LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.6.2014

 

Rồi đôi lúc, cái gì cũng là nỗi ám ảnh của sợ hãi. Nhiều lúc, đọc thông tin này, biết thông tin kia, dù đắng lòng nhưng rồi cũng ngậm tăm. Cũng chẳng dám đưa vào Nhật ký. Cùng lắm, một cái tặc lưỡi. Thế là xong. Nghĩ ngợi nhiều, cũng chẳng đến đâu. Thôi kệ. Từng ngày, cứ thế lại trôi đi.

Mấy hôm nay, trời mưa như trút.

Đêm qua, nói năng linh tinh, lúc nghĩ lại tự nhiên áy náy trong lòng. Lúc ấy, ngồi sân thượng gió mát, cùng anh em. Câu chuyện quay ngược về dòng tộc, họ hàng ngày xưa cũ. Nhắc lại, rồi đời sống của mỗi người, ngày mai lại trôi theo công việc tẻ nhạt, quen thuộc mỗi ngày, đã lập trình

Trước kia viết đâu đó trong Nhật ký, đời sống hiện nay có nhiều chất liệu để dựng lên những tiểu thuyết không thua kém gì Số đỏ, Chí Phèo, Tắt đèn… nhưng rồi chờ hoài chẳng thấy, lúc ấy nghĩ rằng, do tài năng của nhà văn. Đêm qua, nghĩ khác, ấy là do nhà văn không đủ ác, vâng, họ không đủ ác để viết lại những gì đã cảm nhận, đã mắt thấy tai nghe. Sự tưởng tượng của nhà văn tụt hậu, đi sau hiện thực khủng khiếp của đời sống. Khi viết, họ không đủ ác, không vượt qua nỗi sợ hãi chính mình. Trang viết nhẹ tênh. Chưa đọc đã chán. Điều nguy hiểm nhất, khi viết tự nhà văn đã “biên tập”, đã thiến câu văn ngay trong đầu.

Có ai dám thừa nhận điều đó không? Dù không nói ra nhưng, tự mỗi người đã biết tỏng chính mình.

Không rõ, hiện nay, người ta đang quan tâm đến cái gì? Y là nhà báo “chính hiệu con nai vàng”, sao lại hỏi thế? Nhà báo luôn xông xáo, tiếp cận với cõi nhân sinh bụi bặm, những thân phận bột bèo, những cùng đinh, những ngóc ngách của đời sống kia mà? Y hỏi, bởi thật ra y chẳng hiểu gì cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày. Bất quá, chỉ biết một vài thông tin tên mặt báo, trên mạng xã hội một cách dưng dưng như một người ngoại cuộc. Khi không đau cái đau của những con người lương thiện, thấp cổ bé họng thì viết cái gì? Có đôi lúc, đọc lại những câu thơ, những trang viết tươi sáng tự nhiên lại thương, lại tin những tâm hồn trong sáng quá, thánh thiện quá. Mà, trong đời sống u ám, nhiễu nhương, bất trắc chính điều ấy giúp cho con người ta niềm tin yêu để sống.

Khi ngoài 50 tuổi, mới sực ý thức rằng, mình đã già. Già nghĩa là khó có thể thay đổi những thói quen, nếp nghĩ đã hình thành. Từ lúc xuân xanh đến nay chỉ sống trong bao cấp nhà nước, có nhiều người sợ hãi lúc về hưu. Ngày nọ, anh đạo diễn kia rời khỏi Đài T.H về hưu, anh thú nhận cay đắng, bây giờ mới chính thức “vào đời”. Nghĩa là, từ giây phút này, anh ta mới chính thức kiếm sống bằng khả năng của mình. Còn trước đó, sống được là do thu nhập bằng những nguồn khác chẳng phải từ nghề nghiệp mà do vị trí được cơ cấu hoặc uy tín của đơn vị đang công tác.

Có những ai dám dũng cảm thừa nhận điều đó không, kể cả y?

Y chẳng biết nói thế nào, nhưng chắc chắn rằng, từ năm 18 xuân xanh đến nay, y chỉ mỗi thu nhập từ nghề viết. Đừng ảo tưởng. Những gì đã viết có thể giúp cho xã hội tốt đẹp hơn không? hay chỉ là tiếng kèn đồng reo lên và hòa nhịp trong một dàn đồng ca ầm ĩ theo năm tháng?

“Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau/ còn đây em ngọt ngào”. Đời sống và những hệ lụy của đời sống ám ảnh lâu dài nhất vẫn là tình yêu. Đôi khi ngồi nhớ lại, bao nhiêu tình bao nhiêu thương bao nhiêu nhớ bao nhiêu đắng cay bao nhiêu hoan lạc tuyệt vời đã đi qua thân xác này? Chẳng có thể nhớ. Mà nhớ để làm gì? Nếp hương hằn vết trong trí nhớ cứ thế, tự nó vẫn còn lại trong sâu thẳm ký ức. Tự nó, đã là một phần máu thịt của ngày tháng lớn khôn rồi già nua và chìm vào một cõi xa khuất không bến bờ. Sự hiện hữu của con người chỉ khoảnh khắc rồi tan biến vào trong vô tận trùng trùng lớp sóng thời gian. Mất hút. Không còn một dấu vết gì. Có những dấu vết lưu lại nhưng chắc gì thiên hạ đã nghĩ đúng? Nếu có thể đem lại lợi lộc gì, những dấu vết ấy mới được đời sau tung hô lên chính tầng mây xanh, bằng không, đừng hòng.

Đêm qua, trong cơn say chếnh choáng, nằm một mình, một căn nhà còn lễnh loãng hương thơm mộng mị xa vời, đọc mấy câu thơ của Du Tử Lê lại thấy hay. Thì ra cũng tùy tâm trạng, sự cảm nhận về thơ có lúc sẽ khác:

chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn

nói gì hiếp khác với đời sau

đôi khi nghe ấm trên da, thịt

như thể ai đi mới trở về


cung-dong-nghiep-co-quan
Lê Minh Quốc cùng các đồng nghiệp trong cơ quan (ngày 21.6.2014)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment