LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.4.2014

 

tapchi-3609-ngay-16.4

Khách mời chương trình Tạp chí 360 HTV thu hình sáng 16.4.2104. Từ trái:  Nhà thơ Lê Minh Quốc, diễn viên Cát Tường, đạo diễn Lê Hoàng

 

Ham hố cho lắm. Đáng đời chưa? Sáng nay, 7g30 đã phải ra khỏi nhà. Có hẹn lịch thu chương trình HTV 360 lúc 8 giờ. Lại gặp đạo diễn Lê Hoàng và diễn viên Cát Tường. Cùng là khách mời. Trước lúc vào quay, Lê Hoàng hồ hởi phấn khởi cho biết đã viết xong truyện dài về tuổi học trò. Sức viết đáng nể quá. Hỏi: "Làm sao anh có thể viết đều dặn tiểu phẩm cho TNCN hằng tuần; và chưa kể phải viết bài cố định cho các báo khác?". Trả lời: "Lúc nào rảnh rỗi, tớ viết một mạch dăm ba bài. Đừng đợi đến hạn nộp bài mới ngồi viết, như thế tự làm khổ mình, nhở lúc đó mình bận công việc thì sao?". Đúng quá, các "bài nằm" thuộc hạng "thực phẩm dự trữ" đều có thể viết theo cách này. Ấy là phong cách nhà báo chuyên nghiệp. Có những nhà báo sống bằng nghề nhưng họ viết khổ sở quá. Đánh vật vài chữ cũng không xong. Có kẻ viết báo như sắp sửa "đấu khẩu" với vợ/ người tình. Bặm môi. Nhíu mắt. Căng thẳng. Thở hồng hộc. Mà vẫn không thể thốt ra lời. Còn y? Y viết với tâm thế "nịnh đầm" nên chẳng khó khăn. Ngồi là viết, dù bất kỳ không gian nào, thời gian nào. Về truyện dài sắp in của Lê Hoàng, anh sẽ xuất hiện dưới một bút danh khác. “Có thể tiết lộ tựa truyện dài và bút danh không?”. Anh lắc đầu. Tranh thủ đọc lướt qua vài trang trên Ipad của anh. Vẫn phong cách của Lê Hoàng:

“Các bạn thân mến của tôi, chắc các bạn đều hiểu bikini đối với con gái phức tạp như thế nào.

Không ai buồn nói tới quần đùi của bọn con trai. Dù chúng may bằng lụa, bằng sa tanh hay dệt bằng bao tải. Thậm chí, nếu con trai có mặc quần đùi dây, hoặc thêu lên đấy chim Công, chim Phượng, chim Hoạ Mi, chim Chích Choè thì cũng chả có báo nào đăng hay bàn tán.

Nhưng con gái thì khác. Con gái có thể mặc một nghìn thứ chả ai để ý, nhưng hễ mặc bikini là thiên hạ nháo lên. Thiên hạ toát mồ hôi hoặc xanh tái mặt mày.

Bikini là gì? Là hai mảnh vải bé, bé đến mức nếu dùng để lau nhà thì không khi nào sạch. Trên bikini không có in văn học, in lịch sử hay in địa lý gì cả. Rõ ràng nó không chứa đựng kiến thức. Vậy tại sao phải quan tâm nhiều như thế? Phải lo lắng và lên án nhiều như thế? Thiếu gì những đứa con gái hư cả đời chưa hề mặc bikini và thiếu gì gái ngoan chưa mặc bikini mà vẫn sáng như trăng rằm như Ly Cún này chẳng hạn...”
Thật tệ hại khi đổ lên đầu Bikini những tội lỗi mà nó không có, và cũng quá bất công khi giao cho bikini nhiều trách nhiệm nặng nề, kiểu như làm thế nào vừa mặc bikini vừa là con gái e lệ. Tôi, Ly Cún, xin tuyên bố với cả thế giới là tôi không đa tài đến mức đó. Tôi hứa lúc mặc áo dài tôi e ấp còn lúc mặc bikini tôi hấp dẫn. Tôi không thể nào pha trộn cả hai. Mai và những kẻ như Mai căm thù bikini đơn giản vì một cái bánh mỳ không thể mặc bikini. Mai quá mập tròn. Theo như tôi đánh giá, để may một bộ Bikini cho nó, phải tốn ít nhất mười mét vải, hoặc hai chục mét dây” v.v

Trước hào quang chói lòa của Nguyễn Nhật Ánh, có một vài nhà văn cũng đang muốn thử sức với đối tượng trẻ con. Mỗi người một phong cách. Càng vui. Các em sẽ có thêm nhiều sự chọn lựa. Tuy nhiên, có trở thành hiện tượng như N.N.A hay không thì chưa có thể nói trước điều gì.

Chương trình HTV 360 sáng nay, đại khái, bàn về chiến dịch vận động hiến máu nhân dạo do Viện Huyết học Trung ương phát động. Năm qua, chiến dịch này đã thu được 12.000 đơn vị máu. Tuy nhiên có điều đáng lưu ý tỷ lệ người hiến máu tình nguyện chưa đến 1% dân số. Bên cạnh đó là chuyện khi giới trẻ chơi ngông: Giữa đêm tối một anh chàng nọ ngẫu hứng bơi ra tháp rùa Hồ Gươm chỉ vì “muốn thử cho biết”; một anh chàng kia “hùng dũng” cưỡi ngựa giữa phố, bất chấp đèn đỏ; rồi một vài bạn trẻ vượt hàng rào bảo vệ… xỉa răng cọp. Kịch bản của chương trình này, đưa ra những cặp “đẹp”“chưa đẹp” để khách mời bình luận. Kế tiếp là chuyện dạy nhảy cho người khuyết tật của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển phối hợp với Công ty Bước Nhảy Xanh tổ chức. Bên cạnh đó là chuyện chăn gia súc trên đường băng sân bay ở tỉnh Điện Biên. Những cánh đồng rộng hàng hecta bao quanh đường băng chính do không có hàng rào cách ngăn nên lâu nay trở thành nơi… người dân chăn thả gia súc! Rồi tiếp đến, các khách mời bàn về đề tài biếm họa Việt Nam và chuyện làm mẹ đơn thân.

Ý kiến của y thế nào?

Thì hãy chờ xem chương trình này phát sóng vào lúc 16g30 ngày 26.4.2014. Lâu nay, quan điểm của y khi bàn về một vấn đề cụ thể nào là không thể tách rời nó ra ngoài mối quan hệ, sự chuyển động chung xã hội. Vừa kết thúc chương trình xong, xem đồng hồ đã 10 giờ rồi. Thế là bay chân bốn cẳng phóng xe chạy qua phim trường HTV 3 ở đại lộ Nguyễn văn Linh, quay tiếp Nhịp cầu tuổi trẻ về đề tài Tính đố kỵ của người Việt.

Trên đường đi trong trí nhớ không hề nhớ đến một ngõ hẻm trên đường Nguyễn Tất Thành. Không hề nhớ chút tẹo nào. Chừng mươi năm trước, ở đó có ngôi nhà mà y đã đến và lên bờ xuống ruộng. Trày vi tróc vẩy. Trần ai khoai củ. Có những khuya đơn độc chạy về Nhà Bè, đập cửa nhà bạn Trần Đào Hiền Nhân. Gọi bạn ra quán, năn nỉ bạn ra quán. Chỉ vì y đang rơi xuống hố thẳm. Bạn chìa tay vỗ về. Hai chiến hữu từng ngủ chung chiến hào ở chiến trường K đã ngồi ngay vỉa hè phố xá. Đêm lạnh buốt từ xương. Bia rượu cứ rót. Bạn an ủi nỗi niềm. Cứ uống. Uống mãi đến lúc gục xuống bàn thiếp đi. Chẳng rõ, tỉnh lại lúc nào. Rồi buồn bả phóng xe quay về nhà. Đường phố vắng ngắt. Lạnh từ xương. Bước vào nhà tối đen chỉ có con chó vẩy đuôi mừng rỡ. Đêm vẫn tối đen. Cũng từ ngôi nhà đó, có những lúc 1, 2 giờ sáng chạy về nhà trọ của Bùi Thanh Tuấn ở tít Tô Hiến Thành. Những cơn say của hai gã đàn ông độc thân chẳng thể khỏa lấp sự đơn độc. Đêm dài rống rỗng. Tình đời hoang vu. Tâm hồn khô cằn. Làm thơ mỏi mệt. Ngày tháng ấy tưởng không đủ sức bước qua dòng đời. Nhiều bài thơ đã viết. Đã thất lạc. Đã tự xóa hết. Mộng mị đã xa. Đã xóa hết những lời thở than từ muôn trùng xa lắc:

Cuồng điên mộng mị đêm qua

Tôi chìm đắm đuối mưa sa xuống trần

Dịu dàng thôi nhé bàn chân

Giẫm lên trên ngực tím bầm quả tim


Không còn một phút bình yên

Tìm đâu nhân quả nhân duyên nhân tình?

Ngôi sao ngày ấy lung linh

Đêm qua nhọn hoắt dấu đinh trong đầu


Tôi đau tôi đau tôi đau

Không lời than vãn nát nhầu đêm đen

Chỉ là cỏ dại hoa hèn

Mọc trên mặt đất bon chen về trời


Này em, em có cho tôi

Một đời được hát những lời yêu thương?

Cõi trần đã lắm tai ương

Tôi tìm về chốn thiên đường là em


Từng ngày bướm trắng bay lên

Nắng thơm áo mới từng đêm hẹn hò

Vẫn em, em vẫn thơm tho

Vẫn tôi, tôi vẫn nằm co đêm dài

 

Bao giờ níu được nắng mai

Dẫn tôi đi hết đường dài trăm năm?

Không một câu trả lời. Bài thơ này viết ngày 11.6.2005. Đã chấm dứt. Đã vô vọng. Đã khép lại ngày tháng của tai ương. Chẳng ai muốn quay lại tai ương dẫu đã phủ lên nhung lụa hoa hồng. Lâu nay và sáng nay chẳng hề còn đọng lại một chút nào tâm tưởng nữa. Đã quên. Mừng quá. Y là kẻ chóng quên. Con người ta chỉ có thể sống được khi biết quên. Chóng quên. Nếu trí nhớ lúc nào cũng ám ảnh về quá khứ làm sao có thể sống? Sống là quên. Quên để sống. Trang đời đã lật. Trang tình đã đến. Và đang có. Hãy giữ gìn. Y tự nhắn nhủ chính mình.

Trên đường đi chỉ quán sát đường phố. Đi hết cầu Ông Lớn, đi nữa, bao giờ gặp cầu Bà Lớn, quẹo phải là đến trường quay. Thử hỏi, Ông Lớn /  Bà Lớn là ai mà có tên cầu này? Cây cầu chỉ mới xây dăm năm thôi nhưng tìm câu trả lời cũng không dễ. Trên đường đi lại nghĩ đến trường hợp cháu bé học trò vì lấy trộm hai quyển truyện tranh bị người lớn, cụ thể là người lớn của siêu thị Siêu thị Vĩ Yên ở huyện Chư Sê (Gia Lai) làm nhục bằng cách chụp hình phát tán trên facebook. Đứa bé chỉ xấu hổ, còn người lớn có hành vi ứng xử ấy mới nhục. Cái nhục của người lớn mà cư xử tàn bạo như kẻ vô hoc, vô cảm. Ngày càng có nhiều chuyện oái oăm, trái khoáy không thể tưởng tượng nổi vẫn cứ xẩy ra. Tại sao? Phải thừa nhận rằng, trước sự việc đó, báo TT chọn in lại một đoạn văn trong Mùa hè Pestrus ký của nhà văn Lê Văn Nghĩa là khéo lắm. Hay lắm. Cũng đứa trẻ ăn cắp sách nhưng ông Nguyễn Hùng Trương - chủ nhà sách Khai Trí đã ứng xử hết sức nhân văn. Cảm động. Có dịp sẽ kể lại vài kỷ niệm với ông Khái Trí. Chuyện anh Nghĩa viết không hư cấu mà có thật. Y biết một vài người quen như nhân vật ăn cắp sách ấy, nhờ ông Khai Trí mà sau này lên danh phận. Sẽ kể sau.

Bước vào phong quay, ngay lúc bắt đầu thu hình nhà đài thông báo đề tài phải thay đổi. Vì lý do gì? Chà, lại sợ bóng sợ vía rồi. Thế là y cùng ca sĩ Lan Trinh bàn về tính sáng tạo của người trẻ. Cho an toàn. Dễ dàng phát sóng. Quay xong là đã gần 13 giờ. Đói meo. Anh em nhà đài rủ lại ăn trưa nhưng từ chối. Không thể bỏ cơm mỗi trưa. Phải về nhà. Tựa như hôm nọ mấy chị ở Hội văn học nghệ thuật Cần Thơ lên cơ quan y gửi tận tay Thư mời, Quy chế chấm thi, Thông báo cuộc thi, Quyết định thành lập Ban Giám khảo cuộc thi sáng tác kỷ niệm 10 năm Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Mời ăn trưa. Cũng từ chối. Biết từ chối ấy là không nên vì giữa y - thành viên ban giám khảo và các chị còn có nhiều chuyện cần bàn. Vẫn biết. Đôi khi có những nguyên tắc, dù thế nào cũng không thể vượt qua.

 

snag-tao-nguoi-viet-R

MC chương trình Nhịp cầu tuổi trẻ cùng nhà thơ Lê Minh Quốc, ca sĩ Lan Trinh quay hình sáng ngày 16.4.2014 chủ đề "Bàn về tính sáng tạo của giới trẻ hiện nay"

 

Tối nay đi ăn quán Nhật Bản với nàng. Câu chuyện lại xoay quanh những gì vừa viết. Đặc biệt nàng có kể thêm thông tin về “cuộc chiến” của những người yêu chó mèo với đạo diễn nọ. Chuyện tào lao xịt bộp mà cũng ầm ĩ trên cộng đồng mạng. Lạ quá. Chuyện này sẽ kể sau. Mấy hôm nay nhận nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn khen ngợi hai tập sách của y vừa in. Chỉ cười. Y luôn suy nghĩ: Lời khen của người này dành cho người kia, chỉ phổ biến trong vòng hai người, người khen và người được khen biết với nhau thì lời khen ấy không đáng tin cậy. Ai làm chứng cho lời khen đó là thành thật? Nếu thật sự và thành thật  khen ai đó, phải khen công khai ngay giữa đám đông. Ấy mới là sự thành thật đáng tin cậy. Lời chê của người này dành cho người kia, chỉ hai người biết với nhau là đáng tin cậy. Đáng tin cậy ở sự thành thật. Vì quý vì trọng mà chê. Chê người khác mà oang oang đầu làng cuối xóm cùng nghe, đâu còn là chê nữa mà đó là sự phỉ báng.

Lại nghĩ thêm rằng, kẻ phát ngôn trong lúc uống rượu khác với lúc tỉnh táo và ngược lại thì đừng bao giờ tin cậy. Tuyệt đối không tin cậy. Sống trên đời có một người để hoàn toàn tin cậy, trao gửi những tâm sự tâm kín nhất là một điều may mắn. Không phải ai cũng có được may mắn ấy. Kiểm chứng như thế nào nhỉ? Có phải lúc sa vào hố thẳm, tai ương khốc liệt nhất giữa sống và chết, lập tức như một phản xạ tự nhiên ta nhớ đến ai, phải cầu cứu đến ai đầu tiên thì người ấy là ta đáng tin cậy nhất?

Người đầu tiên ấy, lúc ấy, với  y là ai?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment