LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.4.2014


Sống trên đời, lúc nào cũng săm soi, soi mói, chăm bẳm, tìm kiếm khiếm khuyết người khác để phê phán, y nghĩ, hạng ấy chẳng ra gì. Có điều, thời buổi này, tìm lời khen chân tình giữa người với người sao mà khó. Cứ vào facebook và các trang mạng xã hội khác, nếu ai đó chịu khó thống kê sẽ thấy tầng số “ném đá” nhiều gấp bội phần những lời khen tử tế. Đáng trách những ý kiến này à? Không, hoàn toàn không nếu sự bực bội, tức giận, chê bai ấy thật lòng chứ không phải do bôi nhọ kẻ khác. Ghét nhất cái thói dè bỉu người này đặng "nâng bi" kẻ khác, té nước theo mưa, theo đóm ăn tàn, giậu đổ bìm leo... Mọi sự khen chê thật lòng đều quý.

Nói như thế vì đôi khi y rất muốn tìm lấy ưu điểm của quan chức nhà mình, khen lấy một tiếng nhưng thấy khó quá. Khen quan chức để làm gì? Họ có nghe đâu mà khen. Có mà điên rồ, ngớ ngẩn. Y chẳng hề ảo tưởng. Nhưng nếu thấy được, cảm nhận được điều tốt đẹp của họ và có thể khen thật lòng thì vẫn thấy đời sống đáng yêu hơn một chút. Nói một lời tốt đẹp cho nhau vẫn quý hơn, cần thiết hơn triệu lần lời nguyền rủa thô tục.

Biết thế, vẫn thấy khó. Không thể bình tâm nên đành phải buột miệng ném ra một câu cho bõ bực bội. Nói câu gì trước thái độ, cách ứng xử của Bộ trưởng Y tế trong dịch sởi? Rồi Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin - Du lịch trong vụ đăng cai Asiad 18? Đã thế, tiếng Việt vừa có thêm cụm từ mới “đường cong mềm mại” nhằm lấp liếm vụ tự ý bẻ cong đường Trường Chinh (Hà Nội) v.v. và v.v… Ai đó ngồi liệt kê đầy đủ những vụ việc trái khoáy trong thời gian gần đây, nếu không “ngộ độc” cũng “tâm thần”. Tại sao? Bởi lẽ khi gánh lấy biết bao thông tin hắc ám ấy thì sống làm sao nổi? Sống trên đời, tiếp cận các loại thông tin ấy khiến con người ta xuôi tay ngao ngán nhưng rồi, làm sao có thể trách né?

Mấy hôm nay sáng dậy sớm, chưa kịp đọc báo nhưng từ các trang mạng biết vụ Asiad 18 đã dừng lại; nhà văn người Colombia Gabriel García Márquez - một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 vừa  qua đời ở tuổi 87 tại nhà riêng của ông ở Mexico. Nhân đây, chép lại một vài câu nói trứ danh của Márquez do báo TT&VH tổng hợp:

“Không ai dám chắc chắn về ngày mai cả, dù trẻ hay già. Hôm nay có thể là lần cuối cùng bạn được nhìn thấy những người thân yêu; vì vậy, đừng chờ đợi, hãy làm vào hôm nay, kẻo lỡ ngày mai không tới. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ tiếc nếu bỏ phí cơ hội để trao cho ai đó một nụ cười, một cái ôm, một nụ hôn vào ngày hôm nay, chỉ bởi vì bạn quá bận rộn”.

“Không ai xứng đáng với những giọt nước mắt của bạn, nhưng nếu có người xứng đáng, anh ta sẽ không làm bạn khóc”. (Nobody deserves your tears, but whoever deserves them will not make you cry - trích Trăm năm cô đơn).

“Con người không chết khi nên chết mà khi có thể chết”. (A person doesn't die when he should but when he can – trích Trăm năm cô đơn).

“Hãy luôn nhớ rằng điều quan trọng nhất trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp không phải là hạnh phúc mà là sự ổn định”. (Always remember that the most important thing in a good marriage is not happiness, but stability – trích Trăm năm cô đơn).

“Không phải người ta ngừng theo đuổi giấc mơ vì mình già đi, người ta già đi vì ngừng theo đuổi giấc mơ”. (It is not true that people stop pursuing dreams because they grow old, they grow old because they stop pursuing dreams).

“Nếu Chúa không nghỉ vào Chủ Nhật, Người đã có đủ thời gian để hoàn thiện thế giới rồi”. (If God hadn't rested on Sunday, He would have had time to finish the world).

“Trí nhớ của trái tim xóa đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”. (The heart's memory eliminates the bad and magnifies the good).

“Cuối cùng văn chương cũng chính là nghề mộc. Anh đều làm việc với hiện thực, một vật liệu cũng cứng như gỗ”. (Ultimately, literature is nothing but carpentry. With both you are working with reality, a material just as hard as wood).

“Không, không giàu có. Tôi là người nghèo có tiền, hoàn toàn không giống nhau”. (No, not rich. I am a poor man with money, which is not the same thing).

“Vấn đề của hôn nhân là nó kết thúc vào mỗi đêm sau khi làm tình, và phải xây dựng lại nó mỗi buổi sớm trước khi ăn sáng”. (The problem with marriage is that it ends every night after making love, and it must be rebuilt every morning before breakfast).

“Văn chương hư cấu được phát minh vào ngày Jonas về nhà và nói với vợ mình muộn ba ngày vì bị cá voi nuốt”. (Fiction was invented the day Jonas arrived home and told his wife that he was three days late because he had been swallowed by a whale).

“Những điều có ý nghĩa trong cuộc sống không phải là điều gì xảy đến với bạn mà là bạn nhớ gì và bạn nhớ nó như thế nào”. (What matters in life is not what happens to you but what you remember and how you remember it).

“Người ta biết tuổi già đến đi khi bắt đầu trông giống như bố mình”. (A man knows when he is growing old because he begins to look like his father).

“Hãy hưởng thụ cuộc đời. Nó không phải là buổi diễn tập.”

“Nước mắt là những ngôn từ trái tim, không thể diễn tả”.

Tổng thống Colombia Manuel Santos tuyên bố để quốc tang 3 ngày trước sự ra đi của nhà văn Gabriel Márquez.

Nay, liệu ai tin đã có thời ở nước ta, tiểu thuyết của Márquez bị xay thành bột giấy? Nguyễn Trọng Tạo có câu thơ: “Tin thì tin không tin thì thôi”. Nếu ai không tin, cứ việc tìm đọc quyển Tản mản về đời (NXB Văn Học -2012) của nhà báo Trần Quốc Toàn. Trong bài Sách của Márquez thành bột giấy, anh Toàn cho biết, năm 1986 nhà văn Tô Nhuận Vỹ - Tổng Biên tập tạp chí Sông Hương cùng nhà báo Trần Quang Huy - Tổng Biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo bàn việc in tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả của Márquez qua bản dịch của Nguyễn Trung Đức. Sông Hương chịu trách nhiệm nội dung bản thảo; tiền giấy, tiền công in do Xí nghiệp In báo Vũng Tàu - Côn Đảo lo. Hai bên cùng lo phát hành. Lời ăn lỗ chịu. Sách dày 600 trang, in làm 2 tập, số lượng in 10.000 bản. Do Xí nghiệp In báo Vũng Tàu - Côn Đảo in không kịp tiến độ nên 1 tập đem in tại Xí nghiệp in 4 (TP.HCM). Nhà báo Trần Quốc Toàn cho biết:

“Mọi rắc rối bắt đầu từ đây. Sách in xong phần ruột, đang vào bìa tại TP.HCM thì bị niêm phong, chờ hội đồng thẩm định, kết luận do có tố giác “Tạp chí Sông Hương in sách lậu,sách đồi trụy” (tr.168). Lúc ấy, ngay lập tức, từ Huế, Tô Nhuận Vỹ vào TP.HCM cùng Thế Thanh - Tổng biên tập báo Phụ Nữ, Phạm Quốc Toàn - Phó TBT báo Vũng Tàu - Côn Đảo tìm đến bà Đỗ Duy Liên - Phó Chủ tịch UBNB TP.HCM, phụ trách khối văn hóa - xã hội - báo chí xin được giải trình. Nhưng rồi cũng không đâu vào đâu. Có bệnh thì vái tứ phương. Anh Toàn viết tiếp: "Có thông tin - không biết thực hư ra sao, "lệnh niêm phong sách" được phát ra từ bộ chủ quản và "nút tháo gỡ" là ở đây. Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ tự tin: "Vậy để tôi ra Hà Nội xem sao!". Thế rồi từ Hà Nội, anh điện thoại cho tôi: "Gay lắm, một số chuyên viên của bộ cho rằng, Tình yêu thời thổ tả không thích hợp với thuần phong mỹ thuật, văn hoa Việt Nam". Thế là hết đường" (tr.169). Cuối cùng, “Điều khiến chúng tôi buồn là không có cấp nào nghe chúng tôi trần tình, giải bày vụ việc, không có ai thẩm định, xem xét nội dung tác phẩm. Sách in có giấy phép hợp pháp. Sao nói in lậu. Tại sao, cùng một tác giả, Trăm năm cô đơn trước đó được xuất bản trong sự đón đợi của hàng vạn độc giả mà Tình yêu thời thổ tả lại bị ách lại? Không một lời giải thích ngọn ngành. Họ chỉ nói sách đó hay thì thật  là hay nhưng không hợp với độc giả Việt Nam - hết”.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Để lâu phân trâu hóa bùn”. Thì đây, “Một thời gian sau, sách của nhà văn Gabriel García Márquez bị nghiền thành bột giấy. Chúng tôi không được thông báo chính thức và cũng không ai bị xử lý hành chính; hoặc xử lý pháp luật” (tr.169).

Chuyện cũ đã qua rồi. Nhắc chuyện này để thấy sự ấu trĩ của môt thời. Có điều, sự ấu trĩ đó đã thật sự chấm dứt chưa?

Chiều ngày thứ sáu (18.4.2014), anh em chương trình Chào buổi sáng của HTV đến nhà quay những thước phim về tủ sách của y. Hào hứng vì biết nhằm phục vụ Ngày sách Việt nam lần đầu tiên được tổ chức - ngày 21.4.2014. Đang hào hứng bỗng cụt hứng như xe lăn tụt dốc. Lúc quay phim.MC khi cầm quyển đại Việt sử ký toàn thư (NXB Tân Việt) bản in vào tháng 1.1945 và hỏi: “Quyển sử này in lần đầu tiên hả anh?”. Hỏi một câu như thế, biết nói gì nữa hả trời?

Sáng hôm qua đã viết xong bài về tập sách sắp in của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Đọc lại hài lòng. Chiều qua, vẫn ngồi góc phố Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi. Chiều gió nhiều. Rượu đỏ. Hai người. Một chút say. Lúc ấy, đang vui nên nhận lời trong chương trình giao lưu với bạn đọc trẻ về văn hóa đọc tại NVH Thanh Niên vào lúc 19 giờ ngày 23.4. Y hỏi qua điện thoại: “Thù lao thế nào?”,  giây lát sau nghe vọng lại ngập ngừng từng giọng nói oanh vàng thỏ thẻ. Đang vui nên gật đầu đồng ý.

Sáng nay, vẫn viết nhì nhằng. Đã trả lời xong phỏng vấn của bạn thơ Trần Hoàng Thiên Kim bài. Trả lời thật lòng với câu này: “Tôi sống bằng nghề viết, ngoài ra không có thêm bất kỳ một thu nhập nào khác. Do đó, phải “văn ôn võ luyện” mỗi ngày. Kiếm sống bằng nghề mà không giỏi nghề chỉ có nước “bị gậy”. Vì thế, mỗi ngày là viết. À, câu “văn ôn võ luyện”, lúc bia bọt lai rai, nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng hay nói đến. Hôm qua, lên faebook của anh thấy dòng chữ: “Kết thúc "công trình thế kỷ" 1.300 trang! Ngày mai tôi ĐI CHƠI!”. Đây là kịch bản phim vài chục tập do anh chuyển thể từ tiểu thuyết Không có gì & không một ai của anh. Mỹ Hà đạo diễn và phát sóng trên HTV dịp 30.4 năm tới. Tập sách Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp cũng viết sắp xong rồi. Sẽ đọc kỹ. Phân đoạn và viết đôi lời đầu sách.

Trở lại với nhà văn García Márquez, thích câu này: “Cuối cùng văn chương cũng chính là nghề mộc. Anh đều làm việc với hiện thực, một vật liệu cũng cứng như gỗ”.

Câu này, hay quá ta.

sai-gom-nua-trung-rung-1


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment