Có những lúc, chẳng rõ cảm giác đang thế nào. Buồn? Vui? Hưng phấn? Ngao ngán? Chẳng gì cả. Chỉ biết, không thể làm một chuyện gì cho ra hồn. Nửa muốn có tin nhắn rủ ra quán. Nửa lại không. Nửa muốn viết gì đó. Lại ngại. Nhìn quanh quẩn vẫn bốn bức tường. Những kệ sách chạm đến trần nhà. Những quyển sách. Trang giấy cũ. Úa vàng. Vậy nhưng khi gặp một quyển sách, tự dưng trong lòng lại xao xuyến, hồi họp lật từng trang dù đã biết rõ nội dung. Quyển sách đó nhưng bản in khác là đã thích, đã mê tơi. Cái mùi sách cũ gợi lên điều gì trong tâm tưởng? Chẳng rõ. Chỉ biết rằng nhìn trang giấy in, co chữ, tranh vẽ minh họa, tên tác giả là gợi lại nhiều xao xuyến đã xa lắc. Nghiện sách đấy chăng? Ngoài trời đang nắng hanh vàng, nhưng lại mưa. Âm thanh mưa trượt dài trên mái lá. Những âm thanh quen thuộc. Những góc nhìn đã cũ. Ngày tẻ nhạt lắm. Đôi khi muốn tìm vui một chút, chẳng hạn, phóng xe xuống phố. Nhưng rồi cũng ngần ngừ.
Đôi khi, mở mắt dậy, tự hỏi, làm gì cho hết một ngày?
Một ngày ngắn ngủi. Một ngày dài thăm thẳm. Cũng là ngày. Cũng hình bóng của chính y hiện diện trong đời sống này. Một hình bóng nhạt nhẽo quá. Một cá tính không rõ nét. Không chính kiến. Giữa muôn trùng đời sống, y chỉ lướt qua như ảo ảnh. Trong khi đó, chung quanh y có quá nhiều con người vĩ đại, lớn lao khi dẫm chân trên trái đất.
Ai vậy?
Với y, là những con người đã có vợ/ chồng rồi sinh con đẻ cái. Một hành trình nặng nề ghê gớm. Y nghĩ đến hình ảnh đứa trẻ nằm nôi. Bao nhiêu đêm người mẹ thức ròng? Bú mớm, dỗ dành đến lúc bập bẹ tiếng nói đầu đời gọi cha, gọi mẹ rồi chập chững bước đi, đố ai có thể tính hết công sức bao la trời biển ấy? Nhiều người tặc lưỡi, cố gắng nuôi đến lúc nó vào đại học là khỏe thân. Có thật vậy không? Rồi nó ra trường, lại lo nó có công ăn việc làm ổn định hay không. Rồi gì nữa? Còn phải lo dựng vợ gả chồng cho nó. Đã có thể thở phào nhẹ nhỏm? Chưa chắc. Vợ chồng nó cơm không lành canh không ngọt? Lại lo. Tệ hơn, có lúc nó bồng con về giao cho ông bà nội/ ngoại nuôi giúp. Cả đời vẫn chưa hết nỗi lo lắng dành cho con, cho cháu. Những năm tháng cuối đời, khó có thể yên tâm vui thú tuổi già. Nỗi lo triền miên. Tưởng chừng vô tận. Những con người bình dị ấy, trong mắt y là hiện thân của sự vĩ đại trong đời sống này.
Trong mọi cái lo ấy, nỗi lo nào lớn nhất?
Các bậc phụ huynh, dù không nói ra nhưng cũng nghĩ trong đầu: “Ối dào, đời mình danh phận chẳng ra đếch gì, thôi thì, cố gắng nuôi con ăn học nên người”. Nghèo cũng lo. Giàu cũng lo. Một xã hội tiến bộ, muốn sánh vai cùng các nước khác, phải lấy giáo dục làm yếu tố căn bản. Chuyện này, thời gian qua đã có quá nhiều ý kiến rồi. Thế mà, chiều hôm nọ, đọc thông tin này trên VnEpres, giật mình: “Tại buổi thảo luận trong kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) TP HCM sáng 9/7/2014, khi được đề nghị báo cáo về công tác chuẩn bị cho năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết, trong nội dung đổi mới, Sở định hướng xin phép lãnh đạo thành phố có cơ chế riêng khi triển khai chương trình theo ngành dọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện đánh giá đầu ra ở cấp học phổ thông. Đồng thời, Sở đề nghị xây dựng một bộ sách giáo khoa riêng "mang tính đặc thù của thành phố".Theo ông Sơn, một bộ sách giáo khoa riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương là để chương trình đào tạo phù hợp với định hướng học tự chọn, thi tự chọn ở cấp phổ thông. "Trên cả nước có thể có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng riêng TP HCM phải có một bộ sách giáo khoa đặc thù của thành phố đáp ứng đủ các nội dung, khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đạo tạo. Điều này cũng phù hợp với việc triển khai định hướng học tự chọn, thi tự chọn ở cấp phổ thông", ông Sơn nói”.
Nói như thế nghe lọt lỗ tai không?
Đọc báo Ngày Nay thời Tự lực văn đoàn có hình châm biếm hài hước, người đàn bà nọ bụng chửa dạ mang, muốn đẻ ở Bắc kỳ, người ta hỏi giấy tờ lằng nhằng, nhưng bà vượt vào Trung kỳ thì chẳng ai thèm hỏi một câu. Tha hồ đẻ. Thời Pháp thuộc, có những quyển sách có thể in ấn ở trong Nam nhưng không thể phát hành ra Bắc. Lại có những thời sự mà báo chí ngoài Bắc không thể đưa tin nhưng trong Nam lại “xả láng”! Cụ thể, vụ khởi nghĩa Việt Nam Quốc dân đảng cả nước biết đến phần lớn do báo chí trong Nam. Quy chế xuất bản báo chí ở Nam kỳ “thoáng” hơn ở Bắc và Trung kỳ. Không phải ngẫu nhiên, thời trước các đảng phái chính trị tranh thủ ra báo tiếng Pháp, bởi được hưởng quy chế thuận lợi hơn là ra báo tiếng Việt. Cùng một nước nhưng chính sách cai trị khác nhau, nói lên điều gì?
Mấy hôm nay, có thông tin mà với y là lý thú: Chuyên gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Gabriel Demombynes cho biết cả nước có khoảng 110 người siêu giàu với tài sản trên 300 triệu USD/ người. 300 triệu USD tương đương khoảng 630 tỷ đồng! Theo báo PL TP.HCM sáng nay: "Với mức thu nhập trung bình gần 2.000 USD/năm của người dân hiện nay thì so với khối tài sản của người siêu giàu 35 triệu USD thì một người dân thường muốn trở thành siêu giàu phải mất 17.500 năm thu nhập". Nhờ đâu lại có người giàu kinh khiếp đến thế? Chìa khóa thành công ở đâu? Do “có phước làm quan, có gan làm giàu” chăng? Do chất xám hay do mối quan hệ, do cơ chế? Cái sự giàu này có đáng vui không? Đôi khi hỏi cũng là một cách trả lời.
Lật qua tờ báo nọ, lại chú ý đến thông tin về chiều cao của người Việt Nam: chiều cao trung bình của nam thanh niên là 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn; nữ thanh niên cao trung bình 153cm, thấp hơn 10,1cm so với chuẩn. Sực nhớ,câu slogan, đại khái, “dù tớ không cao nhưng ai cũng ngước nhìn”. Ơ hay! Không cao, tự nó đã là lùn. Mà đã lùn, cớ gì người khác phải “ngước nhìn”? Cứ theo Từ điển tiếng Việt của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, “Ngước: Đưa mắt nhìn lên cao”. Khi người Việt Nam sánh vai cùng người châu Âu, điều rõ ràng nhất, lúc ấy hầu như ai cũng ngầm so sánh chiều cao với họ. Lúc ấy, ai ngước nhìn ai?
Từ chiều cao, ta lại nhận ra rằng mình kém họ nhiều thứ, ít ra về thể lực, sức khỏe, sự bền bĩ… Dù một dân tộc có trí tuệ thông minh siêu việt đến cỡ nào, cũng không thể thiếu đi yếu tố sức khỏe. Chiều cao là một trong những biểu hiện đó. Có chuyện rằng: Anh chàng nọ dẫn vợ đi ký giấy kết hôn, cô nhân viên hành chánh ở xã hỏi anh chi tiết về cân nặng, chiều cao, trọng lượng… rồi cộng trừ nhân chia chi chít các dãy số. Lát sau, cô ta bảo: “Rất tiếc, tôi không thể chứng nhận kết hôn vì vợ chồng anh chưa đủ điều kiện có con!”. Tại sao? Cô ta đáp tỉnh rụi: “Ai cũng có chiều cao như với chồng anh, thử hỏi khi đẻ con thì bao giờ lũ nhóc nước ta mới có thể tham gia… Worl Cup?”.
Tưởng chuyện đùa nhưng nghe ra chí lý đấy chứ?
Tìm biện pháp nâng chiều cao thanh niên Việt Nam, các nhà khoa học mấy năm nay đã tính toán nát óc. Điều này rất cần được sự hưởng ứng, ủng hộ của mọi nhà. Có điều, trước mắt cần nhận ra rằng, dù không cao nhưng người Việt lại có “chiều cao” trong nhiều lãnh vực khác. Ấy là tư duy “chiều cao” theo kiểu Chí Phèo - một kiểu tự hào, tự mãn cho rằng cái gì nước mình, dân tộc mình cũng nhất, số một!
Khắc phục được suy nghĩ “tự sướng” này cũng quan trọng, bức thiết không kém gì nâng chiều cao hiện tại của người Việt.
Có đúng không?
Tranh sơn dầu Lê Minh Quốc (2009)
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|