LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.4.2014


Le-minh-tam-Hoi-An

Anh LÊ MINH TÂM tại phố cổ Hội An chiều ngày 27.4.2014 (ảnh: An May)

 

Nhật ký? Ai cũng có thể viết, nhằm ghi lại những gì đáng nhớ trong một ngày. Nếu chỉ quanh quẩn câu chuyện riêng tư thì chẳng ma nào thèm ghé mắt đến. Câu chuyện mỗi ngày của kẻ tầm thường như y chẳng có ý nghĩa gì cả. Đọc làm gì, nếu nó không gắn với dòng chảy thời sự đang diễn ra. Nhật ký của ai cũng vậy thôi. Phải phản ánh thời gian đang sống. Có như thế, sau này, qua nhật ký của một người, thế hệ sau mới có thể tìm thấy cái gọi là, tạm gọi dấu tích của một thời. Vẫn biết thế, khổ nổi, y là kẻ yếu bóng vía nên đôi lúc đã bỏ qua nhiều thông tin lẽ ra phải ghi lại.

Chẳng hạn, những thông tin này:

Bây giờ không phải là lúc bàn đến việc Hội An thu tiền vào tham quan là đúng hay sai nữa. Nhật ký 25.4. 2014 đã đề cập đến. Có điều chiều hôm qua, lúc 16 g ngày 27.4.2014, y có mặt tại phố cổ Hội An và tự nhiên trong lòng có cảm giác như lạc vào cõi xa lạ nào đó. Một cảm giác lạnh lẽo chạy dọc theo xương sống. Đường phố chết. Đường phố vắng hoe. Những gương mặt thẫn thờ. Nhìn vào quán, chỉ thấy bàn ghế trống trơn chứ không thấy người. Đâu rồi những tấp nập, những du khách, những lời rao, tiếng gọi ấm áp và thân mật của thuở nào?

Đừng quên, Hội An trở nên đẹp, hấp dẫn chính là nhờ du khách. Du khách đến tạo nên nguồn sống cho nó. Ngược lại, lâu nay Hội An đã làm được một điều mà nhiều nơi  khác chưa làm được: du khách đến không nghĩ mình là khách mà họ hòa nhập và sống thân thiện cùng thiên nhiên, cảnh vật nơi ấy. Vì thế, khi đi xa họ lưu luyến, thấy nhớ và tìm cách quay trở lại. Người ta chỉ quay trở lại nhà mình, chứ tha thiết gì cái nơi đến mà mình chỉ là khách? Làm gì có chuyện trở về nhà mà trước mắt là các tấm bảng to đùng: “Khu vực yêu cầu có vé tham quan”; lại thỉnh thoảng loa phóng thanh nhắc nhở phải mua vé tham quan vì “thì là mà” góp phần trùng tu di tích v.v…

Sòng phẳng quá.

Lâu nay, Hội An tạo nên sự thân thiện chỉ vì nó không lộ ra cái sự sòng phẳng đó. Muốn sòng phẳng ư? Quá dễ. Du khách đến chỉ là kẻ đi qua chứ không còn cảm giác trở về nhà nữa. Sự mất mát ấy mới là lớn. Mà thôi chẳng nên nói nữa. Chỉ biết rằng, phải mất một thời gian nữa, lâu hoặc mau còn tùy thuộc vào nhận thức của người ban hành chính sách thì Hội An mới có thể lấy lại được tình cảm như trước. Muốn thay đổi, muốn gì đi nữa thì vẫn có cách làm tốt hơn nếu con người ta thật sự nghĩ rằng, làm nên nét đẹp của Hội An chính là từ du khách. Nghĩ như thế, sẽ có những biện pháp “trong ấm ngoài êm” chứ đâu phải tạo ra một cảnh tượng như lúc tan chợ chính y đã chứng kiến chiều qua. Bài học của Hội An là gì? Một chính sách ban hành nếu bất cẩn thì chính dân trực tiếp lãnh đủ. Muốn sửa sai, phải trả giá.

Những ngày này vụ niêm phong 559 SJC, tạm giữ gần 15.000 USD của tiệm vàng Hoàng Mai (Bình Thạnh) thật quá hớp. Nhiều báo chí cho rằng, CA quận BT có dấu hiệu lạm quyền. Đáng phàn nàn nhất là ở chỗ dư luận cho rằng cơ quan chức năng đã “gài bẫy” người dân chăng? Nếu không, giải thích thế nào về quyết định khám xét ban hành vào ngày 23.4, thời điểm chưa có nghi vấn mua bán ngoại tệ trái phép diễn ra, mà diễn ra vào ngày 24.4? Rồi nhiều chi tiết vô lý khác mà báo chí đã phân tích. Nếu đúng như thế, phải suy nghĩ thế nào đây?

Sực nhớ đến các phóng sự, bài báo viết thời Pháp thuộc, ngày đó, muốn vu cáo, hãm hại ai chỉ cần ném thuốc phiện, truyền đơn cộng sản vào nhà người ta hoặc chôn rượu lậu ngoài vườn của họ… rồi đến khám xét là gia chủ tù mọt gông! Kêu oan thế nào? Sự vu cáo này bẩn thỉu quá. Một doanh nhân bảo y, làm ăn thời buổi này khó lắm, phải chung chi đủ mọi cửa, kể cả bảo kê của bọn lưu manh xã hội đen. Rồi phải “biết điều” với cơ quan chức năng đóng trên địa bàn, ngày Tết ngày lễ phải có quà cáp; lúc họ vận động tiền này, tiền nọ cũng phải vui vẻ “cho nó xong”… Nếu không, nay kiểm tra này, mốt kiểm tra kia thì chỉ có nước húp cháo.

Một xã hội tốt còn là có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nhân làm ăn đúng luật pháp, chứ không thể “gài bẫy” khiến họ nản chí làm giàu. Dân không giàu, làm sao nước mạnh? Vụ việc ở Bình Thạnh tác hại lớn nhất là gì? Là trong lúc chính quyền đang nỗ lực từng ngày xây dựng hình ảnh nhân viên công lực, công quyền đẹp dần trong mắt người dân thì cú làm vừa rồi đã khiến thiên hạ “kêu trời không thấu”.

Nghĩ mà buồn.

Đọc các bài báo đau đớn về vụ tiệm vàng Hoàng Mai, mừng ở chi tiết là bà chủ tiệm vàng quyết không cho cơ quan chức năng mang số vàng ấy đi. Nếu họ mang đi, bà sẽ chết ngay lập tức. Đồng tiền liền khúc ruột. Ai cũng thế thôi. Đọc mà nhớ lại thời của gia đình y. Ai đời, một gia đình “Việt cộng nằm vùng”, gia chủ từng bị chính quyền Sài Gòn tống giam ở tù Côn Đảo nhưng khi có chủ trương đánh tư sản sau năm 1975, lập tức người ta lại đẩy đồng chí một thời về phía thù nghịch. Ngày đó, y đi bộ đội. Lúc về mới nghe mẹ y kể lại là thời điểm đó người ta tràn vào nhà để cùng ăn, cùng ở và bằng mọi cách tìm cho ra vàng còn giấu ở đâu? Giấu trong tường chăng? Đục tường. Giấu dưới giếng à? Cho máy hút cạn nước giếng rồi thả người xuống mò v.v…. Đi đâu thì cũng có người đi theo, kiểm tra có lén lút giấu vàng ở đâu nữa không? Đi ra phố, dù láng giềng hàng xóm không ai dám chào hỏi, sợ liên lụy.

Đỉnh điểm của “cuộc đấu tranh chống gia cấp tư sản” là lúc người ta buộc gia đình y phải rời khỏi nhà đi kinh tế mới. Giao nhà lại cho cơ quan nhà nước quản lý giùm. Ba của y hoạt động nằm vùng, từng vào tù ra khám nhưng lại chần chừ. Không dám phản đối quyết liệt. Có lẽ ông nghĩ rằng các đồng chí mình hiểu nhầm chăng? Chứ làm gì có chuyện trở mặt, lá mặt lá trái như lật bàn tay? Vô lý quá, dù gì cũng còn có tình người nữa chứ? Vì thế ba y làm đơn kêu cứu khắp nơi. Nhưng rồi, chẳng ai dám chìa bàn tay như thuở trước, có lẽ họ cũng sợ cấp trên đánh giá về tư tưởng, lập trường nên né tránh chăng?

Từ một người buôn bán hàng rong, bán cá ở chợ Hàn, làm ăn lương thiện, tằn tiện để rồi trở thành chủ tiệm vàng ở chợ Cồn giàu có một thời bỗng dưng trở thành vô gia cư. Thử hỏi ai không uất ức? Trong phút dầu sôi lửa bỏng ấy, mẹ y - người đàn bà Quảng Nam đã từng nuôi cán bộ kháng chiến trong nhà, chồng cũng vì “nằm vùng” mà tù tội tự dưng trở nên mạnh mẽ, cứng rắn lạ thường. Nếu cúi đầu chấp nhận là mất hết, đường nào cũng đã mất, đã trở thành kẻ trắng tay, cuối cùng chỉ còn cái nhà, bằng mọi cách phải giữ. Phải giữ đến cùng. Nghĩ thế, mẹ y cương quyết cố thủ, nếu cần thiết mạng đổi mạng. Cuối cùng, người ta phải chùn tay. Nhờ thế, ngày nay mới còn cái nhà mà anh em y đang ở, đang thờ phụng gia tộc.

Thời gian đi qua. Thời ấu trĩ ấy đi qua. Dần dà, các đồng chí của ngày nào mới quay trở lại và bày tỏ sự thân thiện. Sau đó, người ta có trả lại chút đỉnh những gì đã tịch thu, chỉ trả “gọi là” như một cách xin lỗi và sửa sai. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là lòng tin, người ta đã trả lại lòng tin thế nào? Mẹ y đã già rồi. Bà không muốn nhắc lại nữa. Y cũng chẳng muốn nhắc lại nữa.

Nay viết đôi dòng chỉ vì thương cho chủ tiệm vàng Hoàng Mai. Thời buổi này, đã sau bao nhiêu năm thống nhất rồi lẽ nào vẫn còn những sự cố đau lòng ấy tái diễn ư?

Nghĩ thêm chỉ mệt đầu.

Nghĩ về sự kiện này vui hơn. Đêm 16.4.2014, UBND Q.1 tổ chức kỷ niệm chợ Bến Thành tròn 100 tuổi. Vài thông tin đáng lưu ý: Năm 1860, sau khi chiếm được Gia Định, người Pháp đã xây dựng chợ Bến Thành tại khu vực đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng hiện nay. Chợ Bến Thành mới tại địa điểm ngày nay xây dựng từ năm 1912 đến 1914 thì hoàn tất. Cuối tháng 1-2012, chợ Bến Thành được tạp chí ẩm thực Food and Wine chọn là 1 trong 10 điểm đến có món ăn đường phố hấp dẫn nhất hành tinh. Rõ ràng, chợ Bến Thành “trẻ” hơn chợ Đồng Xuân - do người Pháp xây dựng từ năm 1889 và đã đi vào thơ ca hò vè thì chợ Bến Thành cũng không thua kém gì. Lược ghi vài câu:
 

Chợ Bến Thành dời đổi

Người sao khỏi hợp tan

Xa gần giữ nghĩa tao khang

Chớ ham nơi quyền quí mà đá vàng phụ nhau

 

Chợ Bến Thành mới

Kẻ lui người tới

Xem tứ diện rất xinh

Thấy em tốt dáng tốt hình

Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa ?

 

Mười giờ tàu lại Bến Thành

Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao

 

Anh ngồi quạt quán Bến Thành

Nghe em có chốn anh đành quăng om

Anh ngồi quạt quán bà Hom

Hành khách chẳng có, đá om quăng lò


Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ

Anh nhìn cho tỏ thấy rõ đèn màu

Lấy em anh đâu kể sang giàu,

Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em!

Đã chiều rồi. Tiếng kinh bên chùa đã vọng sang. Lẽ ra, nghe lòng thanh tịnh lại nhưng không, y lại khoái nhậu bởi đã đến giờ với cuộc hẹn bạn bè.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment