Cơm bình dân thế nào? Đã lâu lắm, trưa nào cũng về nhà, chứ nào dám béng mảng vào quán cơm bình dân, mà dẫu có là nhà hàng sang trọng đi nữa cũng không. Về nhà, ăn cơm mẹ nấu vẫn ngon nhất. Vậy mà, trưa nay y lại tạt vào. Một dĩa cơm chỉ đủ “bò chét nhét nhét miệng hùm”, phía trên có thêm rải vài cọng rau muống luộc đã sẫm màu đen, một chén canh lỏng bỏng vài miếng bí bầu xắt nhỏ và một con cá hồng chiên cỡ nửa gang tay, cả thẩy giá 20 ngàn đồng. Lúc ăn ngẫm ngợi, không rõ quán cơm Nụ cười giá bán chỉ 2.000 đồng, người ta có no không? Đôi khi cũng chẳng phải đạo đức gì, có lẽ nhiều người cũng cảm thấy áy náy, tự nhiên mang lấy mặc cảm “mang tội” khi được mời ăn chiêu đãi nhân dịp gì đó. Trời, trên bàn “tràng giang đại hải” thức ăn, muốn gì thì gọi, nhà hàng bưng ra ê hề, ăn không hết bỏ mặc và lúc về hiên ngang đứng dậy, đơn giản chẳng phải mình trả tiền. Sực nhớ, ngày còn nhỏ, mỗi lần ăn, chỉ một vài hạt cơm rớt xuống bàn mà không nhặt lên chén; hoặc ăn không hết, bỏ bứa ra đó ắt bà ngoại nhắc nhở ngay “Ăn uống tèm nhem là "mang tội" đó con”. Ơ hay, thức ăn của mình, mình ăn không hết, bỏ phứa là cái quyền của mình sao lại “mang tội”? Chẳng phải đâu, thời buổi gạo cao thóc kém, thắt lưng buộc bụng nhiều người còn đói khát mà mình lại lãng phí quá là điều không nên.
Trong lúc ăn, nhìn qua bên kia kia đường, góc Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Đình Chiểu lại nhớ đến anh bạn nhà báo Phạm Phú Túc. Khu nhà anh trú ngụ, sát vách với nhà của Hồ Thi Ca là do Đài Phát thanh cấp cho những hộ gia đình cán bộ, công nhân viên của Đài, nay đã giải tỏa và đang xây cao ốc. Mấy chục năm rồi, chẳng biết xây thế nào mà trưa nay chỉ thấy mới có mấy vách tường gạch cao lêu nghêu. Cái thời đó sao mà vui. Nửa đêm đi chơi, thay vì về nhà trọ, lại tấp vào nhà Túc ngủ nghê, gọi bia bọt, ca hát ầm ĩ suốt đêm. Chủ nhà không một lời phiền trách. Đi ngủ lang thời đó vẫn thường cặp kè với Đoàn Vị Thượng. Có những lúc khuya khoắt lại phóng xe qua quận tư ngủ lại nhà Nguyễn An Dương; qua quận Tám ngủ nhà Ngô Nguyên Nghiễm; xuống quận 1 ngủ lại căn hộ nhỏ như hộp diêm của Nguyễn Quốc Chánh; về Q.3 ngủ nhà Nguyễn Thái Dương… Tuổi trẻ mà. Cả đêm lại bia bọt rồi tán ngẫu chuyện văn chương ầm ĩ cả đêm. Vậy mà rạng sáng lại tỉnh như sáo, lại bắt đầu công việc mỗi ngày.
Thời gian qua nhanh quá. Lúc ngoảnh lại, bao giờ cũng cảm tưởng như chỉ vừa hôm qua. Hôm qua, đọc lại tập sách Tự học Quốc tế ngữ Esperanto in tại Hà Nội (NXB Phổ Thông - 1957) do Đào Anh Kha - Nguyễn Hải Trừng biên soạn. Esperanto là công trình vĩ đại của bác sĩ Ba Lan Ludwik Lejzer Zamenhof (1859 -1917), ông sáng tạo năm 1887. Thời còn ở bộ đội, anh bạn thơ Mừng Hoang Vu đã dạy y học Esperanto, tất nhiên qua thư từ. Nhớ lại tự nhiên thấy bùi ngùi, chà, nhớ thời ở rừng, thèm đọc ghê gớm. Lật tập sách này, thấy có in câu nói của nhà văn Rô-manh Rô-lăng: “Muốn cho các dân tộc thân thiện với nhau, trước hết họ phải nghe được tiếng nói của nhau. Esperanto đem lại thính giác cho con người điếc từ bao thế kỷ nay bị giam hãm trong bốn bức tường ngôn ngữ”. Lần đầu tiên mới biết được bài thơ La Espsro (Hy vọng) của cha đẻ của Esperanto, bài thơ có 6 khổ, thích khổ thơ thứ 5:
Sur neŭtrala lingva fundamento,
komprenante unu la alian,
la popoloj faros en konsento
unu grandan rondon familian.
Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát dịch:
Tiếng quốc tế hòa bình chủ nghĩa
Khiến cho người bốn biển hiểu nhau
Nhân dân trên khắp hoàn cầu
Cùng nhau liên hiệp yêu nhau một nhà
Ai muốn tìm hiểu hoặc học Quốc tế ngữ nên tìm đọc tập sách này. Ít ai biết, người Việt Nam đầu tiên đạt ba bằng Quốc tế ngữ Esperanto là ông Ngô Chân Lý. Ngày nay ít nghe nói đến Quốc tế ngữ nữa. Tại sao? Có lẽ, do chữ viết, tiếng nói của bất kỳ dân tộc nào cũng gắn liền với tâm hồn, tâm linh sâu thẳm của họ mà Esperanto dù tiện lợi có thể giúp “liên hiệp mọi người trên thế giới” (Lỗ Tấn) nhưng lại không đáp ứng được sự cốt lõi ấy chăng? Thì tìm đâu xa, cứ nghĩ rằng khi quan hệ chăn gối nếu bên tai chỉ nghe ù ù cạc cạc tiếng tây tiếng u như vịt nghe sấm liệu nó có đem lại cảm giác nghe bằng tiếng Việt không? Hiểu như thế, để thấy rằng tại sao các cuộc cải cách chữ Quốc ngữ lại không thành công, bởi chữ ấy trong con mắt nhìn ấy đã ngấm vào máu thịt, do đó, con người ta không dễ dàng gì chấp nhận một cách viết khác, dù nó hợp lý hơn.
Thời gian này đang đọc di cảo Tạp bút năm Giáp Tuất 1994 của cụ Vương Hồng Sển. Đặc biệt về địa danh, cụ Sển cũng cung cấp khá nhiều điều mà ai cũng cần biết để “ôn cố tri tân”. Với địa danh “Chắc Cà Đao” cụ giải thích nếu đọc đúng phải là “Cháp Pà Đao. “Cháp” là chụp, với bắt, nắm, còn “pà đao” là dây mây, nghĩa là "ngày xưa đến chỗ ấy dày mịt dây mây, phải tay vịn chơn trèo mới đi qua được”. Lâu nay, ta vẫn gọi “Sóc Trăng”, theo cụ “sóc là ngày mồng một, làm sao có trăng?” mà phải gọi đúng là Sốc Trăng theo phiên âm Sroock - khléang v.v… Tìm hiểu về nguồn gốc địa danh là điều cực kỳ khó khăn. Còn nhớ, trên báo Sài Gòn Giải phóng tuần san số 758 (1.10.2005), ở mục “Bạn đọc đặt câu hỏi” có người hỏi như sau: “Xin nói rõ hơn nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Bà Nà (Quảng Nam)”. Lúc đó, PGS.TS Lê Trung Hoa đã trả lời như sau (nguyên văn): “Âm gốc của địa danh này là Ba Na vì các bằng chứng sau đây: 1. Trong cuốn Sổ tay địa danh Việt Nam (1995), Định Xuân Vịnh không ghi Bà Nà mà ghi Ba Na (hay Bà Na), 2. Trong tác phẩm Cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2003, tr. 255) GS. Đặng Nghiêm Vạn khẳng định cư dân Bà Nà Bắc (?) có sinh sống ở Quảng Nam, Quảng Ngãi; 3. Trong cuốn Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (NXB Giáo dục,1995) GS. Nguyễn Tài Cẩn thường viết Bà Nà (tr. 13, 317, 321...) để chỉ tộc Ba Na; 4. Hai thanh ngang và huyền có nhiều tiền lệ chuyển đổi với nhau (ngày) nào - nào, (nhà) ngươi - người, (bao) nhiêu - nhiều... Vậy địa danh Bà Nà bắt nguồn từ tên tộc người Ba Na từng sống nơi đây”.
Cách giải thích này có thể chấp nhận được không?
Ta thử xét, địa danh “Bà Nà” đã xuất hiện cả trăm năm nay, ít ra từ năm 1900. Đó là năm mà Toàn quyền Đông Dương Doumer giao cho đại úy bộ binh Marine Debay khảo sát dãy núi Trường Sơn nhằm tìm nơi nghỉ mát, dưỡng sức, chữa bệnh tại chỗ thay vì phải về phép hàng năm tại chính quốc vừa khó khăn vừa tốn kém. Doumer xác định bán kính khảo sát khoảng 150 km kể từ Đà Nẵng ra Huế. Phụ tá cho đại úy Debay có các trung úy Baulmont, Duhamel, Vairel và thượng sĩ Thirion thuộc quân thủy đánh bộ để từ đó họ tìm ra Bà Nà. Hoặc ít ra địa danh này cũng xuất hiện vào tháng 2.1921 là năm mà thương gia Đà Nẵng Emile Morin cho xây khách sạn 22 phòng đầy đủ tiện nghi đưa vào kinh doanh. Ngôi nhà bề thế này nằm trên một sườn núi mà du khách có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng rộng lớn kỳ vỹ như một bức tranh toàn bích. Đây cũng là thời điểm nhà hàng Morin đầu tiên có mặt tại Bà Nà.
Thế thì với các thông tin như trên, nếu muốn chứng minh: “địa danh Bà Nà bắt nguồn từ tên tộc người Ba Na từng sống nơi đây” thì nó chỉ thuyết phục khi tìm ra văn bản xuất hiện trước đó, hoặc trong thời gian đó. Văn bản này có thể là văn bản chữ viết đáng tin tin cậy xét dưới nhiều góc độ, hoặc trong các câu chuyện kể được lưu truyền từ đời này qua đời khác v.v... Chứ không thể căn cứ vài ba cuốn sách mà vội kết luận. Hơn nữa, có một điều quan trọng không kém, nếu người Ba Na từng sống ở đây thì giới khảo cổ đã phát hiện ra những gì để chứng minh? Để có một kết luận cuối cùng về sự ra đời của một địa danh, thật ra không đơn giản căn cứ vào mấy cái dấu biến âm của “hai thanh ngang và huyền” một cách đơn giản như vậy được. Hơn nữa, cho đến thời điểm này lấy gì để chứng minh người Ba Na từng sống tại Bà Nà để dẫn đến biến âm như trên? Quả thật công việc này khó nhọc. Xưa kia, người Quảng Nam có câu cửa miệng: “Nói dốc như dốc Bà Nà”; nay có câu:
Không đi không biết Bà Nà
Đi rồi mới biết ở nhà còn hơn
Cụm từ "không đi không biết" chỉ là mô-tip cách nói quen thuộc dân gian, chỉ tếu táo, bông lơn thậm chí có lúc còn nhảm nhí như "Không đ không biết Đồ Sơn..." v.v... chứ không ác ý. Trở lại với Tạp bút năm Giáp Tuất 1994. Nhờ sở hữu bản Lục Vân Tiên in năm 1883, năm cụ Đồ Chiểu còn sống, cụ Sển quả quyết câu thơ:
Hỡi ai! Lẳng lặng mà nghe
Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau
là đúng, chứ không phải “Dữ răn việc trước, lành dè thân sau”, vì “bốn chữ bình liên tiếp trật họng không thể hát được”. Lời bình ngắn mà thuyết phục, thế mới biết gừng càng già càng cay. Ở tập sách này, lớp hậu sinh chúng ta còn được chia sẻ với cụ Sển tình yêu dành cho sách: “Nay sách đã về tay tôi gìn giữ, thú thật, đổi vàng không đổi, một lượng hay nhiều hơn nữa thiếu chi người có, mà sách này không dễ gì có…”. Qua tự bạch này ta thấy rằng, sở dĩ các tập sách của cụ Sển có giá trị nhất định, bởi lẽ cụ biết tiếp thu kiến thức từ sách. Hầu hết các tạp bút đều không dài, chỉ dăm trang nhưng gợi mở nhiều điều mà chưa chắc ai cũng tỏ tường; rồi thỉnh thoảng lại có chêm vào những câu thơ hay. Ngay cả tác giả lúc ngẫu hứng cũng có thơ như:
Chầu chực đợi cơm rơi nước mắt
Mong chờ tiếp bạn rụng lông nheo
Rõ ràng là có cái hóm hỉnh của ông cụ lúc ngoại 90 xuân xanh vẫn còn lắng đọng như đang tâm tình cùng bạn đọc trẻ. Sách nhiều, thời gian đâu đọc hết? Ngày hôm nay, nàng vẫn đi cà nhắc nhưng quyết không chịu lên Chợ Lớn mua thuốc thoa bong gân.
Cứng đầu đến thế là cùng.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|