LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.7.2014

 

DSCN1584giaidieuhaoghung

Hàng đầu: Các vị khách mời bình luận chương trình Giai điệu tự hào lúc 24 g ngày 15.7.2014 tại trường quay Hãng phim Việt (từ phải: nhà thơ Lê Minh Quốc, Thanh Tùng, Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Vũ Hạnh, ca sĩ Thanh Hoa, nhà thơ Hữu Việt, Lê Tú Lệ, đạo diễn Lê Văn Duy)

 

Đêm qua, 2 giờ sáng mới ngủ. Đã tự hứa. Đã tự nhủ, sống bằng nghề viết không nên lên truyền hình nhiều quá. Dù được phát ngôn, được xuất hiện trước mắt hàng triệu người, được nhận tiền. Đồng tiền nhận được dễ dàng hơn ngồi gõ từng con chữ. Mỗi ngày mỗi viết. Thói quen. Có như thế, khi ngồi vào bàn làm việc chẳng thấy mệt nhọc gì. Ngồi trước ống kính trong trường quay nhàn hơn. Chỉ cần phải diễn một chút. Phải uốn lưỡi, hoạt ngôn một chút. Phải chỉnh tề một chút. Ngày nay, cả hàng trăm kênh truyền hình, chẳng mấy ai có thể xem hết. “Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”. Cũng vậy thôi. Thôi thì, cứ vui với sở trường đang có.

Sáng qua, nhận lời mời của bạn thơ từ Hà Nội vào. Anh mời tham gia hội đồng bình luận chương trình Giai điệu tự hào (VTV 1). Phim trường ở tít bên Q.9. Xa quá. Cùng nhà báo Trần Hoàng Nhân đi taxi. Đến nơi, rủ Ngô Nguyệt Hữu đi ăn chiều. Nhìn qua bên kia đường, thấy một tòa nhà rộng: “Học viện phụ nữ Việt Nam”. Đã làm báo nữ giới gần 30 trời nhưng lần đầu tiên mới biết đến, chẳng rõ người ta dạy những gì?

Bước vào phim trường, tình cờ gặp nhiều gương mặt quen. Giới văn nghệ vốn thế, quen đấy, biết đấy, cười đấy, chào hỏi rôm rả đấy nhưng không hẳn là thân. Lần này, với chủ đề Xa khơi, những ca khúc được chọn là Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Bến cảng quê hương tôi (Hồ Bắc), Tình em biển cả (Nguyễn Đức Toàn), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Chút thơ tình người lính biển (Hoàng Hiệp phổ thơ Trần Đăng Khoa) và Biển hát chiều nay (Hồng Đăng). 6 ca khúc này được các ca sĩ Anh Thơ, Mỹ Tâm, Quang Dũng… thể hiện. Sau đó, là phần phát biểu, tranh luận của các vị khách mời già và trẻ trong hội đồng bình luận. Cuối cùng, mọi người chấm điểm bằng cách nhấn remote, 2 ca khúc có tỷ lệ bình chọn cao nhất sẽ được đưa vào chương trình chung kết.

Nhìn chung, chương trình này thú vị bởi cùng một ca khúc nhưng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Người bạn thơ của y dẫn chương trình “có nghề”, có kiến thức, tuy nhiên anh nói hơi vội nên có đôi lúc “chữ nuốt chữ”. Không sao. Bù lại ấy là cách dẫn chuyện của anh tự nhiên, học thức, lịch lãm nên vẫn "ăn đứt" nhiều MC chuyên nghiệp khác chỉ có mỗi nhan sắc. Hôm qua, y phát biểu gì? Đại khái, không nên khoanh vùng “âm nhạc cách mạng”, “âm nhạc truyền thống”, chỉ gọi chung "âm nhạc Việt Nam". Một ca khúc vượt thời gian thì tự nó quyết định số phận của nó. Khuya trên đường về nhà, phố xá vắng hoe, tự nghĩ vẩn vơ thêm, nếu căn cứ vào tên gọi “âm nhạc cách mạng”, “âm nhạc truyền thống”, có lẽ còn lâu mới có những ca khúc trữ tình, tình tự dân tộc sáng tác tại miền Nam của nhạc sĩ miền Nam có thể xuất hiện trong chương trình tầm cỡ mà trang web giaidieutuhao cho biết: “Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét. Trong những năm tháng xưa cũ ấy, từ chủ thể nhỏ bé đến những chứng tích lớn lao đều được đặt ngang hàng nhau, được ngợi ca, vinh danh như những điều đã làm nên sức mạnh, điểm tựa tinh thần cho cả một dân tộc”. Lại nghĩ, chẳng rõ từ bao giờ lại có sự phân biệt “nhạc đỏ”, “nhạc vàng”? Âm nhạc là âm nhạc, chứ “đỏ” với “vàng” gì nữa, hòa bình thống nhất mấy chục năm rồi, miễn nó hay, đủ sức đồng hành năm tháng, đi vào lòng người thì tự khắc trồi lên trên cơn sóng thời gian. Bằng không, có tung hô vạn lần nhưng nếu công chúng không nhớ đến cũng chẳng có ý nghĩa gì. Khi buồn bã tuyệt vọng, lúc hân hoan như Tết thử hỏi con người ta đặt trên môi và ca từ nào và hát? Trả lời câu hỏi này, có thể tìm thấy số phận của ca khúc, nói rộng ra là sáng tạo nghệ thuật nói chung.

Nghệ thuật phục vụ đám đông? Đúng quá. Nghệ thuật phục vụ cá thể? Đúng quá. Có người viết ca khúc cho hàng triệu người hát, hàng triệu người nghe; ngược lại cũng người viết có ca khúc cho một người. Một người lúc lẻ loi, đơn độc nhất trong đời họ chỉ cần ca khúc ấy vọng đến như một lời sẽ chia, an ủi. Vậy cái nào cần thiết hơn cái nào? Cái nào cũng cần thiết. Suy nghĩ lan man về chuyện này thì vô cùng. Dù suy nghĩ thế nào, chắc chắn một điều nghệ thuật đích thực dù chạm đến tận cùng tử cung của đời sống với mọi sắc màu hỉ, nộ, ái, ố thì chính nó phải gieo trong tâm hồn con người một niềm vui sống, một sự hy vọng, dù chỉ là ánh sáng leo lét cuối đường hầm xa tít. Từ một tác phẩm nghệ thuật, con người ta có thể vui sống, có thêm một nguồn sinh lực sống, dù nhỏ nhoi đặng vững tin đối mặt với phía trước lục tặc tam bành, bóng tối của cái ác vẫn hiện diện ngay từ trong ý thức của con người.

Đêm qua, đã lâu lắm mới về nhà trễ đến thế. Mãi đến 1 giờ sáng mới xong chương trình. Mấy ngày hôm nay có vui không? Mưa nắng thất thường nên cảm cúm. Vào hiệu thuốc Tây mua thuốc. Sau khi nghe khi bệnh, tay bán thuốc hỏi ngay: “Vậy anh cần mấy ngày thuốc?”. Câu hỏi vô trách nhiệm đến thế là cùng. Làm sao người bệnh có thể tự quyết định liều thuốc? Có người vào bệnh viện, sau khi khám xong, bác sĩ hỏi: “Vậy anh muốn gì?”. Muốn gì là muốn gì? Ngơ ngác hỏi lại. “Muốn chữa theo chế độ nào? Bảo hiểm y tế hay trả tiền trực tiếp?”. Lại cũng câu hỏi đó, lại hàm nghĩa khác: “Bệnh này uống thuốc hoặc mổ cũng được. Vậy anh muốn cái nào? Nếu chọn mổ thì vui lòng ghi giấy không khiếu nại về sau”.

Những câu ấm ớ hội tề này, y đã từng nghe.

Sốc quá.

Sáng nay, vào cơ quan họp. Vẫn lướt báo như mọi ngày. Chẳng một cảm xúc gì. Thời buổi này quá nhiều kênh thông tin. Ngộ độc như chơi. Có điều lòng y đã chai sạn. Vô cảm. Dửng dưng. Tại sao thế? Điều khủng khiếp nhất của con người là gì? Họ chẳng còn bấu víu vào đâu được nữa để nuôi dưỡng niềm tin đang thui chột mỗi ngày. Chiều nay, đọc lại Đào kép mới của Nguyễn Công Hoan. Câu chuyện về bọn kép hát của tuồng hát An Lạc. Trước kia, họ diễn đông khách lắm, người xem hát cười rầm rầm, tiếng vỗ tay vang trời. Rồi chẳng ai thèm xem nữa, bởi thiên hạ đã chán tuồng cổ. Không lẽ bó tay, vặt râu ngáp vặt qua ngày. Phải thay đổi. Phải diễn trò mới, họ căng ra bảng quảng cáo: “ Đại diễn tích hát mới! Lưu Lễ bình Phiên - Bản rạp mới chấn chỉnh! Đào kép mới!”. Quả nhiên: “Người ta thử xem rạp An Lạc chấn chỉnh. Người ta thử xem tài đào kép mới. Người ta thử xem tích hát mới”. Nhà văn diễn tả:

“Vua hét:

- Quâng Phiêng đã Lâm Truy kéo tới, làm giua tôi lại gặp buổi giang nang, trẫm truyền cho giăng giõ bá quang, xem ai có tài có gang ra giúp nước, hà!

Hai anh kép ngồi ngoài, một anh mặt đen, râu đỏ, phun phè phè từ thái dương đến môi, một anh mặt trắng, râu vẽ bằng mực, lanh lẹ xắn áo, xốc mũ, múa may, uốn éo, làm bộ giương súng, cưỡi ngựa, vặn ôtô, nhảy xe đạp. Tiếng cười lại vang lừng.

Anh bên phải lắc đầu lắc cổ, nói:

- Đã có tôi phò tá!

Anh bên trái vươn cổ, phụng phạo tiếp:

- Lại có mỗ tá phò!

Rồi cả hai anh cùng giơ tay và cùng hát:

- Xin Thánh thượng đừng lo.

Đoạn lại cùng vênh váo trỏ vào ngực mình:

- Đã có tôi... phò tá!".

Trước đây, cách diễn ấy, lớp lang ấy thiên hạ khoái chí, vỗ tay rầm trời. Nay xem, biết vẫn tuồng cũ rích, cho nên: "  Trên hàng ghế đầu, người ta nhăn mặt, bàn tán:

- Nhảm quá. Ta phải lừa rồi.

- Phải, họ nói láo, chứ chấn chỉnh cái cóc khô gì. Vẫn đồ bài trí ấy, có đào kép mới mà vẫn hát tích cũ, thì có khác trước tý nào?

Một người tinh mắt, mỉm cười, trỏ lên sân khấu nói:

- Các ngài thử nhìn kỹ xem bọn kép này là mới hay cũ. Cái anh lần trước ngồi kia, thì bây giờ bỏ bộ râu ra và ngồi đây. Cái anh ngồi bên này bây giờ vận mũ khác áo khác và vẽ mặt khác. Vả được độ một vài thằng kép khổ hoặc con đào ươn, mà đã nhặng lên là mới, là chấn chỉnh, thì chúng mình chỉ mắc một lần là cùng!

Rồi cùng thất vọng, rủ nhau ra.

Từ hôm sau trở đi, chiều nào cũng vậy, cỡ độ năm giờ, bọn đào kép ban An Lạc lại mũ mãng, phấn sáp, râu ria, ngồi trơ tráo trên xe cao su, đi diễu qua các phố để phơi nắng cái đời hát tuồng còn ngắc ngoải.

Nhưng những người đã xem diễn qua một tối, họ đều chán ngán. Nghe tiếng trống kèn cổ động ầm ĩ, họ cũng biết rằng gánh hát còn sống đó, song, chẳng ai muốn để ý xem tối nay, trong rạp, bọn vua quan trò hề ấy họ ậm oẹ với nhau những trò gì!”.

Đã chiều rồi. Tiếng cầu kinh từ ngôi chùa trước nhà vừa vọng lại những âm thanh sầu não, câu kinh kệ u buồn. Kép hát vẫn giung giăng trên sàn diễn mỗi ngày. Y vẫn từng ngày tẻ nhạt của mỗi ngày. Chẳng gì mới.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment