Thời trước năm 1975, y chỉ là đứa trẻ con, thò lò mũi xanh và tập tễnh làm thơ. Bài thơ cuối cùng, in trước giải phóng là bài thơ Đêm xuân hồng tuổi thơ, in trên báo Thiếu Nhi số 136 phát hành ngày 15.3.1975 với bút danh Thiên Bất Hủ. Chà, thời đó, y làm thơ cũng mướt quá đi chứ?
Trong vòng tay mẹ ngủ vùi
Đêm ba mươi Tết ngậm ngùi tháng năm
Lửa reo nồi bánh tình thâm
Con nghe sung sướng nhang trầm thơm sao
Chị Kim ửng má hồng đào
Ngồi bên chân ngoại thì thào nửa đêm
Con nằm trên cỏ ấm êm
Nhìn trăng mơ tưởng cánh chim bay về
Pháo hồng rộn rã đam mê
Vòm trời thơ ấu đêm khuya rực hồng
Cuối năm hát khúc ca lòng
Nghe hồn nhung nhớ tháng cùng đã qua
Đêm ba mươi nhớ xót xa
Vàng son dĩ vãng bướm hoa thiên đường
Trồng cây nêu nhớ vô thường
Dưa hành, thịt mỡ, mai vàng nghinh xuân
Đêm ba mươi nấu bánh chưng
Trầm hương thơm ngát lòng bừng nở bông
Con say sưa giấc mơ hồng
Vùi trong thơ ấu bềnh bồng yêu thương
Nhớ lại năm tháng đó, thỉnh thoảng đôi ba ngày lại có các cuộc biểu tình, xuống đường của các anh chị SVHS, các nhà sư, giới phu xe xích lô, xe lam, thương phế binh… Nhà y gần ngay chùa Tỉnh Hội, mỗi lần lên ngoại, có lúc đi ngang qua thấy những tấm biểu ngữ giăng ngang; hoặc dây kẽm gai chắn ngang ngoài đường. Trước cổng chùa, trong sân chùa mọi người tụ tập hát hò, biểu tình, đả đảo, chuyền tay nhau truyền đơn quay ronéo, tha hồ bàn chuyện quốc sự. Thỉnh thoảng, học trò lại nghỉ học vì trường lớp trở thành nơi tạm trú của bà con từ Quảng Trị, Huế, Đông Hà… tị nạn chiến tranh. Ca từ “Đại bác đêm đêm dội vào thành phố” của Trịnh Công Sơn là chứng tích một thời. Ngày đó, hầu như nhà nào cũng nghe nhạc phản chiến ấy từ loại máy cassette…
Những hình ảnh đó, bây giờ hầu như đã không còn. Nếu có, cũng chỉ là cuộc tập họp của một nhóm người chứ không tạo ra sự cộng hưởng của toàn xã hội như trước. Ngẫm nghĩ một lúc rồi tự hỏi, có phải ngày trước từng cá thể gắn kết với nhau hơn chăng? Những ngày đã qua, có lúc, đi ngang qua đường Võ Thị Sáu, Hồ Văn Huệ, Lê Duẩn, chợ Bến Thành… thấy nhiều biểu ngữ giăng lên, những thông tin này nọ được viết bằng chữ to trên giấy, trên vải của một nhóm người. Ở đường này, thấy một nhóm người dứng ngồi vật vạ; ở đường kia, thấy một đoàn người đang nhốn nháo, bất bình kêu gọi v.v... Có điều lạ, dù thế nào chăng nữa, các đoàn biểu tình ấy đều có trưng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế rồi, chỉ một vài tiếng đồng sau, có khi vài ngày sau lại “đâu vào đó”. Dòng chảy cuộc đời trở lại như trước. Ban đầu nhìn hình ảnh bất thường ấy, tò mò ngước nhìn, ai cũng thế, nhưng rồi chẳng ai dừng lại hỏi han, tìm hiểu. Dòng xe tấp nập lướt qua nhanh. Có lẽ, ai cũng nghĩ “không phải chuyện của mình”. Nghĩ thế, đi qua và không phân vân gì.
Rồi có những thông tin đã diễn ra sờ sờ trước mắt nhưng cụ thể thế nào, chẳng rõ. Phải dăm ba ngày sau, hôm sau tình cờ đọc thông tin trên mạng mới biết. À, thì ra thế này, thì ra thế nọ. Bởi báo chí “chính thống” không đề cập đến. Đi ngoài phố, thấy một vụ đánh ghen, va quẹt xe, tạt axít, diễu hành… mặc kệ họ, “không phải chuyện của mình”, va vào biết đâu mang họa vào thân. Chẳng dại. Thế là phóng xe chạy thật nhanh khỏi nơi chốn đó. Chuyện ai, người đó làm, chẳng buồn quan tâm đến. Con người bây giờ đã khác trước rồi chăng? Sự gắn kết đã không còn?
Lâu nay, thường nghe nói đến cộng đồng mạng. Lên đó, thấy gì? Hầu như những vấn đề thời sự nếu ai đó nêu ra cũng chẳng tạo ra một diễn đàn chung. Kỳ quặc ghê gớm, có những chuyện chẳng là gì, chẳng hạn nghệ sĩ nọ vỡ nợ, đoàn làm phim kia nghe đâu để quay vài thước phim đã có mấy con mèo phải ngỏm củ tỏi; hoặc chuyện ấm ớ gì gì đó, người ta bình phẩm loạn xà ngầu, ai cũng cho mình có quyền phát ngôn. Nghĩ cho cùng. Được thôi. Thế nhưng có những chuyện lớn lao hơn, chẳng có ý kiến gì nhiều. Chẳng có ý kiến nào phân tích, suy nghĩ nghiêm túc và trình bày quan điểm chỉnh chu.
Mỗi ngày lướt facebook, quái thật, hình ảnh phổ biến nhất vẫn là sự thể hiện “cái tôi” đến bội thực. Mẫu số chung của mỗi cá thể vẫn là trong ngày đó vừa ăn gì, chơi gì, đi đâu, ngồi với ai, mua sắm gì, vừa nhăng cuội những gì… Đôi khi đọc được những status, entry nào đó, chỉ là những câu viết vội, chẳng có một nội dung gì; hoặc nếu có bàn một chuyện nào đó nhưng ali5 ngoa ngôn như “múa gậy vườn hoang”. Hàng loạt thông tin vô thưởng vô phạt, riêng tư đó, chẳng rõ có ai cần phải biết không? Y thì không. Dứt khoát không. Vậy mà vẫn có like ào ào. Chẳng biết, ấy là thật sự bày tỏ sự thích hay chỉ là thói quen nhấn phím? Buồn cười thật. Thật ra, chẳng buồn cười gì, nghĩ rốt ráo cũng là một cách thư giản của nhiều người. Cách thư giản phổ biến nhất của cộng đồng mạng cho đến nay vẫn là post cái mặt của mình lên đó. Nếu có một nghiên cứu xã hội học, chắc chắn sẽ tìm ra câu trả lời thú vị, đại loại, tại sao con người ta luôn thích khoe cái mặt mình trong thế giới ảo?
Đến nay, từ selfie đã đi vào từ điển Oxford, từ năm 2013 và đã trở thành trào lưu. Sáng hôm qua, ăn phở và tình cờ đọc báo Tiền Phong (7.5.2014), có thông tin: “Theo các nhà biên tập viên của Oxford, mật độ sử dụng từ “selfie” đã tăng vọt lên 17.000 % chỉ trong một năm. Một nghiên cứu của Pew Research Center năm 2013, đăng tải trên Teen Vogue cho thấy 91% teen từng post ảnh tự sướng lên mạng”. Trào lưu này nói lên điều gì? Có phải “tự sướng là tự tin” như bài báo trên TP khẳng định? Các nhà làm điện thoại di động chắn chắc ủng hộ quan điểm này. Trái lại, tạp chí Nghề báo của Hội Nhà báo TP.HCM (số 30.4.2014) lại đặt câu hỏi khác “Nghiện chụp ảnh tự sướng là dấu hiệu ‘tâm thần?’”. Tha hồ tranh luận. Dù có tranh luận thế nào đi nữa, chắc chắn con người ta cũng không thể không mỗi ngày tự khai ra tất tần tật những gì mình đã làm trong ngày; và dứt khoát bên cạnh thông tin đó phải có cái bổn mặt của mình. Cái bổn mặt của mình mới quan trọng nhất, còn các chuyện khác chỉ xếp đằng sau!
Những ngày này, vụ Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương HD-981 vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 29’ vĩ độ bắc, 111 độ 12’ độ kinh đông, cách đảo Lý Sơn, bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý (tương đương khoảng 221 km), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đang gây ồn ào dư luận. Có nhiều ý kiến lưu tâm bày tỏ trên facebook không? Vẫn có đấy chứ. Tất nhiên. Nhưng lại không dấy lên một mối quan tâm chung của cộng đồng mạng. Lại hỏi, con người bây giờ đã khác trước rồi chăng? Sự gắn kết đã không còn hay vẫn còn nhưng nó thể hiện dưới một độ khác?
Trong lịch sử nước nhà, có một điều đã trở thành “nguyên tắc” mà đứa trẻ học mẫu giáo cũng thừa sức biết: khi nước nhà suy yếu, nội bộ không đoàn kết, lòng dân bất an thì dứt khoát triều đình từ phương Bắc lại xua quân vượt sang biên giới nước ta. Đọc sử, khoái trá nhất vẫn là triều Trần - một triều đại có công lớn nhất trong việc đánh ngoại xâm phương Bắc. Các ông vua Trần từ cha đến con đều không thèm sang chầu, bằng mọi cách thoái thác. Đời vua Trần Nhân Tông, bị thúc ép quá nên ngài cho chú họ Trần Di Ái và bọn Lê Mục, Lê Tuân sang chầu thay mình. Khi sứ nhà Trần sang, vua Nguyên ngang ngược phong Trần Di Ái thay làm An Nam Quốc Vương, đã thế còn lập bộ máy cai trị nước ta gọi là An Nam Tuyên úy ti do người của chúng đứng đầu. Rồi sai Thượng thư bộ Lễ Sai Thung cũng là phó nguyên soái của An Nam Tuyên úy ti đem 5.000 quân hộ tống bọn Trần Di Ái về nước.
Chuyện gì đã xẩy ra? Học sử, đọc sử khi biết được những tình tiết này, đứa trẻ nào lại không rộn trong lòng sự hồi họp, lo lắng cho vận mệnh nước nhà? Học sử là “ôn cố trí tân”, thế nhưng hàng loạt báo chí ngày hôm qua cho biết, ngày 7.4.2014, ngày kết thúc đăng ký môn thi tốt nghiệp phổ thông 2014, "có trường không học sinh nào chọn môn sử". Đau đớn chưa? Trở lại đời nhà Trần. Sau khi biết việc làm ngang ngược của triều đình phương Bắc, vua Trần ngầm cho quân lên tận biên giới đón đánh, Sài Thung bị tên bắn mù một mắt phải trốn chạy; còn bọn Trần Di Ái bị bắt đem về Thăng Long trị tội. Chính sử nước nhà chỉ viết gọn vài câu, đọc xong, hả hê, sung sướng lạ lùng và có thể thở phào, tự hào khí phách cha ông mình.
Khí phách là thế, anh hùng là thế nhưng sao đời chúng ta thì sao? Tất nhiên, mỗi thời đại đều có cách giữ nước của thời đại đó. Sử chép, mùa đông năm 1282 vua Trần Nhân Tông triệu tập hội nghị Bình Than nhằm tổ chức bộ máy chỉ huy; bàn kế hoạch phòng ngự, tấn công, bày binh bố trận nơi hiểm yếu. Không những thế, qua năm sau đích thân nhà vua tổ chức thao dợt thủy chiến tại bến Đông Bộ Đầu, cả thảy có 20 vạn quân. Mọi việc chuẩn bị đã xong nhưng lực lượng vẫn còn yếu, do đó, vua Trần Nhân Tông sai sứ sang xin nhà Nguyên hoãn binh để thương nghị lại. Vua Nguyên không đồng ý. Lập tức Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho gọi các phụ lão trong nước về họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Ai nấy cũng đều đồng lòng đánh giặc giữ nước.
Nếu thời đại chúng ta có một Hội nghị Diên Hồng? Chắc chắn, sử thời nay lại viết một câu giống hệt sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết: “Muôn người như một miệng thốt ra: Quyết đánh” chăng?
Sang hôm quan điện thoại cho anh Mỹ (Lửa Việt Tours) trao đổi về bài báo “Chớ để người ta khinh” in báo NLĐ (7.5.2014), anh viết: “Chuyện người Việt bị kỳ thị, xem thường khi ra nước ngoài không phải mới. Năm 1987, khi sang tu nghiệp ở CHDC Đức, các “thủ lĩnh Đoàn” của Việt Nam, trong đó có tôi, đã bị hải quan bạn lấy dây thừng khoanh vùng để kiểm tra, cứ như sợ lây dịch. Nhìn qua đoàn Lào, nghiêm túc với complet, cravat, samsonite. Ngó lại Việt Nam, áo quần xốc xếch, ai cũng mặc 3-4 bộ và xách thùng giấy cho nhẹ để mang đồ qua bán thay vì vali. Đi nước ngoài thời đó là “đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức” thì thiên hạ khinh là phải. Sau này, có dịp đi nước ngoài nhiều, càng cảm nhận rõ sự coi thường đó.
Khi ông chủ các tập đoàn Hyundai, Samsung, Daewoo... đang đi làm thuê vào cuối những năm 1960 thì Sài Gòn đã lắp ráp xe La Dalat. Vậy mà bây giờ, người Việt, nhất là các tỉnh phía Bắc, xin visa đi Hàn luôn bị làm khó. Với người Việt, xin visa khó và đắt nhất là đi Nga, chứ không phải Mỹ và châu Âu. Các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc... còn có bảng cảnh báo bằng tiếng Việt về những thói xấu của người Việt. Mọi việc đều có nguyên nhân, không phải tự nhiên mà họ hành xử với mình như vậy, vì đó là quyền của họ. Những người Việt chân chính chỉ cảm thấy buồn và xấu hổ khi nước mình bị liệt vào danh sách đen “những dân tộc xấu xí””.
Anh viết đúng. Ai cũng có nỗi đau lòng ấy. Nhưng có lẽ, trước thông tin hắc ám ấy phải nên tự nhìn lại mình. Có ý kiến xem ra “trái chiều” như y đồng tình, đọc trên mạng VietNamnet, nguồn “chính thống” đấy nhá: “Tóm lại là, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Người Thái vốn nổi tiếng là hiền hòa hiếu khách cũng có những động thái như thế này thì ta phải xem lại mình trước đã. Mọi người đừng nên vội vàng tát nước theo mưa, mới nghe qua đã sồn sồn lên án này nọ mà phải tìm hiểu cho kỹ. Hành khách đi đường hàng không cũng không đến nỗi bị hành kiểu đó đâu. Chỉ một vài trường hợp họ nghi vấn thì mới hỏi kỹ hơn thôi. Tôi cho rằng việc Hải quan Thái bắt trình 700 đô hay 20.000 bạt mà ngăn chặn được những trường hợp vào Thái rồi làm xấu hình ảnh người Việt trên đất Thái thì cũng đáng lắm. Tôi ủng hộ.
Các công ty du lịch nên giải thích cặn kẽ cho du khách hiểu và hợp tác. Trong khi các cấp cao hơn cần làm việc với bên Thái Lan để họ có chính sách riêng cho khách du lịch theo đoàn hoặc những người mang theo thẻ thanh toán quốc tế. Có nghiêm khắc với bản thân mình thì hình ảnh của người Việt trong con mắt bạn bè quốc tế mới khá lên được, đi ra nước ngoài mới có tâm thế đàng hoàng không bị săm soi, xét nét. Đừng để phải tủi nhục khi xưng là người Việt trên đất khách”. Khi bàn về thói xấu người Việt, không phải hạ thấp, tự bôi mặt, vạch áo cho người xem lưng mà cần thiết để tự sửa mình. Rất cần thiết. Lỗ Tấn vĩ đại còn ở chỗ ông dám thẳng thắn chỉ ra thói xấu của người Trung Quốc, rồi sau này còn có Bá Dương với Người Trung Quốc xấu lậu. Không phải họ không yêu dân tộc họ mà ngược lại là khác.
À, có chuyện này nghe xong thấy vui, ghi lại kẻo quên. Hôm nọ gặp Vũ Hoàng Minh Nhật - người bạn vai em quen trên mạng. Nhật sinh năm 1977, đúng năm y đi bộ đội. Nhật bảo, em muốn được một lần lai rai với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nguyên cớ thế này, Nhật kể:
Trong thập niên 1980, Nhật mới học lớp Tư có thầy Hoàng dạy môn Toán từ Hố Nai về quê em dạy học. Lúc ấy, các thầy cô chưa có nhà tập thể nên phải tạm trú trong nhà dân. “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, ba mẹ Nhật mời thầy về ở chung nhà. Thời đó, các tiệm cho thuê truyện còn nhiều, thầy Hoàng - giáo viên dạy môn toán nhưng lại mê văn thơ nên cũng thường thuê truyện. Mỗi đêm, khoảng chừng bảy giờ tối, sau khi cơm nước xong, thày cho gọi các cô cậu nhóc học trò tụ tập trước sân nhà và đọc truyện cho nghe. Mỗi đêm đọc vài trang, rồi đêm sau lại đọc tiếp. Tình thầy trò cảm động quá. Nhật nhớ lại, cuốn sách đầu tiên trong đời em được nghe thầy đọc là quyển Còn chút gì để nhớ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mà cũng lạ, thầy chỉ chọn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Từ dạo đó, Nhật đã mê Nguyễn Nhật Ánh, mê văn chương là vậy. Thì ra, sự giáo dục của người thầy từ năm tháng ấu thơ hết sức quan trọng. Thầy Hoàng dạy ở làng Phước Tân của Nhật khoảng bốn năm, sau đó chuyển về Biên Hòa làm công tác giáo dục… Không rõ thầy Hoàng có gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chưa, chứ Nhật đã gặp và vui mừng khi được gặp nhà văn đã tạo được ấn tượng trong ký ức tuổi thơ.
Nghe Nhật kể, trong lòng y cũng dạt dào một niềm vui và nhớ lại cái thuở học trò của mình, thời còn sinh hoạt cộng đồng: Khoảng năm 1973, từ Sài Gòn, nhà văn Nhật Tiến đã gửi tặng Gia đình Thiếu Nhi ở Đà Nẵng - một bút nhóm, thi văn đoàn trực thuộc báo Thiếu Nhi do nhà văn Nhật Tiến chủ bút, ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương chủ nhiệm - các tác phẩm của ông. Anh em thay nhau đọc. Sau này, những Chim hót trong lồng, Thềm hoang… luôn gợi trong tâm trí y một tình cảm quý mến về nhà văn đi trước. Ôi, văn chương đôi khi lại lưu lại trong lòng con người ta những yêu dấu khó xóa nhòa.
Trưa qua trên đường về, ghé qua chùa Xá Lợi xem triển lãm Thạch thiền - bộ sưu tập của anh Hàn Tấn Quang, người thực hiện tạp chí Kiến thức ngày nay mà tủ sách của y còn đóng bộ từ số 01 đến số 500. Trước đây, y đã xem Thạch thiền tại nhà riêng của anh, có ngẫu hứng viết tặng mấy câu thơ. Bài thơ này đã in trong tập sách Thạch thiền (NXB Phương Đông) như catalogue tặng người đến xem triển lãm của anh. Thơ rằng:
Ngẫu cảm
Từng phiến đá có linh hồn
Ngàn năm nay vẫn sinh tồn an nhiên
Sao không rũ bỏ ưu phiền
Học từ nếp đá dáng thiền vô ưu?
Y hỏi y đó thôi, bởi thừa biết chẳng bao giờ có thể làm học được điều đó.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|