LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.7.2014


Hình ảnh đẹp nhất trong những ngày này, y chọn gì?

Vẫn là lúc ngắm nhìn gương mặt thiện nhân, trong sáng, vô tư của các em sinh viên tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”. Đã có những bàn tay, những tấm lòng hướng dẫn các thi sinh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn đi thi. Lại bắt đầu một thế hệ trí thức mới.

Năm 1976, lần đầu tiên vào Sài Gòn. Đi theo bà suôi gia của gia đình y. Bà đi buôn Sài Gòn - Đà Nẵng. Ngày đó, y ăn ngủ tại căn nhà trọ trong hẻm đường Lê Hồng Phong. Đêm thứ nhất ngủ tại Sài Gòn, nửa khuya giật mình bởi tiếng khóc thét của bà chủ nhà. Chồng đánh. Một hành động đáng ghét mà trong đời chưa bao giờ chứng kiến, thế là y vùng dậy can ngăn. Hành động “nghĩa hiệp” của chú nhóc 18 tuổi đã để lại nhiều ấn tượng cho gia chủ. Khi bà suôi gia đóng xong hàng, bắt xe về Đà Nẵng thì y vẫn ở lại, đợi chuyến sau bà quay vào dẫn về. Ngày đó, sáng đi xe buýt về trung tâm Sài Gòn mua sách. Sách bán đại hạ giá, bày la liệt các ngã đường, ngoài vỉa hè. Nhiều nhất vẫn lề đường Lê Lợi. Với y, ấy là chốn thần tiên. Tha hồ lựa sách. Trưa, quay về rạp chiếu phim (nay trụ sở Hãng phim Trẻ) xem phim, ăn uống linh tinh. Tối về nhà trọ ngủ. Ngày từng ngày như thế. Kỷ niệm khó quên. Dăm năm trước y nhận viết lời dẫn kịch bản Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hãng phim Trẻ (1.3.1991 - 1.3.2011) do Trần Văn Hưng đạo diễn là vậy. Ngày ấy, y ở Sài Gòn chừng nửa tháng, về lại Đà Nẵng cũng là ngày đi bộ đội. Ngày nhập ngũ 23.7.1977. Hơn 5 năm sau, y lại vào Sài Gòn lần thứ 2. Đi thi đại học. Trường thi ở đường Phạm Viết Chánh, góc Cống Quỳnh. Thi đậu. Ngày nhập học, cô em gái Hoài Trinh cùng mẹ cô đã đón xe buýt đưa y lên làng đại học ở Thủ Đức. Đó cũng là lần đầu tiên gặp Hoài Trinh. Nhưng lại thân thiết như gia đình, bởi lẽ tình đồng hương. Sau này, căn nhà trọ 27 Đinh Bộ Lĩnh của gia đình Trinh là nơi những Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh, Lê Đại Anh Kiệt... thường tìm về mỗi ngày chủ nhật. Về lấy cớ thăm hỏi, thật ra xem trong nhà có gì ăn không. Thời sinh viên khốn khó quá. Còn đói hơn cả thời gian ở bộ đội.

Nhớ lại những hướng dẫn tận tình, giúp đỡ thân thiện ấy làm sao quên?

Những ngày này, xuống phố, nhìn hình ảnh các tình nguyện viên lại xúc động. Bồi hồi nhớ lại năm tháng chưa xa. Tâm hồn trong veo như lá mới. Nỗi niềm bồi ấy chưa kịp lắng đọng, bỗng bùng lên cơn giận dữ khi lướt web, đọc thông tin trên báo TN: “Xử lý xe ôm dùng dao tấn công tình nguyện viên tiếp sức mùa thi”. Khốn nạn thật: “Cho rằng việc làm của sinh viên tình nguyện là tranh giành khách của mình” nên tay xe ôm đã “rút dao xông vào tấn công” các em. Sự nghèo đói, thất học đã lưu manh hóa con người ta? Hay vì gì khác? Các vụ ẩu đả nào thời buổi này luôn có kèm theo dao, đao, mã tấu... Kinh khiếp quá.

Mấy hôm nay cũng trên báo TN có loạt bài hay. Một đề tài cực kỳ cần thiết, tuy nhiên lướt trên facebook chẳng thấy ai có ý kiến gì. Đó là vấn đề “Chuẩn hóa cách xưng hô nơi công sở”. Chuyện sờ sờ ra trước mắt, khó có thể chấp nhận nhưng rồi ai ai cũng cảm thấy bình thường. Đến khi bài báo này đặt vấn đề, mới giật mình. Trong công sở, mọi người cứ tự nhiên với “bác, chú, cháu, cô, dì…” như trong gia đình. Lối xưng hô này dẫn đến hệ hụy gì? Ai cũng thừa sức biết.

Sực nhớ lại vài chuyện cũ. Ở thành phố biển nọ, nơi ấy cam đoan những ai làm công tác tuyên giáo, tuyên huấn, báo chí đều là dân xứ Nghệ. Họ có lối xưng hô kỳ quặc, thủ trưởng đơn vị tự cho mình cái quyền tự xưng “bác”, gọi thuộc cấp “chú, các chú”. Ngược lại, nhân viên gọi sếp là “bác” và xưng “em” hoặc “con”. Có lần ra đó công tác, ban đầu, y ngạc nhiên quá nhưng rồi cũng “nhập gia tùy tục”! Khi đi nói chuyện, giao lưu ở các trường đại học, chán nhất vẫn là lúc sinh viên xưng “em”, sao không chững chạc xưng “tôi”? Ngày còn học ở Đại học Tổng hợp, các thầy Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Mai Cao Chương… tự xưng “tôi” và gọi sinh viên là “anh/ chị”. Cách xưng hô này hợp lý quá đi chứ? Đừng quên, ngày trước các cụ nhà nho gọi thế hệ sau rất trân trọng, thân mật là “cô/ cậu/ anh/ chị”. Bằng chứng khi Chúc tết thanh niên, cụ Phan Bội Châu viết:

Dậy! Dậy! Dậy!

Bên án một tiếng gà vừa gáy

Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng

Xuân ơi xuân, xuân có biết cho chăng?

Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng

Hai mươi lẻ đã từng bao chua với xót

Trời đất may còn thân sống sót

Tháng ngày khuây khỏa lũ đầu xanh

Thưa các cô, các cậu lại các anh

Trời đã mới, người càng nên đổi mới

Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội

Ghé tay  vào xốc vác cựu giang san

Ði cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan

Dây đoàn thể quyết phen thành nghiệp lại

Ái hữu chí từ nay xin gắng gỏi

Gởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần

Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn

Ðúc gan sắt để dời non lấp bể

Xôi máu nóng để rửa vết dơ nô lệ

Mới thế này mới là mới hỡi chư quân

Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân.

À, chị Thế Thanh rời khỏi chức Tổng Biên tập vào năm nào? Hôm nào gặp sẽ hỏi kỹ lại, hoặc lật Kỷ yếu  báo PN sẽ tìm ra ngay. Còn nhớ một cuộc họp quan trọng, quyết định chuyện “đi, ở” của sếp diễn ra tại tòa soạn 188 Lý Chính Thắng, Q.3 lúc khoảng 15 giờ chiều. Đầy đủ cán bộ, công nhân viên trong giờ phút hệ trọng ấy. Chú Sáu và chú Hai xuống dự. Họ là ai? Tạm thời không nêu tên. Trước đó, không rõ từ đâu đã có cuộc vận động ngầm là cả cơ quan đồng lòng ký tên xin giữ chị Thế Thanh ở lại. Không khí cuộc họp căng thẳng như ngòi nổ đã sẵn sàng. Sẵn sàng điểm hỏa.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phản biện dữ dội của anh em nhà báo, chú Sáu mới đứng dậy ôn tồn nhằm làm dịu không khí: “Hôm nay, chú Sáu, chú Hai đến nói chuyện thân mật với các cháu. Vậy các cháu phải…”. Chưa nói hết câu, lập tức nhà báo Lưu Hồng Cúc đứng phắt dậy: “Tôi đề nghị đồng chí thay đổi cách xưng hô. Chúng ta đang bàn chuyện cơ quan, chứ không phải chuyện gia đình”. Cha chả, lúc ấy, chú Sáu sượng trân, không thể thốt lên lời nào nữa, ngồi phịch xuống ghế, giận đến độ mặt mày tím ngắt. Cuộc tranh luận vẫn tiếp tục gây cấn, căng thẳng, không biết bao giờ sẽ kết thúc. Còn nhớ, câu phát biểu cuối cùng là của chú Hai. Chú đứng dậy, rành rọt từng chữ: “Nếu các anh chị cứ làm căng thế này, tôi tuyên bố ngày mai đóng của báo PN”. Nói xong, hai chú đứng dậy, bước ra về, không chào hỏi bất cứ ai thêm một lời nào nữa. Cuộc họp tự giải tán.

À, “chuẩn hóa cách xưng hô nơi công sở” có thực hiện được không? Chỉ nghĩ rằng, cách xưng hô lâu nay đã phản ánh tâm lý, tính cách của một dân tộc, - dân tộc Việt luôn quan niệm trong phép ứng xử ở đời, đừng bao giờ quên: “Một bó lý không bằng một tí tình”. Tình nặng hơn lý. Do đó, cách xưng hô đáng phàn nàn ấy tồn tại một thời gian dài đã phản ánh điều đó. Khi bước lên diễn đàn, người ta có thói quen phải thưa, phải kính các nhân vật “tai to mặt lớn”. Hôm ấy, về dự họp tổng kết nghị quyết có quá nhiều quan chức, chẳng lẽ phải trưng ra tên người, chức vụ cụ thể? Do nó anh chàng nọ mới linh hoạt thông minh vẫn "kính thưa" ngắn gọn mà không mất lòng ai: “Dạ, kính thưa 2 anh Hai ở Ủy ban; 3 chị Tư ở Mặt trận; 4 anh Sáu ở huyện ủy; 4 anh Ba cấp trên…; còn lại, kính thưa toàn thể các cô chú bác lớn tuổi và thân ái chào quyết thắng với các anh chị em thanh niên của huyện nhà”. Chuyện thật mà cứ tưởng bịa. Lối xưng hô này, cho thấy ở đây là gia đình, thân mật, nếu ban tổ chức có gì sai sót thì cũng dễ dàng được quý khách “niệm tình tha thứ”!

Chiều qua, mưa tầm tả. Những cơn mưa dữ dội.Trút từng hồi. Phố phường lênh láng nước. Con người ta thường ích kỷ, ti tiện, hèn kém lắm. Chẳng hạn, lúc ngồi trong quán, nhẩn nha nhâm nhi chuyện đời, hào hứng giọt vàng ngây ngất, chìm đắm men ngon tê mê rồi ngước cổ nhìn ra đường phố. Lúc ấy, thấy thiên hạ đang nhố nháo tránh mưa, lạng lách xe vọt lên, tắt máy xe dắt bộ, người ngợm ướt như chuột lội lẽ ra phải thương cảm chứ? Không, tự họ đã thấy hả hê vì ít ra lúc này cũng còn sung sướng hơn người khác gấp bội phần. Y có thế không? Anh Lưu Đình Triều đã đi Hàn Quốc về, quà tặng là những gương mặt những kép hát, làm bằng gỗ. Trưa qua, nhắn tin cám ơn:

Đã nhận quà tự xứ Hàn

Treo lên ngắm ngược, nhẹ nhàng nhìn xuôi

Mỗi gương mặt, mỗi buồn vui

Cõi nhân sinh ấy ngược xuôi như mình

Hỉ, nộ, ái ố lặng thinh

Cám ơn quà tặng nặng tình ẩn sâu…

DSCN1452qua-tang-2DSCN1454quatang-1

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment