LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.5.2014

 

Tối ngày 29.4, trời đất bức bối quá. Không thể mưa. Hầm hập nóng. Vã mồ hôi. Cổ khát đắng. Ngồi quán ngoài Hồ Con Rùa. Vài người bạn. Thèm một cơn mưa. Cầu được ước thấy. Đột ngột mưa. Đã lâu lắm mới mát mẻ thế này. Hào hứng nâng bia, cụng ly cùng bạn, lắng tai nghe câu này chuyện nọ nhưng lúc ấy trong đầu đang nhẩm nhớ lại câu văn “há chẳng sướng sao” của Kim Thánh Thán. Sau khi đọc xong chương Khảo hoa trong Mái tây, Kim Thánh Thán viết cả thảy 33 lời bình. Lời bình đầu tiên, nhớ lại mà khoái: “Mùa hè qua tháng bảy, mặt trời đỏ ngang trời. Gió cũng không. Mây cũng không. Sân trước, sân sau nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Mồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt được. Trải chiếu muốn nằm xuống đất thì đất ướt như mỡ. Ruồi xanh lại xúm đến leo lên cổ, đuổi mãi chẳng buồn đi. Đương lúc không biêt làm thế nào được, bỗng dưng mây đen kéo kín, rầm rầm rộ rộ nghe có trăm, vạn chiêng, trống… Mái tranh chảy như thác! Mồ hôi trên mình biến mất. Đất rào như lau. Ruồi bay hết. Cơm ăn thấy ngon miệng. Há chẳng sướng sao?”. Nếu không có lời bình của Kim Thánh Thán, Mái tây cũng chẳng được mấy ai để mắt đến. Nếu không có Hoài Thanh, chắc chắn vị trí của Thơ mới cũng tương tự. Tìm được tri âm tri kỷ chia sẻ những gì đã viết, không dễ dàng chút nào.

Trong lúc ăn nhậu lai rai, y thường có cảm giác vui vẻ, hào hứng, ăn to nói lớn, rổn rảng nhưng sau đó lại cảm thấy ray rứt một điều gì. Chẳng rõ. Lúc nửa tỉnh nửa say, trên đường quay về nhà, luôn có cảm giác vừa diễn xong một vai tuồng nhố nhăng nào đó. Ồn ào. Phô trương. Khoác lác. Nhăng nhố. Rồi tự đay nghiến đã ngốn thời gian vào những việc vô tích sự. Những tưởng sau đó sẽ “rút kinh nghiệm”. Nhưng không. Ngựa lại quen đường cũ. Bằng chứng, ngày hôm qua, cả một ngày lai rai với biết bao bạn bè. Thậm chí, khuya qua, vẫn ngồi ở Hàm Nghi. Uống bia và ngắm nhìn thiên hạ kẹt xe chen chúc xem bắn pháo hoa. Những lúc ấy, lại câu chuyện văn chương chữ nghĩa. Không đá động gì đến thời sự. Cũng là một cách né tránh, tìm quên, chẳng hề quan tâm đến những tranh luận này nọ.

Những ngày này, nhìn mặt báo đã thấy cách làm báo có khác trước. Thông thường, trước đây, những ngày lễ lớn quan sát trên mặt báo chỉ thấy “hồ hởi, phần khởi”. Nay đã khác. Bên cạnh các tin thời sự, ôn lại truyền thống, nhắc nhở tự hào v.v…. thì vẫn còn có những thông tin tiêu cực khác. Đáng chú ý nhất vẫn là phát ngôn của bà Bộ trưởng Y tế: “Tôi không nghĩ đến từ chức lúc này”. Nếu bà Bộ trưởng tuyên bố từ chức thì sao? Có lẽ, sẽ được dư luận dành cho ít nhiều thiện cảm hơn chăng? Chuyện tiền tỷ vô lý của đề án đổi mới sách giáo khoa vẫn còn được nhắc đến. Nhìn mặt báo đã thấy nhiều gam màu hơn, dù là số báo phát hàng vào các ngày “cúng cụ” mà trước đây không hề.

Có lẽ, chuyện dạy sử cho học trò vẫn đang là điều nhiều người quan tâm. Cái khó ở đây là đã đến lúc cần có sự phân biệt rạch ròi, dạy các em sử của một dân tộc hay sử của một chính đảng? Đành rằng, đảng ấy gắn liền với vận mệnh của dân tộc từ 1930 đến nay nhưng dân tộc lại có hơn 4.000 năm lịch sử. Đã thế, khi viết lại né tránh thì làm sao có thể thuyết phục. Chỉ nhắc lại một chi tiết mà y đã nêu trong bài Vài góp ý về sách giao khoa môn Lịch sử: “Lịch sử là sự vận động, một sự tiếp nối không ngừng, chứ không phải những “lát cắt” biệt lập. Tương tự, trong phần học về “Thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm 1976- 1980”, SGK 10 đã không phân tích sự hạn chế, sai lầm khi chúng ta thực hiện công cuộc cải tạo công thương nghiệp trong quá trình xây dựng XHCN. Trong khi đó, Văn kiện ĐH đại biểu toàn quốc lần VI đã nêu rõ “sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” thì SGK lại né tránh. Như thế khi học đến học về công cuộc Đổi mới từ Đại Hội VI, làm sao HS có thể thấy hết ý nghĩa quyết tâm Đổi mới của Đảng để nâng cao nhận thức của mình?”. Đừng trách các em chán môn lịch sử, trước hết hãy tự trách và biết chán chính mình. Chán ở chỗ, cái gì cũng né tránh thì làm sao có thể phản ánh được sự việc một cách trung thực? Câu hỏi này, đôi khi y tự nhủ chứ nào có ám chỉ gì ai. Điều tệ hại nhất, có những điều nghĩ một đàng lại viết một nẻo.

Lại thêm một chuyện, có lẽ cũng có nhiều người đang quan tâm. Rằng, làm sao có thể lý giải được sự kỳ quặc, rất kỳ quặc: Có kẻ háo danh giết chết Truyện Kiều bằng cách tùy tiện sửa thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du bằng những từ ấm ớ, vớ vẩn, thô kệch thì Giáo sư Vũ Khiêu lại hết lời bốc thơm? Xin nhắc lại, ông là người được Thủ tướng Chính phủ tặng câu đối “Triết gia trong cách mạng - Nghệ sĩ giữa Anh hùng”. Vậy mà, khi đọc tập sách của kẻ đã sửa be bét câu chữ trong Truyện Kiều, Giáo sư Vũ Khiêu lại tung hê: “Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”. Tục ngữ có câu: “Nối giáo cho giặc” có thể áp dụng trong trường hợp này chăng? Tại cớ làm sao vị giáo sư đạo mạo, khả kính, uyên bác Vũ Khiêu lại có thể gán những câu vàng ngọc ấy cho cái thứ âm binh, giẻ rách, thổ tả có tên là Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng do Đỗ Minh Xuân khảo dịch (NXB Văn hóa - Thông tin - 2012). Dư luận đã phản ứng ầm ầm, không nhắc lại nữa. Chỉ ngạc nhiên, vì sao một trí thức đã gần đất xa trời, đạo cao đức trọng ấy lại có thể “bảo kê” cho kẻ xấu trong việc xúc phạm tiền nhân, bôi nhọ một kiệt tác của nhân loại? Lý giải thế nào đây hở trời? Sực nhớ đến câu thơ của anh bạn Nguyễn Trọng Tạo:

Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi

Câu trả lời thật không dễ dàng chi!

Đừng lo, sau này, thế hệ sau sẽ có cách tìm ra câu trả lời. Cứ tin là vậy. Mấy hôm nay, đường phố Sài Gòn vắng tênh người. Thiên hạ tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ để ngao du đâu đó hết rồi. Phố vắng. Đi thong dong và có cảm giác bình yên. Chẳng rõ, những ngày này Hội An thế nào? Có đông du khách không? Hỏi như thế vì sáng ngày 29.4, lúc đang ngủ bỗng giật mình nhận được cú điện thoại từ Hội An: “Q còn ở Hội An không? Đi uống cà phê?”. Nghe giọng nói âm vang tiếng Quảng tự nhiên có cảm tình. Người gọi là anh Nguyễn Sự  - Bí thư Thành ủy Hội An. Sau khi đọc Nhật ký 28.4.2014, anh điện thoại trao đổi thêm một vài thông tin. Câu chuyện rôm rã, hài lòng bởi cùng có một điểm chung là tình yêu dành cho Hội An. Chắc nhiều người còn nhớ, năm 2012, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (thuộc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - một tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã vinh danh anh Nguyễn Sự  ở hạng mục Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục. Đây cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp thành phố được vinh danh ở giải thưởng này. Đành hẹn với anh, Tết này gặp nhau ở Hội An vậy. Nơi đó, năm 1988 còn ghi dấu một tình cảm trong trẻo đầu đời. Y vẫn nhớ. Vẫn còn lưu dấu đâu đó. Nơi đó, nhà thơ Chế Lan Viên viết những câu thơ thật bay bướm:

Yêu ở đâu thì yêu

Về Hội An xin chớ

Hôn một lần ở đó

Một đời vang thủy triều

Chiều đã đến. Chiều qua, vẫn góc ngồi trên ban - công nhìn xuống dòng đời ở ngoài Đồng Khởi và nàng đã hát: “Em có thấy không nắng chiều rực rỡ/ Em có thấy không nắng đẹp còn đó/ Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi vội gì/ Nắng còn nắng bao la thì xin đêm đợi chờ”. Nắng chiều nay vẫn đang rực rỡ như màu rượu đỏ của chiều qua đã đi qua nến thơm gối chăn mộng mị và chìm dần trong ca từ “Nắng còn nắng lê thê thì đêm ơi vội gì”...

 

leminhquoc-qua-Luong-dinh-khoa

Lê Minh Quốc (ảnh: Lương Đình Khoa)

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment