họ về phòng nghỉ. Họ kiếm củi đốt lửa trại. Nhưng mưa bắt đầu rơi. Mưa rừng dữ dội. Bình và Hà kéo nhau ra một chỗ, ngoài xa từ lúc nào. Họ bị mưa không về kịp. Hai người đứng trú mưa dưới một gốc cây. Hà bồn chồn:
- Em sợ lắm.
- Đừng. Ở bên anh em đừng sợ gì cả.
- Không. Chuyện khác kia. Đứng ở đây em sợ sét đánh lắm.
- Chạy về nhà đi.
Họ nắm tay nhau chạy dưới mưa về lán. Hai người đứng ở ngoài hiên:
- Sao mưa lâu thế? – Hà nói.
- Ông trời ác thật. Mong mãi mới có dịp này. Lại mưa. – Bình nói.
- Em nghe người ta nói, đối với chuyện này, mưa rất nguy hiểm. – cô hôn Bình.
- Anh cũng nghe nói thế. Nhưng nguy hiểm thế nào?
- Em không biết. Em cũng đang muốn hỏi anh.
- Hình như làm chuyện đó, lúc mưa ướt, người con trai sẽ bị chết. Người ta gọi đó là bệnh gì, anh quên mất. Em có lạnh không?
- Hơi lành lạnh.
- Chả nhẽ đứng thế này mãi haysao? Đi rừng mà đứng thế này thì phí.
Tiếng hát của đám sinh viên vọng đến. Bình chạy lại:
- Các bạn đâu. Đốt lửa lên. Mưa ngớt rồi.
Mọi người chạy ra. Họ mang theo những cây củi đang cháy dở đốt đống lửa giữa sân. Như bầy người nguyên thủy, họ vừa nhảy vừa hát bài hát quen thuộc của sinh viên:
Ngày xưa vì quá yêu em.
Nên anh vẫn nói nhất em nhì trời
Ngày nay anh vẫn yêu em
Nên anh vẫn nói nhất em nhì ông trời trên cao
Nên ông trời buồn
Nên ông trời giận
Ra thế gian này có kẻ hơn tao
A ha! Thằng này to gan mặt dày
Dám coi vợ mày hơn cả ông sao?
Không sợ ông trời
Đếch sợ thằng trời
Nhất vợ nhì Trời…
Bình và Hà dừng xe trước khách sạn mini. Hà đứng bên ngoài, Bình vào trước. Trong khách sạn, mấy cô gái làm tiền ăn mặc khêu gợi đang ngồi đợi khách. Họ hút thuốc và xem những tạp chí lạ mắt.
- Xin lỗi, Bình nói. – Tôi có thể thuê phòng được không?
- Tất nhiên – nhân viên khách sạn, một cô gái xinh đẹp đáp – Anh thuê phòng đôi hả?
- Không. Phòng một thôi. Tiền đâu mà thuê phòng đôi.
- Anh thuê bao lâu?
- Ít thôi, một đêm.
- Có cần gì nữa không?
Bình lắc đầu.
-Anh cho năm chục.
Bình móc túi trả tiền rồi ra dẫn Hà vào.
Ngay lúc đó mấy cô gái làm tiền đứng dậy bám theo anh.
Bình và Hà vừa bước vào liền chạm trán với một khách làng chơi và một gái làm tiền từ trên gác đi xuống. Họ cõng nhau đú đởn và làm nhiều động tác khó coi khiến Hà phải quay đi. Mấy cô gái làm tiền kéo đến. Một cô tách Bình ra một chỗ:
- Anh cần tươi mát à? Chỗ chúng em rẻ thôi. Một trăm một đêm, lại đảm bảo an toàn.
- Không, tôi không cần.
- Thế con nào theo anh kia? – cô ta hất hàm chỉ Hà – cái ngữ ấy chỉ đáng năm chục là cùng chứ gì.
Bình nhìn về phía Hà. Hà đang bị mấy cô gái làm tiền vây quanh, ngỡ Hà là người cùng giới đang tranh khách của mình nên bọn họ đang bắt nạt Hà.
- Con này ở khách sạn Bông Sen hay sao hả chúng mày?
- Tao gặp nó một lần ở khách sạn Hoa Hồng đang làm tiền với Tây.
- Nó ở Hà Bắc ra, một thời làm tiền ở ga đây mà.
Mấy ả làm tiền, ả nào cũng đến sát thật gần để nhìn kĩ mặt Hà. Mỗi ả phỏng đoán một kiểu. Rồi có ả còn khều chân, định gây chiến với Hà. Hà bị choáng trước một môi trường hoàn toàn xa lạ, cô không biết phản ứng thế nào, quay hết bên này lại bên kia, bên nào cũng gặp phải những cái mặt khả ố. Cô nhìn xuống đất thì bị chúng nâng cằm lên, rồi chúng xô đẩy cô về phía cửa.
Bình tức quá nhảy đến:
- Đây là người yêu của tôi, ai cho phép các chị xúc phạm.
- Yêu với đương gì. Cái mặt kia là gái điếm trăm phần trăm rồi.
- Người yêu tôi không phải hạng người như các chị. Cái đồ bán trôn nuôi miệng.
- Mày bảo ai hả thằng ranh con? Bán trôn nuôi miệng mà đẻ ra mày đấy.
Cô nhân viên khách sạn nhảy tới can, ra vẻ mắng những người trong khác sạn và nói với Hà và Bình:
- Thôi xin lỗi, mời anh chị lên phòng.
Bình nhìn chị ta:
- Không, chúng tôi không thèm lên đó nữa. Bạn tôi không phải là hạng người như các chị nghĩ đâu.
Hà vừa khóc vừa kéo tay Bình:
- Đi anh, đi khỏi đây mau. Đừng nói với họ những lời như thế. Phí lời.
Họ kéo nhau ra khỏi khách sạn. Hà vẫn tức tưởi khóc. Nét mặt Bình hầm hầm. Đến một chỗ vắng, Hà trách Bình:
- Em đã bảo anh không nên vào khách sạn, anh không nghe.
- Làm sao mà anh biết trước được điều này. – Bình xẵng giọng.
Im lặng một lát Bình nói:
- Em ở đây, anh quay lại đó.
- Làm gì?
- Lấy lại tiền.
- Thôi anh ạ. Em kinh tởm bọn nó lắm rồi. Chắc nó không trả lại mình tiền đâu.
- Anh sẽ đòi được.
- Anh đi là em bỏ anh đấy! – Hà kéo xe lại.
- Thế bây giờđi đâu? – Bình hỏi.
- Đi đâu? Em cũng không biết nữa.
Bốn ánh mắt nhìn nhau.
Buổi sáng. Sân trường Ngoại ngữ. Những sinh viên chuẩn bị đi học nước ngoài đợt đầu. Họ ăn mặc chỉnh tề. Tay xách va li mới. Quần áo mới, giày mới. Nét mặt rạng rỡ. Những chiếc xe ô tô buýt đang chờ họ.
Những người nhà đi tiễn. Xe máy để đầy trong sân.
Người đến gửi thư và quà. Những nụ hôn. Những cái bắt tay. Ánh mắt tươi cười. Những lời chúc.
Bình và Hà đứng nhìn họ. Bình đến nhờ gửi một lá thư đi. Người bạn hỏi Bình:
- Cậu đi đợt nào?
- Đợt 18 tháng 6.
- Cũng sắp rồi. Còn hai ngày nữa thôi. 48 giờ sống cùng h1.
- Thôi đi nhé.
- Chúc lên đường mạnh khỏe.
Chiếc xe từ từ chuyển bánh. Hai người nhìn theo, đưa tay vẫy. Rồi Bình và Hà chạy theo xe. Người bạn thò đầu ra chào. Bình và Hà cứ đi, đi mãi. Họ cứ dắt tay nhau bước trên đường. Họ băng qua những hàng cây, những đường phố. Rồi họ lạc đến một công trường xây dựng. Nơi đó có những nhà cao tầng đang xây. Bình và Hà chạy lên một cầu thang còn đầy bụi. Họ chạy lên cao, lên cao nữa. Bất ngờ họ lạc vào một căn phòng thoáng đãng, có đầy đủ tiện nghi lịch sự và sang trọng dành cho một gia đình. Hai người bước vào. Căn phòng đầy ánh sáng và treo nhiều tranh đẹp. Một chiếc đàn piano còn mới. Hà ngồi vào dạo một bản nhạc. Âm thanh trong trẻo vang lên. Hà mỉm cười, chạy ra ban công, nhìn xuống Hồ Gươm. Hà Nội sau mưa. Nắng vàng tươi trong vắt. Những vòm cây còn ướt. Nắng chiếu vào, sáng lấp lánh trên cao. Tiếng ve trong trẻo ngân lên. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Nắng như rắc bạc. Mặt đường Đinh Tiên Hoàng bốc hơi nghi ngút. Người Hà Nội tươi tắn sau mưa. Hà và Bình chạy vào, đứng trước một tấm gương lớn. Họ mỉm cười nhìnnhau trong gương. Bỗng họ cất tiếng cười vang. Hà đỏ mặt xấu hổ. Cô chạy ra chỗ khác. Bình đuổi theo. Hà lại chạy vào. Nhìn nhau, nhìn mình trong gương lần nữa. Hai người cất tiếng cười vang.
- Em có thích ngủ không? – Bình hỏi.
Hà lắc đầu. Cô mỉm cười hỏi lại.
- Còn anh?
Bình cũng lắc đầu. Hai người cất tiếng cười vang.
- Ha… ha… ha… ha… ha…
Bỗng Hà chạy vút ra ngoài, theo cầu thang lên sân thượng. Bình chạy theo Hà. Sân còn đẫm nước mưa.
Họ ngước nhìn bầu trời.
Những đám mây đang bồng bềnh bơi.
Những con én đang bay lượn.
Rồi họ nắm tay nhau. Cả hai như cùng baylên giữa bầu trời mát dịu. Họ bay trên thành phố. Bay rất nhẹ nhàng, rất chậm. Một giai điệu nhạc ngọt ngào và trong sáng vang lên. Bình và Hà đang bay giữa bầu trời Hà Nội, bay trên những mái nhà cổ kính, nhấp nhô như sóng ngàn xưa.
ĐOÀN TUẤN
(Hà Nội V.1992)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|