LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.4.2014


Nghề viết nhọc nhằn chỗ nào? Chính là lúc người ta không còn hứng thú để viết nữa. Thời trẻ, viết như điên. Vì cần tiền. Cần khẳng định nghề. Và nhất là ngọn lửa ảo tưởng hừng hực mỗi ngày. Ai lại không ảo tưởng rằng, bài viết của mình sẽ góp phần giúp đời sống tốt đẹp hơn? Bao nhiêu nhọc nhằn tác nghiệp tan biến hết, chỉ cần nghĩ tác động đến nhân quần xã hội là đã mê tơi sung sướng. Đã nghĩ mình làm một công việc có ích. Dần dà, mới biết rằng đã "ăn dưa bở" hơi bị lâu. Khi ảo tưởng mất đi cũng có nghĩa sự hăm hở, tin yêu của tuổi trẻ đã phai nhạt nhiều lắm. Đến một lúc nào đó, viết chỉ để mà viết. Bởi ngay lúc viết đã thừa biết tỏng cuối cùng thế nào rồi. Chỉ là viên sỏi ném xuống ao bèo. Không một tiếng vang. Rồi ngày mai, mọi chuyện lại đâu vào đó. Chẳng mảy may thay đổi gì. Dòng đời cứ thế trôi qua. Không còn một chút sinh khí nào. Và từ trong tâm tưởng không còn vọng lên tiếng réo gọi. Giục giã. Hăm hở. Như thuở nào:

Ồ những người ta đi hóng xuân;

Cho tôi theo với, kéo tôi gần!

Rộn ràng bước nhịp hương vương gót,

Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân.

(Huy Cận)

Không thèm quan tâm, để tâm để tứ đến bất kỳ chuyện gì nữa có nghĩa lúc đó người ta đã già. Sực nhớ câu thơ này:

Thâu qua cái ngáp dài vô tận

Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn...

Thơ Huy Cận, lâu nay cứ nghĩ của Vũ Hoàng Chương. Những ngày này, nhận được nhiều thơ. Đã nhận những bài thơ vào chung khảo của Hội học Nghệ thuật Cần Thơ. Sẽ đọc. Đã nhận nhiều tập thơ mới của bạn bè. Công bằng mà nói, tập Những tấm ván trên cầu Hiền Lương (NXB Trẻ) của Ngô Liêm Khoan là khá hơn cả. Đã đọc. Có thể dẫn chứng vài câu thơ hay:

... Lên chùa mượn một quả chuông

Lật ngược làm nồi nấu thịt

Rồi quỳ dâng lên cúng dường

Lòng thành khói hương nghi ngút:


- Thịt này con nấu nồi chuông

Không đem nồi da nấu thịt

Lửa vui thịt cũng không buồn

Sao mắt Phật mờ hơi nước...

Thơ hay, thơ dở cũng chẳng ý nghĩa gì. Hôm Khoan ra mắt thơ ở Hội Nhà văn TP.HCM, có đến một chút. Rồi về. Nhìn quanh cũng là những gương mặt đã cũ. Đã ngấy. Tịnh không một bạn đọc nào. Chỉ người viết với nhau. Mà có ai đọc của ai đâu. Vì thế, chẳng cảm hứng gì. Nguyễn Hữu Hồng Minh tường thuật lại trên mạng Một thế giới, có đoạn: “Và thật bất ngờ khi cả khách lẫn chủ buổi hội thảo đang hứng khởi, tuôn trào phấn khích, đột nhiên một phát hiện của nhà văn Trần Nhã Thụy khiến mọi người chựng lại: “Tôi nhận thấy các anh ở đây chỉ nói những lời hoa mỹ, đẩy đưa giả dối. Những lời nói có cánh đó liệu sẽ đưa thơ đi đến đâu? Và bao lâu nữa các nhà thơ sẽ xuống đất?

Theo tôi biết, tập thơ in 3.400 cuốn theo tác giả Ngô Liêm Khoan là ý nghĩa của con số 30.4 gì đó tôi không biết. Nhưng thực tế là thơ anh đang chất đầy nhà trọ mà chưa biết chỗ đi đâu cả!...

Cũng theo chỗ tôi đọc trên facebook của nhà thơ Ngô Liêm Khoan, anh rất hy vọng vào tổng công ty Fahasa sẽ nhận phát hành giúp mình một ít nhưng thật đắng cay sau nhiều thủ tục vòng vèo giấy tờ rắc rối, Fahasa chỉ nhận cho anh ký gửi đúng… 10 cuốn! 

Và sáng nay, tôi theo bạn tôi đến đây từ sớm với hy vọng khấp khởi rằng sẽ có nhiều người đến chia vui và mua thơ giúp bạn tôi. Nhưng sự thật là người đến thơ thớt và thơ từ sáng đến giờ không bán được cuốn nào! Và tôi đang chứng kiến các nhà thơ đang nhào lộn trên mây xanh… Sao không nhìn thẳng vào sự thật đi: Ai sẽ mua thơ? Các nhà thơ sẽ sống ra sao?...”.

Câu hỏi ấy đã vang vọng từ lâu lắm rồi. Nghĩ mà chán. Chán nhưng vẫn làm thơ và đọc thơ, ấy là nghiệp chướng vậy. Sáng nay, như mọi ngày, tình cờ vào facebook và đọc được bài thơ mới của Trần Hoàng Nhân vừa post, có câu hay: “Ngàn vạn đao binh trên cửa miệng”. Đọc, tự nhiên lại nhớ đến một ca từ của Trịnh Công Sơn: “Bạn bè ngồi quanh/ tuốt sáng giáo gươm/ Từng ngày đảo điên/ Giết chết linh hồn”. Lướt web. Nhì nhằng viết gì đó. Rồi, tất nhiên là phở. Trao đổi với Ngô Kinh Luân về những gì liên quan đến Đời, thế mà vui. Chưa kể với ai khác. Chỉ biết rằng, từ 1992, thời điểm viết tiểu thuyết hoạt kê này, đến nay sự tình về văn hóa văn nghệ có thoáng hơn trước nhiều. Lúc vừa đứng dậy, nghe điện thoại hẹn hò cà phê với người bạn văn từ Thái Bình. Lần đầu tiên gặp nhà văn Võ Bá Cường, tác giả Chuyện Tướng Độ (NXB Quân đội nhân dân) và vài tập sách khác. Cũng câu chuyện văn chương. Anh kể cho nghe nhiều chuyện thú vị, đại khái nhà viết chèo Tào Mạt phút cuối đời có viết câu thơ:

Sọ đầu mới vỡ lẽ đời

Trăm năm tròn một vành chơi thì về

Trong lúc ông bạn mới quen tha hồ chuyện nọ xọ chuyện kia, y chỉ quan tâm đến chữ “vành”. Truyện Kiều có câu:

Thiếp như hoa đã lìa cành

Chàng như con bướm liệng vành mà chơi

 

sang-ngay-25.4.2014

Từ trái: Nhà văn Võ Bá Cường, nhà sưu tập sách Phạm Thế Cường, nhà thơ Lê Minh Quốc & nhà thơ  Trần Hoàng Nhân


"Vành" là gì? Nghĩ thế cho nhẹ đầu. Còn chuyện "thâm cung bí sử" ông này, ông nọ, ông kia dù có biết thêm góc khuất của họ, với y, chỉ trà dư tửu hậu, chẳng việc gì phải quan tâm đến. Sinh thời, ông Sơn Nam tâm tình, chán nhất ngao du với mấy ông hưu trí vì lúc đó cứ nói thánh nói tướng, nói vung tí mẹt; nếu không cũng thở ra một giọng chán đời, rủa đời mà lúc còn quyền chức họ im thin thít như thịt nấu đông. Lúc già nên quan hệ với người trẻ để còn tìm ở họ sức trẻ, nhiệt tình tuổi trẻ. Nghĩ là nghĩ thế, chứ nhà văn già cũng có cái hay. Bằng chứng, đồng nghiệp Võ Bá Cường cho biết sẽ tiếp tục in ấn những quyển sách khác nữa. Còn viết được là vui rồi. Chia tay nhau, vào cơ quan. Trên đường đi, sực nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu: “Một trận mưa nhuần rửa núi sông”. Lại nhớ đến vụ đắm tàu tàu Sewol đang chấn động Hàn Quốc nên nối thêm vài câu vừa chợt đến:

“Một trận mưa nhuần rửa núi sông”

Bốn phương nam bắc cũng tây đông

Lẽ thường muôn hướng chung một hướng

Giọt loãng nào không tựa máu hồng?

Đêm qua, giao lưu Talk show Người trẻ viết gì - Giới trẻ đọc gì ngày 24.4.2014 tại NVH Thanh Niên. May quá, vẫn có chừng trên dưới một trăm bạn đọc trẻ. Hào hứng. Thú vị. Chân tình. Chẳng lẽ ngồi đây tường thuật lại? Không, chiều rồi. Chỉ biết chắc chắn rằng, đêm qua, y có đưa ra một câu đố nhưng không một bạn trẻ nào trả lời được. Câu đố: “Bạn cho biết thời gian gần đây, một nhà văn lớn của thế kỷ này vừa qua đời. Nhà văn đó là ai?”. Y hỏi đến lần thứ ba nhưng vẫn không. Bèn cho thêm vài dữ kiện: "Nhằm bày tỏ lòng thương tiếc nhà văn đó, tổng thống Colombi tuyên bố đất nước họ để quốc tang 3 ngày. Nhà văn đó là ai?". Vậy mà cũng chẳng nhận được câu trả lời. Người trẻ còn đọc sách đấy chứ? Tất nhiên là còn, nhưng họ đọc sách gì? Phải có một cuộc điều tra xã hội học thì mới có thể kết luận.

Thời gian qua nhanh quá. Mới bắt gặp thông tin này, chưa kịp suy nghĩ thấu đáo đã nhận thông tin khác. Hôm trước, nàng phàn nàn về vụ Hội An đưa ra nhiều phương án chấn chỉnh việc kiểm soát vé khi du khách tham quan phố cổ. Cụ thể, giá vé cho người Việt Nam là 80.000 đồng/người và người nước ngoài là 120.000 đồng/người. Các trang mạng xã hội trong và ngoài nước như vitalkforum on Facebook phản đối ầm ầm: “Tại sao tôi lại phải bỏ ra 120k chỉ để ăn một bát Mì Quảng ở trong chợ với giá 20k?”; hoặc: "Câu hỏi lại được đặt ra: Việt Nam có muốn khách du lịch hay không? Hiện tại, Việt Nam có khoảng 5.5 triệu khách du lịch. Các nước hàng xóm như Thailand có 57 triệu, Malaysia là 24 triệu, Campuchia có 7 triệu và Singapore có 35 triệu. Là một trong những nước có giá visa cao nhất châu Á hoặc bất cứ đâu, bây giờ lại thu cả phí để bước chân vào một khu phố” v.v… và v.v…

Vì quá yêu quê nhà, y phớt lờ. Cứ như không thèm quan tâm. Thật ra, y suy nghĩ lung lắm. Bằng cảm tính, y biết làm của Hội An là bất cập. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam) cho rằng: “Miễn phí thì tiền đâu để tôn tạo di tích”? Dù vậy, vẫn có cách làm khác hiệu quả hơn chứ? Tại sao một ly cà phê giá phổ biến 20.000 đồng/ ly nhưng tại trung tâm quận 1 lại 200.000 đồng/ ly mà chẳng ai phàn nàn gì, thậm chí còn chen chúc tìm đến? Tại sao các khu resort do tư nhân đầu tư giá vài triệu đồng/ đêm vẫn “cháy” phòng, trong khi đó các khu du lịch của ta, Bạch Mã chẳng hạn giá rẻ như bèo lại vắng tanh như chùa Bà Đanh mà ai đến đó cũng rùng mình buông một câu “thề không quay lại”?

Sự việc ở Hội An vừa qua gây khó chịu cho du khách, trước hết phải kể đến thái độ các nhân viên soát vé. Ông Sự cũng thừa nhận điều này. Theo y, cho đến nay các nhân viên thi hành phận sự ở nhiều cơ quan, công sở vẫn chưa được hướng dẫn, giáo dục, đào tạo bài bản về phận sự, quyền hạn của họ. Do đó, khi họ trực tiếp làm việc với người dân ắt nẩy sinh nhiều chuyện không hay ho chút nào. Ai cũng cho mình một cái quyền dù chức vụ bé tẹo tèo teo. Đội mũ bảo hiểm là đúng nhưng bao nhiêu vụ ai oán xẩy ra vì quên; hoặc không làm theo? Vào cơ quan nhà nước, công sở đừng dại gây sự, làm gì mắc lòng với nhân viên giữ xe. Họ bảo gì, cứ im lặng răm rắp làm theo, dù đến đó chẳng cầu cạnh gì. Bằng không lúc lấy xe, méo mặt ngay v.v… Biết như thế nên dễ dàng nhận ra thái độ của người thừa hành phận sự khi họ được giao một quyền hạn nào đó. Đi đến đâu mà gặp những "ca" va chạm này là cụt hứng ngay. Đừng quên rằng, “lỗ nhỏ đắm thuyền”. Kiếm tiền tôn tạo di tích là đúng nhưng tại sao không nghĩ ra một cách “móc tiền” tinh tế hơn, văn minh hơn, kín đáo hơn mà du khách vẫn hài lòng chấp nhận?

Thật ra, vấn đề Hội An nhìn xa hơn chỉ là phản ánh tư duy “ăn xổi ở thì” của người Việt, mong muốn kết quả phải nhanh chóng, chấp nhận “đi tắt” hơn là có một chiến lược lâu dài. Một quán phở ngon, khách đông thay vì tiếp tục giữ khách, "cải tiến" phong cách giữ khách và phát triển thêm nhiều chi nhánh thì nay tăng giá, mai lại tăng giá; nếu không, cũng giá đó nhưng chất lượng từ tô phở đến cung cách phục vụ kém hẵn. Khó có thể tìm thấy một đơn vị kinh doanh nào đã tạo ra thương hiệu mà vẫn duy trì được lâu dài. Đừng nhìn đâu xa. Thử liệt kê chừng trăm năm trở lại đây thôi, có thương hiệu nào đáng lưu ý?

Chà, ông bà ta có câu thật hay “hết khôn dồn đến dại”. Bàn thêm chuyện này làm gì cho mệt.

Hôm trước, Đoàn Tuấn bảo, đọc Nhật ký của Q đau đầu quá. Rút kinh nghiệm đây. Bèn kể chuyện phòng the chơi. Chuyện rằng, ngay lúc mây mưa "xông trận", anh chồng đổi "tư thế" liền bị vợ cằn nhằn, cáu quá, mắng vợ luôn: “Lâu nay, làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tí đã rùm beng cả lên”. Ơ hay! Câu này nghe quen quen? Trước vụ đội giá 300 triệu USD của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), nhiều chuyên gia lĩnh vực đường sắt cho rằng, đây là mức tăng quá cao và thiết kế chưa sát với thực tế. Lập tức, ông Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng - Đại diện Cục Đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) gào lên: “Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên” (báo Tiền Phong 24.4). Chà chuyện quốc gia đại sự mà quan chức nhà ta phát ngôn trước dân tình, bá quan văn võ cứ như chồng đang làm mình làm mẩy, hờn mát, giận dỗi trong... phòng the với vợ!

Khôi hài thật.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment