LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.7.2014

10487309_10204520247312793_3963682555279720084_n

Chú thích ảnh:


Một ngày sắp cạn. Tiếng chuông từ ngôi chùa đối diện nhà đang tan dần. Từng tiếng cầu kinh. Chậm rãi. Buồn buồn. Ngày không gì mới. Ngày vẫn ngày. Những ngày lễ, trước sân nhà y thường có nhiều chú chim non sập sè, sắp chết. Ấy là chim phóng sinh. Vừa thả ra. Chim bay không nổi. Chập chững hụt hơi. Tội nghiệp. Ngay lập tức có người ùa vào bắt lại ngay. Nhốt vào lồng. Và lại bán cho những người đến sau. Tội nghiệp chim hay chán ngán cho sự mê muội của chúng sinh?

Sáng hôm qua, An May đến sứ quán Mỹ làm thủ tục du lịch Mỹ. Mọi việc đã xong. Người ta hỏi: “Con có thích du học ở Mỹ không?”. “Dạ, con đi thăm hai anh con đang học ở Mỹ”. Câu hỏi và câu trả lời tưởng không ăn nhập gì, nhưng trẻ con không bao giờ nói dối. Điều này khiến người ta hài lòng. Gật đầu cái rụp. Vậy là vui.

Trước kia, nhạc sĩ  Lê Quốc Thắng cũng làm thủ tục đi Mỹ. Thời đó, đi Mỹ là chuyện cực kỳ khó khăn, chứ không như bây giờ. Người ta hỏi, khi được sang Mỹ anh nhớ ai nhất? Câu hỏi hoàn toàn không nằm trong dự kiến, anh trả lời thật: “Tôi nhớ nhất con tôi”. “Vậy lấy gì chứng minh?”. Ngay lập tức anh lấy ví ra, chìa cho thấy tấm ảnh đứa nhóc. Vậy là xong. Mọi việc dễ dàng. Một nhạc sĩ khác, là câu hỏi này: “Anh yêu nước Mỹ không”. “Tất nhiên là có. Không những thế, tôi còn nghiên cứu kỹ về lịch sử âm nhạc nước Mỹ. Là một nhạc sĩ, sang đó, tôi sẽ sáng tác một ca khúc về nước Mỹ, bởi tôi rất yêu Hợp chủng quốc Huê Kỳ”. Trả lời rành mạch là do câu hỏi này “trúng tủ”, anh đã chuẩn bị trước. Nói trơn tru như cháo chảy, anh tin họ sẽ gật đầu OK, nào ngờ câu hỏi tiếp: “Anh nói có nghiên cứu về lịch sử âm nhạc nước Mỹ, vậy anh biết gì về quốc ca Mỹ?”. Ngay lập tức, anh lắp ba lắp bắp không thốt nên lời. Vậy là toi công. Công cốc.

Đêm qua, nửa khuya giật mình bởi tin nhắn của Đoàn Tuấn: “Chào Q ngủ chưa? Mình đi Paris đây. Đi liên hoan phim. Sẽ liên lạc sau”. Đọc tin này vui. Chúc mừng bạn mình. Mấy hôm nay, anh Lưu Đình Triều đã đi Hàn Quốc. Bạn bè đi Đông đi Tây. Y chỉ ru rú xó nhà. Chán thế. Không phải chán bởi ở nhà mà chán vì phải tiếp cận mỗi ngày với quá nhiều thông tin. Đôi khi ngao ngán muốn buông tiếng chưởi thề. Nhưng rồi chẳng dám. Chỉ bẩn thêm miệng. Bình tâm một chút, nghĩ đến tận cùng nhưng rồi cũng chẳng giải quyết được gì. Dòng đời cứ thế trôi đi. Chẳng gì có thể thay đổi. Nghĩ làm gì nữa. Mệt đầu. Biết thế, nhưng rồi chẳng lẽ mỗi ngày lại không đọc báo? Mỗi ngày không xuống phố? Chẳng lẽ nhắm mắt mà đi? Bịt tai mà nghe? Cứ thế, từng ngày người ta sống. Rồi chẳng mấy chốc, già đi. Chỉ tội nghiệp lũ trẻ con sau này.

Sáng nay đi ăn phở, X bảo: “Chắc chắn em sẽ đưa Rơm về Nga, cho nó sống với ông bà nội nó. Sau này nó thích, nó về chứ em không ép nó ở lại đây như trước nữa. Trước cứ nghĩ có mẹ có con bảo bọc nhau, nhưng nghĩ cho cùng tương lai của nó vẫn quan trọng hơn. Đời mình đã về phía bên này dốc rồi. Tương lai nó còn dài…”. Trước đây, X lấy chồng người Nga, sau đó ly dị, cô đem con về Việt Nam nuôi nấng, dạy dỗ. “Ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Bây giờ, cô đã nghĩ khác.

Trưa nay, nằm đọc quyền Tuyết hoang của Trần Quốc Quân - cây bút Việt kiều đang sống ở Ba Lan. Cuốn tiểu thuyết nhiều thông tin cay đắng về vật lộn mưu sinh của người Việt ở Ba Lan, thỉnh thoảng có những trang hồi tưởng về thời “ngăn sông cấm chợ”. Có điều, văn chương là câu chuyện lạ lùng. Những nhân vật Nguyên, Châu, An v.v… sống động; nhiều chi tiết đắc giá, phải người trong cuộc mới có thể viết nổi. Vậy mà khi đọc, trong lòng cứ nhẹ tênh. Dững dưng. Câu chuyện mới xẩy ra đây thôi, khoảng thập niên 1980 của thế kỷ trước nhưng nay lại thấy xa lạ. Thế thì, tại sao có những tác phẩm viết hàng trăm năm trước, dù tác phẩm dịch đi nữa như vẫn thấy lôi cuốn từng trang? Nhà văn vẫn như đang đồng hành cùng bạn đọc. Họ viết tác phẩm đó như dành cho mình, dù rằng, đề tài ấy, lãnh vực ấy mình xa lạ. Ấy chính là ma lực của văn chương. Nhiều nhà văn có được ma lực này. Ma lực ấy nằm ở câu chữ hay tình tiết? Chẳng rõ. Chỉ biết đã đọc. Đọc lại vẫn thấy lôi cuốn như thường. Mỗi thời điểm lại có cách nhận thức khác nhau. Trong khi đó,Tuyết hoang không phải là cuốn sách tồi, nhưng tại sao lòng vẫn nguội, lạnh tanh? Đọc tiếp cũng được. Mai đọc cũng xong. Một quyển sách hay bao giờ cũng buộc người ta đọc ngấu nghiến từng chữ. không thể bỏ dở nửa chừng. Càng đọc, càng sợ phải chạm tay đến trang cuối cùng.

Y đã có cảm giác ấy bao giờ chưa? Tất nhiên là có. Khoảng thập niên, 1980 lúc ở K, ngày đó đón cánh tân binh ở Hà Nội vào, trong đó có Đoàn Tuấn. Khi Tuấn trình diện y ở ngã ba biên giới, y đã "tịch thu" của hắn quyển Truyện Kiều. Cuốn sách đi theo y suốt năm tháng chiến trường. Không nhớ đã thất lạc lúc nào. Có lẽ, đồng đội đã lén xé từng trang để vấn thuốc rê thay cho lá khô. Tập sách thứ hai cũng tạo ra cảm giác ấy là quyển Thi nhân Việt Nam tiền chiến của Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, lúc ở Anlungveng. Bom đạn ì ầm nhưng đêm đêm vẫn chong đèn dầu khộp đọc say mê...

Mấy hôm nay, cộng đồng mạng ồn ào với sự ra đời của “ca sĩ” Lệ Rơi. Thậm chí, chiều nay, có tờ báo ngoài Hà Nội còn tổ chức giao lưu trực tuyến, chủ đề oách ghê: “Lệ Rơi - Từ sau lũy tre làng bước lên thế giới phẳng”. Tòa soạn tờ báo này cho biết lý do tổ chức: “Trong những ngày này, “Lệ Rơi” đã trở thành một trong những từ khóa cũng như gương mặt hot nhất đối với cư dân mạng. Những clip trên youtube của một chàng nông dân trồng ổi với giọng hát được gọi là “thảm họa” nhưng lại có sức hút kì lạ”.

Trước đó, thiên hạ tha hồ “ném đá”, tha hồ tung hô. Cũng nhộn. Đời sống bức bách, ngột ngạt, túa mồ hôi trán, rướm máu bàn chân kiếm cơm mỗi ngày, có thêm giọng ca lảm nhảm, nhăng nhố, hát ngọng, hát dở của Lệ Rơi cũng chả hại gì. Biết đâu, cũng là một cách để thiên hạ thư giản, cười hả hê trong chốc lát. Khó tính làm gì. Hôm kia, anh bạn gửi tặng tấm ảnh chụp quán ăn ở Quảng Nam, bảng hiệu có dòng chữ rành rành: “Đẹt soản các món nướng”. Thiệt hết biết. Mà cũng cười. Đời sống, có thêm một chút gì nhộn nhạo cho vui cũng đã là quý. Mỗi người, nghĩ cho cùng chỉ là một kép hát nhố nhăng trên sân khấu thôi. Chỉ khác ở chỗ, có người ý thức, tự xấu hổ vai diễn và sẽ có lúc phản tỉnh; có người cứ tưởng mình đang đóng một vai trò ghê gớm. Nhảm lắm.

Chiều tối rồi.  Đã một ngày. Ngày không gì mới. Ngày vẫn ngày.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment