Hình bìa tập sách Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp (sắp xuất bản)
Chúc một ngày tốt lành. Tựa truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như dành cho ngày hôm nay. 13.4.2014. Ngày giao lưu và tặng chữ ký trên hai tập mới Khi tổ ấm nhảy Lambada & Đời, thế mà vui tại Tiệm sách Kính Vạn Hoa. Cảm động trước bó hoa lys của nhà văn Lê Văn Nghĩa. Hoa lys còn đang nụ. Sẽ nở những cánh trắng. Một vẻ đẹp giản dị mà sang trọng. Lúc trao tặng hoa, anh ghé tai nói nhỏ. Nói gì? Nói rằng… Rồi bạn đọc vây quanh đặt câu hỏi và những tiếng cười rôm rã, thân tình và ấm áp. Tiệm sách Kính Vạn Hoa có thể trở thành nơi lý tưởng cho các cuộc ra mắt sách bởi một phong cách chuyên nghiệp và nhất là tình yêu dành cho sách. Chỉ tiếc nơi ấy không gian hẹp, nếu rộng hơn thật lý tưởng. Những gương mặt bạn đọc trẻ trong sáng, hồn nhiên đã khiến y nhớ lại ngày mới tập tểnh viết lách. Vui được quen thêm vài người bạn mới.
Niềm vui đôi khi không cần tìm đâu xa, hãy biết rằng chung quanh mình vẫn còn những tâm hồn đồng điệu dù cách nhau vài thế hệ. Mọi người gặp nhau do cùng mê sách. Những con chữ lặng lẽ trong sách, nếu đọc sẽ thấy sự tri âm ở đó. Cần gì phải ồn ào, huênh hoang, lộng ngôn trong các cuộc nhậu rồi trang giấy vẫn không một dòng chữ nào. Đáng kính phục thay những thế hệ nhà văn lặng lẽ đi qua thời gian bằng ngón tay gõ phím. Cứ thế. Cứ leo dốc mỗi ngày. Nhẫn nại. Thanh thản. Và không nôn nóng với bất cứ điều gì.
Sáng nay, đã nghe nhà văn Lê Văn Nghĩa gút lại tập truyện dài sắp in của anh. Anh ghi rõ ràng tựa như vầy: “Chú chiếu bóng thùng, nhà ảo thuật, tay đánh bài & tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm 1966”. Chưa hết, phía dưới còn chua thêm dòng chữ nhỏ: “Truyện dài dành cho thiếu nhi, người lớn đọc cũng hổng sao”. Cả thẩy bao nhiêu chữ? Lâu lắm mới gặp chị T.T, chị vừa qua cơn tai biến. Chị kể rằng, oải nhất là những lúc đi ngân hàng, không thể nào ký lại chữ ký giống như trước được nữa. Do đó, nhân viên ngân hàng từ chối cho rút tiền. Trò chuyện loanh quanh, nhận thấy chị đã bình phục như trước. Vậy là mừng. Thoáng đó, quán Đo Đo đã luân chuyển vài nơi rồi. Nay mới trụ lại được nơi này. Ngồi chung với bạn bè đến chung vui, tự nhiên trong câu chuyện lại "đá giò lái" qua món ăn Quảng Nam bởi lúc ấy trên bàn vừa có món mít trộn. Anh bạn mới quen nhờ đọc lại câu ca dao quen thuộc:
Nhón chân kêu bớ nậu nguồn
Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên
Trong Người Quảng Nam, y đã giải thích. Anh Ánh và Đoàn Xuân Hải cũng góp thêm ý kiến giải thích nữa. Tự nhiên, lúc lai rai cảm thấy các món ăn khác đã ngon thì nay lại ý vị hơn. Cũng như trưa nay, mua phần cơm của quán Đo Đo về nhà nàng. Thấy bày biện thức ăn khéo quá, bèn đọc:
Cá nục nấu với dưa hồng
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi
Nàng chăm chú lắng nghe, khen ngon quá xá là ngon. Có lẽ cho đến nay chưa ai viết về món ăn mà đọc lên tự dưng ta thèm ăn món ấy một cách lạ lùng như nhà văn Vũ Bằng. Món ngon Hà Nội. Món lạ miền Nam. Và nhất là Thương nhớ mười hai. Ông tả món ăn tuyệt khéo. Mà một người rất rành công thức chế biến thức ăn, chắc gì đã nấu ngon lành món ăn đó? Ngược lại nhà đầu bếp giỏi cũng không có nghĩa khi viết những trang văn về món ăn sẽ khiến thiên hạ phải thèm thuồng. Phải tìm ăn cho bằng được. Nhắc lại bởi sáng nay có những câu hỏi từ bạn đọc, đại khái, anh vốn thất bại trong hôn nhân thì làm sao có thể giúp người khác hạnh phúc? Nếu vậy chẳng lẽ, khi viết về giới cờ bạc, cơm thầy cơm cô, cặm bẫy người thì Vũ Trọng Phụng phải là con người của giới ấy chăng? Không. Đã trả lời thỏa đáng cho bạn đọc lúc giao lưu. Nhiều câu hỏi thú vị và tất nhiên cách trả lời của y cũng thú vị. Đôi khi mèo khen mèo dài đuôi cũng chẳng hại gì. Nhà văn Vũ Bằng viết về món ăn tuyệt hay, ấy mà trong Món ngon Hà Nội, ông vẫn chưa hài lòng: “Làm cái kiếp văn nhân, lắm lúc rầu muốn chết. Một người đẹp soi vào gương có thể bằng lòng nhan sắc của mình. Một bà từ mẫu có thể tự mãn vì thấy mình hoàn thành nhiệm vụ. Riêng có người viết văn là không bao giờ được vừa ý - vì vừa ý làm sao được khi mà trong óc mình sôi nổi bao nhiêu ý nghĩ hay, bao nhiêu hình ảnh đẹp, mà làm cách nào đi nữa cũng không thể phô diễn được hết cả ra cho người ta cùng cảm thấy?”.
Một câu văn đơn giản nhưng đã khái quát được tâm lý của người cầm bút. Thời gian viết sách chẳng kể làm gi nhưng lúc gần ra sách, biên tập, xem lại bản "bon"dàn trang, bìa sách... lòng nôn nao, chờ đợi. Khi sách in ấn xong, hồi hộp lật từng trang. Đọc ngấu nghiến. Một cảm giác sung sướng như người ra khơi thu về một mẻ cá tươi ngon. Như người trồng vườn nhón chân hái quả. Như cậu học trò nghe tiếng kẻng báo hiệu đã đến giây phút nghỉ hè. Rồi cảm giác ấy cũng đi qua. Một sáng mai kia thức dậy, lại thấy những gì mình viết đã trở thành một phần tài sản của mình, đã quen thuộc. Thế rồi lại hăm hở lao vào những trang viết mới. Không ngoái lại đàng sau nữa. Cứ lặng lẽ, đi tới. Chỉ nháy mắt, đã sắp hết một đời người...
Quay về nhà, ăn trưa xong, ngủ khèo một giấc. Chiều, đi ra Sài Gòn hóng gió. Rồi đi hớt tóc. Lại xem bìa tập sách Sài Gòn mùa trứng rụng của Chị Đẹp. Đã chỉnh sửa. Nhìn thấy hài lòng.
Chúc một ngày tốt lành.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|