LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.7.2014

bai-sach-PCT

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện 


Thứ sáu, 18.7.2014.

Trưa, về nhà trong lúc mưa tầm tã. Mưa như thác nước trút từ trời cao. Phải về nhà. Cơm mẹ đã nấu. Không thể không ăn. Cơ quan có liên hoan tiễn nữ đồng nghiệp về hưu. Không khí vui nhộn. Người đi kẻ ở. Tiễn biệt. Chan chứa tình cảm. Cười nói hân hoan. Trẻ trung. Đôi lúc nghĩ rằng, sẽ là điều may mắn nếu lúc vào đời được làm việc trong một cơ quan có mối quan hệ đồng nghiệp thân tình như anh em. Ở báo PN, trước đây và bây giờ, y đã sống những ngày tháng êm đềm.

Sáng nay, còn tranh thủ thời gian cùng anh Biền đi thắp nén nhang cho anh Nguyễn Thế Truật. Thì ra, Truật cũng sinh năm 1959. Kỷ Hợi. Ngang tuổi y. Phần số mỗi người. Biết thế nào. Lúc đến nơi đã thấy đông anh em NXB Trẻ và nhiều người thân quen khác. Tất cả gợi lên không khí ấm cúng. Lúc về, anh Biền tặng hai tập sách cũ: Văn thơ Phan Bội Châu (Đặng Thai Mai), Phê bình văn học (Kiều Thanh Quế). Lại thêm vui. Nhận quà tặng gì cũng nhẹ tay cầm, chỉ có sách là niềm sung sướng lâu bền hơn cả.

Một buổi sáng, đến hai nơi. Nơi nào cũng chan chứa tình bầu bạn. Chỉ nghĩ thế, đã vui.

Chiều, tìm trong tủ sách một ít sách tặng lại Vũ - bác sĩ ở Quế Sơn (Quảng Nam). Chia sớt niềm vui cho người khác. Đôi khi nghĩ rằng, sách như người bạn. Đã đọc đâu đó rồi, có lúc tình cờ tìm thấy quyển sách đó lại có cảm giác như gặp người bạn ngày cũ. Mỗi thời gian, tùy tuổi tác, con người ta cảm nhận khác nhau về một quyển sách. Ông Lâm Ngữ Đường bảo: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như  thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít”. Đúng quá chừng. Thời hoa niên, y đã đọc Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện. Lúc đó, chỉ thích những câu văn xuôi viết như thơ:

Một con ong chết.

Nắng xế qua triền cửa sổ.

Mùa hè đổi hướng.

Cummings chết: tôi không buồn. Hemingway, Blaise Cendrars, Hermann Hesse, Faulkner chết, tôi không buồn. Một con ong chết: tôi buồn lắm”.

Lúc đó, đọc những triết lý uyên thâm mà không hiểu gì. Rồi bẵng đi hơn mười năm sau, lúc vào Sài Gòn, la cà tiệm sách cũ tình cờ lại tìm mua được quyển sách mà mình đã ngấu nghiến từ bé. Mừng rơn. Vội vàng ghi lại ngay trang đầu: “Sài Gòn 15.2.1985 - ngày anh Quý vào đây”. Quý là anh rể - chồng chị Ái. Thời đó, hễ mua sách mới là ghi ngay đôi dòng chữ vu vơ. Với quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học cũng vậy. Lật vào trang trong, còn thấy nét chữ mực tím, có đoạn:

“Nguyễn Thị Ngọc Hà

như một dấu chấm phai nhạt cuối trời

như con chim én

mang mùa xuân đi vội vã

em một lần cho tôi mượn

Ý thức mới trong văn nghệ và triết học

trong đêm rét cóng

ở Đà Nẵng

những lá thư tình

ngu ngốc

xin lãng quên

như ý thức tháng ngày vừa lớn”

(10.5.1985)

Chắc chắn những dòng chữ này, viết khi ở ký túc xá trên Thủ Đức. Đêm qua, rất ngạc nhiên khi lật trang sách lại thấy nét chữ thời trai trẻ. Lập tức bao nhiêu kỷ niệm của ngày tháng sinh viên ùa về như thác lũ. Rồi lặng lẽ đọc tiếp. Đọc và ghi nhớ lấy một đoạn mà trước đây chẳng hề quan tâm đến. Chỉ cần mấy câu này thôi mới thấy hết tình yêu của Phạm Công Thiện dành cho tiếng Việt. Mấy câu này mới ghê gớm, còn lại những trang khác, y chẳng còn tha thiết, đau đáu, suy tư, ngẫm nghĩ như lúc trẻ. Rõ ràng, ông Lâm Ngữ Đường nói đúng. Mỗi thời, người ta lại tiếp cận khác nhau về một quyển sách. Đoạn văn của Phạm Công Thiện như sau:

“Trong ngôn ngữ nhân loại, không có dân tộc nào có được tiếng nói có âm hưởng kỳ lạ như mấy tiếng Việt sau đây:

1. CHAY (có nghĩa: trong sạch. Theo Việt Nam Tự Điển Hội Khai Trái Tiến Đức)

2. CHÁY (có nghĩa: bén hay bốc lửa lên. Theo VNTĐHKTTĐ)

3. CHÀY (có nghĩa: bóng: liều lĩnh không có lý sự. Theo VNTĐHKTTĐ)

4. CHẢY (có nghĩa: trôi đi, tuôn ra. Theo VNTĐHKTTĐ)

5. CHẠY (có nghĩa: đi nhanh, gót chân không bén xuống đất… nói về cái gì thoát, không vấp, không tắc. Theo VNTĐHKTTĐ)

Tất cả tư tưởng triết lý đạo lý của Việt Nam đã nằm trong năm chữ trên. Con đường của tinh thần Việt Nam phải đi trên năm bước tuần tự: trước nhất phải trong sạch thuần khiết, phải giữ nguyên tính thuần túy, sạch sẽ, không pha trộn với ngoại chất (CHAY), nhờ thế thì sức mạnh tâm linh mới bừng cháy dậy như cơn hoả hoạn thiêng liêng thiêu đốt cho tan hết mọi nhỏ nhoi tầm thường rác rưởi (CHÁY) và nhờ ngọn lửa thiêng liêng bùng cháy trong tim cho nên sống hồn nhiên liều lĩnh, không cần tranh đua lý sự gì nữa cả vượt lên trên mọi dự trù tính toán và lồng lộng phăng phăng, ngang dọc, đâù đội trời chân đạp đất, liều lĩnh, không sợ hãi (CHÀY) vì sống như thế, nên sức sống ào ạt phăng mạnh như nước lũ (CHẢY) cho nên không vướng mắc gì nữa, không vấp, không kẹt vào trong bất cứ cái gì trên đời này (CHẠY)” (tr.XI - XII).

Thú vị chưa? Quá xuất sắc. Gợi mở nhiều suy nghĩ lý thú về tiếng Việt. Tìm hiểu ngữ nghĩa tiếng Việt là công việc phong ba bão táp, không dễ dàng. Là người Việt da vàng mũi tẹt, ngón chân Giao Chỉ nhưng đố ai dám ưỡn ngực vênh mặt đã hiểu hết mọi tiếng nói của dân tộc mình. Lâu nay vẫn nghĩ “rách như tổ đỉa” là con đỉa. Nhưng chẳng phải đâu, có người giải thích ấy là chỉ sự xơ xác của lá cây tổ đĩa khiến người ta liên tưởng đến sự rách nát! Có trên đời cái cây mà tên gọi chẳng hay ho gì là cây tổ đỉa? Lạ quá.

Thứ bảy, 19.7.2014.

Chiều qua, viết đến đó, Vũ ghé nhà chơi. Tắt máy. Ra quán. Hàn huyên tâm sự. Vũ đọc sách nhiều. Đêm qua kể lại vanh vách nhiều chi tiết trong Sông Đông êm đềm, thậm chí nhớ đến từng câu văn. Sáng nay, viết nối tiếp suy nghi ngày hôm qua.

Vừa đọc quyển sách nọ, thấy viết “bà Triệu Ẩu” (!?). Viết như thế đúng hay sai? Sai đứt đuôi con nòng nọc. Chỉ có sử Trung Quốc khi viết lại cuộc khởi nghĩa của Bà mới lếu láo đến thế. Ẩu: mụ già. Bà Triệu - Triệu Thị Trinh khởi binh “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng là tì thiếp người ta" lúc mới hai mươi xuân xanh, cớ gì gọi “mụ già”? Đã thế, lại còn cho rằng Bà “vú dài ba thước”? Vô lý hết sức. Sử sách nước nhà qua bao đời, giặc phương Bắc đốt hết sạch, về sau các nhà sử học khi viết sử nước nhà căn cứ vào sách của chúng; hoặc do thiếu thốn tài liệu mà ít chịu suy xét thêm nên mới ra nông nổi ấy. Thật ra, từ thập niên 1930, các nhà sử học đã phản bác những bôi nhọ về Bà Triệu. Ấy mà, sách mới in gần đây cũng ghi rành rành “Bà Triệu Ẩu”. Chán thật! À, hồi nhỏ đọc Phổ Thông của ông Nguyễn Vỹ, còn nhớ có bài viết nói về thất bại của Hai Bà Trưng. Chẳng nhớ tác giả là ai. Chỉ nhớ đại khái rằng, bọn Mã Viện không làm sao đánh thắng được quân Hai Bà, chúng bèn láu cá nghĩ ra cách cởi truồng khi xông trận. Nữ nhi nước Việt nhìn thấy hình ảnh quái đãn ấy nên đã buông gươm giáo! Chi tiết này chắc bịa.

Trước năm 1975, Giáo sư Nguyễn Phương giảng dạy tại Viện Đại học Huế,  viết tập sách Phương pháp sử học. Trong đó, có đoạn quan trọng ông chứng minh chồng của Bà Trưng tên “Thi”, chứ không phải “Thi Sách”. Ông tìm lại nguyên văn trong Thủy kinh chí, và nhận xét: “Vì thói đời xưa khi chép chữ Hán, ít khi người ta ghi rõ chấm phẩy, lại chữ Hán không có lối chữ hoa và chữ thường để phân biệt tên riêng và tên chung như cách viết của tiếng Việt chúng ta ngày nay, chẳng hạn, nên rất khó phân biệt”. Ai muốn tìm hiểu kỹ nên đọc quyển sách đó. Sau này, trên Kiến thức ngày nay cũng có bài nghiên cứu tán thành quan điểm của ông Nguyễn Phương.

Người Việt ít có tư duy phản biện chăng? Những gì đời trước đã chép, đã ghi thì đời sau cứ thế tin theo, chẳng suy xét gì thêm.

Về nhân vật Chu Văn An, các sách đều chép chi tiết quan trọng: Năm 1325 vua Trần Minh Tông đã vời Chu Văn An ra kinh đô giữ chức Tư nghiệp. Chức Tư nghiệp có thể hiểu: Đời Trần là quan đứng đầu Quốc Tử giám; đời Lê - Nguyễn là chức quan đứng đầu hàng thứ hai, sau chức Tế tửu ở trường Quốc Tử giám, là người đứng đầu ban giáo huấn, mang hàm tòng tứ phẩm, có thể xem như Phó hiệu trưởng chuyên môn; hoặc trưởng phòng Giáo vụ (Đào tạo) ở trường đại học ngày nay. Lúc đó, Trần Nguyên Đán - ông ngoại  Nguyễn Trãi có bài thơ mừng Chu Văn An. Lâu nay, ai ai cũng tin thế, chép thế, chẳng nghi ngờ gì: Trần Nguyên Đán sinh năm 1325 (có tài liệu ghi 1326) thì làm sao có thơ mừng Chu Văn An? Khi viết kịch bản truyện tranh cho Đông A, phát hiện ra chi tiết này bèn truy lại Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng thấy ghi: “Lúc ông làm chức Tư nghiệp, Băng Hồ Trần (Nguyên Đán) có bài thơ mừng”. Rõ ràng sự việc đó có thật, bài thơ hàm xúc, rất hay nhưng chắc chắn không phải viết trong thời điểm đó.

Chà, đã cuối tuần rồi. Thời gian trôi qua chỉ như một chớp mắt.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment