Sơn dầu của Lê Minh Quốc (2009)
May quá, khách đã về.
Ngày thứ bảy, ở nhà, chẳng biết làm gì cho hết buổi chiều. Đang loay hoay lướt web, nghe tiếng chó sủa. Giật mình. Có người đến tìm. Khách không xa lạ, cũng không thân thiết. Tự nhiên, lại tìm đến nhà. Thế có bực không? Không tiếp, sợ bị cho là “chảnh”. Giải thích từ “chảnh” thế nào là đúng nhất? Đã nghe “chảnh”, “chảnh chọe”, “chảnh chó”, thậm chí “chảnh như con cá cảnh” nữa. Đành phải ngồi tiếp chuyện. Mất thời gian quá. Dù lúc ấy chẳng bận việc gì. Câu chuyện xã giao nhắc về người này người kia, y chẳng quan tâm gì. Nhạt nhẽo. “À, có nhớ Y, X, Z không, bây giờ đã là…”. Là cái gì đi nữa, y cũng chẳng cần phải biết. Biết để làm gì? Mà những X,Y, Z - kể cả khách, lâu rồi chẳng gặp. Đời sống ai nấy lo. Biết thêm cũng chẳng ích gì. Đã thế, lại hỏi, “dạo này công việc thế nào?”. Thế nào thì thế nào? Nghe hỏi, chỉ cười. “Vợ con thế nào?”. Có những người luôn hỏi người khác bằng những câu hỏi như tỏ ra quan tâm nhưng thật ra rất ấm ớ. Đã thế, lại còn khuyên rằng… Nghe phát mệt. Có sống giúp được người khác đâu mà cứ khuyên thế này thế nọ? Cho dù chân tình nhưng ích gì cho đời sống người khác? Lúc ấy, chẳng lẽ, không bày tỏ thái độ gì, bèn tỏ ra chăm chú lắng nghe. Nghe tai này lọt qua tai kia. Dông dài vô tích sự. Tự nhiên mất thời gian với những câu chuyện vô thưởng vô phạt ấy.
Bực, nói thế thôi.
Nếu không quý mình, người ta đến làm gì? Có cầu cạnh gì đâu mà khó tính trái nết? Biết thế nhưng vẫn không thích. Đến tận nhà thăm hỏi làm gì, chỉ cần một câu tin nhắn là xong. Việc gì phải gặp nhau mất thời gian cả đôi bên. Một câu hỏi han, có là gì? Mà một tin nhắn cũng chẳng là gì. Chán nhất là những câu chẳng có nội dung. Hôm nay, nhận tin nhắn thế này: “Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, trân trọng gửi tới quý ông bà, cô bác anh chị bạn bè, các em và toàn gia lời chúc mừng sức khỏe và lời chào thân ái, mong các thể hệ trong gia đình luôn đoàn kết, đầm ấm và chung tay nhau xây dựng bảo vệ tổ ấm của mình, Tổ quốc mình khỏi họa xâm lăng và giữ vững truyền thống văn hóa có từ lâu đời để cùng sống hạnh phúc, hòa bình, phát triển bền vững lâu dài”. Tin nhắn cá nhân gửi cá nhân với nội dung này chỉ có thể hoặc điên rồ; hoặc trêu ghẹo châm biếm, hài hước. Y có làm gì mà châm biếm y? Nhận các lời chúc nội dung vớ vẩn này chẳng khác gì khách không mời mà đến.
Sau công việc mỗi ngày, quay về nhà là lúc con người ta chẳng khác gì con thú trở về hang. Tìm nơi an toàn. Trú ẩn. Không muốn ai quấy rày, dù thăm hỏi thân tình. Bạn bè làm việc chung cơ quan từ thuở tóc xanh, đến lúc về hưu nhưng chắc gì đã ai ghé nhà ai. Mà có đến, vừa câu một câu hai đã kéo nhau ra quán. Vì thân thiết. Thân tình. Còn người không thân, chỉ dăm câu ậm ờ cho xong nhưng ngoài mặt cứ vồn vã, làm như hiếu khách lắm. Trong bụng chỉ thầm mong, về đi cho. Nào dám nói ra. Bấm bụng mà chịu đựng. Ấy mới oải.
Nói là nói thế, tâm lý con người ta cũng lạ.
Nếu bè bạn cũ chí cốt khi vào Sài Gòn nếu không ghé thăm nhà, y lại giận. Đôi khi bận rộn công việc nhưng ít ra cũng có cú điện thoại hẹn hò lai rai một chút. Câu chuyện lúc ấy tha hồ rôm rã mới vui. Tẹo vừa từ Đà Nẳng vào Sài Gòn thăm mẹ. Mang vào nhiều thực phẩm quê nhà, bà cụ thích lắm. Y cũng khoái nữa.
Sáng nay, lại phở. Vài ba anh em ngồi với nhau. Câu chuyện thân mật, lý thú. Sực nhớ tối hôm qua, đi dự tiệc của doanh nghiệp nọ mời nhà báo nhân ngày 21.6. Được quà cáp, ăn uống no say tại khách sạn Majestic. Từ phòng ăn bước ra ngoài sân thượng, gió lồng lộng. Loáng thoáng có chút mưa. Lúc ăn, anh em ảo thuật lên sân khấu trình diễn góp vui. Tiếng vỗ tay vang trời. Gần sắp chia tay, có nhà báo xin con chim bồ câu - vốn là “đạo cụ” của nhà ảo thuật. Người ta kiếm cơm bằng mấy con bồ câu đó, đã huấn luyện nhọc công biết bao nhiêu lẽ nào lại xin xỏ? Mà vẫn cứ nằng nặc xin cho bằng được. Lý do đưa ra, “vợ tôi rất thích bồ câu trắng”.
Nghe sướng chưa?
Cuối cùng, cười như mếu là tay ảo thuật; cười hả hê là tay nhà báo!
Còn y?
Nhìn gương mặt có tiếng cười hả hê ấy, muốn ói.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|