Trong đời thường với quá nhiều bận rộn, lo toan rồi đôi lúc nhìn lại ai cũng tự thấy mình nhỏ nhen, vụn vặt, tầm thường. Chỉ là ràng buộc của những cơm áo gạo tiền, những sở thích, những khát vọng, những danh tiếng, những địa vị xã hội, những này những nọ mà thật ra cũng thấp lè tè dưới mặt đất. Thế mà lâu nay cứ nghĩ đang phấn đấu cho một điều gì cao sang lắm. Tất cả chỉ ảo tưởng. Ảo giác. Rồi một lúc nào đó bình tâm nhìn lại, giật mình khi thấy thời gian vùn vụt kéo đến, khoảng khắc ào ào trôi qua mới hay đã ngoài ngũ thập. Mà đã nên cơm cháo gì. Chán là thế. Cuộc sống tẻ nhạt quá. Từng ngày mòn. Từng ngày không một hơi hám gì. Không gì vui. Chỉ phận sự của một công chức mẫn cán. Những cuộc nhậu nhẹt quanh đi quẩn lại cũng dăm gương mặt cũ. Câu chuyện cũ. Ngày tháng cũ. Đường phố cũ. Trang báo cũ. Cảm xúc cũ. Tiếng than van đầu làng cuối xóm cũng cũ nốt. Chẳng có một tín hiệu gì mới mẻ để thấy gân lá vẫn xanh, máu vẫn rừng rực, tim vẫn cựa quậy và chân bước vẫn hăm hở lên đường.
Thế rồi, chỉ một nháy mắt sẽ ngốn xong một kiếp đời. Guồng máy vẫn quay. Bánh răng cưa vẫn thừa sức nghiến hết. Chẳng còn gì. Còn chăng chỉ một bãi hoang mộ chí. Một hắt hiu mưa phùn nghĩa trang lạnh lẽo. Rồi một sự Vô Danh tiếp nối từng thế hệ. Đời, thế mà vui. Nghĩ thế, để tự ý thức đôi khi phải thoát ra ngoài sự tẻ nhạt của mỗi ngày dù chẳng dễ dàng gì.
Hầu hết kiếp người, trong đó có y cúi gằm mặt xuống với những trò vặt vãnh, lụn vụn thì đáng kính phục thay lại có những con người lại có một tầm nhìn khác. Một tầm nhìn vượt ra ngoài trái đất. Tối qua nằm đọc báo, tự nhiên thích thú với thông tin có hay không sự sống ngoài trái đất? Còn nhớ lúc học tiểu học, đọc tờ Thằng Bờm của Nguyễn Vỹ trong đó có câu chuyện cổ tích Nhật Bản. Đọc và nhớ mãi đến giờ. Lúc ấy, y còn quá trẻ con để hiểu đoạn kết thúc.
Rằng, ngày nọ có người đánh cá lạc vào một đảo thần tiên, như Lưu Nguyễn lạc thiên thai. Nơi bồng lai tiên cảnh, anh ta khoái lắm. Dù vậy, đến một ngày nào đó anh ta cảm thấy nhớ nhà và đòi về. Ông tiên bảo, nếu về thì sẽ không còn cơ hội quay trở lại. Anh ta vẫn nằng nặc. Không thể giữ chân, ông tiên cho anh ta một cái lọ và bảo khi nào về đến trần gian thì hãy mở ra. Bịn rịn chia tay, anh ta về lại trần thế. Khi đến nơi, lại thay cảnh vật làng chài ngày xưa đã không còn một vết tích gì. Hỏi han lần dò, chẳng ai biết anh ta dù nói rõ ràng tên tuổi, gốc tích… Mãi sau có người bảo có nghe nói đến tên người này nhưng đã mất tích hàng trăm năm rồi. Anh kinh ngạc quá bởi mình còn sống sờ sờ đây. Chẳng ai có thể tin. Anh buồn bã mở nắp cái lọ mà ông tiên đã trao. Lúc ấy một làn khói trắng bốc lên, lập tức anh ta đã trở thành một người già khú đế và ngã xuống bãi biển.
Vài trăm năm chỉ một khoảnh khắc. Câu chuyện này nói lên điều gì? Lúc còn bé, chỉ biết nó hay và kết thúc bất ngờ quá. Nói thật, y chưa hề đọc truyện kiếm hiệp, dù một dòng. Trong khi đó bạn bè y rất rành, có những người kể vanh vách truyện kiếm hiệp Kim Dung là Đồ Bì, Nguyễn Nhật Ánh, Hoàng Hải Vân… Nhắc lại vì nhớ ông bạn Vương Trí Nhàn có tập sách Ngoài trời lại có trời và nhấn mạnh: “Đó là một trong ý tưởng xuyên suốt các bộ chưởng của Kim Dung, và càng ngày nó càng được nhiều người cho là có lý”.Lan man một chút để quay lại với bài báo Săn tìm ngoại hành tinh của Hàm Châu in trên TT ngày 20.4.2014. Có đoạn:
“Nhà vật lý thiên văn gốc Việt nổi tiếng Trịnh Xuân Thuận nhắc chúng ta nhớ lại: giữa thập niên 1970, con tàu thăm dò Pioneer 10 được phóng lên từ Trái đất, đã rời khỏi Hệ Mặt trời, bay vào khoảng không bao la của dải Ngân hà, mang theo tấm kim loại khắc hình một người đàn ông và một người đàn bà, với một bản đồ thiên văn chỉ rõ vị trí của Hệ Mặt trời trong dải Ngân hà. Lúc bấy giờ một số người đã phản đối gay gắt, bởi lẽ họ cho rằng làm như thế là bất cẩn, để lộ “địa chỉ” của chúng ta cho “người” ngoài Trái đất biết - những kẻ mà ta chưa hiểu rõ khuynh hướng của họ là yêu chuộng hòa bình, hữu nghị hay khát khao chiếm thuộc địa!
Không lâu sau đó, các tàu thăm dò Voyager 1 và Voyager 2 liên tiếp được phóng lên, cũng bay ra ngoài Hệ Mặt trời, mang theo một đĩa nén ghi nhiều âm thanh khác nhau trên Trái đất. Hai tiếng “xin chào!” được phát âm bằng 60 ngôn ngữ khác nhau, rồi tiếng kêu của loài cá voi, rồi âm nhạc của nhiều nền văn hóa, trong đó có một bản giao hưởng của Beethoven và một khúc hát của nhóm Beatles....
Proxima, ngôi sao gần Trái đất nhất, nằm trong chòm sao Nhân mã, cách chúng ta bốn năm ánh sáng. Với vận tốc tối đa mà các tàu thăm dò hiện nay đạt được 50km/giây, thì còn lâu lắm bức “thông điệp” kia của Trái đất mới tới nơi cần tới, bởi lẽ một năm ánh sáng, tức khoảng cách ánh sáng đi được sau một năm, tương đương 9.400 tỉ kilômet!
Mặc dù “địa chỉ” của loài người đã bị “tiết lộ” một cách “bất cẩn” gần 40 năm về trước, nhưng đến nay ta vẫn chưa nhận được một bức thông điệp phản hồi nào dù ngắn ngủi từ những nền văn minh khác!”.
Lần đâu tiên biết thông tin thú vị này nên đưa vào Nhật ký vậy.
Tiện tay lật quyển Phạm Tuân - người thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ. Quyển này là phụ san của báo TT ấn hành ngay sau khi Phạm Tuân quay về trái đất, dày 54 trang cả bìa, khổ 13x19, đọc kỹ vẫn không thấy tên tác giả, số lượng in, chỉ biết giá bán 2 đồng, chịu trach nhiệm xuất bản là BBT báo TT. Lúc ấy, Phạm Tuân đã mang theo những gì khi bước lên con tàu Liên hợp 37? “Nhiều lá quốc kỳ bằng lụa, nhiều quốc huy bằng vàng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập và bản Di chúc in trên giấy đặc biệt, một gói đất lịch sử lấy tại quảng trường Ba Đình, chân dung đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, huy hiệu và cờ của Tổng Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những bộ tem, phong bì con dấu vũ trụ…” (tr.41). Những chi tiết này chắc chẳng ai nhớ nữa. À, nhân vật dự bị cùng chuyến bay với Phạm Tuân lúc ấy là Bùi Thanh Liêm, nay chẳng nghe ai nhắc đến nữa. Số phận ra sao? Không biết mấy câu thơ này của Tố Hữu, nay còn ai nhớ không?
Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau
Mà ngăn sông làm điện, khoan biển tìm dầu
Chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ
Câu thơ cuối cũng gây nhiều tranh cãi một thời, do đó, Xuân Sách đưa luôn vào tập Chân dung nhà văn khi viết về Tố Hữu, có đoạn:
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta.
Nhà thơ Việt Nam có cảm hứng về vũ trụ sớm nhất và làm thơ đề tai này nhiều nhất vẫn là Huy Cận. Từ những năm 1949, ông đã có tập Vũ trụ ca. Còn nhớ loáng thoáng:
Hồn xa hỡi! Ta tù trái đất
Dây buồn thương buộc uất tim đau
Đêm dài vời vợi canh thâu
Vui chung vũ trụ, nguôi sầu nhân gian
Không phải ngẫu nhiên có nhà thơ nổi tiếng nọ đinh ninh rằng hai câu này không phải của Xuân Diệu:
Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung
mà do Huy Cận tặng Xuân Diệu. Y không tin thế và chừng mươi năm trước đã viết bài tranh luận in PN. Ôi, chuyện văn chương chữ nghĩa. Có là gì không? Ủa? Có ai lấy trái đất, quả địa cầu này làm quà sính lễ? Có chứ. Đó là nhà thơ Nguyễn Ngu Í lúc... nằm ở nhà thương điên. Nhân vật này lạ lùng, cậu ruột của bác sĩ nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc. Bài thơ Sính lễ, Nguyễn Ngu Í viết năm 1969:
Tặng em một quả địa cầu
Có điên có đói có đầu ngỗn ngang
Tặng em một dải giang san
Có thù có hận có đần độn ngu
Tặng em một hoa mùa thu
Có sâu có nhặng có đừ lẫn hư
Tặng em một khối óc bư +
một tim sắt đá = một lư hương tàn
Sáng nay đi họp với NXB Kim Đồng. Trao đổi vài ý kiến: Tại sao nhiều tác phẩm hay, đoạt giải từ Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Đan Mạch & NXB Kim Đồng tổ chức lại ít người biết đến? Thật đáng tiếc. Nhà thơ Trần Quốc Toàn khái quát bằng câu “Áo gấm đi đêm”. Đúng quá. Ở đây vai trò của báo chí cực kỳ quan trọng. Sực nhớ, bài Tình già của Phan Khôi đã in Phụ Nữ tân văn, nếu Phong Hóa không in lại chắc chắn không tạo ra một dư luận ghê gớm. Tương tự, nếu thập niên 1980 Tuổi trẻ không in lại Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp; rồi sau này Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư thì sẽ không tạo nên những hiện tượng lúc bấy giờ. Các tác phẩm đó đã in trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, ai đọc cũng khen hay nhưng phải khi in trên TT với số lượng lớn, nhiều đối tượng người đọc nên lập tức dậy sóng…
Thì ra một tác phẩm ra đời cũng cần có thêm sự may mắn nữa. Chuyện này còn dài. Loáng thoáng đôi dòng trong Nhật ký đặng giết thời gian vậy. Nàng đã đi Hội An sáng nay. Chiều thứ 6 về Đà Nẵng nghỉ ngơi. Bãi biển. Sóng gió. Nắng vàng. Cuối tuần thư giản. Và rượu đỏ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|