Thư trao đổi với anh Nguyễn Thế Truật về kế hoạch viết sách (7.1998)
Đã lâu lắm không gặp Nguyễn Thế Truật. Đọc trên facebook của bạn bè mới biết anh vừa qua đời. Thêm một người tử tế ra đi. Nếu không có sự quyết đoán, tầm nhìn của anh, chắc chắn thời đó y đã không thực hiện bộ Kể chuyện danh nhân Việt Nam. Đã thế, không thể có tập Người Quảng Nam. Rồi các tập “hỏi - đáp” về Giáo dục, Báo chí, Doanh nhân, Sài Gòn 300 năm… y thực hiện cũng từ các cuộc trao đổi, gợi ý do chính anh "đặt hàng".
Bấy giờ, Tổng Biên tập Thế Thanh đã nhận lệnh của cấp trên chuyển qua đơn vị mới. Người khác về ngồi vị trí đó. Lập tức một số cán bộ chủ chốt Phòng, Ban cũng thay đổi. Đang phụ trách ban VHVN, y được chuyển xuống làm phóng viên. Một số anh em cũ ngao ngán rời nhiệm sở. Mạnh ai nấy đi. Y không đi đâu cả. Đi đâu cũng thế. Chỗ nào đi nữa, kiếm sống cũng bằng ngòi bút. Việc gì phải cầu cạnh tìm chỗ làm mới. Còn nhớ như in vào một chiều đẹp trời. Chim hót. Hoa cười. Mây xanh. Nắng mới. Đột ngột sếp mới đã gọi y, Lý Tiến Dũng, Mai Bá Kiếm vào phòng làm việc. Khi cả ba vừa ngồi xuống ghế, bà đứng dậy mở tủ, rút ra một sấp tiền rồi ném lên bàn, hằn học:
- Từ lúc về đến đây, dù đã nhận lương rồi nhưng tôi vẫn chưa xài một đồng nào. Nếu không làm được việc, tôi trả lại lương cho cơ quan. Tôi không ham hố gì vị trí này. Tôi nói thật lòng đó. Trước hết, tôi xin các anh đừng viết gì sai phạm, đừng chống đối để tôi yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Ai muốn đi đâu, tôi ký giấy ngay cho.
Ơ hay! Chuyện gì vậy? Cuộc nói chuyện căng thẳng, lằng nhằng lắm. Sau đó, Lý Tiến Dũng xin về làm báo Đại đoàn kết. Hữu Bảo về Sài Gòn tiếp thị. Hương Ly về Thanh Niên v.v... Y vẫn không đi. Thực hiện tờ báo là công sức của tập thể, y đã làm ở báo PN được mươi năm rồi, tự dưng lại bỏ đi? Vô lý quá. Mà chẳng phải do kỷ luật gì. Nhiều người có suy nghĩ kỳ quặc, khi lên một vị trí mới là gạt hết “tay chân” người cũ càng nhiều càng hay. Càng nhanh càng tốt. Rồi lập một “ê-kíp” mới. Thật ra, y chẳng người của sếp nào. Thời nào, y cũng chỉ làm tốt nhiệm vụ với tâm thế kiếm sống lương thiện cùng các đồng nghiệp. Vì thế dù đã có sự "gợi ý" nhưng chẳng việc gì phải đi đâu. Không đi à? Người ta không cho giữ nhiệm vụ gì, chỉ làm phóng viên. Càng tốt. Đang ở vị trí bề bộn công việc, tự dưng nay lại có thời gian rảnh rỗi quá.
Phải làm gì?
Viết sách.
Thế là y trao đổi kế hoạch viết dài hơi với Nguyễn Thế Truật. Thời đó, anh mới chân ướt chân ráo từ báo TT về NXB Trẻ. Mỗi người có một khả năng, anh không có tư duy làm báo nhưng làm xuất bản lại đúng sở trường. Tìm lại tài liệu cũ mới nhớ thời điểm y thực hiện bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam vào những ngày giữa tháng 7.1998.
Ôi, thời đó còn trẻ, khỏe. Mỗi ngày chăm chỉ viết. Cần cù bù thông minh. Viết mỗi ngày. Đưa bản thảo đi biên tập, lại bắt tay viết tập mới. Lúc ấy, chị Cúc Hương, con gái nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi biên tập trực tiếp. Mỗi lần cần chỉnh sửa gì trên bản thảo, chị chỉ khiếm tốn viết bằng bút chì. Làm việc với người biên tập chỉnh chu, có trách nhiệm là sự may mắn. Nhờ có chuyên môn, có kiến thức và nhất là “có lòng” nên họ đã có nhiều góp ý cần thiết cho tác giả. Chị Cúc Hương - em ruột nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi là người có đức tính quý báu ấy. Nhờ có bản thảo gối đầu nên cứ mỗi tuần, sách mới lại phát hành. Mỗi tập chừng từ 150 trang đến 180 trang, có hình ảnh kèm theo. Viết khiếp quá đến nổi nhà văn Trần Quốc Toản phải phong y danh hiệu “Tác giả có sách xuất bản hàng tuần”. Sau này, gom in lại thành 10 tập, dày chừng 3 ngàn trang là viết trong khoảng thời gian “thất sủng” ấy.
Ngẫm lại, thế lại hay. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác lại mở ra. Không gì phải bi quan. Đúng quá đi chứ?
Tư duy làm xuất bản của Nguyễn Thế Truật sở dĩ thành công vì anh đọc nhiều, biết khả năng thị trường đang cần loại sách gì. Hơn nữa, anh biết sở trường cộng tác viên nên giao việc đúng người và tin cậy họ. Trước đây và hiện nay, có nhiều người làm xuất bản cứ nghĩ rằng, in bản thảo cho ai là “làm phúc” cho người đó. Nói có sách mách có chứng. Chỉ kể lại một chuyện: Ngày 1.3.1994, báo Thanh Niên có bài giới thiệu tập sách Tự vị tiếng Việt miền Nam của học giả Vương Hồng Sển. Ngay sau đó, cụ Sển gửi báo TN lá thư cho biết không thừa nhận “đứa con tinh thần” của mình vì in sai quá nhiều lỗi, “biên tập”câu cú linh tinh, thậm chí nhan đề “Tiếng nói miền Nam” bị sửa thành “Tự vị tiếng Việt miền Nam”. Báo TN số ra ngày 8.3.1994 đã in nguyên văn lá thư này, ngay dưới lá thư nhà thơ Lê Nhược Thủy “đề nghị NXB Văn Hóa trả lời vấn đề này trước dư luận”. Qua số báo 29.3.1994, báo TN có đăng “Thư ngỏ gửi cụ Vương Hồng Sển” ký tên NXB Văn Hóa (43 Lò Đúc - Hà Nội) phân trần lại. Cuối thư ấy có đoạn: “Bây giờ, Tự vị ra đời xong, cái kết quả vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy là cụ chẳng bằng lòng. Thảo nào tục ngữ ta đã có câu “làm phúc phải tội” là vậy”! Cách trả lời này gây phản ứng trong dư luận, ngày 14.4.1994, báo TN đăng bài In sách không phải là “làm phúc” với một loạt ý kiến của độc giả phản ứng, phê phán cái suy nghĩ nông cạn, khệnh khạng ấy.
Nguyễn Thế Truật không có thói suy nghĩ in sách là “làm phúc”. Anh luôn chủ động niềm nở “đặt hàng” và trực tiếp trao đổi đề tài, đề cương với tác giả. Lúc làm việc anh chỉ mời trà hoặc cà phê nên những trao đổi, bàn luận của đôi bên đều tỉnh táo, chín chắn. Nếu diễn ra trong quán nhậu chắc có lẽ sau đó đã quên tuốt luốt rồi thì kể như công cốc. Truật không có khả năng bia bọt, không thích xuất hiện trong đám đông. Không có khả năng khoác lác và ồn ào. Khi bàn công việc bao giờ cũng chu đáo, thân tình, nghiêm túc chứ không hề ba hoa chích chòe "ba voi không được bát nước xáo". Do đó, lúc bàn chuyện với anh là tự dưng thấy tin cậy, chứ trong lòng không có sự hồ nghi gì. Ngày nọ, HTV làm bộ phim về bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, y có mời anh, Trần Phá Nhạc ghé nhà riêng cùng tham gia phát biểu. Sau đó, anh em lai rai một chút, anh Truật bảo: “Đi dạy rồi công việc xuất bản nhiều quá. Tôi ước gì có lúc thu xếp thời gian để viết”.
Rồi báo PN chuyển về Đ.B.P. Từ đó, anh em ít gặp nhau. Ngày tháng cứ thế trôi đi. Chỉ thỉnh thoảng vài cuộc điện thoại thông báo cho nhau về những quyển sách quý mới ấn hành để cùng tìm mua. Chiều nay, nghe tin anh mất. Điện thoại hỏi Trần Hoàng Nhân mới hay anh bị ung thư. Đời người? Vậy là xong một đời người. Hư không và cát bụi. Ai rồi không tìm về nơi chốn ấy? Ngoài trời đang mưa. Vĩnh biệt một người bạn quý. Dù không nhiều lần bia bọt, bù khú hứa hẹn dời non lấp bể nhưng ấy chính là người bạn tốt. Những ngày qua trống rỗng. Chẳng gì vui buồn. Thời gian cứ gõ nhịp trôi đi. “Tự mình biết riêng mình / và ta biết riêng ta/ Hòn đá lăn trên đồi / hòn đá rớt xuống cành mai / rụng cánh hoa mai vàng / chim chóc hót tiếng qua đời” (T.C.S). Một người vừa qua đời. Chiều qua mưa. Chiều nay cũng mưa. Vĩnh biệt bạn mình:
Tiễn biệt người đi đến cõi người
Lật trang sách cũ nét còn tươi
Những ngày nhàu rủn trong tiềm thức
Vọng đến niềm vui... lạnh buốt môi
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|