Biểu tình chống Trung Quốc trước Nhà hát lớn TP.HCM ngày 11.5.2014
Hôm nay, Ngày của mẹ.
Trước đó, tòa soạn đã tạm gác tạp bút của Trần Nhã Thụy để kịp in Mẹ - điều thiêng liêng của y. Làm báo, dù cảm hứng riêng tư cũng phải gắn với thời sự. Có như thể mới thỏa mãn nhu cầu bạn đọc. Tạp bút Dưới bóng vườn chùa của Thụy dành cho tuần này vậy. Anh em trong nghề, chẳng nề hà gì chuyện này. Thử hỏi, Ngày của mẹ có từ lúc nào? Trên báo TT sáng nay có bài giải thích: “Ngày của mẹ (tên tiếng Anh: Mother’s Day) được cho là bắt nguồn từ thành phố Grafton (tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ) vào năm 1908. Vào thời điểm này, bà Anna Jarvis (1864-1948, một nhà hoạt động xã hội) cho rằng cần có ngày để tôn vinh vai trò, tầm quan trọng của những người mẹ nên không ngừng quảng bá ngày lễ này khắp nơi. Năm 1914, Ngày của mẹ chính thức trở thành ngày lễ tại Mỹ sau khi được Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson thông qua. Ngày của mẹ được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới vào những mốc thời gian khác nhau tùy mỗi quốc gia. Hai mốc thời gian được xem là phổ biến nhất: ngày chủ nhật thứ nhì của tháng 5 (theo Hoa Kỳ) và ngày chủ nhật thứ tư của Mùa chay (theo Anh)”.
Sáng nay, y ra khỏi nhà sớm. Mẹ cẩn thận gấp lại áo mưa, đặt trên yên xe và hỏi: “Trưa có về ăn cơm không, mẹ nấu?”.
Quái đản thật, mẹ mang nặng để đau, nhọc nhằn nuôi dạy từng ngày thế mà khi lớn khôn lũ đàn ông như y “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” lại nhủn như con chi chi và cam tâm ngoan ngoãn, tự nguyện vâng lời “mệnh lệnh” của gái đẹp. Có những lúc đêm hôm khuya khoắt, mẹ già yếu có nhờ vả gì đó cũng tìm cớ tránh né, nhưng gái đẹp “sai khiến” dù biết vô lý nhưng vẫn vui vẻ ưỡn ngực xung phong dẫu phải lao vào hang cọp. Thế nào là “sai khiến” vô lý? Chẳng hạn, đêm mưa gió não nùng, ngoài trời rét buốt xương, nàng than thở anh ơi anh à, tự nhiên em thèm ly kem lạnh quá. Thèm gì ác nhơn vậy trời? Dù tặc lưỡi thở ngắn than dài nhưng rồi cũng chấp hành ngay. Đố dám phản đối. Hèn ơi là hèn.
Ra khỏi nhà, đến Nhà hát lớn. Từ tám giờ sáng đã thấy đông thanh niên tập trung. Theo lệ thường, mỗi sáng chủ nhật nơi đây có chương trình văn nghệ miễn phí. Ai muốn thưởng thức, cứ việc dừng xe lại. Y ngồi ngoài vỉa hè khách sạn Continental uống cà phê và nhìn sang. Sáng nay, mọi người tụ tập đông hơn bởi nghe đâu sẽ có cuộc mít tinh, tuần hành phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong lãnh hải Việt Nam. Chiều hôm qua, y cũng đến Nhà văn hoá Thanh Niên, tham dự mít-tinh do Hội Luật gia TP.HCM tổ chức cũng phản đối việc này. Có cả hàng ngàn người đã đến dự, chật kín cả hội trường.
Sáng nay, ngay phía trước sảnh Nhà hát lớn, các bạn thanh niên đội ngũ chỉnh tề... nghe nhạc. Sát bên cạnh là một nhóm già trẻ lớn bé khác cũng tập hợp nhưng họ đồng loạt hô vang các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc. Đáng chú ý là ấn bản đặc biệt 4 trang về vấn đề biển Đông của báo TT phát hành sáng nay, in giấy couche, bốn màu đã được nhiều người biểu tình sử dụng như một cách bày tỏ thái độ. Làm báo giỏi quá. Do bài thơ Lời mẹ dặn của y cũng in trên số báo này nên nhiều người đọc hơn và tất nhiên... khen hay. Lâu lắm rồi mới gặp lại bạn văn Nguyễn Thành Nhân, cùng chiến đấu ở chiến trường K, tác giả tiểu thuyết Mùa xa nhà. Một cuốn sách nhiều sóng gió. Lại gặp nhà thơ Bùi Minh Quốc, rủ anh ngồi chung bàn. Chiếc áo anh mặc có ghi những dòng chữ đỏ như “Tổ quốc trên hết”. Anh vẫn không khác trước. Râu tóc đã bạc phơ. Phong trần. Mới từ Đà Lạt xuống. Anh tặng tập thơ Trinh thiêng (NXB Hội Nhà văn). Một tập thơ tình. Lật tình cờ trang 7, thích bài thơ này:
Ôi đóa tường vi nở ngát hương
Lẫn trong bờ bụi giữa vô thường
Anh đi không mỏi đường muôn dặm
Em nở lặng thầm tan gió sương
(Ôi đóa tường vi)
Anh lớn hơn y đúng 19 tuổi, ngày trước con gái anh - Dương Hương Ly làm chung cơ quan nên đã có mối thân tình từ xưa. Lúc ấy, nhìn quanh đã thấy những gương mặt anh em văn nghệ lẫn bạn bè đang giữ trọng trách này nọ. Ai nấy tay bắt mặt mừng. Cùng quan tâm đến cuộc biểu tình, xuống đường. Trên cộng đồng facebook đã tường thuật và có khá nhiều hình ảnh. Không nhắc lại nữa. Nhiều anh em đi theo đoàn biểu tình qua nhiều ngã đường, lúc quay về vẫn thấy y ngồi tại cà phê vỉa hè, anh Huỳnh Ngọc Chênh bèn trêu: “Trước khi đi biểu tình thấy người đẹp cũng xáp vào làm một tấm... Sau khi đi biểu tình toát mồ hôi, trở về lại vẫn thấy lão mê gái Lê Minh Quốc vẫn còn ngồi y tại đây. Lão nầy chỉ biết mê gái, đếch yêu nước”. Hehe. Y chỉ cười.
Có lẽ, nhà văn Thiếu Sơn là người đầu tiên sử dụng cụm từ “tháp ngà văn chương”? Trên báo Đối diện số 65 (8.10.1974), quay ronéo có bài Từ tháp ngà vào nhà lao của ông. Cuối bài có in ký họa ông của họa sĩ Bửu Chỉ và ghi ngày 19.6.1973. Hôm nọ lai rai chung, nhà văn Lê Văn Nghĩa “khoe” từng ở tù chung với nhà văn Thiếu Sơn tại khám Chí Hòa. Mở đầu, Thiếu Sơn viết: “Tôi viết văn từ hồi trên dưới 20 tuổi. Cuốn sách đầu tay của tôi xuất bản năm 1933 và đã được thiên hạ để ý tới. Tôi tiếp tục sự nghiệp văn chương và tự mãn tự kiêu là mình sống trong Tháp Ngà để tài bồi cho văn hóa”. Kế tiếp, ông cho biết vì sao đã thoát khỏi tháp ngà để dấn thân? “Sống trong Tháp Ngà vẫn sung sướng hơn sống trong nhà lao. Nhưng Tháp Ngà còn đâu nữa và trong lúc đất nước nghiêng ngửa, liệu mình có thể sống riêng rẽ được không?”.
Tất nhiên là không.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|